Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

PHẦN 6: CHUYỆN NHỎ CHÍNH LÀ CHUYỆN LỚN – CHƯƠNG 37: “CHUYỆN RIÊNG TƯ” CỦA CON GÁI



Trái tim nhỏ bé vừa phải chứa đựng một sự thật thần kỳ, đồng thời buộc phải gánh vác trách nhiệm giữ điều bí mật liên quan đến tính mạng, đối với một đứa trẻ bảy tuổi, đây là một điều khó khăn và khổ sở biết bao.
Một hôm, cô con gái Viên Viên bảy tuổi của thôi thấy ti vi bàn đến chủ đề chuyện riêng tư, liền hỏi thế nào là “chuyện riêng tư”. Tôi liền nói: “Tức là điều bí mật của riêng mình và không thể kể cho người khác”. Cô bé hỏi tôi: “Mẹ có chuyện riêng tư không?”. Tôi nói có chứ. Bé lại hỏi tiếp: “Bố con có không?”. Tôi nói chắc là cũng có chứ. Viên Viên định nói gì đó xong lại thôi. Tôi cười thầm trong lòng, không gặng hỏi chuyên gia này đang nghĩ gì mà tiếp tục quay sang lau bàn. Một lát sau, nghe thấy cô bé khẽ nói một câu: “Con cũng có chuyện riêng tư…”.
Tôi đứng thẳng người lên, chăm chú nhìn con, “Thế thì con phải cẩn thận đấy, đừng để bố mẹ biết”. Viên Viên cũng nói rất nghiêm túc: “Suốt đời con sẽ không nói cho ai biết, con cũng không nói với mẹ đâu”. Tôi cố gắng nhịn cười, “Ngay cả mẹ mà cũng không muốn kể, xem ra chuyện riêng tư của con không nhỏ đâu nhỉ”. Nghe ra ý đùa trong câu nói của tôi, Viên Viên nói với vẻ không hài lòng: “Chuyện riêng tư của con không phải là chuyện nhỏ đâu, lớn lắm”. Tôi hỏi lớn thế nào, cô bé dùng hai tay làm động tác to như một cái nhà hoặc to như bầu trời, cũng cảm thấy không so sánh được, liền nói với vẻ bực bội: “Thôi mẹ đừng hỏi nữa, con không muốn nói chuyện này nữa đâu”.
Tôi cầm giẻ lau đi vào nhà vệ sinh, đang giặt thì Viên Viên bước vào theo. Cô bé hỏi tôi bằng giọng bí hiểm, thăm dò: “Mẹ, chuyện riêng tư của mẹ là gì?”. Tôi nói: “Chuyện riêng tư của mẹ cũng không thể nói cho ai được, nếu nói ra thì không còn là chuyện riêng tư nữa”. Cô bé càng tò mò hơn, bám riết lấy tôi bắt tôi kể. Tôi cũng không tìm ra được nội dung gì để đối phó cho qua chuyện, bèn nói: “Con kể chuyện riêng tư của con cho mẹ trước, rồi mẹ sẽ nói cho con”. Viên Viên dẩu môi, “Không được, chuyện của con không nói được”. Tôi nói: “Chuyện của mẹ cũng không nói được”. Cô bé liền bắt đầu bầy nhầy, ôm ngang eo tôi mè nheo, “Nói cho con đi, nói cho con đi”. Tôi muốn bịa ra một “chuyện riêng tư” để cô bé mau ra chỗ khác, bèn nói: “Mẹ sẽ nói cho con trước, sau đó con lại kể cho mẹ nghe nhé?”. Với những gì mà tôi hiểu về Viên Viên, cô bé thường vui vẻ chấp nhận cuộc trao đổi này. Nhưng vừa nghe thấy vậy, cô bé vẫn không chịu, mà quay ra đọc sách. Điều này khiến tôi hơi bất ngờ, cô bé thà bỏ đi cơ hội nghe “chuyện riêng tư” của tôi, chứ không chịu kể cho mẹ nghe “chuyện riêng tư” của mình. Có chuyện gì mà lại có thể khiến một cô bé kín như bưng trước sự dụ dỗ này?
