Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 16: KỸ XẢO LỚN NHẤT ĐỂ LÀM VĂN



Khi một người làm một việc, nếu không có “kỹ xảo lớn” mà chỉ có “kỹ xảo nhỏ”, anh ta vừa làm không tốt đồng thời cũng không có hứng thú làm việc đó nữa. Mất đi “kỹ xảo lớn”, thực ra ngay cả “kỹ xảo nhỏ” cũng khó có thể có được.
Có một lần tôi đến chơi nhà một người bạn, chị đang rầu rĩ vì cậu con trai học lớp bảy không biết làm văn, hỏi tôi phải làm thế nào mới giúp con học được cách làm văn. Tôi nói trước hết hãy xem vở tập làm văn của con chị đã. Cậu bé tỏ ra rất miễn cưỡng, có thể nhận ra rằng cậu ngại cho người khác xem bài viết của mình. Mãi cho đến khi cậu bé đi đá bóng với bạn, mẹ cậu mới lấy trộm vở tập làm văn của cậu ra xem.
Đề bài của bài văn đầu tiên là hãy kể về một chuyện thú vị. Cậu bé rất thích bóng đá, ngay từ phần mở bài cậu đã nói rằng đá bóng là chuyện thú vị nhất, sau đó miêu tả về niềm vui của cậu khi đá bóng, một số tình tiết hấp dẫn trên sân bóng, ngoài ra còn viết xen vào hai ngôi sao bóng đá mà cậu hâm mộ. Xem ra cậu biết rất rõ những ngôi sao bóng đá này nên miêu tả rất hào hứng, rất rõ ràng.
Bài văn này của cậu bé viết khá dài, lời văn trôi chảy, tình cảm chân thật, lại còn đưa ra một số phép so sánh sinh động. Có thể thấy được rằng cậu đã gửi gắm tình cảm của mình vào bài văn. Mặc dù nội dung của cả bài viết và đề bài có phần không ăn nhập với nhau lắm, nhưng xét về tổng thể vẫn là bài viết có chất lượng. Tôi đọc từ đầu đến cuối định khen hay, bất ngờ nhìn thấy điểm mà cô giáo cho là “không”, đồng thời ghi rõ yêu cầu cậu phải viết lại.
Tôi vô cùng kinh ngạc, không tin được rằng bài tập làm văn còn có thể cho điểm không, hơn nữa là bài văn hay như vậy.
Tôi vội lật ra đằng sau để xem, thấy cậu bé lại viết một bài viết khác với đề bài giống như trên. Mẹ cậu đứng bên cạnh nói với tôi rằng, đây là bài văn do cô giáo yêu cầu viết lại. Lần này, “một chuyện thú vị” đã biến thành như thế này: Trong lúc đá bóng có một bạn bị thương ở chân, bạn ấy liền thôi không đá nữa, đưa bạn này về đến phòng y tế băng bó vết thương, sau đó lại đưa bạn về nhà, cảm thấy làm được một việc tốt, cho rằng đây là một chuyện thú vị. Số chữ của bài văn này khá ít, tường thuật sơ sài, là bài viết khá “rên rỉ”. Cô giáo cho bảy mươi hai điểm.
Chị bạn nói với tôi rằng, nội dung của bài văn này là do con trai bịa ra, bởi thực sự cậu không nghĩ ra được nên viết cái gì. Tất cả những chuyện “thú vị” mà cậu nghĩ ra được, ngoài đá bóng, đều là những trò chơi xấu với bạn, cậu cảm thấy cô giáo càng không cho viết những chuyện này, đành phải bịa ra một chuyện “thú vị”.
Tim tôi hơi nhói lên, dường như nhìn thấy một người dùng búa đập nát một hạt trân châu, sau đó cầm một viên đá lên nói với trẻ rằng, đây là trân châu.
Vì tôi không thể đề nghị lên nhà trường cho những cô giáo như thế nghỉ việc, đành phải cầu mong cho cậu bé đó may mắn, sau này gặp được một cô giáo dạy văn tốt, đó là điều rất có ý nghĩa với cậu.
