Đốt điếu thuốc lá mới, ông già đi đi lại lại sau ghế ngồi trong lúc anh cháu uống cà phê. Lúc này đã là 11 giờ. Giờ ra sân tắm nắng của người tử tù già đã qua. Ông không chờ đợi chiều nay giám thị Parker sẽ đưa ông ra sân. Ông làm vài động tác thể dục: cúi mình đưa đầu ngón tay xuống chạm đầu ngón chân, đứng lên, ngồi xuống. Trong năm thứ nhất bị đưa vào khu Tử hình, ông đã chăm chỉ, đều đặn tập thể dục mỗi ngày trong phòng giam. Thời đó ông dễ dàng đứng lên, ngồi xuống một trăm lần liền một lúc, hít đất một lần năm mươi cái. Ngày nào cũng tập, thể hình ông rắn chắc, gọn gàng; trọng lượng ông giảm xuống còn năm mươi tám ký. Bụng ông thon chắc, những bắp thịt ông cứng cáp. Năm đó ông thật khoẻ.
Nhưng cùng với ngày tháng qua đi, ông biết khu Tử hình sẽ là nơi cư ngụ cuối cùng của đời ông, ông chỉ đi khỏi đây khi ông chết, dù ông mạnh hay yếu, mập hay ốm. Và người tù sống mỗi ngày 24 giờ đồng hồ trong phòng giam chật hẹp, sống mãi như thế cho đến lúc chết, thì cần quái gì đến bắp thịt rắn chắc, ngực nở, bụng thon. Thế là việc tập thể dục của ông từ từ lơi là và cuối cùng bỏ hẳn. Việc hút thuốc lá gia tăng kịch liệt.
Trong số tử tù, Sam Cayhall được coi là người nhiều may mắn, được ưu đãi vì ông có nguồn thuốc lá cung cấp đều đặn từ bên ngoài. Donnie Cayhall, em trai ông, sống ở Bắc Carolina, mỗi tháng gửi vào cho ông một thùng mười bịch thuốc Montclair. Nhờ vậy ông có quyền hút mỗi ngày từ ba đến bốn gói thuốc, ông muốn chết vì khói thuốc trước khi chính quyền Mississippi giết ông bằng hơi độc. Ông cũng muốn việc hút nhiều thuốc lá sẽ làm ông đau ốm và chính quyền tiểu bang phải tốn tiền chữa trị cho ông theo luật. Nhưng cho đến hôm nay thì dường như tử tù Sam Cayhall tạm thua trong cuộc chạy đua này.
Năm năm trước đây, sau nhiều vụ tù nhân thưa kiện rắc rối, một vị chánh án đã ban hành một bản qui định những quyền lợi của tù nhân Parchman. Bản qui định đề cập đến những chi tiết nhỏ nhặt như tù nhân trong khu Tử hình được ở trong phòng giam dài rộng bao nhiêu thước, được tắm mỗi tuần mấy lần, được nhận và giữ bao nhiêu tiền, được nhận những loại quà gì.v.v… Số tiền tối đa tử tù được giữ là hai mươi đô-la. Với tử tù thì tiền bạc là do người ngoài gửi vào, tử tù không có quyền đi làm việc như những tù nhân khác. Vì vậy số tử tù có tiền tương đối ít. Có vài đồng, họ gửi mua nước ngọt, kẹo bánh ở căng-tin ăn chơi cho đỡ buồn. Thuốc lá thì họ gửi mua loại thuốc rời với giấy cuốn để tự vấn lấy cho được nhiều, ít có người hút thuốc gói đàng hoàng như Sam Cayhall.
Sau vài phút vận động thể dục, ông già tử tù trở lại ngồi trên ghế. Ông đốt điếu thuốc mới và cuộc vấn đáp giữa hai ông cháu tiếp tục:
– Ông không chịu khai trước toà trong hai phiên xử đầu, việc đó có thể hiểu được, nhưng tại sao đến phiên toà thứ ba, khi Dogan đã ra toà tố cáo ông, ông cũng vẫn không khai để cho toà hỏi cung? Tại sao ông vẫn nói ông không có gì để khai cả?
Ông già ung dung trả lời:
– Ông không chịu nói gì trong phiên toà thứ ba chính vì sự có mặt của Dogan. Hắn là Pháp vương của tổ chức KKK ở Mississippi. Hắn đã cung khai và đổ tội cho ông, ông còn nói năng gì được nữa?
– Tại sao Dogan lại nói dối chứ?
