Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 19: CÓ ĐƯỢC PHÊ BÌNH THẦY CÔ GIÁO HAY KHÔNG?



Chúng ta luôn luôn khuyến khích con trẻ có những chính kiến độc lập, trong bất kỳ chuyện gì cũng không nên thấy người khác nói gì liền nói như thế, điều này đồng nhất với thái độ làm người cần thực sự cầu thị mà chúng tôi dạy dỗ con gái, tức trong bất kỳ thời điểm nào, trường hợp nào, đều phải cố gắng đứng trên tầm cao nhìn nhận vấn đề một cách chân thành, chứ không phải chỉ dựa theo tư tưởng của người khác hoặc một tập tục nào đó. Trên thực tế đây chính là dạy con rèn luyện ý thức phê phán.
Khi Viên Viên lên lớp năm, môn Đạo đức học đến phần tại sao phải tôn trọng người già, cô giáo chỉ đưa ra một đáp án: Vì khi còn trẻ, người già đã cống hiến cho đất nước.
Về đến nhà Viên Viên nói đến chuyện này với tôi và tỏ ra không đồng tình lắm: “Có người già hồi trẻ còn là kẻ cắp nữa!”.
Tôi hiểu được suy nghĩ Viên Viên, cô bé nghĩ rằng ngoài những người cống hiến cho xã hội cần phải được tôn trọng, có người già mặc dù hồi trẻ có những hành vi không tốt, nhưng khi họ đã già, là một người bình thường và một người có sức khoẻ yếu, ở một mức độ nào đó chúng ta cũng nên tôn trọng họ. Nhưng với độ tuổi khi đó của Viên Viên, cô bé không phân tích được quá nhiều, về mặt trực giác chỉ cho rằng, cô giáo giảng có phần thiên vị.
Tôi rất tán đồng với cách suy nghĩ của con, trái tim nhỏ bé của cô bé đã vượt lên trên cả phương thức tư duy mang tính vụ lợi thường thấy ở mọi người nhiều năm nay, bắt đầu đứng trên góc độ tinh thần quan tâm và yêu thương nhân loại để suy nghĩ vấn đề, điều này thực sự đáng được khen ngợi.
Và thế là tôi và Viên Viên đã nói chuyện với nhau một lúc về vấn đề này. Tôi đã khẳng định suy nghĩ của con, giúp con sắp xếp lại dòng suy nghĩ, để cô bé nhận thức được rõ hơn tôn trọng người khác là một thái độ làm người cơ bản nhất, chứ không phải là một hành vi trao đổi. Đồng thời tôn trọng cũng có nhiều cấp độ khác nhau – đối với những người có công đóng góp cho xã hội và đất nước, cần phải tôn trọng một cách tuyệt đối; đối với một phạm nhân, cũng phải tôn trọng một cách cơ bản nhất vì anh ta cũng là con người, thậm chí đối với động vật cũng phải tôn trọng.
Chúng ta luôn luôn khuyến khích con trẻ có những chính kiến độc lập, trong bất kỳ chuyện gì cũng không nên thấy người khác nói gì liền nói như thế, điều này đồng nhất với thái độ làm người cần thực sự cầu thị mà chúng tôi dạy dỗ con gái, tức trong bất kỳ thời điểm nào, trường hợp nào, đều phải cố gắng đứng trên tầm cao nhìn nhận một vấn đề một cách chân thành, chứ không phải chỉ dựa theo tư tưởng của người khác hoặc một tập tục nào đó. Trên thực tế đây chính là dạy con rèn luyện ý thức phê phán.
