Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 42: HIỆP SĨ NHỎ ĐỘC HÀNH



Bởi vì một sự lo lắng nào đó, liền kiên quyết ngăn cản hành động của con trẻ, bố mẹ làm như vậy thực ra là khá ích kỷ, chỉ nghĩ đến sự lo lắng của mình, căn cứ để đưa ra quyết sách là để mình yên tâm, chứ không phải là để trẻ vui và có cơ hội rèn luyện.
Để kiểm tra tình yêu của một người mẹ dành cho đứa con có phải là tình yêu chất lượng hay không, có một hòn đá thử vàng, đó là người mẹ có chịu buông tay con ra một cách thoải mái hay không, có chịu thúc đẩy sự tự chủ và độc lập ở con hay không.
Mấy năm trước tôi đọc được một bài báo trên mạng, kể về một cô bé tên là Mã Vũ Ca, trong thời gian học cấp một, cấp hai, cấp ba đã một mình đi khắp các tỉnh trong cả nước. Bố cô bé là một bậc phụ huynh có ý thức giáo dục rất tốt, khuyến khích con tự đi xa một mình. Trong các chuyến đi xa đó, Mã Vũ Ca không những đã tăng thêm được vốn kiến thức, mà còn rèn luyện được khả năng, trở thành một em vừa học giỏi, vừa có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực hơn người. Câu chuyện này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi.
Thực ra con trẻ rất có ý thức tự bảo vệ mình, không phải chúng lúc nào cũng lơ ngơ, gặp chuyện gì cũng không biết đúng sai. Cho trẻ nhiều cơ hội rèn luyện hơn, chúng sẽ trưởng thành nhanh hơn, tốt hơn.
Lần đầu tiên Viên Viên đi xa một mình là năm cô bé chín tuổi. Lúc đó bố cô bé đã về Bắc Kinh làm việc, dịp nghỉ lễ mùng một tháng năm, cô bé tự ngồi tàu mười bảy tiếng đồng hồ, từ Diêm Đài về Bắc Kinh để thăm bố.
Bà ngoại Viên Viên gọi điện thoại, thấy bảo tôi cho con một mình đi tàu, vô cùng lo lắng. Nói thật là tôi và ông xã cũng rất lo, để cô bé đi một mình, chắc chắn không yên tâm bằng để tôi đưa con đi. Trong quá trình nuôi Viên Viên, điều chúng tôi lo ngại nhất là sự an toàn của con. Đặc biệt là khi Viên Viên bốn tuổi, chúng tôi đã để lạc mất con một lần, sự lo lắng này đã biến thành một căn bệnh chung của vợ chồng tôi, không thể chữa khỏi. Lần đó chúng tôi đưa cô bé đến nhà một người bạn chơi, nhà người bạn ở tầng một, ba, bốn đứa trẻ được bố mẹ đưa đến chơi với nhau ở ngoài sân, qua cửa sổ có thể nhìn thấy chúng, chúng tôi ngồi trong phòng yên tâm uống bia. Nhưng đến khi chuẩn bị ăn xong, tôi ra ngó không thấy Viên Viên đâu, hỏi mấy bạn nhỏ kia, chúng đều không để ý. Mọi người lập tức cuống hết lên, tỉnh cả rượu, chia nhau đi tìm, hơn một tiếng đồng hồ sau mới tìm được Viên Viên. Hóa ra cô bé đi ra cổng khu dân cư để nhổ cỏ, vì không thuộc đường, lúc quay về đã đi nhầm đường, không tìm được đường về nữa. Cô bé vừa khóc vừa chạy, càng chạy càng xa, may mà được một người bán hàng tạp hóa hảo tâm ở bên đường giữ lại, cho cô bé đồ ăn, đợi bố mẹ đến tìm.
