Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 26: KHÔNG LÀM “BÀI TẬP BẠO LỰC”



Con người có thể khiến mình thích nghi với sự nô dịch, nhưng anh ta phải dựa vào việc giảm đi nhân tố trí tuệ và tố chất đạo đức để thích ứng; bản thân con người có thể thích ứng với các yếu tố văn hóa tràn đầy sự không tin tưởng và đối địch nhưng phản ứng của anh ta trước sự thích ứng này là trở nên mềm yếu và thiếu tính sáng tạo; bản thân con người có thể thích nghi với môi trường ức chế, nhưng trong quá trình thích nghi này, con người sẽ mắc bệnh thần kinh.
Đương nhiên trẻ em cũng có thể thích ứng với bài tập bạo lực, nhưng trong bài tập bạo lực bao hàm sự nô dịch, đối địch, ức chế, chúng sẽ phá hoại một cách toàn diện nhân cách và ý chí của con trẻ.
Bị phạt làm bài tập là chuyện rất nhiều người gặp phải khi còn đang đi học, đặc biệt là trong giai đoạn tiểu học.
Khi Viên Viên học lớp bốn, một hôm cô giáo dạy toán bất ngờ đưa ra một bài kiểm tra nhỏ trong giờ học, yêu cầu học sinh chép lại một định lý mà cô vừa giảng hai ngày trước. Định lý đó dài khoảng hai mươi, ba mươi chữ, cô giáo không giao cho học sinh về học thuộc từ trước, vào giờ học kiểm tra đột xuất, lại yêu cầu không được sai một chữ, chỉ cần có một chữ không khớp với nguyên văn, thì sẽ phạt chép lại mười lần định lý ngay trong tối hôm đó. Kết quả cả lớp đều bị đánh bại, người nào cũng có chỗ sai hoặc ít hoặc nhiều, chính vì thế bài tập môn toán của ngày hôm đó, ngoài những nội dung thông thường, còn có thêm phần chép lại định lý này mười lần.
Tối hôm đó về đến nhà, lúc làm bài tập, Viên Viên đã kể cho tôi nghe chuyện này, cô bé tỏ ra rất rầu rĩ trước việc chép lại mười lần định lý.
Tôi xem lại nội dung cô bé viết trong bài kiểm tra, đối chiếu với định lý trong sách, chỉ có mấy chữ không khớp với nguyên văn, về cơ bản không có gì sai khác nhiều, và cũng có thể nhận ra rằng Viên Viên đã nắm được định lý này. Tôi nghĩ, cô giáo dạy toán có cần thiết phải phạt học sinh như vậy hay không? Trong sách không đưa ra yêu cầu phải học thuộc định lý này, chắc chắn đội ngũ những người biên soạn cũng có suy nghĩ, đối với học sinh lớp bốn, quan trọng là hiểu, biết ứng dụng mới là mục đích của họ.
Học máy móc có rất nhiều điểm bất lợi, nói nó gây tổn hại cho trí tuệ và việc học của học sinh cũng không có gì là quá. Nhà giáo dục người Liên Xô Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky đã khiển trách rất nhiều về hành vi giáo viên yêu cầu học sinh phải học một cách máy móc, ông nói: “Hoạt động lao động trí óc dị dạng đó của học sinh, không ngừng phải học thuộc, thuộc một cách máy móc, sẽ gây ra sự lười nhác trong tư duy. Học sinh chỉ biết học vẹt, học một cách máy móc có thể ghi nhớ rất nhiều điều, nhưng đến khi yêu cầu anh ta phải tìm ra một nguyên lý cơ bản trong những điều mà anh ta ghi nhớ, mọi thứ trong đầu óc anh ta đều rối lên như một mớ bòng bong, đến nỗi anh ta buộc phải bó tay trước một bài tập trí tuệ cơ bản. Nếu học sinh không biết lựa chọn những thứ cần thiết nhất để ghi nhớ, thì anh ta cũng sẽ không biết cách tư duy”(1).
_______________
(1) Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky, Lời kiến nghị với các nhà giáo, Đỗ Điện Khôn dịch, NXB Khoa học giáo dục, tái bản lần thứ nhất tháng 6-1984, tr.200.
