Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 7: THƠ CỔ NUÔI DƯỠNG TÂM HỒN TRẺ



Những đứa trẻ được thơ cổ nuôi dưỡng tâm hồn, cái mà chúng gặt hái được không chỉ là ý thơ và tài năng làm thơ, trên thực tế cũng trở thành người được cuộc sống và vận mệnh coi trọng hơn.
Khi Viên Viên còn rất nhỏ, tôi đã bắt đầu đọc cho cô bé nghe một số bài thơ. Tôi phát hiện ra rằng, Viên Viên thích nghe, cũng rất thích học thuộc.
Năm Viên Viên ba tuổi, tôi học đánh máy vi tính, hàng ngày học thuộc bài vè kiểu gõ “năm nét cơ bản”. Người phát minh ra kiểu gõ năm nét cơ bản – học giả Vương Vĩnh Minh đã biên soạn “bảng chữ gốc” thành một bài vè dễ thuộc như bài thơ. Lúc tôi học Viên Viên ngồi bên cạnh nghe thấy, tối đến sau khi tắt đèn tôi nằm trên giường đọc, có chỗ không nhớ được, Viên Viên liền nhắc tôi. Những thứ không có nội dung này, cô bé nghe chơi, không ngờ lại thuộc nhanh hơn cả tôi, tôi phải thầm thán phục trí nhớ của con tốt.
Chữ viết của Trung Quốc vốn hàm chứa một vẻ đẹp nghệ thuật, Chu Tác Nhân(1) nói, chữ Hán có các đặc điểm như tính trò chơi, tính trang sức và tính âm nhạc(2). Và thơ ca cổ điển Trung Quốc lại hội tụ được những tinh hoa của tiếng mẹ đẻ của chúng ta, bằng tiết tấu, âm luật, tính mĩ quan của riêng mình, từ cổ đến kim luôn tỏa ra khí chất cao quý khiến người khác phải say mê. Trong quá trình dạy Viên Viên đọc thơ, tôi đã dần có được nhận thức kiên định rằng, trẻ em nên học thuộc nhiều thơ ca, đặc biệt là thơ cổ.
________________
(1) Chu Tác Nhân (1885-1967): Em ruột của nhà văn Lỗ Tấn (Chu Thụ Nhân) và cũng là một nhà văn (ND).
(2) Tiền Lý Quần, Bàn về giáo dục ngữ văn, NXB Đại học Sư phạm Quảng Tây, tháng 7-2003, tr.76.
Khi Viên Viên bốn, năm tuổi, tôi bắt đầu chính thức dạy con đọc thơ cổ. Cuốn sách đầu tiên mà chúng tôi sử dụng là bộ sách Bé đọc thơ cổ có hình ảnh minh họa, gồm sáu cuốn, tổng cộng có hơn một trăm bài thơ, những bài thơ đó đều rất ngắn, thông thường chỉ có bốn câu. Tôi thường xuyên cùng Viên Viên đọc những bài thơ cổ này, đợi đến khi đọc nhiều rồi thì học thuộc lòng. Trong vấn đề này không đề ra kế hoạch gì, đọc tương đối tuỳ ý, nhưng vì duy trì liên tục nên trước khi vào lớp một, Viên Viên cơ bản đã thuộc hết những bài thơ này.
Gần đây tôi có đọc một số tài liệu, có người phản đối dạy trẻ đọc thơ cổ khi chúng còn đang nhỏ. Họ cho rằng trẻ không hiểu, chỉ học vẹt và nhớ một số âm tiết, vì thế đề nghị khi trẻ còn nhỏ nên dạy trẻ đọc những bài thơ thiếu nhi, không nên học thuộc lòng thơ cổ. Cá nhân tôi không đồng tình với quan điểm này.
Nghệ thuật trước hết cần có sự cảm nhận, trẻ em học thơ cổ không cần quá coi trọng việc hiểu, thơ cổ bằng trắc gieo vần, âm luật rất hay, cảm nhận tốt tự nhiên dần dần sẽ hình thành nên sự “hiểu”. Cảm thấy thơ cổ lạ lẫm khó hiểu, đây là chuyện của người lớn, trẻ em không có sự cảm nhận xa cách này. Có thể dạy trẻ một ít thơ thiếu nhi, nhưng về số lượng và chất lượng đều không thể thay thế thơ cổ. Thời gian học của mỗi người đều vô cùng hữu hạn, chúng ta nên dạy cho trẻ những gì hay nhất. Nếu bố mẹ dạy trẻ đọc thơ cổ bằng một tâm trạng thoải mái, vui vẻ như khi đọc thơ thiếu nhi, trẻ sẽ không cảm nhận được sự khác biệt giữa hai thể thơ này.