Chuyện này thực sự ám ảnh lớn đến chúng tôi, hơn mười năm sau đó, tôi và ông xã lúc nào cũng phải sống trong nỗi nơm nớp lo sợ, hơi một tí là mơ thấy để lạc mất Viên Viên, mỗi lần mơ xong giật mình tỉnh dậy, toát hết mồ hôi. Dường như mãi đến khi Viên Viên lên cấp ba, những giấc mơ như thế mới chấm dứt. Cô bé vào cấp một và cả cấp hai, chỉ cần có một lúc nào đó không xác định được con đang ở đâu, chúng tôi đều vô cùng lo lắng. Mặc dù tự đáy lòng, chúng tôi chỉ mong ngoài việc đến trường, là có thể cột chặt con ở bên mình, nhưng lại biết không thể hạn chế sự tự do của cô bé khi một mình làm một việc gì đó, chính vì thế đành phải xúi giục cô bé tự mình làm một số việc dù trong lòng không hề muốn như vậy.
Lần này cô bé một mình đi tàu là do tôi nói với Viên Viên rằng, mẹ bận công việc, không có thời gian đi thăm bố cùng con trong kỳ nghỉ này, nếu con muốn thì con có thể tự ngồi tàu đi. Nghe xong lời gợi ý này của tôi, lúc đầu Viên Viên cũng hơi ngần ngừ, nhưng không kìm chế được trước sự xúi giục đó, cô bé lại tỏ ra muốn thử xem sao.
Trước khi con gái đi, thực ra trong lòng tôi cũng rất lo lắng. Tôi đặt hết giả thiết này đến giả thiết khác, không những nói với con rằng gặp chuyện này thì phải làm thế nào, gặp chuyện khác thì nên giải quyết ra sao. Có lẽ là do tôi đặt ra quá nhiều giả thiết, đột nhiên Viên Viên nói: “Mẹ nói sợ như vậy, con không dám đi đâu”. Lúc này đây tôi mới ý thức được rằng mình lo xa quá, tuyên truyền hơi quá các mối nguy hiểm, làm con trẻ sợ.
Sau đó tôi nghĩ lại thấy rằng, bố mẹ muốn khuyến khích trẻ tự đi làm một việc, trước hết bản thân không nên tỏ ra rầu rĩ và không yên tâm. Cần phải nghiêm túc đánh giá khả năng của con trẻ và tính khả thi của sự việc, nếu cảm thấy khả thi, thì nên tỏ ra tin tưởng con trẻ, tỏ ra vui vẻ thoải mái; giấu sự căng thẳng và nỗi lo lắng ở trong lòng.
Trên thực tế, chuyến đi của Viên Viên rất thuận lợi, mặc dù cả hai đầu đều có người đưa đón, nhưng chuyến đi xa một mình này vẫn khiến cô bé cảm thấy tự hào, có lòng tin đối với mình.
Năm sau khi cô bé mười tuổi, chúng tôi đã chuyển nhà đến Bắc Kinh, nghỉ hè cô bé lại muốn từ Bắc Kinh đi Thanh Đảo để thăm một người bạn chơi thân từ nhỏ tên là Tiểu Triết, cũng là tự đi tự về một mình. Khi chúng tôi đưa con ra ga Bắc Kinh, cô bé nói lượt về bố mẹ không cần phải ra ga đón con đâu, cô bé muốn tự mình đi từ ga về nhà. Lúc đó tôi đã đồng ý, nhưng vẫn có phần không yên tâm. Từ ga Bắc Kinh về nhà đầu tiên phải ngồi tàu điện ngầm, sau đó lại phải đổi xe bus, lên xuống xe bus đều phải đi một đoạn khá xa, quãng đường này thực ra còn phức tạp hơn so với đoạn từ Bắc Kinh đi Thanh Đảo. Chính vì thế hôm cô bé từ Thanh Đảo về, tôi vẫn ra ga đón. Ngoài việc không yên tâm, còn có một nguyên nhân khác nữa là mấy ngày không được gặp tôi cũng rất nhớ con, muốn được gặp ngay, tưởng rằng như thế cũng sẽ tạo cho con một niềm vui bất ngờ. Kết quả, từ trên tàu xuống nhìn thấy tôi, Viên Viên tỏ ra rất bất ngờ, mặc dù có vẻ vui, nhưng nhiều hơn là vẻ trách móc. Trách tôi tại sao lại ra ga đón cô bé. Trên đường về nhà, tôi phát hiện ra con đã nắm bắt được hết vấn đề nên đi xe về nhà như thế nào, và cũng rất chú ý đến vấn đề an toàn. Ví dụ khi xuống tàu điện ngầm, người đông, cô bé sẽ lập tức men theo tường để đi, lại còn nhắc tôi đi vào trong. Chính vì thế hoàn toàn sẽ không có vấn đề gì nếu cô bé tự đi một mình.
