Sau khi các nạn nhân được mang đi, cảnh sát Greenville phong toả hiện trường và thu lượm từng vật nhỏ làm tang chứng.
Marvin B. Kramer được đưa đến bệnh viện ở Memphis. Ruth Kramer cũng được đưa vào bệnh viện với chồng vì khủng hoảng thần kinh.
Khi hoàng hôn xuống trên thị trấn Greenville thì quanh khu bị đặt bom người ta đồn nhau là kẻ tình nghi đặt bom đã bị bắt. Sáng hôm sau, mọi người bắt đầu biết kẻ tình nghi tên là Sam Cayhall, ngụ ở Clanton, Mississippi, đảng viên KKK và bị thương nhẹ vì vụ nổ.
Chỉ cần thêm một chút may mắn nữa là Sam đã thoát. Hắn tỉnh trí lại khi bị giải về quận cảnh sát. Tại đây hắn xin lỗi và xin đóng tiền phạt 30 đô-la, rồi về nhà chờ giấy gọi ra toà về tội cản trở lưu thông. Trong lúc nhân viên cảnh sát làm giấy tờ, Sam bị giữ trong phòng tạm giam. Người gác phòng mang bông băng và thuốc sát trùng vào cho Sam. Máu ở các vết thương đã ngừng chảy. Một lần nữa Sam kể chuyện hắn bị thương vì đánh lộn ở tiệm rượu nhưng chẳng ai thèm để ý.
Trong khi chờ đợi, Sam ngồi toan tính những việc phải làm. Khi ra khỏi đây, hắn sẽ phải biến ngay. Bây giờ bọn cảnh sát gà mờ Greenville đang bấn loạn về vụ nổ bom sẽ chỉ đòi hắn nộp phạt rồi thả, nhưng vụ hắn bị bắt có ghi trong sổ trực nhật của cảnh sát. Chậm lắm là hai ba ngày sau, tụi FBI sẽ phát hiện ra và đến bắt hắn ngay. Ra khỏi Greenville, Sam sẽ gọi điện cho Dogan. Nhận được tiền do Dogan cung cấp, Sam sẽ không về Clanton mà đi thẳng sang Memphis rồi qua sống ở Brazil hay một nước Nam Mỹ nào đó.
Cho đến lúc này Sam Cayhall vẫn không hiểu tại sao hắn lại một mình lái chiếc Pontiac trở lại Greenville, rồi còn bỏ xe đi bộ đến văn phòng luật Marvin B. Kramer. Trở lại đó để làm gì? Không lẽ để gỡ kíp cho trái bom không nổ? Thật là ngu dại. Nhưng hắn vẫn có thể thoát nếu hắn tỉnh trí.
Sam chờ khoảng nửa giờ thì viên cảnh sát trở lại, đem theo lệnh trả tự do và biên nhận số tiền 30 đô-la hắn phải nộp. Sam được đưa ra phòng trực để ký nhận giấy gọi ra hầu toà trong hai tuần nữa.
Xong thủ tục này, Sam Cayhall có thể lững thững ra đường nhảy lên bất cứ chiếc taxi nào chạy ngang. Nhưng hắn còn phải chờ người ta đem trả chiếc Pontiac.
– Chờ đây. Xe đang về đấy.
Người cảnh sát nói rồi bỏ đi. Sam ngồi trên băng gỗ ở sân sau của trạm cảnh sát, nhìn những xe cảnh sát chạy ra chạy vào.
Bỗng có tiếng người vang lên sau lưng hắn:
– Ông Sam Cayhall?
Sam quay lại. Một viên cảnh sát trạc tuổi Sam chĩa huy hiệu ra trước mặt hắn:
– Điều tra viên Ivy, cảnh sát Greenville. Xin được hỏi ông vài câu. Mời theo tôi.
Sam Cayhall không có gì nhiều để nói và cũng chẳng thể nói gì nhiều. Được hỏi tại sao bị thương, hắn trả lời vắn tắt là do đánh lộn.