Một lần, tôi đến nghe giờ dạy của giáo sư Lao Khải trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh, chuyên gia luật giáo dục nổi tiếng của Trung Quốc. Ông đã kể một câu chuyện: Hồi nhỏ mẹ đưa ông đến Hàng Châu, lần đầu tiên nhìn thấy tàu hỏa, ông cảm thấy vô cùng mới lạ, về đến nhà liền hào hứng làm một bài văn, trong đó có một câu nói rằng “tàu hỏa bò như con rắn” – một cách so sánh hình tượng biết bao, đó là cảm nhận chân thực trong mắt một đứa trẻ – nhưng lại bị cô giáo phê bình là so sánh không xác đáng. Điều này đã khiến ông rất chán nản, một thời gian dài không thích viết văn nữa. Mãi cho đến khi một cô giáo khác xuất hiện, tình hình mới có sự thay đổi. Tình cờ cô giáo này đọc được một bài thơ của ông, khen ngợi hết lời, lại còn đọc trước lớp cho các bạn nghe, đồng thời giới thiệu cho một tờ báo để đăng báo. Chuyện này đã khiến ông tự tin lên rất nhiều, gợi lại được hứng thú đối với môn ngữ văn và tập làm văn cho ông.
Tuổi thơ của những người nổi tiếng cũng yếu đuối như vậy, có thể thấy tất cả mọi đứa trẻ đều cần sự chăm sóc, giáo dục đúng đắn. Nếu như cô giáo mà giáo sư Lao Khải gặp lần sau cũng giống như cô giáo đầu tiên, thì hiện nay giới giáo dục của Trung Quốc có lẽ đã không có được một học giả xuất sắc như vậy.
Cậu bé này có được may mắn như giáo sư Lao Khải hay không?
Có một câu nói, hai chuyện đáng sợ nhất thế gian là “lang băm chữa bệnh cho người đời, phàm phu tục tử nói chuyện văn chương”. Lang băm có thể cướp đi tính mạng của con người, phàm phu tục tử có thể bóp chết lòng nhiệt huyết và sức sáng tạo của con người. Hiện giờ số học sinh không biết làm văn và sợ làm văn chiếm rất đông, giáo viên và phụ huynh luôn đau đầu vì điều này, ngoài việc trách móc và phê bình con trẻ, có bao nhiêu người có thể đứng trên góc độ dạy học sinh làm văn để suy nghĩ vấn đề, đi tìm căn nguyên của vấn đề từ bản thân giáo viên hoặc phụ huynh?
Có một cô bé học lớp ba, bố mẹ cô công tác rất bận, gia đình có thuê người giúp việc. Một lần cô giáo bố trí làm bài tập làm văn, đề bài là “Em giúp mẹ em làm việc nhà”, yêu cầu học sinh sau khi về nhà, trước hết là giúp mẹ làm một số việc, sau đó phát biểu cảm tưởng của mình khi làm việc nhà.
Cô bé rất nghiêm túc thực hiện theo yêu cầu của cô giáo, sau khi về nhà liền lau nhà, rửa bát, sau đó viết trong bài văn rằng: Thông qua làm việc nhà, cảm thấy làm việc nhà rất mệt đồng thời không có gì thú vị. Bình thường mẹ bảo em cố gắng học cho tốt, sợ em không chăm chỉ học sau này sẽ không tìm được việc làm, từ lâu em không để tâm đến lời mẹ dạy. Sau khi tự tay làm việc nhà, em cảm thấy cần phải học hành chăm chỉ, sợ rằng sau này không tìm được việc làm, thì phải đi làm osin cho người khác.
Cô bé mới học viết văn này, mặc dù những lời cô nói không được “cao thượng”, nhưng là những lời nói thật lòng. Nhưng bài văn này lại bị cô giáo phê bình, nói tư tưởng nội dung có vấn đề, không nên coi thường người giúp việc như vậy, yêu cầu phải viết lại.
Cô bé không biết phải viết lại như thế nào, liền đi hỏi mẹ, mẹ cô nói: Con nên viết sau khi làm việc nhà, con mới cảm nhận được hàng ngày mẹ phải làm việc nhà vất vả như thế nào, mình phải chăm chỉ học hành, báo đáp công ơn bố mẹ. Cô bé nói: Nhưng mẹ có bao giờ làm việc nhà đâu, mọi việc trong nhà mình đều do cô giúp việc làm, hàng ngày về nhà mẹ chỉ ăn cơm, xem ti vi, không mệt tí nào cả. Mẹ nói: Con có thể đặt giả thiết rằng nhà mình không có người giúp việc, mọi việc trong nhà đều do mẹ làm. Viết văn là phải có tưởng tượng, có thể hư cấu.
