Không nên đọc sách “có ích”, không phải là nói không nên chọn sách hay cho trẻ, mà là trong quá trình lựa chọn phải lấy niềm hứng thú của trẻ làm yếu tố then chốt, không lấy “có ích” làm tiêu chuẩn lựa chọn.
Có vị phụ huynh của một em học sinh lớp bảy phiền muộn vì con mình không biết làm văn, hỏi tôi làm thế nào có thể giúp con học được cách viết văn.
Sau khi tìm hiểu và nắm được tình hình con chị rất ít đọc sách ngoài giờ học, tôi kiến nghị chị nên chú trọng vào vấn đề này, đồng thời giới thiệu cho chị hai cuốn tiểu thuyết. Chị đã mua cho con hai cuốn tiểu thuyết này, con chị đã đọc, rất thích, đọc xong còn đòi mua tiểu thuyết khác về đọc. Vì chuyện này mà chị đã gọi điện thoại cho tôi, tỏ ra rất vui mừng. Nhưng một thời gian trôi qua, khi tôi gặp lại chị và nhắc đến chuyện đọc sách của con, chị lại rầu rĩ nói hiện giờ con chị lại không thích đọc sách ngoài giờ học nữa, không biết phải làm thế nào.
Hóa ra sau khi con chị đọc xong hai cuốn tiểu thuyết này, chị liền vội mua một cuốn tuyển tập các bài văn mẫu của học sinh cấp hai. Cách lý giải của người mẹ này là, đọc sách ngoài giờ học là để nâng cao trình độ viết văn, chỉ đọc mỗi tiểu thuyết không có tác dụng gì, đọc sách tuyển tập các bài văn mẫu, học xem người ta viết như thế nào, mới học được cách làm văn. Nhưng con chị không chịu đọc tuyển tập các bài văn mẫu. Chị liền đặt ra điều kiện với con: Con đọc xong cuốn tuyển tập những bài văn mẫu mới được mua sách khác. Mặc dù lúc đó cậu con đồng ý, nhưng vẫn không chịu đọc tuyển tập những bài văn mẫu, kết quả là cuốn sách này vẫn vứt ở đó, hiện giờ cậu con cũng không nhắc tới việc mua sách ngoài nữa, niềm say mê đọc sách vừa gây dựng được đã bị phá vỡ như vậy.
Cách làm của vị phụ huynh này khiến người ta phải thốt lên rằng, chị không hiểu được giá trị dinh dưỡng của tiểu thuyết, cũng không ý thức được rằng đọc sách phải gắn liền với niềm say mê. Chị cho rằng đọc tiểu thuyết không “có lợi” như đọc tuyển tập những bài văn mẫu. Cách nghĩ này giống như việc muốn bổ sung vitamin cho trẻ, nhưng lại lấy một hộp mứt hoa quả đã qua chế biến để thay thế một giỏ táo tươi, thật là sai lầm.
Từ trước đến nay tôi không tán thành việc học sinh đọc sách tuyển chọn những bài văn mẫu, chính vì thế cũng không bao giờ để Viên Viên đọc. Hầu hết sách mà Viên Viên đọc ngoài giờ học là tiểu thuyết, ngoài ra còn có truyện ký, lịch sử, tuỳ bút… Chỉ có điều lên lớp mười hai, để nắm bắt được những vấn đề then chốt trong bài văn thi đại học, Viên Viên mới đọc một cuốn Tuyển tập những bài văn thi đại học đạt điểm tối đa. Viên Viên đã đạt điểm rất cao trong môn văn thi đại học, có lẽ cũng có quan hệ nhất định với những bài văn đạt điểm tối đa mà cô bé đã nghiên cứu đó. Nhưng ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu không có sự kiên trì đọc sách trong mười mấy năm qua và phong cách viết văn đã hình thành, thì trước khi thi đại học dù có đọc bao nhiêu cuốn Tuyển tập những bài văn đạt điểm tối đa cũng không ăn thua.
Hiện nay, không ít bậc phụ huynh không quan tâm đến việc đọc sách ngoài giờ học của con, chỉ thích mua sách tuyển chọn những bài văn mẫu cho con trẻ, đặt tạp chí làm văn dành cho học sinh cấp một và cấp hai, cấp ba. Đây là một sự ngộ nhận lớn.