Kể cả phải học thuộc, học thuộc rồi viết một lần không tốt hay sao, tại sao cứ phải viết mười lần? Viết ra mười lần, sẽ phải mất bao nhiêu thời gian, quãng thời gian này dùng để làm việc khác không tốt hơn hay sao. Chúng ta thường nói với con trẻ rằng phải biết quý trọng thời gian, nhưng bỏ ra một, hai tiếng đồng hồ để viết loại bài tập vô nghĩa này, không phải cũng là đang lãng phí thời gian đó sao?
Điều quan trọng nhất là, cần phải bảo vệ niềm hứng thú đối với học tập cho trẻ, tất cả những chuyện không vui vẻ liên quan đến việc học đều phải cố gắng tránh. Chính vì thế tôi nghĩ, nếu bài tập này đã có ý “xử phạt”, thì không thể viết, không thể để chuyện này khiến cô bé phản cảm với bài tập.
Tôi hỏi Viên Viên hiện tại đã thuộc định lý này chưa, cô bé nói con thuộc rồi. Tôi bảo con gái viết một lần vào vở bài tập, quả nhiên không sai một chữ. Tôi cười nói với Viên Viên rằng, con đã thuộc rồi, không sai một chữ, viết một lần là được rồi. Ok, bài tập này con đã hoàn thành.
Nghe thấy vậy Viên Viên rất mừng, nhưng lập tức lại rầu rĩ nói không được, cô giáo yêu cầu viết mười lần, viết không đủ không được. Tôi nói, vì cô giáo nghĩ rằng các con chưa thuộc, mới yêu cầu các con viết mười lần; bây giờ con thuộc rồi, không cần phải viết mười lần nữa.
Viên Viên có phần lo lắng, nói: Chắc chắn các bạn trong lớp đều viết mười lần, nếu như con không viết, thì cô giáo sẽ nói con. Tôi thấy trong tiềm thức, Viên Viên đã coi việc làm bài tập này là vì cô giáo, đây là một suy nghĩ tồi tệ biết bao.
Tôi nói: Không sao, tại sao tất cả mọi người đều phải viết mười lần. Hiện giờ con viết một lần đã không sai một chữ nào rồi, thì không cần phải viết mười lần nữa. Học bài mục đích là để hiểu bài, nếu đã đạt được mục đích này, tại sao còn phải lãng phí thời gian? Tôi kéo Viên Viên từ chỗ làm bài tập là “vì cô giáo” về với làm bài tập là để “hiểu bài”, là để bồi dưỡng thái độ thực sự cầu thị của cô bé đối với việc học.
Viên Viên vẫn rất lo lắng, sợ ngày mai cô giáo nhìn thấy cô bé chỉ viết một lần, sẽ mắng cô bé. Tôi và cô bé đã đặt ra mọi giả thiết, nếu không viết mười lần, ngày mai có thể cô giáo sẽ bực mình, phê bình vài câu vẫn còn là chuyện nhỏ, có thể còn bị phạt đứng góc lớp, cũng có thể sẽ mời phụ huynh đến trường. Tôi khích lệ Viên Viên nói, ngày mai nếu cô giáo hỏi tại sao chỉ viết một lần, con nói với cô rằng mẹ em không cho em viết nhiều lần như vậy, đổ trách nhiệm lên mẹ. Nếu cô giáo phê bình, con cứ ngoan ngoãn lắng nghe, không nói gì cả; nếu cô bắt đứng phạt, thì con đứng; nếu cô giáo yêu cầu mời phụ huynh đến, con hãy gọi điện thoại cho mẹ, mẹ sẽ đến nói chuyện, giải thích cho cô. Cho dù thế nào, con cũng không cần phải quá bận tâm, bởi vì con không làm sai điều gì cả. Nghe tôi nói như vậy, mặc dù vẫn còn băn khoăn, nhưng vì không tìm được cách nào tốt hơn, Viên Viên đã đồng ý.