Nhìn từ bề ngoài, lời nói của giáo viên và người mẹ không có gì là sai, nhưng họ không trân trọng giá trị của “sự chân thực”, hiểu sai sự “tưởng tượng” và “hư cấu” trong viết văn, thực tế đây chính là dạy con nói những điều giả dối. Mặc dù dụng ý chủ quan đều là muốn con trẻ làm được những bài văn hay, nhưng lại không biết sự chỉ bảo của họ đối với trẻ, chính là phá hoại “kỹ xảo” lớn nhất cần phải có trong khi làm văn – “nói thật”.
Sở dĩ nói “nói thật” là kỹ xảo lớn nhất trong viết văn, là ở chỗ nói thật có thể khiến người ta nảy sinh cảm hứng viết văn, phát hiện nội dung viết, tức muốn viết, đồng thời có cái để viết – không có hai điều này, viết văn là chuyện không tưởng.
Cảm hứng viết văn bắt nguồn từ nguyện vọng diễn đạt, viết những lời thật lòng mới biết rõ mình muốn biểu đạt cái gì, mới có nội dung có thể biểu đạt, mới cảm thấy thoả mãn sau khi biểu đạt. Không ai muốn vì những lời giả dối mà viết văn. Cho dù là cuộc sống đời thường hay viết văn, nói dối luôn mất nhiều công sức hơn nói thật, độ khó cũng lớn hơn, đồng thời những thứ giả dối chỉ đem lại sự thoả mãn về mặt nhu cầu, không đem lại cảm giác vui vẻ, thích thú.
Nếu trong quá trình tập viết văn trẻ không được nói thật, luôn bị yêu cầu phải viết những lời giả dối, biểu đạt những “tình cảm tư tưởng” không tồn tại của mình, tư duy của chúng sẽ bị đảo lộn. Những yêu cầu như thế sẽ khiến chúng không biết phải làm gì trong khi làm văn, mất đi cảm giác và khả năng phán đoán, mất đi khả năng tìm đề tài. Và thế là vấn đề lớn nhất mà chúng gặp phải là – không biết viết cái gì.
Viết văn nhưng không nói thật, khiến học sinh khi phải đối mặt với một đề văn, thường tự bỏ qua những con người và sự việc quen thuộc nhất với mình, từ bỏ suy nghĩ và trải nghiệm chân thực nhất của mình, lực bất tòng tâm đi tìm những đề tài rất vô lối, viết ra những quan điểm “tích cực” mình vừa không có cảm giác, lại không thể nắm bắt được. Điều này có thể giải thích tại sao hiện nay học sinh tiểu học, cấp hai, cấp ba có căn bệnh chung như thế này: Khi làm văn không có cái gì có thể viết, không tìm được tài liệu và quan điểm, cố gắng viết sao cho đủ số chữ.
Những bài văn được viết ra như thế có thể sẽ phù hợp với “quy định”, nhưng tác dụng phụ của nó sẽ nhanh chóng hiện ra – những bài viết không vui, bịa đặt sẽ khiến trẻ cảm thấy chán ghét, lòng nhiệt tình và sự tự tin đối với việc viết văn bị phá hỏng. Điều này có thể giải thích tại sao hiện nay có nhiều em ghét học môn tập làm văn như vậy.
Hiện nay phương pháp dạy học sinh tiểu học, cấp hai, cấp ba môn tập làm văn thật đa dạng biết bao, trong giờ học, giáo viên sẽ dạy cho trẻ rất nhiều “kỹ xảo viết văn”. Nhưng những cái đó đều thuộc phạm trù “kỹ xảo nhỏ”, kỹ xảo lớn nhất là “nói thật” lại luôn luôn bị coi nhẹ, thậm chí bị người ta hủy hoại. Khi một người làm một việc, nếu không có “kỹ xảo lớn” mà chỉ có “kỹ xảo nhỏ”, anh ta vừa làm không tốt đồng thời cũng không có hứng thú làm việc đó nữa. Mất đi “kỹ xảo lớn”, thực ra ngay cả “kỹ xảo nhỏ” cũng khó có thể có được.