– Ông đã nói lý do rồi. Tại vì hắn sợ đến hoảng loạn. Bọn FBI theo dõi, quấy rầy hắn quá lâu. Thần kinh hắn căng thẳng. Điện thoại nhà hắn bị nghe lén, nhà hắn bị canh gác suốt ngày đêm, vợ con hắn đi đâu cũng có bọn FBI tò tò đi theo sát đít. Bọn FBI đến gõ cửa hỏi thăm sức khoẻ hắn bất cứ giờ nào. Đời sống của hắn tơi tả. Rồi bọn sở Thuế nhập cuộc, bắt quả tang hắn khai gian, trốn thuế. Họ đe dọa hắn sẽ lãnh ít nhất là ba mươi cuốn lịch ngồi bóc dần từng tờ một mỗi ngày, bao giờ hết thì ra khỏi tù. Hắn sợ và hắn đành phải khai bậy theo lời yêu cầu của bọn FBI để khỏi ở tù. Sau phiên toà, ông nghe nói hắn được đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị ít lâu. Thế rồi hắn chết.
Adam không biết chuyện này, chàng hỏi:
– Dogan chết rồi à?
Sam Cayhall đưa điếu thuốc lên môi. Ông tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy anh cháu không biết Dogan đã chết:
– Con không biết gì về Dogan sao?
Adam lắc đầu:
– Thưa không. Con không ghi nhớ gì nhiều về Dogan. Con chỉ đọc kỹ, chỉ nhớ những gì liên can đến ông thôi.
Có vẻ hài lòng, ông già gật đầu:
– Hắn chết cháy trong đêm nhà hắn bị cháy. Hắn và vợ hắn đang ngủ. Hai vợ chồng cùng chết thiêu. Ống dẫn gas vào nhà hắn bị hở nên phát nổ. Người trong khu phố nói nghe như tiếng bom nổ.
– Vụ ấy xảy ra lúc nào?
– Khoảng một năm sau ngày Dogan ra toà và ông bị kết án. Khi đó ông đã ăn ở dài hạn trong khách sạn này rồi. Ông chỉ nghe loáng thoáng về vụ hắn chết thôi, cảnh sát cho đó là tai nạn. Dường như con cháu nhà Dogan có đệ đơn kiện công ty cung cấp gas.
Adam thắc mắc:
– Ông không nghĩ hắn bị ám sát ư?
Ông già nói ngay:
– Vợ chồng hắn bị giết chứ còn gì nữa! Bọn FBI cũng biết, chỉ có điều không tìm ra bằng chứng nên đành chịu. Ba tên đặc vụ FBI mặt mũi ngu đần dắt nhau vào tận đây hỏi ông: “Ai giết Dogan?” Bố khỉ! Bộ ông có bổn phận phải nói cho chúng biết nếu ông biết ai là người giết vợ chồng Dogan hay sao? Còn lâu. Chúng hỏi nhưng không chờ đợi câu trả lời. Chúng chỉ lợi dụng cơ hội để được vào xem khu Tử hình ra làm sao thôi. Với chúng, việc được vào khu Tử hình, được nói chuyện với tử tù – một tử tù thành viên Ku Klux Klan bằng xương bằng thịt – là một kinh nghiệm quí báu. Chúng thay phiên nhau hỏi ông những câu hỏi ngu ngốc trong cả giờ đồng hồ. Đúng là đất nước này không sao khá được vì có những tên FBI ngu đần quá cỡ.
Adam chờ một lúc khá lâu sau mới hỏi:
– Thưa ông, ai giết vợ chồng Jeremiah Dogan?
Ông già trả lời dễ dàng:
– Nhiều người muốn giết hắn lắm. Làm sao ông biết chắc là ai mà nói? Ông đã ở trong tù rồi.
Hai ông cháu lại im lặng một lúc khá lâu. Adam ghi mấy chữ lên sổ tay để nhớ về việc sẽ hỏi lại ai giết Dogan sau này. Chàng thở dài:
– Con vẫn nghĩ khi Dogan ra toà tố cáo ông, đổ hết tội cho ông, ông nên để toà thẩm vấn mới phải.
– Ông cũng có nghĩ đến chuyện đó. – Ông già nhẫn nại nói – Đêm cuối trước ngày xử cuối cùng, ông và luật sư của ông, Benjamin Keyes, cùng nữ luật sư phụ tá của Keyes, tên cô ấy là gì ông quên mất… Sarah thì phải… đã bàn luận với nhau đến gần sáng về chuyện hôm sau ông có nên cung khai trước toà hay không. Chịu cho toà thẩm vấn, ông sẽ có lợi hay hại. Adam, con nghĩ xem: nếu chịu cho toà thẩm vấn, ông bắt buộc phải nhận chính ông đã đặt bom, ông đã dùng đồng hồ cho bom nổ chậm để giết Kramer. Tội vẫn về ông. Ông chẳng có gì mới để khai cả. Vô ích mà thôi.
