Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

PHẦN 4: TẠO THÓI QUEN HỌC TẬP TỐT – CHƯƠNG 23: “KHÔNG KÈM” MỚI RÈN ĐƯỢC THÓI QUEN TỐT



Thời gian bố mẹ kèm con học càng dài, vai diễn mà họ đóng càng giống giám sát viên. Và trẻ sẽ không bao giờ thích một giám sát viên, cùng lắm bề ngoài chúng tỏ ra phục tùng, nhưng trong lòng lại tuyệt đối không chịu nghe lời anh ta. Chính vì thế, kèm con làm bài tập, không thể bồi dưỡng thói quen tốt cho trẻ, mà là phá vỡ một thói quen tốt. Một người, trước hết phải là con người tự do, mới có thể trở thành một con người tự giác.
Kèm con học bài, hiện giờ đã trở thành “bài tập” của rất nhiều bậc phụ huynh.
Sau khi con trẻ vào cấp một, lối sống của cả gia đình đều sẽ bị thay đổi. Cuộc sống của trẻ bắt đầu có một cái gọi là “bài tập”, dường như nó là quân cờ domino đầu tiên, có thể tạo ra hàng loạt sự thay đổi sau đó – bài tập liên quan đến thành tích học tập của con, thành tích học tập liên quan đến việc chọn trường chọn lớp sau này, chọn trường chọn lớp lại quyết định đến tiền đồ sự nghiệp… Mỗi bậc phụ huynh có tinh thần trách nhiệm với con, làm sao có thể không quan tâm đến chuyện này được. Và thế là có rất nhiều phụ huynh đã phải bỏ một số công việc của mình, ngày ngày kèm con làm bài tập, họ mong muốn lấy cái đó để bồi dưỡng cho con thói quen tốt ham học, làm bài tập nghiêm túc. Cách kèm con học bài của bố mẹ có phần khác nhau, có người bê một chiếc ghế con ngồi bên cạnh khi con làm bài tập, một cách “kèm” rất hình tượng; có người thì liên tục đến bên bàn ngó nghiêng, trước hết là tìm hiểu xem con phải làm gì, sau đó được một lúc lại đến theo dõi xem con làm như thế nào, cuối cùng còn kiểm tra cẩn thận; dù là cách kèm nào, đều là sự tham dự từ đầu đến cuối của bố mẹ trong việc học của con, quan tâm từ đầu đến cuối.
Con trẻ có cần phải “kèm” không? Tôi cho rằng không cần.
Khi Viên Viên mới vào lớp một, nhà trường tổ chức buổi họp phụ huynh dành cho những phụ huynh mới có con vào lớp một, đưa ra yêu cầu phụ huynh cần thường xuyên kèm con làm bài tập. Nhưng chúng tôi không làm như vậy. Chỉ trong mấy ngày đầu, khi con trẻ còn đang khá lạ lẫm với cuộc sống ở trường và chuyện làm bài tập, ngồi bên cạnh con để nhắc nhở và hướng dẫn một số điều cần thiết, giúp con nhanh chóng nắm được một số kỹ năng và cách làm cơ bản. Thời gian này chỉ kéo dài khoảng một tuần, sau đó không quản con nữa – vừa không kèm con làm bài tập, cũng không kiểm tra sát sao bài tập con làm, cùng lắm chỉ nhắc một câu: Đến giờ học bài rồi đó con. Đây không phải là bố mẹ không quản, mà là để cho con hình thành nên thói quen làm bài tập tốt.