Có người nói, tinh thần phê phán là một trong những tiêu chí quan trọng của văn minh nhân loại, cho rằng sự phát triển của giới tự nhiên và xã hội nhân loại là một quá trình phê phán lớn lao. Từ thuyết tiến hóa của Darwin có thể thấy, quá trình phát triển của sinh vật chính là bắt nguồn từ sự phê phán không ngừng đối với bản thân. Giới giáo dục phương Tây ngày càng coi trọng việc bồi dưỡng khả năng tư duy mang tính phê phán của học sinh, cho rằng lối tư duy mang tính phê phán là một bộ phận không thể phân tách trong học tập, coi nó và “giải quyết vấn đề” là hai kỹ năng cơ bản nhất của lối tư duy(1). Phát triển ý thức phê phán ở trẻ em có lẽ là một nhiệm vụ quan trọng trong giáo dục. Đối với học sinh tiểu học, cấp hai, cấp ba, đặc biệt là học sinh tiểu học, việc bồi dưỡng ý thức phê phán không nhất thiết phải là yêu cầu con trẻ đưa ra quan điểm mới gì đó, mà trước hết là để trẻ dám mạnh dạn phát biểu ra suy nghĩ của mình. Điển hình nhất là để trẻ mạnh dạn đưa ra những lời chất vấn đối với một số lời nói và hành động của giáo viên.
__________________
(1) Trần Kỳ, Lưu Nho Đức chủ biên, Tâm lý học giáo dục đương đại, NXB Đại học Sư phạm Bắc Kinh, tháng 4-1997, tr.167.
Vì giáo viên là nhân vật “quyền uy” đầu tiên mà trẻ gặp trong cuộc đời, sự sùng bái và sợ hãi của trẻ đối với thầy cô giáo là rất tự nhiên. Trong cuộc sống thường nhật, bố mẹ nên thông qua thái độ đối với một số sự việc để nói với trẻ rằng, trong quá trình tiếp xúc với thầy cô giáo, vừa phải tôn trọng thầy cô giáo, vừa phải có ý thức bình đẳng, không nên sợ hãi hoặc sùng bái một cách mù quáng, khi thầy cô giáo có điểm gì sai, cần có đủ dũng khí để nói thầy cô sai rồi.
Một người bạn học cũ của tôi đã kể cho tôi nghe một câu chuyện như thế này.
Con trai của chị đang học lớp hai, lớp có một cô giáo dạy ngữ văn mới. Giáo viên dạy môn Ngữ văn hồi lớp một là một thầy giáo, lần này là cô giáo. Tiết học đầu tiên cô giảng bài cho trẻ, nói muốn “gợi mở khả năng quan sát của học sinh”, nói muốn trẻ nói ra điểm khác biệt giữa mình và thầy giáo dạy Ngữ văn năm ngoái.
Các em liền mồm năm miệng mười tìm ra rất nhiều điểm khác biệt, cô giáo mới có mái tóc dài, thầy giáo thì tóc ngắn; cô giáo mới mắt hai mí, thầy giáo cũ mắt một mí; cô giáo mới đeo kính, thầy giáo cũ không đeo kính; thậm chí có học sinh còn phát hiện ra khoé miệng cô giáo mới có một nốt ruồi, thầy giáo cũ không có… Cậu con trai của chị bạn tôi ngay từ đầu đã giơ tay, cậu vốn phát hiện ra được rất nhiều điểm khác biệt giữa hai thầy cô giáo, tay giơ lên rất cao, nhưng cô giáo không gọi cậu phát biểu. Thấy những cái mình phát hiện ra đều bị các bạn khác nói hết rồi, cậu bé này vô cùng sốt ruột. Đến cuối cùng khi các bạn khác không còn gì để nói nữa, cậu bé này mới sực nhớ ra một điểm khác nữa, và thế là lại giơ tay lên rất cao. Cô giáo gọi cậu đứng lên nói, cậu bé liền nói: “Cô là con gái, không có chim, thầy giáo cũ có chim ạ”.
Cả lớp liền cười ồ lên, cô giáo tỏ ra không vui. Sau khi tan học cô giáo liền gọi cậu bé đến văn phòng, nghiêm khắc phê bình một hồi, nói ý thức của cậu không tốt, tư tưởng không lành mạnh.
