Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 47: “BỆNH TĂNG ĐỘNG Ở TRẺ EM” LÀ MỘT LỜI DỐI TRÁ



Bảng điểm chẩn đoán bệnh tăng động”, cái liên quan đến số phận và sức khỏe của hàng triệu trẻ em này đã ra đời như thế nào, ai đã lập ra nó, nó đã được kiểm nghiệm và luận chứng như thế nào? Cái thứ thô thiển, ngu xuẩn này lại được coi là công cụ kiểm tra chủ yếu để sử dụng cho trẻ em. Nó đâu chỉ là một bảng điểm, mà thực sự là cái bẫy chẩn đoán.
Chính vì vậy “nguyên nhân gây bệnh” thực sự của “bệnh tăng động” là hai sai lầm mà người lớn mắc phải: quan niệm sai lầm về trẻ em và phương pháp giáo dục sai lầm.
Vài năm gần đây, “bệnh tăng động ở trẻ em” dường như đã trở thành một căn bệnh phổ biến. Chỉ riêng ở xung quanh tôi, đã có không ít trẻ tự nhiên lại mắc căn bệnh này, trong đó có một số em bắt đầu uống thuốc để chữa bệnh.
Tuy nhiên, rõ ràng là tôi đã được nhìn thấy xuất xứ của các “triệu chứng” ở những đứa trẻ này – bố mẹ chúng hoặc là quá nghiêm khắc hoặc là quá nuông chiều, phương pháp giáo dục bộc lộ rõ những sai lầm. Chính vì những sai lầm này, đã gây sức ép tâm lý cực lớn cho trẻ. Các “triệu chứng” ở con trẻ gần như đều là những biểu hiện của sự phản kháng phương pháp giáo dục không đúng cách. Đồng thời, tôi không nhìn thấy đứa trẻ nào chỉ dựa vào việc uống thuốc mà chữa khỏi “bệnh tăng động”, ngược lại, có không ít trẻ sau khi uống thuốc càng ngày càng giống bệnh nhân, “bệnh tình” ngày càng nặng hơn.
Cụm từ “bệnh tăng động ở trẻ em” ngày càng giống như một cái gai đâm vào tôi, thôi thúc tôi phải quan tâm đến vấn đề này.
Mấy năm trước tôi được tiếp xúc với một em học sinh nam ở một trường tiểu học. Lúc đó cậu bé này đang học lớp hai, bị coi là mắc chứng “bệnh tăng động” nặng.
Trước đây cậu bé này học ở một trường tiểu học khác, ngay từ khi học lớp một đã bắt đầu tỏ ra không yên phận. Ở lớp thì chạy lung tung khắp lớp, không ai quản được cậu, lớp học thường xuyên bị cậu làm cho náo loạn, khiến giáo viên không thể giảng bài. Cậu luôn tấn công bạn bè một cách vô cớ, tệ đến mức ấn đầu bạn vào bồn cầu, châm hương muỗi vào bạn. Còn những chuyện cào cấu bạn bị trầy da xước thịt là chuyện thường ngày. Sự việc này đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều phụ huynh, trường tiểu học đầu tiên thực sự không có cách nào khác, yêu cầu cậu phải chuyển trường. Lên lớp hai cậu liền bị chuyển đến trường tiểu học hiện nay.
Nhưng sau khi chuyển trường tình hình vẫn không có gì thay đổi, trường học mới cũng không có biện pháp nào, đành phải để cho người nhà cậu bé đi học cùng cậu. Hàng ngày bà nội cậu bé theo sát cậu như hình với bóng, không rời nửa bước. Trên lớp ngồi cùng bàn với cậu, ấn chặt không cho cậu đứng dậy gây mất trật tự; hết giờ túm chặt tay cậu đứng ở hành lang, không cho cậu chơi với bạn bè cùng lớp, sợ cậu gây chuyện với bạn. Ở trường cậu bé này rất nổi tiếng, ngay cả hiệu trưởng cũng rất rầu rĩ, không biết phải làm gì với cậu.
Lần đầu tiên tôi gặp cậu bé này là ở ngoài hành lang lớp học, sau khi đến giờ giải lao, các bạn đều túm năm tụm ba tung tăng vui đùa. Chỉ có cậu, hai tay bị bà nội kìm chặt, không được làm gì cả. Nhìn cậu lúc nào như cũng muốn giãy ra, nhưng lại không giãy được; ánh mắt nhìn bạn bè vừa tỏ ra thèm muốn lại vừa tỏ ra bất lực, kèm cả sự đối địch, giống như một tù nhân nhỏ.
Cô giáo chủ nhiệm lớp cậu bé nói một cách quả quyết rằng học sinh này mắc bệnh tăng động, cô nói với tôi rằng, người nhà cậu bé đã đưa cậu đến khoa tâm thần của bệnh viện để khám bệnh và được bác sĩ chẩn đoán như vậy. Bác sĩ yêu cầu cậu phải uống thuốc, đồng thời nói ít nhất phải uống ba năm. Cậu uống được ba tháng, không có kết quả gì, và thuốc lại rất đắt, có lẽ ông bà nội cậu suy nghĩ đến vấn đề kinh tế nên đã cho cậu ngừng uống thuốc. Hai ông bà chỉ có một người có lương hưu.
Sau khi nói chuyện vài câu đơn giản với bà nội của cậu bé, không hiểu sao, trực giác mách bảo tôi rằng cậu bé này hoàn toàn là một đứa trẻ bình thường. Sau khi tìm hiểu một chút về hoàn cảnh gia đình cậu, về cơ bản tôi có thể khẳng định được rằng, “nguyên nhân gây bệnh” chính là vấn đề giáo dục gia đình của cậu.
Bố mẹ cậu bé sống chung với nhau khi chưa kết hôn, sau khi cậu chào đời họ liền chia tay. Mẹ cậu bé là một cô gái người miền Nam đi làm thuê, sau khi quay lại miền Nam thì không có tin tức gì nữa; bố cậu không biết lang thang ở đâu, không cho gia đình biết địa chỉ, nửa năm hoặc một năm mới về nhà một lần, không hề quan tâm đến con. Ông nội cậu bé là người tính tình nóng nảy, năm xưa thường xuyên đánh chửi con trai, hiện giờ lại áp dụng phương pháp dạy dỗ con trai vào “giáo dục” cháu, đặc biệt là thường xuyên trút lên đầu cháu sự bất mãn của mình đối với con trai. Bà nội cậu thì suốt ngày làm thay cho cháu tất cả mọi việc, đồng thời lại muốn sớm gặt hái được thành quả, chỉ muốn nuôi dạy cháu nên người, để bù đắp lại những nỗi xấu hổ mà con trai đem lại cho gia đình, chính vì thế suốt ngày yêu cầu cậu bé phải như thế này như thế kia, còn thường xuyên quở trách cậu.
Đứa trẻ lớn lên trong “môi trường hoang dại” này, làm sao có thể không là một người rừng? Nhìn thấy cậu bé nhỏ như vậy mà đã phải sống như một kẻ xấu và tội phạm, tôi rất lo, cảm thấy nếu không nghĩ cách cải thiện, tương lai cậu chỉ có thể có hai nơi để đi, nhà tù hoặc bệnh viện tâm thần. Và thế là tôi liền tiến hành công tác trị liệu tâm lý kéo dài gần một năm cho cậu.
Nhưng tôi không làm “công tác tư tưởng” trực tiếp cho cậu bé, mà bắt đầu từ việc xóa bỏ “nguồn gốc căn bệnh”, tập trung công sức vào việc cải thiện môi trường sống cho cậu bé. Người giám hộ và nuôi dưỡng cậu bé là ông bà nội cậu, chính vì thế đối tượng công tác chủ yếu của tôi cũng là hai cụ già này. Thời gian đầu, tôi thường xuyên nói chuyện với hai cụ, sau đó định kỳ tiếp xúc với hai cụ. Thực ra mục đích của tôi rất đơn giản, là yêu cầu họ không đánh chửi cháu, tôn trọng cháu, không gây sức ép cho cháu. Yêu cầu nhìn thì rất đơn giản, nhưng thực tế là hai cụ già này rất khó thực hiện được, họ đã quen với phương pháp giáo dục trước đây. Tôi nói đi nói lại rất nhiều lần với họ, để họ hiểu rằng phương pháp giáo dục thô bạo có mối liên hệ nhân quả với hành vi giáo dục trẻ, đồng thời bằng hình thức quy tắc đưa ra một số nguyên tắc hành vi cơ bản. Đồng thời hướng dẫn tỉ mỉ cho họ cách gần gũi với con trẻ, nói chuyện với con trẻ như thế nào.
Thay đổi người lớn khó khăn hơn nhiều so với việc thay đổi trẻ em, nhưng nếu không thay đổi người lớn, con trẻ sẽ không thể thay đổi. Trong cả quá trình, tôi đặc biệt chú ý đến việc nắm bắt tinh thần của họ, trước hết là để họ chấp nhận tôi, không có thành kiến với tôi, tiếp đó là chấp nhận quan điểm của tôi. Dần dần hai cụ bắt đầu tin tưởng tôi, cộng với công việc mà tôi đã làm, cuối cùng đã khiến họ tin rằng phương pháp giáo dục của mình có mối quan hệ nhân quả tất yếu với vấn đề của con trẻ, dần dần thay đổi quan niệm giáo dục, từ bỏ phương pháp thô bạo ban đầu, không còn chửi đánh cháu nữa, sau đó cậu bé đã có sự thay đổi rất lớn.
Đồng thời, tôi cũng thường xuyên tìm đến cô giáo chủ nhiệm của cậu bé, cố gắng làm thay đổi cách nhìn của cô giáo chủ nhiệm đối với cậu bé, để cô chủ nhiệm tin rằng cậu không có bệnh mà là một đứa trẻ bình thường. Tôi và cô giáo chủ nhiệm đã cùng nhau nghĩ cách, để cậu bé được làm một số việc cho lớp, giúp cậu cảm thấy mình là một người có ích, gặt hái được nhiều thành công, tạo nên sự khích lệ và khẳng định đối với cậu. Khi cô giáo chủ nhiệm không nhìn cậu với ánh mắt khác lạ nữa, các bạn cùng lớp cậu bé cũng bắt đầu thay đổi thái độ.
