Tổng giám thị Naifeh thức dậy sáng Chủ nhật với cơn đau tim và được đưa ngay vào bệnh viện. Bà vợ ông, người chung sống với ông đã bốn mươi mốt năm, ngồi bên ông trong xe cứu thương. Tới bệnh viện, Naifeh được đưa ngay lên xe đẩy vào phòng cấp cứu.
Bà Naifeh bồn chồn và lo âu chờ kết quả cuộc xét nghiệm đầu tiên. Bà đã ngồi chờ ở đây một lần cách đây mấy năm, khi ông chồng bà bị xây xẩm mặt mày và ngã rúi ngã rụi vì cơn đau tim đầu tiên. Một bác sĩ tuy còn trẻ nhưng bộ mặt đã mang vẻ u ám, hãm tài đặc biệt của những ông thầy thuốc, cho bà biết tình trạng của ông chồng bà không có gì trầm trọng lắm nhưng cũng phải đề phòng. Trong 24 giờ tới ông ta sẽ được máy đo nhịp tim kiểm soát, theo dõi liên tục, phải nằm viện ít nhất là bảy ngày, phải hoàn toàn tĩnh dưỡng và không được biết bất cứ việc gì xảy ra ở khám đường, nhất là những tin về vụ hành quyết tử tù Sam Cayhall. Bác sĩ ra lệnh cấm không cho người đau nghe điện thoại.
o O o
Khi Adam trở dậy mặt trời đã lên cao. Gần 8 giờ sáng. Tối qua cô Lee hứa sáng nay cô sẽ làm bữa ăn sáng – trứng chiên, thịt heo muối – cô làm bếp thật dở song mấy món ăn sáng thông thường thì cô làm được – nhưng đến giờ này anh cháu vẫn không ngửi thấy mùi thức ăn nào từ trong bếp tỏa ra.
Không có cô Lee trong bếp. Adam gọi nhưng không thấy trả lời. Bình cà phê còn đầy một nửa. Cô Lee đã dậy và đã uống cà phê. Cửa phòng ngủ của bà hé mở. Cô không ở trong phòng. Cũng không thấy cô ngồi uống cà phê, xem báo ở ban-công. Cảm giác lạnh lạnh nơi xương sống đến với Adam khi chàng đi tìm hết phòng này sang phòng khác. Chàng xuống nhà để xe, không thấy xe của cô Lee. Chàng hỏi người gác và được biết bà lấy xe đi cách đây gần hai giờ.
Trở lên nhà Adam tìm được nguyên nhân làm cho bà cô của chàng bỏ đi. Tờ nhật báo Memphis số đặc biệt Chủ nhật nằm trên bàn trong phòng ăn in hình bà Lee Cayhall trên trang nhất. Không chỉ hình một mình bà Lee Cayhall mà còn có bức hình chụp ông bà Phelphs Booth trong một dạ tiệc. Hai vợ chồng đứng bên nhau, tươi cười trước ống kính. Bà Lee bận bộ áo dạ hội hàng đen, hở cổ, hở vai thật đẹp. Phelphs trông hào hoa phong nhã trong bộ complet đen, cravat đen. Hai vợ chồng thật đẹp đôi. Trong ảnh họ có vẻ tràn đầy hạnh phúc.
Tác giả bài báo vẫn là phóng viên Todd Marks. Bài này không có chi tiết gì mới lạ ngoài việc nhà báo vừa tìm ra Lee Cayhall Booth, vợ của chủ ngân hàng Phelphs Booth và là một khuôn mặt nữ lưu sáng giá trong cộng đồng, là con gái của tử tù Sam Cayhall.
Bài báo được viết với luận điệu như nữ công dân Lee Cayhall là một tội phạm trốn tránh pháp luật, một nữ lưu manh trà trộn trong giới thượng lưu Memphis từ lâu nay mới bị lột mặt nạ. Bài báo còn đăng lời phát biểu của một số nhân vật tai to, mặt lớn nhưng giấu tên – những người này đều nói họ kinh ngạc khi biết Lee Booth là con gái của lão tử tù sắp bị hành quyết, và họ ngạc nhiên không hiểu vì sao một dòng họ thuộc loại quí tộc như họ Booth lại có thể kết thông gia với họ Cayhall quá đỗi bình dân. Tác giả bài báo còn móc cả chuyện vợ chồng Phelphs Booth có anh con trai tên Walt nhưng anh này hiện sống ở châu Âu không chịu trở về Hoa Kỳ.