Ngoài ra, thời thiếu nhi là thời kỳ hoàng kim của trí nhớ, những thứ đọc và học thuộc lòng trong thời gian này sẽ khắc sâu vào tâm trí, biến thành kho báu trí tuệ của mình. Chính vì vậy chúng ta càng nên trân trọng việc đọc thuộc lòng thời niên thiếu, đừng để trẻ lãng phí thời gian vào những tác phẩm tầm thường. Thơ ca cổ điển với nòng cốt là thơ Đường từ Tống, tôi cảm thấy giá trị của chúng đáng để một người học từ lúc còn nhỏ đến khi về già.
Vì thơ cổ “khó hiểu” nên mọi người lại có một sự ngộ nhận khác, khi dạy con đọc thơ cổ, đều cố gắng giảng cho chúng hiểu, “dịch” từng câu ra thành văn “bạch thoại”. Trên thực tế, học thơ cổ cần phải tránh sự “giải thích quá mức” này. Nguyên nhân là do, một là tin vào khả năng lĩnh hội của trẻ; hai là vẻ đẹp của ý tứ và câu chữ trong thơ văn quan trọng là sự cảm nhận, chúng vốn không cần phải giải thích, giải thích chính là sự trói buộc trí tưởng tượng, là sự phá hoại vẻ đẹp của ngôn ngữ.
Khi trẻ hai, ba tuổi, đọc thơ không cần phải giải thích, chỉ cần coi đọc thơ như đang hát bài hát, cảm nhận được âm luật trong đó là đủ rồi. Đến khi trẻ bốn, năm tuổi, hiểu được một số vấn đề, hãy đưa ra lời “giảng giải”. Nhưng những lời giảng giải này nhất thiết phải đơn giản, tóm tắt một cách khái quát ý tứ của bài thơ, đồng thời giải thích một số từ ảnh hưởng đến cách hiểu bài thơ là đủ rồi.
Ví dụ khi tôi dạy Viên Viên đọc bài thơ “Vịnh nga” (Vịnh ngỗng): “Nga, nga, nga/ Khúc hạng hướng thiên ca/ Bạch mao phù lục thuỷ/ Hồng chưởng bát thanh ba” (Ngỗng, ngỗng, ngỗng/ Ngửa mặt hướng lên trời/ Lông trắng phơi dòng biếc/ Chân hồng rẽ sóng khơi), do bản thân bài thơ đã rất rõ ràng, chỉ cần giải thích “khúc hạng” là được rồi.
Giải thích ít không có nghĩa là “phân tích”. Tôi và Viên Viên thường ngẫm đi ngẫm lại những câu thơ hay, ví dụ như đọc đến câu “khẳng dữ lân ông tương đối tửu, cách ly hô thủ tận dư bôi”(1) liền tưởng tượng ra cảnh tượng đó thật thú vị, đơn sơ, chân thực biết bao. Đây chính là cách tận hưởng trong quá trình đọc thơ. Nhưng đối với mỗi bài thơ, tôi và Viên Viên dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc đi đọc lại và học thuộc lòng.
__________________
(1) Trích trong bài thơ Khách đến của nhà thơ Đỗ Phủ (ND).
Dịch thơ: Mời ông hàng xóm cùng nâng chén, Đem hết ra đây rượu đã lưng. (Bản dịch của Phí Minh Tâm nguồn thivien.net).
Từ việc học chúng tôi cảm nhận được rằng, đọc và học thuộc lòng nhiều bài thơ là phương pháp kinh điển nhất để học thơ cổ, đây là phương pháp dạy ngữ văn truyền thống của Trung Quốc, phương pháp này đơn giản nhất và cũng có hiệu quả nhất. “Đọc sách trăm lần, ý nghĩa của nó sẽ tự hiện ra”, người xưa đã tổng kết rất chí lý điều này.