Tôi đã từng đọc một số bài văn mẫu của học sinh cấp một, cấp hai, cấp ba cũng như những bài văn đăng trên tạp chí làm văn, những bài viết đăng tải trên đó đương nhiên là lời văn trôi chảy, đối với một đứa trẻ, viết ra được những câu văn như thế cũng là khá lắm rồi. Nhưng dù viết hay đến đâu, những bài văn đó cũng chỉ là bài tập làm văn của các em, không phải là sáng tác, ngoài giáo viên hoặc biên tập viên, có ai muốn đọc những bài văn đó.
Hơn nữa có rất nhiều bài văn thể hiện rõ vết tích được người lớn hướng dẫn, nói những lời không thật lòng, thậm chí mang văn phong thời Cách mạng văn hóa. Những bài văn này vừa không thể làm phong phú thêm kiến thức cho trẻ trong vấn đề ngôn ngữ, từ vựng, vừa không thể định hướng cho trẻ tiến bộ về mặt tư tưởng, mà còn dạy cho trẻ viết những điều văn hoa giả dối. Mang những thứ này đưa cho trẻ đọc, làm sao trẻ thích được. Có không ít cuốn những bài văn mẫu của cấp một và cấp hai, cấp ba được ra đời rất buồn cười.
Hai, ba người tập trung nhau lại, kiếm một giấy phép xuất bản, thuê một cơ sở, sau đó lấy danh nghĩa ban tổ chức một cuộc thi viết văn nào đó, gửi thư cho tất cả các địa phương trong cả nước để thông báo cho các học sinh gửi bài dự thi. Về cơ bản những người nộp bài văn dự thi đều được chọn, sau đó nói rằng bài văn của bạn đã đạt được giải mấy, những tác phẩm đạt giải sẽ được xuất bản thành sách, mỗi cuốn bao nhiêu tiền, ít nhất phải mua bao nhiêu cuốn. Sau khi phụ huynh gửi tiền đi, hầu hết cũng đều nhận được sách có đăng bài văn của con mình, chỉ có điều sách rất dày, chữ in trong đó vừa nhỏ vừa dày, nhìn vào mục lục thấy rất nhiều người đạt giải, tìm một hồi lâu mới tìm thấy tên con mình. Chất lượng của loại sách tuyển chọn những bài văn mẫu này không cần phải nói cũng đã biết.
Nếu nói hình thức bỏ tiền ra mua sách có đăng bài của mình vừa nói ở trên, sau một thời gian nổi lên đã có phần đi xuống thì một hình thức bỏ tiền ra để đăng bài mới xuất hiện dưới đây lại rất cao tay, dễ khiến phụ huynh và giáo viên mủi lòng.
Tôi được nghe một giáo viên tiểu học kể một chuyện như thế này. Một viện nghiên cứu khoa học giáo dục cấp quốc gia nào đó gửi giấy mời đến trường tiểu học sở tại của họ và mời trường cùng tham gia đề tài nghiên cứu khoa học. Nội dung của cái gọi là “đề tài” chính là trường tiểu học phải đặt mua ít nhất năm trăm cuốn tạp chí do Viện nghiên cứu này xuất bản. Tạp chí này chuyên đăng các bài văn của học sinh tiểu học, cả năm có mười hai kỳ, mỗi cuốn sáu tệ. “Thù lao” mà Viện nghiên cứu khoa học giáo dục này trả cho trường hợp tác là mỗi năm mỗi trường tiểu học được đăng tải hai đến ba bài văn của học sinh trên tạp chí, hoặc in một bìa in màu về trường mình. Trong thời gian hợp tác, trường tiểu học có thể mời chuyên gia của Viện nghiên cứu khoa học giáo dục đến trường giảng bài, chi phí sẽ được tính riêng. Một số giáo viên tương lai còn có cơ hội được ghi tên vào “đề tài” của Viện nghiên cứu khoa học giáo dục. Tạp chí sẽ không đăng tải những bài văn của trường không hợp tác, cũng không phát hành công khai (vì không có giấy phép phát hành ra ngoài).
Tạm thời chưa bàn đến việc đây có được gọi là “đề tài” hay không, chúng ta chỉ đứng trên góc độ của học sinh để xem các em thu hoạch được những gì.
Mỗi học sinh bỏ ra bảy mươi hai tệ mỗi năm để mua cuốn tuyển chọn những bài văn mẫu tiểu học này, mỗi trường ít nhất phải có năm trăm em đặt mua, vậy thì mỗi năm một trường học phải đóng góp cho tạp chí này ít nhất ba mươi sáu nghìn tệ. Sau đó chỉ có hai đến ba học sinh có cơ hội đăng tải bài viết trên cuốn tạp chí không công khai phát hành này – đây chưa phải là cái không đáng giá nhất, cái không đáng giá nhất là, học sinh sẽ không có hứng thú đọc loại tạp chí này, bỏ ra bảy mươi hai để mua, về cơ bản là một đống giấy vụn.