Cậu bé cảm thấy rất ấm ức, về đến nhà hỏi mẹ thế nào là “ý thức không tốt”. Người mẹ nghe vậy, trong lòng cảm thấy con mình không có gì là sai, nhưng miệng lại nói: Cái thằng này, sao trong đầu toàn chứa những cái không trong sạch, con nói như vậy, làm sao cô giáo không bực cơ chứ, bị cô giáo phê bình cũng là đúng thôi, từ giờ không được vô lễ với cô giáo như vậy!
Chị bạn của tôi chỉ kể câu chuyện này cho tôi nghe như một chuyện cười, tôi cũng bật cười vì câu nói của cậu bé, nhưng trong lòng cảm thấy tiếc cho cách làm của cô giáo và người mẹ, cảm thấy họ đã để lỡ một cơ hội phát triển lối tư duy mang tính sáng tạo và mạnh dạn bày tỏ quan điểm của trẻ, kéo trẻ lại gần lối tư duy tầm thường và giả dối.
Từ lâu nay, giáo dục nhà trường hoặc giáo dục gia đình của chúng ta luôn bồi dưỡng “những đứa trẻ ngoan”.
Trong gia đình, bố mẹ là người đại diện cho “cái đúng”, yêu cầu con trẻ phải “nghe lời”; đến trường, giáo viên là người đại diện cho sự “quyền uy”, không cho phép học sinh có bất kỳ “sự khác biệt gì so với mọi người”. Rất nhiều trẻ em sau khi lớn lên bị chỉ trích là không có tư tưởng, thiếu óc sáng tạo, nhưng trong quá trình trưởng thành, không phải trẻ luôn bị điều khiển như những con rối đó sao? Tính độc lập về mặt tư tưởng của chúng lấy được ở đâu ra?
Trong ví dụ này, giáo viên không nên tức giận, kể cả lời nói của trẻ khiến cô hơi ngượng, nhưng cũng nên vui vẻ khẳng định. Suy nghĩ của trẻ rất trong sáng, chắc chắn những điều mà trẻ nghĩ không phức tạp như người giáo viên nghĩ. Nếu giáo viên xử lý tình huống không ổn, con trẻ phải về cầu cứu bố mẹ, ít nhất bố mẹ cũng nên bày tỏ sự thấu hiểu, nói với trẻ rằng suy nghĩ của trẻ không có gì là sai, trẻ phát hiện ra được điều mà người khác không phát hiện được, điều này rất đáng được biểu dương; đồng thời nói với trẻ rằng, đáng lẽ cô giáo không nên tỏ ra không vui; chỉ có điều nếu cô giáo đã không quen với việc người khác nói như vậy, thì từ sau trên lớp chúng ta không nên nói những lời như thế.
Chỉ tiếc rằng khi người mẹ tiện đà nạt con trai một, hai câu, bản thân chị không nghĩ rằng những lời nói đó gây ảnh hưởng gì đến con trẻ, nhưng sự ảnh hưởng này chắc chắn là có, đồng thời là ảnh hưởng tiêu cực.
Một người mẹ khác kể cho tôi nghe một câu chuyện như thế này.
Có một hôm, cậu con trai đang học lớp bốn của chị quên mang một tờ giấy ghi bài tập toán do cô giáo phát về nhà, đó là bài tập về nhà của ngày hôm đó. Để có thể hoàn thành bài tập đúng ngày, cậu bé đã xuống nhà một cậu bạn cùng lớp ở gần nhà mình để mượn bài tập đó về, chép lại đề bài theo đúng mẫu của cô giáo và làm hết. Thực ra cậu bé làm như vậy là tăng thêm lượng bài phải làm, vì đối với một đứa trẻ, chép lại hẳn một đề bài không phải là chuyện nhẹ nhàng. Sau khi làm xong bài tập, cậu bé rất phấn khởi, cậu cho rằng mình không vì quên mang đề bài về nhà mà để lỡ việc làm bài tập, thậm chí cậu còn cảm thấy cô giáo sẽ biểu dương cậu vì điều đó.