Tôi cũng đã có mấy lần nói chuyện với cậu bé này, nội dung của các cuộc nói chuyện giữa tôi và cậu bé chủ yếu là phim hoạt hình và vẽ tranh, bởi cậu thích hai thứ này; ngoài ra còn kể chuyện. Tôi còn mời cậu và bà nội cậu đến nhà tôi chơi, đồng thời dán tranh mà cậu vẽ lên tường nhà tôi. Chỉ cần đến nhà tôi, tôi liền để cậu bé cảm thấy mình là một đứa trẻ hết sức bình thường, để tinh thần cậu vui vẻ và thoải mái. Cứ như thế, sau vài lần nói chuyện, gần gũi với tôi, cậu bé không những không còn tỏ vẻ đối địch, mà thậm chí còn tỏ ra dựa dẫm về mặt tình cảm. Khi tôi tin rằng giữa tôi và cậu bé đã xây dựng được mối quan hệ thân thiện, tin tưởng, tôi liền lựa chọn thời điểm thích hợp và đưa ra yêu cầu không được đánh bạn, trong giờ học không được rời khỏi chỗ ngồi. Khi chấp nhận ý kiến của tôi, cậu bé không hề tỏ ra miễn cưỡng, ánh mắt cậu lộ rõ vẻ vui vẻ và hạnh phúc.
Công tác của tôi đã đạt được hiệu quả rất rõ rệt. Bốn tháng sau, cậu bé không còn cần người đi học cùng nữa, cậu bắt đầu làm chủ được mình, không chủ động tấn công người khác nữa. Một năm sau, cậu bé không còn đánh nhau nữa. Mặc dù cậu bé khỏe hơn người khác, nhưng dường như cậu có ý thức né tránh xung đột hơn các em học sinh khác. Có hai lần có học sinh khác đánh cậu, cậu lại có thể ngồi thụp xuống đất ôm chặt đầu.
Tôi phân tích sức chịu đựng của cậu bé có thể bắt nguồn từ việc cậu rất trân trọng mình “là một đứa trẻ bình thường, chứ không phải là một đứa trẻ bị bệnh”; kể cả thỉnh thoảng bị đánh, cũng còn tốt hơn so với việc bị người khác nhìn mình bằng ánh mắt khác. Hiện nay cậu bé này đã sắp lên lớp năm, thành tích học tập ở mức trung bình, trong các phương diện khác như kỷ luật đều hoàn toàn bình thường. Đôi tay nhỏ của cậu cũng không bị người khác kìm kẹp nữa, cậu đã có được tự do, có được bạn bè thực sự.
Cậu bé mắc “bệnh tăng động” nặng này đã được chữa khỏi như vậy, điều này khiến tôi càng nghi ngờ về “bệnh tăng động”.
Mùa hè năm 2007, một trong những tờ báo lớn của Trung Quốc -báo Thanh niên Trung Quốc đã đăng tải bài báo có tên Mùa hè, số trẻ mắc bệnh tăng động đến khám bệnh đã tăng 30% của nhà báo Triệu Tân Bồi. Bài viết đã trích lời của giáo sư Trịnh Nghị – Chủ nhiệm khoa tâm thần trẻ em bệnh viện An Định Bắc Kinh: “Hiện nay tỉ lệ phát bệnh của trẻ em mắc chứng tăng động ở Bắc Kinh đã lên tới 4%-5%”. Ngày 7-10-2007, cũng trên tờ báo này còn có một bài viết của tác giả Chu Châu nói rằng: “Theo kết quả điều tra đáng tin cậy, hiện nay tỉ lệ mắc bệnh tăng động ở trẻ em Trung Quốc lên tới 4,31%-5,83%”. Theo tỉ lệ này, ước tính cả nước có gần hai triệu trẻ em mắc bệnh. Tôi lại lên mạng Internet tìm một số tài liệu, nói rằng vài năm gần đây các nước trên thế giới đều có số liệu thống kê về số trẻ em mắc bệnh tăng động, chiếm khoảng từ 4%-14%, ví dụ tỉ lệ phát bệnh của Mỹ là 10%-20%, có một số quốc gia thậm chí con số thống kê lên tới 40% – tỉ lệ phát bệnh của bệnh gì mà lại cao như vậy, bệnh truyền nhiễm cũng không đến nỗi như thế. Căn bệnh chung mang tính toàn cầu xảy ra trên diện rộng này rốt cục là một loại bệnh như thế nào?
Lúc này tôi đọc được hai cuốn sách, một cuốn là Người phát minh bệnh tật của Jorg Blech – nhà khoa học tự nhiên, phóng viên nổi tiếng của Đức; một cuốn nữa là Lời nói dối trăm năm của phóng viên nổi tiếng người Mỹ Randall Fitzgerald, hai cuốn sách này đều dùng những tài liệu tường tận, xác thực và cách phân tích triệt để, vạch trần ra những “cái bẫy” và “màn tối” xuất hiện trong y học hiện đại. Họ đều tỏ ra nghi ngờ đối với “bệnh tăng động ở trẻ em”, cho rằng đây là một loại “bệnh” bị thổi phồng một cách vô cớ.
________________
(1) Jorg Blech, Người phát minh bệnh tật, Trương Chí Thành dịch, NXB Hải Nam, tháng 6-2006, tr.88-91.
Sau khi đọc xong hai cuốn sách này, tôi lại lên mạng Internet và tra cứu một số tài liệu, đồng thời đọc lại tác phẩm giáo dục của nhà giáo dục học, tiến sĩ tâm thần học nổi tiếng người Italia Maria Montessori, tổng hợp tất cả các tài liệu lại, về cơ bản đã có thể có được một nhận thức rõ ràng – có lẽ không thể nói một cách tuyệt đối rằng căn bệnh “tăng động” này không tồn tại, bởi cho đến nay nó vẫn là một chuyện vẫn treo ở đó chưa được giải quyết; nhưng với khái niệm chẩn đoán hiện nay, nó không chân thực. Hiện nay những lời chẩn đoán đối với căn bệnh này vô lý như việc kết luận tất cả những người ho vài tiếng đều là bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi – xét về ý nghĩa này, “bệnh tăng động ở trẻ em” là một lời dối trá.
1. Từ cách thay đổi tên gọi đánh giá sự bịa đặt căn bệnh
Sự phát triển của y học hiện đại đã khiến người ta rất muốn dùng y học để giải thích tất cả các hiện tượng muốn cải thiện và chữa trị. Từ xưa đến nay sự “không ngoan” của trẻ em đã khiến rất nhiều người đau đầu, và thế là vấn đề này liền lọt vào tầm quan sát của các bác sĩ. Ngay từ năm 1845, bác sĩ tâm thần người Đức Heinrich Hoffmann đã viết tác phẩm Peter tóc rối, miêu tả một đứa trẻ quá mức hiếu động, điều này đã nhắc nhở người ta quan tâm đến hiện tượng hiếu động, bất an ở trẻ em. Một thế kỷ sau, năm 1947, có chuyên gia dự đoán rằng một số trẻ em hoạt động quá độ là do sự tổn thương ở não gây nên, vì thế đã đặt tên cho hiện tượng này là “hội chứng tổn thương não”. Do cách định nghĩa này không đủ để giải thích những biểu hiện hiếu động ở những trẻ mà đại não chưa bao giờ bị tổn thương, thuyết tổn thương não đã không được thành lập, liền có người đưa ra đây là kết quả của việc “não bị tổn thương nhẹ”. Tuy nhiên, thuyết “não bị tổn thương nhẹ” không tìm thấy trong quá trình kiểm tra sinh lý ở rất nhiều trẻ em, trong quá trình trưởng thành cũng không có dấu vết gì, cách đặt tên này cũng không khả thi. Và thế là mọi người liền bỏ đại não và đề ra cách gọi “trở ngại chức năng hành vi” – tên gọi này đã tránh đi sự bất tiện do không tìm được nguyên nhân gây bệnh, dùng chính những “biểu hiện” để đặt tên. Do tên gọi này có khái niệm quá mơ hồ, nên đã bị Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Mỹ nghiêm cấm. Nhưng hành vi không ngoan ở trẻ em đã được giới y học nhận định là một căn bệnh cần phải chữa trị. Năm 1962, một hội nghị công tác khoa học thần kinh trẻ em quốc tế đã quyết định trước khi căn bệnh này được làm rõ, tạm thời đặt tên là “rối loạn chức năng não nhẹ” (Minimal Brain Dysfunction, gọi tắt là MBD). Năm 1980, trong cuốn Sổ tay chẩn đoán và thống kê trở ngại tâm thần do Mỹ công bố, đặt tên cho bệnh này là “Trở ngại thiếu chú ý” (Attention Deficit Disorder, gọi tắt là ADD). Cuối cùng, năm 1987, bác sĩ khoa tâm thần của Mỹ đã phát minh ra cách gọi phổ biến nhất hiện nay “Chứng tăng động thiếu chú ý” (Attention Deficit – Hyperactivity Disorder, gọi tắt là ADHD)(1).
__________________
(1) Tháng 5-2007, cảnh sát Sơn Tây phá được một vụ án ngược đãi công nhân trong lò gạch đen, giải cứu ba mươi mốt công nhân, trong đó có một số là trẻ em. Sau đó, hàng trăm vị phụ huynh có con bị thất lạc đã lên mạng Internet để thông báo tìm con (ND).
Những diễn biến của tên gọi này đã thực hiện được hai mục đích, thứ nhất là thoát khỏi những trở ngại trong chẩn đoán học; thứ hai là trở thành một căn bệnh phổ biến.
Do bản thân căn bệnh vẫn còn nằm trong dự đoán, làm thế nào để chẩn đoán đã trở thành một vấn đề. Nhưng thực tế là, rất nhiều trẻ em bị chẩn đoán là mắc “bệnh tăng động thiếu chú ý” (ADHD). Vậy thì, chúng ta hãy xem xem căn bệnh này đã được chẩn đoán như thế nào.