Thời gian đầu mới đi học, Viên Viên cảm thấy rất mới lạ trước việc làm bài tập, việc đầu tiên cô bé làm sau khi về nhà là làm bài tập, vẻ hào hứng đó giống như việc vừa được mua con búp bê đầu tiên trong đời. Thời gian trôi dần, cô bé đã không còn cảm thấy mới mẻ nữa. Về đến nhà đầu tiên là ăn cái gì đó, đùa nghịch, xem ti vi, lề mề không chịu đi làm bài tập. Khi phát hiện ra đã mấy ngày rồi, chỉ khi có lời nhắc nhở của chúng tôi, Viên Viên mới chịu đi làm bài tập, chúng tôi liền quyết định từ nay trở đi ngay cả lời nhắc này cũng sẽ không nói nữa. Tôi và bố cô bé ngầm hiểu với nhau rằng, chúng tôi giả vờ hoàn toàn quên chuyện làm bài tập, chỉ bận rộn với công việc của mình, hàng ngày để mặc cô bé chơi chán rồi mới đi làm bài tập.
Chẳng mấy chốc, Viên Viên đã làm mọi chuyện rối bung cả lên. Một hôm sau khi về nhà, Viên Viên không đả động gì đến chuyện làm bài tập. Đầu tiên là xem phim hoạt hình, ăn cơm xong lại chơi đồ chơi một lúc, rồi lại đọc sách, xem ti vi một lúc. Đến khi đánh răng rửa mặt xong, lên giường nằm chuẩn bị ngủ, mới sực nhớ ra hôm nay quên làm bài tập rồi, quýnh lên bật khóc. Thực ra tôi và bố cô bé đã sốt ruột từ lâu, nhưng chúng tôi vẫn giả vờ không để ý đến chuyện làm bài tập của con. Lúc này chúng tôi mới tỏ ra sốt ruột như cô bé, nói: Thật à, hôm nay con chưa làm bài tập à?
Khi nói ra câu này, chúng tôi chỉ tỏ ra hơi ngạc nhiên, không hề tỏ ý trách móc – lúc này tuyệt đối không được trách móc, con khóc, chứng tỏ con biết mình đã sai. Nếu bố mẹ nói với giọng tỏ ý trách móc và phê bình rằng, “Sao con lại quên làm bài tập, giờ thì cuống lên rồi chứ!”. Con trẻ sẽ nghe được ra ý “con thật là tệ”, “đáng đời” ẩn trong câu nói của bạn, và quên đi sự tự trách, bắt đầu chống lại lời phê bình của phụ huynh. Chúng tôi thơm lên má cô bé, nói với giọng nhẹ nhàng rằng, con gái đừng khóc nữa, ai cũng có lúc quên làm một việc gì đó. Giờ thì chúng ta phải nghĩ xem nên làm thế nào. Nghe chúng tôi nói như vậy, Viên Viên liền không khóc nữa. Bố mẹ hiểu được con như vậy, có lẽ đã đem lại được niềm an ủi lớn cho con, chính vì thế cô bé đã bình tĩnh hơn rất nhiều.
Bố Viên Viên đã sốt ruột từ lâu, lúc này buột miệng nói, thế thì ngủ muộn đi một lúc, tranh thủ làm ngay đi. Tôi nhận thấy lúc đó Viên Viên đã buồn ngủ rồi, nghe thấy bố nói như vậy, cô bé có vẻ không chịu, nét mặt tỏ ra rầu rĩ.
Phụ huynh trong lúc sốt ruột thường hay quyết định thay con trẻ, đây là điều sai lầm. Bản tính của con người là muốn làm theo những suy nghĩ của mình, bài xích mệnh lệnh của người khác. Chính vì thế trong quá trình dạy dỗ trẻ, để giúp trẻ hình thành nên ý thức tự giác, cũng là để chúng thực hiện sự quyết định của mình một cách tốt hơn, bố mẹ nên cố gắng để trẻ tự mình suy nghĩ và lựa chọn. Cho dù cùng là một sự quyết định, nếu nó không phải là mệnh lệnh từ phía bố mẹ, mà là ý nguyện của chính con trẻ, trẻ sẽ sẵn lòng thực hiện hơn.