Bức ảnh nhỏ của bà quả phụ Kramer in kèm bài báo. Trên đại thể bài báo không loan tin gì đáng kể về vụ Sam Cayhall ngoài mẩu chuyện bên lề về Lee Cayhall Booth.
Adam quăng tờ báo xuống. Chất cà phê trở thành đắng nghét. Chàng bùi ngùi tưởng tượng cảnh cô Lee thương mến của chàng dậy sớm trong buổi sáng trời đẹp hôm nay, thần trí và thể xác mạnh khỏe, vui vẻ, bình yên. Bà pha cà phê uống và chờ anh cháu dậy cùng ăn sáng. Trong lúc uống cà phê bà xem báo. Bà như người bất ngờ bị đấm vào mặt, bị đá vào bụng. Và như lên cơn điên dại, bà bỏ đi. Bà đi đâu? Nhất định là bà không chạy về với ông chồng. Nếu bà có một ông bạn trai yêu thương bà, chào đón bà thì may lắm. Nhưng chàng không chắc bà có bạn tình. Chàng chỉ còn có thể cầu mong bà không lái xe trong lúc say rượu. Giờ này chắc là những người nhà Booth đang bối rối, nhăn nhó, bực dọc. Đáng kiếp! Adam nghĩ. Chàng tắm, thay đồ rồi vào chiếc xe Saab lái đi. Chàng không hy vọng nhìn thấy chiếc chiếc xe Jaguar màu nâu của cô Lee trong những đường phố của Memphis nhưng chàng vẫn lái xe đi vòng vòng. Chàng đến nhà Auburn – cô Lee không có ở đó. Tuy không tìm được cô nhưng chuyến đi cũng làm chàng bớt khó chịu. Đến trưa chàng về văn phòng.
Ông khách duy nhất đến thăm già Sam trong ngày Chủ nhật cũng là một người đến bất ngờ. Ông khách trạc sáu mươi, có mái tóc xám và bộ mặt tròn, vui vẻ, dễ tính.
– Ông Cayhall. – Ông khách nói ngay khi già Sam vừa ngồi xuống ghế bên kia lưới sắt – Tôi là Ralph Griffin, giáo sĩ của khám đường. Tôi mới đến đây làm việc nên chưa được gặp ông lần nào.
Già Sam gật đầu:
– Chào linh mục.
– Chào ông. Tôi chắc ông biết vị giáo sĩ tiền nhiệm của tôi ở đây?
– Linh mục Rucker? Vâng, tôi biết. Bây giờ ông ấy đâu?
– Thưa đã nghỉ hưu.
– Tốt thôi. Theo lời Chúa dạy tôi nói thật và tôi nói là tôi không ưa linh mục Rucker. Theo tôi, người như ông ấy khó lòng mò đến được cửa Thiên đường.
Linh mục Griffin mỉm cười:
– Vâng. Tôi có nghe nói ông ấy không được ai ưa ở đây.
– Không được ai ưa là không đúng, phải nói là ông ấy bị khinh ghét mới đúng. Không biết vì sao chúng tôi không tin ông ấy. Tôi cho rằng có lẽ vì ông ấy tán thành án tử hình mà bọn tôi lại là tù tử hình, ông có thể tưởng tượng được không? Ông ấy được Thiên Chúa sai đến để giúp đỡ, cứu vớt linh hồn chúng tôi nhưng ông ấy lại cho rằng bọn chúng tôi đều đáng bị giết. Ông ấy nói công lý ấy được ghi trong Kinh Thánh. Cái gọi là luật mắt đền mắt, răng đền răng…
Linh mục Griffin trở thành nghiêm trọng, ông hỏi:
– Ông Cayhall… Như vậy là ông tin ở Thiên Chúa?