2. Sự thiếu suy nghĩ và giản đơn trong chẩn đoán
Qua các tài liệu có thể thấy, việc kiểm tra “bệnh tăng động” về cơ bản đều là những phán đoán về mặt chủ quan, có rất ít căn cứ khách quan. Có bác sĩ cũng sẽ kiểm tra thần kinh não và xét nghiệm chỉ số sinh hóa, nhưng những điều này không có ý nghĩa gì nhiều đối với hầu hết những trẻ em không có biểu hiện gì rõ nét về mặt sức khỏe, hơn nữa mối quan hệ giữa các chỉ số sinh hóa và sự hình thành bệnh tật cũng chỉ là dự đoán, không có ý nghĩa chẩn đoán lâm sàng thiết thực.
Tôi đã hỏi phụ huynh của một số em bị chẩn đoán là mắc bệnh tăng động, có cả người Trung Quốc và người nước ngoài. Phương pháp chẩn đoán gần giống nhau, chủ yếu là bác sĩ hỏi phụ huynh các vấn đề, nói chuyện với trẻ, đồng thời quan sát hành vi của trẻ; ngoài ra còn sử dụng “bảng điểm chẩn đoán”, căn cứ vào số điểm có được, phán đoán trẻ có mắc chứng tăng động hay không.
Ba bảng điểm dưới đây được nhiều bệnh viện trong nước và các website y tế như website Sức khỏe trẻ em Trung Quốc, website Nuôi con Trung Hoa… sử dụng. Để nói rõ vấn đề, xin hãy tha lỗi cho tôi đã liệt kê dài dòng ra ở đây.
Bảng điểm hành vi của trẻ mắc bệnh tăng động của trường đại học Cornell ở Mỹ (mỗi câu dựa vào mức độ khác nhau và cho điểm từ 0 đến 10, bảng dưới cũng giống như vậy).
1. Hoạt động quá nhiều, không nghỉ phút nào ( )
2. Hoạt động hưng phấn, dễ phấn khích ( )
3. Gây sự với các trẻ khác ( )
4. Làm việc không thể có đầu có cuối ( )
5. Đứng ngồi không yên ( )
6. Không tập trung chú ý, dễ phân tâm ( )
7. Đòi lập tức được thoả mãn yêu cầu, dễ chán nản ( )
8. Hay khóc, dễ khóc ( )
9. Tâm trạng thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ ( )
10. Dễ có những hành vi nổi khùng hoặc không thể lường trước
Chẩn đoán: Cách tính điểm: Không có – không điểm; có một chút – một điểm; khá nhiều – hai điểm; rất nhiều – ba điểm; tổng số điểm trên mười điểm là dương tính, tức mắc bệnh tăng động.
Bảng điểm hành vi của trẻ mắc bệnh tăng động do nhóm nghiên cứu bệnh tăng động ở thành phố Thượng Hải xây dựng
1. Trong giờ học đứng ngồi không yên ( )
2. Trong giờ học thường xuyên nói chuyện ( )
3. Trong giờ học thường làm việc riêng ( )
4. Phát biểu không giơ tay ( )
5. Không tập trung, nhìn ngó xung quanh, dễ bị phân tâm bởi các yếu tố bên ngoài ( )
6. Tâm trạng nhanh thay đổi, dễ tranh cãi với người khác ( )
7. Thường làm ảnh hưởng đến người khác ( )
8. Không thể tĩnh tâm để chơi đùa ( )
9. Thường làm việc theo cảm hứng, muốn làm gì thì làm, thường không có đầu có cuối ( )
10. Khi làm việc không tính đến hậu quả ( )
11. Tùy tiện lấy tiền của bố mẹ hoặc ăn cắp ở ngoài ( )
12. Đãng trí, hay quên ( )
13. Thành tích học tập kém ( )
14. Nói dối, đánh chửi người khác ( )
Chẩn đoán: Cách tính điểm: Không có – không điểm; có một chút – một điểm; khá nhiều – hai điểm; rất nhiều – ba điểm; tổng số điểm trên mười điểm là dương tính, tức mắc bệnh tăng động.
Tiêu chuẩn chẩn đoán do Hiệp hội bệnh tâm thần của Mỹ đưa ra
1. Tay chân thường xuyên hoạt động không ngừng hoặc liên tục ngọ ngoạy trên ghế ngồi (thiếu niên có thể chỉ biểu hiện ở sự đứng ngồi không yên về mặt chủ quan) ( )
2. Dễ bị yếu tố bên ngoài kích thích và phân tán tư tưởng ( )
3. Khi bị yêu cầu phải ngồi yên thì rất khó ngồi yên ( )
4. Trong trò chơi hoặc các hoạt động tập thể không thể kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt mình ( )
5. Thường xuyên người khác chưa hỏi xong câu hỏi đã tranh trả lời ( )
6. Rất khó làm theo chỉ thị của người khác, không phải do chống đối hoặc không hiểu, như không làm việc nhà ( )
7. Khi làm bài tập hoặc chơi trò chơi rất khó tập trung chú ý ( )
8. Thường xuyên một việc chưa làm xong lại đòi làm việc khác ( )
9. Rất khó chơi đùa một cách yên tĩnh ( )
10. Nói nhiều ( )
11. Thường xuyên ngắt lời hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động của người khác, ví dụ phá rối trò chơi của các em nhỏ khác ( )
12. Khi người khác nói chuyện với em, em tỏ ra rất lơ là ( )
13. Thường xuyên để mất đồ dùng học tập hoặc các vật dụng khác, như đồ chơi, sách, vở bài tập… ( )
14. Thường xuyên tham gia vào các trò chơi nguy hiểm và không nghĩ đến hậu quả, ví dụ chạy lung tung trên đường mà không nhìn xung quanh ( )
Chẩn đoán: Mắc bệnh trước năm bảy tuổi, bệnh sử từ nửa năm trở lên, đồng thời có tám triệu chứng nói trên trở lên là dương tính, tức mắc bệnh tăng động.
Gần như tất cả mọi hành vi bình thường của trẻ em đều trở thành “biểu hiện lâm sàng”!
Theo kết luận của những tấm bảng này, “bệnh tăng động ở trẻ em” đâu chỉ có tỉ lệ mắc bệnh đề cập ở trên, gần như tất cả các trẻ em đều trở thành “bệnh nhân”, trong đó đương nhiên cũng bao gồm cả con gái tôi – Nếu dùng mấy tấm bảng này để chấm điểm cho cô bé thời còn nhỏ, mỗi nội dung đều không nghiêm trọng, nhưng đều có một chút, trung bình mỗi nội dung được “một” điểm, vậy thì cũng được chẩn đoán là “dương tính” rồi.
Vậy thì, có trẻ em nào không là “bệnh nhân” đâu?
Tác giả của cuốn Người phát minh bệnh tật đã vạch trần và chỉ trích hiện tượng chẩn đoán quá độ, lạm dụng thuốc men của giới y học hiện nay, gọi hiện tượng này là “phát minh bệnh tật”. Trong đó, “bệnh tăng động” là một “căn bệnh bị phát minh” điển hình. Ông nói: “Bác sĩ thường xuyên không hiểu rõ, vì thế thường xuyên sử dụng những công cụ hỗ trợ chẩn đoán gây tranh cãi một cách sai lầm. Ngay cả những người ủng hộ bệnh tăng động đều dự đoán, một phần ba số trẻ bị chẩn đoán mắc bệnh tăng động là vật hy sinh của mô hình chẩn đoán. So sánh các nước cũng có thể phát hiện ra rằng, việc gắn mác bệnh tăng động cho trẻ thật là chuyện tùy ý biết bao. Theo nghiên cứu, Brazil có 5,8% trẻ em mắc bệnh tăng động, Phần Lan 7,1%, Ả rập Xê-út 14,9%. Tại sao lại có sự khác biệt lớn như vậy? Ai biết? Hàng ngày trẻ em phải uống thuốc một cách mù quáng như vậy, nhưng người ta tỏ ra rất mơ hồ, không biết mình đang chống chọi với căn bệnh nào. Cái mác “bệnh tăng động” nặng nề thường căn cứ vào ấn tượng chủ quan của bác sĩ; một số nguyên tắc chẩn đoán hành vi tăng động cũng có thể được tìm thấy ở đa số những trẻ em khỏe mạnh, ví dụ thường không thể tập trung lắng nghe người khác nói, làm bài tập và tổ chức hoạt động thường xuyên gặp khó khăn, trả lời câu hỏi thường không suy nghĩ. Đây là những triệu chứng ư? Hoặc chỉ là hành vi khiến (một số) người lớn khó chịu?”(1).
_________________
(1) Jorg Blech, Người phát minh bệnh tật, Trương Chí Thành dịch, NXB Hải Nam, tháng 6-2006, tr.94-95.
“Bảng điểm chẩn đoán bệnh tăng động”, cái liên quan đến số phận và sức khỏe của hàng triệu trẻ em này đã ra đời như thế nào, ai đã lập ra nó, nó đã được kiểm nghiệm và luận chứng như thế nào? Cái thứ thô thiển, ngu xuẩn này lại được coi là công cụ kiểm tra chủ yếu để sử dụng cho trẻ em. Nó đâu chỉ là một bảng điểm, mà thực sự là cái bẫy chẩn đoán!
3. “Nguyên nhân gây bệnh” khiến người ta hoa mắt
Thực ra đằng sau sự chẩn đoán vô trách nhiệm có ẩn chứa một thực tế khó nói, một căn bệnh chung “phổ biến này”, cơ chế hình thành của nó rốt cục là như thế nào, nguyên nhân nào khiến trẻ mắc bệnh? Sau hơn một trăm năm “nghiên cứu”, ngày càng có nhiều cách giải thích, nhưng cho đến nay không ai có thể nói rõ được.
