Mang Xuống Tuyền Đài

CHƯƠNG 22



Cánh cửa bên phòng Adam mở ra. Giám thị Parker đưa hai ông khách vào phòng. Chỉ cần thoáng nhìn cũng biết hai ông này là luật sư: Y phục màu sẫm chỉnh tề, xách cặp, mặt mũi khó đăm đăm. Parker chỉ chỗ cho hai người mới vào ngồi chờ. Anh ta hướng về Adam với ánh mắt và cái hất hàm như để hỏi: “Có gì rắc rối không? Có cần gì không?” Adam trả lời bằng cái lắc đầu: “Không. Cảm ơn”.
Hai ông cháu không nhìn nhau, không nói gì với nhau một lúc khá lâu. Hai luật sư mới vào cởi áo vest cho đỡ nóng. Họ biết người tử tù ngồi kia là Sam Cayhall, người tử tù nổi tiếng nhất tiểu bang hiện nay, người sắp bước vào phòng hơi độc.
Đến lượt cánh cửa bên phòng Sam Cayhall mở ra. Người được đưa vào là một tử tù da đen khổ người gầy gò, xương xẩu. Anh ta bị còng tay, xích chân. Khi đã ngồi xuống ghế rồi, anh vẫn không được tháo còng. Một giám thị đứng lại bên cửa để canh chừng.
Già Sam liếc mắt nhìn người bạn tù. Anh này rõ ràng là không thích thú gì khi gặp luật sư và họ cũng chẳng có vẻ hào hứng hay sốt sắng gì khi phải nói chuyện với anh ta. Tuy vậy cả ba cũng châu đầu vào lưới sắt để nói nho nhỏ với nhau.
Già Sam cũng ghé đầu về phía anh cháu. Hai ông cháu sát mặt vào gần nhau, họ chỉ còn bị ngăn cách bởi tấm lưới mắt cáo.
– Stockhom Turner đấy. – Già Sam nói nhỏ.
– Stockhom? – Adam hỏi lại.
– Ừ! – Ông già gật đầu – Thường gọi là Stock. Bọn đen nhà quê thường thích những cái tên kỳ dị. Hắn nói hắn có người anh tên là Denmark, một gã khác tên là Germany.
– Hắn tội gì vậy ông?
– Cướp tiệm rượu. Ông nghe nói thế. Bắn chết chủ tiệm. Hai năm trước hắn bị thi hành án nhưng ba mươi phút trước giờ thi hành án có lệnh hoãn. Vụ hắn cứ lằng nhằng mãi từ đó đến nay. Rất có thể hắn sẽ là người đi sau ông.
Hai ông cháu cùng nghiêng mặt nhìn. Cuộc cãi vã to tiếng nổ ra trong nhóm Stock. Cả hai phe luật sư và thân chủ đều tỏ ra không nể nang gì nhau. Già Sam cười mỉm, ông ra hiệu cho anh cháu ghé sát gần nữa nghe ông kể:
– Gia đình Stock nghèo tả tơi, hoàn toàn không giúp đỡ gì được hắn. Bọn đen vào tù đa số đều như thế. Hắn chẳng bao giờ có khách đến thăm, thư từ lại càng không. Nơi hắn chào đời cách đây chưa đầy một trăm cây số nhưng tất cả loài người, luôn cả Thượng đế, dường như đã quên hắn. Trong tù nhàn rỗi, Stock bắt đầu thắc mắc về sống chết và nhiều chuyện linh tinh khác. Nghe nói nếu tử tù không có thân nhân lãnh xác, sẽ bị đạo tì đem đi chôn bậy chôn bạ ở một góc nghĩa địa rẻ tiền nào đó, Stock sợ nên hỏi thăm tùm lum. Bọn giám thị dọa là xác hắn căng phồng đầy hơi chỉ cần quẹt lửa là nổ lốp bốp như pháo, cháy thành tro trộn với phân bón.
Stock sợ đến mất ăn mất ngủ. Hắn bèn xin giấy bút viết thư gửi ra cho bà con thân thuộc, bạn bè, cho tất cả những người hắn nhờ được, xin họ giúp cho vài đô để hắn có thể có cái chết không đến nỗi khốn khổ lắm, cái chết theo đạo như lời hắn tả. Tiền bắt đầu chảy vào. Không nhiều. Mỗi khoản năm bảy đồng lai rai. Ít nhưng cũng có. Có hứng, Stock tiếp tục viết nhiều thư nữa. Hắn gửi thư cầu cứu nhà thờ, hội thiện, những tổ chức tranh đấu cho người da đen. Gần như tất cả những nơi hắn xin tiền đều đáp ứng. Kể cả những luật sư biện hộ không công cho hắn cũng đóng góp vào ngân khoản lo tang lễ cho hắn. Nhờ vậy cho đến ngày phải chịu án, Stock có khoản tiền lên đến bốn trăm đô và hắn tỏ ra sẵn sàng chịu chết.