Ngày hôm sau khi tan học, vừa nhìn thấy mẹ là cậu bé liền khóc. Hóa ra, cô giáo nói cậu tự chép đề không tính, bắt phải làm lại một lần nữa trên đề bài mà cô đã giao. Con trẻ không muốn làm, cô giáo liền gọi cậu lên văn phòng, yêu cầu cậu buộc phải làm, nếu không sẽ không cho cậu về nhà. Cậu bé đành phải vừa khóc vừa làm, tâm trạng rất không vui. Thấy học sinh như vậy, cô giáo liền nói, xem ra em không tâm phục khẩu phục tôi, sau khi tan học, hãy bảo mẹ em đến gặp tôi.
Người mẹ dắt con đến gặp cô giáo dạy toán ở văn phòng. Cô giáo liền nói với người mẹ này rằng, quên mang đề bài về nhà là không đúng, phạt cậu là để từ sau cậu không quên nữa, hơn nữa, bài tập viết thêm một lần học càng chắc hơn, không phải là tốt cho cậu hay sao.
Mặc dù người mẹ này cảm thấy lời của cô giáo nói rất khiên cưỡng, nhưng chị không dám tranh luận với cô, liền vâng dạ cảm ơn cô rồi đưa con về nhà. Về đến nhà cậu con rất buồn, chị liền khuyên nhủ con nói, cô giáo nói cũng có lý, phạt con một lần, lần sau con sẽ không để quên bài ở lớp nữa, hơn nữa viết thêm một lần còn được học thêm một lần nữa, con nên nghe lời cô, cô giáo làm như vậy là tốt cho con.
Mặc dù vị phụ huynh này dùng giọng điệu giống như cô giáo để giáo dục con, nhưng nói xong, thấy con rất buồn, trong lòng chị cũng không thoải mái, có phần nghi ngờ mình nói như thế không biết có đúng hay không. Sau đó chị liền hỏi tôi bằng giọng rất nghi hoặc, gặp trường hợp này, chị bảo tôi nên làm thế nào?
Sự khó xử của vị phụ huynh này rất tiêu biểu, trong lòng chị thực tế là có hai giá trị quan, một giá trị quan trùng khớp với quan niệm thông thường, tức cô giáo hiểu về giáo dục, mọi việc mà cô giáo làm đều là muốn tốt cho con trẻ, không thể nghi ngờ hoặc phê bình lời của cô giáo; một giá trị quan khác là cái mà chị mong muốn, tức con trẻ cần phải được tôn trọng, không thể dùng cách làm bài tập như thế để phạt con trẻ. Khi hai giá trị quan này xảy ra xung đột, chị đã lựa chọn giá trị quan đầu tiên, đây có thể là do có liên quan với việc bình thường cá nhân thiếu tinh thần phê phán, trong thời khắc quan trọng không đủ năng lực phán đoán, lấy một cách vô thức những cái cố hữu trong quan niệm để xử lý vấn đề.
Nhưng sự mâu thuẫn giữa những điều mình suy nghĩ và những điều mình nói ra không thể lường gạt được trái tim của mình, cũng không thể lường gạt được trái tim của người khác, chính vì thế cả chị và cậu con trai đều buồn.
Tôi nói với vị phụ huynh này rằng, chị kìm chế mình trước mặt giáo viên là đúng. Nếu chúng ta không dám chắc rằng có thể làm thay đổi một suy nghĩ nào đó của giáo viên, thì không cần thiết phải nóng vội tranh luận ai đúng ai sai với họ, không nên làm phật lòng cô giáo của con mình. Nhưng sau khi về nhà thì không cần thiết phải nói với con như thế. Chị nên nói ra suy nghĩ thật của mình, đứng trên một lập trường khách quan để trao đổi chuyện này với con. Chị thử nghĩ mà xem, trong lúc này, con chị mong muốn được bố mẹ thấu hiểu biết bao.
