Cần để trẻ cảm nhận được rằng, đọc sách là một công việc thú vị, ngoài sự thú vị ra không còn mục đích nào khác. Chính cái “không có mục đích nào khác” này, mới có thể khiến trẻ thích đọc sách.
Trong ngôn ngữ của trẻ em, sự việc luôn được chia rạch ròi thành “tốt” và “xấu”. Bây giờ tôi xin mượn cách nói của trẻ, bàn một chút về cách làm nào tốt, đáng được phát huy; cách làm nào xấu, cần chú ý tránh trong quá trình đọc sách ngoài giờ học của trẻ em. Hãy cho phép tôi dùng giọng của trẻ, gọi cách làm tốt, đáng được phát huy là “cách đọc sách tốt”, còn cách làm nào xấu, cần chú ý tránh là “cách đọc sách xấu”. Cách đọc sách tốt nên cố gắng dùng văn viết, cách đọc sách xấu bỏ qua văn viết, sử dụng nhiều văn nói.
Điểm này nhằm vào đối tượng trẻ em giai đoạn chưa biết chữ, người lớn kể chuyện cho trẻ.
Khi bố mẹ kể chuyện cho con, sợ con nghe không hiểu, liền cố gắng dùng văn nói để kể. Làm như vậy không tốt lắm. Phương pháp đúng là, ngay từ lúc mới bắt đầu, nên cố gắng sử dụng ngôn ngữ chuẩn, từ vựng phong phú để kể chuyện cho trẻ nghe. Cố gắng để trẻ được tiếp xúc sớm với các loại sách có tình tiết, có chữ viết, kể từ ngày bạn mua cho trẻ cuốn sách có lời văn thuyết minh, bạn cần cố gắng “đọc” chuyện, không nên “kể” chuyện cho trẻ nghe. Điều này đã được trình bày kỹ trong bài viết Dạy con biết chữ không khó của cuốn sách này, ở đây tôi không đề cập nữa.
Cách đọc sách tốt yêu cầu đọc nhanh, cách đọc sách xấu yêu cầu đọc chậm.
Trong vấn đề đọc sách ngoài giờ học, một cái lỗi rất tệ mà một số bậc phụ huynh và giáo viên hay mắc phải là yêu cầu trẻ đọc chậm, đọc từng chữ từng câu một. Điều này không đúng.
Có ba phương diện để đánh giá khả năng đọc của một người: Hiểu, nhớ, tốc độ. Ba phương diện này hỗ trợ nhau, thúc đẩy nhau phát triển.
Tốc độ là một tiêu chí hết sức quan trọng để đánh giá khả năng đọc. Khả năng đọc của người đọc từng chữ một là kém nhất, đọc từng hàng từng hàng một, đạt được đến “nhìn một lúc mười dòng” là tốt nhất. Nhìn một lúc mười dòng là một cách ví von, chỉ hoạt động đọc sách của người đó đã đạt tới trình độ rất thành thạo, diện đọc rộng, phạm vi chú ý lớn, một lần nhìn bao quát được từ một dòng đến mấy dòng.
Đọc sách buộc phải đạt đến trình độ bán tự động hóa, nội dung đọc mới có thể được nắm bắt và hấp thu, mới có lợi cho việc hiểu và nhớ. Cách đọc từng chữ một sẽ gây cản trở cho sự hình thành trạng thái bán tự động hóa này, tài liệu đọc mà mình cảm nhận được rời rạc, không hoàn chỉnh.
Tốc độ đọc của con người vừa không phải từ lúc sinh ra đã có, cũng không phải là muốn nhanh sẽ được nhanh, đồng thời không thể dùng một phương pháp huấn luyện nào đó để dễ dàng đạt được. Tốc độ được quyết định bởi lượng đọc, được hình thành một cách tự nhiên trên cơ sở “lượng”. Sự tiến bộ của trẻ em trên phương diện này rất đáng ngạc nhiên, một học sinh tiểu học thích đọc sách, tốc độ đọc của em sẽ nhanh chóng được hình thành, đồng thời do suy nghĩ của trẻ trong quá trình đọc rất đơn thuần, nóng lòng muốn biết tình tiết câu chuyện ở phía sau, vì thế tốc độ đọc thường vượt cả những người lớn cũng thích đọc sách như thế. Những đứa trẻ có lượng đọc tương đương, tốc độ đọc của chúng về cơ bản là như nhau. Vì thế trong vấn đề nâng cao tốc độ đọc, cũng không cần người lớn phải can thiệp, chỉ cần đảm bảo cho trẻ có lượng đọc đủ là được.
