Một người không thể vừa ghét một chuyện đồng thời lại có thể làm tốt chuyện đó.
Không quan tâm đến yếu tố bồi dưỡng trong môi trường, chỉ yêu cầu con trẻ có “tinh thần chịu khổ” theo ý kiến chủ quan của mình, điều này vô lý như việc cho rằng có thể vơ được một nắm tiền trong không trung, đây là cách làm của chủ nghĩa duy tâm điển hình.
Dưới đề mục này tôi muốn bàn đến vấn đề làm thế nào để bồi dưỡng cho trẻ tính chăm học.
Từ trước đến nay, một khái niệm phổ biến nhất liên quan đến học tập chính là “học tập phải cực khổ”. Rất nhiều bậc phụ huynh ngay từ khi con còn nhỏ đã rót vào đầu chúng quan niệm này, yêu cầu con phải “cực khổ”. Không ít bậc phụ huynh trước khi con vào lớp một đã nhắc nhở rằng, sau khi đi học không được chơi thoải mái nữa, phải chăm chỉ học tập. Sau khi đi học, trẻ không ngừng được dạy dỗ trong học tập phải “cực khổ nỗ lực”, đồng thời trong hoạt động học tập cụ thể cũng yêu cầu trẻ phải làm như vậy, để mong bồi dưỡng cho trẻ một thái độ học tập tốt.
Tôi cho rằng bồi dưỡng cho con trẻ tính cần cù chăm chỉ trong học tập là điều cần thiết, nhưng dùng cách nói và lối tư duy “cực khổ” yêu cầu con trẻ, thì chẳng khác gì đang làm hai việc trái ngược nhau.
Nhắc đến những thái độ học tập như “cực khổ” hay “chịu khổ”, chúng ta quen với việc thưởng thức tinh thần bền bỉ bất khuất mà nó biểu đạt, luôn luôn coi nhẹ vị “khổ” (đắng) khiến người ta không thích bao hàm trong đó. Là người lớn, khi xem xét đến mối quan hệ nhân quả của một vấn đề, sẽ vì kết quả mà chịu đựng sự khổ sở của quá trình. Phổ biến kinh nghiệm này sang con trẻ, yêu cầu trẻ phải tiếp nhận cái khổ của quá trình học tập, đổi lại vị ngọt của thành tích học lập – lối tư duy này về mặt logic sẽ không thể chỉ trích ở điểm gì, nhưng đến chỗ con trẻ, lại dễ dàng biến thành một sự ám thị không tốt.
Gắn chuyện “học tập” với một cảm giác “đắng” khiến người ta không mấy dễ chịu sẽ khiến trẻ cảm thấy có chút gì đó không vui khi nghĩ đến việc học. Ai là người thích vị đắng chứ? Một người vì một mục tiêu nào đó mà phải “chịu khổ”, thì anh ta buộc phải có đủ lý trí và nghị lực. Lý trí và nghị lực này, ngay cả người lớn không phải người nào cũng có hoặc việc nào cũng có thể bỏ ra được, dùng nó để yêu cầu con trẻ, lại càng không thích hợp.
Bản tính của con người là tránh cái khổ, hướng về niềm vui, con trẻ lại càng như vậy. Những thứ cảm thấy “ngọt” trẻ sẽ thích, những thứ cảm thấy “đắng” trẻ sẽ ghét.
Vốn chúng ta muốn trẻ thích học, nhưng lại biến quá trình học thành một cái bánh đắng, chỉ tưởng tượng kết quả là một chiếc bánh ngọt, bắt trẻ ngày ngày ăn bánh đắng nhưng lại phải nghĩ về bánh ngọt – quá trình ngày ngày đi kèm bên trẻ một cách cụ thể và chân thực, nhưng mục tiêu lại xa vời hư vô. Khi con trẻ cảm thấy chán ghét khi phải ăn bánh đắng, liền bị phê bình là “không chịu được khổ cực”, bị yêu cầu phải dùng vị “ngọt” trong tưởng tượng để che lấp cảm giác “đắng” chân thực này. Con trẻ không có đủ khả năng phản bác sự dạy dỗ của người lớn, mà chỉ cảm nhận được sự không hài hòa trong đó, cảm nhận được sự bất lực của mình, cảm thấy tự đáy lòng mình chán ghét cái “đắng”.