Ánh mắt vị phụ huynh này lộ rõ vẻ kinh ngạc, dường như muốn thông qua tôi để chứng thực, chị hỏi, chị cũng cho rằng cô giáo làm như vậy là không đúng có phải không?
Tôi nói, trong chuyện này rõ ràng là cách xử lý của cô giáo không hợp lý. Con trẻ quên mang đề bài về nhà là không đúng, nhưng con trẻ đã tích cực nghĩ ra cách khác, mượn đề bài của bạn, viết lại đề một lần, nộp bài tập đúng giờ. Nếu giáo viên nhận thấy được mặt tích cực của trẻ trong chuyện này, nhìn trẻ bằng ánh mắt tán thưởng, thì người giáo viên nên biểu dương trẻ giống như những gì mà trẻ mong đợi. Ít nhất là không nói gì cả. Nhưng cô giáo chỉ nhìn vào cái lỗi của trẻ, đồng thời rất ngu xuẩn khi trừng phạt học sinh bằng cách bắt làm lại bài tập, lại còn tìm ra một lý do rất đường hoàng đĩnh đạc rằng làm thế là vì học sinh, điều này khiến học sinh cảm thấy cô giáo vừa hà khắc, lại vừa cả vú lấp miệng em.
Có lẽ vị phụ huynh này cảm thấy tôi nói có lý, liền gật đầu, nhưng chị vẫn tỏ ra không biết phải làm thế nào, hỏi tôi, lẽ nào tôi lại nói với con trai rằng cô giáo làm sai ư? Nói như thế có được không?
Tôi hiểu được nỗi bất an của chị, bèn nói, nói với trẻ rằng cô giáo làm một việc gì đó không đúng và nói xấu sau lưng cô giáo là hai chuyện hoàn toàn khác nhau, trong vấn đề này phải tỏ thái độ bình thản. Cô giáo cũng là người bình thường, là người bình thường thì đều có thể phạm một số sai lầm. Chính vì thế chị đương nhiên có thể nói một cách thẳng thắn với con rằng, cô giáo làm thế là không đúng.
Tôi thấy vị phụ huynh này tỏ ra khó xử, liền nói với chị, bao năm nay chúng ta đã quen với việc không đi phê bình thầy cô giáo, dường như thầy cô giáo nói gì, làm gì với học sinh đều là đúng. Trên thực tế giáo viên tiểu học, cấp hai, cấp ba của Trung Quốc có đầu vào không cao, những người trở thành giáo viên không phải là người được sàng lọc về đạo đức và sát hạch về tố chất kỹ càng hơn các ngành nghề khác, thậm chí về học vị, so với những người trong ngành nghề khác, cũng không có thế mạnh gì nổi bật. Nếu cho rằng thầy cô giáo không có gì sai là không khách quan, và thực tế sự nhận thức này cũng là một sự kỳ vọng ảo, gây sức ép cho giáo viên, điều này không có lợi cho sự trưởng thành trong nghề nghiệp của họ. Trong tương lai, tố chất của đội ngũ giáo viên chắc sẽ cao hơn, tố chất mà họ cần phải có và đã có có thể sẽ tương đối khớp nhau; nhưng chúng ta vẫn không thể nói, vì anh ta là giáo viên, nên anh ta là một người không có khuyết điểm.