Tôi rất hối hận vì chuyện này, sự “nhiệt tình” của tôi đã phá vỡ cảm giác trọn vẹn của con khi cô bé muốn một mình hoàn thành một chuyến du lịch. Tôi chỉ quan tâm đến tâm trạng của mình, mà không xem xét đến nguyện vọng của con gái. Tôi nghĩ, nếu thực sự lo lắng cho sự an toàn của con, tôi đến ga rồi nấp ở phía sau cô bé, không để cô bé nhìn thấy, rồi bám đuôi về nhà, như thế có thể sẽ tốt hơn.
Năm học cấp hai, Viên Viên còn cùng bạn đi mua sắm mấy lần, toàn là bảy, tám giờ sáng đi, chơi đến năm, sáu giờ chiều mới về. Nói thực lòng là tôi không muốn cho con đi, đường phố loạn như vậy, mấy đứa trẻ mười một, mười hai tuổi đi với nhau có lo được cho mình không? Nhưng sau khi cân nhắc tình hình, nói hết các vấn đề về an toàn với Viên Viên, cảm thấy ý thức an toàn của con cũng khá ổn, liền vui vẻ đồng ý. Thực ra mỗi lần con đi chơi cả ngày, tôi cảm thấy mình như ngồi trên đống lửa. Đặc biệt là có lúc cô bé còn quên gọi điện thoại về nhà, tôi vô cùng lo lắng, đứng ngồi không yên, gần như không thể làm bất cứ việc gì, điều mà tôi có thể làm chỉ là thầm cầu nguyện. Đồng thời cũng sẽ tức giận, chuẩn bị đợi con về sẽ mắng cho con một trận. Nhưng mỗi lần vừa nghe thấy tiếng chuông cửa, nhìn thấy cô bé chơi đùa thoải mái một ngày bình an trở về, trong lòng tôi lại cảm thấy vô cùng biết ơn và vui vẻ, cơn giận bay biến đi đâu mất. Lần sau cô bé muốn đi chơi, tôi lại vui vẻ đồng ý.
Đứng trên góc độ của phụ huynh, buông tay để con tự mình làm việc, thực ra là để thử thách chính mình hơn là để rèn luyện trẻ. Bố mẹ nên dũng cảm hơn một chút, có đủ can đảm để tiếp nhận sự thử thách này.
Tôi có một người bạn, con chị đã học lớp tám, kỳ nghỉ đông nhà trường tổ chức một trại đông, do cô giáo dẫn học sinh đi Cáp Nhĩ Tân ngắm băng đăng, trượt tuyết. Con chị muốn đăng ký tham gia, người mẹ vì chưa bao giờ xa con, cho rằng khả năng tự chăm sóc mình của cậu con trai còn kém, không yên tâm nên không cho cậu đi, nói là đợi mẹ xin nghỉ phép, mẹ sẽ đích thân đưa con đi, vì thế mà cậu con trai rất không vui. Người mẹ cho rằng đằng nào cũng là đi Cáp Nhĩ Tân, đều là đi ngắm băng đăng, trượt tuyết, thời gian khoảng một tuần, mẹ đưa con đi còn có thể chăm sóc con, có gì là không tốt.
