Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 6: GIỐNG HỆT NHƯ NEWTON



Thưởng thức con trẻ không phải chỉ là tán thưởng những ưu điểm của trẻ, mà quan trọng hơn là nên nhìn nhận thế nào về những khuyết điểm của trẻ. Nếu bạn luôn nhìn trẻ bằng con mắt “giống hệt như Newton”, thì trẻ sẽ càng ngày càng giống Newton thật.
Chúng tôi thường nói Viên Viên “giống hệt như Newton”, đây không phải là một lời biểu dương, mà là phê bình, phê bình cô bé do không lưu tâm, phạm phải những lỗi rất ngờ nghệch trong cuộc sống thường ngày.
Câu nói này bắt nguồn từ một câu chuyện mà Viên Viên đọc hồi nhỏ. Newton rất say sưa với các thí nghiệm của mình, một lần có một người bạn đến thăm ông, nhưng không đợi được ông, người bạn này liền trêu Newton, ăn hết bữa cơm trưa mà người giúp việc chuẩn bị cho ông rồi ra về. Đợi đến khi Newton từ phòng thí nghiệm đi ra, bước đến bàn ăn, nhìn thấy cảnh tượng ngổn ngang trên bàn, miệng liền lẩm bẩm “Hóa ra mình đã ăn cơm rồi”, sau đó lại rời bàn ăn, tiếp tục chui vào phòng thí nghiệm.
Vì quá say sưa với một việc nào đó, thiên tài thường phạm những sai lầm nực cười trong cuộc sống, làm những chuyện khiến người khác phải bật cười hoặc tức giận, lưu truyền đến đời sau trở thành những câu chuyện kinh điển. Nhưng trong cuộc sống hiện thực xuất hiện những con người và sự việc như vậy, phần lớn lại được coi là “không lưu tâm”, “không thông minh”, khiến người khác coi thường hoặc bực mình. Điểm này đặc biệt được thể hiện trong quá trình giáo dục trẻ em.
Khi tuổi còn thơ, hầu hết trẻ em đều say sưa với một chuyện gì đó. Hoặc là dùng toàn bộ suy nghĩ để ngẫm nghĩ xem chú gà con đầu tiên từ đâu mà ra, đến nỗi không nghe thấy tiếng mẹ giục năm lần bảy lượt ra ăn cơm; hoặc là mải chơi quá quên đi vệ sinh, tè ra quần; cũng có thể là đọc một cuốn truyện thú vị quá, quên làm bài tập… Một nghìn trẻ em có một nghìn việc say mê, mặc dù trong mắt người lớn, những việc này đơn giản và nhàm chán biết bao; cộng với sự non nớt và thiếu kinh nghiệm sống của trẻ, chúng thường làm những việc khiến người khác phải khóc dở mếu dở, thậm chí gây ra một số tai họa nhỏ.
Người lớn nên nhìn nhận sự “không phải” của con trẻ bằng thái độ như thế nào, đây không phải là chuyện nhỏ, nó sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến con trẻ.
Một người bạn của tôi khi nói đến giấc mơ làm nhà văn không trở thành hiện thực của mình đã kể một câu chuyện. Hồi học cấp hai, cô ấy thường xuyên vừa kéo ống bễ hấp màn thầu vừa đọc tiểu thuyết, kết quả có mấy lần mải đọc quá, không chú ý đến lửa, để lửa bị tắt, bố cô ấy phát hiện ra đã đánh chửi cô một trận. Gần ba mươi năm trôi qua, nhắc đến chuyện này cô vẫn rất buồn, cảm thấy sự việc này có ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đối với sự phát triển về tâm lý và sự nghiệp của cô. Nếu so sánh sự việc này của cô với người mẹ nhà bác học Edison thấu hiểu và ủng hộ trước các “lỗi lầm” của con trai, thì thực sự có thể thấy rằng, cuối cùng con trẻ có thể thành “tài” hay không, thái độ và cách xử lý của bố mẹ trong những vấn đề này là hết sức quan trọng.