Trong hai sự lựa chọn để con trẻ phải hoàn thành bài tập một cách khổ sở và bị cô giáo phê bình, tôi thà chọn cách lựa chọn thứ hai. Trong thực tế tôi đã gặp nhiều bậc phụ huynh, rõ ràng họ biết có một số giáo viên bố trí bài tập bạo lực, nhưng lại vừa trách móc giáo viên, vừa không ngừng đốc thúc con trẻ mau làm bài tập, sợ con trẻ viết không xong ngày mai sẽ bị cô giáo phê bình. Làm như vậy thực ra là đảo lộn giá trị quan của con trẻ, coi “đừng để cô giáo phê bình” là sự lựa chọn hàng đầu, coi sự trải nghiệm cá nhân và tinh thần thực sự cầu thị của con trẻ là sự lựa chọn thứ hai.
Giữ thể diện cho trẻ, để trẻ không bị cô giáo phê bình trước mặt bạn bè trong lớp – đây đương nhiên là điều quan trọng, nhưng điều này đã phá hoại tính mục đích của bản thân bài tập, để con trẻ dần dần trở nên giả dối trong học tập, mất đi niềm hứng thú trong học tập, lại còn dạy con trẻ cách biết lấy lòng quyền uy. Làm như vậy thực ra sẽ tổn thất nhiều hơn.
Đương nhiên trong lòng tôi rất không mong muốn con gái bị cô giáo phê bình, nhưng thực sự không nghĩ ra được cách nào hay hơn. Không phải là tôi không thể viết thay cho con, nhưng bài tập này ngày hôm nay không giống như những bài tập bình thường mà tôi viết hộ Viên Viên, bài tập ngày hôm nay mang tính trừng phạt rõ rệt, tôi không muốn viết. Tôi muốn để Viên Viên biết rằng, không thể lấy bài tập ra để trừng phạt, phải nói “không” với loại bài tập này.
Viên Viên vẫn tỏ ra chưa yên tâm, nhưng thấy tôi rất bình tĩnh, cô bé cũng tin tưởng vào mẹ, chỉ viết một lần. Lúc này nghĩ đến việc lớp con gái có bao nhiêu bạn nhỏ, bàn tay nhỏ nhắn cầm bút, phải viết định lý đó hết lần này đến lần khác, trong lòng tôi thấy đau nhói. Hai, ba trăm chữ, đối với người lớn không có nghĩa lý gì, nhưng những đứa trẻ mới học lớp bốn này, viết ra mười lần với một tâm trạng sợ hãi và chán ghét, chắc chắn định lý này cũng sẽ không thể ăn sâu vào đầu óc chúng.
Hôm sau tôi ở cơ quan một ngày, không nhận được điện thoại của cô giáo gọi đến, tưởng rằng không còn chuyện gì nữa. Kết quả tối đến vừa về đến nhà, vừa nhìn thấy tôi Viên Viên đã chực khóc, nói hôm nay vừa vào giờ toán, câu đầu tiên mà cô giáo nói là “Hôm qua ai chưa viết đủ mười lần định lý đó thì đứng dậy!”. Không cho cô bé cơ hội giải thích nào. Viên Viên và bảy, tám bạn khác đứng dậy, cô giáo không những phạt các em đứng một tiết học, mà còn yêu cầu mấy em này ngay tối hôm đó về nhà viết một lần toàn bộ các định lý trong cả cuốn sách toán, đồng thời nói nếu như không viết đủ, ngày mai sẽ phải viết hai lần, nếu vẫn chưa đủ thì phải viết bốn lần.
Viên Viên nói với vẻ trách móc, thà hôm qua viết mười lần còn hơn, hôm nay đỡ phải viết nhiều lần như vậy.
Tôi lật sách con gái ra xem, sau đó gấp sách lại rồi đặt lên bàn, nói với cô bé bằng giọng rất thoải mái, bài tập này con không cần phải viết, một chữ cũng không phải viết. Viên Viên sửng sốt trợn tròn mắt nhìn tôi.
Tôi nói: Con xem, vừa mới vào đầu năm học, môn toán mới học được một ít nội dung như thế này, định lý này con đã học thuộc và viết được rồi, không cần phải viết nữa; nội dung phía sau thì chưa học, viết một lần để làm gì? Không cần phải đi làm những việc vô nghĩa.
Viên Viên nói không được, nếu như hôm nay không viết, ngày mai sẽ phải viết hai lần. Lúc nói ra câu này, ánh mắt cô bé lộ rõ vẻ lo lắng, bài tập môn toán trong mắt con trẻ đã trở nên đáng sợ như vậy. Đây là điều mà tôi lo lắng nhất.