Sự lo lắng của người mẹ này dĩ nhiên là có lý, vị phụ huynh nào khi phải đối mặt với vấn đề này, đều sẽ nghĩ đến các vấn đề như con trẻ đi xa có biết chăm sóc mình hay không, có an toàn không. Nhưng sự sắp đặt này có mấy sai lầm sau:
Một là bố mẹ không nghĩ rằng con trẻ có nhu cầu xã giao, muốn đi cùng với các bạn cùng trang lứa. Xem băng đăng, trượt tuyết chỉ là mấy hoạt động trong cả đợt tổ chức trại đông, trong khi niềm vui của con trẻ lại nằm trong cả quá trình đi xa cùng bạn bè này. Hai là đã bỏ lỡ cơ hội rèn luyện của con trẻ. “Khả năng tự chăm sóc mình của con kém” không phải là do trẻ thiếu các cơ hội rèn luyện như thế này đó ư; khó khăn lắm mới có được cơ hội bồi dưỡng khả năng tự chăm sóc mình của con trai, bố mẹ lại cướp đi mất; ba là vì chuyện này mà bố mẹ với con xung đột với nhau, đồng thời cuối cùng bắt trẻ phải phục tùng trước sự sắp đặt của bố mẹ, điều này khiến trẻ cảm thấy ý kiến của mình luôn không được tôn trọng; điều này sẽ khiến cho trẻ hoặc là có tâm lý đối địch, hoặc là không hề có chính kiến, hơn nữa cũng rất dễ hình thành nên lối tư duy chỉ quan tâm đến mình, không chú ý đến cảm nhận của người khác.
Bởi vì một sự lo lắng nào đó, liền kiên quyết ngăn cản hành động của con trẻ, bố mẹ làm như vậy thực ra là khá ích kỷ, chỉ nghĩ đến sự lo lắng của mình, căn cứ để đưa ra quyết sách là để mình yên tâm, chứ không phải là để trẻ vui và có cơ hội rèn luyện.
Buông tay không phải là mạo hiểm, mà là để trẻ thông qua các cơ hội thực tiễn, rèn luyện lòng can đảm và khả năng, từ đó cũng học được cách phòng tránh nguy hiểm. Nếu bố mẹ luôn sợ rằng có chuyện gì đó ngoài ý muốn xảy ra đối với trẻ, luôn bảo vệ con chặt chẽ, tương lai nếu quả thật trẻ gặp chuyện gì đó, có thể vẫn chưa có đủ khả năng và dũng khí để đối phó. Điều này cũng giống như việc sợ con trẻ vấp ngã, nên không cho phép trẻ học đi, kết quả là sau này trẻ sẽ bước đi càng khó khăn hơn. Xét theo ý nghĩa này, sự bao bọc một cách quá độ cũng để lại tai họa ngầm cho sự an toàn của trẻ.