Tôi đang thắc mắc thì nghe thấy ông xã từ phòng khách bước ra, trêu con gái: “Con kể điều bí mật của con cho bố nghe, chỉ có hai ta nói thầm với nhau thôi, không cho mẹ nghe thấy”. Đột nhiên Viên Viên nổi cáu, hai gót chân đập vào ghế sofa, “Haizz, con vừa mới quên bố lại nhắc lại, không nhắc đến chuyện này nữa, được không ạ!”.
Tôi thấy Viên Viên có vẻ nổi cáu, bước đến, ôm cô bé, nhìn vào mắt con hỏi: “Chuyện riêng tư của con là chuyện khiến con vừa nghĩ đến là cảm thấy không vui ư?”. Cô bé nghĩ một lát, khẽ lắc đầu. Tôi hỏi: “Vậy thì, là chuyện vui ư?”. Cô bé cũng lắc đầu, trông có phần nặng nề. Tôi nói: “Nếu con cảm thấy không vui, nói ra sẽ thoải mái hơn”. Cô bé nói: “Bình thường con cũng không sao cả. Những lúc con đi học, hoặc là trong lúc chơi, hoặc là lúc đọc sách sẽ không nhớ đến nó. Lúc nào nhớ đến thì con sẽ mau chóng làm việc khác”.
Tôi và ông xã đưa mắt nhìn nhau.
Tôi cố gắng nói bằng giọng thoải mái nhất: “Cả ba chúng ta đều nói ra chuyện riêng tư của mình nhé. Một gia đình không nên giữ bí mật với nhau”. Bố cô bé cũng hùa theo tôi. Nhìn thấy hai chúng tôi về một phe, Viên Viên liền giãy giụa thoát ra khỏi lòng tôi, chạy đến một góc cách chúng tôi xa nhất, vừa chạy vừa hét “Con không nói, bố mẹ đừng hỏi nữa”, sau đó lại quay đầu nhìn chúng tôi như bị giật mình. Nét mặt, động tác của cô bé khiến tôi hơi giật mình, trí tò mò lại nổi lên.
Một tuần sau đó, chúng tôi vẫn băn khoăn không biết có nên làm rõ “chuyện riêng tư” của con gái hay không. Vừa sợ xét hỏi ráo riết quá làm tổn thương lòng tự trọng của con, nhưng rồi lại lo ngại nếu có chuyện gì đó cần sự giúp đỡ của bố mẹ thì sao. Tôi có linh cảm rằng, chuyện này không nói được với bố mẹ, nhưng lại khiến cô bé phải để tâm, đồng thời là “chuyện riêng tư” “rất lớn” khiến cô bé cảm thấy nặng nề, có sức ép về tâm lý đối với cô bé. Tôi lại thăm dò nhắc lại một lần nữa, vừa phát hiện ra tôi có ý định hỏi gì đó, Viên Viên liền chạy đi ngay. Điều này càng khiến chúng tôi coi trọng hơn. Tôi và ông xã bàn với nhau mấy lần, vẫn cảm thấy không yên tâm, liền nghĩ cách giăng bẫy hòng dụ con khai ra.