Một người không thể vừa ghét một chuyện đồng thời lại có thể làm tốt chuyện đó.
Nghe nói trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, một người thợ đồng hồ tốt nhất của Thụy Sĩ bị ép buộc phải làm cho Đức quốc xã một lô đồng hồ chất lượng cao. Mặc dù anh ta đã bỏ ra khá nhiều công sức, nhưng lại không thể đạt được trình độ như trước chiến tranh. Bản thân anh ta cũng không biết tại sao lại như vậy. Sau đó nhà tâm lý học đã phân tích rằng, đó là do tâm trạng của anh khi làm đồng hồ không giống nhau. Đây chính là sức mạnh của tinh thần.
Nhà giáo dục John Dewey cho rằng, trong giáo dục, “Mục đích và phương pháp phân tách nhau đến mức độ nào, ý nghĩa của hoạt động sẽ giảm đến mức độ đó, đồng thời khiến hoạt động trở thành một hình thức lao động khổ cực, một người chỉ cần có khả năng né tránh sẽ né tránh”(1). Điều này có thể giải thích vì sao phụ huynh càng yêu cầu con trẻ phải chăm chỉ học tập, con trẻ càng không hào hứng với việc học.
_________________
(1) John Dewey, Chủ nghĩa dân chủ và giáo dục, Vương Thừa Tự dịch, NXB Giáo dục nhân dân, tái bản lần thứ nhất tháng 5-2001, tr.117.
Người lớn chỉ trích con trẻ “không cực khổ” là chuyện rất dễ dàng, đi kèm với đó là phê bình con trẻ “không hiểu biết”. Dường như con trẻ không biết mặt tốt của việc học hành chăm chỉ, và thế là nói cho con trẻ hết lần này đến lần khác rằng học tập phải cực khổ nỗ lực.
Đây thực sự là quá coi thường con trẻ. Không phải trẻ em không biết học hành cực khổ sẽ đem lại thành tích cao, mà chỉ là do trẻ không làm được điều đó. Khi việc học không gợi mở được cho trẻ những trải nghiệm vui vẻ, trẻ sẽ không thể điều động tinh thần chủ động của mình được, vô tình biểu hiện ra nhiều tính xấu như lười nhác, không chịu được cực khổ, không chăm chỉ – rất nhiều người cho rằng đây là bản tính của một số đứa trẻ “vô tích sự”, nhưng thực ra chí tiến thủ thiên bẩm của trẻ đã bị bóp méo đi.
Những đứa trẻ “không cực khổ” dường như thường xuyên quên chuyện học tập, chúng luôn dành thời gian cho những việc như xem ti vi, chơi điện tử, đá bóng, gọi điện thoại…, thậm chí là ngồi mà không biết làm gì, tỏ ra “không hề có chí tiến thủ”. Người lớn phê bình trẻ, trẻ tỏ ra lì lợm không thèm quan tâm. Đối với tình huống này, phụ huynh không nên nhìn nhận một cách riêng lẻ vấn đề, không nên quy trách nhiệm một cách đơn giản lên đầu con trẻ.
Thực tế là mỗi đứa trẻ đều muốn mình học tập tốt hơn, muốn làm bố mẹ hài lòng, muốn được người lớn khen ngợi. Vì con người còn có một bản tính trời sinh, đó là có chí tiến thủ. Nếu một số đứa trẻ tỏ ra không có chí tiến thủ trong việc học, không phải là do thiếu bản tính đó, mà là do dần dần bị mất đi trong quá trình trưởng thành sau này.
John Dewey cho rằng, đối với con trẻ, vui chơi và học tập vốn không xung đột với nhau, trong điều kiện bình thường trẻ có đủ khả năng để điều hòa mối quan hệ giữa hai yếu tố này. Nếu một đứa trẻ chỉ thích chơi mà không thích học, khiến hai yếu tố này xung đột với nhau, điều đó chứng tỏ môi trường giáo dục của trẻ có một cái gì đó không tốt ảnh hưởng đến trẻ. Ông phát hiện ra rằng, “Phàm là phải làm những công việc cực nhọc, hoặc là cần phải hoàn thành những nhiệm vụ, công việc do bên ngoài ép buộc, yêu cầu được vui chơi sẽ tồn tại”(1). Chính vì thế mới nói rằng, do người lớn ám thị việc học là một “công việc cực nhọc”, hoặc dùng các phương pháp không đúng phá hoại niềm hứng thú đối với việc học tập của trẻ, khiến học tập trở thành một “công việc cực nhọc”, con trẻ mới muốn né tránh, mới muốn chơi bời một cách vô độ và lãng phí thời gian, trở nên “không biết thế nào là hay là dở” nữa.