Con gái tôi Viên Viên khi học tiểu học đã đọc xong toàn bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, tất cả mười bốn bộ, khoảng ba mươi, bốn mươi cuốn. Tôi chỉ mua cho cô bé một bộ Ỷ Thiên Đồ Long ký, còn lại là đi thuê về xem. Lúc đó tiền thuê là mỗi cuốn năm hào/ngày. Lúc đầu Viên Viên đọc rất chậm, chẳng mấy chốc càng đọc càng nhanh, mặc dù hàng ngày phải đi học, mỗi cuốn chỉ mất một đến một tệ rưỡi, tức hai, ba ngày là đã đọc xong; đến kỳ nghỉ hè thì mỗi ngày đọc một cuốn. Tôi tính sơ bộ, cô bé tám tuổi này đọc một cuốn tiểu thuyết hai trăm nghìn chữ, tổng thời gian đọc chỉ cần bốn đến năm tiếng đồng hồ. Tốc độ này của Viên Viên không có gì là ghê gớm, những em khác đọc nhiều sách, tốc độ cũng sẽ nhanh như vậy.
Trong vấn đề nâng cao tốc độ đọc cho trẻ, cần chú ý một số điểm sau:
Thứ nhất, không nên để trẻ đọc phát ra tiếng.
Ở trường thường xuyên yêu cầu học sinh đọc nhẩm bài khóa, đó chỉ là đọc bài khóa, không nằm trong phạm trù đọc sau giờ học mà chúng ta nói đến ở đây. Đọc sách ngoài giờ học không nên đọc thành tiếng. Đọc phát ra tiếng, không những không thể hiểu rõ nội dung của tác phẩm, cũng không thể đẩy nhanh tốc độ, là một cách đọc không tốt.
Thứ hai, không nên vừa gặp từ mới đã yêu cầu trẻ tra từ điển.
Trong giai đoạn đầu đọc sách, chắc chắn trẻ sẽ gặp nhiều từ mới, việc tra từ điển liên tục sẽ ảnh hưởng đến việc đọc, sẽ làm trẻ mất hứng thú. Trẻ mới đọc những tác phẩm có nội dung dài, vốn đã không tin tưởng vào vốn từ mà mình đã biết, lo rằng không biết có hiểu hay không. Bố mẹ cần khích lệ trẻ, có những chữ không biết cũng không sao cả, chỉ cần hiểu được là được. Nếu có một số từ mới ảnh hưởng đến việc hiểu tác phẩm, hoặc là từ then chốt trong tác phẩm thì có thể hỏi bố mẹ. Như thế sẽ khiến cho trẻ cảm thấy rất nhanh, đọc rất nhẹ nhàng. Tôi từng gặp bậc phụ huynh rõ ràng là biết chữ đó, nhưng lại không nói cho con biết, bắt con phải đi tra từ điển, dường như cho rằng tra từ điển có thể giúp trẻ nhớ lâu hơn. Cách làm này là vô nghĩa, thực tế là hầu hết các em đều không thích bị gián đoạn trong quá trình đọc. Có em thích tra từ điển, đương nhiên cũng không nên ngăn cản, quan trọng là tôn trọng sự lựa chọn của trẻ, để trẻ có thể đọc một cách vui vẻ, thuận lợi.
Thứ ba, nếu có thể, cố gắng thuê sách hoặc mượn sách để đọc.
Thuê sách hoặc mượn sách có thể thúc đẩy trẻ nhanh chóng đọc xong một cuốn sách. Bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung mà Viên Viên đọc về cơ bản đều là thuê về, để tiết kiệm tiền thuê, Viên Viên đã tranh thủ thời gian đọc xong sớm, mỗi cuốn cùng lắm thuê ba ngày, đến kỳ nghỉ mỗi ngày một cuốn. Mặc dù thuê trong vài ngày không tốn nhiều tiền, nhưng cảm giác chỉ mất một tệ mà được đọc một cuốn sách đã khiến Viên Viên rất phấn khởi, điều này vô hình trung cũng thúc đẩy Viên Viên đọc nhanh.
