Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 11: ĐỂ CÂY BÚT NỞ HOA



Không để con thua trên vạch xuất phát” là câu nói cửa miệng của giáo dục gia đình hiện nay, mỗi bậc phụ huynh đều nghĩ như vậy, mỗi bậc phụ huynh đều nói như vậy, nhưng tại sao trẻ càng chạy càng tụt hậu, tại sao số phụ huynh thất vọng lại chiếm đa số? Đó là do trong quá trình giáo dục trẻ em rất nhiều khái niệm thắng thua đã bị hiểu sai. Làm việc dựa theo khái niệm sai, đương nhiên là sẽ khiến sự việc hỏng bét.
Có một câu chuyện liên quan đến thành ngữ “bút pháp kỳ diệu nở hoa”, kể về một tú tài mơ thấy đầu bút lông của mình nở ra một đóa hoa sen, sau khi tỉnh giấc, văn chương của vị tú tài này trở nên dạt dào, múa bút như có phép thần.
Câu thành ngữ đã phản ánh một nguyện vọng của con người từ xưa đến nay, cũng là một vấn đề khó mà rất nhiều người đang tìm cách giải quyết: Làm thế nào để viết văn hay. Đặc biệt là rất nhiều học sinh cấp một, cấp hai, cấp ba hiện nay, làm văn là chuyện các em đau đầu nhất. Giá như có biện pháp gì giải quyết được vấn đề này, thì biện pháp này chắc chắn phải là “niềm mơ ước lớn” của các em.
Cá nhân tôi đã từng dạy môn Ngữ văn hơn mười năm, tôi cũng thích viết lách. Con gái Viên Viên của tôi làm văn cũng rất khá, theo như tôi nhớ thì kể từ khi bước vào trường tiểu học, các bài viết của cô bé gần như không xuất hiện lỗi câu, cũng rất ít chữ viết sai, điểm văn rất cao. Đặc biệt sau khi lên cấp ba, các bài văn của Viên Viên thường được cô giáo lấy làm bài văn mẫu, giới thiệu cho bạn cùng lớp đọc. Kỳ thi đại học năm 2007, Viên Viên đạt một trăm bốn mươi điểm môn ngữ văn – một số điểm rất cao. Theo nguồn tin của báo chí, năm đó trong số gần 120.000 thí sinh thuộc nhóm ngành tự nhiên(1) và xã hội của Bắc Kinh, tổng cộng chỉ có mười hai em đạt một trăm bốn mươi điểm trở lên. Chắc chắn việc bài văn của Viên Viên đạt điểm cao có thể có nhân tố may mắn, nhưng cũng nói lên được rằng trình độ làm văn của cô bé thực sự rất khá.
_________________
(1) Thí sinh thi đại học đăng ký thi nhóm ngành tự nhiên của Trung Quốc đều phải thi môn văn (ND).
Vì những nguyên nhân này, thường xuyên có người hỏi tôi, làm thế nào để bồi dưỡng khả năng viết văn cho con. Và kinh nghiệm mà tôi đúc kết được qua nhiều năm chỉ có hai chữ: Đọc sách.
Tôi không thích giảng những cái gọi là “kỹ xảo viết văn” cho các em – những người có vốn đọc còn ít. Tôi từng dự giờ “tập làm văn” của một số giáo viên, và tôi có cảm giác rằng những giờ học như thế chỉ là bài biểu diễn của giáo viên mà thôi, không có tác dụng gì đối với học sinh. Người ta đã quá phức tạp hóa kỹ xảo viết văn, tổng kết ra nhiều phương pháp như thế, một số giáo viên hoàn toàn không biết làm văn, lại cũng có thể giảng một cách rất hùng hồn “kỹ xảo làm văn” – điều này cũng có thể chứng minh được rằng những “kỹ xảo làm văn” này không có tác dụng gì đối với học sinh.