Nên nhìn nhận như thế nào về một số sai sót nhỏ mà trẻ vô tình mắc phải, đối với những sai sót này bố mẹ cần giải quyết bằng thái độ như thế nào – đây thực ra là một vấn đề lớn trong giáo dục gia đình.
Con gái tôi – Viên Viên là một đứa trẻ bình thường, cô bé cũng thường xuyên phạm những lỗi mà người khác mắc phải. Ví dụ bỏ ra mấy trăm tệ để mua cuốn từ điển điện tử, dùng được mấy ngày thì đánh mất, cũng không biết là mất ở đâu; lúc rán trứng, sau khi đập trứng liền đổ thẳng lòng trứng vào thùng rác, tiếp đó liền suy nghĩ nên vứt vỏ trứng ở đâu, mới phát hiện ra đổ nhầm; bảo cô bé cất chiếc kéo vào hộp dụng cụ, cô bé liền cầm kéo đi một vòng trong nhà, quay lại thắc mắc tôi đưa kéo cho cô bé làm gì. Mỗi lần như vậy, tôi chỉ có thể nói một cách bất lực rằng con “giống như Newton”.
“Hành vi Newton” của Viên Viên còn thường xuyên gây thêm việc cho tôi. Viên Viên học cấp hai nội trú ở trường, một tuần về nhà một lần. Thời gian đầu, cuối tuần mỗi lần trở về trường, cô bé thường xuyên để quên những đồ dùng cần thiết ở nhà, đến trường liền gọi điện thoại về nhà, bảo bố mẹ mang đến hộ. Trường của Viên Viên cách nhà khá xa, tôi và ông xã đi một chuyến là mất luôn nửa ngày, lại còn phải xin nghỉ ở cơ quan. Mỗi lần như vậy, trong lòng tôi cũng khá bực, nhưng không bao giờ vì chuyện này mà trách con mà chỉ thể hiện rằng chúng tôi rất bận, lãng phí thời gian như thế thì thật là tiếc. Nói như vậy là đủ rồi. Chúng tôi hiểu mỗi lần gọi điện thoại, con đã biết do sự sơ ý của mình mà gây phiền hà cho bố mẹ, trong tình huống này bố mẹ không nên trách con nữa, nếu bố mẹ trách con, lại thành ra cho con cơ hội biện bạch nhưng lại không chịu kiểm điểm lại mình.
Mặc dù mỗi lần Viên Viên về trường, tôi và ông xã đều lo con sẽ quên gì đó, lại bắt chúng tôi phải đi một chuyến, nhưng chúng tôi sẽ không thu dọn đồ đạc giúp Viên Viên, chỉ dặn dò một câu: Thử nghĩ kỹ xem, nhớ mang hết đồ dùng đi. Kiên trì một thời gian, Viên Viên rất ít khi quên đồ nữa, thu gọn được toàn bộ đồ dùng cần mang. Tôi nhìn thấy Viên Viên có riêng một quyển sổ nhỏ, ghi lại những việc cần phải làm, trước khi đi giở ra xem một lần, xem xem còn việc gì chưa làm hay không.
Khuyết điểm của mỗi người là muôn hình vạn trạng. Viên Viên không phải là người giỏi giang trong việc biết lo toan cho cuộc sống, điều này chắc chắn có liên quan đến cách giáo dục của chúng tôi, có thể là vô tình đã làm thay cho con những việc mà đáng lẽ con phải tự làm. Cũng có thể là do bản tính của con người, điểm mạnh và điểm yếu của mỗi người không nhất thiết sẽ phải thể hiện trên một phương diện nào đó. Chúng tôi đã ý thức được những vấn đề này, một mặt là cố gắng chấp nhận, mặt khác là cố gắng giúp con khắc phục điểm yếu. Nhưng sự giúp đỡ này không phải là nhiệt tình giúp con làm việc này việc nọ. Biết bố mẹ không thể giúp con đến hết đời, sự “giúp đỡ” của chúng tôi là cố gắng để con tự mình làm. Việc mà chúng tôi cần làm, chủ yếu là “có lòng kiên nhẫn”, cho phép con làm sai.
