Mang Xuống Tuyền Đài

CHƯƠNG 5



Mọi người yên lặng khi Daniel Rosen xem lại tập hồ sơ lần cuối. Adam Hall có cảm giác gần như thương hại ông ta.
Daniel Rosen một thời từng nổi tiếng là một luật sư dũng cảm, một đàn anh, một bậc thầy tài ba nhất nhì ngành luật Chicago, trong thời gian gần ba mươi năm từng chinh phục, chế ngự, thôi miên, hớp hồn những vị bồi thẩm; từng làm những đối thủ phải kinh hãi và làm những ông chánh án phải nể sợ. Nay nhân vật một thời kiêu hùng đó về già, ngồi trước mặt chàng, đang bận tâm tính toán những lợi hại tủn mủn liên can đến quyết định giao phó công việc cho một nhân viên mới!
– Tôi đồng ý.
Rosen nói nhỏ nhưng giọng đầy đe dọa. Ông không giấu sự bất mãn khi bắt buộc phải để cho Adam Hall, một luật sư trẻ mới gia nhập công ty chưa đầy một năm, chưa ai biết tài năng ra sao, phụ trách vụ án tử hình Sam Cayhall. Rosen ngước mắt nhìn Adam, nghiêm giọng nói tiếp:
– Nhưng tôi nói để anh biết trước, khi vụ Cayhall kết thúc và anh trở về Chicago, tôi sẽ đề nghị Ban giám đốc kết thúc sự cộng tác của anh với nhà Kravitz & Bane.
Adam thản nhiên:
– Thưa ông, tội sợ việc ông định làm đó không cần thiết.
– Anh chỉ tới đây với dụng ý lợi dụng công ty.
– Thưa ông, tôi đã xin lỗi rồi.
Rosen nhếch mép:
– Anh khôn nhưng không ngoan đâu! Vụ Cayhall sẽ là vụ cuối cùng anh làm nhân danh công ty này.
Sau lời đe dọa ấy, Daniel Rosen lạnh lùng ra khỏi phòng họp.
Khi chỉ còn chàng và ông già Goodman ngồi lại, Adam mỉm cười:
– Cảm ơn ông.
Goodman nói về Rosen, vẻ bùi ngùi:
– Ông ấy không phải là người xấu đâu. Tôi biết ông ta từ nhiều năm rồi. Ông ấy mệt mỏi và thất vọng. Khi thất vọng, người ta thường trở nên cay đắng và khó tính.
Rồi ông đổi chuyện:
– Bao giờ anh đi?
– Thưa sáng mai. Tối nay tôi sửa soạn hành lý. Chỉ mười giờ lái xe là đến.
– Hồ sơ nặng dễ đến 50 ký đấy. Tôi đang cho soạn. Cũng sẽ gửi theo anh trong ngày mai. Anh đến là có hồ sơ chờ sẵn.
– Xin nói qua cho tôi biết về văn phòng của công ty ta ở Memphis.
– Tôi có gọi cho họ trước đây một giờ. Trưởng phòng là Baker Cooley đang chờ anh. Họ sẽ cung cấp cho anh một ô làm việc nhỏ và một thư ký cùng những gì họ có khả năng. Tôi phải nói trước: họ không có kinh nghiệm gì về các vụ hình sự đâu. Họ chuyên lo về kiện tụng, tranh chấp.
– Thưa văn phòng Memphis có bao nhiêu luật sư?
– Mười hai. Đó nguyên là một văn phòng luật sư nhỏ, bị công ty ta thôn tính cách đây mười hai năm. Trước đó văn phòng luật này chuyên phục vụ ngành kinh doanh bông gòn và mễ cốc. Nay thì phụ trách đủ mọi chuyện về thuế khóa, hợp đồng. Chỉ không dính dáng đến những vụ hình án thôi. Anh đã đến Memphis bao giờ chưa?
– Tôi ra đời ở Memphis nhưng tôi đi khỏi nơi ấy khi tôi còn rất nhỏ. Mấy năm trước tôi có đến Memphis thăm bà cô tôi một lần. Sáng mốt tôi sẽ nhìn thấy cảnh mặt trời mọc trên thành phố Memphis.