Làm thế nào để bảo vệ được tình cảm của con gái đối với môn học này, để khi nghĩ đến môn toán cô bé sẽ có thiện cảm, chứ không phải chỉ nghĩ đến cô giáo dạy toán và bài tập trừng phạt? Giá trị quan của con trẻ chưa chín chắn, trong thâm tâm chúng đều sùng bái thầy cô giáo, nếu tôi chỉ dạy con không nghe lời cô giáo, có thể trong lòng cô bé sẽ cảm thấy hơi có tội. Chính vì thế tôi nghĩ xem nên làm thế nào để cô bé thực sự hiểu ra vấn đề, nhận thức đúng đắn chuyện này, giảm đến mức thấp nhất những tổn thương do chuyện này gây ra.
Tôi nghĩ đến việc bình thường Viên Viên thích ăn nhất là bánh quy, liền dùng thứ cô bé thích nhất này để hỏi: Con thích ăn bánh quy đúng không, con cảm thấy mỗi ngày ăn mấy chiếc thì được? Viên Viên rất kinh ngạc vì tự nhiên tôi lại nói đến chuyện ăn bánh quy, nhưng vẫn trả lời: Năm chiếc ạ.
Tôi nói: “Mỗi ngày ít nhất ăn mười chiếc có được không?”. Bình thường tôi có hạn chế lượng bánh quy mà cô bé ăn, trung bình mỗi ngày cô bé chỉ ăn hai, ba chiếc. Tôi nói như vậy khiến cô bé càng ngạc nhiên hơn, trả lời một cách vừa hào hứng vừa có phần ngại ngùng, nhiều quá ạ, ăn bảy chiếc – cô bé lấy con số giữa, chắc chắn là muốn được ăn thêm mấy chiếc.
Tôi nghiêm túc nói, không, nếu con không ăn đủ mười chiếc, mẹ sẽ phạt con ăn hai mươi chiếc, nếu vẫn chưa đủ sẽ phạt ăn năm mươi chiếc, nếu như không ăn được năm mươi chiếc, sẽ phạt con ăn một trăm chiếc. Như thế có được không?
Chắc chắn cô bé sẽ cảm thấy tôi vừa tàn nhẫn vừa không thể lý giải, nhìn tôi với vẻ sửng sốt, không biết phải nói gì, chiếc bánh quy đáng yêu lập tức trở nên đáng sợ.
Tôi thơm lên má cô bé nói, thực ra, làm bài tập toán cũng giống như ăn bánh quy, nếu lượng bài tập mà cô giáo giao về nhà vừa phải, thì nó là một chuyện tốt, nếu cô giao quá nhiều, thì không còn tốt nữa, có đúng không? Viên Viên gật đầu như đang suy nghĩ gì, cô bé có vẻ đã hiểu ra vấn đề. Tôi lại nói, trong chuyện này cô giáo đã làm không đúng, giao bài tập như thế là không tốt. Nếu mẹ bắt con một lúc ăn liền một trăm chiếc bánh quy con không chịu, thì cô giáo giao nhiều bài tập bất hợp lý như vậy, các con cũng không cần phải làm theo yêu cầu của cô. Không làm là đúng, làm mới là không đúng. Bài tập cũng giống như bánh quy, bản thân chúng đều là những cái tốt, chúng ta không nên biến một cái tốt thành một cái xấu, có đúng không?
Lần này Viên Viên đã hoàn toàn hiểu ra vấn đề, vẻ mặt cũng thoải mái hơn. Cô bé vẫn còn hơi lo lắng, hỏi tôi nếu như ngày nào cô giáo cũng bắt chép định lý thì thế nào. Tôi hiểu được suy nghĩ của con gái, dù về lý cô bé có hiểu đến đâu, cũng không thể có đủ can đảm ngày ngày đến trường chống đối lại cô giáo, không muốn ngày ngày bị phạt đứng góc lớp và phê bình. Tôi nói, sáng ngày mai mẹ sẽ đưa con đến trường, tìm cô giáo để giải thích với cô, nếu như cô hiểu ra được làm một lượng bài tập thích hợp mới tốt cho con thì chắc chắn cô sẽ không làm khó con nữa. Nghe tôi nói như vậy, Viên Viên tỏ ra yên tâm hơn rất nhiều. Con gái tin rằng tôi sẽ giúp được con gái giải quyết vấn đề, sẽ không làm mọi việc trở nên tồi tệ.