Phương pháp học này nhìn thì có vẻ đơn giản, cứng nhắc, nhưng trên thực tế lại rất có lý. Học giả nổi tiếng, giáo sư khoa Văn trường đại học Bắc Kinh Tiền Lý Quần nói rằng: “Giáo dục vỡ lòng truyền thống của chúng ta, khi dạy học sinh ở độ tuổi vỡ lòng, giáo viên không cần phải giải thích gì cả, để học sinh đọc đồng thanh kinh văn, tự nhiên sẽ lĩnh hội được một số thần vận không thể (hoặc không cần) nói trong kinh văn trong sự lên bổng xuống trầm, sau đó tiếp tục đọc thuộc lòng từng lần một, đưa một số quan niệm cơ bản trong truyền thống văn hóa, khắc sâu vào bộ não gần như trống trơn của trẻ như đóng đinh, thực tế là đã ảnh hưởng ngấm ngầm vào tâm hồn sâu thẳm của học sinh, sau đó giáo viên giải thích sơ qua, lời giải thích ngắn gọn, cô đọng, tự nhiên sẽ “hiểu” ngay. Kể cả tạm thời chưa hiểu, cũng đã ghi sâu trong tâm trí, cùng với sự lớn lên của tuổi tác, có sự từng trải nhất định, sẽ không cần giải thích mà tự hiểu”(1).
__________________
(1) Tiền Lý Quần, Bàn về giáo dục ngữ văn, NXB Đại học Sư phạm Quảng Tây, tháng 7-2003, tr.20.
“Giảng ít đọc nhiều” không ảnh hưởng gì đến sự lý giải thơ ca của Viên Viên, tôi thường xuyên phát hiện ra rằng những lời giải thích mà mình tự cho là đơn giản, có lúc cũng là thừa. Còn nhớ khi Viên Viên năm tuổi lần đầu tiên đọc bài thơ “Lý Bạch nhất đấu thi bách thiên, Trường An thị thượng tửu gia miên; Thiên tử hô lai bắt thượng thuyền, Tự xưng thần thị tửu trung tiên(1)”. (Lý Bạch một đấu, thơ trăm thiên, Ngủ trong quán rượu tại Trường An; Thiên tử kêu tới chẳng lên thuyền, Tự xưng thần là tiên trong rượu), Viên Viên cảm thấy Lý Bạch rất lãng tử và bài thơ này rất thú vị. Chúng tôi vừa đọc xong, cô bé liền “cải biên” ngay bài thơ này: Đổi “Lý Bạch” thành “Viên Viên”, đổi “Trường An” thành “Diêm Đài”, khiến ba chúng tôi đều bật cười. Không cần giải thích từ nào cả, tôi biết cô bé đã hiểu được bài thơ này rồi.
Đọc nhiều học thuộc lòng nhiều, không những Viên Viên hiểu rất dễ ý tứ trên mặt chữ, cô bé cũng dần dần lĩnh hội được vẻ đẹp trên mọi phương diện của thơ ca. Hồi học cấp một có một lần Viên Viên và tôi cùng đọc bài thơ Đăng cao của Đỗ Phủ, “Vô biên lạc mộc tiêu tiêu há. Bất tận Trường Giang cổn cổn lai” (Chơi vơi lá rụng, cành lay lắt/ Cuồn cuộn sông trôi, nước dập dềnh), cô bé im lặng một lúc, thầm than một câu “Miêu tả hay thật!”. Tôi chưa bao giờ giải thích cho Viên Viên nghe câu thơ này, thực tế là tôi cũng không biết “giải thích” bằng cách nào, nhưng cô bé đã hiểu, đã cảm động trước vẻ đẹp ngôn ngữ của câu thơ này.
Sở dĩ con trẻ có niềm hứng thú lâu dài với việc học thơ cổ, cũng là do bố mẹ không bao giờ coi học thuộc lòng thơ cổ là một nhiệm vụ đơn phương bắt con phải hoàn thành, mà coi như một sở thích chung, cùng nhau cảm thụ. Chúng tôi cùng nhau tưởng tượng hình ảnh “Loạn hoa tiệm dục mê nhân nhãn. Thiển thảo tài năng một mã đề”(2) (Loạn hoa những khiến người nheo mắt, Vó ngựa mờ che lối cỏ cây, bản dịch của Ngô Văn Phú). Sau đó lại cùng nhau cảm nhận sự ấm cúng của “Lục Nghị tân phôi tửu, hồng nê tiểu hỏa lô”(3) (Lục Nghị vừa mới cất xong, nhìn kìa nhen nhúm bếp hồng còn vương). Quá trình Viên Viên đọc thuộc lòng thơ cổ cũng là quá trình tôi học thuộc lòng, tôi cố gắng cùng học thuộc với con gái, đặc biệt là khi Viên Viên còn nhỏ, tất cả những bài tôi yêu cầu bé phải học thuộc, thì tôi cũng buộc phải thuộc. Trong quá trình dạy con, tôi cũng ôn tập và học thuộc được rất nhiều bài thơ cổ.