Nếu sợ con trẻ có cái gì đó suy nghĩ không được chu toàn, người lớn sẽ suy nghĩ thay cho trẻ, theo dõi sát sao trẻ, trước mắt sẽ thấy là giúp được con, nhưng về lâu dài, điều đó chỉ gây phản tác dụng. Phàm là những việc cần phải để trẻ tự mình suy nghĩ, tự mình làm, phạm phải nhiều sai lầm, dần dần mới học được cách làm cho thật tốt.
Khi Viên Viên vừa bước vào cấp ba, buổi sáng lúc nào cũng đi học vội, thường xuyên quên chìa khoá hoặc quên đeo đồng hồ, rất bất tiện, tôi và ông xã thường xuyên nhắc nhở “cầm chìa khoá”, “đeo đồng hồ”. Làm thế một thời gian, phát hiện thấy không ổn. Viên Viên luôn ỷ lại vào lời nhắc nhở của chúng tôi, bản thân không chịu nghĩ cách để nhắc nhở mình. Tôi bảo con sau khi về khoá xe xong bỏ ngay chìa khoá vào cặp sách, sáng hôm sau chỉ cần đeo cặp đi thì chắc chắn sẽ mang theo chìa khoá, không nên vừa bước vào cửa nhà là tiện tay vứt trên bàn học; đồng hồ sau khi tháo ra thì cất vào chiếc túi nhỏ trong cặp. Viên Viên miệng thì vâng dạ, nhưng vẫn cứ thường xuyên không chịu lưu tâm, vẫn để chìa khoá và đồng hồ lên bàn học theo thói quen.
Có một lần Viên Viên quên chìa khoá, đến trường không thể khoá được xe, đúng hôm bị sao đỏ kiểm tra. Không khoá xe là hành vi vi phạm quy định của trường, phải viết bản kiểm điểm, lại còn ảnh hưởng đến điểm thi đua của lớp. Chuyện này khiến Viên Viên rất buồn, trong lòng chúng tôi chắc chắn cũng trách con, nhưng không nói những câu như “mẹ đã nhắc con từ lâu”, chỉ đùa một câu, con giống hệt như Newton, khó tránh khỏi việc phạm những lỗi nhỏ. Đồng thời khuyến khích con thực hiện theo quy định của nhà trường, đến phòng học chung dọn vệ sinh mấy lần, cố gắng giành lại điểm bị trừ của lớp. Tôi còn lấy máy ảnh chụp lại “bản kiểm điểm” mà Viên Viên viết rất cẩn thận, đùa con rằng từ giờ trở đi sẽ thu thập tài liệu cho “tiến sĩ Newton”, đợi sau này trở thành người nổi tiếng, đây sẽ thành câu chuyện kinh điển.
Thái độ này của chúng tôi đã khiến Viên Viên thấy vui hơn, không còn buồn bã vì chuyện này nữa. Sau đó thông qua việc lao động ở trường, cô bé đã nhanh chóng lấy lại được số điểm mà lớp bị trừ về, điều quan trọng nhất là từ đó trở đi, Viên Viên không còn để quên chìa khoá xe đạp và đồng hồ nữa.
Không phải phụ huynh không nên phê bình con trẻ, nhưng phê bình cứ nhất thiết phải áp dụng cách “phê bình” thông thường ư?
Giống như việc đứt tay sẽ cảm thấy đau, trẻ mắc một số lỗi nhỏ hoặc gây tai họa, không cần bạn phải nói, trẻ cũng sẽ cảm thấy ngại ngùng, cảm thấy hối hận và đau khổ. Lúc này nếu bố mẹ không chú ý đến tâm lý của trẻ, mặt mày căng thẳng nói những câu giáo huấn, nói một số câu như đã nhắc nhở từ lâu, chỉ khiến trẻ cảm thấy mất thể diện, cảm thấy bực mình. Để bảo vệ thể diện cho mình, để thể hiện sự không hài lòng với lời càu nhàu của bạn, có thể con trẻ sẽ cố tình cãi lại hoặc làm ra vẻ không thèm quan tâm. Nếu giữa bố mẹ và con thường xuyên xuất hiện sự giáo huấn và chống đối này, dần dần trẻ sẽ thực sự không quan tâm đến lỗi lầm của mình, không hề động lòng trước lời của bố mẹ.
