Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 13: ĐỌC SÁCH CẦN PHẢI DỤ DỖ



Trong quá trình giáo dục, muốn con trẻ tiếp nhận cái gì, thì phải dụ dỗ trẻ; muốn trẻ bài xích cái gì, thì phải ép buộc chúng – đây là một chiêu rất có hiệu quả. Tất cả những bậc phụ huynh không đạt được mục đích, nguyện vọng và kết quả hoàn toàn trái ngược nhau, chắc chắn là do đã áp dụng ngược phương pháp.
Khi Viên Viên vừa lên lớp hai, tôi cảm thấy lượng chữ và trình độ đọc của cô bé đã có đủ điều kiện để bước lên một nấc thang mới, liền gợi ý cô bé đọc tiểu thuyết dài. Phản ứng đầu tiên của Viên Viên khi nghe thấy lời đề nghị này của tôi là không thể tin được.
Viên Viên thường xuyên nhìn thấy tôi đọc tiểu thuyết, một cuốn sách dày như thế, nhiều chữ như thế, gần như không có tranh minh họa. Theo bản năng, cô bé cảm thấy tiểu thuyết dài rất khó đọc, cũng không thú vị, chỉ có thể để cho người lớn đọc. Trong khi trước đó những cuốn sách mà Viên Viên đọc đều là sách thiếu nhi có nhiều tranh. Tôi hiểu được cái khó của con gái nên không nói gì nữa.
Xem xét thấy trong những cuốn tiểu thuyết trên giá sách của tôi không có cuốn nào hợp với Viên Viên nên tôi đã đi mua cuốn Ỷ Thiên Đồ Long ký của Kim Dung. Trước đó tôi chưa bao giờ đọc tiểu thuyết của Kim Dung mà chỉ xem các bộ phim truyền hình được cải biên từ tiểu thuyết của ông. Qua phim truyền hình tôi đoán chắc tiểu thuyết cũng sẽ thú vị, chắc sẽ được trẻ em thích. Tôi không nói với Viên Viên rằng mình mua sách là vì cô bé, mà giống như mọi lần đọc tiểu thuyết khác, làm xong mọi việc liền mang ra đọc. Đúng là cuốn sách đó rất hay, rất nhiều tình tiết hồi hộp, mỗi ngày sau khi đọc xong tôi đều tiện thể khen một câu rằng cuốn sách này rất hay, sau đó kể cho Viên Viên nghe một số tình tiết một cách vô tình hay hữu ý, kể đến đoạn gay cấn nhất liền nói mẹ đang đọc đến đây, đằng sau chưa biết sẽ thế nào, đợi đọc xong mẹ sẽ kể cho con nghe.
Mấy lần như vậy, trong lòng Viên Viên rất bứt rứt, thấy cô bé sốt ruột, tôi liền tranh thủ cơ hội nói, hay là con tự đọc đi, mẹ không có nhiều thời gian đọc một lúc nhiều như vậy, xem hiểu một cách khái quát là được, những chữ nào khó hiểu thì con cứ hỏi mẹ. Thấy tôi nói như vậy, cô bé liền bắt đầu đọc thử.
Đọc sách là một quá trình không khó bước vào, điều quan trọng là để cho con trẻ cầm một cuốn sách lên mà không ngại ngần gì hết và bắt đầu đọc. Đợi đến khi Viên Viên đọc qua phần tôi đã đọc, tôi thường giả vờ không có thời gian đọc, đồng thời lại nóng lòng muốn biết một nhân vật nào đó sau đó thế nào, để con gái kể cho tôi nghe những tình tiết cô bé đã đọc được, đồng thời cùng con thảo luận một số nhân vật và câu chuyện thú vị trong đó. Điều này khiến cho Viên Viên càng đọc càng có hứng thú, đến khi đọc xong bộ sách này, cô bé đã bắt đầu tự tin về khả năng đọc của mình.
Đọc xong cuốn sách này, tôi và Viên Viên cùng đọc lời nói đầu của bộ sách này, biết Kim Dung viết tổng cộng mười bốn bộ tiểu thuyết võ hiệp, lấy chữ đầu tiên của mỗi bộ ghép thành một câu đối: “Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc. Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên”. Câu đối hay này cũng gây sự tò mò cho Viên Viên, cô bé nói vẫn muốn đọc tiểu thuyết của Kim Dung nữa. Tôi liền nói bao nhiêu sách như vậy nếu mua cũng tốn tiền đấy, chi bằng thuê về đọc. Và thế là tôi liền đưa con gái đi thuê sách.