_________________
(1) Trích trong bài Ẩm trung bát tiên ca của Đỗ Phủ, bản dịch của Trần Trọng Sau (BTV).
(2) Trích trong bài thơ Tiền Đường hồ xuân hành của Bạch Cư Dị (ND).
(3) Trích trong bài thơ Vấn Lưu thập cửu của Bạch Cư Dị (ND).
Sau khi Viên Viên biết chữ, tôi rất hay chép bài thơ cần học thuộc vào một cuốn sổ nhỏ, thường xuyên cùng Viên Viên đọc hoặc học thuộc mấy câu thơ vào lúc đi xe bus hoặc sau khi ăn cơm, trước khi đi ngủ, chẳng mấy chốc đã viết hết một cuốn sổ nhỏ. Mỗi khi học thuộc được một cuốn, chúng tôi đều cảm thấy mình đã đạt được một thành tích rất đáng nể.
Đầu tiên Viên Viên đọc và học thuộc thơ Đường, sau đó học thuộc từ Tống, và cuối cùng là học thuộc một số vở kịch thời Nguyên. Giai đoạn học cấp một, học thuộc được nhiều bài thơ nhất, sau khi lên cấp hai, bắt đầu học thuộc một số bài thơ dài, như Trường hận ca, Tỳ bà hành…
Lúc đầu học thuộc lòng thơ dài Viên Viên cảm thấy hơi khó, chúng tôi áp dụng phương pháp chia thành nhiều đoạn, mỗi lần học thuộc một đoạn. Lúc đó Viên Viên nội trú ở trường, mỗi lần cuối tuần về lại chép vài câu vào sổ, sau đó mang đến trường học thuộc, không ngừng nối đoạn mới học và đoạn đã học từ trước lại với nhau, một bài thơ dài đã được giải quyết dần dần.
Trên thực tế thơ ca càng học thuộc lòng càng dễ học, điều này cũng giống như chăm làm sẽ khéo tay.
Thời gian đầu Viên Viên học thuộc lòng một bài thơ cũng mất khá nhiều thời gian, sau đó, một bài thơ tuyệt cú chỉ cần bỏ mấy phút đọc hai ba lần, xem chú giải, gập sách lại là thuộc. Kể cả học thuộc lòng các bài thơ dài, với nền móng học thuộc lòng đã có từ trước, cô bé cũng học thuộc khá dễ dàng.
Trong thời gian học cấp một và cấp hai, Viên Viên học thơ từ cổ nhàn hơn nhiều so với bạn bè, một mặt những bài thơ bài từ học trong sách về cơ bản là cô bé đã học thuộc trước, mặt khác là do cô bé có khả năng học thuộc tốt hơn. Hồi học cấp hai Viên Viên về nhà nói với tôi rằng, giờ Ngữ văn học Tỳ bà hành, cô giáo yêu cầu mọi người phải học thuộc lòng, không ít bạn thấy khó học thuộc quá, còn có bạn trách Bạch Cư Dị, nói tại sao ông lại viết bài thơ dài như vậy, đây không phải là chơi khó người khác hay sao! Trong vấn đề giữ cho con trẻ niềm say mê học thơ cổ, tôi cảm thấy một điều cần phải chú ý đó là, động cơ hướng dẫn con trẻ học thơ ca cổ điển phải trong sáng, ít nhất phải để cho trẻ cảm nhận được sự trong sáng.