“Hay” và “đơn giản” thường đồng nghĩa với nhau. Học viết văn cũng như vậy, kỹ xảo tốt nhất có lẽ là kỹ xảo đơn giản nhất. Đối với việc viết văn, đọc là “kỹ xảo lớn” căn bản nhất, quan trọng nhất, hiệu quả nhất; và nếu gạt vấn đề đọc sang một bên, các kỹ xảo còn lại cùng lắm chỉ có thể gọi là “kỹ xảo nhỏ”. Có được kỹ xảo lớn, kỹ xảo nhỏ sẽ tự đến; không có kỹ xảo lớn, mọi kỹ xảo nhỏ đều không có điều kiện thực hiện.
Tôi rất coi trọng vấn đề đọc sách của Viên Viên. Kể từ khi bé một tuổi tôi bắt đầu kể chuyện cho bé nghe, có thể lúc đầu bé không hiểu, nhưng bé thích nghe, đôi mắt sáng nhìn chằm chằm vào miệng tôi hoặc sách, không khóc không nghịch. Đến khi bé lớn hơn một chút, đã hiểu, liền thường xuyên đòi tôi kể chuyện cho bé nghe, mỗi câu chuyện đều phải nghe đi nghe lại nhiều lần. Bất kể bé yêu cầu kể bao nhiêu lần, tôi gần như không bao giờ từ chối.
Mỗi em bé đều thích nghe kể chuyện, đều thích đọc sách. Nếu nói có những em tỏ ra không thích đọc sách, không thích nghe kể chuyện, chắc chắn là do bố mẹ không kịp thời để em tiếp xúc với việc đọc, để lỡ thời cơ tốt nhất. Hứng thú đọc sách của trẻ đã bị cái khác (hiện nay chủ yếu là ti vi) thay thế – rất nhiều phụ huynh xem thường việc này như việc con trẻ không cẩn thận làm vãi cơm, đây thực sự là một tổn thất lớn.
“Không để con thua trên vạch xuất phát” là câu nói cửa miệng của giáo dục gia đình hiện nay, mỗi bậc phụ huynh đều nghĩ như vậy, mỗi bậc phụ huynh đều nói như vậy, nhưng tại sao trẻ càng chạy càng tụt hậu, tại sao số phụ huynh thất vọng lại chiếm đa số? Đó là do trong quá trình giáo dục trẻ em rất nhiều khái niệm thắng thua đã bị hiểu sai. Làm việc dựa theo khái niệm sai, đương nhiên là sẽ khiến sự việc hỏng bét.
Trong quá trình giáo dục trẻ em giai đoạn đầu, bố mẹ thường muốn nhìn thấy hiệu quả rõ rệt ngay lập tức. Người ta thích đưa con vào các lớp học thêm trước khi vào lớp một để học phiên âm, học ngoại ngữ, mong con kỳ thi nào cũng đạt điểm cao, nhiệt tình đăng ký cho con nhiều lớp học phụ đạo, bồi dưỡng tài năng, họ cho rằng đây chính là dẫn trước một bước ở vạch xuất phát.
Và trong giai đoạn trẻ còn đang nhỏ, trẻ đọc nhiều sách hay không tạm thời chưa thấy được sự khác biệt gì. Từ lúc trước khi đi học đến khi tốt nghiệp tiểu học, thậm chí lên cấp hai, những em học sinh ít đọc sách ngoài giờ học nếu chỉ nhằm vào việc học để đối phó với các môn thi, thường sẽ đạt nhiều thành tích cao. Điều này đã gây ảo giác cho các bậc phụ huynh, cho rằng việc đọc sách ngoài giờ học có cũng được không có cũng được, thậm chí cho rằng nó sẽ ảnh hưởng đến việc học, vì thế bố mẹ thường không chú ý.