Tôi vội nói với Viên Viên, con muốn hôm nay làm thì hôm nay đi ngủ muộn một chút để làm; nếu muốn sáng mai làm thì mẹ sẽ gọi con trước một tiếng đồng hồ; nếu sáng mai vẫn không muốn làm thì ngày mai đi học gặp cô giáo và nói rằng hôm nay con quên làm bài tập, lần này sẽ không làm nữa.
Lúc đó Viên Viên phải đối mặt với mấy sự lựa chọn này. Cô bé nghĩ một lát, biết sự lựa chọn cuối cùng không thích hợp, liền lập tức phủ định. Tôi dám khẳng định rằng, trẻ mới đi học, nếu trước đây trẻ chưa bao giờ gặp những rắc rối trong chuyện làm bài tập ở trường mầm non, nếu lòng tự trọng của trẻ chưa từng bị tổn thương, thì trẻ sẽ không đồng ý chuyện không làm bài tập. Trong đầu mỗi đứa trẻ đang ở độ tuổi đi học đều có ý thức phải có trách nhiệm với bài tập; rồi còn lòng tự trọng và sợ bị cô giáo phê bình, những điều này sẽ khiến trẻ không tùy tiện bỏ làm bài tập.
Lúc đó mặc dù Viên Viên rất muốn đi ngủ, nhưng có lẽ cô bé cảm thấy chưa làm xong bài tập trong lòng sẽ không yên tâm, không thoải mái, liền nói, bây giờ con sẽ làm. Chúng tôi bảo, thế thì bây giờ con làm đi. Cô bé liền miễn cưỡng xuống giường, lấy sách vở ra khỏi cặp, nói không muốn làm bài tập trong phòng, muốn ra phòng khách làm, có lẽ là do cảm thấy ngồi trong phòng làm bài dễ gây buồn ngủ. Tôi và ông xã cũng không nói gì thêm, chỉ tìm một chiếc ghế con cho con, để cô bé viết trên tràng kỷ, chúng tôi ai nấy tự lo việc của mình.
Một lát sau chúng tôi cũng thấy buồn ngủ, đánh răng xong xuôi, tôi bước đến ngó Viên Viên một lát. Cô bé mới làm xong bài tập ngữ văn và tiếng Anh, bài tập toán chưa làm. Tôi nói, bố mẹ đi ngủ trước đây, làm xong con về phòng ngủ nhé.
Bình thường Viên Viên ngủ rất sớm, đều là chúng tôi đưa bé vào phòng. Lúc này, Viên Viên ngẩng đầu lên, nói bằng giọng ghen tị, tại sao người lớn lại không có bài tập, chỉ có trẻ con mới phải làm bài tập! Chúng tôi liền bật cười, nói thực ra bố mẹ cũng có bài tập đấy, bố phải vẽ rất nhiều bản đồ, mẹ phải viết bao nhiêu bài, đây đều là bài tập của bố mẹ, cũng buộc phải hoàn thành đúng giờ. Đồng thời nói chúng tôi không muốn không có bài tập, không có bài tập thì sẽ bị mất việc. Thực ra bản thân con trẻ cũng hiểu tại sao phải làm bài tập, thế nên không cần thiết phải giảng giải cho chúng nghe. Chúng tôi lại thơm lên má Viên Viên, vui vẻ chúc cô bé ngủ ngon như mọi khi rồi quay về phòng mình, để lại một mình cô bé ở lại phòng khách làm bài tập.
Chúng tôi giả vờ tắt đèn, lặng lẽ lắng nghe động tĩnh của con. Viên Viên lại viết thêm khoảng mười mấy phút nữa, tự mình thu gọn sách vở rồi đi ngủ, lúc này chúng tôi mới yên tâm. Sáng hôm sau không nhắc gì đến chuyện này nữa, coi như chưa có chuyện gì xảy ra.