Cô giáo này phải thốt lên rằng, nếu mỗi học sinh dùng số tiền này để mua hai cuốn tiểu thuyết, sau đó gộp tất cả các sách lại, mỗi lớp làm thành một góc đọc sách, như thế sẽ có giá trị biết bao. Theo tìm hiểu của cô giáo này, “đề tài” này của Viện nghiên cứu khoa học và giáo dục không chỉ hợp tác với các trường tiểu học, mà còn hợp tác với các trường cấp hai, cấp ba số đơn vị tham gia không hề ít.
Tôi thắc mắc với cô giáo này rằng, hiện nay không phải là nghiêm cấm tình trạng bắt học sinh mua tài liệu phụ đạo ngoài giờ học theo chỉ định hay sao, tại sao nhà trường lại có thể tổ chức cho học sinh đặt tạp chí?
Cô giáo này nói, đúng là nhà trường không bắt ép, luôn nhấn mạnh “tự nguyện”. Nhưng các giáo viên không thể không thực hiện trước sự động viên của nhà trường, học sinh không thể không làm trước sự động viên của giáo viên, phụ huynh không thể không đáp ứng nguyện vọng của con em mình. Cộng với những chiêu bài như “đề tài”, “Viện nghiên cứu khoa học và giáo dục”, một trường với hơn nghìn học sinh rất dễ dàng tìm được năm trăm học sinh đặt tạp chí.
Tôi hiểu được sự lo lắng của người giáo viên có lương tâm này. Dùng việc đọc tuyển tập những bài văn mẫu hoặc tạp chí viết văn để thay thế việc đọc sách thường nhật là một sự ngộ nhận trong vấn đề đọc sách, phản ánh được nhận thức nông cạn của mọi người đối với vấn đề làm thế nào để bồi dưỡng kỹ năng làm văn cho học sinh. Không phải người thao tác không nhận thức được về vấn đề này, mà các bên trong xã hội đều tính toán lợi ích cho mình, sự nóng vội muốn đạt hiệu quả ngay có thể khiến người ta trở nên vừa thờ ơ vừa mù quáng. Chỉ có trẻ em là đáng thương, chúng không những lãng phí tiền bạc mà quan trọng hơn là lãng phí cơ hội học tập.
Cô giáo này than thở rằng, không chỉ mỗi người lớn, hiện nay trẻ em cũng trở nên vụ lợi. Rất nhiều em không thích đọc sách ngoài giờ học, nhưng lại muốn tìm được một con đường tắt để làm văn, cũng nghĩ rằng đọc tạp chí làm văn là có thể nâng cao trình độ viết văn, chính vì thế rất nhiệt tình đặt tạp chí do “Viện nghiên cứu khoa học và giáo dục cấp quốc gia” này xuất bản. Trên thực tế, qua sự quan sát của cô giáo này, mỗi lần những cuốn tạp chí này đến tay trẻ, chúng chỉ giở đọc lướt qua, xem xem có cái gì của trường mình hay không, còn về nội dung, gần như không có người nào đọc một cách nghiêm túc. Trẻ không có khả năng lựa chọn, điều này có thể lý giải, chúng ta cũng không thể quản lý được hành vi của “Viện nghiên cứu khoa học và giáo dục cấp quốc gia”, nhưng bố mẹ và giáo viên phải có trách nhiệm giới thiệu cho con trẻ một số cuốn sách hay. Trong việc lựa chọn sách để đọc, ít nhất phải “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (những điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Một cuốn tiểu thuyết hay và một cuốn tuyển chọn những bài văn mẫu được đặt trước mặt, hỏi xem mình thích đọc cuốn nào hơn, câu trả lời đã hiện ra.
Chính vì vậy ở đây điều đầu tiên mà tôi muốn nhấn mạnh là, với vai trò là tài liệu đọc theo quy định thông thường, sách tuyển chọn những bài văn mẫu không có ý nghĩa gì.
Lại còn có một trường hợp khác. Có bậc phụ huynh mặc dù không mua tuyển chọn những bài văn mẫu, nhưng lại chỉ mua cho con sách tuyển chọn những bài tản văn hay, tuyển chọn những tiểu thuyết ngắn… Họ cho rằng con còn nhỏ, bài tập nhiều, nên đọc những thứ có nội dung ngắn. Mỗi khi nhìn thấy phụ huynh lựa chọn những cuốn sách như tuyển chọn những bài tản văn của các tác giả đạt giải Nobel, trong lòng tôi luôn tự hỏi rằng, con trẻ có đọc không, đặc biệt là trẻ còn đang ở giai đoạn tiểu học?