– Anh có thể đến nhà tù Parchman ngay. Tôi sẽ gọi cho ông giám thị Phillip Naifeh, người gốc Liban. Có khá đông người Mỹ gốc Liban sinh sống trong vùng đồng bằng ven sông Mississippi. Naifeh là bạn của chúng ta.
Adam hỏi lại:
– Giám thị nhà tù là bạn của ông sao?
Goodman gật đầu:
– Bạn. Tôi với Naifeh biết nhau nhiều năm rồi, kể từ vụ Maynard Tole. Anh nhóc ác ôn này là thân chủ thứ nhất của tôi đi vào phòng hơi ngạt. Đó là năm 1986. Tôi đến Parchman biện hộ cho Tole và gặp Naifeh, chúng tôi trở thành bạn. Ông ta chống lại án tử hình, anh tin được không?
Adam trả lời gọn:
– Tôi không tin.
– Ông ta thù ghét việc thi hành án tử hình. Anh sẽ học được nhiều điều ở khám tử hình đấy, Adam. Án tử hình vẫn được nhiều công dân Mỹ hoan nghênh nhưng những người có nhiệm vụ thì hành nó lại chẳng muốn chút nào. Anh sắp gặp những người ấy. Những người gác phải ngày đêm giao thiệp với tù nhân, những nhân viên Ban giám thị phải tính toán việc thực hiện vụ giết người với hiệu quả cao nhất, gọn nhất, đỡ tốn nhất. Họ phải thực tập việc giết người bằng phòng hơi độc cả tháng trước. Cuộc sống ở đấy kỳ lạ lắm. Nó làm cho tất cả mọi người ở đó, tù và cai tù, sầu não, chán đời. Naifeh sẽ cho phép anh vào gặp ông Cayhall. Hai người, luật sư và tử tù, có quyền nói chuyện với nhau mỗi lần hai giờ đồng hồ. Nhưng anh cũng nên chờ đợi lần gặp thứ nhất của anh với ông Cayhall chỉ dài có năm phút, vì có thể ông ta không chịu nói chuyện với anh. Nếu ông ấy từ chối, anh đừng ép. Nên trở lại gặp ông ấy vài lần nữa, nếu cần.
– Ông gặp ông Cayhall lần cuối khi nào?
– Khoảng hai năm trước. Wallace Tyner và tôi cũng đến gặp. Anh cần hỏi chuyện Tyner. Hắn nắm vững hồ sơ Cayhall từ sáu năm nay.
Đến lúc này luật sư Goodman mới bảo Adam đến gặp Wallace Tyner, nhưng chàng đã hỏi dò Tyner từ chín tháng nay về vụ án Cayhall. Chàng đã thu thập những tài liệu về vụ án: những bản tin đăng báo, những hình ảnh, đoạn phim thu cảnh ba phiên toà xử… và đúc kết chúng vào một cuộn băng có đầu có đuôi khá hoàn chỉnh. Qua những tài liệu ấy, Adam cảm thấy quen thuộc với ông nội chàng.
– Ông thấy ông nội tôi là người thế nào? – Adam hỏi.
– Hơi cao, gầy. Cũng phải thôi. Sống năm này qua năm khác trong khám tử hình, ai mà mập mạp hồng hào được. Ông ấy người gân guốc, thể lực có vẻ mạnh. Hút thuốc liên tục. Cũng phải nữa, tử tù chẳng có việc gì làm, vả lại họ cũng sắp chết dù có hút thuốc hay không. Tôi để ý thấy ông ta hút thuốc hiệu Montclair, bao giấy xanh. Tóc ông ta màu xám và có dầu. Tử tù không được tắm mỗi ngày. Hai năm trước tóc ông ấy còn khá dày. Râu xám. Mặt nhiều nếp nhăn. Ông ấy gần bảy mươi rồi, lại hút thuốc nhiều. Người da trắng trong khám tù trông yếu đuối, tiều tụy hơn người da đen. Họ bị nhốt trong phòng kín hai mươi ba giờ một ngày nên trông họ nhợt nhạt khủng khiếp. Mắt ông ấy màu xanh. Trông được lắm. Chắc thời trẻ, Sam Cayhall là một thanh niên đẹp trai.