_________________
(1) John Dewey, Chủ nghĩa dân chủ và giáo dục, Vương Thừa Tự dịch, NXB Giáo dục nhân dân, tái bản lần thứ nhất tháng 5-2001, tr.222.
Bố mẹ và giáo viên nên nghiên cứu đặc điểm của trẻ em, thấu hiểu tâm lý của trẻ, chú ý bồi dưỡng tinh thần hiếu học cho trẻ từ “tình cảm học tập”. Trẻ em rất yếu đuối và lẻ loi, đừng nên coi trẻ là vị anh hùng có thể khắc phục mọi khó khăn và không ngừng yêu cầu trẻ, đừng nên lấy sự “cực khổ” để làm khổ trẻ. Yêu cầu trẻ phải có tinh thần “nếm mật nằm gai” đồng nghĩa với việc yêu cầu một con chim non vừa mới thoát ra khỏi vỏ trứng cất cánh bay lượn trên bầu trời xanh; không quan tâm đến yếu tố bồi dưỡng trong môi trường, chỉ yêu cầu con trẻ có “tinh thần chịu khổ” theo ý kiến chủ quan của mình, điều này vô lý như việc cho rằng có thể vơ được một nắm tiền trong không trung, đây là cách làm của chủ nghĩa duy tâm điển hình.
“Chịu khổ” là một phẩm chất học tập chín chắn, nó không tự nhiên mà có, nó được phát triển trên mảnh đất của lý trí và niềm say mê. Có những đứa trẻ đã lên cấp ba, chuẩn bị thi đại học rồi mà vẫn không chịu chăm chỉ học tập, chứng tỏ phẩm chất học tập của em chỉ dừng lại ở giai đoạn nhỏ tuổi, sự đình trệ trong phát triển này là do từ nhỏ đến lớn, trong việc học trẻ không hình thành được niềm say mê, về mặt tư tưởng không phát triển được lý trí. Sự đình trệ trong việc phát triển này, chắc chắn có liên quan đến thái độ và phương pháp giáo dục của bố mẹ.
Những mâu thuẫn chủ yếu mà con trẻ phải giải quyết trong các giai đoạn học tập khác nhau sẽ khác nhau, đối với thể chế giáo dục trong giai đoạn hiện nay của Trung Quốc, tôi cho rằng giai đoạn tiểu học chủ yếu giải quyết vấn đề niềm say mê học tập, giai đoạn cấp hai chủ yếu giải quyết vấn đề phương pháp học tập, giai đoạn cấp ba mới là vấn đề chuyên cần, chăm chỉ.
Từ niềm say mê, phương pháp đến sự chuyên cần, là mối quan hệ nhân quả, nếu yếu tố phía trước không tồn tại, yếu tố phía sau sẽ không thể được thực hiện một cách tốt nhất. Trong mỗi quá trình học tập, chúng cũng không thể tách biệt nhau hoàn toàn, mà là cùng tồn tại trong từng giai đoạn; xét theo chiều ngang, cũng là một trình tự như vậy. Chính vì thế, trong mỗi hoạt động học, “niềm say mê” đóng vai trò vô cùng quan trọng, bảo vệ và chăm sóc tốt niềm say mê, mới có thể tạo ra được phương pháp, có được niềm say mê và phương pháp, mới có thể tạo ra tính chuyên cần, chăm chỉ.
Lý trí học tập được hình thành dần dần, mâu thuẫn chủ yếu của các thời kỳ khác nhau được giải quyết ổn thỏa, phẩm chất học tập mới tốt được.