Từ những tài liệu hiện có, có mấy thuyết nói về nguyên nhân gây bệnh như sau:
Thứ nhất, tổn thương nhẹ ở tổ chức não – điểm này chủ yếu tập trung xung quanh cách chào đời của trẻ để dự đoán. Trước khi sinh mổ phổ biến thì người ta cho rằng do trong quá trình sinh, não bộ của trẻ bị chèn ép; sau khi hình thức sinh mổ phổ biến thì người ta lại nói rằng do sinh mổ gây ra. Ngoài ra còn một cách giải thích nữa là trong quá trình mang bầu, người mẹ bị mắc bệnh truyền nhiễm, cao huyết áp, hoặc quá trình cho bú và các hoạt động khác khiến não bộ bị tổn thương. Tóm lại, mỗi tình huống trong thời kỳ mang bầu, trong quá trình trưởng thành đều bị dự đoán là khả năng gây bệnh, dường như chỉ cần con người đã từng “chào đời”, trải qua thời kỳ thai nhi và thời kỳ sơ sinh, não của trẻ đều bị tổn thương. Một điều rất khéo là, những sự “tổn thương” này về cơ bản đều là không thể dự đoán.
Thứ hai, hiện tượng trúng độc chì do tình trạng ô nhiễm môi trường trong thành phố gây ra – nguyên nhân này nghe thì có vẻ rất có lý. Nhưng trong đó có mấy điểm đáng ngờ: Điểm đáng ngờ thứ nhất là, hơn một trăm sáu mươi năm trước khi vấn đề được đưa ra, vấn đề ô nhiễm môi trường thành phố chắc là chưa tồn tại; điều đáng ngờ thứ hai là, trẻ em ở mỗi thành phố đều hít thở nguồn không khí chung, tại sao chỉ có một số em mắc bệnh; điều đáng ngờ thứ ba là, những em sống ở các làng quê xa xôi không mắc căn bệnh này ư?
Thứ ba, nhân tố sinh lý di truyền – cách nói này dường như là rất chuyên ngành, nhưng sau khi phân tích có thể thấy, dưới tiền đề không có được chứng cứ đầy đủ, lấy một sự khác biệt nhỏ về một chỉ tiêu sinh hóa nào đó của đại não để giải thích một nguyên nhân gây bệnh, đây chẳng qua chỉ là dự đoán mà thôi. Giữa con người với con người vốn có một số điểm khác biệt trong chỉ tiêu sinh lý, điều này rất bình thường; cùng là một người sống trong các điều kiện khí hậu, môi trường, có tâm trạng, độ tuổi, điều kiện ăn uống khác nhau, rất nhiều chỉ tiêu sinh lý sẽ khác nhau. Vì không có được lý do thuyết phục nên đành phải lấy điều này làm lý do.
Thứ tư, thiếu vitamin, dị ứng thực phẩm, thiếu nguyên tố vi lượng, môi trường ô nhiễm, chất bảo quản thực phẩm… gây ra bệnh – có rất nhiều lời dự đoán như thế này, khiến người ta hoa cả mắt. Gần như trong cuộc sống của xã hội đương đại có vấn đề gì, thì đó đều trở thành nguyên nhân gây bệnh. Nếu những nhân tố này đều có thể khiến trẻ mắc bệnh tăng động, thì câu hỏi duy nhất còn sót lại là: Sau này có còn trẻ em khỏe mạnh nữa hay không?
Thứ năm, nhân tố giáo dục trong gia đình hoặc nhà trường, khiến tâm lý trẻ bị tổn thương – đây là nguyên nhân duy nhất thông qua quan sát trực tiếp, dựa trên cơ sở của rất nhiều ví dụ để rút ra, chứ không phải rút ra thông qua dự đoán. Nguyên nhân này có sức thuyết phục nhất, nhưng luôn bị đặt ở vị trí không quan trọng nhất. Tất cả các tài liệu nói về bệnh tăng động trước hết đều muốn nói nguyên nhân gây ra căn bệnh này là do vấn đề của não bộ, là một vấn đề sinh lý, còn vấn đề giáo dục, nguyên nhân tâm lý lại chỉ thỉnh thoảng mới được các tài liệu nhắc đến rất sơ sài.
Nhưng dưới nguyên nhân bị nhắc đến một cách sơ sài này, không ai có thể giải thích, một vấn đề hình thành trên cơ sở giáo dục, tại sao lại bắt trẻ phải uống thuốc chữa bệnh. Vài năm gần đây tỉ lệ ly hôn gia tăng khiến tỉ lệ “trẻ em mắc bệnh tăng động” cũng tăng lên dường như đã trở thành một bằng chứng, người ta phát hiện ra rằng, trẻ sinh ra trong gia đình đơn thân dễ “mắc bệnh” hơn trẻ sinh ra trong một gia đình đầy đủ cả bố lẫn mẹ – nhưng vết thương tâm lý mà vấn đề ly hôn của bố mẹ gây ra cho trẻ, uống thuốc có thể giải quyết được hay không? Các trận cãi vã giữa bố mẹ đã khiến trẻ bị tổn thương trong lòng, sau đó trẻ lại được thông báo rằng chúng mắc bệnh, đây lẽ nào không phải là họa vô đơn chí ư?
Tạp chí Y học nhi khoa của Đức do Tập đoàn y dược Novartis tài trợ đã xuất bản một chuyên san Hội chứng thiếu chú ý và tăng động, trong đó thậm chí còn suy đoán rằng, bệnh tăng động là di sản của thời kỳ đồ đá. Đồng thời nói với mọi người rằng “bệnh tăng động có thể là một công cụ hành vi có ích (do di truyền quyết định) trong thời kỳ đầu của nhân loại, trong xã hội hiện đại lại trở thành khuyết điểm, đe dọa đến sự phát triển và tính thích ứng xã hội của trẻ”(1) – ngay cả đặc điểm di truyền được giữ gìn từ hàng triệu năm nay của nhân loại cũng đã biến thành bệnh.
________________
(1) Jorg Blech, Người phát minh bệnh tật, Trương Chí Thành dịch, NXB Hải Nam, tháng 6-2006, tr.97.
4. Mối quan hệ giữa hậu quả bệnh tật và logic hoang đường
Mặc dù không rõ nguyên nhân gây bệnh, trong khi hậu quả của căn bệnh này luôn được miêu tả rất rõ ràng, nghe rất đáng lo. Các tài liệu khác nhau đều nói rằng, nếu trẻ mắc bệnh tăng động không được điều trị kịp thời, hầu hết sẽ phạm tội trong độ tuổi dậy thì, khả năng tự làm chủ kém, xốc nổi, thích ngồi mát ăn bát vàng, hình thành nên nhân cách phản xã hội, sau khi trưởng thành trở thành người dễ lạm dụng cồn và các chất ma túy, tỉ lệ phạm tội cao. Tóm lại, tương lai của chúng đều rất tối tăm, thậm chí là tội ác.
Một căn bệnh cuối cùng lại phát triển thành một vấn đề đạo đức!
Mối quan hệ nhân quả giữa bệnh tăng động và nhân cách phản xã hội đã hình thành như thế nào, mối quan hệ logic giữa “bệnh tật” và “phạm tội” đã được suy đoán như thế nào, cơ chế chuyển biến giữa chúng là gì, không ai có thể giải thích được. Tuy nhiên, những thông tin y tế có liên quan đều nói như vậy.
Một trạng thái tinh thần của con người có thể sẽ ảnh hưởng đến một số chỉ tiêu sinh lý, đồng thời một số thay đổi về sinh lý cũng có thể sẽ gây ra những thay đổi trong trạng thái tinh thần. Tuy nhiên bệnh tật sinh lý và đạo đức nhân cách có thể hình thành nên mối quan hệ nhân quả trực tiếp ư, chúng ta có thể nói những người mắc bệnh cao huyết áp và giãn phế nang cuối cùng hầu hết đều biến thành kẻ xấu ư? Thực tế là những bệnh nhân từng mắc bệnh về não như viêm màng não, u não, teo não…, sự phát triển về đạo đức của họ không hề liên quan đến bệnh tật, tại sao chỉ mỗi căn bệnh tăng động lại gây ra sự biến dị trong đạo đức?
Lùi một bước nói, giả dụ những điều này đều là sự thật, một căn bệnh bắt nguồn từ yếu tố di truyền hoặc môi trường xuất hiện ở thời kỳ thơ ấu, cuối cùng lại chuyển hóa thành một diện mạo đạo đức sau khi trưởng thành, vậy thì phải chăng người bệnh không cần phải chịu trách nhiệm về hành vi phản xã hội của anh ta sau khi trưởng thành, vì bản thân anh ta chính là một người bị hại của bệnh tật. Không phải những người mắc bệnh tâm thần nếu giết người đều bị miễn tội chết đó sao? Nếu suy luận như vậy, một tên tội phạm chỉ cần chứng minh được rằng, thời ấu thơ mắc “bệnh tăng động”, phải chăng có thể miễn giảm trách nhiệm hình sự?
5. Tại sao ngày càng có nhiều người được chẩn đoán là mắc bệnh
Cho đến nay, vẫn chưa có cách giải thích nào đáng tin cậy về nguyên nhân gây bệnh tăng động, vậy thì rốt cục là nguyên nhân nào khiến số người mắc bệnh tăng động càng ngày càng nhiều. Lẽ nào chỉ là sự chẩn đoán sai ư?
Thực ra hơn một thế kỷ kể từ khi Heinrich Hoffmann “phát hiện” cho đến nay, “bệnh tăng động” không được mọi người đặc biệt quan tâm, chú ý, mãi cho đến khi Methylphenidate (hay còn gọi là Ritalin) xuất hiện. Sắp xếp lại lịch sử phát triển của Methylphenidate, về cơ bản có thể hiểu được sự thật tại sao “bệnh nhân” càng ngày càng đông.