Nhưng rồi ông già cũng nhìn nhận:
– Nghĩ lại bây giờ ông thấy ngày đó ông không chịu khai là dại. Lẽ ra ông phải khai.
– Như vậy nghĩa là ngày đó ông cũng muốn cung khai nhưng vì luật sư khuyến cáo, ông đã nghe theo lời luật sư và không khai?
Hiểu ý anh cháu, ông già lắc đầu:
– Nếu con định lấy cái cớ luật sư Keyes biện hộ cho ông không đúng cách để xin toà xử lại thì không được đâu. Keyes bảo vệ ông thật hay, thật tốt. Trước đây Goodman và Tyner đã tính chuyện dùng Keyes để đòi xử lại nhưng họ không tìm thấy Keyes có lỗi lầm hay sơ xuất nào trong việc bảo vệ ông. Con phải quên chuyện ấy đi thôi.
Trong những vụ án tử hình, người ta thường dùng lý do luật sư bảo vệ không hữu hiệu, có sai sót, để xin toà xử lại nhưng Adam đã thấy ở nhà Kravitz & Bane có một hồ sơ dày đến mấy trăm trang điều tra về những điểm gọi là sơ hở, sai lầm, không đến nơi đến chốn của luật sư Keyes khi ông đại diện cho tử tù Sam Cayhall. Dù đã hết sức bới lông tìm vết, nhưng những luật sư thực hiện cuộc điều tra cũng không tìm thấy lỗi lầm nào đáng kể của luật sư Keyes.
Hồ sơ còn có bức thư ba trang của chính tử tù Sam Cayhall. Trong thư, ông ta cấm những luật sư nhà Kravitz & Bane không được đụng chạm xa gần đến luật sư Benjamin Keyes. ông ta nhất quyết không ký đơn kháng cáo nếu đơn đưa ra lý do luật sư Keyes biện hộ không được hữu hiệu.
– Cô Lee nói với con là trước khi bị bắt lại, ông có tính chuyện trốn đi?
Ông già đưa điếu thuốc lên nhìn ngắm như đó là một vật kỳ dị nhất đời. Ông tặc lưỡi mấy tiếng trước khi nói:
– Đúng đấy! Ông đã có ý định ra đi. Nhưng mà gần mười ba năm đã trôi qua kể từ phiên toà trước. Nếu không có McAllister, ông vẫn được tự do. Khi ấy ông mới 47 tuổi và ông được thơ thới về nhà sau phiên toà xử thứ hai. Ông vẫn tự do. Ông sống bình thường, canh tác rau quả trong trại, làm chủ một xưởng cưa nhỏ với hai ba công nhân, đi uống cà phê, uống bia với những ông bạn cũ, đều đặn đi bầu. Bọn cớm theo dõi ông một thời gian nhưng khi thấy ông không chơi với bọn KKK nữa, chúng bỏ rơi ông. Thật là ông không ngờ. Nếu chỉ có chút xíu nghi ngờ tình trạng có thể xấu đến như thế này, ông đã đi từ lâu rồi.
Adam nén tiếng thở dài:
– Sao ông không bỏ đi khi McAllister bắt đầu làm um sùm trở lại? Đến lúc ấy ông đi cũng còn kịp mà?
– Bởi vì ông quá ngu. Cũng bởi vì vụ án này xảy ra trầm trầm, McAllister không làm lớn chuyện ngay. Như cơn ác mộng. Thoạt đầu chẳng có gì đáng sợ, thế rồi nó đột biến làm mình trở tay không kịp. McAllister đắc cử Thống đốc. Tiếp theo đó Dogan bị bọn sở Thuế cho vào bẫy. Ông không ngờ Dogan sẽ phản thùng. Khi ông thấy nguy thì bọn FBI đã bám chặt, ông không còn có thể đi đâu được nữa.
Adam nhìn đồng hồ. Chàng cảm thấy mỏi mệt. Hai ông cháu đã nói chuyện với nhau trong hai giờ. Chàng cần khí trời trong lành và nắng gió. Khói thuốc lá dày đặc trong phòng kín làm chàng váng đầu, hoa mắt.
– Con đi thôi. – Vừa thu xếp giấy tờ vào cặp, chàng vừa nói – Sáng mai có thể con sẽ trở lại.
– Tốt. Ông chờ con.
– Con hiện ở nhà cô Lee. Cô ấy muốn vào gặp ông.
Ông già lắc đầu:
– Đừng.
– Tại sao?
Ông già không trả lời, ông đi tới gõ nhẹ lên cửa phòng. Hai ông cháu đứng nhìn nhau từ xa. Rồi cửa mở, hai người gác vào đưa người tử tù trở về phòng giam.