Ở đây tôi muốn nhắc nhở các bậc phụ huynh, không nên tỏ ra sửng sốt trước những lỗi nhỏ mà trẻ thỉnh thoảng mắc phải, trong lòng buộc phải kiên định một suy nghĩ: Nó chỉ là một “chuyện nhỏ”, không phải là một “lỗi sai”, quá trình trưởng thành của trẻ phải trải qua những “chuyện nhỏ” này, thậm chí chúng còn quan trọng hơn cả việc làm bài tập. Chính vì thế, chỉ cần khuyến khích con trẻ sửa sai là được, không nên trách móc, cũng không nên thường xuyên nhắc lại, không nên để trẻ cảm thấy ăn năn và có tội, nếu không nó sẽ có thể cố định và trở thành một khuyết điểm khó sửa ở trẻ.
Mấy ngày sau đó, về đến nhà là Viên Viên đã hoàn thành sớm bài tập về nhà, trong lòng chúng tôi rất mừng, nhưng cũng không biểu dương cô bé, chỉ bình thản nói với con gái rằng, hàng ngày con đều làm như thế này là một thói quen tốt, cần duy trì, ánh mắt tỏ vẻ hài lòng đối với con.
Bản thân Viên Viên cũng cảm nhận được sự tiện lợi và niềm vui do việc hoàn thành sớm bài tập về nhà mang lại, điều này ngay cả đối với con trẻ cũng không cần phải nói nhiều. Nhưng rốt cục Viên Viên mới chỉ là một đứa trẻ, thời gian trôi dần, cô bé lại bắt đầu tỏ ra lơi lỏng trong việc làm bài tập. Khoảng mười ngày sau lần đầu tiên quên làm bài tập, Viên Viên lại một lần nữa quên làm bài.
Hôm đó thời gian chuẩn bị đi ngủ cũng muộn hơn bình thường, cô bé sực nhớ ra chưa làm bài tập, nói hôm nay cô cho nhiều bài tập, phải mất rất nhiều thời gian để làm, nói rồi rầu rĩ muốn phát khóc. Chúng tôi vẫn áp dụng phương pháp như lần trước, an ủi vài câu, rồi để cô bé ngồi trước bàn học một mình và đi ngủ.
Có lẽ rất nhiều bậc phụ huynh khi gặp tình huống như thế này đều không nỡ lòng, cảm thấy mình ngồi cùng con, con trẻ sẽ được an ủi hơn, làm sẽ nhanh hơn. Nhưng như thế sẽ có mấy điểm bất lợi sau, một là trước mặt bố mẹ trẻ sẽ cố tình tỏ ra đau khổ, để được bố mẹ rủ lòng thương, điều này vừa ảnh hưởng đến sự chuyên tâm của trẻ khi làm bài tập, lại ảnh hưởng đến tốc độ; hai là bố mẹ ngồi kèm con làm, sẽ khiến trẻ cảm thấy không hoàn thành bài tập về nhà ít nhất không phải là chuyện cá nhân của chúng, là chuyện chung của trẻ và bố mẹ, thời gian trôi qua, dễ khiến trẻ hình thành tính ỷ lại vào bố mẹ, điều này đặc biệt không có lợi cho sự hình thành ý thức trách nhiệm ở trẻ; ba là bố mẹ ngồi bên thường không kìm được mà càu nhàu vài câu tỏ vẻ không hài lòng, “Mau viết đi, ai bảo con lại quên làm bài tập”, hoặc nhắc nhở với ý tốt “Từ nay trở đi về đến nhà nhớ làm bài tập, đừng quên nữa nhé”, hoặc là nhìn thấy con bắt đầu tỏ ra lề mề, liền đốc thúc “Làm mau lên đi, con có biết bây giờ là mấy giờ rồi không”. Tất cả những câu nói này đối với trẻ trong lúc đó đều không có ý nghĩa gì, mà còn khiến trẻ thêm bực mình. Chính vì thế kể cả khi bạn có thời gian, cũng không nên ngồi kèm con, kể cả lúc đó bạn chưa muốn đi ngủ, cũng vẫn phải giả vờ lên giường ngủ, thái độ bình thản như không có chuyện gì xảy ra, tuyệt đối không nên chỉ trích con trẻ.