Ánh mắt ông già sáng lên. Ông tỏ ra hào hứng với những chi tiết của câu chuyện. Adam vui khi thấy ông nội chàng vui vẻ, sống động:
– Ở đây có cái lệ khá nhân đạo là người ta thả lỏng cho tử tù được gần như tự do muốn làm gì thì làm trong bảy mươi hai giờ trước giờ hành quyết. Có một căn phòng nhỏ khá tươm tất, trong có tủ lạnh, điện thoại, bàn ghế đàng hoàng, được dùng làm phòng đặc biệt cho tử tù gặp thân nhân. Ai đến xin gặp tử tù cũng được, tất nhiên là tử tù được hỏi có chịu tiếp người đó hay không. Dân da đen thường không đi lại, thăm hỏi nhau lúc sống nhưng lại rất chịu khó đi thăm nhau lúc sắp chết. Bà nội, bà ngoại, bà cô, bà dì, anh em ruột, anh em họ, cháu trai cháu gái tử tù kéo nhau đến thật đông.
Làn môi thường mím chặt của ông già nhếch lên biểu lộ ý vui:
– Còn cái lệ này nữa. Đây là luật bất thành văn nhưng rất được tôn trọng: tử tù được phép gặp riêng vợ một lần trước giờ hành quyết. Gặp nhau trong phòng kín, không bị canh chừng. Nói rõ ra là anh tù không chỉ được cho phép mà còn được cung cấp điều kiện để làm vài quả cuối cùng trước khi giã từ vũ khí. Anh nào không có vợ thì được phép gặp tình nhân hay bạn gái nếu những chị này chịu đem thân vào cho mấy anh hưởng sự đời. Đến lượt Stock chịu án thì không biết hắn ta trình bày hoàn cảnh làm sao đó mà lão Tổng giám thị chấp nhận hắn có một vợ và một tình nhân. Và cả hai chị này cùng bằng lòng cho hắn được hưởng sự đời trước khi chết. Tất nhiên là lão Tổng giám thị cũng biết ma đầu Stock âm mưu gì đó nhưng đằng nào thì hắn cũng chết, một chị hay hai chị dzô với hắn cùng một lúc chẳng có gì quan trọng. Thế là cuộc ái ân cuối cùng trong đời của Stock được tiến hành. Khoảng bốn giờ đồng hồ trước khi hành quyết, chị vợ và chị tình nhân của hắn được đưa vào phòng hội ngộ. Một tấm nệm được đặc biệt đưa vào phòng để dùng vào việc đó. Lúc ấy tử tù Stock tuy sắp chết nhưng tỏ ra hung hăng, sẵn sàng hưởng thụ. Đã mười hai năm hắn không biết mùi đàn bà rồi còn gì. Bọn giám thị kháo nhau rằng chị vợ và chị tình nhân của Stock trông người ngợm, nhan sắc rất được, cả hai chị đều còn trẻ và ăn bận, trang điểm ra trò. Chị nào cũng phấn son, đầu tóc tươm tất, nước hoa thơm lừng. Stock được tự do múa gậy vườn hoang với hai chị trong hai giờ đồng hồ, nhưng giờ hành lạc của hắn chưa hết thì chuông điện thoại reng reng… Tối cao Pháp viện có lệnh xuống: “Hoãn hành quyết”. Lão Tổng giám thị Naifeh chạy tới đập cửa: “Thôi… ra đi… hoãn xử…” Cửa phòng không có khoá bên trong, bọn Naifeh có thể vào lôi cổ Stock ra, tống trở về phòng giam nhưng dù sao chúng cũng chưa mất hết tính người, chúng chỉ đứng ngoài đập cửa thúc giục: “Ra mau… hoãn rồi…” Còn Stock ở bên trong thì chỉ nói ra: “Năm phút nữa”. Sau chừng mười cái “năm phút nữa”, Stock mới chịu đi ra. Bọn giám thị tả cảnh Stock đi ra nghênh ngang, thoả mãn, kiêu hãnh như võ sĩ vừa đoạt chức vô địch quyền Anh hạng nặng thế giới. Hai chị đàn bà lập tức được đưa ra khỏi nhà tù. Đến lúc đó bọn cai tù mới biết hai ả đó không phải là vợ cũng chẳng phải là nhân tình của Stock.