Rất nhiều người bình thường cũng biết khi con có lỗi cần phải nói chuyện với con. Nhưng chỉ cần xảy ra những chuyện đột xuất, theo phản xạ có điều kiện liền nổi cáu với con, “Bố đã nhắc con từ lâu rồi, mà con vẫn…”, “Tại sao con lại hậu đậu như vậy…”, nói ra những lời trách mắng nóng nảy, sau đó lại hối hận, nhưng lần sau gặp phải những chuyện tương tự, vẫn không kìm chế được lại nổi cáu. Một số bậc phụ huynh thích dùng những câu như “tôi nóng tính” để biện bạch cho mình, để tạo sự cân bằng cho mình. “Nóng tính” có thể chỉ là một khuyết điểm nhỏ của bố mẹ, nhưng nó lại đem lại hậu quả rất xấu cho con trẻ. Điều này sẽ khiến cho “lỗi nhỏ” của trẻ biến thành một cái tật. Hoặc biến thành người tính tình nóng nảy, tự ti cố chấp; hoặc là dạy dỗ nhiều lần nhưng không thay đổi, tái phạm hết lần này đến lần khác.
Bố mẹ buộc phải nhận thức được rằng, quá trình trưởng thành của con trẻ cần có những “lỗi lầm”. Bài học và kinh nghiệm mà con trẻ đúc rút được từ cuộc sống, sẽ để lại ấn tượng sâu sắc hơn những điều hay lẽ phải mà bạn nói ra bằng lời hàng trăm lần. “Phạm sai lầm” là môn học bắt buộc phải có trong quá trình trưởng thành của trẻ, chỉ có học đủ một lượng “học phần” nhất định, trẻ mới rèn được khả năng học một biết mười, tự mình kiểm điểm bản thân, tự mình hoàn thiện. Phụ huynh phải hiểu được giá trị của “lỗi lầm”, nhìn thấy trong quá trình trưởng thành của trẻ, “lỗi lầm” và “thành tích” có chức năng giáo dục như nhau.
Còn về việc những “sai sót” thỉnh thoảng xảy ra gây thiệt hại về thời gian, tiền bạc cho bản thân trẻ và bố mẹ, cần coi là khoản học phí buộc phải nộp để cho trẻ trưởng thành, đổi lại trẻ sẽ gặt hái được sự chín chắn, thành tài, thành công. Trẻ tháo tung một chiếc xe ô tô vừa mới mua, có thể sẽ kích thích tiềm năng và hứng thú chế tạo một chiếc máy bay. Hôm nay nấu cháy một nồi thức ăn, ngày mai có thể cho ra lò một đầu bếp cừ khôi. Thiết lập một quan niệm đúng đắn về con trẻ, nhìn nhận những hành vi “gây tai họa” của trẻ bằng ánh mắt kỳ vọng, sẽ cảm thấy đúng là những cơ hội tốt chứ không phải chuyện xấu. Với một tâm trạng như vậy, trong lòng bạn sẽ còn “nổi cáu” nữa không?
“Giống hệt như Newton” vừa là vấn đề bố mẹ nên hiểu con như thế nào, đồng thời cũng là vấn đề nên phê bình giáo dục trẻ bằng phương pháp gì. Người ta thường nói một người biết nói chuyện hay không, không phải nằm ở vấn đề nói cái gì, mà là nói như thế nào. Chúng ta có thể phê bình trẻ, nhưng nhất thiết phải lựa chọn cách phê bình phù hợp, nhằm vào mục đích bảo vệ lòng tự trọng, thiết lập sự tự tin, bồi dưỡng năng lực cho trẻ. Tất cả những cách phê bình gây tổn hại đến lòng tự trọng, sự tự tin và năng lực của trẻ đều không hay, đều là cái mà bố mẹ buộc phải từ bỏ.