Một số bố mẹ sau khi con học thuộc được một số bài thơ, thường xuyên yêu cầu con biểu diễn trước mặt khách; còn có phụ huynh không ngừng tính toán con đã học thuộc được bao nhiêu bài thơ, dường như học thuộc là vì con số; cũng có bậc phụ huynh nói thẳng với con rằng, học thuộc nhiều bài thơ có lợi cho môn tập làm văn…
Thơ ca là một miếng bánh ngọt ngon và đẹp, chúng ta đưa miếng bánh này vào miệng, chỉ là để nếm vị thơm ngọt của nó, không phải là để một ngày nào đó chúng ta khoe khoang với người khác rằng tôi đã từng ăn bánh ngọt, cũng không phải là để tích trữ thêm năng lượng vì một ngày nào đó có thể bị bỏ đói. Ngoài việc thưởng thức ra không có sự vụ lợi nào khác – học thuộc là để biến những câu thơ đó thành cái của mình, để cảm nhận được tốt hơn vẻ đẹp của ngôn ngữ, vẻ đẹp của ý thơ, vẻ đẹp của trí tưởng tượng, chứ không phải là để “biết đọc thơ”. Ngoài thơ ca không có bất kỳ mục đích nào khác – đây mới là mục đích cần phải có.
Vì thế không nên để trẻ biểu diễn đọc thuộc lòng thơ trước mặt người khác, đừng khoe với người khác trước mặt con trẻ rằng cháu đã thuộc được bao nhiêu bài thơ, như thế mới có thể giúp cho con trẻ có được tình cảm trong sáng đối với thơ ca, đồng thời mới có thể có được niềm say mê đích thực.
Chỉ khi yêu thích một chuyện, mới có thể nói đến tiếp nhận chuyện đó. Nếu một người không bao giờ rung động trước những tình cảm trong thơ ca trong quá trình đọc thơ, không bao giờ cảm thấy bị vẻ đẹp của ngôn ngữ lôi cuốn, không bao giờ chịu đào sâu suy nghĩ, kể cả anh ta có thuộc được mười nghìn bài thơ cũng vẫn là một người không biết cách đọc thơ.
Tôi đã từng nhìn thấy một trường dân lập đưa ra một đĩa DVD nghe nói là có thể giúp trẻ nhanh chóng học thuộc vài trăm bài thơ cổ, đĩa DVD này lồng hình ảnh động và nhạc sống cho thơ cổ, đọc với tiết tấu nhanh như kiểu “đọc rap” đang nổi trên sân khấu ca nhạc hiện nay. Thực tế là thơ đều biến thành “bài vè” được phối nhạc, bất kể nội dung gì đều đọc theo một giai điệu. Đĩa này được bán ở rất nhiều trường tiểu học, được một số giáo viên và phụ huynh khen ngợi. Tuy nhiên, trong cách “dạy học” này, làm sao trẻ cảm nhận được vẻ đẹp về tư tưởng, vẻ đẹp về câu chữ và vẻ đẹp về ý tứ của thơ ca cổ điển? Nó chỉ có thể đem lại cho trẻ cách học thuộc các con chữ, không đem lại sự thưởng thức cái đẹp của thơ ca. Tôi nghi ngờ rằng, những thứ đọc thuộc được này cũng không thể nhớ sâu, khó có thể bén rễ trong tâm trí, xét về lâu dài, thực tế là lãng phí thời gian.
Trong quá trình học thuộc thơ từ cổ điển, Viên Viên cũng tiếp xúc được với một số bài thơ hiện đại hay. Cô bé đã thực sự cảm nhận được cái đẹp của thơ ca, thậm chí còn nảy ra ý định làm thơ.
Hồi học tiểu học, Viên Viên đã thử làm thơ. Một lần chúng tôi ra biển chơi, khi chuẩn bị đến nơi, từ xa nhìn thấy nước biển màu xanh. Khi chúng tôi đặt chân lên bờ cát, phát hiện thấy nước biển màu xanh lá cây, bởi hôm đó có một ít tảo biển; Viên Viên đi chân đất chạy vào, phát hiện thấy nước không có màu. Cô bé liền lấy tay vốc một vốc nước, nói với tôi rằng mình nhìn thấy sự biến đổi của nước biển. Tôi nói, con phát hiện ra thơ rồi. Về đến nhà, dưới sự hướng dẫn của tôi, Viên Viên đã viết ra được những câu sau:
Tôi đứng ở phía xa nhìn biển
Biển có màu xanh lam
Tôi đứng gần hơn nhìn biển
Biển có màu xanh lá
Tôi dùng tay vốc lên vốc nước biển
Ôi, màu của nước biển đã chạy đi đâu rồi?
