Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 35: HỌC CÁCH MỞ CUỘC “HỌP PHỤ HUYNH”



Hiện nay có một thực tế khiến người ta phải đau lòng là, rất nhiều học sinh tiểu học, cấp hai, cấp ba rất sợ họp phụ huynh, ngày nhà trường tổ chức họp phụ huynh thường trở thành ngày “khổ sở” của con trẻ, đặc biệt là một số học sinh nam có thành tích học tập không tốt lắm, buổi họp phụ huynh thực sự là “lệnh trừng phạt” giáng xuống đầu trẻ. Trong kinh nghiệm của chúng, buổi họp phụ huynh chính là “buổi họp nghe điểm phẩy” và “buổi họp mách tội” của cô giáo. Hậu quả là, sau buổi họp phụ huynh, nhẹ thì bị mắng, nặng thì ăn đòn.
Năm Viên Viên học lớp bốn, có một lần tôi đi họp phụ huynh cho cháu. Cô giáo chủ nhiệm biểu dương mấy em học sinh, nhắc đến Viên Viên, nói cô bé nhảy cóc từ lớp hai lên, tuổi nhỏ nhất lớp, nhưng vẫn là một trong những học sinh học giỏi nhất của lớp. Điểm cần lưu ý là trong giờ học có lúc không tập trung nghe giảng, cô gợi ý cho tôi sau khi họp xong đến gặp cô giáo dạy các môn khác để trao đổi. Và thế là sau khi họp xong, tôi liền lên văn phòng gặp các cô để tìm hiểu tình hình của con.
Trong đó cô giáo dạy môn đạo đức nói Viên Viên học rất tốt, chỉ có điều trên lớp thường không chú ý nghe giảng, thỉnh thoảng lại còn cãi lời cô giáo, có cảm giác cô bé này rất kiêu ngạo. Cô giáo dạy môn “xã hội” ngồi bên cạnh nghe thấy thế, liền tiếp lời, cảm thấy học sinh này đúng là khá kiêu ngạo, có lúc cô giáo giảng bài, cô bé tỏ ra rất không phục, ngồi dưới lẩm bẩm gì đó, gọi đứng dậy phát biểu, cô bé còn nói cô giáo giảng không đúng.
Nghe thấy cô giáo nói như vậy, tôi cũng thấy sốt ruột. Về chuyện Viên Viên trên lớp không chú ý nghe giảng, tôi không cho là nghiêm trọng lắm, với những gì mà tôi hiểu về con gái, biết con khá chắc chắn trong việc học, những gì buộc phải chăm chú nghe, những gì chỉ cần chú ý một chút để nghe, những gì hoàn toàn có thể không nghe, cô bé đều biết rõ. Thậm chí tôi còn cho phép con đọc trộm tiểu thuyết trong những giờ mà cô bé không thích học, như thế một là có thể tiết kiệm thời gian, hai là có thể tránh nói chuyện riêng với các bạn. Điều mà tôi lo là vấn đề kiêu ngạo mà cô giáo nói. Từ khi đi học mẫu giáo Viên Viên đã tỏ ra thông minh, lanh lợi, luôn được các cô giáo quý mến, tôi sợ con bé thấy mình hơn các bạn nên coi mình quá cao chăng. Tôi mong con luôn luôn có một thái độ bình thường, chín chắn. Hiện giờ các cô giáo đánh giá như vậy, thật sự là rất tồi tệ.
Thế là sau khi về nhà tôi liền nói với con, hôm nay mẹ đi họp phụ huynh, các cô giáo phản ánh con học rất khá, nhưng có phần kiêu ngạo, còn cãi lời cô giáo, có phải như vậy không?