Có thể có bậc phụ huynh sẽ nói, tôi không bình tĩnh được như chị, vừa nhìn thấy con chưa làm bài tập, máu nóng đã bốc lên đầu. Vậy thì, tôi muốn nói rằng, nếu phụ huynh không suy nghĩ một cách chân thành trong vấn đề đối xử với con trẻ, không xử lý một cách lý trí, chỉ làm việc theo bản tính, vừa gặp chuyện đã sốt ruột, hễ sốt ruột lại nổi cáu, điều này chỉ có thể nói bạn là một bậc phụ huynh thích sao làm vậy. Một người bố, người mẹ thích sao làm vậy, làm sao có thể không đào tạo ra một đứa trẻ cũng thích sao làm vậy?
Hôm đó quả thực là Viên Viên làm bài tập khá muộn, chúng tôi vẫn dỏng tai lắng nghe động tĩnh của cô bé, đến lúc cô bé lên giường đi ngủ đã là gần mười hai giờ. Trong lòng tôi rất xót con vì con ngủ muộn như vậy, sáng mai lại phải dậy sớm. Nhưng đây cũng là “bài tập” mà cô bé cần phải được trải nghiệm trong quá trình trưởng thành, chắc chắn qua đó cô bé cũng học được một số điều. Chúng tôi không cảm thấy con gái quên làm bài tập là một chuyện xấu, mà lại cảm thấy nó là một cơ hội giáo dục, có thể thúc đẩy hình thành nên ý thức tự giác và bồi dưỡng thói quen học hành cho Viên Viên.
Thực ra, theo như những gì chúng tôi nhớ, kể từ lần đó trở đi, Viên Viên không còn để xảy ra chuyện trước giờ đi ngủ mới nhớ ra quên làm bài tập nữa. Cô bé đã nhanh chóng học được cách sắp xếp thời gian, có lúc ở trường đã tranh thủ được thời gian hoàn thành được không ít bài tập, về nhà thông thường cũng làm rất nhanh.
Bố mẹ cần ghi nhớ một điều: Trong quá trình bồi dưỡng thói quen, nếu luôn tạo được tính chủ động cho trẻ và khiến trẻ cảm nhận được sự thành công, thì trẻ sẽ nhanh chóng hình thành được thói quen tốt trên phương diện này; nếu thường xuyên khiến trẻ cảm thấy không tự do và áy náy, trẻ sẽ hình thành nên thói quen xấu.
Con trẻ mới chỉ là trẻ con, chuyện gì làm chưa tốt, chỉ để trẻ cảm nhận được sự bất tiện do điều đó gây ra cũng đã đủ rồi. Mỗi khi mắc lỗi, trẻ cảm nhận được sự bất tiện hoặc tổn thất do lỗi lầm này gây nên, sau đó mới nảy sinh nhu cầu điều chỉnh tương ứng, giống như khát nước sẽ uống nước vậy. Mỗi đứa trẻ bình thường đều có nhu cầu điều chỉnh này. Bố mẹ không nên tức giận, không nên chỉ đạo quá đà, con trẻ mới có cơ hội chủ động điều chỉnh. Nếu trẻ vừa làm sai, bố mẹ liền phê bình một thôi một hồi, yêu cầu trẻ phải hứa hẹn, hoặc bố mẹ trực tiếp đưa ra phương án giải quyết, thì trẻ sẽ mất đi cơ hội chủ động điều chỉnh, khả năng điều tiết này cũng sẽ dần dần mất đi. Có thể nói, “phương pháp hiệu quả nhất” khiến trẻ không thể hình thành được thói quen tốt chính là: mệnh lệnh, càu nhàu và chỉ trích. Chính vì thế khi bố mẹ trách cứ một thói quen xấu nào đó của con, trước hết cần phải kiểm điểm lại phương pháp giáo dục của mình.