Mặc dù khi giảng về “phương pháp làm văn”, giáo viên đều nói rằng viết văn phải có “cảm nhận chân thực”, nhưng trong thực tế, học sinh rất ít khi được khuyến khích nói thật. Ý thức “thuyết giáo đạo đức” đến từ giáo viên, phụ huynh và xã hội vẫn chi phối mạnh mẽ hoạt động giáo dục trong nhà trường, từ ngày trẻ bắt đầu biết tự biểu đạt, đã vội vàng bắt chúng học cách nói những “ngôn từ theo trào lưu chung”, và không bao giờ dám để cho chúng có không gian tự mình suy nghĩ và tự mình biểu đạt. Sự chỉ bảo và phê bình của giáo viên đối với bài viết, khiến học sinh cảm thấy e ngại đối với việc nói thật, chúng được huấn luyện khi phải đối mặt với một đề văn, trong lòng đều là những ý tưởng, tình cảm giả tạo, đi đâu để tìm kiếm những tình cảm và suy nghĩ thật đây? Văn dĩ tải đạo, văn chương có thể phản ánh tư tưởng và phẩm chất đạo đức của một con người, dạy học sinh cấp một, cấp hai, cấp ba làm văn cũng là gánh vác trách nhiệm giáo dục tư tưởng đạo đức cho trẻ. Chính vì lẽ đó, việc dạy học sinh cấp một, cấp hai, cấp ba làm văn trước hết phải dạy cho trẻ cách biểu đạt chân thực, biểu đạt tự do, sau đó mới có thể nói đến vấn đề “trình độ câu chữ” và “trình độ tư tưởng”. Hướng con trẻ theo lối biểu đạt không chân thực, vừa không thể giúp chúng viết ra được bài văn hay, cũng không đạt được mục đích giáo dục tư tưởng.
Khi trẻ biến lối biểu đạt chân thực thành lối biểu đạt giả dối, trẻ sẽ bắt đầu đi nói những lời không thực với lòng mình; khi trẻ gò bó những lời biểu đạt tự do vào khuôn khổ do người lớn đưa ra, nội tâm của trẻ bắt đầu nảy sinh những tư tưởng hèn kém; khi trẻ vì đạt điểm cao mà phụ họa hùa theo, là lúc chúng tự vùi dập cá tính của mình… Những điều này lẽ nào không phải là sự phá hoại đối với tư tưởng đạo đức hay sao!
Lỗ Tấn đã từng nói, lưu manh chính là không có những kiến giải cố định của mình, hôm nay có thể thế này, ngày mai có thể thế khác. Cách huấn luyện ngôn ngữ lưu manh từ nhỏ, sẽ nuôi dưỡng ra kẻ lưu manh(1).
_________________
(1) Tiền Lý Quần, Mạn đàm giáo dục ngữ văn, NXB Đại học Sư phạm Quảng Tây, tháng 7-2003, tr.79.
Hoạt động viết văn bình thường thực ra là quá trình tự mình suy nghĩ, chính vì thế cũng là quá trình tự mình trưởng thành. Một đứa trẻ khi đối mặt với một đề bài có thể suy nghĩ độc lập, sự suy nghĩ của em là tự do và thành thực, em sẽ tìm thấy nội dung mà mình muốn biểu đạt, trong lòng em sẽ có rất nhiều điều muốn nói, không cần phải viết những lời sáo rỗng để cho đủ số chữ, khi cầm bút lên sẽ không thấy uể oải, chán chường. Nếu môi trường trưởng thành của một người không có nhân tố khiến anh ta sa đọa, chắc chắn anh ta sẽ không vì biểu đạt tự do trong bài văn mà tư tưởng trở nên không lành mạnh; và sự chín chắn của tư tưởng đương nhiên có thể khiến bài văn trở nên sinh động.
Trong quá trình phụ đạo Viên Viên làm văn, tôi luôn nhắc nhở Viên Viên phải thành thực, chính vì thế trong các bài viết của mình, cô bé luôn bày tỏ được những tình cảm chân thực.
Còn nhớ khi đang học cấp hai, một lần nhà trường tổ chức hoạt động cảm ơn mẹ nhân ngày Lễ của mẹ, yêu cầu mỗi học sinh cuối tuần về nhà, rửa chân cho mẹ một lần, sau đó làm một bài văn, nói cảm nghĩ của mình khi rửa chân cho mẹ.
Dụng ý của “đề văn” này rất rõ ràng, nó yêu cầu học sinh viết cái gì cũng đã rất rõ ràng. Trước đó tôi cũng được biết những trường khác từng tổ chức những hoạt động như vậy, sau đó cũng nghe nói có mấy trường khác đang thực hiện.