Đây là bài thơ cô bé viết năm bảy tuổi. Sau đó không lâu, tôi thay cho Viên Viên một chiếc vỏ gối mới, màu xanh nước biển. Viên Viên nói giống như màu của biển. Tôi nói đùa rằng, dùng chiếc gối này có thể sẽ mơ thấy biển. Viên Viên tiếp lời tôi nói, thêm một tấm ga vàng nữa là có thể mơ thấy bãi cát. Rồi cô bé lại tưởng tượng, nếu đổi thành màu xanh lá cây thì có phải sẽ mơ thấy thảm cỏ không mẹ? Tôi thơm lên má con gái nói, lời của con như là thơ vậy, con viết lại đi. Sau đó Viên Viên đã viết một bài thơ như thế này:
Tôi gối chiếc gối màu xanh lam
Liền mơ thấy biển
Tôi gối chiếc gối màu vàng
Liền mơ thấy bờ cát
Tôi gối chiếc gối màu đỏ
Liền mơ thấy hoa hồng
Tôi gối chiếc gối màu xanh lá
Liền mơ thấy thảm cỏ xanh
Tôi gối chiếc gối nhiều màu
Liền mơ giấc mơ đa màu
Những bài thơ này không phải là hay, cũng chỉ là trình độ của học sinh tiểu học; nhưng biết phát hiện ra những ý thơ trong cuộc sống, cuộc sống của Viên Viên vì thế mà cũng khác. Sau khi lên cấp hai, thỉnh thoảng Viên Viên cũng làm thơ, có bài viết cũng khá hay. Đã từ lâu Viên Viên rất có hứng thú với thơ từ cổ điển, hiểu cũng rất sâu. Cô giáo dạy môn Ngữ văn cấp ba rất khen ngợi cô bé, đã hai lần để cho Viên Viên giảng cho các bạn cùng lớp nghe thơ cổ. Sau khi chuẩn bị cẩn thận, Viên Viên giảng hai bài thơ cổ này rất hay trước lớp. Nghe nói có bạn nghe xong rất cảm động, nói rằng lần đầu tiên cảm động trước một bài thơ, phát hiện ra vẻ đẹp của thơ ca.
Trong quá trình làm văn, Viên Viên thường xuyên trích dẫn một vài câu thơ, nâng cao chất thơ cho bài viết, điểm môn tập làm văn cũng rất khá. Năm 2007 đề thi đại học môn văn của Bắc Kinh là phân tích một câu thơ cổ, câu thơ cổ đó là: “Tế vũ thấp y khan bất kiến. Nhàn hoa lạc địa thính vô thanh(1)” (Mưa mong manh thấm áo nhìn không tỏ. Hoa rụng xuống đất nhẹ nhàng nghe không thấu). Với khả năng cảm nhận của Viên Viên về thơ từ cổ điển lúc bình thường, đọc xong hai câu này chắn sẽ dễ dàng nhập tâm. Điểm thi môn ngữ văn của Viên Viên đạt một trăm bốn mươi điểm (điểm tối đa là một trăm năm mươi điểm), chắc là điểm bài văn của cô bé khá cao. Viên Viên cảm thấy mình rất may mắn, nói thói quen học thuộc lòng thơ từ cổ được duy trì bấy lâu đã giúp ích lớn cho lần thi này.
___________________
(1) Trích trong bài Biệt Nghiêm Sĩ Nguyên của nhà thơ đời Đường Lý Trường Khanh (BTV).
Có bậc phụ huynh vì bản thân không có sở thích hoặc khả năng đọc thơ, nghĩ đến việc dạy con đọc thơ, có thể sẽ cảm thấy khó. Tôi nghĩ thực ra điều này không có liên quan gì. Phần trước tôi có nói rằng bố mẹ và con cùng nhau học, chỉ cần bố mẹ làm được điều này, về cơ bản vấn đề có thể giải quyết.
Hiện nay có rất nhiều cuốn tuyển tập thơ từ cổ điển rất hay, thông thường đều có lời chú giải đầy đủ, không khó hiểu. Có thể mua vài cuốn, chọn một cuốn nào mình thích, đối chiếu để hiểu. Có đôi câu tạm thời chưa hiểu cũng không vấn đề gì, sau đó đọc nhiều sẽ hiểu ngay. Hơn nữa cũng có nhiều cách hiểu cho một bài thơ, không nhất thiết phải đi tìm cách giải thích chuẩn mực.