Từ đó trở đi, Viên Viên ngày càng đọc nhiều, ngày càng đọc nhanh, niềm say mê và khả năng đọc sách của cô bé nhanh chóng đạt trạng thái ổn định. Đọc một lèo hết toàn bộ các cuốn tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, từ đó phát hiện ra niềm hứng thú của việc đọc tiểu thuyết dài, từ đó đọc tiểu thuyết dài đã trở thành một công việc hết sức đơn giản.
Một cô bạn đồng nghiệp của tôi hồi đó nói con trai chị không thích đọc bất kỳ cuốn sách gì, ngay cả truyện tranh cũng không đọc, dường như rất sợ đọc chữ, làm văn rất kém. Vì chuyện này mà người mẹ rất rầu rĩ. Chị biết Viên Viên đã đọc rất nhiều sách nên rất mong con trai chị được làm quen với Viên Viên, để cậu bé được ảnh hưởng, cũng thích đọc sách.
Một ngày tôi dẫn Viên Viên đến nhà chị chơi, con trai chị học trên Viên Viên một lớp, lúc đó đang học lớp năm, thấy chúng tôi đến, hai mẹ con rất mừng.
Chúng tôi vừa ngồi xuống, chị bạn liền nói ngay với cậu con rằng, con xem Viên Viên kém con hai tuổi mà đã đọc được rất nhiều sách rồi, từ nay trở đi con cũng nên đọc nhiều sách, không thể suốt ngày chơi được nữa.
Sự so sánh này khiến cậu bé tỏ ra ngại ngùng.
Tôi vội bảo hai đứa trẻ sang phòng khác chơi, sau đó nhắc chị bạn không nên nói con như vậy trước mặt mọi người, nói như thế sẽ khiến trẻ càng không tự tin vào khả năng đọc sách của mình, hơn nữa lại cảm thấy rất mất thể diện. Thực ra con trẻ cũng có lòng sĩ diện, nếu chị muốn cậu bé làm việc gì thì chị nên bày tỏ sự khen ngợi trước người khác về khả năng của cậu trong lĩnh vực này.
Tôi còn nhắc nhở chị rằng, nếu chị muốn con mình thích đọc sách ngoài giờ học, thì đừng bao giờ trực tiếp yêu cầu con trẻ “đọc sách đi”, cũng không nên lấy chuyện con trẻ có thích đọc sách hay không làm chủ đề để nói chuyện, càng không nên lấy chuyện đọc sách để giáo huấn con trẻ.
Tiếp sau đó tôi đã kể cho chị nghe quá trình tôi đã “dụ dỗ” Viên Viên đọc tiểu thuyết như thế nào, nghĩ rằng chắc chị cũng sẽ lĩnh hội được một số điều.
Lúc chúng tôi ra về, cậu bé cũng ra tiễn khách. Có lẽ là do khách sáo, chị bạn lại nói với con trai rằng, con xem xem Viên Viên đã đọc hết tiểu thuyết của Kim Dung rồi, mẹ cũng sẽ thuê mấy cuốn về cho con xem. Cậu bé gật đầu với vẻ ngần ngừ.
Tôi có cảm giác chị nói như thế vẫn chưa ổn. Thực ra chị vẫn đang dùng điểm mạnh của một đứa trẻ để so sánh với điểm yếu của một đứa trẻ khác, hơn nữa lời nói của chị quá thẳng thừng, để lộ rõ mục đích, không có gì gọi là “dụ dỗ” cả.
Sau đó chị bạn đồng nghiệp lại thở ngắn than dài với tôi rằng, chị thuê sách của Kim Dung về, nhưng cậu con trai chị vẫn không chịu đọc, một cuốn sách ba ngày xem được ba trang, sau đó không chịu đọc tiếp nữa.
Tôi nói thẳng với chị, chị đã tìm một tấm gương, nhưng lại không tìm thấy điểm đột phá để khích lệ con trẻ, chỉ dùng điểm mạnh của một đứa trẻ khác để so sánh với điểm yếu của con mình, vì thế chị không thuyết phục được con. Trẻ em đọc sách là vì có hứng thú với sách, một đứa trẻ làm sao có thể vì không muốn tụt hậu so với người khác và vì sự yêu cầu của bố mẹ mà đi đọc sách được!