Cách phê bình “giống hệt như Newton” biến một chuyện không hay, một chuyện đáng ra phải bực mình thành một câu đùa, vừa giúp cho trẻ biết mình đã sai ở đâu, nhưng đồng thời lại không làm tổn hại đến lòng tự trọng của trẻ, ngoài ra còn ẩn chứa sự thấu hiểu trẻ, thậm chí bao hàm một lời khen đối với một tài năng nào đó của trẻ. Trẻ rất thích nghe những lời phê bình như thế.
Cho dù có những đứa trẻ mãi mãi không bao giờ tỏ ra lanh lợi trong cuộc sống, mãi mãi có những nhược điểm “giống hệt như Newton”, chỉ cần không phải là chuyện gì quá lớn, xin hãy cho phép trẻ có những nhược điểm đó.
Hãy nghĩ về chúng ta, chúng ta cũng có rất nhiều nhược điểm, thường xuyên phạm những lỗi nhỏ. Ví dụ tôi đã từng mắc một lỗi rất buồn cười không chỉ một lần, mặc quần áo thể thao đi chạy, trong quá trình chạy cảm thấy chiếc quần thể thao có cái gì hơi bất thường, quay về mới phát hiện ra mình mặc ngược từ trước ra sau; vào siêu thị đổi áo, đến nơi mới phát hiện ra không mang theo chiếc áo… Những nhược điểm này giống như nước da, bám trên người tôi, không dễ gì tẩy đi được. Ông xã và con gái tôi cũng có những “nhược điểm” thế này hoặc thế khác, chúng tôi cười, thường xuyên cười nhạo những sai sót ngờ nghệch của mình là “giống hệt như Newton”. Ở nhà chúng tôi, đây hoàn toàn là một chuyện cười, không bị miệt thị hoặc trách mắng.
Có đứa trẻ cẩn thận tỉ mỉ, có đứa trẻ sơ ý vô tâm; có đứa trẻ khéo tay, có đứa trẻ vụng về; có đứa trẻ ngay từ nhỏ đã biết để ý đến những chi tiết nhỏ trong cuộc sống, tỏ ra lanh lợi, giỏi giang; cũng có những đứa trẻ thích yên tĩnh suy nghĩ, đầu óc suốt ngày bay bổng ở đâu đâu, trông như người mộng du… Trạng thái của con trẻ rất khác nhau, chúng ta nên cho phép sự khác biệt này tồn tại. Chính sự khác biệt này tạo nên tính phong phú của con người.
Một số bậc bố mẹ quá cầu toàn đặc biệt hay chú ý đến từng chi tiết nhỏ của con, khi con phạm một số sai sót nhỏ, hoặc thể hiện năng lực bình thường ở một phương diện nào đó, họ liền tỏ ra vô cùng lo lắng, muốn lập tức giúp con thay đổi. Và phương pháp mà họ dùng chính là nói với con trẻ rằng nên làm thế nào, sau đó con trẻ lại phạm phải sai lầm đúng như thế, có thể họ sẽ sầm mặt xuống – lúc này, thực tế là họ đã biến thành những người bố người mẹ quá khắt khe.
Nếu Newton suốt ngày bị trách mắng vì không chú ý đến những chi tiết nhỏ trong cuộc sống thì ông còn có thể là Newton nữa hay không? Nếu Edison suốt ngày bị trách móc, ông còn có thể là Edison nữa không?
Tất cả những sai sót do thiếu kinh nghiệm hoặc không chuyên tâm, chỉ cần không liên quan đến vấn đề đạo đức, đều không nên chỉ trích hoặc nổi cáu, thậm chí không cần nhắc đến, bản thân con trẻ sẽ cảm nhận được sự bất tiện hoặc sự tổn thất trong quá trình này, biết về sau phải làm như thế nào. Đương nhiên chúng ta có thể nói cho con trẻ biết những kinh nghiệm sống của mình, nhưng đồng thời nhất thiết phải biết kiên nhẫn chờ đợi chúng trải nghiệm và trưởng thành, thậm chí cố tình tạo ra một số cơ hội cho trẻ để trẻ được nếm mùi khi không cẩn thận. Chỉ cần trẻ có lòng tự tôn tự ái, có đủ sự trải nghiệm, cái cần phải học chúng đều có thể học, cái cần phải chú ý chúng đều sẽ chú ý đến.