Tôi cho rằng việc đọc sách của học sinh tiểu học và cấp hai, cấp ba nên đặt trọng tâm vào đọc tiểu thuyết dài. Trước hết là tiểu thuyết khá lôi cuốn người đọc, có thể giúp trẻ đọc một cách hứng thú; thứ hai là một cuốn tiểu thuyết dài nói về một câu chuyện lớn, có thể thu hút trẻ một lúc đọc liền mấy trăm nghìn chữ. Học sinh cấp một và cấp hai, cấp ba phần lớn không có hứng thú với tản văn, đặc biệt là các bài tản văn được dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Trung; còn tiểu thuyết ngắn dù viết rất hay, đọc xong nhiều nhất cũng chỉ có mười nghìn chữ. Con trẻ có thể đọc liền một mạch cho hết một câu chuyện lớn, nhưng rất ít trẻ có thể đọc liên tục hai mươi câu chuyện nhỏ. Thường xuyên đọc tiểu thuyết dài sẽ dễ dàng giúp trẻ rèn được thói quen đọc sách với số lượng lớn. Có thể giới thiệu một số tiểu thuyết ngắn, nhưng không nên trở thành loại sách chính để trẻ đọc.
Trong vấn đề đọc cái gì bố mẹ vừa phải định hướng cho trẻ, đồng thời cũng phải tôn trọng sở thích của trẻ, với mục đích chính là cố gắng gợi hứng thú đọc sách của trẻ, trước hết phải xem xét đến yếu tố thú vị, sau đó mới xem xét đến yếu tố có ích.
Bộ tiểu thuyết dài đầu tiên mà con gái Viên Viên của tôi đọc là tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. Sở dĩ hồi đó tôi gợi ý cho cháu đọc sách của Kim Dung là vì tiểu thuyết của Kim Dung rất hồi hộp, gay cấn, tình tiết thú vị, có thể thu hút người khác; hơn nữa lời văn của ông rất quy phạm, bút pháp lão luyện, đọc cảm thấy trôi chảy, dễ hiểu; bên trong chứa đầy những tình cảm yêu hận rõ ràng, phù hợp với tâm lý thẩm mỹ của trẻ em; có một số chi tiết miêu tả tình yêu, nhưng đều là tình yêu trong sáng không nhuốm bụi trần. Chính vì thế sau này tôi cũng gợi ý cho rất nhiều người, để trẻ đọc tiểu thuyết của Kim Dung.
Thực ra tôi không phải là người thích đọc tiểu thuyết của Kim Dung, giá như thời học sinh được đọc tác phẩm của ông, có lẽ sẽ rất thích, nhưng khi đọc tiểu thuyết của ông tôi đã công tác nhiều năm, sở thích đọc không còn nằm ở đây nữa. Sau đó tôi có đọc hai bộ, cũng chỉ là vì muốn thôi thúc Viên Viên đọc.
Vừa tiếp xúc với những bộ sách này, quả nhiên Viên Viên đã bị lôi cuốn, chưa đầy nửa năm đã đọc một lèo hết mười bốn bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. Tôi tưởng rằng sau khi đọc xong những tác phẩm này Viên Viên sẽ đọc loại sách hay hơn, tôi liền giới thiệu mấy cuốn nổi tiếng nhưng phát hiện thấy cô bé không hào hứng lắm.
Một hôm chúng tôi nhìn thấy bộ sách Hoàn Châu cách cách bán trong cửa hàng sách, lúc đó Viên Viên đang xem bộ phim này, nhìn thấy có sách bán, mắt liền sáng lên giở ra xem, phát hiện thấy các tình tiết trong truyện về cơ bản là giống trong phim, nên rất hào hứng và mua một bộ, như thế cô bé có thể biết được các tình tiết của câu chuyện trước khi ti vi chiếu. Tôi còn nhớ bộ sách đó có rất nhiều cuốn, chẳng mấy chốc mà Viên Viên đã đọc xong, vì cô bé quá có hứng thú với câu chuyện này. Đến lễ Noel, tôi lại mua một bộ Hoàn Châu cách cách II hoàn chỉnh làm quà tặng cho con gái, Viên Viên vô cùng thích thú, lại đọc hết bộ sách, và không chỉ đọc một lần. Cô bé thường giở sang một trang bất kỳ và đọc một lúc rất hào hứng.