Ivy nhếch mép cười như đang chờ đợi được nghe một câu trả lời tương tự. Cái nhếch mép của viên cảnh sát cho Sam biết hắn đang ngồi trước mặt một tay điều tra già dặn. Sam thấy sợ, hai tay hắn bắt đầu run. Tất nhiên là viên cảnh sát thấy hắn sợ. Đánh nhau ở đâu? Với ai? Giờ nào? tại sao nhà ở Clanton cách đây ba giờ xe mà lại đánh nhau lúc gần sáng ở Greenville?
Ivy cứ đặt câu hỏi và Sam cứ không trả lời. Sam không thể trả lời vì hắn biết việc nói dối quanh co sẽ chẳng đi đến đâu.
Sau cùng Sam nói:
– Tôi yêu cầu được nói chuyện với luật sư.
– Hay đấy, Sam. Anh yêu cầu vậy là đúng đấy.
Thái độ của viên cảnh sát làm Sam càng thêm sợ hãi.
– Sáng sớm hôm nay có vụ đặt bom, anh biết không?
Ivy hỏi, giọng mang âm hưởng phẫn nộ và mỉa mai. Sam Cayhall lắc đầu.
– Tàn ác và bi thảm. – Ivy nói tiếp – Văn phòng luật sư Kramer bị đặt bom nổ tan nát cách đây hai giờ. Chắc là hành động của bọn KKK. Nhưng ở Greenville không có anh KKK nào cả. Bọn đặt bom phải là người ở nơi khác đến. Luật sư Kramer là người Do Thái. Anh không biết gì về luật sư Kramer cả, phải không?
Một lần nữa Sam lại yên lặng. Hắn ngây nhìn Ivy.
– Thật tàn ác, bi thảm! – Ivy nhắc lại – Luật sư Kramer có hai đứa con trai song sinh, 5 tuổi. Sáng nay hai em theo bố đến văn phòng chơi trước khi ra nhà trẻ. Bom nổ làm hai em chết banh xác.
Sam cúi mặt thấp xuống mãi cho đến khi cằm chạm ngực. Lần này thì kẹt cứng. Hắn can tội giết người, không phải chỉ một mà hai người. Hai em nhỏ hoàn toàn vô tội. Tù, tòa, tội, tử hình… Tất cả những cái ghê rợn đó đánh mạnh cùng lúc vào tâm trí hắn. Sam rên rỉ:
– Tôi cần gặp luật sư.
Những mảnh kính vỡ ghim trong má và cổ Sam Cayhall lập tức được lấy ra và gửi đến phòng thí nghiệm của FBI. Báo cáo không làm cho ai ngạc nhiên: đây là những mảnh kính vụn bay ra từ toà nhà bị đặt bom. Chiếc Pontiac màu xanh lá cây được truy ra tung tích: chủ xe là Jeremiah Dogan ở thị trấn Meridian. Một cuộn dây dẫn lửa tìm thấy trong cốp xe.
Một người đi giao sữa sáng sớm khai là anh ta nhìn thấy chiếc xe này đậu gần văn phòng luật sư Kramer lúc 4 giờ sáng.
FBI lập tức cho báo chí biết Sam Cayhall là thành viên KKK từ nhiều năm và từng là nghi can trong nhiều vụ đặt bom trước đó. Như vậy vụ án đã được giải. Nhân viên FBI vui vẻ vỗ vai cảnh sát Greenville. Giám đốc J. Edgar Hoover của FBI cũng đích thân đọc một thông cáo về vụ này.
Hai ngày sau án mạng, hai anh em song sinh Josh và John được đưa xuống lòng đất trong một nghĩa trang nhỏ ở Greenville. Thời gian ấy có khoảng 146 người Mỹ gốc Do Thái cư ngụ ở vùng này. Tất cả đều đến dự tang lễ ngoại trừ vợ chồng luật sư Kramer đang nằm ở nhà thương và 6 người khác không có mặt ở thị trấn. Số phóng viên bảo chí và truyền thanh truyền hình từ khắp cả nước đổ về đông gấp đôi số người Do Thái.