Về vấn đề an toàn, bố mẹ nên thảo luận cùng với nhà trường, nghiên cứu cẩn thận phương án đi xa, cân nhắc từng chi tiết, đảm bảo cho hoạt động được diễn ra thuận lợi; ngoài ra bình thường bố mẹ cũng nên giáo dục an toàn cho trẻ, để trẻ học được cách tự chăm sóc mình, bảo vệ mình. Trên cơ sở này, cần cố gắng để trẻ sớm được độc lập hoạt động. Một khi cảm thấy khả thi, thì hãy nên vui vẻ để trẻ làm. Tôi có quen một đôi vợ chồng, họ đều rất thành đạt trong sự nghiệp, cậu con trai của họ cũng rất giỏi giang. Từ nhỏ đến lớn thành tích học tập của con rất xuất sắc, năng lực công tác tốt, luôn đảm nhận các chức vụ quan trọng như lớp trưởng… Trong giai đoạn học cấp ba, mặc dù việc học rất bận rộn, nhưng cậu bé này không những gánh vác rất nhiều công việc của trường lớp, mà còn đến các công ty để xin tài trợ, tổ chức cho lớp mình xuất bản tờ nội san. Tôi đã tìm một cơ hội để nói chuyện với mẹ cậu, qua lời của chị đã phát hiện ra trí tuệ của người làm bố làm mẹ. Nếu khái quát cách làm của họ, cơ bản nhất chính là “để cho trẻ tự làm”, họ thực hiện chuyện này rất đơn giản, giống như một kỳ tích vậy, nói ra nhiều người sẽ không tin. Ngay từ khi con còn đang học mẫu giáo, từ trường mầm non đến nhà chị phải ngồi xe bus qua ba bến. Đến khi con trai năm tuổi vào lớp mẫu giáo lớn, họ cảm thấy con mình đã hoàn toàn biết cách đi xe bus từ nhà đến trường như thế nào, hơn nữa lên xe và xuống xe đều không phải qua đường, cách bến không xa là trường mầm non, các vấn đề cần chú ý trên đường cũng đã nói nhiều lần, và thế là bố mẹ liền đề nghị buổi sáng con trẻ tự mình đi học. Buổi tối về cần phải qua đường bắt xe, bố mẹ chỉ đến đón cậu vào buổi tối. Mấy ngày đầu họ không yên tâm, lén đi theo sau con để theo dõi, xác định không có vấn đề gì, từ đó liền không quản nữa. Cậu bé đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình. Con trai họ chín chắn hơn rất nhiều so với bạn bè cùng tuổi. Đến kỳ nghỉ hè năm cậu bảy tuổi, họ liền cho con ngồi tàu mười tiếng đồng hồ để đến thăm ông bà nội. Từ đó trở đi, kỳ nghỉ nào cậu bé cũng tự mình đi xa, về nhà ông bà nội hoặc đến một nơi nào đó để du lịch. Những nơi cậu bé đi du lịch đều có họ hàng hoặc những người bạn tin cậy, họ đón cậu về nhà an toàn, đồng thời đưa cậu đi chơi mấy ngày, sau đó lại đưa cậu lên tàu. Cậu bé này cũng giống như Mã Vũ Ca, khi học cấp một, cấp hai, cấp ba đã đi du lịch được rất nhiều nơi. Ngoài ra, bố mẹ cũng cho cậu làm rất nhiều việc trong nhà, phàm là những việc con trẻ có thể tự làm, bố mẹ đều không giúp đỡ; ngược lại do bố mẹ công việc rất bận, thường xuyên nhờ con trẻ làm việc nhà. Ví dụ, cuối tuần hoặc nghỉ hè, nghỉ đông bảo con đi chợ, nấu cơm, bố mẹ hết giờ làm việc về nhà, bữa tối đã chuẩn bị tạm ổn rồi. Thực ra bố mẹ của cậu bé này không phải là mẫu người vì bận rộn với sự nghiệp của mình mà lơ là trong chuyện chăm sóc con. Nhìn bề ngoài, họ có vẻ không làm gì ở nhà, thực ra đây chính là điểm tận tâm của họ. Họ không chỉ đạo trong những việc đơn giản, mà bỏ nhiều thời gian và công sức vào việc nghiên cứu những vấn đề như làm thế nào để con trẻ làm việc một cách an toàn, độc lập. Người mẹ này nói, người lớn làm