Cách đọc sách tốt quan tâm đến việc đọc được bao nhiêu, cách đọc sách xấu quan tâm đến việc nhớ được bao nhiêu
Rất nhiều phụ huynh sau khi con đọc xong một cuốn sách, thường xuyên kiểm tra em “đã nhớ được bao nhiêu”.
Có một vị phụ huynh, cũng nghe theo lời gợi ý của người khác, đồng ý cho con đọc sách ngoài giờ học. Em này vừa đọc cuốn tiểu thuyết đầu tiên, bố mẹ liền nóng lòng muốn con kể lại câu chuyện này, học thuộc “những đoạn văn hay” trong đó, bắt con phải dùng một số từ trong tiểu thuyết vào bài văn của mình, thậm chí còn yêu cầu con trẻ phải viết cảm nghĩ sau khi đọc xong. Đến khi em này đọc sang cuốn tiểu thuyết thứ hai, chị liền trách con gần như quên hết các tình tiết câu chuyện và nhân vật trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên, cho rằng cuốn đầu tiên đọc mất công. Bố mẹ làm như vậy chẳng khác gì gây khó dễ cho con. Điều này phản ánh hai vấn đề của bố mẹ, một là không hiểu việc đọc sách, hai là quá nóng vội. Kết quả của việc làm này sẽ chỉ khiến trẻ ghét đọc sách mà thôi.
Khi con trẻ đối mặt với một cuốn sách, nếu có người đưa ra yêu cầu với trẻ rằng phải ghi nhớ, trẻ sẽ tập trung sự chú ý vào việc nhớ, đồng thời đặt hứng thú đọc sách vào vị trí thứ yếu. Khi trẻ ý thức được rằng sau khi đọc xong một cuốn sách lại có nhiều nhiệm vụ phải làm như vậy, trẻ sẽ không còn muốn đọc nữa.
Làm mất hứng thú chính là bóp chết việc đọc sách.
Cần để trẻ cảm nhận được rằng, đọc sách là một việc làm thú vị, ngoài sự thú vị ra không còn mục đích nào khác. Chính cái “không có mục đích nào khác” này, mới có thể khiến trẻ thích đọc sách.
Việc đọc sách giai đoạn thiếu nhi chủ yếu là đọc truyện cổ tích và tiểu thuyết, chỉ cần con trẻ thích đọc, chứng tỏ trẻ đã bị câu chuyện lôi cuốn, trẻ và các nhân vật trong truyện cùng nhau trải qua các sự kiện, và cuối cùng cùng nhau chào đón một kết cục, cuốn sách này đã để lại dấu ấn trong cuộc đời trẻ. Nội dung cụ thể không cần trẻ phải nhớ, kể cả khi trẻ quên cả tên nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết đọc từ ba tháng trước, cũng không thể nói rằng trẻ đọc phí công.
Còn về việc học thuộc một số “đoạn văn hay” trong tác phẩm, càng không có mối liên hệ tất yếu với việc học ngôn ngữ. Nếu đoạn văn hay khiến trẻ cảm động thật thì trẻ sẽ tự biết mô phỏng và nhớ; nếu “đoạn văn hay” là do bố mẹ chọn, chưa chắc trẻ đã thừa nhận nó hay, việc học thuộc như thế sẽ không còn có ý nghĩa nữa. Đọc sách là một sự ảnh hưởng âm thầm, về mặt ngôn ngữ cũng là như vậy. Học thuộc đoạn văn của người khác không đồng nghĩa với việc mình có thể viết ra được đoạn văn này, điều quan trọng nhất của việc học ngôn ngữ là hình thành khả năng tổ chức ngôn ngữ và phong cách của mình, thà để trẻ dành thời gian vào việc đọc cuốn sách khác còn hơn là bắt trẻ học thuộc đoạn văn mà mình không thích.