Trên thực tế, việc không coi trọng vấn đề đọc sách của trẻ trong giáo dục vỡ lòng là một trong những hành vi tồi tệ nhất, sự khác biệt trong vấn đề đọc sách khi còn nhỏ mới là sự khác biệt “thắng thua” quan trọng. Những đứa trẻ rất ít khi đọc sách, mặc dù khi còn nhỏ chúng tỏ ra thông minh, lanh lợi, thành tích học tập tốt; nhưng do những em này chỉ dự trữ rất ít nguồn năng lượng trí tuệ, thường đến khi vào cấp hai, tố chất tổng hợp của các em sẽ càng ngày càng kém, ngày càng tỏ ra lực bất tòng tâm trong việc học. Sự khó khăn và nỗi thắc mắc trong vấn đề này có thể sẽ theo các em suốt cuộc đời. Còn những em đọc nhiều sách, thông thường không những ngay từ nhỏ các em đã tỏ ra thông minh, mà trong học tập cũng có sức bộc phát rất lớn. Đối với sự phát triển của cá nhân trong suốt cuộc đời, ngay từ nhỏ các em đã đặt được nền móng đọc và hứng thú đọc vững chắc, là những người chiến thắng thực sự trên vạch xuất phát.
Cụ thể như vấn đề bồi dưỡng khả năng viết văn lại càng có mối quan hệ trực tiếp với việc đọc sách. Không đọc sách sẽ không thể viết văn.
Đọc sách không những nên bắt đầu từ khi còn nhỏ, mà phải đọc đủ số lượng.
Hiện nay theo tiêu chuẩn môn Ngữ văn được Bộ giáo dục Trung Quốc quy định, tổng số chữ mà một học sinh tiểu học phải đọc ngoài giờ học không dưới 1,45 triệu chữ, học sinh cấp hai không dưới 2,6 triệu chữ, học sinh cấp ba không dưới 1,5 triệu chữ. Tức là đến khi tốt nghiệp cấp ba, lượng đọc của một học sinh bình thường rơi vào khoảng năm triệu đến sáu triệu chữ. Tôi cảm thấy đây là một tiêu chuẩn rất thấp mà Bộ giáo dục đưa ra dựa vào tình hình thực tế của Trung Quốc – kể cả là như vậy, nó cũng cao hơn rất nhiều so với lượng đọc thực tế của đại đa số học sinh hiện nay.
Một số cuộc điều tra cho thấy, theo đánh giá sơ bộ hiện nay lượng đọc trung bình của học sinh cấp một và cấp hai, cấp ba của Trung Quốc chỉ bằng 20% tiêu chuẩn mà Bộ giáo dục đưa ra.
Tại sao lại thấp như vậy? Một số bài báo phân tích rằng, đó là do sức ép rất lớn mà kỳ thi đại học gây ra, “không có động lực đọc”. Hiện giờ, thi đại học đã trở thành kẻ chịu tội thay. Tôi cho rằng nguyên nhân căn bản là vấn đề hứng thú của trẻ. Tại sao thi đại học không gây sức ép lớn cho những trẻ vùi đầu vào trò chơi điện tử, từ đó “không có động lực” chơi trò chơi điện tử?
Học sinh cấp hai, cấp ba không thích đọc sách, đây là vấn đề được hình thành từ khi còn học tiểu học, học sinh tiểu học không thích đọc sách, là do trước khi đi học và sau khi vào lớp một, bố mẹ và nhà trường không tạo niềm say mê đọc sách cho trẻ.
Ví dụ nếu bố mẹ kịp thời bồi dưỡng được niềm hứng thú đọc sách cho trẻ, để việc đọc sách giống như ăn cơm, trở thành một phần tồn tại rất tự nhiên trong cuộc sống của trẻ, đến khi vào cấp ba đọc mấy triệu chữ là một việc rất tự nhiên. Một đứa trẻ thích đọc sách, việc đọc đối với em không có cái gọi là “sức ép”, qua quá trình đọc sách, em sẽ cảm nhận được sự đơn giản và tận hưởng như ăn cơm hoặc chơi trò chơi điện tử, bạn không muốn cho con đọc sách con cũng không chịu.
Từ khi lên lớp hai Viên Viên bắt đầu đọc tiểu thuyết dài, sau đó không hề gián đoạn. Trong kỳ nghỉ đông cách thi đại học chỉ còn ba, bốn tháng, mặc dù học hành rất bận nhưng cô bé vẫn tranh thủ thời gian đọc tác phẩm văn học khoảng 400.000 chữ, đối với cô bé đây không phải là gánh nặng, mà là một sự thả lỏng và bổ sung.