Viên Viên tỏ rõ vẻ sửng sốt, nói con không cãi cô giáo, hỏi cô giáo nào nói như vậy. Tôi không muốn nói với con là cô giáo nào nói, sợ sau này con sẽ có ác cảm với cô giáo đóng góp ý kiến, liền nói, không chỉ một cô nói như vậy. Ai nói không quan trọng, quan trọng là tự mình phải kiểm điểm lại xem có phải mình có tư tưởng kiêu ngạo hay không, đừng nghĩ rằng mình giỏi giang, hơn người.
Nét mặt Viên Viên tỏ ra rất khó hiểu, nói với giọng rất không vui, con không kiêu ngạo, kiêu ngạo là gì chứ? Tôi biết cô bé đang hỏi những chuyện mà mình làm, chuyện nào có thể gọi là kiêu ngạo. Bèn nói, cô giáo cũng không nêu ra chuyện cụ thể, con thử nghĩ xem, cãi cô giáo từ bao giờ, con nói như thế nào, có phải tỏ ra giỏi giang trước mặt cô giáo hay không. Viên Viên bực lắm, nói lớn: “Con không có, con không nghĩ mình giỏi giang!”. Thái độ này của cô bé khiến tôi rất không vui, liền phê bình, con không thế, thế tại sao các cô giáo đều nói như vậy, không chịu kiểm điểm mình, mà đã nóng nảy lớn tiếng rồi!
Viên Viên tỏ ra vô cùng ấm ức, im lặng một lát, lẩm bẩm một câu trong miệng “Tại sao các cô lại đều nói như vậy” rồi khóc òa lên. Bình thường Viên Viên rất ít khóc, giây phút này, cô bé không những tỏ ra ấm ức, ánh mắt còn lộ rõ vẻ sợ hãi.
Cô bé khóc như vậy, đột nhiên tôi ý thức ra rằng mình đã trầm trọng hóa vấn đề, vượt quá khả năng chịu đựng của con trẻ.
Một đứa trẻ mới chín tuổi làm sao có đủ khả năng kiểm điểm lại mình có kiêu ngạo hay không, nếu ở trường có một số việc nào đó cô bé làm không ổn, thì cũng nên tìm cách để cô bé nhận thức được vấn đề, vui vẻ sửa lại. Và tôi nói như vậy, sẽ chỉ khiến con trẻ thêm không biết đâu mà lần. Thời gian sau đó, có thể cô bé không còn “kiêu ngạo” nữa, nhưng cũng sẽ trở nên mất tự tin, tưởng rằng các cô giáo đều chỉ trích mình, đều nghi ngờ các cô, không còn giữ được tâm trạng bình thường khi tiếp xúc với cô giáo.
Tôi vội bế cô bé lên đùi mình, nói: Mẹ xin lỗi con gái, mẹ nói không chuẩn, nói hơi quá sự thật. Không phải các cô giáo đều nói như vậy, chỉ có hai cô nói thôi, là cô dạy môn đạo đức và cô dạy môn xã hội. Các cô giáo khác đều không nói đến vấn đề này. Nghe thấy tôi nói như vậy, thái độ của Viên Viên mới dịu đi được một chút và ngừng khóc.
Tôi nói, mẹ và cô giáo trực tiếp đưa định nghĩa “kiêu ngạo” ra với con là không đúng. Nhưng con thử nghĩ lại xem mình có cãi cô giáo bao giờ không, không lễ phép khi nói chuyện với cô, hoặc là gặp cô không chào chẳng hạn?
Viên Viên nghĩ một lát, nói, trong giờ học đạo đức, cô giáo yêu cầu trả lời “ý nghĩa của việc xem ti vi”, không có bạn nào giơ tay phát biểu, cô giáo liền gọi Viên Viên đứng lên trả lời, Viên Viên không nghĩ ra được “ý nghĩa” nào, liền trả lời “Xem ti vi không có ý nghĩa gì ạ”. Rất nhiều bạn đã cười. Cô giáo không vui, nói xem ti vi có thể học được kiến thức, đây không phải là ý nghĩa hay sao, sao lại nói là không có ý nghĩa? Viên Viên liền phản bác, thế tại sao bố mẹ lại không muốn cho con xem ti vi, đều nói xem ti vi ảnh hưởng đến học hành. Lời phản bác của Viên Viên khiến cô giáo không vui, phê bình cô bé rằng tưởng mình biết nhiều hơn cô giáo.