Một hôm, trong bữa ăn trưa, chúng tôi nói chuyện với nhau, tôi nói với Viên Viên rằng: “Mẹ và bố đã trao đổi “chuyện riêng tư” với nhau rồi”. Cô bé trợn tròn mắt, “Thật ạ?” rồi nhìn sang bố, bố gật đầu. Viên Viên có vẻ ghen tị, “Chỉ có bố mẹ nói thầm với nhau, không cho con biết”. Tôi nói: “Bố mẹ đang chuẩn bị nói với con”. Mắt cô bé sáng lên, hào hứng, sốt sắng hỏi tôi: “Mẹ, chuyện riêng tư của mẹ là gì ạ?”. Tôi liền kể “chuyện riêng tư” của mình ra một lượt. Trước yêu cầu của con gái, ông xã cũng nói ra “chuyện riêng tư” của mình. Nghe xong, Viên Viên tỏ ra khá hài lòng, nói với vẻ đầy ẩn ý: “Chuyện riêng tư của bố mẹ đều là chuyện tốt…”. Chúng tôi liền tranh thủ cơ hội tấn công luôn, “Nhà mình không nên giữ bí mật gì cả, nếu cả nhà không có lòng tin với nhau, thì chúng ta còn tin tưởng được ai chứ, con bảo có đúng không? Ai có chuyện vui, nói ra mọi người đều vui; nếu có chuyện buồn, nói ra chia sẻ với nhau, cùng nhau giải quyết, con bảo thế có đúng không?”. Viên Viên nghe ra được dụng ý của chúng tôi, lẩm bẩm: “Nếu như con nói với bố mẹ, cũng sẽ không tốt cho bố mẹ”. Chúng tôi vội nói: “Bố mẹ không sợ, quan trọng là sợ con bị tổn thương”. Cô bé nói: “Con không nói sẽ không bị tổn thương, nói ra mới bị tổn thương”. Chúng tôi hỏi vì sao, cô bé ngần ngừ trong giây lát, đột nhiên lại nổi cáu, “Hai ngày hôm nay con đang không nghĩ về chuyện này, bố mẹ vừa nhắc, con lại phải nhớ đến…”. Rồi cô bé không chịu ăn cơm nữa, để thừa lại nửa bát cơm rồi rời bàn. Điều này khiến tôi và ông xã cũng thấy mất cả ngon.
Ăn cơm xong, tôi không rửa bát ngay mà bế Viên Viên đang ngồi trên ghế sofa lên đùi mình, nói bằng giọng nghiêm túc với cô bé: “Mẹ cảm thấy, điều bí mật của con không phải là chuyện tốt, mẹ rất sợ nó sẽ làm tổn thương đến con, con nói ra có được không?”. Cô bé lặng lẽ lắc đầu. Tôi nói: “Con chỉ nói với một mình mẹ thôi, không cho người khác biết nữa được không?”. Ông xã vội giả vờ đi vào phòng lên giường ngủ. Viên Viên vẫn lắc đầu. Tôi nói: “Con còn quá nhỏ, rất nhiều chuyện chưa đủ khả năng xử lý, nếu như con có chuyện mà không nói ra cho mẹ nghe, chẳng may chuyện này làm tổn thương con thì con làm thế nào, mẹ không biết sẽ không có cách nào giúp con cả”.
Viên Viên nói: “Nói ra mới là gây tổn thương mẹ ạ, không nói sẽ không sao cả”. Tôi hỏi, tại sao? Cô bé trả lời với vẻ bất lực: “Dù thế nào cũng không thể nói ra”. Vừa nói vừa đòi thoát khỏi lòng tôi, tôi liền ôm chặt con gái, dồn cô bé đến nước không kể không được, đồng thời vừa nhẹ nhàng, vừa nghiêm giọng nói: “Nói ra đi, nói cho mẹ nghe, có được không?”.
Viên Viên cúi đầu im lặng, vân vê cục tẩy trong tay, có thể nhận ra cô bé đang đấu tranh tư tưởng rất quyết liệt. Tôi không dám lên tiếng, lặng lẽ chờ đợi. Bầu không khí vô cùng căng thẳng, tôi chỉ mong sự căng thẳng này có thể giúp con gái trút ra được bí mật của mình. Cô bé dùng cục tẩy để giảm bớt sức ép, kéo dài thời gian im lặng, đến khi cảm thấy bầu không khí đã dịu đi đôi chút, cô bé lại tìm cách giãy ra, tôi lại ôm chặt cô bé, lại giảng giải cho cô bé hiểu vấn đề. Trước sự kiên trì của tôi, mấy lần cô bé định nói gì xong lại thôi, nhìn như đã chuẩn bị nói ra rồi, lại ngập ngừng dừng lại. Tôi không hiểu cô bé đã gặp phải chuyện gì mà khó mở miệng như vậy. Sự ngoan cường của cô bé khiến tôi vô cùng kinh ngạc.