—Tôi tin chứ! – Già Sam gật đầu – Còn linh mục thì sao? Ý kiến của ông về án tử hình như thế nào? Tôi đặt câu hỏi rõ hơn: ông có cho án tử hình là cần thiết không?
Linh mục Griffin trả lời ngay và dứt khoát:
– Không.
Già Sam ngừng hút thuốc lá, ông lấy tay quạt quạt cho làn khói tản đi và nhô người về phía lưới sắt để quan sát nét mặt ông linh mục:
– Ông chịu khó nói rõ hơn đi. Tại sao ông lại cho án tử hình là không cần thiết?
– Vì giết người là một việc xấu. Vì Chúa Cứu Thế chỉ tha thứ mà không báo thù. Ông giết người, đó là ông làm một việc xấu, người ta giết ông, người ta cũng làm một việc xấu.
– Hallelujah… Người anh em tôi nói hay quá…
– Tôi tin chắc Chúa Jesus không dạy chúng ta giết người như một hành động trừng phạt. Chúa dạy chúng ta yêu thương nhau và tha thứ cho nhau.
Già Sam gật đầu:
—Tôi cũng thấy như ông khi tôi đọc Kinh Thánh. Vì những nguyên nhân nào ông lại giạt đến nhà tù này để hầu việc Chúa?
– Chúa sai tôi đến để giúp các ông. Đó là nói về nguyên nhân thiêng liêng, còn trần tục thì tôi có người anh em trong Quốc hội tiểu bang muốn tôi về hầu việc Chúa ở đây.
Già Sam mỉm cười rồi chặc lưỡi:
– Tôi chắc ông không thể làm việc Chúa ở đây được dài ngày đâu. Người lương thiện không thể sống được ở nơi cửa địa ngục này. Có thể ông không tin lời tôi đâu, rồi ông sẽ thấy.
Linh mục Griffin chắp hai bàn tay vào nhau như ông sẵn sàng mở cuộc cầu nguyện dã chiến ngay tại chỗ:
– Một trong những việc làm đầu tiên của tôi khi tới đây là đến gặp ông. Tôi muốn được nói chuyện nhiều với ông trong những ngày tới. Nếu ông bằng lòng tôi muốn được cùng cầu nguyện với ông. Nếu tôi làm việc gì, hay nói lời gì… không được đúng, mong ông chỉ cho tôi. Đây là vụ hành quyết thứ nhất trong đời mục vụ của tôi.
Già Sam lại mỉm cười:
– Tôi không giúp gì được ông đâu. Đây cũng là lần bị hành quyết thứ nhất trong cuộc đời tù đày của tôi.
– Ông Cayhall! Ông có sợ không?
– Tôi già rồi, thưa linh mục. Vài tháng nữa thôi tôi bảy mươi tuổi nếu tôi còn sống được vài tháng nữa. Ai mà không ham sống, sợ chết nhưng với tôi thì đôi khi ý nghĩ về việc mình sắp chết lại là một thảnh thơi. Sống ở đâu thì mới ham chớ sống trong khám tử hình thì chẳng nên sống làm gì cho lâu.
– Nhưng tôi thấy ông vẫn cứ phấn đấu để sống, phải không ạ?
– Vâng. Tôi vẫn cứ bám víu lấy cuộc sống mà tôi không biết vì sao, tôi bám víu để làm gì? Tôi nói thế này chắc linh mục hiểu: như người bị ung thư bám víu lấy cuộc sống, để rồi khi bị đau đớn, bị hành hạ quá lâu chịu không còn nổi nữa, người đó thấy chết là một giải thoát. Nhưng thực ra thì chẳng ai muốn chết cả, ngay cả tôi.
– Tôi được biết ông có người cháu làm luật sư về đây đại diện cho ông. Tôi chắc ông thấy ấm lòng và hãnh diện vì anh cháu của ông.
Già Sam chỉ cười. Linh mục Griffin nói tiếp:
– Tôi đã đến đây, tôi sẽ ở lại đây ít nhất cũng phải là một năm, nửa năm. Tôi mong được gặp ông trong những ngày tới. Nếu ông muốn gặp tôi, xin ông gọi. Bất kể ngày đêm tôi xin đến với ông.