Năm 1944, công ty Ciba (cũng chính là nhà sản xuất Methylphenidate hiện nay) đã sản xuất ra Methylphenidate. Thời gian đầu, loại thuốc này chỉ kê đơn cho người lớn, chuyên trị các chứng bệnh như mệt mỏi quá độ, tâm trạng ức chế, rối loạn sinh lý ở người cao tuổi. Hơn hai mươi năm đầu, loại thuốc này không nổi tiếng, lượng tiêu thụ cũng không nhiều, vì chứng bệnh thích ứng cụ thể của nó không rõ ràng. Năm 1961, Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Mỹ cho phép sử dụng Methylphenidate để chữa trị cho những trẻ em có vấn đề trong hành vi. Loại thuốc này đã từng được đưa đến hai ngôi trường của trẻ em da đen ở bang Maryland, sau khi học sinh uống, hiện tượng chen lấn ồn ào trong trường đã giảm đi đôi chút. Điều này đã khuyến khích một nhóm bác sĩ Mỹ sử dụng rộng rãi loại thuốc này cho trẻ em, để phát hiện ra những người nào cần phải uống thuốc. Thời gian đầu sử dụng thuốc là để kiểm tra trẻ có mắc bệnh hay không. Nếu uống vào, hành vi có nhiều thay đổi tức là có bệnh, ngược lại, những em nào không có phản ứng gì với thuốc tức là khỏe mạnh. Sau đó được coi là một loại thuốc trị bệnh được sử dụng trên diện rộng ở trẻ em. Năm 1970 Mỹ có khoảng hai trăm nghìn đến ba trăm nghìn trẻ em uống Methylphenidate(1); đến giữa thập kỷ tám mươi thế kỷ XX, có một triệu trẻ em uống Methylphenidate; đến đầu thế kỷ XXI, số trẻ em Mỹ uống loại thuốc này lên tới sáu phảy sáu triệu em, trong đó có gần một nửa dùng nó để chữa bệnh tăng động thiếu chú ý(2).
_________________
(1) Jorg Blech, Người phát minh bệnh tật, Trương Chí Thành dịch, NXB Hải Nam, tháng 6-2006, tr.89.
(2) Randall Fitzgerald, Thực phẩm và dược phẩm gây tổn hại đến sức khỏe của bạn như thế nào, Mộ Dịch dịch, NXB Đại học Sư phạm Bắc Kinh, tháng 6-2007, tr.151.
Nếu rất nhiều năm về trước vì trẻ không ngoan nên bắt chúng uống thuốc, thì đó chắc chắn là một điều không thể tưởng tượng, Methylphenidate đã biến không ngoan thành một căn bệnh cần phải điều trị bằng thuốc.
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh tăng động, có thể chia thành thuốc kích thích trung khu thần kinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống bệnh tâm thần, thuốc chống động kinh, nhưng Methylphenidate vẫn được sử dụng nhiều nhất. Một điều cần lưu ý là giá bán của các loại thuốc này đều không rẻ.
Tài liệu cho thấy, thị trường dược phẩm và điều trị cho trẻ em mắc bệnh tăng động ở Mỹ lên tới ba tỉ USD mỗi năm. Đến năm 2012, thị trường dược phẩm và điều trị cho trẻ em mắc bệnh tăng động ở Anh cũng sẽ lên tới một trăm lẻ một triệu Euro. Và mỗi năm, các công ty sản xuất thuốc lớn còn đầu tư một lượng kinh phí lớn cho đội ngũ vận động hành lang, yêu cầu chính phủ nới lỏng quản lý đối với thuốc chữa bệnh tăng động ở trẻ em.
Hiện nay thuốc chữa bệnh tăng động ở trẻ em còn được tiêu thụ sang các nước trên thế giới, bệnh ADHD cũng bắt đầu phổ biến ở Trung Quốc. Một website y tế nọ ở Trung Quốc đã viết như sau: “Methylphenidate điều trị bệnh tăng động ở trẻ em rất có hiệu quả, khuyết điểm duy nhất của Methylphenidate là không thể điều trị tận gốc căn bệnh này, chỉ có thể uống trong thời gian dài”. Trên mạng Internet bán mỗi lọ từ ba trăm bảy mươi tệ đến ba nghìn bốn trăm tệ. Ở nước ngoài, nếu trong nhà có trẻ phải uống thuốc, đây cũng là một khoản chi không nhỏ.
Bánh ngon ai cũng muốn cắt một miếng. Công ty dược phẩm nổi tiếng có vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc là Yangsen ở Tây An tuyên bố họ đã nghiên cứu và chế tạo ra một loại thuốc có hiệu quả lâu dài trong việc điều trị bệnh tăng động – Methylphenidate Hydrochloride Controlled Release, cách tuyên truyền của họ cũng rất đi vào lòng người. Mùa hè năm 2007, hai tờ báo có ảnh hưởng lớn nhất ở Bắc Kinh là Bắc Kinh buổi tối và Thanh niên Bắc Kinh đều đưa tin, thuốc kích thích trung khu thần kinh do công ty Eli Lilly của Mỹ sản xuất Atomoxetine Hydrochloride chính thức có mặt ở thị trường Trung Quốc. Các bài báo này tuyên truyền rằng, “Chữa bệnh bằng thuốc là sự lựa chọn hàng đầu” để điều trị bệnh tăng động ở trẻ em. Sang đến mùa đông, lại xuất hiện một bài báo tuyên truyền khác, ngày 30-11, tờ Thanh niên Bắc Kinh lại đăng tải bài viết Bệnh tăng động ở trẻ em nếu không kịp thời điều trị sẽ ảnh hưởng đến suốt đời, nhắc nhở bố mẹ không nên thờ ơ đối với căn bệnh này, nhất thiết phải điều trị, “chữa bệnh bằng thuốc là sự lựa chọn hàng đầu”, sau đó nói với mọi người có một loại thuốc tên là Atomoxetine Hydrochloride, “mỗi ngày uống một viên có thể kiểm soát bệnh tật không gián đoạn trong cả ngày, thích hợp cho việc uống lâu dài nhưng lại không lệ thuộc vào thuốc”.
Ngày 5-7-2008, tờ báo này lại đăng tải bài viết Khả năng tập trung của con trẻ, bố mẹ đã chú ý hay chưa?, nhắc nhở bố mẹ không chịu tập trung chính là mắc bệnh tăng động ADHD, nếu không kịp thời chữa trị, ngoài việc sẽ gặp nhiều khó khăn trong học tập, 50%-65% số người mắc bệnh tương lai sẽ gặp một số vấn đề: Có những biểu hiện không như ý trong công việc, khái niệm thời gian kém, khả năng giao tiếp kém, dễ nổi cáu, tính tình nóng nảy, nghiện rượu hoặc thuốc men, tỉ lệ phạm tội cao… Sau đó cực lực giới thiệu rằng: “Gần đây, Hiệp hội Thần kinh trẻ em Trung Hoa, Hiệp hội Bảo vệ sức khỏe trẻ em Trung Hoa và Hiệp hội Tâm thần trẻ em Trung Hoa đã phối hợp và đưa ra phương án điều trị bệnh ADHD ở Trung Quốc. Trong phương án này, Methylphenidate được coi là loại thuốc điều trị được lựa chọn ở tuyến đầu, có các đặc điểm như hiệu quả tốt, ít tác dụng phụ, dần dần được các bệnh viện coi là sự lựa chọn hàng đầu trong việc điều trị bệnh tăng động, đã được đưa vào danh mục bảo hiểm y tế trẻ em của quốc gia”. Những bài tuyên truyền tương tự còn xuất hiện trên các tờ báo như Dương Thành buổi tối, Bắc Kinh buổi sáng… hồi tháng sáu, tháng bảy, các bài báo này đều nhắc đến ba “Hiệp hội” này và loại thuốc này. Nhưng ngoài ba cái tên được nhắc tới trong các bài viết này, trên mạng Internet không tìm thấy website của ba “Hiệp hội” này và các thông tin có liên quan. Tôi đã hỏi mấy người bạn trong ngành y, họ bảo chưa bao giờ nghe thấy tên của những “Hiệp hội” này.
Hiện nay có một loại quảng cáo tên là “quảng cáo mềm”, đây là chuyện mà mọi người trong giới quảng cáo biết rất rõ, tức là nhà sản xuất quảng cáo sản phẩm bằng hình thức đưa tin, đưa bài. Đương nhiên, chỉ cần là quảng cáo, bất luận xuất hiện dưới hình thức nào, đều phải trả tiền cho các phương tiện truyền thông.
Một bác sĩ người Mỹ đã từng nói một câu rất kinh điển rằng: “Biện pháp marketing thuốc men tốt nhất chính là mở rộng độ ảnh hưởng của bệnh tật”, đây thực chất là một bí mật trong ngành sản xuất thuốc. Do mỗi năm chỉ có một lượng ít thuốc mới có thành phần mới được đưa vào thị trường, để các thuốc cũ hoặc thuốc có lượng tiêu thụ kém cũng được bán đi, các nhà sản xuất thuốc buộc phải tạo ra bệnh tật(1).
________________
(1) Jorg Blech, Người phát minh bệnh tật, Trương Chí Thành dịch, NXB Hải Nam, tháng 6-2006, tr.109.
Một căn bệnh có “tiền đồ” lớn như vậy, không phát triển thành phong trào cũng khó.
6. Tác dụng phụ đáng sợ của thuốc chữa bệnh tăng động
Những loại thuốc này có thật là không có tác dụng phụ giống như quảng cáo nói hay không?
Về tác dụng phụ của các loại thuốc kích thích trung khu thần kinh dành cho trẻ em như Methylphenidate và các loại thuốc khác, thường bao gồm: Giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, đau đầu chóng mặt, giảm trọng lượng, ngoài ra còn có thể xuất hiện các triệu chứng như dị ứng, thần kinh hưng phấn mang tính vận động, ảo giác sợ hãi và bị theo dõi, đôi khi đau bụng. Những tác dụng phụ này thường chỉ được viết trong tờ đơn giới thiệu thuốc, đây chưa phải là những tác dụng phụ xấu nhất, nghiêm trọng hơn cả là những tác dụng không được ghi trên đơn giới thiệu:
Thuốc kích thích trung khu thần kinh ức chế sự tăng trưởng về thể trọng và chiều cao, những đứa trẻ uống liên tục hai năm loại thuốc thần kinh này, chiều cao trung bình thấp hơn so với trẻ cùng tuổi một phẩy năm centimet(1), uống thuốc trong thời gian dài có thể khiến cơ thể thấp bé.
_________________
(1) Jorg Blech, Người phát minh bệnh tật, Trương Chí Thành dịch, NXB Hải Nam, tháng 6-2006, tr.99.