Rất nhiều người phê phán tiểu thuyết của Quỳnh Dao nhạt nhẽo, phê phán Hoàn Châu cách cách không có “chiều sâu”, dường như để cho trẻ đọc những cuốn sách này chính là vẽ đường cho hươu chạy. Tôi lại có suy nghĩ rằng, không có chiều sâu ở đây là với đối tượng nào. Đúng là tiểu thuyết của Quỳnh Dao không phải là những tác phẩm cao siêu, nhưng giọng văn của Quỳnh Dao cũng rất quy phạm, chín chắn, gọn gàng, đối với một cô bé tám tuổi, cô thích Tiểu Yến Tử dễ thương, thích những tình tiết thú vị trong đó, thì bộ sách này rất thích hợp với cô bé. Còn về kinh điển, tôi tin rằng chỉ cần Viên Viên có nền tảng đọc tốt, một ngày nào đó sẽ có hứng thú với một số tác phẩm kinh điển.
Tôi đã từng gặp một vị phụ huynh, chị rất chú ý đến việc đọc sách của con, kể từ khi con học mẫu giáo đã kể truyện cổ Andersen cho con nghe, sau khi con chị vào lớp một và biết mặt chữ, chị chủ yếu vẫn để con đọc truyện cổ Andersen có tranh minh họa, sau khi con lên cấp hai, chị lại mua một cuốn truyện cổ Andersen toàn tập chỉ có chữ và tuyển tập các bài tản văn của những tác giả đạt giải Nobel. Kết quả có thể đoán được, con trẻ “không chịu đọc sách ngoài giờ học nữa”.
Còn có một vị phụ huynh, khi nghĩ đến việc con trẻ cần phải đọc một số cuốn sách, liền mua ngay về tác phẩm Anna Karenina và Thép đã tôi thế đấy, kết quả là anh cũng đã làm cho con sợ hãi.
Những bậc phụ huynh này đưa cho con trẻ những tác phẩm “kinh điển”, người ngoài có thể sẽ không thể phê phán sự lựa chọn của họ. Mặc dù trẻ không biết mình cần những cuốn sách nào, nhưng chúng biết mình không cần cuốn sách nào, đối với những thứ không có hứng thú, chúng chỉ có một thái độ: Từ chối.
Chính vì thế, khi chọn sách cho trẻ, bố mẹ cần phải hiểu con mình, sau đó đưa ra kiến nghị. Không nên hoàn toàn dùng con mắt của người lớn để lựa chọn, càng không nên lấy cái “có ích hay không có ích” để phán đoán giá trị, điều bố mẹ cần phải suy nghĩ là trình độ tiếp nhận và sở thích của trẻ.
Tôi còn gặp một vị phụ huynh, chị phát hiện ra đứa con đang học cấp hai của mình thích đọc tác phẩm của các nhà văn như Hàn Hàn, Quách Kính Minh – những người nổi tiếng khi còn rất trẻ liền giật mình. Thực ra chị cũng chưa bao giờ đọc những tác phẩm của các nhà văn này, không biết tại sao, lại nhận định một cách chủ quan rằng những tác phẩm này không lành mạnh, không có gì thú vị, nên luôn không cho con đọc. Kết quả vì chuyện này mà hai mẹ con thường tranh cãi với nhau, tất cả những cuốn sách mà chị giới thiệu, con đều không chịu đọc, tất cả những cuốn sách chị không cho đọc, con trẻ lại đọc trộm.
Kiến nghị của tôi là, nếu bản thân bố mẹ thường xuyên đọc sách, trong lòng biết rõ cuốn sách nào hay, có thể giới thiệu cho con; nếu bố mẹ giới thiệu cho trẻ một số cuốn sách mà trẻ cũng cảm thấy có hứng thú thì thực ra trẻ cũng rất sẵn lòng nghe theo lời gợi ý của bố mẹ. Nhưng nếu bố mẹ rất ít khi đọc sách thì không nên tuỳ tiện chỉ đạo việc đọc sách của trẻ, nên giao quyền chủ động lựa chọn cho trẻ.