Sáng hôm sau tôi xin nghỉ ở cơ quan rồi đi gặp cô giáo dạy toán, cô giáo này tầm ba mươi, bốn mươi tuổi, vẻ mặt lạnh lùng. Tôi thăm dò nhắc đến bài tập của Viên Viên, nhưng cảm thấy không có đủ khả năng để trao đổi. Vừa nghe ra ý đồ đến đây của tôi, cô giáo liền tỏ thái độ rất gay gắt, vừa nói rằng cô đã bỏ ra bao tâm huyết để dạy học sinh, chỉ sợ học sinh có vấn đề nhỏ gì trong việc học; lại vừa phàn nàn hiện nay phụ huynh không hiểu giáo viên, phàn nàn học sinh không chịu chăm chỉ học hành. Cô giáo nói chuyện với tôi với vẻ mặt hầm hầm, dường như trong lòng cô có một thùng thuốc nổ, chỉ cần tôi hơi sơ ý trong lời nói, là có thể châm ngòi, khiến cô nổ tung.
Tôi rất sợ gây xung đột trong quan hệ với cô giáo, liền dỏng tai lắng nghe, mỉm cười gật gù, tỏ ra rất khiêm tốn nghe lời giáo huấn của cô, ôm mọi trách nhiệm về phía mình. Thái độ của tôi cuối cùng đã dập tắt được cơn giận của cô giáo, thái độ của cô đã có phần dịu trở lại. Tôi lại một lần nữa kéo gần lại quan hệ với cô, để cuối cùng cô nói sẽ không tra khảo về bài tập lần này nữa. Haizz, tôi cho rằng cách làm của mình cũng không hay ho gì, nhưng với tư cách là phụ huynh, trong tình huống đó, không biết ngoài việc làm như thế, còn có cách gì khác không.
Tôi rất hiểu cô giáo dạy toán này, về mặt chủ quan là cô rất muốn dạy tốt môn toán, nhưng do nền tảng văn hóa không sâu – điều này có thể nhận thấy rất rõ thông qua cuộc nói chuyện với cô – khiến cô lực bất tòng tâm trong việc dạy toán. Một người có lực học thấp thực ra cũng sẽ không biết cách dạy người khác nên học như thế nào, điều này cũng khiến cho cô một mặt áp dụng những biện pháp ngu xuẩn để dạy học, mặt khác trong lòng lại rất tự ti, thường xuyên có những cách làm biến thái.
Ví dụ, trên lớp cô có mấy cách trả vở bài tập cho học sinh. Nếu làm đúng toàn bộ, cô sẽ giao vở tận tay cho học sinh; nếu có câu sai, sẽ ném vở xuống đất, để học sinh cúi xuống nhặt; nếu học sinh có nhiều câu sai, không những ném vở bài tập xuống đất, mà còn véo má học sinh. Viên Viên bị cô véo một lần và đã khóc. Nhà trường nghiêm cấm giáo viên đánh học sinh, cô giáo này chỉ có thể áp dụng cách cấu véo. Vì chuyện này tôi đã từng gọi điện thoại phản ánh lên hiệu trưởng nhà trường, hiệu trưởng nói cảm ơn sự phản ánh của phụ huynh và sẽ xuống kiểm ra, nhưng sự việc không có gì thay đổi.
Trước mặt những người giáo viên như vậy, phụ huynh biết làm gì hơn. Tôi chỉ có thể tìm một số cơ hội để tiếp xúc với cô giáo này, cố gắng tạo quan hệ tốt với cô, để khi lần sau xảy ra chuyện gì, tiện nói chuyện với cô hơn.
Nhưng tôi không thể nói với Viên Viên những suy nghĩ và cách làm của mình. Hôm đó về đến nhà tôi chỉ nói với cô bé rằng mẹ đã gặp cô giáo dạy toán, nói cô cũng ý thức ra được rằng chép nhiều định lý như vậy không để làm gì, đồng ý không phải chép nữa. Còn những cái khác tôi không nói gì, để con trẻ cứ nghĩ đơn giản như vậy, chỉ cần giúp con giải quyết được vấn đề là tốt rồi.