Tổng kết sơ bộ lượng sách mà Viên Viên đọc, đến khi tốt nghiệp cấp ba, vào khoảng 15 triệu đến 20 triệu chữ. Đối với một đứa trẻ thích đọc sách, như vậy không phải là nhiều, lượng đọc của rất nhiều em thích đọc sách thậm chí còn gấp nhiều lần con số này.
Học ngôn ngữ quan trọng nhất là bồi dưỡng được ngữ cảm. Tại sao các bài tập làm văn của Viên Viên không xuất hiện câu sai, là do cô bé đã đọc hàng nghìn, hàng triệu câu văn hay, tạo được ngữ cảm tốt, tích lũy được vốn từ phong phú, ngữ cảm tốt, từ vựng phong phú, câu cú viết ra tự nhiên sẽ không có lỗi.
Việc đọc sách nhiều không chỉ đem lại cho trẻ khả năng trình bày chính xác, mà còn cả tài năng sáng tác. Bài văn của Viên Viên còn thường xuyên xuất hiện những câu văn khiến người ta phải thán phục, thậm chí tôi có cảm giác mình còn không bằng. Tiểu thuyết mà cô bé viết lén khi học lớp mười đã bị tôi vô tình đọc được, lời văn lưu loát và chững chạc khiến tôi rất ngạc nhiên. Bởi vì từ trước đến giờ tôi đều đọc những bài văn mà cô bé viết trong vở, đó chỉ là những bài tập làm văn chứ không thể được gọi là sáng tác. Lúc đó tôi cảm thấy, nếu sau này Viên Viên muốn sống bằng nghề viết lách cũng là điều có thể thực hiện. Không phải Viên Viên có tài cán gì đặc biệt, những đứa trẻ khác có khối lượng đọc như cô bé cũng sẽ viết văn rất tốt.
Đã từ lâu nay, giáo dục Ngữ văn của Trung Quốc rất buồn cười.
Dạy học không bao giờ dám vượt ra khỏi khuôn khổ của sách ngữ văn, giáo viên và học sinh đều dồn rất nhiều thời gian, công sức để “phân tách” bài văn và câu cú. Phương pháp dạy học cũ kỹ dạy đại ý của cả đoạn, tư tưởng chủ đạo mặc dù đã bị phê bình nhiều, nhưng cho đến nay vẫn đóng vai trò chủ đạo trong phương pháp dạy học sinh tiểu học và cấp hai, cấp ba. Mỗi cuốn sách ngữ văn mỏng đều chiếm cả một học kỳ của học sinh, đây thực sự là một sự lãng phí vô cùng lớn. Giáo viên ngữ văn không coi trọng việc đọc sách của học sinh, biến một môn học đáng lẽ là có hứng thú nhất thành môn học khô khan, vô vị nhất, tôi không chỉ một lần nghe thấy trẻ nói rằng chúng ghét học giờ văn, càng ghét giờ tập làm văn.
Các bậc tiền bối của chúng ta, những văn nhân mặc khách thời Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh, những cái tên và tác phẩm lấp lánh rạng ngời của họ đã tạo nên nền văn hóa huy hoàng như thế nào trong lịch sử nhân loại, nhưng trong số họ có ai đã phải bỏ rất nhiều thời gian để phân tích đại ý của đoạn văn, tư tưởng chủ đạo, học ngữ pháp, sửa câu sai trong bài viết của người khác sau đó mới sáng tác? Sau khi truyền thống được bỏ đi, rốt cục chúng ta đã và đang tôn thờ cái gì, đồng thời còn để nó thống trị việc học môn ngữ văn của hết thế hệ học sinh này đến thế hệ học sinh khác?
Thực ra, thực tế của mấy chục năm đã chứng minh được rằng, coi nhẹ việc đọc sách ngoài giờ học, muốn hướng dẫn học sinh cấp một, cấp hai và cấp ba chưa chín chắn thông qua việc học ngữ pháp để viết ra những câu có cấu trúc đúng, thông qua việc phân tích từ ngữ của người khác để viết ra những câu văn hay là cách đi đường vòng. Có thể khẳng định là, dưới tiền đề ít đọc sách ngoài giờ học, sách ngữ văn không thể giúp học sinh nâng cao được trình độ làm văn, môn ngữ văn cũng không thể dạy được học sinh làm văn.