Đại cương dạy học môn ngữ văn được Bộ giáo dục Trung Quốc ban hành năm 2000 đã quy định ba mươi tác phẩm văn học, mười lăm tác phẩm của Trung Quốc, mười lăm tác phẩm của nước ngoài mà học sinh cấp hai, cấp ba cần phải đọc. Tôi không biết vài năm gần đây đã có sửa đổi hay chưa. Ba mươi bộ sách đều là những tác phẩm kinh điển, có thể lựa chọn làm sách tham khảo. Nhưng nó có thích hợp để giới thiệu cho học sinh cấp hai, cấp ba hay không, e rằng cũng phải cân nhắc, dù sao thì có một số tác phẩm đã cách cuộc sống hiện nay của học sinh quá xa rồi, hơn nữa nội dung cũng không có gì rõ ràng, có lẽ nó chỉ thích hợp với trẻ sau khi đã trưởng thành.
Chắc chắn trẻ sẽ không từ chối những thứ thực sự thích hợp với mình, cái mà trẻ từ chối, hoặc đó là do bản thân tác phẩm không hay, hoặc là do không tương xứng với khả năng đọc của trẻ.
Ở đây điều mà tôi muốn nhắc nhở các bậc phụ huynh là, nhất thiết phải đưa trẻ đến các cửa hàng sách chính quy để mua sách, không nên mua sách ở những sạp hàng bên đường hoặc các quầy sách tạp, để tránh việc mua phải những cuốn sách có nội dung rẻ tiền. Phàm là những cuốn sách mua ở cửa hàng sách chính quy, đồng thời trẻ có hứng thú đọc, thì đều thích hợp đối với trẻ.
Kể cả đối với người lớn, niềm say mê đọc sách lâu dài cũng là bắt nguồn từ sự “thú vị” của sách chứ không phải sự “có ích”.
Không nên đọc sách “có ích”, không phải là nói không nên chọn sách hay cho trẻ, mà là trong quá trình lựa chọn phải lấy sự hứng thú của trẻ làm yếu tố then chốt, không lấy “có ích” làm tiêu chuẩn lựa chọn.
Trên thực tế “thú vị” và “có ích” không đối lập với nhau, những sách thú vị thường cũng là những sách có ích. Sự ảnh hưởng của một cuốn tiểu thuyết hay đối với khả năng viết văn của trẻ không hề kém một cuốn tuyển chọn những bài văn mẫu, thậm chí còn hơn. Học giả Đào Hành Tri đã từng kiến nghị coi Hồng lâu mộng là giáo trình dạy ngữ văn để sử dụng. Chính vì thế, ở đây tôi nói “không đọc sách có ích” là một cách nói hơi quá đà, mục đích là nhấn mạnh sự “thú vị”. Chỉ có sự thú vị mới có thể giúp trẻ thực hiện được hoạt động đọc sách; chỉ khi thực hiện được hoạt động đọc sách mới có thể thực hiện cái “có ích”.
Lưu ý đặc biệt
Với vai trò là tài liệu đọc theo quy định thông thường, sách tuyển chọn những bài văn mẫu không có ý nghĩa gì.
Tôi cho rằng việc đọc sách của học sinh tiểu học và cấp hai, cấp ba nên đặt trọng tâm vào đọc tiểu thuyết dài. Trước hết là tiểu thuyết khá lôi cuốn người đọc, có thể giúp trẻ đọc một cách hứng thú; thứ hai là một cuốn tiểu thuyết dài nói về một câu chuyện lớn, có thể thu hút trẻ một lúc đọc liền mấy trăm nghìn chữ.
Trong vấn đề đọc cái gì bố mẹ vừa phải định hướng cho trẻ, đồng thời cũng phải tôn trọng sở thích của trẻ, với mục đích chính là cố gắng gợi hứng thú đọc sách của trẻ, trước hết phải xem xét đến yếu tố thú vị, sau đó mới xem xét đến yếu tố có ích.
Nếu bản thân bố mẹ thường xuyên đọc sách, trong lòng biết rõ cuốn sách nào hay, có thể giới thiệu cho con; nếu bố mẹ giới thiệu được cho trẻ một số cuốn sách mà trẻ cũng cảm thấy có hứng thú thì thực ra trẻ cũng rất sẵn lòng nghe theo lời gợi ý của bố mẹ. Nhưng nếu bố mẹ rất ít khi đọc sách thì không nên tuỳ tiện chỉ đạo việc đọc sách của trẻ, nên giao quyền chủ động lựa chọn cho trẻ.
Nhất thiết phải đưa trẻ đến các cửa hàng sách chính quy để mua sách, không nên mua sách ở những sạp hàng bên đường hoặc các quầy sách tạp, để tránh việc mua phải những cuốn sách có nội dung rẻ tiền.