Mọi thói quen xấu khó sửa của trẻ gần như đều được hình thành do vấn đề nhỏ không được gợi ý, giải quyết hợp lý, xung đột hoặc va chạm lâu dài với phụ huynh hoặc giáo viên. Kèm con làm bài tập chính là cách làm đặc biệt dễ khiến trẻ hình thành nên một thói quen xấu.
Mục đích kèm con làm bài tập là mong muốn hai điều – năng suất cao, chất lượng cao. Chính vì thế vừa nhìn thấy con trẻ lề mề hoặc không nghiêm túc, liền nói với trẻ rằng phải tranh thủ thời gian, phải chăm chú làm. Ngày ngày kèm con học, những câu nói này gần như ngày nào cũng nói, vì gần như mọi đứa trẻ đều không thể ngồi yên một chỗ một lúc lâu, hầu hết cũng không thể làm bài tập thật trơn tru. Lúc đầu trẻ còn để ý đến lời của bố mẹ, thời gian dài sẽ không để tâm nữa, điều này khiến phụ huynh tỏ ra bực bội khi nói, trẻ liền bắt đầu tỏ ra chống đối bố mẹ, và thế là sự việc bắt đầu rơi vào vòng tuần hoàn xấu.
Bản tính của con người là theo đuổi sự tự do, bất kỳ công việc nào mà trẻ thích làm, khi nó biến thành một công việc bị giám sát để hoàn thành, khiến người ta cảm thấy không tự do, niềm hứng thú ẩn chứa trong đó sẽ hoàn toàn không còn nữa. Thời gian bố mẹ kèm con học càng dài, vai diễn mà họ đóng càng giống giám sát viên. Và trẻ sẽ không bao giờ thích một giám sát viên, cùng lắm bề ngoài chúng tỏ ra phục tùng, nhưng trong lòng lại tuyệt đối không chịu nghe lời anh ta. Chính vì thế, kèm con làm bài tập, không thể bồi dưỡng thói quen tốt cho trẻ, mà là phá vỡ một thói quen tốt.
Chúng ta nhất thiết phải hiểu thế nào là một thói quen tốt.
Ngồi trước bàn học đúng giờ không đồng nghĩa với việc có được thói quen học đúng giờ. “Tầm quan trọng của thói quen không chỉ dừng lại ở phương diện chấp hành thói quen và động tác, thói quen còn chỉ khuynh hướng bồi dưỡng lý trí và tình cảm, cũng như tăng thêm sự thoải mái, kinh tế và năng suất cho động tác”(1). Thói quen mà việc “kèm” tạo ra, chỉ là về mặt động tác; “không kèm” mới tạo ra không gian để thói quen lớn lên trong nội tâm của trẻ. “Kèm” không phải là giúp trẻ, mà là gây rắc rối cho trẻ.
___________________
(1) John Dewey, Chủ nghĩa dân chủ và giáo dục, Vương Thừa Tự dịch, NXB Giáo dục nhân dân, tái bản lần thứ nhất tháng 5-2001, tr.56.
Rất nhiều tờ báo, giáo viên, hoặc “chuyên gia giáo dục” đều kiến nghị hàng ngày phụ huynh nên kèm con làm bài tập, không biết tại sao họ lại nghĩ ra cách nói này. Một người, trước hết phải là con người tự do, mới có thể trở thành một con người tự giác.