Tại sao mọi người lại hào hứng với việc “rửa chân” như vậy? Liên tưởng đến mấy năm trước, mỗi khi đến ngày “học Lôi Phong(1)”, liền có người ra đường đánh giày miễn phí cho mọi người, người được phục vụ phần lớn là những người đến để kiếm hời, người sống bằng nghề đánh giày lại đáng thương đứng nhìn công việc của mình bị người khác cướp mất – đây thực sự là một sự khinh mạn đối với tinh thần Lôi Phong!
_________________
(1) Lôi Phong (1940-1962): Là một chiến sĩ quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, một tấm gương sáng toàn tâm toàn ý vì nhân dân phục vụ (ND).
Tôi cảm thấy đằng sau hai “sáng kiến” “rửa chân” và “đánh giày”, luôn có điểm gì đó tương đồng, điều này khiến tôi cảm thấy không thoải mái.
Sau khi Viên Viên về nhà nói với tôi chuyện này, tôi nhận ra được cô bé cũng có phần khó xử.
Bình thường chúng tôi rất sẵn lòng phối hợp với nhà trường làm một số việc, lần này chuyện này lại hơi kỳ cục, không ai nói với ai nhưng chúng tôi đều không muốn làm. Tôi nói với Viên Viên: Mẹ còn trẻ như vậy, cũng rất khoẻ mạnh, tại sao phải để con rửa chân cho mẹ nhỉ? Kể cả mẹ có già rồi, chỉ cần tự mình làm được, việc rửa chân cũng không muốn để người khác làm. Con người với con người, có thể giúp đỡ lẫn nhau, quan tâm lẫn nhau, nhưng chỉ khi một người cần giúp đỡ, chúng ta mới cần phải giúp họ. Cách thể hiện sự quan tâm phải phù hợp, mới có thể đem lại niềm vui cho người được quan tâm, nếu không thà không làm còn hơn.
Trái tim nhỏ bé của Viên Viên có thể vẫn cảm thấy khó hiểu và khó xử. Tôi liền phân tích cho cô bé nghe: Nếu mẹ phải thường xuyên trèo đèo lội suối trong công việc hoặc trong cuộc sống, sự lao động của đôi chân có ý nghĩa đặc biệt, đồng thời về đến nhà mệt không muốn làm gì, con rửa chân cho mẹ là một việc có ý nghĩa. Hiện tại mẹ ngày ngày ngồi ô tô đến cơ quan, hầu hết thời gian ngồi trên ghế, đôi chân mẹ không chịu nhiều vất vả hơn đôi tay, cũng không phải chịu nhiều mưa gió hơn mặt mẹ. Như thế, việc rửa chân cho mẹ còn không bằng rửa tay, rửa mặt cho mẹ – tuy nhiên, việc này có ý nghĩa hay không?
Viên Viên cảm thấy tôi nói có lý, nhưng cô bé vẫn lo không biết nên viết bài văn này như thế nào. Và thế là tôi hỏi con: Con thấy dụng ý của nhà trường khi tổ chức những hoạt động như thế này là gì?
Viên Viên nói là để các bạn hiểu được mẹ, quan tâm đến mẹ, thông qua việc làm điều gì cho mẹ thể hiện tình yêu đối với mẹ. Tôi lại hỏi tiếp, thế con có muốn làm một việc gì đó để thể hiện tình yêu đối với mẹ không? Viên Viên liền gật đầu.
Tôi cười, hai tay đặt lên má cô bé như bình thường vẫn làm, rồi ấn mạnh, mũi cô bé liền lõm xuống, miệng tru lên như mũi chú heo con. Tôi thơm vào chiếc miệng đó nói, tối nay mẹ và bố đều không làm thêm giờ, hiện giờ việc mẹ muốn làm nhất là cả ba chúng ta ra ngoài đi dạo, lâu lắm rồi con không đi dạo cùng bố mẹ. Viên Viên vui vẻ nói vâng, chúng tôi liền cùng đi. Thời gian đó cả ba chúng tôi đều rất bận, giây phút nhàn rỗi như thế quả thật là hiếm có, đúng lúc có thể vừa đi dạo vừa nói những chuyện đã dồn lại trong thời gian qua.