Sam xem ảnh và đọc bài tường thuật về đám ma hai em nhỏ trong tù. Phó giám thị Larry Jack Folk có cảm tình và trở thành bạn của Sam, sáng sáng đem cà phê nóng và báo cho hắn. Folk nói nhỏ với Sam rằng y có nhiều thân nhân là đảng viên KKK. Chính y cũng muốn gia nhập đảng nhưng vợ y không cho. Folk còn bày tỏ sự ngưỡng mộ việc làm của Sam.
Ngoài những câu cần thiết để giao tiếp và lợi dụng Folk, Sam Cayhall gần như không nói gì cả. Hắn bị kết tội giết hai người. Phòng hơi ngạt đang chờ đợi hắn. Sam từ chối trả lời những câu hỏi của cảnh sát cũng như của nhân viên FBI. Khi được nói chuyện bằng điện thoại với vợ, Sam bảo vợ cứ đóng chặt cửa ở trong nhà. Trong phòng giam, hắn bắt đầu viết nhật ký.
Khi gia nhập đảng KKK, Sam Cayhall đã tuyên thệ. Hắn có thể chết nhưng không thể làm trái lời thề. Sẽ không bao giờ Sam tố cáo một người anh em KKK. Trong phòng giam chật hẹp, Sam cầu mong Jerry Dogan cũng làm như thế.
Hai ngày sau vụ đặt bom, luật sư Clovis Brazelton xuất hiện. Anh ta là một thành viên bí mật của KKK, khá nổi tiếng ở Jackson vì thành tích bảo vệ đủ loại côn đồ da trắng. Anh ta dự định tranh cử chức Thống đốc tiểu bang và tuyên bố lập trường tranh cử của anh là bảo vệ quyền lợi của dân da trắng.
Brazelton công khai kết tội FBI là tay sai của quỉ, tuy anh ta cũng chủ trương người da đen cần được bảo vệ nhưng không nên sống lẫn lộn với người da trắng, vân vân và vân vân…
Jeremiah Dogan phái anh ta tới biện hộ cho Sam Cayhall và việc quan trọng là làm sao cho Sam kín miệng. Dogan đang bị FBI điều tra vì chiếc Pontiac và y sợ bị kết tội đồng loã trong vụ đặt bom.
Đồng loã, Clovis giải thích với Sam, cũng có thể bị kết án như chính phạm. Sam nghe nhưng nói ít. Hắn không mấy tin tưởng anh thầy cãi bẻm mép và có vẻ xảo trá này.
– Sam, nghe đây! – Clovis nói như ông thầy giảng bài cho chú học trò nhỏ – Tôi biết ai là người gài bom, Dogan nói cho tôi biết. Như vậy chỉ có bốn người chúng ta: tôi, anh, Dogan và Wedge biết ai tham gia vụ này. Dogan tin chắc Wedge không bao giờ bị phát hiện. Giờ này có thể là Wedge đang sống ở một quốc gia nào đó. Vậy là chỉ còn anh với Dogan thôi. Dogan cũng đang bị truy tố nhưng bọn cớm khó có thể tìm được bằng chứng kết tội ông ta trừ phi anh khai ra.
– Như vậy là mấy người muốn tôi một mình lãnh búa ư? – Sam hỏi.
– Không. Chúng tôi chỉ muốn anh đừng nói gì đến Dogan. Cứ chối hết. Sẽ có một chuyện được dựng lên về vụ cái xe. Để tôi lo việc đó. Tôi sẽ yêu cầu phiên toà xử ở một quận khác, nơi không có bọn Do Thái. Chúng ta sẽ có một bồi thẩm đoàn toàn người da trắng và tôi sẽ làm phép biến hoá anh, kể cả tôi nữa, thành người hùng của xã hội. Tin tôi đi. – Với vẻ mặt và giọng nói đầy thẩm quyền, Clovis đoan chắc – Tin tôi đi, Sam! Tôi bảo đảm là anh sẽ không bị thất vọng. Tôi đã thành công nhiều lần trong những vụ tương tự.