Adam trầm ngâm:
– Sau khi bố tôi mất và tôi được biết về ông nội, tôi có hỏi mẹ tôi nhiều câu về gia đình tôi. Mẹ tôi không trả lời nhiều song có lần bà nói bố tôi có dáng người, mặt mũi không giống ông tôi mấy.
Ông già nhìn kỹ chàng trai:
– Anh muốn biết anh và Sam có giống nhau không chứ gì? – Ông lắc đầu – Không. Tôi không thấy có nét vẻ gì giống. Ông ấy không gặp anh từ năm anh mới ba tuổi, ông ấy sẽ không nhận ra anh đâu. Anh phải nói cho ông ấy biết thôi.
Chàng trai không giấu vẻ hồi hộp:
– Theo ông… khi biết tôi là cháu, ông tôi sẽ làm gì, nói gì?
Ông già cười nhẹ:
– Tôi chịu thôi, làm sao biết được. Song tôi chắc ông ấy sẽ bị khích động mạnh đấy. Ông ấy ít nói, tuy không được học cao nhưng thông minh, đọc nhiều, biết suy luận. Tôi chắc ông ta sẽ có những phản ứng đứng đắn, đàng hoàng.
– Nghe ông nói, tôi có cảm tưởng ông có cảm tình với ông tôi.
– Không hẳn đâu. Ông ta là người phân biệt chủng tộc quá khích và cuồng tín. Ông ta không hề tỏ ra ân hận về những việc ông ta đã làm.
Adam lại hỏi:
– Như vậy ông cho là ông Cayhall có tội ư?
Ông già chỉ thốt lên một tiếng “hừ” như đang suy nghĩ tìm câu trả lời thoả đáng. Có tội hay không có tội? Ba phiên toà đại hình đã được tiến hành để trả lời câu hỏi ấy về tử tội Sam Cayhall. Từ hơn chín năm nay, vụ án kéo dài lê thê qua hết toà án này đến toà án khác, không biết đã có bao nhiêu ông chánh án kế tiếp nhau nghiên cứu hồ sơ, không biết bao nhiêu bài báo, thước phim đã được dùng vào việc kể lại vụ đặt bom và xử án kẻ tội phạm. Cuối cũng ông già trả lời:
– Bồi thẩm đoàn cho là có tội, đó là điều quan trọng.
Chàng trai hỏi gặng:
– Nhưng còn ông? Ông nghĩ gì? Tôi muốn biết ý kiến của riêng ông.
– Adam, anh đã đọc hồ sơ, có thể anh còn đọc kỹ hơn cả tôi. Anh đã nắm bắt tất cả các tình tiết của vụ án, chắc anh cũng phải thấy là Sam Cayhall có tội.
– Nhưng…?
– Vụ án nào mà chẳng có cả trăm cái nhưng.
– Bị cáo không có kinh nghiệm sử dụng chất nổ. Có thể nói đương sự hoàn toàn không biết thuốc nổ là gì.
– Đúng. – Goodman gật đầu – Nhưng ông ta có quá trình hoạt động dài ngày trong hàng ngũ KKK. Thời ấy mấy anh KKK hung hăng đặt bom bừa bãi. Sau khi Sam Cayhall bị bắt, những vụ đặt bom ở địa phương không còn xảy ra nữa.
– Có hai người làm chứng khai trước vụ bom nổ ở văn phòng Kramer, họ trông thấy hai người đàn ông đi trong chiếc Pontiac màu xanh lá cây. Như vậy là có những hai người can dự trong vụ đặt bom văn phòng Kramer chứ không phải một.
Goodman lại gật đầu:
– Đúng. Nhưng một trong hai người đó không đủ tư cách làm chứng trước toà vì cảnh sát biết đêm hôm ấy anh ta say rượu bí tỉ. Người thứ hai không chịu ra khai ngay từ phiên xử đầu tiên. Ba năm sau anh ta mới nói nhưng anh không còn được gọi ra toà làm chứng nữa vì thời gian qua đã quá lâu.
Adam đổi câu hỏi:
– Như vậy ông cho là Sam Cayhall đặt bom một mình?
Goodman lắc đầu:
– Không. Tôi cho là ông ta có một tòng phạm.