Tục ngữ nói “sành sỏi xem bí quyết, ngờ nghệch xem cho vui”. Việc đọc sách ngoài giờ học của học sinh giai đoạn cấp một và cấp hai gần như đều là giai đoạn “ngờ nghệch”, trẻ “xem cho vui” cũng là tốt lắm rồi, không trải qua giai đoạn này, cũng khó có thể đạt đến giai đoạn sành sỏi. Tốt nhất bố mẹ và giáo viên không nên nóng lòng bắt trẻ phải nắm được ý nghĩa, phát biểu được cảm tưởng, nhớ được bao nhiêu điều sau khi đọc xong một cuốn sách. Thái độ của bạn đối với việc trẻ xem ti vi, chơi điện tử vô tư như thế nào thì đối với việc đọc sách của trẻ cũng nên vô tư như thế.
Chức năng của đọc nằm ở sự “hun đúc” chứ không phải là “chuyên chở”. Có thể trước mắt không thấy được gì, nhưng chỉ cần trẻ đọc được một lượng sách cần thiết, nền tảng vững chắc sớm muộn sẽ hiện ra ở trẻ.
Thực tế là, bố mẹ càng ít đặt ra những yêu cầu không thích đáng như ghi nhớ và học thuộc cho con trẻ thì vốn kiến thức mà trẻ nắm được trong quá trình đọc lại càng nhiều. Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky đã có những nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề này, ông phát hiện ra rằng: “Số lượng kiến thức mà con người nắm bắt cũng được quyết định bởi màu sắc tình cảm của hoạt động lao động trí óc: Nếu sự giao lưu tinh thần với sách vở là một niềm say mê, không đặt mục đích là phải ghi nhớ, thì rất nhiều sự vật, chân lý và quy luật sẽ dễ dàng ăn sâu vào ý thức của anh ta”(1).
_________________
(1) Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky, Lời kiến nghị với các nhà giáo, Đỗ Điện Khôn dịch, NXB Khoa học giáo dục, tái bản lần thứ nhất tháng 6-1984, tr.391.
Cách đọc sách tốt đọc chữ, cách đọc sách xấu đọc tranh.
Có vị phụ huynh nói rằng con mình đọc sách suốt ngày, tiền anh cho con, con hầu hết là mang đi mua sách, một bộ mấy chục cuốn, chỉ mấy ngày mà đã đọc xong, nhưng trình độ viết văn của cậu con lại rất kém, không hiểu tại sao lại như vậy.
Tôi hỏi anh con trai anh thường đọc những sách gì, anh nói về cơ bản đều là truyện tranh – thảo nào!
Tôi nói với vị phụ huynh này rằng, đọc truyện tranh không gọi là đọc sách, truyện tranh không phải là sách, truyện tranh chỉ là ti vi xuất hiện dưới hình thức cuốn sách. Anh nói con anh thường xuyên “đọc sách”, thực ra là em thường xuyên “xem ti vi”.
Hiện nay xã hội đang ở trong thời đại “đọc tranh”. Cái gọi là “đọc tranh” chính là xem phim hoạt hình, tranh biếm họa, ti vi hoặc máy tính, là phương thức tiếp nhận thông tin lấy hình ảnh làm chủ. Sự xuất hiện của thời đại đọc tranh đã gây sức ép cho hình thức đọc sách truyền thống. Một đứa trẻ sinh ra trong thập kỷ 1960, từ nhỏ sống trong môi trường thiếu thốn thông tin, sau khi lên cấp hai thỉnh thoảng được đọc một cuốn sách, anh ta liền đọc ngấu nghiến như tìm được của quý, niềm say mê đọc sách của anh ta có thể đã hình thành như vậy. Nhưng một đứa trẻ sinh vào thập kỷ 1990, ngay từ lúc sinh ra đã bị các loại thông tin kích thích, bao vây, nếu hầu hết thời gian trong độ tuổi thiếu nhi của em trôi qua trước màn hình ti vi, em sẽ có hứng thú với hình ảnh hơn, hình ảnh đã chiếm vị trí quan trọng trong đầu óc em, thời điểm tốt nhất để tạo hứng thú đọc chữ đã bị bỏ lỡ, sau này rất khó có thể tạo hứng thú đối với việc đọc sách.