Một tháng sau người ta mới lơi nhắc đến vụ đặt bom ở Greenville. Cả Sam Cayhall và Jeremiah Dogan cũng bị truy tố về tội chủ mưu giết người vào ngày 5 tháng 5 năm 1967. Công tố viên quận Ford tuyên bố ông sẽ đòi kết án tử hình cả hai can phạm. Tên Rollie Wedge không được nhắc tới. Cảnh sát FBI và Greenville đều không biết là trong vụ còn có Rollie Wedge.
Luật sư Clovis Brazelton, người hiện hộ cho cả hai can phạm, thành công trong việc đòi đổi chỗ xử cho thân chủ.
Ngày 4 tháng 9 năm 1967, phiên xử tiến hành ở quận Nettlses, cách Greenville gần 400 cây số. Phiên toà trở thành buổi trình diễn xiếc. Thành viên đảng KKK kéo đến dựng lều ngay trong công viên trước pháp đình và tổ chức biểu tình ồn ào. Nhiều thành viên KKK từ các tiểu bang khác tấp nập kéo đến. Người ta lập cả một danh sách những diễn giả khách. Sam Cayhall và Jeremiah Dogan được đề cao như những biểu tượng về quyền tối thượng của dân da trắng và được hô lớn cả ngàn lần bởi những người biểu tình đội mũ vải trùm kín mặt.
Trong phòng xử, phiên toà diễn tiến êm ru. Brazelton làm đúng những gì anh ta nói: thu xếp để có một bồi thẩm đoàn[2] gồm 12 người toàn da trắng. Anh ta gọi họ là “những người yêu nước”, rồi tấn công vào nhược điểm lớn nhất trong bản buộc tội của công tố viên: không ai thực sự nhìn thấy Sam Cayhall gài bom. Sam Cayhall được mô tả là người làm công cho Jeremiah Dogan và được ông chủ sai đến Greenville vì công việc. Sam Cayhall đã tình cờ và không may có mặt gần chỗ bị đặt bom khi bom nổ. Luật sư Clovis Brazelton nghẹn ngào muốn khóc khi nói đến cái chết của hai em nhỏ vô tội.
Cuộn dây dẫn lửa tìm thấy trong cốp xe Pontiac có thể là vật do người chủ trước để lại. Ông này tên là Carson Jenkins, chủ thầu xây cất ở Meridian. Carson Jenkins ra làm chứng trước toà. Ông ta khai nghề của ông thường dùng đến cốt mìn và ông vẫn để mìn, dây dẫn lửa trong cốp xe và bỏ quên trong đó khi bán xe cho Jeremiah Dogan. Carson Jenkins là một công dân gương mẫu của xã hội, lương thiện, trong sạch, một Ki-tô hữu thuần thánh, một giáo viên dạy giáo lý ngày Chúa nhật. Lời khai của ông thật đáng tin và người ta đã tin ông.
Ông cũng là thành viên KKK nhưng FBI không biết. Luật sư Clovis Brazelton đã điều khiển các lời khai một cách tuyệt hảo.
Việc chiếc xe riêng của Sam Cayhall để tại trạm đậu xe vận tải ở Cleveland không bị phát giác. Lần được gọi điện về nhà khi chưa bị điều tra viên Ivy tóm, Sam đã bảo vợ và con trai, Eddie Cayhall, đến lấy đem về nhà yên lành.
Luận cứ mạnh nhất của luật sư biện hộ là không có một bằng chứng nào cho thấy hai nghi can cấu kết với nhau để thực hiện vụ đặt bom. “Vậy thì… kính thưa các vị bồi thẩm của quận Nettlses, có thể nào quí vị lại bắt hai người đàn ông này phải chết?”
Sau bốn ngày xét xử, bồi thẩm đoàn vào phòng kín để quyết định. Luật sư đoan chắc với hai thân chủ là sẽ được tha bổng. Công tố viên tuyên bố bồi thẩm đoàn sẽ kết tội. Thành viên đảng KKK đánh hơi thấy chiến thắng, gia tăng cường độ ồn ào trước pháp đình.
Kết quả phiên xử là không tha bổng cũng không kết tội.