Hiện nay rất nhiều học sinh phải chịu sức ép của bài tập bạo lực ở nhiều mức độ khác nhau, không chỉ do nhà trường giao, mà còn do phụ huynh giao, có bậc phụ huynh giận lên, cũng dùng bài tập để trừng phạt con trẻ. Bản chất của bài tập bạo lực là sự nô dịch của giáo viên và phụ huynh đối với con trẻ.
Nhà triết học Erich Fromm nói, con người có thể khiến mình thích nghi với sự nô dịch, nhưng anh ta phải dựa vào việc giảm đi nhân tố trí tuệ và tố chất đạo đức để thích ứng; bản thân con người có thể thích ứng với những yếu tố văn hóa tràn đầy sự không tin tưởng và đối địch nhưng phản ứng của anh ta đối với sự thích ứng này là trở nên mềm yếu và thiếu tính sáng tạo; bản thân con người có thể thích nghi với môi trường ức chế, nhưng trong quá trình thích nghi này, con người sẽ mắc bệnh thần kinh(1). Đương nhiên trẻ em cũng có thể thích ứng với bài tập bạo lực, nhưng trong bài tập bạo lực bao hàm sự nô dịch, đối địch và sự ức chế, chúng sẽ phá hoại một cách toàn diện nhân cách và ý chí của con trẻ.
______________
(1) Erich Fromm, Người vì mình, Tôn Y Y dịch, Tam Liên thư điếm, tháng 11-1988, tr.41.
Trước hết phụ huynh nhất thiết phải chú ý, bản thân mình tuyệt đối không được đưa ra bài tập bạo lực; đồng thời cũng phải ủng hộ con trẻ nói không với loại bài tập này từ phía nhà trường. Phụ huynh phải tích cực tìm kiếm cơ hội trao đổi với nhà trường, giáo viên, có thể tìm giáo viên để nói chuyện, có thể phản ánh với nhà trường, cũng có thể tự mình nghĩ cách để bảo vệ con trẻ. Rất nhiều phụ huynh vừa phàn nàn, oán trách giáo viên giao quá nhiều bài tập bất hợp lý, vừa nhìn con trẻ khổ sở trước loại bài tập này mà buông tay đứng nhìn, tỏ ra bất lực, đây là điều tệ nhất.
Trong nhóm bạn cùng trường tiểu học của Viên Viên có lưu truyền một câu chuyện cười như sau. Có hai đứa trẻ đánh nhau, bị cô giáo phạt viết một trăm lần tên của mình. Trong đó một học sinh viết rất nhanh và được thả ra về, học sinh còn lại viết rất lâu mà vẫn chưa xong. Cô giáo phê bình cậu viết quá chậm. Cậu bé này ấm ức một lúc, cuối cùng mạnh dạn nói với cô giáo rằng: “Cô ơi, như thế không công bằng, tên bạn ấy chỉ có hai chữ là Vu Nhất, còn tên em là A Bố Đỗ La-Khố Y Ngải Tư-Ô Lực Đặc Lợi Cổ La Hách – Tất cả các phụ huynh và giáo viên, sau khi cười vui vẻ đều cần phải kiểm điểm lại mình!
Lưu ý đặc biệt
Bài tập không thể dùng để trừng phạt, cần phải biết nói “không” với dạng bài tập này. Nếu mẹ bắt con một lúc ăn liền một trăm chiếc bánh quy con không chịu, thì cô giáo giao nhiều bài tập bất hợp lý như vậy, các con cũng không cần phải làm theo yêu cầu của cô. Không làm là đúng, làm mới là không đúng. Bài tập cũng giống như bánh quy, bản thân chúng đều là những cái tốt, chúng ta không nên biến một cái tốt thành một cái xấu.
Rất nhiều phụ huynh vừa phàn nàn, oán trách giáo viên giao quá nhiều bài tập bất hợp lý, vừa nhìn con trẻ khổ sở trước loại bài tập này mà buông tay đứng nhìn, tỏ ra bất lực, đây là điều tệ nhất.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.