– Cảm ơn Linh mục.
– Chắc ông đã biết về những thủ tục. Trong mấy giờ cuối cùng ông có quyền được có hai người ở bên ông: luật sư của ông và cố vấn tâm linh của ông. Tôi sẽ rất vinh dự nếu ông chấp thuận cho tôi được ở bên ông.
– Linh mục để cho tôi suy nghĩ về việc ấy.
Tối xuống Adam ngồi coi phim video cho qua thì giờ. Chàng ngồi cạnh máy điện thoại chờ cô Lee gọi về. Đã mười hai giờ đồng hồ trôi qua kể từ buổi sáng nay chàng không được một tin nào của bà. Mười giờ chàng ngừng coi phim để gọi đi hai cú điện.
Hai cú điện thoại đều gọi về duyên hải miền Tây. Chàng gọi cho mẹ chàng ở Portland. Bà vui mừng khi nghe tiếng chàng. Bà không hỏi gì về chuyện ông già Sam Cayhall mà Adam cũng không nói. Chàng chỉ nói chàng khoẻ mạnh, làm việc nhiều và chàng sẽ trở về Chicago trong vài tuần nữa. Mẹ chàng nói bà có đọc báo và thấy có tin loan về chàng. Bà nhớ chàng nhiều, bà mong có ngày chàng đến thăm bà. Chàng báo tin cô Lee được mạnh khoẻ và có lời hỏi thăm bà.
Cú điện thoại thứ hai chàng gọi cho Carmen, cô em gái của chàng ở Đại học Berkeley. Một thanh niên trả lời điện thoại, nếu chàng nhớ đúng thì tên anh chàng này là Kevin, một bạn trai đã khá lâu của cô em chàng. Rồi Carmen đến cầm ống nghe nói chuyện ngay. Cô tỏ ra lo âu, hồi hộp vì những chuyện đang diễn ra ở Mississippi liên can đến ông nội và anh cô.
Cô theo dõi vụ án trên tivi, trên báo và cô lo âu nhiều cho cả hai ông cháu. Adam quả quyết với em chàng được an toàn, người miền Nam rất dễ thương và hiền hoà, bây giờ những người Ku Klux Klan vẫn còn nhưng họ không còn bạo động nữa. Có chuyện gì cần đòi hỏi, người KKK nay cũng kéo nhau đi biểu tình ôn hoà như bất cứ đoàn thể nào khác. Chàng cho em biết chàng đang sống tại nhà cô Lee, hai cô cháu rất hợp tính nhau.
Adam ngạc nhiên khi thấy Carmen muốn biết nhiều về ông nội. Nàng hỏi anh ông nội là người thế nào, già yếu lắm không, nói năng ra sao, ông có thái độ thế nào với con cháu? Ông cần gì? Ông có vui khi gặp anh không? Bố có giống ông lắm không?… Carmen nói nàng muốn bay về Memphis để gặp ông nội trước ngày ông bị… Đây là việc mà Adam hoàn toàn không ngờ. Chàng nói chàng sẽ hỏi ý ông nội về chuyện cô cháu muốn đến thăm ông và sẽ cho nàng biết sau.
Sau đó chàng nằm ngủ ngay trên sofa trong phòng khách. Ba giờ sáng ngày thứ Hai, chuông điện thoại reo. Người gọi đến là một người đàn ông tự giới thiệu:
– Tôi là Phelphs Booth. Anh là Adam?
– Vâng. Tôi là Adam.
– Anh gặp cô Lee chưa? Anh có tin gì của Lee không?
Phelphs hỏi, giọng vẫn bình thường, không gấp gáp quá mà cũng không lạnh lùng quá.
– Tôi chưa gặp. Tôi chưa có tin gì về cô tôi từ sáng đến giờ. Có chuyện gì vậy ạ?
– Bà ấy gặp rắc rối. Rượu say lái xe, bị bắt bỏ bốt…
Adam kêu lên:
– Trời đất ơi..!