Còn về cô giáo dạy môn xã hội, Viên Viên không nhớ lại được có vụ xung đột cụ thể nào, cô bé chỉ không thích cô giáo này. Viên Viên nói cô giáo này giảng bài thường nói những câu không chính xác, ví dụ nói người miền Nam khôn, người miền Bắc đều là người hẹp hòi, còn thường xuyên chửi học sinh, các bạn trong lớp đều không thích cô dạy môn xã hội, chính vì thế khi gặp cô giáo này Viên Viên cũng không thích chào.
Tôi không biết phải nói gì, chỉ biết là phải khen ngợi tinh thần thích chất vấn của con gái, trong mắt một số cô giáo, ưu điểm này chính là khuyết điểm. Từ trước đến nay Viên Viên luôn là người bụng sao miệng vậy, ở độ tuổi này, cô bé còn chưa biết cách giấu những suy nghĩ của mình. Nhưng chắc chắn là cần phải giải quyết vấn đề ấn tượng mà cô bé để lại cho cô giáo.
Trong lúc đó tôi không biết nên nói chuyện này với con như thế nào, liền đợi đến tối ông xã về, sau khi bàn bạc, ngày hôm sau chúng tôi lại nói chuyện này với con.
Trước hết chúng tôi nói với con rằng câu trả lời của cô bé trong giờ học đạo đức không có gì là sai, nghĩ thế nào thì trả lời như thế, đây là một ưu điểm. Nhưng do hầu hết các cô giáo cấp một không quen với việc tranh luận với học sinh, chính vì thế từ lần sau không cần thiết phải nói như vậy trong giờ học nữa. Chúng tôi gợi ý cho con về sau nếu có suy nghĩ gì, sau khi hết giờ có thể tìm cô để trao đổi, nếu cô giáo tỏ ra không muốn nghe, thì về nói chuyện với bố mẹ, bố mẹ rất thích nghe “quan điểm” khác của con. Chúng tôi còn bàn luận một lát về “ý nghĩa của việc xem ti vi”, để Viên Viên nhận thức được câu hỏi của cô giáo có phần vô vị, nhưng câu trả lời của cô bé cũng có phần tuyệt đối quá.
Để giúp cô bé có thể tiếp nhận một cách tốt hơn các cô giáo khác nhau, chúng tôi nói thêm với con rằng, nghề giáo viên cũng như bao ngành nghề khác, có người có tố chất cao, có người có tố chất thấp, đây là điều bình thường, không nên yêu cầu tất cả những cô giáo mà mình gặp đều khiến mình hài lòng. Nhưng đối với mỗi thầy cô trong trường chúng ta đều phải tôn trọng, không phải là tôn trọng thói xấu của họ, mà giống như tôn trọng bất kỳ người nào khác trên thế giới, chỉ cần người này không làm việc xấu, dù có một số điểm xấu mà mình không thích, thì chúng ta cũng vẫn phải tôn trọng người đó. Người có tố chất không cao vốn đã rất bất hạnh rồi, đó là vì từ nhỏ anh ta không được gặp một môi trường giáo dục tốt, nếu được giáo dục tốt, chắc chắn anh ta sẽ không có những biểu hiện như sau này. Nếu bây giờ chúng ta không tôn trọng anh ta, anh ta sẽ càng bất hạnh hơn, càng khó nâng cao tố chất hơn.
Những câu nói này của chúng tôi khiến Viên Viên cảm thấy có thể chấp nhận, nói xong cô bé liền đi làm việc của mình, xem ra tâm trạng rất thoải mái.