Anh cháu vô tình bị câu chuyện của ông già hấp dẫn, tò mò và nóng ruột hỏi:
– Họ là ai vậy?
– Hai em chơi bời nhà nghề. Một tên anh họ của Stock tổ chức vụ này cho hắn. Ngân khoản do Stock chi. Bốn trăm đô-la Stock xin được trong mấy năm trời để dùng vào việc chôn cất hắn được dùng trọn trong vụ này. Kể ra cũng hơi đắt nhưng không thể khác được. Nếu không chi nặng, đâu có em chơi bời nào nhan sắc coi được chịu đem thân vào khám tử tiếp tù tử hình. Về sau Stock nói là hắn cóc cần biết khi hắn chết rồi thiên hạ sẽ chôn cất hắn ra sao, đốt hay quăng đâu đó hắn kệ xác. Hắn nói hai giờ đồng hồ ấy mê ly đáng đồng tiền bát gạo ghê lắm. Hắn chân thành khuyên tất cả anh em tử tù nên hưởng, bỏ qua rất uổng. Hắn ngày đêm mơ mộng đến kỳ hành quyết tới hắn lại được thưởng thức của đời lần nữa.
Ông già mỉm cười:
– Hắn làm ông cũng phải bận trí. Đến giờ ông, ông cũng có cái quyền tối hậu ấy, ông biết gọi ai bây giờ?
Anh cháu hỏi nhỏ:
– Ông có… thích không?
Ông già cười thành tiếng:
– Con tưởng thật hả? Ông nói đùa chơi cho vui. Bây giờ có chị nào dzô đây chắc ông chỉ có thể nhờ đấm lưng cho ông. Ông nghĩ đến bữa ăn cuối cùng của ông nhiều hơn. Ông sẽ không đòi ăn món gì lạ đâu. Ông không muốn cho tên đầu bếp đầu trâu có dịp chửi thầm ông vì ông đòi ăn những món hắn không biết làm. Ông cũng chẳng thèm thuồng ăn thêm một miếng ở cõi đời này. Ông vẫn lấy làm lạ về chuyện tại sao người ta lại bày đặt ra việc cho một người ăn một bữa thật ngon trước khi lôi người đó đi giết chết. Ruồi bâu kiến đậu nữa là trước giờ hành quyết, bác sĩ nhà nước còn xét tình trạng sức khoẻ của tử tù xem đương sự có đủ sức khoẻ để chết hay không. Bác sĩ chuyên khoa thần kinh cũng vào thẩm vấn tử tù để sau đó ký giấy xác nhận tinh thần tử tù hoàn toàn sáng suốt. Lại còn có ông linh mục ăn lương nhà tù đến cầu nguyện với tử tù để bảo đảm linh hồn anh này sẽ đi theo đường thẳng chứ không quẹo bậy bạ vào đường cong. Tất cả những người đó đều được nhân dân trả lương. Họ không quên lo việc cho anh tử tù hưởng sự đời lần cuối. Họ muốn người bị họ làm cho hết sống không tiếc hận, không còn thèm thuồng gì khi bị bắt buộc từ giã cuộc đời này. Nhân đạo lắm đấy chứ! Lo cho tử tù chu đáo lắm đấy chứ! Đến phút cuối cùng người ta còn cẩn thận đút một nút cao su vào dương vật và một nút cao su vào hậu môn anh tù để anh này đừng cho ra tùm lum khi hấp hối. Họ muốn giữ cho người bị họ giết được sạch sẽ. Mẹ kiếp… Mẹ kiếp…
Anh cháu nói như năn nỉ:
– Ông ơi… ông cháu mình nói chuyện khác đi.
Buông mẩu thuốc xuống sàn, ông già lấy chân dẫm lên. Ông đứng dậy:
– Thôi con ơi, hôm nay ông nói đủ rồi. Đừng thắc mắc vào việc ngày xưa nữa. Hãy chú tâm vào việc cứu ông.