– Đây không phải là lần đầu. Bị bắt bà ấy gây gổ với cảnh sát, bị nhốt năm giờ cho rã rượu. Cảnh sát biết bà ấy là vợ tôi nên gọi cho tôi. Tôi đến nơi thì bà ấy đã đóng tiền thế thân và ra khỏi nhà tạm giam rồi. Có ai đến đón hoặc là bà ấy đi taxi. Tôi nghĩ có thể bà ấy gọi về nhà cho anh.
– Thưa không. Sáng nay khi tôi dậy cô tôi đã đi rồi. Không biết phải đi tìm ở đâu, tôi đành ở nhà chờ.
– Tôi nghĩ bà ấy vào thẳng một dưỡng đường nào đó mà không muốn cho chúng ta biết. Nếu bà ấy yêu cầu dưỡng đường giữ kín tên tuổi thì chúng ta cũng khó tìm. Đành đợi bà ấy gọi hay trở về thôi. Bây giờ có việc này tôi muốn nhờ anh, nếu anh chịu giúp thì quá tốt.
– Việc gì ạ? – Adam hỏi.
– Xe của Lee còn để ở bãi giữ xe của cảnh sát. Tôi đã lấy được giấy lãnh xe ra cùng chìa khoá. Ta cần đưa cái xe ấy ra khỏi đó trước khi trời sáng.
Adam bỗng cảm thấy chàng có tội. Nếu chàng cứ ở Chicago, đừng trở về đây, những vụ bới móc con cháu ông già Sam Cayhall đã không xảy ra.
– Chỉ cho tôi cách đến lấy xe. – Adam nói.
– Anh xuống chờ tôi trước cửa nhà, tôi đến đó trong mười phút nữa.
Adam đánh răng, rửa mặt, thay y phục rồi xuống đứng chờ trước cửa nhà. Một chiếc xe Mercedes đen lừ lừ tiến đến và dừng lại. Chàng vào xe.
Hai người bắt tay nhau vì bắt tay là một cử chỉ lễ độ. Phelphs bận bộ đồ vận động viên chạy bộ màu trắng, đội mũ Cubs. Ông cho xe chạy chậm trên con đường vắng.
– Tôi chắc Lee có nói cho anh biết đôi điều về tôi? – Phelphs hỏi, giọng bình thản, không cay đắng cũng không oán trách.
– Vâng. Một đôi chuyện. – Adam trả lời.
– Những gì Lee nói đều không sai. Vì vậy tôi thấy chúng ta chẳng nên nhắc lại hay thanh minh làm gì.
“Đúng vậy. Thế là nhất…” Adam nghĩ thầm, chàng hưởng ứng ngay:
– Vâng. Chúng ta nói đến chuyện khác thì hơn, như chuyện đánh bóng chẳng hạn. Ông ái mộ đội Cubs?
– Lâu rồi và sẽ mãi mãi ái mộ Cubs. Còn anh?
– Đội của tôi cũng là đội Cubs. Tôi ở Chicago nên được đến sân xem Cubs ra sân đấu và thắng nhiều lần. Tôi thích nhất là tay đánh Sandberg. Còn ông?
– Tôi thích những tay đã có tuổi, như Ernie Bank và Ron Santos. Đó là những tên tuổi đánh dấu thời đại hoàng kim của bóng chày, khi những hảo thủ còn trong sạch, còn trung thành với màu cờ, sắc áo của đội mình, thời đại ta có thể biết chắc thành phần đội bóng ta ưa thích năm tới sẽ gồm có những ai. Tôi vẫn còn yêu thích bóng bầu dục nhưng tôi bị thất vọng nhiều, tiền và lòng tham tiền đã làm ô nhiễm môn thể thao hấp dẫn nhất này.
Adam thấy chuyện ly kỳ là người làm ngân hàng chuyên nghiệp như Phelphs Booth lại than phiền và thất vọng về tật tham tiền của người đời.
– Nếu những tay chơi thể thao kiệt xuất đòi được trả những khoản tiền xứng đáng với tài năng của họ thì có gì đáng chê trách? – Chàng hỏi – Có gì xấu nếu người có tài bán tài năng của họ với giá cao nhất?