Có lẽ những lời của tôi sẽ khiến chị phụ huynh có phần ngạc nhiên, nhưng xem ra chị cũng đã nhẹ lòng hơn rất nhiều, chị nghĩ một lát rồi nói với vẻ hơi băn khoăn, từ trước đến nay tôi luôn giáo dục con trẻ phải tôn trọng thầy cô giáo, làm như thế liệu có làm giảm uy tín của cô giáo hay không, sau này cô giáo sẽ không dễ quản lý con chị nữa? Tôi nói, đây thực tế cũng là một nguyên nhân quan trọng mà chị không dám nói với con rằng cô giáo đã làm sai. Nhưng sự lo lắng này là hơi thừa. Chúng ta nên tôn trọng thầy cô giáo, nhưng không nên tôn thờ thầy cô giáo như một đấng tối cao. Một sai lầm phổ biến của toàn xã hội hiện nay là coi giáo viên là bậc quyền uy trước học sinh, hiện tượng này đặc biệt nghiêm trọng ở bậc tiểu học. Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh lộ rõ ý thức cực đoan giữa thế mạnh và thế yếu, quân chủ và thần dân, biết và không biết, đúng đắn và sai trái. Điều này là không đúng, điều đó mới khiến học sinh không tôn trọng thầy cô giáo, có ai tự đáy lòng tôn trọng một nhân vật quyền uy khiến mình không thoải mái? Nói với con trẻ thầy cô giáo làm không đúng, không có nghĩa là dạy chúng không tôn trọng thầy cô, mà là dạy cho trẻ biết cách dám đối chất với nhân vật quyền uy. Đừng coi thường con trẻ, chỉ cần quản đúng, không có đứa trẻ nào là khó quản cả, không có đứa trẻ nào không hiểu cách tôn trọng người khác. Thực ra con trẻ đều rất có thiện chí, bản chất là chúng rất sùng bái và tôn trọng thầy cô, chỉ cần chúng ta không định hướng cho trẻ vào con đường sai trái, dựa vào cảm giác trẻ cũng tìm được con đường đúng. Đứng trước một thầy cô giáo đáng được tôn trọng, sự sùng bái của chúng muốn ngăn cũng không ngăn được.
Xem ra lời của tôi đã ảnh hưởng đến người mẹ này, chị hỏi tôi: “Cụ thể tôi nên làm như thế nào, nói chuyện này như thế nào với con?”.
Tôi nói, chuyện này nếu để tôi làm, có thể tôi sẽ xử lý như sau. Trước hết, nếu cảm thấy có thể nói chuyện được với cô giáo, thì tâm sự một chút là tốt nhất, để cô giáo nhận thức được rằng “lòng tốt” như thế này không phải là điều tốt với con trẻ. Logic làm thêm một lần bài tập có thể giúp cho học sinh học vững hơn không thành lập, khi trong lòng con trẻ thấy phản cảm, làm thêm còn tệ hơn rất nhiều so với làm ít đi một lần. Thực ra có không ít thầy cô có tấm lòng nhân hậu rất sẵn lòng tiếp thu ý kiến của phụ huynh, là một người giáo viên, bản thân họ cũng có một quá trình trưởng thành trong học tập. Nếu chị cảm thấy không thể nói chuyện với cô giáo, thì không cần nói gì cả, tuyệt đối không để xảy ra chuyện không vui với cô giáo. Nhưng sau khi về nhà, cho dù thế nào cũng phải nói chuyện nghiêm túc với con trẻ.
Những điều ở phía sau có lẽ là điều mà phụ huynh muốn biết nhất, ánh mắt chị lộ rõ vẻ chờ đợi.
Tôi nói, khi chị định hướng cho trẻ nhận thức một sự việc hoặc làm rõ một tư tưởng, tốt nhất là áp dụng hình thức một hỏi một đáp. Trước sự định hướng của phụ huynh, để trẻ nói ra suy nghĩ của mình, điều này sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với việc để một mình phụ huynh giảng giải.