Chúng tôi cứ giằng co như vậy hết lần này đến lần khác, một tiếng đồng hồ đã trôi qua. Cô bé hàng xóm đến gõ cửa, gọi Viên Viên đi học. Viên Viên nhảy ngay xuống đất, vừa nói “Mẹ ơi con đi học đây!” vừa chạy ra cửa. Một nỗi lo lắng trào dâng trong lòng tôi. Trong lúc quay đầu chào tôi, chắc chắn là có cái gì trong mắt tôi làm cô bé cảm động, khiến cô bé cảm thấy không nỡ lòng, trong tích tắc cuối cùng, đột nhiên cô bé lại thoả hiệp, nói: “Mẹ ơi, tối đi học về con sẽ nói cho mẹ biết được không?”. Tôi gật gật đầu. Cô bé tung tăng chạy xuống dưới, ông xã từ phòng ngủ đi ra, thắc mắc, “Người bé bằng bàn tay, có chuyện gì mà bí hiểm như thế nhỉ?”.
Buổi chiều tôi đến trường gặp cô chủ nhiệm tìm hiểu tình hình học hành thời gian gần đây của Viên Viên, biết mọi việc ở trường của cô bé đều rất tốt, không có chuyện gì cả. Nhưng tôi vẫn lo lắng, thậm chí lo buổi chiều hôm nay không biết có chuyện gì xảy ra hay không. Đợi mãi mới đến giờ Viên Viên tan học, tôi quan sát thấy tinh thần của con không có gì khác với ngày thường, mới yên tâm được phần nào. Nhưng dũng khí xét hỏi của tôi đã vơi đi rất nhiều. Vẻ nhượng bộ mà Viên Viên thể hiện ra lúc trưa khiến tôi cảm thấy xấu hổ, chính vì thế tôi không sốt sắng hỏi con, vẫn chào con như bình thường rồi vào bếp. Cô bé cũng bật ti vi lên xem phim hoạt hình như mọi bận.
Trước giờ ăn tối có chút thời gian trống, xem xong ti vi Viên Viên chơi đồ chơi. Tôi gọi cô bé vào phòng làm việc. Cô bé biết tôi đang định làm gì, dường như có vẻ ngượng nghịu, lại có vẻ bất đắc dĩ, dựa vào chân tôi, do dự trong giây lát, xem ra vẫn đang đấu tranh tư tưởng, cuối cùng nói: “Chuyện đó con viết trong cuốn nhật ký ấy, mẹ tự đọc đi”. Trong cuốn nhật ký có bốn đoạn, mỗi đoạn đều có một số chữ viết bằng phiên âm, đó là những chữ Viên Viên chưa biết viết. Cô bé chỉ cho tôi đoạn ghi “chuyện riêng tư”, toàn văn như sau:
Lý Văn Văn nói với tôi rằng nhà bạn ấy có một thanh kiếm Thanh Tỏa và một thanh kiếm Tử Ẩn. Bạn ấy nói, nếu cậu nói với người khác, kiếm Thanh Tỏa và kiếm Tử Ẩn sẽ đâm vào dạ dày cậu. Nhưng tôi vẫn muốn nói.
Tôi đọc đi đọc lại mấy lần, ngẩng đầu lên.
Viên Viên thấy tôi có vẻ không hiểu, liền nói: “Lý Văn Văn nói hai thanh kiếm này ba nghìn năm mới xuất hiện một lần”. Tôi vẫn chưa hiểu, hỏi cô bé có nghĩa là gì. Viên Viên nói, tức là hai thanh kiếm này ba nghìn năm trước ở một nhà nào đó, sau ba nghìn năm lại xuất hiện trên thế giới, hiện giờ đang nằm ở nhà Lý Văn Văn. Nói xong, cô bé còn bổ sung thêm một câu, “Lý Văn Văn nói hai thanh kiếm này có phép thần! Ai biết rồi đều không được kể với người khác, nếu kể thì sẽ bị đâm thủng bụng”.