 
Một vườn hoa nhỏ do dân thị trấn lập nên trên nền toà nhà trong có văn phòng Luật sư Kramer. Bức tượng bằng đồng hai anh em sinh đôi nhà Kramer đặt ở giữa vườn. Vườn có hàng rào sắt bao quanh, sạch và đẹp; trong vườn có bồn nước, vài chiếc ghế đá. Một cặp nam nữ thiếu niên nói chuyện ríu rít trên một băng đá khi Adam vào vườn. Ba chú nhỏ đi xe đạp dừng lại bên bồn nước tranh luận chí choé về một chuyện gì đó. Người cảnh sát đưa tay lên vành mũi đáp lại lời chào “hello” của Adam.
Ngồi trên băng đá, chàng nhìn ngây bức tượng hai nạn nhân. “Đừng quên những nạn nhân…” Lời căn dặn của bà cô văng vẳng bên tai chàng, “Họ có quyền được trả thù…” Cặp anh em song sinh mà hình ảnh còn lại trên cõi đời này là đôi tượng đồng vô hồn kia không hơn chàng bao nhiêu tuổi khi ông nội chàng làm họ chết. Năm ấy họ lên năm, chàng lên ba. Năm nay chàng hai mươi sáu tuổi, họ hai mươi tám nếu họ cũng sống như chàng.
Tội ác như cú đấm ác độc đánh mạnh vào ngực chàng. Nó làm chàng rùng mình và toát mồ hôi lạnh. Tại sao ông già kia lại giết chết hai chú nhỏ này? Hai chú nhỏ có tội tình gì? Tại sao người giết hai chú nhỏ này lại là ông nội chàng chứ không phải là ai khác? Tại sao? Tại sao? Chàng thấy thù hận ông già ác độc. Chàng thấy xấu hổ vì chàng đã trở lại thị trấn thời thơ ấu không phải để tìm lại kỷ niệm mà là để tìm cách cứu mạng sống của một kẻ sát nhân ác ôn.
Chàng vào khách sạn Holiday Inn mướn phòng, xong gọi điện về cho cô Lee nói cho cô biết tối nay chàng ở lại Greenville. Chàng xem bản tin buổi chiều trên tivi. Một ngày như mọi ngày, tin tức không có gì đặc biệt. Vụ hành quyết tử tù Sam Cayhall được nhắc lại với những lời bình luận vô thưởng vô phạt.
Adam ăn tối trong một tiệm nhỏ, vừa ăn vừa lơ đãng nghe chuyện những người chung quanh. Không nghe ai nhắc gì đến những cái tên Sam Cayhall, Marvin Kramer.
Khi thành phố lên đèn, chàng đi trên vỉa hè, trước những cửa hàng, những tiệm cà phê, tiệm sách, tưởng tượng ra cảnh hai mươi ba năm trước ông nội chàng đi trên vỉa hè này, bồn chồn chờ đợi nghe tiếng bom nổ và băn khoăn không hiểu tại sao mãi không thấy bom nổ. Chàng dừng lại trước một phòng điện thoại công cộng. Rất có thể đây chính là phòng điện thoại năm xưa Sam Cayhall đã định vào để gọi điện thoại đến văn phòng Kramer báo tin văn phòng bị gài bom.
Vườn hoa Kramer vắng tanh. Adam đến ngồi ngay dưới chân cặp tượng đồng. Chàng ngồi lặng ở đó rất lâu, suy nghĩ về những vấn đề chàng không thể nghĩ. Chàng chỉ biết là trái bom đã làm đời chàng thay đổi. Nói cách khác, trái bom đã làm cho đời chàng đi vào hướng hiện nay. Trái bom đã đẩy gia đình chàng đi khỏi nơi này. Nó đã giết ông bố chàng ở mãi tận California. Nó đã làm chàng bỏ ý định trở thành phi công hàng không dân dụng để trở thành luật sư. Nếu không có nó chắc giờ này chàng đang bay trên chín tầng mây hoặc thoải mái dưỡng sức trong một phòng khách sạn nào đó ở một thủ đô nào đó mà đôi cánh sắt chiếc phi cơ chàng điều khiển đưa chàng đến. Nếu không có nó, chắc giờ này chàng không ngồi đây, sầu buồn, ngơ ngẩn.
Trái bom định mệnh đưa chàng trở lại thành phố thời thơ ấu của chàng để chàng làm một việc đầy những đau thương và tuyệt vọng. Trái bom sắp làm chết thêm một người nữa sau hơn hai mươi năm nó nổ ngay trên chỗ chàng đang ngồi. Sam Cayhall cũng chỉ là một nạn nhân. Còn cô Lee, cô chàng? Còn những ai sẽ là nạn nhân của trái bom đó nữa?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.