Chúng tôi cảm thấy sau này phải trao đổi thường xuyên với cô giáo hơn, tìm hiểu nhiều hơn tình hình của con ở trường, nhưng không thể sau khi về nhà, chưa chuyện trò nghiêm túc với con đã vội vàng giáo dục hoặc giáo huấn con ngay. Tất cả mọi việc đều phải nhìn từ hai phía, vừa phải xem xét ý kiến của giáo viên, cũng phải nghĩ đến cảm nhận của trẻ. Sau cuộc họp phụ huynh lần này, nếu chưa biết đúng sai phải trái đã phê bình con một trận, bắt con phải tôn trọng cô giáo, thì sẽ khiến mâu thuẫn càng trầm trọng thêm, làm cho mối quan hệ giữa con và cô giáo ngày càng xấu đi. Lúc đó cô bé sẽ tức giận, cảm thấy oan ức; từ đó sẽ không tự tin nữa, trở nên nịnh bợ, a dua. Mục đích của chúng ta là nên để con học được cách tiếp xúc với cô giáo, điều chỉnh mình cho phù hợp với môi trường hiện tại, hài hòa với môi trường, nhưng phải giữ được sự tự tin, không để mất đi tính độc lập trong suy nghĩ.
Từ đó, chúng tôi rất chú ý đến vấn đề đem những chuyện trong buổi họp huynh về nhà chia sẻ cùng con trẻ, cho dù là những ưu điểm hay khuyết điểm của con, đều chú ý sao cho để cuộc nói chuyện có tác dụng giúp cô bé hoàn thiện mình, chứ không phải là để đả kích con.
Cuối học kỳ một năm lớp mười, nhà trường tổ chức họp phụ huynh, nội dung chủ yếu là thông báo tình hình thi cuối kỳ, điểm tổng kết của Viên Viên rất khá, chỉ có điểm phẩy môn toán hơi kém. Từ cấp một đến cấp hai, môn toán không phải là môn học sở trường của Viên Viên, sau khi vào cấp ba, các bạn trong lớp thực nghiệm tự nhiên của cô bé đều học khá môn toán, so với các bạn, điểm phẩy môn toán của Viên Viên không được tốt lắm. Cô giáo chủ nhiệm chính là cô giáo dạy toán, sau khi họp xong, tôi ở lại nói chuyện với cô, cô chủ nhiệm cũng nhắc đến chuyện Viên Viên hơi yếu môn toán, cho rằng cô bé nên tìm cách để nâng cao khả năng học toán, cần phải nắm vững kiến thức cơ bản hơn. Trên đường về nhà tôi suy nghĩ một hồi lâu, gạt đi ý định cho cô bé đi học thêm toán. Một là học sinh cấp ba đã bận lắm rồi, cuối tuần không để cho cô bé có ít thời gian tự do, sẽ không có lợi cho việc sắp đặt kế hoạch học tập chung của cô bé. Có thể điểm môn toán sẽ được nâng lên, nhưng các môn học khác sẽ bị ảnh hưởng. Hai là tôi cảm thấy Viên Viên học không tốt môn toán, không phải là vấn đề số lượng giờ học, mà là vấn đề niềm say mê và sự tự tin. Hai cô giáo dạy toán mà Viên Viên gặp ở cấp một và cấp hai đều ảnh hưởng đến niềm say mê học toán của cô bé, nếu đánh thức được sự tự tin và niềm say mê của Viên Viên đối với môn học này, chắc chắn thành tích học tập sẽ được cải thiện. Hiện tại một điều kiện có lợi là cô giáo chủ nhiệm chính là cô giáo dạy toán, cô giáo này dạy rất hay, công tác chủ nhiệm cũng rất tốt, rất được các bạn trong lớp yêu quý và tôn trọng. Có lẽ đây là cơ hội cải thiện.