Chị hỏi tôi phải làm thế nào, tôi nghĩ rằng tiểu thuyết của Kim Dung đã gây sức ép cho cậu bé, liền nói, tạm thời chị không nên nhắc đến chuyện đọc tiểu thuyết nữa, cậu bé sợ chữ nghĩa như vậy, trước hết chỉ có thể bắt đầu từ việc đọc những thứ đơn giản nhất. Thế này nhé, chị đặt một tờ báo buổi tối, trên đó ngày nào cũng có một số tin bài về xã hội rất thú vị, cái này ai cũng thích đọc, là thứ tiêu khiển tốt nhất. Hàng ngày chị đọc được tin nào thú vị, thì giới thiệu cho con đọc, đừng đọc nhiều, mỗi ngày một hai tin là được rồi. Đầu tiên dụ dỗ cậu bé đọc báo, nếu cậu có thể thường xuyên đọc được báo, dần dần sẽ thấy việc đọc sách không có gì là đáng sợ nữa, sau đó lại tìm cách kéo con vào tiểu thuyết.
Mấy ngày sau, chị bạn đồng nghiệp của tôi gặp tôi vẫn lắc đầu, nói ngay cả báo con cũng không chịu đọc. Tôi thấy lạ tại sao cậu bé này lại sợ chữ nghĩa như vậy. Sau khi tìm hiểu kỹ càng quá trình, phát hiện thấy cách làm của chị bạn không ổn lắm. Với tình hình này, nếu con chịu đọc mới là lạ.
Hóa ra, mấy ngày đó mỗi lần đi làm về chị bạn tôi đều mua một tờ báo buổi tối, về đến nhà liền đưa báo cho con. Chị cũng muốn dùng cách “dụ dỗ”, liền nói với con rằng đọc báo rất tốt, tờ báo này rất hay, ít nhất con phải đọc được một đến hai bài; thích đọc bài nào thì đọc. Để kiểm tra con trai đã đọc hay chưa, ngày nào trước khi đi ngủ chị cũng đều bắt con kể cho mình nghe nội dung mà cậu bé đã đọc. Cậu con chỉ đọc được vài ngày, lại bắt đầu vì chuyện đọc báo mà cãi lại mẹ.
Mặc dù người mẹ này dường như lần nào cũng làm hết mọi việc cần phải làm, nhưng lại không đạt được mục đích, chị nói chị thực sự tuyệt vọng về việc đọc sách của con rồi.
Tôi buộc phải nói thẳng với chị, hành động của chị có một chút “dụ dỗ”, nhưng về thực chất vẫn là đang “ra lệnh”. Chị quy định cho con mỗi ngày ít nhất phải đọc được một đến hai bài, lại còn đi kiểm tra xem con đã đọc hay chưa, như thế việc đọc báo đã biến thành “nhiệm vụ” rồi. Chị thử đặt mình vào địa vị của con và nghĩ xem, cảm nhận xem thế nào gọi là dụ dỗ; nếu chị chỉ đứng trên góc độ của bố mẹ để xem xét vấn đề, thì rất dễ biến dụ dỗ thành ra lệnh, dễ để mất đi hiệu quả.
Không phải là tất cả các bậc bố mẹ đều thẳng thừng như vậy, rất nhiều người sau khi hiểu được tầm quan trọng của việc đọc sách, cũng có thể đồng thời hiểu được tầm quan trọng của việc dụ dỗ, đồng thời biết tạo ra một số biện pháp dụ dỗ. Nhưng trong đó có không ít biện pháp cũng không hiệu quả, bởi sự dụ dỗ mà những biện pháp này tạo ra không thắng nổi một sự dụ dỗ khác: ti vi.
Nếu một đứa trẻ ngay từ nhỏ đã tạo được hứng thú đọc sách, thì chúng thường không để ti vi cướp đi thời gian đọc sách của mình; nhưng nếu từ lâu con trẻ rất ít tiếp xúc với sách vở, lớn lên trước màn hình ti vi, bạn muốn bắt trẻ giữa chừng phải chuyển sang đọc sách thì là điều tương đối khó, cần phải áp dụng nhiều biện pháp hơn.
Bố mẹ tuyệt đối không nên dùng biện pháp mạnh tắt ti vi để bắt con đọc sách. Kể cả có tắt ti vi, cũng không thể giúp trẻ cam tâm tình nguyện cầm sách lên; kể cả trẻ đã cầm sách lên, nhưng cũng không thể chuyên tâm đọc. Một số bậc phụ huynh hỏi tôi rằng tình hình này phải làm như thế nào, tôi đã gợi ý cho họ một chiêu “độc”, một số phụ huynh đã áp dụng và kết quả rất tốt.