Nếu đã hiểu được một định lý toán học thì nó sẽ trở thành kiến thức của bạn, có thể ứng dụng ngay lập tức, đạt được hiệu quả rõ rệt. Làm văn là một hoạt động có tính mở, thiên biến vạn hóa, kiến thức bên ngoài chuyển hóa thành năng lực của mình cần phải đi một đoạn đường rất dài. Bất kỳ một “kỹ xảo” làm văn nào về mặt lý giải đều không khó, đều là dễ, nhưng hấp thu là khó, ứng dụng sẽ càng khó hơn. Mặc dù hiện nay môn tập làm văn của học sinh cấp một và cấp hai, cấp ba được giảng theo rất nhiều phương pháp, rất nhiều giáo viên đã dốc công sức vào bài giảng, bản thân học đường không có vấn đề gì, thậm chí có thể nói có những bài giảng rất hay, giáo viên cũng đã bỏ rất nhiều thời gian để sửa các bài viết của học sinh. Nhưng nếu không có hoạt động đọc sách nhiều của học sinh làm nền tảng, những hoạt động này giống như việc gieo thóc giống vào sa mạc, không có ý nghĩa gì cả.
Đối với những người có kỹ năng làm văn còn khá non nớt, đặc biệt là đối với những học sinh lớp thấp, học làm văn trước hết nhất thiết phải quay về với việc đọc sách. Những tác phẩm hay bản thân đã bao hàm các kỹ xảo viết cao siêu, quá trình đọc chính là quá trình học kỹ xảo làm văn. Đọc nhiều sách, kỹ năng viết tự nhiên sẽ hình thành – người xưa đã tổng kết ra từ lâu, “Đọc sách vỡ muôn quyển, hạ bút như có thần” (Đỗ Phủ).
Thông qua việc đọc sách để nâng cao khả năng viết văn, nhìn bề ngoài thì có vẻ là một quá trình dài dằng dặc, trên thực tế nó là biện pháp kinh tế nhất, hữu hiệu nhất, nhẹ nhàng nhất, là “con đường tắt” đích thực.
Nhưng việc đơn giản nhất thường lại khó thực hiện nhất, những suy nghĩ nóng vội muốn mau chóng thu được kết quả tốt đã khiến rất nhiều người mất đi khả năng phán đoán. Rất nhiều bậc phụ huynh không coi trọng việc đọc sách của con, nhưng lại muốn con học được cách làm văn trong thời gian ngắn – nhu cầu thị trường đã hình thành như vậy.
Hiện nay trên báo chí người ta thường xuyên thấy những đoạn quảng cáo có thể giúp trẻ làm văn hay trong thời gian ngắn. Tôi đã từng gặp một số “người toàn năng” có thể giúp trẻ học được cách làm văn tại lớp, họ áp dụng một số kỹ xảo, hướng dẫn học sinh thiết lập một số khuôn mẫu, bằng các thủ đoạn mang tính ép buộc thường dùng trong hoạt động dạy học thông thường để thúc học sinh điền từ đặt câu, xem ra hiệu quả không tồi, đúng là học sinh đã làm ra được bài văn ngay tại chỗ. Nhưng sau đó, không có giáo viên đứng bên cạnh hướng dẫn, học sinh không biết phải làm gì cả, vừa không có từ vừa không có câu, sau khi lớp bồi dưỡng này kết thúc, trình độ của học sinh vẫn giậm chân tại chỗ.
Làm văn cũng như làm người, là một quá trình luyện tập trường kỳ. Áp dụng một số kỹ xảo, lợi dụng vài ngày, chắc chắn không thể dạy được học sinh cách làm văn.