Viện Nghiên cứu sức khỏe tâm lý quốc gia của Mỹ đã công bố một kết quả nghiên cứu về thần kinh học, những trẻ không uống thuốc điều trị bệnh tăng động thiếu chú ý, đến năm bảy tuổi rưỡi, lớp vỏ đại não ở não phải đạt tới mức dày nhất, trong khi đó, ở những trẻ uống thuốc, thời gian để lớp vỏ đại não ở não phải đạt tới mức dày nhất muộn hơn trẻ không uống thuốc ba năm. Cũng có nghĩa là, uống thuốc Methylphenidate sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ.
Trọng lượng của trẻ em tương đối nhẹ, chúng đang ở trong giai đoạn phát triển, các cơ quan trong cơ thể vẫn chưa hoàn thiện, sức đề kháng của chúng đối với các chất hóa học rất yếu, sử dụng lâu dài loại thuốc này sẽ có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của các cơ quan, thậm chí để lại hậu họa.
Ngày 22-2-2007, diễn đàn Sohu đã trích tin từ tờ Luật pháp buổi tối và viết rằng, Cơ quan Quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) thông báo, từ năm 1999 đến năm 2003, trong số các bệnh nhân sử dụng thuốc chữa bệnh ADHD, có hai mươi lăm người tử vong, trong đó có mười chín trẻ em; đồng thời, một bản báo cáo của FDA cho thấy, xác suất nguy hiểm đối với những người sử dụng thuốc chữa bệnh ADHD xuất hiện các triệu chứng về bệnh tâm thần lên tới một phần nghìn, ví dụ những người sử dụng thuốc sẽ xuất hiện các vấn đề về bệnh tâm thần như ảo giác thính giác, nghi ngờ vô cớ, nôn nóng bất an. FDA kiến nghị, Methylphenidate cần bổ sung thêm những lời cảnh cáo đen trong tờ đơn giới thiệu thuốc, nhắc nhở mọi người loại thuốc này có thể gia tăng nguy hiểm cho người sử dụng như gây thiệt mạng hoặc gây ra các tổn thương về mặt tinh thần.
Ngoài những tác dụng phụ đáng sợ nói trên, tôi cho rằng, tác hại lớn nhất của loại thuốc này đối với trẻ em là về tâm lý. Ngày nào cũng uống một viên thuốc tức là ngày nào cũng nhắc nhở rằng: Em là người mang bệnh, em phải uống thuốc.
Tuổi thơ trôi qua sẽ không bao giờ trở lại, những thuốc đã từng uống cũng sẽ để lại vết tích trong cơ thể; bị gắn cái mác “bệnh tăng động” cũng sẽ để lại dấu vết trong tâm hồn. Tôi đã từng gặp một số em, sau khi uống thuốc một giai đoạn, các em không chịu dừng thuốc, sợ rằng nếu dừng thuốc mình sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. Thuốc không những gây hại cho sức khỏe của trẻ, mà còn hủy hoại lòng tự tin của em – lẽ nào tác dụng phụ này không phải là đáng sợ nhất hay sao?
7. Phụ huynh và giáo viên trở thành “tay sai” gây rắc rối
Những thông tin về “bệnh tăng động ở trẻ em” càng ngày càng nhiều, nó khiến cho rất nhiều người tin rằng, đúng là có một loại bệnh đang đe dọa đến sức khỏe của trẻ em, và hơn nữa đang có chiều hướng lây lan rộng, ngay cả trẻ trong trường mầm non “không giữ kỷ luật, không ngủ trưa” cũng bị nói là triệu chứng của bệnh tăng động. Tôi đã từng gặp không ít phụ huynh, nói đến chuyện con họ không chịu nghe lời, liền lo lắng và nói rằng có thể con mình mắc bệnh tăng động. Bởi những “triệu chứng” của bệnh tăng động rất dễ khiến phụ huynh gắn con mình với căn bệnh này.
Hầu hết những vị phụ huynh tin vào “bệnh tăng động” lại không hiểu nhiều về căn bệnh này, thậm chí chưa từng tìm hiểu qua các tài liệu, thông tin của họ chủ yếu bắt nguồn từ bác sĩ, báo chí hoặc nghe người nọ người kia nói. Rất nhiều phụ huynh đưa con đi khám bệnh tăng động sau khi được giáo viên gợi ý hoặc đề nghị. Bởi hành vi của trẻ ở trường hoặc trường mầm non không phù hợp với yêu cầu, gây phiền hà cho giáo viên. Giáo viên không muốn bị một số học sinh gây phiền hà quá nhiều, không muốn hoặc không đủ khả năng tìm kiếm mấu chốt của vấn đề trong giáo dục, và thế là liền tìm biện pháp giải quyết đơn giản nhất là để cho phụ huynh đưa con đi khám bác sĩ. Chỉ cần đưa trẻ đến bác sĩ để kiểm tra, rất nhiều trẻ liền trở thành “bệnh nhân”, chúng phải uống thuốc hàng ngày. Như thế giáo viên liền có thể được giải thoát một cách nhẹ nhàng trước sự quấy rối của một số học sinh.
Không ít phụ huynh cũng muốn quy kết một số “vấn đề” của con trẻ cho nguyên nhân khách quan, lối suy nghĩ này không đòi hỏi bố mẹ phải tự trách mình, thực hiện cũng giản tiện nhất. Thậm chí tôi còn gặp phụ huynh của một em học sinh cấp ba, con chị không chịu học hành chăm chỉ, không thích ngồi trước bàn học, chỉ muốn đi đá bóng hoặc xem ti vi, chị cho rằng con mình mắc bệnh tăng động, liền bắt con đi khám bác sĩ khoa tâm thần, ngày ngày bắt con uống thuốc. Và với tư cách là phụ huynh, chị không hề muốn kiểm điểm lại những sai lầm trong phương pháp giáo dục của mình bao nhiêu năm qua, càng không muốn thay đổi phương pháp giáo dục của chính bản thân mình.
Những phụ huynh hoặc giáo viên có con hoặc học sinh mắc “bệnh tăng động”, nếu biết quan tâm và thấu hiểu con trẻ, chăm chú lắng nghe “ngôn ngữ hành vi” của trẻ, mọi thứ của trẻ đều trở nên bình thường. Trên lớp trẻ không chú ý nghe giảng là vì không thích cách giảng bài của giáo viên hoặc không có hứng thú với nội dung bài giảng; thành tích học tập kém, là vì trẻ không học các nội dung trong bài thi; tấn công bạn bè, là vì trẻ muốn bảo vệ mình hoặc cảm nhận được niềm vui ở trong đó; có những hành động nguy hiểm, là vì chúng muốn thể hiện mình hoặc không biết nguy hiểm là gì – hàng triệu trẻ em khác nhau sẽ có hàng triệu ý thức về mình khác nhau, hành vi của chúng cũng có những biểu hiện khác nhau. Chúng vẫn chưa có được quan niệm đạo đức, quan niệm giá trị, khả năng chịu đựng và khả năng dự đoán được hậu quả như người lớn, chính vì thế chúng rất khó dùng những cái này để kiểm soát mình.
Người lớn tiếp nhận một đứa trẻ ở mức độ như thế nào, được quyết định bởi anh ta hiểu được “lời tâm sự” của đứa trẻ ra sao.
Phụ huynh và giáo viên đều yêu trẻ, nhưng chỉ có tình yêu thôi thì chưa đủ. Sự khác biệt trong phương châm giáo dục, cách xử lý vấn đề sẽ dẫn đến sự khác biệt lớn của chất lượng của tình yêu. Chỉ khi hiểu con trẻ, mới có thể giáo dục tốt trẻ, mới có thể yêu trẻ một cách có chất lượng.
8. Rốt cục trẻ mang “bệnh tăng động” đã mắc chứng bệnh gì?
Nếu nói quả thật con trẻ biểu hiện ra một số vấn đề trong hành vi hoặc phẩm chất nhân cách, về cơ bản những vấn đề này đều có thể dùng giáo dục học để giải thích.
Một phần do phụ huynh hoặc giáo viên coi sự hiếu động, hoạt bát bình thường của trẻ là có vấn đề, không có chuyện gì mà gây chuyện. Phần lớn do trong cuộc sống gia đình trẻ phải chịu sức ép tâm lý lớn, khi chống lại sức ép, trẻ đã để nảy sinh và phát triển ra nhiều hành vi dị dạng. Đương nhiên những hành vi dị dạng này sẽ khiến người ta cảm thấy khó chịu, muốn tìm nguyên nhân gây ra nó, buộc phải quay trở về với môi trường trưởng thành trong gia đình.
Ngày càng có nhiều trẻ mắc “bệnh tăng động” chỉ có thể chứng minh một điều rằng, ngày càng có nhiều vấn đề tồn tại trong giáo dục gia đình hiện nay.
Sự theo đuổi đối với sự tiêu chuẩn hóa của xã hội hiện đại khiến xã hội nảy sinh tâm lý a dua trong mọi phương diện. Bố mẹ luôn mong con mình phát triển theo hướng “tấm gương”, chứ không phát triển theo hướng mà trẻ muốn. Người lớn đã đặt ra quá nhiều tiêu chuẩn cho con trẻ, cho rằng đào tạo trẻ trong khuôn mẫu tiêu chuẩn, tương lai mới có thể thành công. Ví dụ “ham học”, “lễ phép”, “giữ kỷ luật”, “đa tài đa nghệ”… Trẻ tỏ ra “nghe lời” trong những phương diện này, làm theo yêu cầu của phụ huynh, tức là tốt, nếu chúng không nghe lời, không đạt theo yêu cầu của người lớn, liền bị trách mắng, nghiêm trọng hơn là chửi đánh. Có bậc phụ huynh gặp phải những cảnh ngộ không được như mong muốn hoặc có khiếm khuyết về mặt nhân cách, thường đổ sự không như ý của mình vào con trẻ, giao “lý tưởng” của mình cho con trẻ thực hiện.