Sau một ngày rưỡi tranh luận, vị trưởng đoàn bồi thẩm báo cáo với chánh án là họ không đạt được một quyết định nào. Toà tuyên bố sai thủ tục xét xử và Sam Cayhall về nhà lần thứ nhất sau 5 tháng ở tù.
o O o
Phiên toà tái diễn 6 tháng sau ở quận Wilson, một vùng đồng quê cách Greenville chừng bốn giờ xe và cách nơi xử lần đầu khoảng hai trăm cây số. Trong phiên xử trước có lời khiếu nại là nhiều vị bồi thẩm bị các thành viên KKK đe dọa, quấy rầy. Ông chánh án – vì những lý do không hề được giải thích – quyết định cho chuyển phiên toà đến một nơi nhung nhúc những thành viên KKK và những cảm tình viên của họ.
Lần này các vị bồi thẩm cũng toàn là người da trắng và không có ai là người Do Thái. Trước toà, luật sư Clovis Brazelton trình diễn những bài bản cũ, ông Carson Jenkins khả kính và lương thiện nhắc lại những lời nói dối.
Phiên toà thứ hai có một sự kiện mới: nạn nhân Marvin B. Kramer cụt hai chân, ngồi trên xe lăn ở hàng ghế đầu trong phòng xử, trừng trừng nhìn các vị bồi thẩm suốt ba ngày (Phiên toà thứ nhất ở Nettlses, Marvin vắng mặt vì đang chịu giải phẫu). Ruth Kramer cũng đến toà trong ngày đầu nhưng hôm sau được đưa về Greenville vì khủng hoảng thần kinh.
Tất cả những vị bồi thẩm dường như không chịu được ánh mắt van xin, cầu cứu, năn nỉ của Marvin. Chỉ có một người trong số họ, một thiếu phụ tên là Sharon Culpepper cũng có hai con trai song sinh, là không thể ngừng nhìn Marvin. Nhiều lần ánh mắt hai người này gặp nhau, móc chặt vào nhau. Nạn nhân dùng ánh mắt xin người đàn bà có quyền trả thù cho mình.
Sharon Culpepper là vị bồi thẩm duy nhất trong 12 người bỏ phiếu kết tội. Trong hai ngày, nàng bị các vị bồi thẩm khác chê trách, nhiếc móc, mỉa mai rồi chửi rủa. Sharon khóc nhưng nàng vẫn không bỏ quyết định cho các can phạm là có tội.
Phiên toà thứ hai kết thúc với tình trạng bồi thẩm đoàn không đạt được sự đồng ý tuyệt đối: 1 người khác ý với 11 người. Chánh án tuyên bố phiên toà xử không đúng thủ tục và cho tất cả mọi người ra về.
Marvin Kramer trở lại Greenville chịu thêm nhiều cuộc giải phẫu nữa. Luật sư Clovis Brazelton mở cuộc họp báo.
Công tố viên quận Wilson không nói gì đến phiên xử mới.
Sam Cayhall yên lặng trở về Clanton với lời thề trọn đời sẽ không dính líu gì với Jeremiah Dogan nữa. Còn vị Pháp vương KKK thì vinh quang trở về Meridian, nơi y hung hãn khoe với “thần dân” của y là trận thánh chiến tôn vinh quyền tối thượng của dân da trắng đã bắt đầu tốt đẹp, cái tốt đã thắng cái xấu, cái thiện đã diệt được cái ác, vân vân và vân vân. Tên Rollie Wedge chỉ được nhắc đến có một lần. Trong một bữa ăn trưa ở phòng tạm giam của pháp đình, Dogan nói nhỏ với Cayhall là y vừa nhận được tin của “thằng nhỏ”.
Người đưa tin là một gã đàn ông lạ, chuyển lời nhắn đến vợ của Dogan. Ý nghĩa của lời nhắn rõ ràng và đơn giản: Wedge, chuyên viên đặt bom, đang lảng vảng bên ngoài. Nếu Cayhall hay Dogan nhắc đến tên hắn, nhà riêng của họ sẽ bị đặt bom và vợ con họ sẽ lãnh đủ.