Đương nhiên, khả năng của phụ huynh cũng là hữu hạn, chúng ta chưa chắc đã có đủ khả năng để trẻ cảm thấy học là “một chuyện thú vị”, nhưng ít nhất phải dùng ánh mắt và hành động của chúng ta để bảo với trẻ rằng, học là “việc không khổ”. Có thể chúng ta không có đủ khả năng làm cho trẻ nhiệt tình với việc học như khi đá bóng hoặc chơi điện tử, nhưng ít nhất phải khiến trẻ cảm thấy chuyện này bình thường và cần thiết như ăn cơm và đi ngủ. Điều này đòi hỏi chúng ta phải không ngừng suy nghĩ trong quá trình quản lý trẻ, khi nói chuyện với trẻ cần phải quan tâm đến những lời nói ngầm của mình, cảm nhận xem lời nói của mình rốt cục sẽ truyền tải cho trẻ thông tin gì.
Trong việc bồi dưỡng cho trẻ tính chăm học, không nên nhấn mạnh cái “khổ”, mà phải cố gắng xóa đi cái “khổ” – không nên nói với trẻ học tập là khổ, cũng không nên gây sức ép cho trẻ, tránh để trẻ cảm thấy buồn khổ trong việc học. Sau khi lên cấp ba, Viên Viên học hành rất mệt, thỉnh thoảng cô bé cũng phàn nàn mệt quá và tỏ ra xao nhãng. Con trẻ vốn đã cảm thấy khổ rồi, lúc này bố mẹ càng không nên dùng những lối thuyết giáo như “không biết chịu khổ” để con đã khổ càng thêm khổ, lúc này cần phải nghĩ cách làm giảm sự trải nghiệm đối với cái khổ của trẻ, nhắc nhở trẻ rằng “học không khổ”.
Tôi đã áp dụng hai cách để giúp Viên Viên.
Một là tìm một số tài liệu nói về kinh nghiệm của các thủ khoa khóa trước, đặc biệt là những bài nói về sự chịu khó chuyên cần, để cô bé hiểu rằng tất cả những bạn đạt được thành tích cao, không có ai là không chuyên cần, chăm chỉ. Bề ngoài đây có vẻ như là nhấn mạnh học tập phải cực khổ, nhưng trên thực tế lại làm giảm bớt cảm nhận của cô bé về cái khổ. Nếu các thủ khoa đã chăm chỉ như vậy thì sự chăm chỉ của mình cũng là điều bình thường. Trong quá trình này, tôi chú ý không yêu cầu con phải chịu khó, chăm chỉ. Hai là cùng con đọc cuốn Câu chuyện khoa học, mặc dù lên cấp ba việc học hành rất bận, nhưng tôi vẫn gợi ý cho con nên đọc cuốn sách này. Cuốn sách này biên soạn rất hay, nó đã trình bày khái quát quá trình phát triển của các ngành toán học, hóa học, vật lý, y học, bằng rất nhiều câu chuyện sinh động nói lên những vấn đề khó khăn trong các ngành học này. Qua đó Viên Viên thấy được rằng sự tích lũy các kiến thức khoa học của nhân loại thật không đơn giản, dễ dàng chút nào, chỉ riêng việc phát hiện khí ô xy đã phải trải qua bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu khó khăn trắc trở. Nghĩ thử xem, giờ đây mình chỉ việc cầm một cuốn sách giáo khoa mỏng để đọc hết những thành tựu vĩ đại của các bậc tiền bối, từ đó cô bé sẽ cảm thấy mình rất may mắn – mình chỉ là người hưởng thụ những thành quả vĩ đại này, có gì là khổ chứ.
Tôi làm những điều này, chẳng qua là muốn Viên Viên đứng trên tầm cao để nhìn nhận sự việc, có thể chịu khổ cực chăm chỉ, nhưng lại không cảm thấy khổ. Học sinh cấp ba đã có được lý trí khá chín chắn, nhận thức của cô bé cũng đã có thể gợi lên nghị lực của cô bé, và nghị lực có thể giảm bớt cảm giác khổ sở.
Năm lớp mười một, lớp mười hai, mỗi ngày Viên Viên học mười mấy tiếng đồng hồ, vô cùng tự giác, không bao giờ để lãng phí thời gian một cách vô lối. Trung bình mỗi ngày cô bé ngủ sáu tiếng đồng hồ, năm lớp mười hai phải uống cà phê cho đầu óc tỉnh táo. Sau khi kỳ thi đại học kết thúc, tôi hỏi cô bé có cảm thấy học như thế quá khổ hay không, cô bé nói có cơ hội dồn mọi sức lực của mình làm một việc, được hiểu một cách rõ ràng bao nhiêu kiến thức, cũng thấy rất thú vị; chỉ cảm thấy mình nên chăm chỉ, còn không cảm thấy khổ.