Sau khi về đến nhà tôi thông báo nội dung của cuộc họp phụ huynh cho Viên Viên nghe, đưa bảng điểm cho cô bé xem. Bảng điểm thống kê rất đầy đủ, ghi rõ các nội dung như điểm phẩy các môn của từng học sinh, điểm trung bình của các môn trong khối, điểm trung bình của các môn trong lớp, xếp thứ tự của từng học sinh trong lớp, đều liệt kê cụ thể. Lớp của Viên Viên là lớp thực nghiệm đầu tiên của trường, các bạn đều học rất giỏi, điểm phẩy các môn đều cao hơn thành tích trung bình của khối. Trong khi điểm phẩy các môn của Viên Viên đều cao hơn điểm phẩy trung bình của lớp, chỉ có điểm phẩy môn toán thấp hơn điểm phẩy trung bình của lớp. Xem xong bảng điểm Viên Viên không nói gì, tôi biết cô bé không hài lòng với điểm môn toán, nhưng vì từ xưa đến nay không mạnh ở môn toán nên cũng không biết phải làm thế nào.
Tôi nghĩ lúc này tôi tuyệt đối không nên nói lại những điều cô giáo dạy toán đã trao đổi với tôi cho con nghe. Mặc dù lời của cô giáo là thực tế khách quan, nhưng con trẻ cũng đã biết thực tế này, ngoài việc nhấn mạnh một lần nữa điểm yếu của Viên Viên ở môn toán, để cô bé thêm mất tự tin, không có ý nghĩa gì đối với sự tiến bộ của cô bé. Phụ huynh không nên giả thiết con trẻ đều là những vị anh hùng biết khắc phục khó khăn, khi bị chỉ ra điểm yếu nhất định sẽ khắc phục được điểm yếu; hoàn toàn ngược lại, nếu một điểm yếu nào đó của trẻ bị nhắc đi nhắc lại nhiều lần, sẽ khiến chúng nghĩ rằng bẩm sinh mình đã yếu cái đó, mình hoàn toàn bất lực, đành phải chấp nhận số phận. Mục đích của tôi là muốn tạo dựng lòng tự tin cho con, khích lệ cô bé học tốt môn toán, chính vì thế cần phải thay đổi cách nói.
Tôi nói với Viên Viên rằng: “Cô giáo nói mấy bài thi toán mặc dù con thi không được lí tưởng lắm, nhưng cô cảm thấy thực ra con rất có tiềm năng trong môn toán”. Nghe tôi nói như vậy, Viên Viên tỏ ra hơi kinh ngạc: Thật ạ, môn toán con thi kém như vậy, tại sao cô giáo lại cảm thấy con có tiềm năng nhỉ? Tôi nói: Cô giáo dạy toán của con dạy tốt như vậy, dạy hết học sinh khóa này đến khóa khác, dựa vào kinh nghiệm và cảm giác của mình, chắc chắn cô sẽ biết học sinh nào có tiềm năng, nếu không tại sao cô lại nói như vậy.
Tôi nhận ra được vẻ xúc động trong lòng Viên Viên. Cô giáo chủ nhiệm nói như vậy, khiến cô bé cảm thấy bất ngờ, có được nhận thức mới về khả năng học toán của mình, hóa ra mình cũng có tiềm năng.
Tôi lại nói với con rằng, cô giáo bảo con không nên sốt ruột, trước hết không nên sốt sắng so bì thành tích với các bạn, mình cần phải bình tâm lại, chú ý đi theo chương trình dạy của cô. Không nên quá chú trọng việc giải đề khó, khi đã nắm vững kiến thức cơ bản, gặp vấn đề gì cần đào sâu suy nghĩ, cho đến khi nào hiểu rõ được vấn đề, giải quyết được vấn đề mới không còn vấn đề nữa – những câu nói liên quan đến học tập này, thực ra là do cô giáo nói với tất cả các phụ huynh, chắc chắn nó sẽ thích hợp với tất cả các học sinh. Tạo cho con sự tự tin, đem lại cho con một điều kỳ vọng, đây là sự khích lệ lớn lao đối với con trẻ. Còn cụ thể phải học như thế nào, tôi biết mình không có đủ khả năng để chỉ đạo con, nhưng tôi tin rằng tâm trạng ổn định, chín chắn sẽ giúp con trong vấn đề này. Có được tâm trạng ấy, cô bé sẽ chủ động tìm ra những phương pháp phù hợp với mình, sẽ phát huy được tối đa năng lực của mình.