Tôi gợi ý cho họ rút một sợi dây nào đó của ti vi ra, hoặc lấy một linh kiện nào đó ra, khiến ti vi không xem được nữa. Bố mẹ giả vờ nói ti vi hỏng rồi, sau đó tìm ra các lý do để kéo dài thời gian sửa ti vi. Ít là một hai tháng, nhiều là nửa năm một năm. Trong thời gian này, bố mẹ bắt đầu đọc sách, sau đó lựa thời gian thích hợp giới thiệu cho con trẻ một cuốn sách thú vị, để con trẻ phát hiện được niềm vui của đọc sách trong lúc nhàn rỗi không có việc gì để làm. Đợi đến khi con trẻ bắt đầu đọc hết cuốn sách này đến cuốn sách khác, bố mẹ mới đi “sửa” ti vi.
Để đề phòng sau khi ti vi “được sửa”, con trẻ lại quay về trạng thái suốt ngày vùi đầu vào ti vi, bố mẹ có thể lợi dụng cơ hội này đưa ra quy định xem ti vi. Đồng thời bản thân mình cũng phải thực hiện nghiêm túc.
Về quy định xem ti vi, tôi cho rằng không nên quy định thời gian, chỉ quy định xem chương trình nào thì tốt, như thế sẽ dễ kiểm soát. Quy định được đưa ra là phải thực hiện, trước hết bố mẹ không được vi phạm quy định, cũng phải ít xem ti vi, bỏ thời gian ra đọc sách, đây là cách giáo dục không lời đối với con trẻ. Vấn đề then chốt ở đây cũng là sự dụ dỗ âm thầm, không nên có xung đột.
Có lẽ một số phụ huynh sẽ nói chiêu này “chuối”, thao tác quá rườm rà, không bằng trực tiếp tắt ti vi đi. Còn có nhiều bậc phụ huynh, họ không muốn con trẻ xem ti vi, nhưng mình lại xem một cách thoải mái. Đã có một số người mẹ sau khi nghe lời đề nghị của tôi liền ra sức lắc đầu, nói mình buổi tối không có việc gì để làm, không xem ti vi thì xem cái gì; hoặc là người chồng sẽ không đồng ý làm như vậy, bởi vì công việc của chồng rất mệt, hàng ngày về đến nhà muốn được giải trí. Những lúc như thế này tôi cũng cảm thấy mình bó tay hết cách.
Nếu bố mẹ cứ thích làm theo ý mình thì có cách nào để không bồi dưỡng ra một đứa con ngang ngạnh? Bạn không muốn dụ dỗ con trẻ đọc sách, thì đành phải để ti vi dụ dỗ con trẻ ngày ngày đốt thời gian trước màn hình mà thôi.
Điều khiến con người khó kháng cự nhất là sự “dụ dỗ”, khiến con người căm ghét nhất là sự “ép buộc”, người lớn và con trẻ đều giống nhau. Trong quá trình giáo dục, muốn con trẻ tiếp nhận cái gì, thì phải dụ dỗ trẻ; muốn trẻ từ chối cái gì, thì phải ép buộc chúng – đây là một chiêu rất có hiệu quả. Tất cả những bậc phụ huynh không đạt được mục đích, nguyện vọng và kết quả hoàn toàn trái ngược nhau, chắc chắn là do đã áp dụng ngược phương pháp.
Lưu ý đặc biệt
Nếu bạn muốn con mình thích đọc sách ngoài giờ học, thì đừng bao giờ trực tiếp yêu cầu con trẻ “đọc sách đi”, cũng không nên lấy chuyện con trẻ có thích đọc sách hay không làm chủ đề để nói chuyện, càng không nên lấy chuyện đọc sách để giáo huấn con trẻ.
Bố mẹ tuyệt đối không nên dùng biện pháp mạnh tắt ti vi để bắt con đọc sách.
Về quy định xem ti vi, tôi cho rằng không nên quy định thời gian, chỉ quy định xem chương trình nào thì tốt, như thế sẽ dễ kiểm soát. Quy định được đưa ra là phải thực hiện, trước hết bố mẹ không được vi phạm quy định, cũng phải ít xem ti vi, bỏ thời gian ra đọc sách, đây là cách giáo dục không lời đối với con trẻ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.