Tôi đã từng gặp rất nhiều đứa trẻ xem ra thực sự cần có người kèm học, không có người ngồi kèm không thể ngồi yên một chỗ, thậm chí con trẻ còn tự mình đưa ra yêu cầu, mong bố mẹ kèm làm bài tập – nhưng sự việc này không thể nhìn nhận một cách biệt lập. Cần có bố mẹ kèm học, đây chắc chắn không phải là một nhu cầu bẩm sinh của trẻ, cũng không phải là một nhu cầu bình thường, điều đó chỉ có thể nói là trẻ đã hình thành nên một thói quen xấu. Trong quá trình học tập, trưởng thành, trẻ đã gặp phải hàng loạt những vấp váp, trắc trở, đã khiến trẻ không thể quản lý mình, tạo nên sự bất lực và nỗi lẻ loi trong nội tâm trẻ. Trẻ không tự tin vào khả năng tự quản lý của mình, đành phải cầu cứu sự giúp đỡ từ phía ngoài để kiểm soát bản thân. Trên thực tế, trong nội tâm trẻ phản đối sự “kèm cặp” này, chính vì thế kể cả có bố mẹ ngồi bên, trẻ cũng không thể tập trung vào việc học.
Trong tình huống này, bố mẹ có thể kèm trẻ một thời gian, nhưng nhất thiết phải nghĩ cách rút lui. Không rút lui, tính độc lập của trẻ sẽ không thể hình thành, vậy thì trẻ sẽ ngày càng đau khổ, ngày càng không tự giác, hiệu quả của việc “kèm” cũng càng ngày càng thấp. Đồng thời bố mẹ nhất thiết phải kiểm điểm lại xem trong thời gian qua có sai sót gì trong việc giáo dục trẻ, sự kiểm điểm này cũng sẽ quyết định đến việc bạn rút lui như thế nào, quyết định sự giúp đỡ của bạn có tạo được tác dụng tốt cho trẻ hay không. Nguyên tắc rút lui: Thứ nhất cần phải kiên nhẫn, không nên sốt ruột; thứ hai trong cả quá trình cần cố gắng tạo dựng niềm vui và cảm giác thành công cho trẻ, cho dù lúc đầu trẻ làm không được tốt, tuyệt đối không nên để trẻ cảm thấy áy náy và thất bại. Trước khi bạn rút lui phải để cho trẻ học được cách tự mình đứng dậy, nếu không trẻ sẽ ngã xuống một lần nữa, đồng thời ngã sẽ thảm hại hơn.
Nhà giáo dục người Liên Xô Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky cho rằng, nếu một người trong thời kỳ niên thiếu đã được trải nghiệm sự thỏa mãn do khắc phục được những nhược điểm của mình thì anh ta sẽ biết nhìn nhận mình bằng thái độ phê phán. Chính từ điểm này, đã bắt đầu sự tự nhận thức của một con người. Không có sự tự nhận thức, vừa không thể có sự tự giáo dục, cũng không thể có sự tự giữ kỷ luật. Một người nhỏ tuổi, bất luận anh ta ghi nhớ được câu nói “lười biếng là không tốt” đến đâu, hiểu thấu đáo đến đâu, nhưng nếu tình cảm này không thúc ép anh ta kiểm soát được mình trong hành động thực tế, thì anh ta mãi mãi sẽ không thể trở thành một người có ý chí kiên cường(1). Nếu nhược điểm của trẻ luôn phải thông qua sự thao túng của người lớn để khắc phục, thì cái gọi là “khắc phục” chính là cái hư ảo không tồn tại, chỉ có thể gọi là khuất phục. Khuất phục sẽ không trở thành một phần của sự tự chấp nhận mình, chỉ cần có cơ hội, trẻ sẽ không muốn khuất phục nữa, sẽ thoát ra khỏi sự trói buộc.
___________________
(1) Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky, Lời kiến nghị với các nhà giáo, Đỗ Điện Khôn dịch, NXB Giáo dục khoa học, tái bản lần thứ nhất tháng 6/1984, tr.343.