Viết đến đây, tôi nghĩ, có một số phụ huynh, rõ ràng là sự nhận thức của họ đối với một số môn học rất hời hợt, nhưng lại tưởng rằng mình có đủ khả năng chỉ đạo con trẻ, đưa ra những lời gợi ý linh tinh, chỉ huy bừa bãi. Ví dụ có bậc phụ huynh muốn con học được cách làm văn, liền giằng lấy cuốn tiểu thuyết con trẻ đang say sưa đọc, bắt con đọc cuốn những bài văn mẫu; có bậc phụ huynh dựa vào quảng cáo hoặc cách làm của các bậc phụ huynh khác, đi mua cho con trẻ các đề luyện thi khác nhau, quy định mỗi ngày con trẻ phải làm mấy câu; có bậc phụ huynh lại đặt ra mục tiêu bắt con mỗi ngày học mười từ mới tiếng Anh, một tháng học thuộc được ba trăm từ, một năm học thuộc ba nghìn từ… Chính vì thế tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng, là phụ huynh, không nên coi mình là nhà thông thái, nếu không nắm được toàn bộ vấn đề, đừng nên chỉ đạo bừa bãi trong việc học hành của con. Điều mà bố mẹ cần làm chính là bảo vệ niềm say mê học tập của trẻ, tạo dựng lòng tin cho trẻ trong việc học. Có được niềm say mê và sự tự tin, bạn còn sợ trẻ không học tốt ư, còn sợ trẻ không tìm được phương pháp ư.
Thực tế đã chứng minh rằng, trong thời gian sau đó, Viên Viên đã có sự khởi sắc rất lớn trong môn toán, thành tích càng ngày càng ổn định. Đương nhiên giữa chừng cũng có lúc thi không tốt, cô bé sẽ tỏ ra hơi chán nản, chúng tôi liền ngầm cho cô bé biết, cô bé có tiềm năng toán học. Nói với con rằng thi cử luôn mang tính ngẫu nhiên, hơn nữa bản thân việc phát hiện vấn đề chính là thu hoạch, để cô bé có thể bình tâm trong việc học. Cô giáo dạy toán của Viên Viên cũng đã khích lệ cô bé. Tự tin và bình tâm chính là “lớp học thêm” tốt nhất, để cô bé có sự tiến bộ lớn trong việc học môn toán, thành tích từ tốp dưới của lớp vượt lên tốp đầu.
Phụ huynh và giáo viên chuyện trò, trao đổi về tình hình học tập của con là một biện pháp tìm hiểu con trẻ có hiệu quả. Nhưng bố mẹ nên “truyền đạt” như thế nào thì phải động não một chút, không nên vấn đề nào cũng đều truyền đạt một cách “chân thực” toàn bộ tình hình cho con nghe. Nhất thiết phải để ý đến cách đặt vấn đề và ngôn từ mà bạn sử dụng khi “truyền đạt” sẽ ảnh hưởng như thế nào đến con trẻ, mang tính xây dựng, hay mang tính phá hoại, có tác dụng khích lệ hay ức chế đối với con trẻ.