Adam thở ra một hơi nhẹ:
– Tôi cũng nghĩ thế. Ông tôi không thể thực hiện được vụ đặt bom một mình. Nhất định trong vụ này còn có một người nữa. Người này không phải là tòng phạm mà là chính phạm. Nhưng… người ấy là ai?
– Chắc chúng ta chẳng bao giờ biết được người đó là ai. Người duy nhất trên cõi đời này biết là Sam Cayhall. Nhưng ông ta đã ra tòa ba lần, đã ở tù gần mười năm, sống để đợi bị hành quyết mà ông ta vẫn không chịu nói gì về người tòng phạm ấy với cảnh sát, với bồi thẩm đoàn, với những luật sư muốn cứu mạng ông ta. Tôi chắc ông ta sẽ không nói đâu. Có lẽ ông ta muốn giữ đúng lời thề của những thành viên KKK: Không bao giờ tố cáo đồng bọn, không hạ mình xin khoan hồng, tỏ dấu ăn năn. Ông ta không phản bội lời thề. Thân phụ ông ta là thành viên KKK, dòng họ ông ấy có nhiều người KKK.
Adam lại thở nhẹ:
– Tôi nhớ. Xin miễn nhắc đi nhắc lại.
Goodman mỉm cười:
– Xin lỗi. Dù sao đi nữa thì đến lúc này mọi việc đã quá muộn. Ta không thể đưa ra trước toà một anh tòng phạm mới tinh. Nếu có tòng phạm, ông ta phải khai ra lâu rồi. Nhất là khi bị kết án tử hình và chờ bị hành quyết thì người ta phải khai hết thôi. Ai cũng vậy, nhưng ông ấy đã không khai. Chúng ta đành chịu…
Adam đặt ngược câu hỏi:
– Như vậy ta có thể kết luận rằng ông ấy không có tòng phạm?
– Có đấy…
Goodman cầm bút viết mấy chữ lên tờ giấy, đưa cho Adam.
– Wyn Lettner? – Chàng trai đọc tờ giấy – Tên ai tôi nghe có quen…
– Wyn Lettner là đặc phái viên FBI phụ trách điều tra vụ Kramer, đã về hưu, hiện sống trong vùng du lịch có trò câu cá hồi ở Ozark. Ông ta thích kể những chuyện ngày xưa thời ông ta truy diệt băng đảng KKK ở Mississippi.
– Liệu ông ấy có chịu tiếp tôi không? – Adam hỏi.
– Chịu chứ. Tôi đã nói Lettner thích nói chuyện và hiện hành nghề hướng dẫn du khách đi câu cá. Hắn thích uống rượu. Sương sương rồi là vui miệng kể hết mọi chuyện. Hắn sẽ không tiết lộ những gì gọi là bí mật của FBI đâu, nhưng những chuyện vui vui bên lề trận chiến giữa FBI và KKK ở Mississippi cũng đủ làm anh mê rồi. Hắn là người biết nhiều nhất về vụ Kramer. Tôi nghi hắn còn biết nhiều sự kiện quan trọng nữa mà hắn không chịu nói.
Adam gấp tờ giấy ghi địa chỉ Wyn Lettner vào tập hồ sơ. Chàng nhìn đồng hồ tay:
– Sáu giờ. Tôi xin tạm biệt ông thôi.
Chàng nhìn ông già:
– Xin ông cho phép tôi được nói một câu.
Ông già mỉm cười:
– Nói đi.
– Thưa ông, nhân danh gia đình tôi, tức là nhân danh mẹ tôi, người rất không muốn thấy tôi đến gần ông Sam Cayhall; em gái tôi, người gần như chẳng biết gì và chẳng bận tâm gì về ông Sam Cayhall; nhân danh bà cô Lee Cayhall Booth của tôi, người đang rất muốn quên mình là người họ Cayhall; và nhân danh bố tôi, tôi xin cảm ơn ông và cảm ơn công ty này.
– Rồi… rồi… – Ông già gật đầu – Tôi cũng cảm ơn anh vì anh đã cho tôi nhớ lại thế nào là tình gia đình, là tình huyết thống. Bây giờ thì anh nên về mà sửa soạn chuyến đi Memphis.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.