Sau khi kỳ thi đại học kết thúc, rất nhiều em như vừa thoát ra khỏi địa ngục, có người chỉ muốn xé hết sách vở. Viên Viên thấy lạ là tại sao mình lại không có cảm giác này, dường như cuộc sống vẫn như những ngày trước, chẳng qua là nội dung sống không giống nhau. Điều này có lẽ là do trước khi thi đại học cô bé không có cảm giác vô cùng ức chế, vô cùng mệt mỏi đó.
Tôi phát hiện ra rằng, nói với phụ huynh để trẻ “cực khổ”, thông thường dễ được họ chấp nhận; nếu nói với họ rằng không nên nói với con chuyện “cực khổ”, phụ huynh thường không thích nghe, thậm chí là phản cảm.
Có lẽ là do tư tưởng “cực khổ học hành” đã ăn sâu vào đầu óc con người; còn cách nói “không nên cực khổ” còn quá mới mẻ, thông thường chỉ dựa vào cảm giác con người đã từ chối chứ không chịu đi tìm hiểu sâu. Và một nguyên nhân nữa là, nói đến “cực khổ học hành” là đơn phương thay đổi con trẻ, đây là điều phụ huynh mong muốn; nhưng không nói đến “cực khổ” mà lại bắt con trẻ phải đạt đến cực khổ, trước hết người phải thay đổi là phụ huynh, thông thường phụ huynh sẽ bài xích điều này, vì con người không thích bị người khác làm cho mình thay đổi.
Có một cô giáo cấp ba kể với tôi một câu chuyện như thế này. Một em nam sinh của trường cô đạt được thành tích rất cao trong kỳ thi đại học, phụ huynh của em này được mời đến để trao đổi kinh nghiệm với các bậc phụ huynh trong trường về vấn đề nuôi dạy con như thế nào. Kinh nghiệm mà vị phụ huynh này tổng kết là: “Không có bí quyết gì khác, chỉ là bắt ép con phải chăm chỉ”.
Chị nói trong nhà vệ sinh nhà chị cũng có đặt sách tiếng Anh, để con trẻ ngay cả trong lúc đi vệ sinh cũng không lãng phí thời gian. Kinh nghiệm của bậc phụ huynh này được đông đảo các bậc phụ huynh khác tán thưởng, kết quả là rất nhiều bậc phụ huynh về đến nhà đều bắt ép con mình phải học, khi con đi vệ sinh cũng nhét vào tay con một cuốn sách.
Không ít phụ huynh thực hiện rất tốt, rất có phong cách trong việc giáo dục con, chính những chi tiết nhỏ trong cuộc sống thường nhật đó đã tạo nên sự thành công cho con trẻ. Nhưng khi tổng kết kinh nghiệm, rất nhiều phụ huynh không biết cách nắm bắt chi tiết, không phát hiện ra những điểm tinh túy trong hành động của mình, thường chỉ theo thói cũ nói ra một số điểm ở bề ngoài. Tôi tin rằng điều “ép con phải chăm chỉ” mà vị phụ huynh này nói là sự thật, nhưng chị chỉ trình bày một cách riêng lẻ một vấn đề. Gần như tôi có thể khẳng định rằng, chắc chắn chị có những cách làm thông minh thực sự cao tay hơn phương pháp này, nếu không, mười mấy năm con trẻ học hành, chắc chắn sẽ không thể đạt được kết quả như ngày hôm nay.
Không phải chị không muốn nói với người khác mà có thể là chị không biết cách tổng kết. Điều này cũng giống như những cuốn sách về giáo dục gia đình do một số bậc phụ huynh thành công viết hiện đang được bán trên thị trường, sự “thành công” của phụ huynh là có thật, những phương pháp được nêu trong sách cũng không phải là giả, chỉ có điều do sự hạn chế về chuyên ngành hoặc khả năng diễn đạt, phụ huynh không chắt lọc, không trình bày ra được những phương pháp thực sự hiệu quả, then chốt, mà lại chỉ nêu ra được một số cái vặt vãnh, phi bản chất. Những cái này không có ý nghĩa tham khảo gì nhiều đối với các bậc phụ huynh khác, thậm chí còn có thể bị hiểu sai đi. Nếu như phụ huynh chỉ học một chút vỏ bề ngoài, quay về chỉ đơn giản chú trọng đến vấn đề “chăm chỉ”, ngay cả thời gian đi vệ sinh của con cũng phải quản lý, e rằng cuối cùng sẽ phải thất vọng.