Thái độ của những người lớn này đối với trẻ đã thể hiện cảm giác lo lắng và không an toàn của người lớn. Nó ắt sẽ phát triển thành mối xung đột xảy ra liên tục giữa người lớn và trẻ em. Bố mẹ của những em mắc “bệnh tăng động” thường có nhân cách quá khích, một mặt họ đã dùng mô hình tư duy của mình để can thiệp một cách lâu dài, không tốt vào đặc tính tự nhiên của trẻ, lấy danh nghĩa “tình yêu” để không ngừng đảo lộn nhịp điệu sinh trưởng vốn có ở trẻ, khiến chúng sa vào nỗi buồn khổ và sợ hãi; mặt khác ý thức bảo vệ cái tôi của họ rất mạnh, người lớn muốn vừa vấp phải thử thách, liền đưa ra phản ứng ngay, thường đối xử với trẻ một cách hà khắc. Phương pháp giáo dục này có lợi cho việc giúp người lớn trút bỏ tâm trạng, nhưng không có lợi cho sự phát triển của trẻ, gây tổn thương về mặt tâm lý cho trẻ.
Phân tích mọi “triệu chứng” trong bảng điểm chẩn đoán, đều phản ánh sự điều chỉnh của trẻ em đối với mối quan hệ giữa bản thân chúng và thế giới. Chúng dùng các “triệu chứng” khác nhau để trút bày những trải nghiệm tự ti, bất an, chán ghét, thất vọng, thờ ơ, căm hận, nghi ngờ… sau khi không ngừng bị tổn thương về mặt tâm lý. Vết thương tâm lý sẽ khiến trẻ chịu sức ép lớn về mặt tinh thần, hành vi trở nên biến thái, hoặc là trở thành một đứa trẻ ngang ngạnh, khó bảo; hoặc là trở thành một kẻ bù nhìn hoàn toàn đánh mất chính mình; hoặc sẽ trở thành một con người cô độc, quá khích, không thể sống chung với người khác – đằng sau tất cả những điều này đều là do trẻ mất cảm giác an toàn, mất tự tin.
Con người là sinh vật nhạy cảm biết bao, ngay từ khi còn rất nhỏ trẻ em đã có cảm nhận mạnh mẽ về tình yêu và sự tôn trọng. Bất kỳ cảnh ngộ nào trong cuộc sống đều có thể tạo nên những thay đổi trong các chỉ tiêu sinh hóa trên cơ thể trẻ, kể cả trong đại não của những trẻ được gọi là mắc “bệnh tăng động” có thiếu Dopamine làm cho trẻ yên tĩnh, ai có thể nói rõ đây là nguyên nhân hay kết quả? Chính vì vậy “nguyên nhân gây bệnh” thực sự của “bệnh tăng động” là hai sai lầm mà người lớn mắc phải: Quan niệm sai lầm về trẻ em và phương pháp giáo dục sai lầm.
Nói như thế này khiến rất nhiều phụ huynh và giáo viên cảm thấy không vui, thậm chí phản cảm. Họ đã quen quy kết vấn đề cho một nguyên nhân khách quan, đồng thời đi tìm phương án giải quyết khách quan. Lời chẩn đoán của bác sĩ đã giảm nhẹ cảm giác có tội đối với sự thất bại trong giáo dục của phụ huynh và giáo viên, giữ thể diện cho họ. Đồng thời, so với việc lưu tâm quan sát, hạ quyết tâm tự thay đổi mình, uống thuốc là biện pháp đơn giản nhất, ít đòi hỏi bố mẹ và giáo viên phải mất công sức nhất – nó rất phù hợp với hành vi của những phụ huynh vốn thiếu quan tâm, thấu hiểu con trẻ, coi mình là nhất. Những phụ huynh và giáo viên tự coi mình là nhất tin vào thuốc hơn là tin vào giáo dục. Sai lầm mà người lớn mắc phải, lại trút toàn bộ lên đầu trẻ, bắt trẻ phải gánh chịu. Bị chẩn đoán là “có bệnh” đã gỡ tội cho bố mẹ và giáo viên, nhưng nó lại vĩnh viễn làm tổn thương con trẻ.
Hiện nay những căn bệnh phổ biến trong trẻ em còn có bệnh hội chứng Tourette(1), Rối loạn khả năng điều hòa ngũ quan(2) triệu chứng của chúng khá giống với bệnh tăng động. Có người đã đưa hai loại bệnh này vào nội hàm của bệnh tăng động, có người thì xếp chúng ngang hàng với bệnh tăng động. Sử dụng thuốc cũng đều là những loại thuốc kiểm soát trung khu thần kinh.
_________________
(1) Hội chứng Tourette là chứng rối loạn hệ thần kinh có những biểu hiện như có những động tác co giật không tự chủ, cứng nhắc, gặp trở ngại trong ngôn ngữ, hành vi, như liên tục chớp mắt, làm trò hề, lắc đầu, nhún vai, hắng giọng, phát tiếng ho…
(2 Rối loạn khả năng điều hòa ngũ quan (Sensory integration dy sfunction) là chỉ tín hiệu kích thích cảm giác bên ngoài không thể được tổ hợp một cách có hiệu quả trong hệ thống thần kinh đại não ở trẻ em, khiến cho cơ thể không thể vận động một cách hài hòa, dần dần hình thành nên các bệnh về tâm lý. Trẻ có những đặc điểm như không chịu tập trung, trí nhớ kém, hay quên, thành tích học tập kém, làm bài tập lề mề, xốc nổi, mạo hiểm, gặp khó khăn trong những công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, nói lắp, không diễn đạt được ý của mình; có trẻ lại dễ căng thẳng, nhút nhát, hay khóc, không hòa đồng, kén ăn hoặc ăn uống vô độ…, (ND).
Thực ra, điều bất hạnh thực sự của những em mắc “bệnh tăng động”, “Hội chứng Tourette” hoặc “Rối loạn khả năng điều hòa ngũ quan” đều là sau khi chào đời, mọi bản tính bình thường của trẻ đều bị tước đoạt. Có một vị phụ huynh khi con học đi, sợ con làm bẩn quần áo, sợ con bị ngã nên bế trên tay suốt ngày, không cho con xuống đất. Còn rất nhiều sự hạn chế tương tự như thế, không cho phép trẻ làm việc này hay việc khác. So với những trẻ cùng trang lứa, động tác của con chị không hài hòa, năm mười tuổi buộc phải vào “lớp trị liệu Rối loạn khả năng điều hòa ngũ quan”. Cũng giống như vậy, rất nhiều tài liệu và kinh nghiệm có thể chứng minh được rằng, những đứa trẻ thường xuyên bị đánh mắng, do sức ép quá lớn, cũng sẽ xuất hiện hiện tượng co giật ở tứ chi hoặc ngũ quan, tức cái gọi là “hội chứng Tourette”.
Những đứa trẻ này đã “ốm” rồi, nhưng uống thuốc có giải quyết được vấn đề gì không? “Lớp trị liệu” có trị liệu được không? Tôi đã từng gặp một số em tham gia “lớp trị liệu Rối loạn khả năng điều hòa ngũ quan”, bố mẹ của các em đã bỏ ra rất nhiều tiền, nhưng tình trạng của các em không có gì cải thiện.
9. Các bác sĩ đại diện cho khoa học và sự quyền uy
Đứng trên góc độ của bác sĩ để xem xét vấn đề. Từ trước đến nay, giới y học luôn tranh cãi về căn bệnh này, có rất nhiều bác sĩ cho rằng đây là căn bệnh do người ta phát minh ra, là bệnh giả. Tuy nhiên nhiều bác sĩ tâm thần không phản đối việc kê thuốc cho trẻ.
Một mặt bác sĩ không đứng trên góc độ giáo dục để suy nghĩ vấn đề, mặt khác thông thường bác sĩ không muốn nói với người đến khám bệnh rằng anh không có bệnh, không kê thuốc mà cho bệnh nhân về. Người bệnh có bệnh, không chẩn đoán ra được bệnh, bác sĩ sẽ phải gánh trách nhiệm; nhưng người bệnh không có bệnh, bị nghi ngờ là có bệnh và tiến hành điều trị, kể cả cuối cùng được chẩn đoán chính xác là không có bệnh, bác sĩ cũng sẽ không gặp rắc rối gì. Những bác sĩ có thể tóm bắt được những triệu chứng mơ hồ và đưa ra lời chẩn đoán, mới được người ta tôn trọng hơn. Đây là nguyên nhân đầu tiên. Nguyên nhân thứ hai là, xét về nghiên cứu y học, bác sĩ phải không ngừng đưa ra thành quả nghiên cứu học thuật của mình, nhưng không phải mọi thành quả đều từ nghiên cứu mà ra. Trong cuốn Người phát minh bệnh tật có một đoạn rất hay, xin trích ra như sau: “Sự ra đời của một căn bệnh thường bắt nguồn từ việc một bác sĩ nào đó tuyên bố đã quan sát được một tình trạng bất thường. Lúc đầu chỉ có một số ít bác sĩ tin vào triệu chứng của bệnh mới, tiếp theo đó những người này tham gia một hội nghị nào đó, trong cuộc hội nghị giao cho một nhóm chuyên gia phụ trách công tác xuất bản kỷ yếu, dựa vào các bài viết trong kỷ yếu để mở rộng độ ảnh hưởng của căn bệnh mới đồng thời gây hứng thú cho người khác. Đến đây, các bác sĩ khác cũng chú ý tới hiện tượng mới, sau đó cố gắng tìm kiếm những bệnh nhân có triệu chứng tương tự. Trong quá trình khám bệnh mang tính lựa chọn này, đã có thể xuất hiện một dịch bệnh mới. Tiếp sau đó rất nhiều bài viết và báo cáo nghiên cứu bắt đầu khiến người ta nảy sinh một ấn tượng: Bác sĩ đã phát hiện ra căn bệnh mới thật. Nhóm bác sĩ này tự xuất bản chuyên san phát biểu kết quả nghiên cứu của mình – trong đó cam đoan là không có những báo cáo mang tính phê bình”(1).
________________
(1) Jorg Blech, Người phát minh bệnh tật, Trương Chí Thành dịch, NXB Hải Nam, tháng 6-2006, tr.55.