Kèm trẻ làm bài tập còn có một cái xấu là, một số phụ huynh vì kèm con học mà phải bỏ ra nhiều thời gian và công sức, liền nảy sinh tâm lý đòi nợ, khi thành tích học tập của trẻ không tốt hoặc trẻ có thói quen không tốt, họ sẽ nói: Mẹ phải bỏ ra bao nhiêu thời gian để kèm con học, thế mà con lại học hành như vậy! Những câu nói như vậy càng khiến trẻ mất đi lòng tin tự quản lý mình, đồng thời cũng cảm thấy có tội, điều này không có lợi cho sự phát triển đạo đức ở trẻ.
Điều cuối cùng mà tôi muốn nói là, đối với việc “kèm” hay “không kèm” không nên lý giải một cách đơn giản hóa và tuyệt đối hóa. Ở đây chủ yếu muốn nhấn mạnh rằng, bố mẹ nên bồi dưỡng cho trẻ hình thành nên ý thức tự giác, độc lập trong việc học tập và một số chuyện khác, tránh hình thành nên thói xấu ỷ lại vào bố mẹ, không tự giác. Chính vì thế “kèm” và “không kèm” là một phương châm giáo dục, hơn là phương thức hành vi, không thể định nghĩa một cách đơn giản về mặt hình thức. Ví dụ có bậc bố mẹ suốt ngày bận rộn với việc uống rượu chơi cờ, thực sự không có thời gian cũng không có tâm trạng nào để kèm con, con trẻ làm gì anh ta cũng không quan tâm, sự “không kèm” này với cái “không kèm” mà chúng ta nói ở đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Lưu ý đặc biệt
Phụ huynh trong lúc sốt ruột thường hay quyết định thay con trẻ, đây là điều sai lầm. Bản tính của con người là muốn làm theo những suy nghĩ của mình, bài xích mệnh lệnh của người khác. Chính vì thế trong quá trình dạy dỗ con trẻ, để giúp trẻ hình thành nên ý thức tự giác, cũng là để chúng thực hiện sự quyết định của mình một cách tốt hơn, bố mẹ nên cố gắng để trẻ tự mình suy nghĩ và lựa chọn. Cho dù cùng là một quyết định, nếu nó không phải là mệnh lệnh từ phía bố mẹ, mà là ý nguyện của chính con trẻ, trẻ sẽ sẵn lòng thực hiện hơn.
Đối với những lỗi nhỏ mà trẻ thỉnh thoảng mắc phải, bố mẹ không nên tỏ ra sửng sốt, trong lòng buộc phải kiên định một suy nghĩ: Nó chỉ là một “chuyện nhỏ”, không phải là một “lỗi sai”, quá trình trưởng thành của trẻ phải trải qua những “chuyện nhỏ” này, thậm chí chúng còn quan trọng hơn cả việc làm bài tập. Chính vì thế, chỉ cần khuyến khích con trẻ sửa sai là được, không nên trách móc, cũng không nên thường xuyên nhắc lại, không nên để trẻ cảm thấy ăn năn và có tội, nếu không nó sẽ có thể cố định và trở thành một khuyết điểm khó sửa ở trẻ.
Trong quá trình bồi dưỡng thói quen, nếu luôn tạo được tính chủ động cho trẻ và khiến trẻ cảm nhận được sự thành công, thì trẻ sẽ nhanh chóng hình thành được thói quen tốt trên phương diện này; nếu thường xuyên khiến trẻ cảm thấy không tự do và áy náy, trẻ sẽ hình thành nên thói quen xấu.
Bố mẹ không nên tức giận, không nên chỉ đạo quá đà, con trẻ mới có cơ hội chủ động điều chỉnh. Nếu trẻ vừa làm sai, bố mẹ liền phê bình một thôi một hồi, yêu cầu trẻ phải hứa hẹn, hoặc bố mẹ trực tiếp đưa ra phương án giải quyết, thì trẻ sẽ mất đi cơ hội chủ động điều chỉnh, khả năng điều tiết này cũng sẽ dần dần mất đi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.