Chỉ cần bố mẹ có thể thường xuyên đọc, học thuộc với con trẻ, khả năng học thơ, lý giải thơ sẽ dần được nâng cao. Khả năng cảm thụ của trẻ phần lớn là tốt hơn bố mẹ, thông qua việc đọc và học thuộc, các em sẽ có được nhiều thu hoạch hơn. Bố mẹ và con cùng học là một chuyện rất thú vị, dễ tạo hứng thú cho trẻ, cũng sẽ khiến hai bên đều cảm thấy tự hào vì đạt được kết quả cao.
Con trẻ học thơ cổ nên bắt đầu từ lúc còn nhỏ, nhưng có thể con của bạn đã học cấp hai rồi. Điều này cũng không có vấn đề gì cả, việc đọc sách bắt đầu từ bất cứ thời điểm nào đều không bao giờ là muộn, học là chuyện của cả đời, không có cái gọi là “bỏ lỡ thời cơ”. Có lẽ bạn còn đang ngại rằng con bạn học hành căng thẳng, không có thời gian. Điều này đòi hỏi chúng ta phải đào sâu suy nghĩ một chút, giảm một chút thời gian học thêm cho con, tranh thủ những lúc rỗi rãi, sẽ tìm được thời gian.
Hiện nay trong xã hội xuất hiện một số lớp học, chuyên học thơ từ văn phú cổ điển. Có nên đăng ký cho con học các lớp này hay không, bố mẹ nên thận trọng.
Nếu giáo viên của những lớp học này có trình độ tương đối khá về văn học cổ điển, biết cách định hướng cho trẻ đọc, những lớp như thế có thể tham gia. Nhưng tôi e rằng một số giáo viên tổ chức những lớp như thế này thành lớp “học thêm”, “giảng thơ” cho các em, bắt các em học thuộc lòng thơ, như thế có thể sẽ khiến cho con trẻ cảm thấy chán ghét thơ ca, mất đi niềm hứng thú học tập.
Có một biện pháp khảo sát đơn giản nhất, đó là hỏi một số em đã từng tham gia lớp học này cảm nhận của các em, hoặc để cho con em mình đi nghe thử một thời gian. Trẻ thích hay không là tiêu chuẩn đánh giá quan trọng nhất.
Viết đến đây, tôi đoán sẽ có người nghĩ rằng, mặc dù đọc thơ có nhiều cái lợi, nhưng thời đại hiện nay đòi hỏi cần có kiến thức kỹ thuật chuyên ngành, vẫn nên tranh thủ thời gian học bài thì hơn.
Có thể hiểu được suy nghĩ này, nhưng chưa chắc nó đã có lý: Cần phải biết có câu rằng “Mài dao không làm lỡ thời gian của tiều phu”.
Tương truyền rằng, ngay từ nhỏ, nhà khoa học Dương Chấn Ninh – người từng đạt giải Nobel đã bộc lộ ra tài năng toán học phi thường, vừa lên lớp bảy đã học hết sách toán của cả mấy năm cấp hai. Có người gợi ý ông nên học những kiến thức toán học uyên thâm hơn, bố ông không đồng ý. Bố của Dương Chấn Ninh là một giáo sư toán học trong trường đại học, yêu cầu mà ông đặt ra cho Dương Chấn Ninh lại là, bỏ ra mấy năm để học văn học cổ Trung Quốc. Sau đó, rất nhiều lần Dương Chấn Ninh đã nói đến sự cảm hóa của văn học cổ Trung Quốc đối với ông, cho rằng sự cảm hóa này có ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động nghiên cứu khoa học của ông.
Cũng giống như vậy, Thủ tướng Ôn Gia Bảo là một người rất giỏi văn thơ cổ, trong mỗi cuộc họp báo quan trọng ông đều dễ dàng trích dẫn một số câu thơ, làm cho những lời phát biểu rõ ràng, nghiêm túc của ông trở nên sinh động – sự tu dưỡng về mặt văn hóa không chỉ đem lại kiến thức, mà nó còn góp phần hoàn thiện lối tư duy.