Hiện nay có một thực tế khiến người ta phải đau lòng là, rất nhiều học sinh tiểu học, cấp hai, cấp ba rất sợ họp phụ huynh, ngày nhà trường tổ chức họp phụ huynh thường trở thành ngày “khổ sở” của con trẻ, đặc biệt là một số học sinh nam có thành tích học tập không tốt lắm, buổi họp phụ huynh thực sự là “lệnh trừng phạt” giáng xuống đầu các em. Trong kinh nghiệm của chúng, buổi họp phụ huynh chính là “buổi họp nghe điểm phẩy” và “buổi họp mách tội” của cô giáo. Hậu quả là, sau buổi họp phụ huynh, nhẹ thì bị mắng, nặng thì ăn đòn.
Những phụ huynh đánh mắng con sau buổi họp phụ huynh chắc chắn là những người bố, người mẹ thô bạo, đơn giản. Phần lớn trong số họ bình thường không chủ động tiếp xúc, tìm hiểu qua thầy cô, chỉ khi đến ngày họp phụ huynh hoặc giáo viên “mời bố mẹ”, mới nghe được một số tình hình ở trường của con. Giáo viên phản ánh với họ một số vấn đề của con như không chấp hành kỷ luật, thành tích học tập không tốt…, đều là lý do khiến họ tức giận, họ không suy nghĩ xem vấn đề của con nên giải quyết như thế nào, không kiểm điểm lại trong quá trình giáo dục mình có gì sai sót không, không suy nghĩ xem nên giúp đỡ con trẻ như thế nào cho có hiệu quả, họ chỉ muốn nhanh chóng tìm con để tính sổ. Những vị phụ huynh như thế bình thường đã đối xử với con một cách thô bạo, đơn giản, họp phụ huynh xong về đến nhà liền trừng trị con trẻ, làm như thế không phải là để “giáo dục” trẻ mà đúng hơn là họ chỉ muốn trút cơn thịnh nộ của mình, muốn hả giận mà thôi. Nhưng hành động này chỉ có thể khiến cho vấn đề của trẻ càng thêm tồi tệ.
Con trẻ rất nhạy cảm và yếu đuối, nếu các cuộc gặp gỡ giữa phụ huynh và giáo viên biến thành sự kiện khủng bố khiến con trẻ cảm thấy mất mặt, dễ bị chửi mắng, hậu quả chỉ có thể khiến cho trẻ căm hận giáo viên, chán ghét nhà trường; khiến trẻ mất đi chí tiến thủ và khả năng phán đoán trong các phương diện như học tập, sự tự tin, đạo đức; và cuối cùng những vấn đề này phần lớn sẽ phản ánh trong học tập, ảnh hưởng đến thành tích học tập của trẻ.
Kể cả thông qua buổi họp phụ huynh, bố mẹ phát hiện ra các vấn đề nghiêm trọng như con trẻ học hành tụt lùi, không giữ kỷ luật, đánh nhau với bạn, thậm chí là bỏ học, về đến nhà cũng không nên đánh chửi con trẻ. Trước hết cần phân tích, trao đổi với giáo viên, cố gắng tìm ra nguyên nhân của vấn đề. Không phải tự nhiên mà con trẻ lại có những chuyện đó. Xảy ra điều này, chắc chắn là do một số vấn đề tích tụ lâu ngày không được giải quyết hoặc là một nhân tố bên ngoài nào đó khiến một số vấn đề nhỏ trở nên xấu đi. Ví dụ một đứa trẻ đột nhiên không muốn học nữa, cần phải suy nghĩ xem có phải quan hệ giữa trẻ và bạn bè cùng lớp xuất hiện vấn đề gì không, có phải bị một cô giáo nào đó phê bình mà cảm thấy ấm ức, hoặc bị người nào đó đe dọa; thành tích của con trẻ tụt dốc, thì nên suy nghĩ xem cách quản lý việc học hành của trẻ có phù hợp hay không, quan sát xem gần đây tinh thần của trẻ thế nào, có hứng thú với cái gì, chủ yếu quan hệ với những ai, trẻ có bị người nào đả kích hoặc dụ dỗ hay không… Điều quan trọng nhất là cần chú ý chuyện trò, gần gũi với trẻ, trước hết phải để trẻ tin tưởng bạn, tâm sự được với bạn những điều thắc mắc hoặc khó khăn mà trẻ đang gặp phải, sau đó nhận được sự khích lệ và giúp đỡ của bạn.