việc thay cho con trẻ, đó là điều rất dễ dàng, người lớn nào cũng có thể làm được điều này; cái khó là không làm thay cho trẻ. Chị nói, ví dụ trong chuyện để con tự mình đi học mẫu giáo, trước đó họ đã nghiên cứu rất kỹ, cân nhắc kỹ càng từng chi tiết một, chắc chắn con trẻ đã nắm bắt được những kiến thức thông thường về sự an toàn, khi đã cảm thấy yên tâm về vấn đề an toàn của con, mới mạnh dạn buông tay ra. Để con tự về thăm ông bà nội và đi du lịch xa cũng là như vậy. Và quá trình này thực tế là khó khăn hơn rất nhiều so với việc tự mình đưa con đi. Tôi hiểu được những gì chị nói, sự “không làm gì cả” này, nhìn từ bề ngoài thì tưởng rằng bố mẹ được giải phóng, nhưng thực tế những thách thức về mặt tâm lý mà họ phải chịu đựng lại lớn hơn rất nhiều. Ngược lại, phàm là những bậc phụ huynh nghĩ thay làm thay cho con trong tất cả mọi việc, thậm chí ngay cả về mặt suy nghĩ cũng không cho trẻ được độc lập, bề ngoài thì tưởng là họ phải hy sinh rất nhiều, nhưng thực ra phương thức tư duy của họ lại luôn coi mình là trung tâm, cái đầu tiên mà họ muốn thỏa mãn là suy nghĩ của mình, không nghiêm túc xem xét đến nhu cầu tâm lý của con trẻ, không ý thức được tính độc lập của trẻ cần phải phát triển; mà là dùng sự “bao bọc” và “chỉ đạo” kín như bưng, để lấp đầy mọi không gian trưởng thành của trẻ, cướp đi hết lần này đến lần khác cơ hội tự giáo dục và tự trưởng thành của con. Đợi đến khi con lớn, sau khi rất nhiều khả năng tiềm ẩn của con trẻ bị thoái hóa nghiêm trọng, bố mẹ lại kêu ca con trẻ “không hiểu biết”, “vô tích sự”, “lười biếng”…
Ví dụ mà tôi nói đến ở đây, chỉ là muốn nhấn mạnh phương châm giáo dục “cho trẻ cơ hội, để trẻ được độc lập làm việc”. Chúng ta không thể nhìn nhận một cách riêng lẻ chuyện để trẻ tự đi mẫu giáo một mình, càng không thể bắt chước tùy tiện. Vì ở đây có rất nhiều nhân tố hạn chế, các yếu tố như khả năng của trẻ, độ an toàn của khu dân cư, độ tiện lợi của phương tiện giao thông, điều kiện khí hậu… đều phải xem xét.
Cho dù muốn để trẻ làm việc gì, nhất thiết phải cân nhắc, xem xét mọi tình huống, lựa chọn những việc có hệ số an toàn cao cho trẻ làm. Là người giám hộ, trước hết bố mẹ phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của trẻ.
Về hình thức có phải để trẻ tự đi một mình hay không không phải là điều quan trọng nhất, quan trọng nhất là thường xuyên để trẻ có cơ hội tự mình làm việc, tự mình gánh vác trách nhiệm, tự mình giải quyết vấn đề. Kể cả trẻ có cùng đi du lịch, cùng làm việc với bố mẹ, phàm là những việc có thể để trẻ tự làm một mình, bố mẹ không nên làm thay, phàm là những việc có thể để trẻ tự suy nghĩ, bố mẹ không nên vội vàng gợi ý cách giải quyết cho trẻ. Trước mặt trẻ, bố mẹ cần giả vờ ngờ nghệch một chút, vô tâm một chút, nhường lại cơ hội cho con.
Ví dụ, ra ga tàu, nếu chỉ đem theo một chiếc ba lô và con và bố mẹ đều có thể mang được, thì để cho con đeo, bố mẹ có thể hai tay để không lên tàu một cách thoải mái. Đến nhà nghỉ, có thể để bố mẹ ngồi trông hành lý nghỉ ở sảnh lớn, để trẻ tự đi làm thủ tục nhập phòng. Khi đọc các tài liệu giới thiệu về các điểm du lịch, để trẻ tìm những tài liệu cần thiết và đưa cho bố mẹ.