Kho tàng văn học thơ ca cổ điển của Trung Quốc vô cùng phong phú, lấp lánh rạng ngời, mỗi chúng ta chỉ được tiếp xúc với một hạt cát trong cả sa mạc rộng lớn mà thôi. Đồng thời do chỉ tiếp xúc với một số tác phẩm hữu hạn, chúng ta cũng không thể dám nói là đọc được hết, hiểu thấu hết – kể cả là như vậy, cũng đã thu hoạch được rất nhiều điều. Có một lần, tôi nhìn thấy một bài tuỳ bút ngắn của Viên Viên khi học cấp ba, trong đó có một câu nói như thế này: “Từ cấp hai đến nay, trong mỗi cuốn sổ ghi chép của mình, em đều chép bài thơ Trường hận ca của Bạch Cư Dị. Có người nói Hồng lâu mộng không thể đọc hết, em cho rằng Trường hận ca cũng không thể đọc hết”. Tôi thực sự cảm thấy rất mừng vì con gái mình có được cảm nhận như vậy – trong cuộc sống có một số sở thích rất đẹp, đó là một sự thấm nhuần như thế nào; trong cuộc đời có những thứ không thể đọc hết, đó là một kho báu lớn lao biết bao!
Chính vì vậy, điều cuối cùng mà tôi muốn nói là, những đứa trẻ được thơ cổ nuôi dưỡng tâm hồn, cái mà chúng gặt hái được không chỉ là ý thơ và tài năng làm thơ, trên thực tế cũng trở thành người được cuộc sống và vận mệnh coi trọng hơn. Bên ngoài cuộc sống đời thường, anh ta còn có một thế giới “Đào hoa lưu thuỷ yểu nhiên khứ, Biệt hữu thiên địa phi nhân gian(1)” (Hoa đào nước chảy băng băng, càn khôn riêng đó phải chăng cõi trần). Hãy để trẻ đọc thơ nhiều hơn!
___________________
(1) Trích trong bài Sơn trung vấn đáp của nhà thơ Lý Bạch, (BTV).
Lưu ý đặc biệt
Nên trân trọng việc học thuộc lòng thời niên thiếu, đừng để trẻ lãng phí thời gian vào những tác phẩm tầm thường.
Học thơ cổ cần phải tránh sự “giải thích quá mức”. Đọc và học thuộc lòng nhiều bài thơ là phương pháp kinh điển nhất để học thơ cổ, đây là phương pháp dạy ngữ văn truyền thống của Trung Quốc, phương pháp này đơn giản nhất và cũng có hiệu quả nhất. Sở dĩ con trẻ có hứng thú lâu dài với việc học thơ cổ, cũng là do bố mẹ không bao giờ coi học thuộc lòng thơ cổ là một nhiệm vụ đơn phương bắt con phải hoàn thành, mà coi như một sở thích chung, cùng nhau cảm thụ.
Không nên để trẻ biểu diễn đọc thuộc lòng thơ trước mặt người khác, đừng khoe với người khác trước mặt con trẻ rằng cháu đã thuộc được bao nhiêu bài thơ rồi, như thế mới có thể giúp cho con trẻ có được tình cảm trong sáng đối với thơ ca, đồng thời mới có thể có được niềm say mê đích thực.
Hiện nay có rất nhiều cuốn tuyển tập thơ từ cổ điển rất hay, thông thường đều có lời chú giải đầy đủ, không khó hiểu. Có thể mua vài cuốn, chọn một cuốn nào mình thích, đối chiếu để hiểu. Có đôi câu tạm thời chưa hiểu cũng không vấn đề gì, sau đó đọc nhiều sẽ hiểu ngay. Hơn nữa cũng có nhiều cách hiểu cho một bài thơ, không nhất thiết phải đi tìm cách giải thích chuẩn mực.
Chỉ cần bố mẹ có thể thường xuyên đọc, học thuộc với con trẻ, sự tu dưỡng trong lĩnh vực này sẽ dần được nâng cao. Khả năng cảm thụ của trẻ phần lớn là tốt hơn bố mẹ, thông qua việc đọc và học thuộc, các em sẽ có được nhiều thu hoạch hơn. Bố mẹ và con cùng học là một chuyện rất thú vị, dễ tạo hứng thú cho trẻ, cũng sẽ khiến hai bên đều cảm thấy tự hào vì đạt được kết quả cao.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.