Và còn có một nguyên nhân khác khiến người ta đặc biệt muốn nói chuyện chịu khổ với con trẻ, đó là do có quá nhiều ví dụ chứng tỏ mối quan hệ nhân quả giữa “chịu khó” và “thành công”.
Chúng ta thường được đọc một số câu chuyện nói về các nhà khoa học, nhà nghệ thuật vĩ đại nổi tiếng trong và ngoài nước đã làm việc, học tập quên ăn quên ngủ như thế nào, những câu chuyện này thường được coi là ví dụ “chịu khó nỗ lực” để khích lệ người đời sau. Chúng khiến người ta tin vào chân lý “phải nếm cái khổ trong nhiều cái khổ, mới được làm người trên cơ người khác”.
Trên thực tế, một người học tập và làm việc quên mình, chắc chắn là do anh ta có niềm say mê, có tinh thần trách nhiệm cao đối với học tập và công việc, niềm say mê và tinh thần trách nhiệm này vô cùng mạnh mẽ, đến nỗi thường vượt quá nhu cầu sinh lý. Cái mà người bình thường nhìn thấy là “nỗi khổ” của họ trong vấn đề ăn uống ngủ nghỉ, không nhìn thấy được “niềm vui” của họ khi họ đặt mình vào những công việc mà mình yêu thích, liền tưởng rằng họ dựa vào “cái khổ” mà gặt hái được thành công. Trên thực tế, họ không “khổ”, họ chỉ “say” mà thôi, người khác không thể cảm nhận được niềm say mê của họ trong đó.
Giống như việc một số đứa trẻ tỏ ra say mê với trò chơi điện tử, ngồi vào máy là chúng cũng có thể không ăn cơm, không nghỉ ngơi – đây gọi là “chịu khó” ư, có lẽ nên gọi là “say mê” thì đúng hơn chăng? “Chịu khó” và “say mê” đều có nghĩa là phải bỏ ra thể lực và công sức, nhưng cảm giác mà chúng đem lại cho người trong cuộc lại hoàn toàn khác nhau.
Mặc dù trong cuộc sống chúng ta không cần phải phân biệt điểm tương đồng và khác biệt giữa “chịu khó” và “say mê”, nhưng trong giáo dục nhất thiết phải ý thức được rằng cảm nhận khác nhau sẽ tạo ra sự ảnh hưởng hoàn toàn khác nhau đối với trẻ.
Muốn để trẻ làm tốt một việc, trước hết nhất thiết phải để trẻ thích công việc này, ít nhất là không thể phản cảm, tránh để pha tạp những nhân tố khiến trẻ cảm thấy không vui trong việc này – học tập không nên “cực khổ nỗ lực” chính là muốn nói đến điều này.
Lưu ý đặc biệt
Bồi dưỡng cho con trẻ tính cần cù chăm chỉ trong học tập là điều cần thiết, nhưng dùng cách nói và lối tư duy “cực khổ” yêu cầu con trẻ, thì thường là đang làm việc hoàn toàn trái ngược nhau.
Do người lớn ám thị việc học là một “công việc cực nhọc”, hoặc dùng các phương pháp không đúng phá hoại niềm hứng thú đối với việc học tập của trẻ, khiến học tập trở thành một “công việc cực nhọc”, trẻ mới muốn né tránh, mới muốn chơi bời một cách vô độ và lãng phí thời gian, trở nên “không biết thế nào là hay là dở” nữa.
Giai đoạn tiểu học chủ yếu giải quyết vấn đề niềm say mê học tập, giai đoạn cấp hai chủ yếu giải quyết vấn đề phương pháp học tập, giai đoạn cấp ba mới là vấn đề chăm chỉ, chuyên cần.
Trong việc bồi dưỡng tính chuyên cần trong học tập cho trẻ, không nên nhấn mạnh cái “khổ”, mà phải cố gắng xóa đi cái “khổ” – không nên nói với trẻ rằng học tập là khổ, cũng không nên gây sức ép cho trẻ, tránh để trẻ cảm thấy buồn khổ trong việc học.