“Độc lập” là từ đồng nghĩa với tự lập, nó là điều kiện mà một người buộc phải có trong quá trình trưởng thành. Hiện nay có một quan điểm cho rằng, thanh niên đã chuẩn bị lập gia đình, lập nghiệp rồi, nhưng về tâm lý vẫn chưa rời xa được núm vú. Rất nhiều người chỉ coi hiện tượng này là một chủ đề vui để nói, thực ra những điều ẩn chứa sau đó là nỗi bi ai của một con người thậm chí là cả một dân tộc. Nỗi bi ai này nhìn thì tạm thời chưa có gì là nghiêm trọng, nhưng tương lai e rằng sẽ ngày càng khiến người ta phải lo lắng. Nhà triết học Erich Fromm cho rằng, để kiểm tra tình yêu của một người mẹ dành cho đứa con có phải là tình yêu chất lượng hay không, có một hòn đá thử vàng, đó là người mẹ có chịu buông tay con ra một cách thoải mái hay không, có chịu thúc đẩy sự tự chủ và độc lập ở con hay không(1).
Yêu con, hãy dũng cảm buông tay ra, để hiệp sĩ nhỏ tuổi này “một mình tung hoành khắp thiên hạ”!
__________________
(1) Erich Fromm, Nghệ thuật của tình yêu, Lý Kiện Minh dịch, NXB Văn dịch Thượng Hải, tháng 4.2008, tr.48.
Lưu ý đặc biệt
Bố mẹ muốn khuyến khích trẻ tự đi làm một việc, trước hết bản thân không nên tỏ ra rầu rĩ và không yên tâm. Cần phải nghiêm túc đánh giá khả năng của con trẻ và tính khả thi của sự việc, nếu cảm thấy khả thi, thì nên tỏ ra tin tưởng con trẻ, tỏ ra vui vẻ thoải mái; giấu sự căng thẳng và lo lắng ở trong lòng.
Người lớn làm việc thay cho con trẻ, đó là điều rất dễ dàng, người lớn nào cũng có thể làm được điều này; cái khó là không làm thay cho trẻ.
Phàm là những bậc phụ huynh nghĩ thay làm thay cho con trong tất cả mọi việc, thậm chí ngay cả về mặt suy nghĩ cũng không cho trẻ được độc lập, bề ngoài thì tưởng là họ phải hy sinh rất nhiều, nhưng thực ra phương thức tư duy của họ lại luôn coi mình là trung tâm, cái đầu tiên mà họ muốn thỏa mãn là suy nghĩ của mình, không nghiêm túc xem xét đến nhu cầu tâm lý của trẻ, không ý thức được tính độc lập của trẻ cần phải phát triển; mà là dùng sự “bao bọc” và “chỉ đạo” kín như bưng, để lấp đầy mọi không gian trưởng thành của trẻ, cướp đi hết lần này đến lần khác cơ hội tự giáo dục và tự trưởng thành của trẻ. Đợi đến khi trẻ lớn, sau khi rất nhiều khả năng tiềm ẩn của trẻ bị thoái hóa nghiêm trọng, bố mẹ lại kêu ca con trẻ “không hiểu biết”, “vô tích sự”, “lười biếng”…
Điều quan trọng nhất là thường xuyên để trẻ có cơ hội tự mình làm việc, tự mình gánh vác trách nhiệm, tự mình giải quyết vấn đề. Kể cả trẻ có cùng đi du lịch, cùng làm việc với bố mẹ, phàm là những việc có thể để trẻ tự làm một mình, bố mẹ không nên làm thay, phàm là những việc có thể để trẻ tự suy nghĩ, bố mẹ không nên vội vàng gợi ý cách giải quyết cho trẻ. Trước mặt con trẻ, bố mẹ cần giả vờ ngờ nghệch một chút, vô tâm một chút, nhường lại cơ hội cho con.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.