Về đến nhà, tôi nói với Viên Viên rằng, nếu người nào cũng viết mình rửa chân cho mẹ, từ đó hiểu được rằng cần phải hiếu thảo với mẹ, thì không còn gì mới mẻ nữa. Tối hôm nay thực ra con cũng đã tỏ lòng hiếu thảo với mẹ rồi, vì con gạt bài tập sang một bên, không sợ lãng phí thời gian, đi dạo cùng bố mẹ, đây là điều khiến mẹ cảm thấy vui nhất, cũng là điều mẹ muốn được làm nhất, việc này thực sự là tốt hơn rửa chân rất nhiều.
Từ đó Viên Viên ngộ ra được một điều đó là có nhiều cách để tỏ lòng hiếu thảo với mẹ, điều quan trọng là phải chân thực.
Bình thường tôi luôn nói với Viên Viên rằng, khi viết văn, đặt biệt là khi phải đối mặt với một đề văn, cần phải điều động thành ý của mình. Bởi đề bài là do cô giáo ra, vừa đọc đề bài, có thể mình chưa tìm được cảm giác ngay, không biết nên viết gì, vậy thì trước khi viết nhất thiết phải hỏi mình rằng: Với đề bài này hoặc nội dung này, suy nghĩ chân thực nhất của mình rốt cục là gì?
Xuất phát từ thói quen tư duy, Viên Viên đã nhanh chóng tìm được nội dung và suy nghĩ về bài văn. Sau đó tôi đã đọc bài văn này của Viên Viên, cô bé đã thành thực viết ra cảm nhận của mình đối với bài văn này, viết mẹ và con gái đã nói chuyện với nhau, viết chúng tôi lấy việc đi dạo để thay thế việc rửa chân và những điều mà mình cảm ngộ được, bài văn cũng đã biểu đạt được sự tôn trọng và tình yêu đối với mẹ. Cô bé viết rất chân thực, lời văn cũng rất trôi chảy.
Sau đó nhà trường tổ chức buổi họp phụ huynh, giáo viên đã nhắc đến hoạt động này và tỏ ra rất xúc động khi nói đến hai em học sinh nghịch ngợm đã có sự thay đổi thông qua hoạt động, điều này cho thấy hoạt động này đã đạt được hiệu quả rất tốt. Hai em học sinh đó đều viết bài rửa chân cho mẹ, phát hiện thấy chân mẹ rất thô, có nhiều vết bối, chính vì thế các em rất thương mẹ, quyết tâm về sau phải yêu mẹ nhiều hơn, cố gắng học cho tốt để báo đáp công ơn của mẹ.
Vì cô giáo chỉ đọc một đoạn văn trong bài viết của hai em học sinh này, nên tôi không biết được nội dung toàn bài của các em. Tôi nghĩ, nếu mẹ của hai em này vì một lý do đặc biệt, vì công việc hoặc gia đình mà đôi chân họ phải chịu nhiều vất vả, thì điều đó sẽ khiến con cảm động, điều mà con trẻ viết ra cũng là những tình cảm thật; nhưng nếu mẹ của các em không khác gì so với những bà mẹ khác, chỉ là do họ thích đi giày cao gót, thích hoạt động hoặc không chú ý chăm sóc chân, thì làm sao đôi chân của mẹ có thể gợi được cảm xúc cho các em? Vết chai trên chân mẹ có quan hệ gì với tình yêu của mẹ, những bà mẹ chăm sóc đôi chân thật tốt không phải là những bà mẹ không cần cù vất vả ư? Chỉ e rằng các em không có bệnh mà tự rên rỉ, nói những lời không thật với lòng mình.
Học giả đương đại nổi tiếng, giáo sư khoa Trung văn trường Đại học Bắc Kinh Tiền Lý Quần cho rằng, việc rèn luyện khả năng nói và viết, trước hết vẫn phải là bồi dưỡng một thái độ, tức phải biểu đạt một cách chân thành tư tưởng và tình cảm chân thực của mình. Ông phê bình trong giáo dục hiện nay hiện tượng viết văn sáo rỗng, cứng nhắc vẫn còn rất phổ biến, đồng thời còn ăn sâu vào chương trình giáo dục môn ngữ văn ở bậc tiểu học, cấp hai, cấp ba, từ thuở thiếu nhi đã gây hại cho thanh thiếu niên, điều này sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Ông cho rằng đây không chỉ là vấn đề văn phong, mà là vấn đề tố chất của một người, là tinh thần, trạng thái đạo đức của người dân. Ông lo lắng và chỉ ra rằng, học sinh bịa trong bài văn, nói những lời không thật với lòng mình, dần dần sẽ trở thành thói quen, tâm hồn cũng bị bóp méo(1).