Ví dụ trong chuyện này, trước hết chị có thể hỏi có phải con trẻ không vui hay không, cảm thấy oan ức hay không; đầu tiên phải an ủi trẻ, tỏ rõ sự thấu hiểu của chị. Sau đó hỏi con trẻ có phải cảm thấy cô giáo làm không đúng hay không, không đúng ở điểm nào, ý nghĩa của việc làm bài tập là gì, hành động của cô giáo có thực hiện được ý nghĩa này hay không, việc cô giáo coi trọng một đề bài không quan trọng lắm như vậy phản ánh nhận thức gì, điểm khác biệt giữa sự nhận thức này với nhận thức của trẻ là gì, nhận thức của ai tốt cho việc học hơn, cô giáo làm thế nào là đúng, nếu con là cô giáo con sẽ xử lý như thế nào… Trong quá trình hỏi đáp, nhất thiết phải chú ý đến sự khách quan công bằng, không nên vì bực mà nói những lời nóng nảy, mục tiêu phải chỉ vào bản chất vấn đề, không nên chỉ vào cô giáo. Thông qua hàng loạt câu hỏi, để trẻ hiểu rằng sai lầm căn bản của sự việc này là sự sai lầm về mặt quan niệm của giáo viên, chính vì thế mình có thể từ chối viết lại một lần đề bài, sau này khi gặp những sự việc tương tự cũng cần có đủ can đảm để nói không.
Vị phụ huynh này liên tục gật đầu, xem ra chị đã dần dần nắm rõ được cách giải quyết, nhưng chị vẫn còn một điều băn khoăn lớn. Chị nói, hiện giờ nhà trường quản rất nghiêm, mặc dù giáo viên không đánh chửi học sinh, nhưng ngộ nhỡ làm như vậy để cô giáo giận, trù úm con mình thì sao?
Tôi nói, thông thường, lúc đó cô giáo có thể rất giận, sau khi sự việc trôi qua sẽ không chấp vặt với trẻ nữa. Nếu không may gặp phải một người bụng dạ hẹp hòi, trù úm học sinh, phụ huynh cần phải nhanh chóng điều hòa mối quan hệ giữa con trẻ và giáo viên. Những người như thế mặc dù rất đáng ghét, nhưng cũng rất đơn giản, sau khi sự việc xảy ra phụ huynh có thể tìm mọi cách để nói chuyện với giáo viên, tạo quan hệ tốt với họ, đồng thời duy trì mối quan hệ này, cho đến khi nào người giáo viên này không dạy con mình nữa thì thôi. Tuyệt đối không để con trẻ tự mình phải gánh chịu sự trù dập này. Tôi nghĩ một lát, bổ sung thêm, trong tình huống không nghiêm trọng, tôi không tán thành việc phản ánh với lãnh đạo nhà trường. Nếu làm không cẩn thận, giáo viên sẽ cho rằng chị nhiều chuyện, và rất dị ứng với điều này. Dù gì thì cô ấy cũng là một người bình thường, không muốn để người khác nói gì sau lưng mình, đặc biệt là không muốn để người khác mách tội với lãnh đạo.
Chị phụ huynh liên tục gật đầu. Trong lòng tôi cũng rất mong những lời này có ích cho chị.
Giáo viên là nghề được người khác tôn trọng. Chúng ta luôn cần phải giáo dục con trẻ tôn trọng thầy cô giáo, nhưng trong việc này không nên cứng nhắc. Cần phải cho phép con trẻ đối chất về một hành vi nào đó của người giáo viên, cho phép con trẻ phê bình thầy cô giáo, cho phép con trẻ có những suy nghĩ và cách làm của mình trước mặt giáo viên. Nếu vì những chuyện như thế mà phụ huynh quát mắng hoặc chế giễu con trẻ, không những vùi dập tư tưởng phê phán của trẻ, đồng thời cũng dạy cho trẻ nói những lời không thật với lòng mình, để trẻ sau này biến thành người không thành thực.
Trong quá trình trẻ phát triển tư tưởng độc lập của mình, có thể sẽ xuất hiện sự quá trớn. Cho dù là quá trớn, trước hết chúng ta cũng phải nhìn nhận bằng thái độ khẳng định, phân tích suy nghĩ của trẻ, sau đó định hướng một cách khách quan để trẻ hình thành nên một nhận thức đúng đắn, đây chính là nhiệm vụ của giáo dục.