Nguyên nhân quan trọng thứ ba là mối quan hệ tế nhị giữa bác sĩ và nhà sản xuất thuốc. Rất nhiều quốc gia, trong đó bao gồm Mỹ, Anh, Đức, hiện tượng các nhà sản xuất thuốc tài trợ cho các tạp chí y học thanh thiếu niên, các cuộc hội thảo khoa học là rất phổ biến. Nhà sản xuất thuốc tài trợ cho hội thảo y học, sau khi các cuộc hội thảo kết thúc liền tổ chức tiệc chiêu đãi mời các bác sĩ tham gia, tổ chức các buổi du lịch. Hiện nay công tác tu nghiệp của bác sĩ theo luật định ở Đức, phần lớn là do các nhà sản xuất thuốc sắp xếp. Sau khi kiếm được một khoản tiền lớn từ nhà sản xuất thuốc, giáo sư y học và bác sĩ tư nhân liền phát biểu trong cuộc họp báo. Biện pháp hiệu quả nhất, ghê gớm nhất của các nhà sản xuất thuốc là tài trợ cho các tạp chí y học, phát biểu công trình nghiên cứu khoa học trên tạp chí, những báo cáo này rất chặt chẽ, không thể phản bác, không những thường xuyên đối chiếu xem thuốc mới có phát huy được tác dụng quan trọng hay không, mà còn ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc và phạm vi sử dụng thuốc của các bác sĩ sau này(1).
________________
(1) Jorg Blech, Người phát minh bệnh tật, Trương Chí Thành dịch, NXB Hải Nam, tháng 6-2006, tr.26-34.
Vài năm gần đây, không ít nhà sản xuất thuốc nổi tiếng quốc tế đã tiến quân mạnh mẽ vào thị trường Trung Quốc, ngành sản xuất thuốc trong nước cũng phát triển nhanh chóng. Cùng với đó, mô hình marketing y dược phổ biến trên thế giới không những bén rễ ở Trung Quốc, mà còn phát triển rất mạnh. Đội ngũ dược sĩ khổng lồ mới nổi, giống như những nút thắt dày đặc, gắn kết doanh nghiệp sản xuất với bác sĩ. Một số nhà sản xuất thuốc có thực lực đã mời bác sĩ thông qua việc kê đơn hoặc tuyên truyền để tiếp thị sản phẩm của mình, đây là chuyện không hề khó khăn.
Từ lâu nay, lời nói của ai cũng có thể nghi ngờ, nhưng chúng ta không nghi ngờ lời của bác sĩ. Vì họ là những người đại diện cho khoa học, là bậc quyền uy quan tâm đến sức khỏe và số phận của con người. Nhưng sự thôi thúc của lợi ích giống như dòng nước lũ có thể thay đổi và hủy hoại rất nhiều thứ.
Giới y học Australia đã tổng kết ra năm phương thức bán triệu chứng bệnh trên lâm sàng:
Coi quá trình sinh mệnh bình thường là vấn đề y tế;
Coi vấn đề cá nhân và vấn đề xã giao là vấn đề y tế;
Coi rủi ro gây bệnh là triệu chứng của bệnh;
Coi những triệu chứng hiếm gặp là bệnh dịch lây lan khắp nơi;
Coi những triệu chứng nhẹ là điềm báo của căn bệnh nặng(1).
________________
(1) Jorg Blech, Người phát minh bệnh tật, Trương Chí Thành dịch, NXB Hải Nam, tháng 6-2006, tr.3.
10. Vứt thuốc vào thùng rác là khởi đầu để chữa khỏi bệnh
Nhà giáo dục học nổi tiếng người Italia Maria Montessori là một tiến sĩ y học, bà từng là bác sĩ thần kinh trẻ em. Trong quá trình tiếp xúc với các bệnh nhân khác nhau, càng ngày bà càng cảm thấy rằng, thuốc không thể giải quyết được vấn đề, vấn đề nằm ở giáo dục, giáo dục mới là biện pháp hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề tinh thần và hành vi của trẻ. Sau nhiều năm nghiên cứu thực tiễn, bà đã rút ra được kết luận sau: “Những khiếm khuyết về mặt tâm lý và bệnh tinh thần ở trẻ chủ yếu là vấn đề giáo dục chứ không phải là vấn đề y học, huấn luyện giáo dục sẽ có hiệu quả hơn là huấn luyện y tế”(2). Kết luận này đã làm thay đổi số phận của vô số trẻ em.
__________________
(2) Montessori, Phương pháp giáo dục trẻ em khoa học của Montessori, Nhậm Đại Văn dịch, NXB Giáo dục nhân dân, tái bản lần thứ nhất tháng 5-2001, tr.4.
Bà đã thành lập “ngôi nhà tuổi thơ” chuyên chữa trị vết thương tâm lý cho trẻ em, chủ yếu chữa trị cho những em có vấn đề về mặt tinh thần, trí tuệ và trẻ em lang thang cơ nhỡ. Bà đã phát minh ra rất nhiều phương pháp dạy học và đồ dùng dạy học để cải thiện trí tuệ và tinh thần của trẻ, huấn luyện một cách có hiệu quả đối với học sinh. Bà đã coi những đứa trẻ này như những đứa trẻ bình thường và gần gũi với chúng, dành cho chúng sự quan tâm và phương pháp giáo dục phù hợp với bản tính tự nhiên của con người. Montessori đã rất thành công khi giúp được những em bước vào “ngôi nhà tuổi thơ” thoát khỏi những khó khăn và tương lai đen tối, các phương diện như phát triển ngôn ngữ, động tác hài hòa, quan hệ với mọi người, học hành đều như trẻ bình thường, dưới sự giám sát của chính phủ, vượt qua được các kỳ thi về đọc, viết, tính toán cùng trình độ với các em cùng trang lứa trong trường công lập. Thành quả giáo dục của bà đã gây chấn động trong giới giáo dục toàn cầu.
Nguyên tắc cơ bản của lý luận và phương pháp giáo dục của Montessori là “cố gắng giảm thiểu sự can thiệp vào tính chủ động của trẻ”(1), tức là tạo cho trẻ sự tự do lớn nhất, tôn trọng trẻ, phát triển tiềm năng của trẻ, để trẻ học được cách làm việc, phán đoán một cách độc lập. Giáo sư trường đại học Havard, nhà giáo dục E.G.Holmes nói: “Cái tinh hoa trong hệ thống lý luận của Montessori là có sự nhận định đúng đắn về chân lý dưới đây: Trừ phi trong bầu không khí tự do, trẻ em vừa không thể phát triển được mình, cũng không nhận được sự nghiên cứu có ích!”.
__________________
(1) Montessori, Phương pháp giáo dục trẻ em khoa học của Montessori, Nhậm Đại Văn dịch, NXB Giáo dục nhân dân, tái bản lần thứ nhất tháng 5-2001, tr.12.
“Giảm thiểu can thiệp”, tạo cho trẻ “bầu không khí tự do” mới có thể bồi dưỡng ra những đứa trẻ khỏe mạnh về mặt thể xác và tâm hồn, hài hòa, điều này về logic là trùng khớp với vấn đề hầu hết trẻ em mắc “bệnh tăng động” đều sinh ra trong một gia đình có sự quản giáo nghiêm khắc nói đến ở trên. Nếu nói thật sự có một loại thuốc có thể chữa được bệnh cho trẻ, thì có lẽ “giảm thiểu can thiệp” và “bầu không khí tự do” là hai loại thuốc tốt nhất.
Trong cuốn Tâm hồn mang tính hấp thu, Montessori nói: Con người là một loài động vật có trí tuệ, vì thế nhu cầu đối với nguồn lương thực tâm lý gần như lớn hơn nhu cầu đối với nguồn lương thực vật chất. Không cần phải dọa nạt hoặc dỗ dành, chỉ cần làm cho điều kiện sinh hoạt của trẻ được “bình thường hóa”, bệnh tật của chúng sẽ tiêu tan, cơn ác mộng của chúng sẽ tuyệt tích, chức năng tiêu hóa của chúng sẽ trở lại bình thường, tính tham lam của chúng sẽ giảm đi. Sức khỏe của chúng được bình phục, bởi tâm lý của chúng đã trở lại bình thường.
Cuộc sống xã hội trở nên tinh tế như vậy, biết sinh con không đồng nghĩa với việc biết làm bố mẹ, phụ huynh thời hiện đại cần phải học một cách ngoan đạo cách làm bố mẹ. Nếu trong gia đình bạn có một đứa trẻ mắc “bệnh tăng động”, muốn thay đổi con trẻ, trước hết và quan trọng nhất là phải thay đổi bố mẹ. Bước thứ nhất là kiên quyết vứt ngay thuốc vào thùng rác, dũng cảm thừa nhận với con trẻ rằng, bố mẹ đã sai. Ngày này chính là khởi đầu mới cho cuộc sống của bố mẹ, cũng là khởi đầu mới cho cuộc sống của con trẻ!
Lưu ý đặc biệt
Tuổi thơ trôi qua sẽ không bao giờ trở lại, những thuốc đã từng uống cũng sẽ để lại vết tích trong cơ thể; bị gắn cái mác “bệnh tăng động” cũng sẽ để lại dấu vết trong tâm hồn trẻ.
Những khiếm khuyết về mặt tâm lý và bệnh tinh thần ở trẻ chủ yếu là vấn đề giáo dục chứ không phải là vấn đề y học, huấn luyện giáo dục sẽ có hiệu quả hơn là huấn luyện y tế.
Vết thương tâm lý sẽ khiến trẻ chịu sức ép lớn về mặt tinh thần, hành vi trở nên biến thái, hoặc là trở thành một đứa trẻ ngang ngạnh, khó bảo; hoặc là trở thành một kẻ bù nhìn hoàn toàn đánh mất chính mình; hoặc sẽ trở thành một con người cô độc, quá khích không thể sống chung với người khác – đằng sau tất cả những điều này đều là do trẻ mất cảm giác an toàn, mất tự tin.
Nếu nói thật sự có một loại thuốc có thể chữa được bệnh cho trẻ, thì có lẽ “giảm thiểu can thiệp” và “bầu không khí tự do” là hai loại thuốc tốt nhất.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.