Mấy ngày trước còn có một người “ba ngày học được cách làm văn” gọi điện thoại cho tôi, tôi không biết họ biết được tình hình của tôi qua ai. Họ biết con gái tôi Viên Viên có điểm thi đại học môn văn cao, và bản thân tôi đã từng là giáo viên dạy văn nhiều năm, đồng thời lại biết viết lách, muốn mời tôi đi trao đổi kinh nghiệm. Tôi trả lời, xin lỗi, ba ngày con gái tôi không học được cách làm văn, cô bé phải dùng mười mấy năm để học. Tôi đã dạy học hơn mười năm, cũng không rèn được bản lĩnh ba ngày dạy được học sinh biết cách làm văn.
Ở đây tôi còn rất muốn nói rằng, làm văn không chỉ đơn thuần là chuyện chữ nghĩa, nó còn là chuyện liên quan đến tư tưởng nhận thức. Cái mà chữ nghĩa đề cập chính là suy nghĩ của một con người. Ý nghĩa của việc đọc sách không chỉ nằm ở chỗ giúp trẻ có được khả năng ngôn ngữ tốt, mà còn nằm ở chỗ nó có thể làm phong phú thế giới tâm hồn cho trẻ, nâng cao trình độ nhận thức cho chúng.
Một đứa trẻ thông qua việc đọc sách, trải nghiệm được nhiều cuộc sống xã hội ở Trung Quốc và nước ngoài từ cổ tới kim, trải qua quá trình phát triển lịch sử lâu dài, lắng nghe nhiều ngôn ngữ trí tuệ, chia sẻ vô số những thành quả suy nghĩ, không những giúp trẻ chín chắn hơn trong tư tưởng, giá trị quan cũng hoàn thiện hơn – đây là gốc rễ của việc làm người, cũng là điều kiện làm văn.
Những người có tâm hồn trống trải, tư tưởng rỗng tuếch, không có giá trị quan chín chắn, kể cả trong đầu có vô số những từ hay ý đẹp, anh ta cũng không có đủ khả năng viết ra một tác phẩm có hồn. Rất nhiều giáo viên và bậc phụ huynh đều phê bình bài văn của con trẻ “không sâu sắc”, nhưng sự “sâu sắc” trong bài văn là thước đo trình độ nhận thức và tư tưởng của một con người, nếu trẻ không bao giờ hoặc rất ít khi được trải nghiệm những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm xã hội, thành quả tư tưởng của những người đi trước qua sách vở, với độ tuổi nhỏ như trẻ, làm sao có thể “sâu sắc” được?
Mỗi bộ sách đều có thể giúp trẻ trải nghiệm được một số điều, học được một số điều. Các nhà giáo dục vĩ đại như John Dewey, Đào Hành Tri… đều đặc biệt nhấn mạnh việc học từ cuộc sống. Và cuộc sống của mỗi con người đều là hữu hạn, người ta không thể đích thân tham gia vào tất cả mọi sự việc, thực chất của việc đọc sách là giúp trẻ được tham gia vào cuộc sống, góp phần tạo nên những trải nghiệm phong phú cho chúng.
Phàm là những tác phẩm kinh điển từ cổ chí kim của Trung Quốc và nước ngoài, bất luận nội dung của nó là gì, trong đó chắc chắn đều bao hàm những cái chân thiện mỹ. Những cái chân thiện mỹ này ảnh hưởng đến quan niệm giá trị và phương thức tư duy của một con người, đương nhiên cũng ảnh hưởng đến cách viết của một người. Bạn là người như thế nào bạn sẽ nói ra những lời như thế, bạn có tư tưởng ý thức như thế nào, bạn sẽ viết ra những lời như thế.
Người không đọc sách là người mông muội, một gia đình không đọc sách là một gia đình vô vị, một dân tộc không đọc sách là một dân tộc nông cạn. Chính phủ Trung Quốc đề xướng giáo dục tố chất, nhưng hiện giờ vừa nhắc đến giáo dục tố chất, người ta thường nghĩ đến các “kỹ xảo nhỏ” như cầm kỳ thư họa, tồi tệ nhất là dùng việc chơi golf để bồi dưỡng “phong độ lịch lãm”, dùng trò nhảy tập thể trong trường để bồi dưỡng “tố chất nghệ thuật”.