Hư cấu và giả dối trong viết văn là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, về thực chất nó là sự khác biệt giữa giàu trí tưởng tượng và thiếu trí tưởng tượng. Sự hư cấu bắt nguồn từ những tình cảm thật, là những cái đẹp giàu trí tưởng tượng; những câu chữ giả tạo là những lời văn thiếu tình cảm chân thực và trí tưởng tượng, sẽ không có cái đẹp tiềm ẩn trong đó.
“Khi bạn yêu cầu trẻ em nói ra những suy nghĩ của mình, cần phải giữ thái độ thận trọng và kỹ lưỡng… Cần phải dạy cho cho trẻ biết trải nghiệm và trân trọng tình cảm của mình, chứ không phải dạy cho chúng cách tìm những câu chữ để trút bày ra những tình cảm không tồn tại”(1).
“Nói những lời thật lòng” trong bài văn lúc đầu là vấn đề ý thức, đến cuối cùng sẽ biến thành vấn đề năng lực và thói quen. Nếu một người từ nhỏ đã bị bao vây trong những cái giả dối, thì anh ta có thể mất đi thói quen và khả năng nói những lời chân thực, không phải anh ta không muốn nói, mà là anh ta đã không còn biết nói nữa. Muốn khôi phục năng lực này, cũng cần phải mất rất nhiều công sức. Nhà văn đương đại nổi tiếng Tất Phi Vũ nói, viết văn “trước hết là phương diện dũng khí, sau đó mới là vấn đề kỹ thuật”(2). Khi chúng ta đang phải khốn khổ tìm kiếm “kỹ xảo viết văn”, thực ra kỹ xảo đơn giản biết bao – khi viết văn trước hết xin hãy ghi nhớ “nói những lời chân thực”. Dạy cho con trẻ biết điều này, ý nghĩa của nó sẽ vượt trên cả việc viết văn. Giống như học giả Tiền Lý Quần đã nói, “Bồi dưỡng một người viết văn như thế nào, nói cách khác chính là bồi dưỡng một người làm người như thế ấy”(3).
________________
(1) Tiền Lý Quần, Mạn đàm giáo dục ngữ văn, NXB Đại học Sư phạm Quảng Tây, tháng 7-2003, tr.13-14.
(1) Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky, Lời kiến nghị với các nhà giáo, Đỗ Điện Khôn dịch, NXB Khoa học giáo dục, tái bản lần thứ nhất tháng 6-1984, tr.358.
(2) Vương Lệ chủ biên, Chúng ta học môn ngữ văn như thế nào, NXB Nhà văn, tháng 10-2002, tr.378.
(3) Tiền Lý Quần, Mạn đàm giáo dục ngữ văn, NXB Đại học Sư phạm Quảng Tây, tháng 7-2003, tr.78.
Lưu ý đặc biệt
Nói thật có thể khiến người ta nảy sinh cảm hứng viết văn, phát hiện nội dung viết, tức muốn viết, đồng thời có cái để viết – không có hai điều này, viết văn là chuyện không tưởng.
Hiện nay nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến việc “nói thật” của học sinh bắt nguồn từ ý thức “thuyết giáo đạo đức” của giáo viên, phụ huynh và xã hội, ý thức này khiến chúng ta vội vàng rót những cái cao thượng vào đầu óc con trẻ, vội vàng bắt chúng học cách nói những “ngôn từ theo trào lưu chung”, và không bao giờ dám để cho chúng có không gian tự mình suy nghĩ và tự mình biểu đạt.
Khi viết văn, đặt biệt là khi phải đối mặt với một đề văn, cần phải điều động thành ý của mình. Bởi đề bài là do cô giáo ra, vừa đọc đề bài, có thể mình chưa tìm được cảm giác ngay, không biết nên viết gì, vậy thì trước khi viết nhất thiết phải hỏi mình rằng: Với đề bài này hoặc nội dung này, suy nghĩ chân thực nhất của mình rốt cục là gì?
Hư cấu và giả dối trong viết văn là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, về thực chất nó là sự khác biệt giữa giàu trí tưởng tượng và thiếu trí tưởng tượng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.