Phelphs lắc đầu:
– Chỉ có tài ném banh, bắt banh thôi mà đòi trả đến năm triệu đô là điều phi lý!
– Ông nói sao về những ca sĩ nhạc Rock? Những người chỉ hò hét, uốn éo không thôi mà mỗi năm kiếm tới năm mươi triệu đô?
Không trả lời thẳng câu hỏi, Phelphs chỉ nói:
– Vé hạng bét vào coi trận đấu banh bầu dục mà đến hai mươi đô cũng là điều phi lý!
– Biết bao nhiêu là người phục vụ để cho một trận đấu có thể thành hình. Tôi thấy khán giả chẳng ai phàn nàn gì về tiền vé vào cửa, miễn là trận đấu sôi nổi, sân bãi tốt, phục vụ chu đáo.
Hai người trao đổi những ý kiến linh tinh trong lúc chiếc xe lướt êm trong thành phố êm vắng khi đêm gần sáng. Cuối cùng họ cũng phải nói với nhau về người đàn bà mà cả hai cùng yêu thương.
– Nghe tôi, Adam. – Phelphs đột ngột nói – Lee có nói với anh về vấn đề rượu của bà ấy chứ?
– Vâng. Cô tôi nói là cô tôi nghiện rượu.
– Khá nặng đấy. Đây là lần thứ hai Lee bị cảnh sát bắt về tội lái xe khi say rượu. Lần trước tôi thu xếp được để tin không lên báo, lần này không biết tôi có bịt đi được không. Lee đang là người bị dư luận chú ý trong thành phố này. Rất may là hồi tối bà ấy lái xe mà không đụng phải ai.
Phelphs dừng xe trước trụ sở cảnh sát, ông nói tiếp:
– Lee đã đi cai, nghiện lại rồi lại đi cai năm sáu lần rồi.
– Năm sáu lần? Cô tôi nói là ba lần.
– Đừng bao giờ anh tin lời người nghiện rượu nói về chuyện cai nghiện của mình. Tôi nói chắc chắn là năm lần rồi. Nhà cai nghiện cô anh thích đến nhất là nhà Spring ở bên bờ sông cách đây khoảng ba mươi cây số. Chỗ ấy đẹp, thơ mộng, cai nghiện rất hữu hiệu. Cai rượu và cai ma túy luôn. Đó là trung tâm cai nghiện hiện đại của những người có tiền. Giá phải chi cho mỗi ngày điều trị ở đấy là hai ngàn đô. Tôi chi hết. Tôi sẵn sàng chi mọi khoản miễn là Lee được vui khỏe.
– Mỗi lần cô tôi ở đấy độ bao nhiêu ngày?
– Không nhất định. Ít nhất là một tuần, có lần một tháng. Phí tổn đối với tôi không là vấn đề.
Im lặng trong vài giây, rồi Adam hỏi:
– Ông muốn tôi làm gì?
– Trước mắt chúng ta hãy lo tìm xem Lee ở đâu đã. Vài giờ nữa tôi sẽ cho thư ký của tôi gọi điện tìm Lee ở khắp nơi bà ấy có thể đến. Chắc chắn bà ấy chỉ đến một trung tâm cai nghiện nào đó thôi. Khi tìm được, anh nên đến thăm bà ấy. Tôi biết anh bận, nhất là lúc này anh chẳng còn tâm trí đâu, nhưng nếu anh có thể, hoặc khi xong việc… Còn mấy ngày nữa nhỉ?
Phelphs hỏi mơ hồ, Adam cũng trả lời mơ hồ:
– Chín ngày.
Hai người cùng tránh không nói đến cái tên Sam Cayhall.
– Chín ngày! – Phelphs nhắc lại – Tôi mong anh cố gắng dành thì giờ đi thăm bà cô anh. Khi vụ Parchman xong, tôi đề nghị anh về Chicago, đừng ở lại đây.
– Tôi về Chicago? Bỏ cô tôi sống một mình ở đây?