Hiện giờ có quá nhiều trẻ em mắc “chứng nghiện ti vi”, điều này có liên quan đến một số quan niệm của phụ huynh. Một số bậc phụ huynh mặc dù cũng muốn con mình lớn lên trở thành người ham đọc sách, nhưng lại không để tâm đến việc đọc sách khi trẻ còn nhỏ, coi việc đọc sách có cũng được mà không có cũng xong. Có người cho rằng trong ti vi cũng có kiến thức, để con trẻ xem nhiều ti vi cũng tăng thêm được vốn kiến thức. Có người cho rằng con trẻ chưa biết nhiều chữ, xem ti vi trước, đợi đến khi biết nhiều chữ rồi sẽ đọc sách. Còn có người cho rằng trẻ phải được sống một cuộc sống tự do tự tại, chỉ cần làm xong bài tập, trẻ thích làm gì thì để trẻ làm. Họ không biết mình đang bỏ lỡ thời cơ, những suy nghĩ này đã khiến trẻ mất đi một thói quen tốt. Sự tổn thất này phần lớn sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời.
“Đọc tranh” không thay thế được vai trò của “đọc chữ”. Sở dĩ “đọc chữ” tốt hơn “đọc tranh” là do các nguyên nhân sau:
Chữ viết là một loại ký hiệu ngôn ngữ trừu tượng, có thể kích thích trung khu ngôn ngữ của trẻ phát triển, đồng thời ký hiệu này chính là ký hiệu mà trẻ sẽ sử dụng trong quá trình học tập trong tương lai, trong quá trình đọc sách trẻ được tiếp xúc nhiều, đến khi học trên lớp sẽ sử dụng được nhuần nhuyễn loại ký hiệu này, đây chính là cách trần thuật đơn giản “đọc chữ” có thể khiến một đứa trẻ trở nên thông minh hơn.
Còn truyện tranh, ti vi và máy tính đều dùng hình ảnh để lôi cuốn người khác, đặc biệt là ti vi, tín hiệu kích thích này không cần bất kỳ sự hoán chuyển nào, chỉ cần trẻ ngồi trước màn hình ti vi tiếp nhận một cách bị động là được. Đương nhiên xem ti vi cũng có thể giúp trẻ hiểu thêm một số điều, nhưng so với việc đọc sách, trong vấn đề mở mang trí tuệ, tác dụng của phương thức “đọc tranh” gần như là rất ít. Nếu các em trước độ tuổi đi học dành nhiều thời gian cho việc xem ti vi, trí tuệ của các em sẽ không được mở mang. Bắt đầu từ khi vào cấp một, lực học của em sẽ kém hơn những em thường xuyên đọc sách. Hơn nữa, những đứa trẻ quen với việc “đọc tranh” đã quen với cách tiếp nhận bị động, không quen với cách tiếp thu chủ động, trong học tập thường tỏ ra thiếu ý chí. Nhà văn hóa nổi tiếng của Đài Loan Lý Ngao đã chỉ trích rất gay gắt rằng: “Ti vi là cỗ máy sinh ra hàng loạt kẻ ngốc”.
Thời gian “đọc chữ” của trẻ nên bắt đầu càng sớm càng tốt. Giữa việc đọc sách và số mặt chữ trẻ đã biết không có mối quan hệ tất yếu, càng không có mối liên hệ với cấp học của trẻ, lúc nào cũng có thể bắt đầu. Cách đọc sách sớm nhất của trẻ em là nghe bố mẹ kể chuyện, từ giai đoạn trẻ nghe bố mẹ kể, dần dần quá độ sang giai đoạn trẻ tự đọc, từ chỗ đọc truyện tranh đơn giản dần dần quá độ sang tác phẩm văn học, từ những câu chuyện cổ tích có nội dung đơn giản dần dần quá độ sang các tác phẩm nổi tiếng. Chỉ cần trẻ chịu đọc, sự quá độ này sẽ diễn ra một cách rất tự nhiên.
Bản tính của trẻ em đều thích đọc sách, phàm là những em tỏ ra không thích đọc sách đều là do bố mẹ không tạo cho em môi trường đọc sách thích hợp trong thời điểm thích hợp. Hoặc là trong nhà rất ít khi mua sách; hoặc là mua sách về ngại kể cho con nghe; hoặc là cả ngày dùng ti vi để dỗ dành con trẻ, tóm lại, ngay từ nhỏ trẻ đã bị cách ly khỏi sách.