Ngoài ra, một người có tinh thần phê phán, chính là một người có cá tính; và tất cả những cái thuộc về cá tính, chắc chắn sẽ rất độc đáo, sự độc đáo luôn xảy ra xung đột với sự tầm thường. Song song với việc khuyến khích con trẻ phát triển cá tính, bố mẹ cần định hướng cho trẻ hiểu và tiếp nhận những con người và sự vật khác nhau, tinh thần phê phán lành mạnh cần phải có tầm nhìn rộng, có tầm cao, chính vì thế cần phải có lòng bao dung, độ lượng.
Nhà giáo dục người Mỹ John Dewey nói “Sự tự do lý trí mới là duy nhất, mãi mãi là sự tự do có tầm quan trọng”(1). Câu nói này nhắc nhở chúng ta rằng, sự độc lập và tự do về mặt tư tưởng quan trọng như vậy, lý trí của con người không thể có gông cùm. Câu nói này đọc thì có vẻ trống rỗng, dường như cũng bình thường; thực ra nó nói rất thật, là một vấn đề hết sức quan trọng trong giáo dục trẻ em, đáng để phụ huynh và giáo viên thường xuyên phải quan tâm, suy nghĩ sâu sắc và đưa vào thực tiễn.
__________________
(1) John Dewey, Chúng ta nên tư duy như thế nào – Kinh nghiệm và giáo dục, Khương Văn Mẫn dịch, NXB Giáo dục Nhân dân, tái bản lần thứ nhất tháng 1-2005, tr.275.
Lưu ý đặc biệt
Phát triển ý thức phê phán của trẻ em có lẽ là một nhiệm vụ quan trọng trong giáo dục. Đối với học sinh tiểu học, cấp hai, cấp ba, đặc biệt là học sinh tiểu học, việc bồi dưỡng ý thức phê phán không nhất thiết phải là yêu cầu con trẻ đưa ra quan điểm mới gì đó, mà trước hết là để trẻ dám mạnh dạn phát biểu ra suy nghĩ của mình. Điển hình nhất là để trẻ mạnh dạn đưa ra những lời chất vấn đối với một số lời nói và hành động của giáo viên. Nói với trẻ rằng cô giáo làm một việc gì đó không đúng và nói xấu sau lưng cô giáo là hai chuyện hoàn toàn khác nhau, trong vấn đề này phải tỏ thái độ bình thản.
Khi bạn định hướng cho trẻ nhận thức một sự việc hoặc làm rõ một tư tưởng, tốt nhất là áp dụng hình thức một hỏi một đáp. Dưới sự định hướng của phụ huynh, để trẻ nói ra suy nghĩ của mình, điều này sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với việc để một mình phụ huynh giảng giải.
Chúng ta luôn cần phải giáo dục con trẻ tôn trọng thầy cô giáo, nhưng trong việc này không nên cứng nhắc. Cần phải cho phép con trẻ đối chất về một hành vi nào đó của người giáo viên, cho phép con trẻ phê bình thầy cô giáo, cho phép con trẻ có những suy nghĩ và cách làm của mình trước mặt giáo viên. Nếu vì những chuyện như thế mà phụ huynh quát mắng hoặc chế giễu con trẻ, không những vùi dập tư tưởng phê phán của trẻ, đồng thời cũng dạy cho trẻ nói những lời không thật với lòng mình, để trẻ sau này biến thành người không thành thực.
Song song với việc khuyến khích con trẻ phát triển cá tính, bố mẹ cần định hướng cho trẻ hiểu và tiếp nhận những con người và sự vật khác nhau, tinh thần phê phán lành mạnh cần phải có tầm nhìn rộng, có tầm cao, chính vì thế cần phải có lòng bao dung, độ lượng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.