Tại sao không có người nghĩ đến việc mở rộng phổ cập đọc sách, có lẽ là việc đọc sách không dễ tạo thanh thế, không dễ tạo nên những “thành quả” mà người ta có thể nhìn thấy một cách nhanh chóng. Bộ giáo dục Trung Quốc đã quy định ba mươi cuốn sách của Trung Quốc và nước ngoài mà học sinh cấp hai và cấp ba buộc phải đọc, đã có trường nào coi trọng việc này chưa? Có bậc phụ huynh nào biết chuyện này chưa?
Dù là từ kết quả điều tra hay từ vốn kiến thức của chúng ta đều có thể thấy, hiện nay trên chín mươi phần trăm thư viện của các trường cấp một, cấp hai, cấp ba đều là “đắp chiếu để đấy”. Cũng có nghĩa là gần như các em không thể mượn những cuốn sách mà mình muốn đọc từ trường học.
Đối với chúng ta con trẻ là duy nhất, sự trưởng thành của trẻ không thể chờ đợi, vì thế lỗ hổng này buộc phải để gia đình nhanh chóng bù đắp. Bố mẹ thà vui vẻ đưa con vào cửa hàng sách hơn là đưa con đi ăn đồ ăn nhanh Mc Donald; thà thường xuyên đặt lên bàn học của con mấy cuốn sách hay, còn hơn là trang bị cho trẻ điện thoại di động, máy nghe nhạc. Đặc biệt là những phụ huynh đang rầu rĩ vì con mình không biết làm văn, muốn bỏ nhiều tiền để đăng ký cho con vào lớp học thêm cấp tốc, hãy dùng số tiền đó để mua sách cho con! Xin hãy bỏ công sức và thời gian, định hướng cho trẻ phát hiện được niềm vui của việc đọc sách, để trẻ coi đọc sách là chuyện thú vị như xem ti vi, chơi trò chơi điện tử!
Quá trình đọc sách của trẻ chính là quá trình rèn luyện tốt nhất, âm thầm bồi dưỡng tiềm năng cho trẻ, đến một ngày nào đó, bạn sẽ rất bất ngờ khi phát hiện ra rằng, cây bút trong tay con trẻ không biết đã nảy mầm từ bao giờ, nở ra một đóa hoa thơm ngát.
Lưu ý đặc biệt
Sự khác biệt trong vấn đề đọc sách khi còn nhỏ mới là sự khác biệt “thắng thua” quan trọng.
Học sinh cấp hai, cấp ba không thích đọc sách, đây là vấn đề được hình thành từ khi còn học cấp một, học sinh cấp một không thích đọc sách, là do trước khi đi học và sau khi vào lớp một, bố mẹ và nhà trường không tạo niềm say mê đọc sách cho trẻ. Ví dụ nếu bố mẹ kịp thời bồi dưỡng được niềm hứng thú đọc sách cho trẻ, để việc đọc sách giống như ăn cơm, trở thành một phần tồn tại một cách rất tự nhiên trong cuộc sống của trẻ, đến khi vào cấp ba đọc mấy triệu chữ là một việc rất tự nhiên.
Đối với những người có kỹ năng làm văn còn khá non nớt, đặc biệt là đối với những học sinh lớp thấp, học làm văn trước hết nhất thiết phải quay về với việc đọc sách. Những tác phẩm hay bản thân đã bao hàm các kỹ xảo viết cao siêu, quá trình đọc chính là quá trình học kỹ xảo làm văn.
Thông qua việc đọc sách để nâng cao khả năng viết văn, nhìn bề ngoài thì có vẻ như đây là một quá trình dài dằng dặc, trên thực tế nó là biện pháp kinh tế nhất, hữu hiệu nhất, nhẹ nhàng nhất, là “con đường tắt” đích thực.
Làm văn cũng như làm người, là một quá trình luyện tập trường kỳ. Áp dụng một số kỹ xảo, lợi dụng vài ngày, chắc chắn không thể dạy được học sinh cách làm văn.
Cuộc sống của mỗi con người đều là hữu hạn, người ta không thể đích thân tham gia vào tất cả mọi sự việc, thực chất của việc đọc sách là giúp trẻ được tham gia vào cuộc sống, góp phần tạo nên sự trải nghiệm phong phú của chúng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.