Thực ra “đọc chữ” không hoàn toàn phủ định “đọc tranh”, hai phương thức đọc này hoàn toàn có thể cùng tồn tại trong cuộc sống của trẻ. Con gái tôi Viên Viên cũng rất thích các hoạt động “đọc tranh”, từ nhỏ tới lớn cô bé đều thích xem phim hoạt hình, vào đại học vẫn thường xuyên xem, trên giá sách có rất nhiều truyện tranh, nhưng điều này không ảnh hưởng đến hoạt động “đọc chữ” của cô bé. Niềm say mê “đọc chữ” của cô bé đã được hình thành một cách ổn định từ khi còn rất nhỏ, cô bé tự biết dựa vào nhu cầu của mình để phân bổ thời gian đọc và nội dung đọc.
Những đứa trẻ từ nhỏ đến lớn, dành hầu hết thời gian rỗi cho việc “đọc tranh” chứ không phải là “đọc chữ”, thực ra việc đọc của những em đó vẫn dừng lại ở giai đoạn đầu tiên, sự trưởng thành về mặt trí tuệ do đọc sách đem lại cũng không thể thực hiện. Sự tổn thất này bắt nguồn từ việc hoạt động “đọc chữ” không kịp thời xuất hiện trong cuộc sống thuở ấu thơ của các em – đây là một điều rất đáng tiếc. Điều đáng tiếc này, lẽ nào không phải là do bố mẹ, giáo viên, và toàn xã hội coi nhẹ việc đọc sách của trẻ em hay sao?
Ngoài ra cần phải nhắc các bậc phụ huynh nên chú ý rằng, để trẻ đọc nguyên tác, không nên đọc “bản lược trích” hoặc “bản thu nhỏ”.
“Bản lược trích” chỉ những bản in đã được cắt gọt, biến thành bản có số chữ ít, nội dung, ngôn ngữ đều khá đơn giản. Tôi cho rằng đây là hành vi biến một quả tươi thành mứt hoa quả, ít nhất là những cuốn sách “dành cho thiếu nhi” như Tam quốc diễn nghĩa mà tôi nhìn thấy trong cửa hàng sách đã gây ấn tượng cho tôi như vậy. Kiến nghị nên chọn cho trẻ những nhà xuất bản có tiếng tăm và tác phẩm gốc.
“Bản thu nhỏ” chỉ những cuốn sách giữ nguyên tổng số chữ, nhưng thu nhỏ cỡ chữ, trang nào cũng dày đặc chữ. Loại sách này có thể là do một số nhà xuất bản nhỏ không có tiếng tăm hoặc các tay in lậu sách sản xuất. Ví dụ in bộ Hồng lâu mộng thành một cuốn sách. Những cuốn sách như thế này chỉ tiện mang theo bên người, nhưng đọc sẽ rất mệt, dễ làm trẻ chán; ngoài ra cũng có thể có nhiều chữ viết sai. Chính vì vậy cũng không nên cho trẻ đọc bản thu nhỏ.
Mỗi chúng ta đều thích “cái tốt”, không thích “cái xấu”, con trẻ lại càng phân chia rạch ròi thành tốt và xấu, trên trang giấy cuộc đời thuần khiết như tờ giấy trắng của các em sẽ để lại dấu ấn gì, đều có mối liên hệ tất yếu với sự tốt xấu của hàng trăm hàng triệu chi tiết trong cuộc đời các em. Giáo dục nằm trong tất cả mọi chi tiết, mỗi chi tiết “tốt” nhìn có vẻ rất nhỏ bé, đều có thể có ảnh hưởng rất lớn đến con trẻ. Việc đọc sách có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ, bố mẹ và thầy cô giáo phải cố gắng tạo cho trẻ “cách đọc sách tốt”, tránh “cách đọc sách xấu”, đây cũng là một phần không thể thiếu trong quá trình bạn đem lại cho trẻ những phương pháp giáo dục tốt.
Lưu ý đặc biệt
Cách đọc sách tốt nên cố gắng dùng văn viết, cách đọc sách xấu bỏ qua văn viết, sử dụng nhiều văn nói.
Cách đọc sách tốt yêu cầu đọc nhanh, cách đọc sách xấu yêu cầu đọc chậm.
Cách đọc sách tốt quan tâm đến việc đọc được bao nhiêu, cách đọc sách xấu quan tâm đến việc nhớ được bao nhiêu.
Cách đọc sách tốt đọc chữ, cách đọc sách xấu đọc tranh.
Cố gắng không để trẻ đọc “bản lược trích” hoặc “bản thu nhỏ”.