Con trẻ có những biểu hiện không tốt, chửi một bài, đánh một trận là chuyện dễ dàng, và thực hiện xong cũng cảm thấy rất hả hê, vị phụ huynh nào cũng có thể làm được – chính vì thế nó được rất nhiều phụ huynh yêu thích và áp dụng. Chỉ có điều, nó không thể giải quyết bất kỳ vấn đề gì; chính vì thế, nó cũng sẽ khiến những bậc phụ huynh đã quen với việc giải quyết vấn đề một cách “hả hê”, “dễ dàng” đó dần dần sẽ cảm nhận được rất nhiều điều không hả hê và không dễ dàng trong những năm tháng sau này do không có phương pháp dạy con.
Và sau khi nghe được vấn đề của con, biết cách bình tĩnh giải quyết, biết tự kiểm điểm mình, nói chuyện chân thành với con trẻ, cố gắng thấu hiểu con trẻ, tìm mọi cách để khích lệ con trẻ, khéo léo giúp trẻ giải quyết vấn đề – những điều này sẽ có phần hơi khó thực hiện, đòi hỏi phụ huynh phải bỏ ra rất nhiều lý trí và suy nghĩ – những vị phụ huynh có thể quan tâm đến sự trưởng thành suốt cuộc đời của con, lẽ nào không thể hy sinh những điều này cho con hay sao – giáo dục chính là nằm trong những chi tiết nhỏ này. Lúc này bạn bỏ ra một chút lý trí, suy nghĩ và trí tuệ, giải quyết, xử lý một cách khéo léo, nghệ thuật các vấn đề, con trẻ sẽ báo đáp bạn bằng sự xuất sắc gấp mười lần.
Lưu ý đặc biệt
Con trẻ rất nhạy cảm và yếu đuối, nếu các cuộc gặp gỡ giữa phụ huynh và giáo viên biến thành sự kiện khủng bố khiến con trẻ cảm thấy mất mặt, dễ bị chửi mắng, hậu quả chỉ có thể khiến cho trẻ căm hận giáo viên, chán ghét nhà trường; khiến trẻ mất đi chí tiến thủ và khả năng phán đoán trong các phương diện như học tập, sự tự tin, đạo đức; và cuối cùng những vấn đề này phần lớn sẽ phản ánh trong học tập, ảnh hưởng đến thành tích học tập của trẻ.
Họp phụ huynh xong về đến nhà là trừng trị con trẻ, làm như thế không phải là để “giáo dục” trẻ mà đúng hơn là họ chỉ muốn trút cơn thịnh nộ của mình, muốn hả giận. Nhưng hành động này chỉ có thể khiến cho vấn đề của trẻ càng thêm tồi tệ.
Điều mà bố mẹ cần làm chính là bảo vệ niềm say mê học tập của trẻ, tạo dựng lòng tin cho trẻ trong việc học. Có được niềm say mê và sự tự tin, bạn còn sợ trẻ không học tốt, còn sợ trẻ không tìm được phương pháp ư?
Con trẻ có những biểu hiện không tốt, chửi một bài, đánh một trận là chuyện dễ dàng, và thực hiện xong cũng cảm thấy rất hả hê, vị phụ huynh nào cũng có thể làm được – chính vì thế nó được rất nhiều phụ huynh yêu thích và áp dụng. Chỉ có điều, nó không thể giải quyết được bất kỳ vấn đề gì; chính vì thế, nó cũng sẽ khiến những bậc phụ huynh đã quen với việc giải quyết vấn đề một cách “hả hê”, “dễ dàng” đó dần dần sẽ cảm nhận được rất nhiều điều không hả hê và không dễ dàng trong những năm tháng sau này do không có phương pháp dạy con.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.