Phelphs gật đầu:
– Vâng. Nghe thì có vẻ tàn nhẫn nhưng cần phải như thế. Có nhiều nguyên nhân gây phiền muộn, lo âu, chán nản cho Lee. Tôi nhận tôi là một trong những nguyên nhân ấy. Chắc anh cũng thấy gia đình anh, dòng họ anh cũng là một nguyên nhân chứ? Cô anh yêu thương anh nhưng anh cũng gợi cho cô anh nhớ lại những ác mộng, những tủi cực và những đau khổ, những ray rứt. Anh không nên giận tôi khi tôi nói những lời này. Tôi biết những lời tôi nói làm anh đau nhưng đó là sự thật.
Adam nghiêng mặt nhìn ngây sang những hàng đèn điện trước đồn cảnh sát bên kia đường.
– Có lần Lee đã bỏ được rượu liền trong năm năm. – Phelphs nói tiếp, giọng trầm trầm – Tôi đã yên trí như vậy là yên rồi. Thế rồi ông già bị bắt lại, bị kết án, rồi bố anh… Khi Lee đi đưa đám bố anh trở về, bà ấy nghiện lại. Nghiện nặng nữa. Lần này tôi cũng tưởng đời bà ấy đến đấy là hết. Không ngờ Lee gượng lại được. Thế rồi anh trở về vì vụ ông già…Ta không thể trách Lee trở về với rượu.
Phelphs buông nhẹ sau tiếng thở dài:
– Anh phải xa cô anh.
Adam kêu lên:
– Tại sao tôi lại phải xa cô tôi? Tôi yêu thương cô tôi…
– Đồng ý. Và cô anh yêu thuơng anh. Tôi công nhận như thế nhưng anh phải yêu thương cô anh từ xa mới được. Từ Chicago anh gửi thư, gửi quà cho cô anh, mỗi tháng gọi điện nói chuyện với bà vài lần hay nhiều hơn nếu anh muốn. Nói với cô anh về thời tiết nóng lạnh, thời trang, phim ảnh, tiểu thuyết, nước hoa, chuyện anh muốn lấy vợ hoặc anh chưa muốn lấy vợ… Chuyện gì cũng được nhưng tránh đừng nói đến chuyện gia đình anh.
Adam nghẹn lời:
– Cô tôi cô đơn… Ai sẽ săn sóc..?
– Bà cô anh đã gần năm mươi cái xuân rồi, Adam. Bà ấy còn bé bỏng, ngây thơ gì nữa mà cần có người săn sóc. Bà ấy có cá tính khá mạnh, quen sống độc lập, không cần nhờ vả bất cứ ai. Bà ấy biết rõ hơn anh và tôi về bệnh nghiện rượu và việc cai rượu. Nếu bà ấy muốn uống là bà ấy uống, không ai ngăn được. Muốn cai, bà ấy thản nhiên đi cai. Có ai bắt được bà ấy đi cai đâu. Cai mà có tiền, có đủ phương tiện thì dễ thôi, giữ đừng bị nghiện lại mới là khó.
Phelphs lại thở dài:
– Tôi rất tiếc. Tôi không đem lại được ảnh hưởng nào tốt cho Lee. Anh cũng vậy.
Adam cố nén tiếng thở dài, chàng đưa tay ra mở cửa xe:
– Tôi xin lỗi nếu tôi làm phiền ông và gia đình ông. Tôi không cố ý.
Phelphs mỉm cười, ông đặt bàn tay lên vai Adam:
– Đừng nghĩ ngợi gì. Không biết anh có tin không khi tôi nói gia đình tôi còn có nhiều chuyện bê bối hơn gia đình anh nhiều. Nếu anh thấy những bộ xương giấu trong tủ của gia đình tôi…
Phelphs đưa cho Adam giấy lãnh xe và xâu chìa khoá:
– Anh vào cổng đó lấy xe về cho cô anh.
Adam đứng bên đường nhìn theo chiếc Mercedes trôi đi rồi biến mất. Chàng có cái cảm giác rõ ràng là Phelphs Booth vẫn còn yêu thuơng nồng nàn cô Lee.