Tôi hỏi: “Chỉ mỗi chuyện này thôi ư?”.
Viên Viên gật đầu.
“Không còn chuyện gì nữa ư?”.
“Không còn ạ”. Ánh mắt cô bé ngây thơ và thành khẩn.
Bất giác tôi liền thở phào, bật cười.
Đoạn nhật ký này thực ra trước đây tôi đã vô tình đọc được, lúc đó chỉ cười vì sự ngây thơ của con gái, không hề nghĩ rằng trong đoạn văn ngắn này lại ẩn chứa một tâm trạng nặng nề biết bao. Tôi thơm lên má con gái, thương bé không biết phải nói gì.
Cô bé đã đã giấu kín chuyện này trong lòng hơn ba tháng. Trái tim nhỏ bé vừa phải chứa đựng một sự thật thần kỳ, đồng thời buộc phải gánh vác trách nhiệm giữ điều bí mật liên quan đến tính mạng, đối với một đứa trẻ bảy tuổi, đây là điều khó khăn và khổ sở biết bao. Tôi không có ý định giễu cợt sự ngây ngô của con trẻ bằng vốn kiến thức của người lớn, nhưng đã thực sự cảm nhận được nỗi dày vò mà cô bé phải chịu đựng, đặc biệt là sức ép mà những lời tra hỏi của chúng tôi và nỗi sợ hãi bị kiếm thần đâm thủng bụng gây ra cho cô bé.
Tôi hỏi Viên Viên: “Con có tin không?”. Cô bé gật đầu, lại nói: “Có lúc tin cũng có lúc không tin, con chỉ thấy sợ…”. Tôi chậm rãi nói: “Những điều mà Lý Văn Văn nói giống như truyện thần thoại, nhưng mọi truyện thần thoại đều là giả. Truyện thần thoại chỉ là một câu chuyện, không có thật, chính vì thế chúng ta không cần phải tin, cũng không cần phải lo lắng, con bảo có đúng không?”. Viên Viên gật đầu, đôi mắt lấp lánh, nghĩ gì đó đột nhiên hưng phấn reo lên: “Đúng rồi, mẹ ơi, điều này chắc chắn là giả! Lý Văn Văn nói chỉ cần con nói ra, kiếm sẽ đâm thủng bụng con. Từ nãy đến giờ, không phải là không có chuyện gì xảy ra đó sao”. Cô bé sờ vào bụng mình, tự an ủi nói: “Về sau chắc chắn càng không sao cả”.
Tôi cảm thấy xấu hổ, do hồi còn nhỏ chúng tôi quá thiếu truyện cổ tích, nên luôn muốn tạo cho con một thế giới cổ tích, nhưng lại quên rằng cổ tích có thể gây ra hiệu ứng ngược, xem ra sau này phải lưu tâm hơn, bổ sung thêm cho con một số kiến thức về cuộc sống, để cô bé không bị lẫn lộn giữa thế giới cổ tích và thế giới đời thường. Nghĩ vậy, tôi liền tiếp lời con gái: “Nào, để mẹ xem có bị đâm thủng dạ dày không nào”, rồi đưa tay cù bụng cô bé. Viên Viên cười ngặt nghẽo.
Lưu ý đặc biệt
Không phải trẻ em cả ngày vô lo vô nghĩ, chúng thường xuyên có tâm sự và những điều thắc mắc của mình, thậm chí khổ sở và buồn rầu. Bố mẹ nên chú ý quan sát con, phát hiện vấn đề qua những chi tiết, bằng phương pháp khéo léo chỉ dẫn từng bước, gợi ý để con nói ra vấn đề, đồng thời giúp trẻ giải quyết bằng biện pháp phù hợp.
Không nên lấy những kiến thức của người lớn để chế nhạo sự ngây thơ của trẻ, không nên lấy lối tư duy chín chắn của người lớn để phê bình sự ấu trĩ, nực cười trong suy nghĩ của con trẻ. Mỗi chi tiết khi sống chung với trẻ đều là một bài học giáo dục đạo đức, cũng là một tiết học phụ đạo về tâm lý.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.