Lùi một bước nói, nếu bẩm sinh đứa trẻ bị khiếm khuyết về mặt trí tuệ ở một phương diện nào đó, thì trẻ cũng sẽ không vì sự răn dạy hay những lời nhắc nhở thường xuyên của bố mẹ mà thay đổi; ngược lại có thể vì những lời càu nhàu thường xuyên của bạn mà ngày càng tỏ ra kém cỏi, đồng thời khiến trẻ càng thêm tự ti.
Thưởng thức con trẻ không phải chỉ tán thưởng những ưu điểm của trẻ, mà quan trọng hơn là nên nhìn nhận thế nào về những khuyết điểm của trẻ. Nếu bạn luôn nhìn trẻ bằng con mắt “giống hệt như Newton”, thì trẻ sẽ càng ngày càng giống Newton thật.
Lưu ý đặc biệt
Nếu sợ con trẻ có cái gì đó suy nghĩ không được chu toàn, người lớn sẽ suy nghĩ thay cho trẻ, theo dõi sát sao trẻ, trước mắt sẽ thấy là giúp được con, nhưng về lâu dài, điều đó chỉ gây phản tác dụng. Tất cả những việc cần phải để trẻ tự mình suy nghĩ, tự mình làm, phạm phải nhiều sai lầm, dần dần mới học được cách làm cho thật tốt.
Giống như việc cắt đứt tay sẽ cảm thấy đau, trẻ mắc một số lỗi nhỏ hoặc gây tai họa, không cần bạn phải nói, trẻ cũng sẽ cảm thấy ngại ngùng, cảm thấy hối hận và đau khổ. Lúc này nếu bố mẹ không chú ý đến tâm lý của trẻ, mặt mày căng thẳng nói những câu giáo huấn, nói một số câu như đã nhắc nhở từ lâu, chỉ khiến trẻ cảm thấy mất thể diện, cảm thấy bực mình. Để bảo vệ thể diện cho mình, để thể hiện sự không hài lòng với lời càu nhàu của bạn, con trẻ có thể sẽ cố tình cãi lại hoặc làm ra vẻ không thèm quan tâm. Một số bậc phụ huynh thích dùng những câu như “tôi nóng tính” để biện bạch cho mình, để tạo sự cân bằng cho mình. “Nóng tính” có thể chỉ là một khuyết điểm nhỏ của bố mẹ, nhưng nó lại đem lại hậu quả rất xấu cho con trẻ. Điều này sẽ khiến cho “lỗi nhỏ” của trẻ biến thành một cố tật. Hoặc biến thành người tính tình nóng nảy, tự ti cố chấp; hoặc là dạy dỗ nhiều lần nhưng không thay đổi, tái phạm hết lần này đến lần khác.
“Phạm sai lầm” là môn học bắt buộc phải có trong quá trình trưởng thành của trẻ, chỉ có học đủ một lượng “học phần” nhất định, trẻ mới có thể rèn được khả năng học một biết mười, tự mình kiểm điểm bản thân, tự mình hoàn thiện. Phụ huynh phải hiểu được giá trị của “lỗi lầm”, nhìn thấy trong quá trình trưởng thành của trẻ, “lỗi lầm” và “thành tích” có chức năng giáo dục như nhau.
Cách phê bình “giống hệt như Newton” biến một chuyện không hay, một chuyện đáng ra phải bực mình thành một câu đùa, vừa giúp cho trẻ biết mình đã sai ở đâu, nhưng đồng thời lại không gây tổn hại đến lòng tự trọng của trẻ, ngoài ra còn ẩn chứa sự thấu hiểu trẻ, thậm chí bao hàm một lời khen đối với một tài năng nào đó của trẻ. Trẻ rất thích nghe những lời phê bình như thế.
Tất cả những sai sót do không có kinh nghiệm hoặc không chuyên tâm, chỉ cần không liên quan đến vấn đề đạo đức, đều không nên chỉ trích hoặc nổi cáu, thậm chí không cần nhắc đến, bản thân con trẻ sẽ cảm nhận được sự bất tiện hoặc sự tổn thất trong quá trình này, biết về sau cần phải làm thế nào.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.