Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 33: “KHÔNG QUẢN” LÀ BIỆN PHÁP “QUẢN” TỐT NHẤT



Một đứa trẻ bị kiểm soát quá nhiều, nó sẽ dần dần từ một “tay sai” nằm dưới bàn tay quyền uy của phụ huynh biến thành một “kẻ nô lệ” của nhiều thói xấu; thói xấu của trẻ chính là xiềng xích trói buộc trẻ, khiến trẻ đau khổ. Không phải trong lòng trẻ không muốn thoát khỏi sự trói buộc này, mà là do trẻ không có đủ khả năng để giải thoát.
Một hôm, một người bạn của tôi hẹn tôi đến nói chuyện, chị muốn nói về một vấn đề của một cô bạn đồng nghiệp.
Cô bạn đồng nghiệp này cũng là một người bạn rất thân của chị, gặp khó khăn trong chuyện giáo dục con, vô cùng khổ tâm. Đồng thời, bản thân chị cũng gặp những nỗi phiền muộn tương tự, muốn gặp tôi để nói chuyện về vấn đề giáo dục con. Câu chuyện của chúng tôi được bắt đầu từ cô bạn đồng nghiệp của chị.
Cô bạn đồng nghiệp này của chị tốt nghiệp ở một trường đại học nổi tiếng, giỏi giang trong công việc, người cũng xinh đẹp, mọi việc đối nhân xử thế đều rất ổn, gần như là một người mười phân vẹn mười, chính vì thế cũng là người theo chủ nghĩa lý tưởng, trong tình yêu tôn thờ phương châm thà không có chứ không chịu xài tạm, mãi cho đến năm ba mươi sáu tuổi mới lấy chồng. Sau khi kết hôn sinh được một cậu con trai, muộn mằn mới có con nên yêu con vô cùng. Những năm qua con của các bạn cùng học đã đi học cả, thậm chí có cháu còn đã vào cấp hai, mọi người tụ họp thường than thở rằng tại sao dạy con lại khó như vậy. Lúc đó chị ngồi bên cạnh nghe nhưng thấy không tin, giáo dục trẻ con khó như vậy ư!
Khi con chị còn đang nằm trong nôi, chị đã đọc thơ Đường cho bé nghe. Chị tìm đọc rất nhiều sách về giáo dục gia đình, biết giáo dục vỡ lòng giai đoạn đầu vô cùng quan trọng. Con trẻ vừa mới học nói, hàng ngày chị đều nói chuyện với bé bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Con trai chị cũng tỏ ra rất thông minh lanh lợi, sau khi đi học trường mầm non, có một viện nghiên cứu tâm lý đến trường để thu thập số liệu, họ đã kiểm tra chỉ số IQ cho các bé, kết quả đương nhiên là phải giữ bí mật. Nhưng sau đó hiệu trưởng trường mầm non lén nói với chị rằng, con trai chị đứng đầu trường về chỉ số IQ. Chị cảm thấy mình là một bậc phụ huynh thành công, tin rằng chỉ cần mình tận tâm tận lực, chắc chắc sẽ giáo dục được một đứa con xuất sắc, thậm chí là thần đồng.
Chị dồn hết mọi tâm huyết vào công việc giáo dục con, từ những việc lớn như phát âm thế nào mới chuẩn, đến những việc nhỏ như cầm đũa như thế nào, chơi đùa ra làm sao, đều chỉ bảo từng li từng tí, chỉ cần con trẻ có chỗ nào làm không đúng, chị lập tức chỉ ra ngay, đồng thời nói với con rằng nên làm thế nào mới đúng. Nếu một khuyết điểm con trẻ tái phạm ba lần, thì sẽ bị phê bình, phê bình ba lần trở lên, mỗi lần tái phạm sẽ đánh lên mu bàn tay con một cái. Hàng ngày con chị luôn phạm những lỗi phải đánh mu bàn tay, ví dụ làm vỡ bát, sữa uống chưa hết đã bỏ đi chơi, gặp người lớn không chào, từ mới tiếng Anh học hôm qua, hôm nay đã quên mất một nửa… Chị nói, tôi đánh mu bàn tay con một cái cũng không có gì là đau, chỉ mong thông qua sự dạy bảo nghiêm khắc này để con trẻ nhớ lâu, chị tự tin rằng dưới những yêu cầu như thế con chị sẽ ngày càng hoàn hảo.
Chị bạn tôi nói, chị đã mấy lần đến chơi nhà người bạn này, phát hiện thấy chị ấy thực sự hết lòng với con. Mặc dù đang ngồi nói chuyện với bạn, nhưng có cảm giác là đầu óc chị không rời cậu bé, liên tục nói với con một câu gì đó, ví dụ “đến giờ làm bài tập rồi”, “chưa lau sạch nước trên tay, lau lại đi”, “đừng đi đôi giày đó, đôi này hợp với bộ quần áo của con hơn…”.
Chị bạn tôi than thở nói, người mẹ đã hết lòng tới mức độ này rồi, nhưng không hiểu tại sao con chị càng ngày càng kém, hồi mới vào cấp một, là một trong ba học sinh đứng đầu lớp, đến khi hết lớp sáu, tốt nghiệp tiểu học(1), đứng đội sổ thứ ba từ dưới lên. Hiện giờ em này đã vào cấp hai, mọi phương diện vẫn không có gì khởi sắc, kể cả từ nhỏ đã học tiếng Anh, thành tích học tập cũng rất kém, tóm lại là không có dấu hiệu gì chứng tỏ chỉ số IQ cao. Hơn nữa tính cách của em cũng rất nội tâm, vừa không chịu nghe lời, nhưng lại vừa tỏ ra rất nhút nhát. Mẹ em thực sự không hiểu nổi, mình đã dồn hết tâm huyết giáo dục con, tại sao hiện giờ lại ra nông nỗi này, chị cảm thấy số phận như đang đùa cợt với chị.
___________________
(1) Theo chương trình giáo dục phổ thông của Trung Quốc, bậc tiểu học gồm từ lớp một đến hết lớp sáu (ND).
Chị bạn hỏi tôi rằng: Chị thử nói xem vấn đề nằm ở đâu, phải làm gì với cậu bé này?
Tôi nghĩ một lát rồi nói: Vấn đề vẫn nằm ở người mẹ. Phương pháp cải thiện rất đơn giản, nhưng tôi nghĩ rằng, chính vì đơn giản nên e rằng người mẹ này rất khó thực hiện, hoặc là chị ấy không hề muốn làm như vậy. Trước ánh mắt hồ nghi của chị bạn, tôi nói với chị rằng, vấn đề của người mẹ không chịu thua chị kém em này chính là quản con quá chặt chẽ, quá nghiêm khắc. Phương pháp điều trị đương nhiên phải là ngược lại, tức là “không quản”.
“Không quản?”. Chị bạn tròn mắt.
Tôi nói, có lẽ chúng ta thường xuyên phát hiện những tình huống như thế này: Những phụ huynh quản con quá chặt chẽ, quá nghiêm khắc, phần lớn đều là những người rất chỉn chu trong công việc, trong cuộc sống, động cơ thành công của họ rất mạnh mẽ, khả năng tự quản của họ rất tốt, trong công việc hoặc sự nghiệp đều là những người đặt ở đâu cũng làm tốt, đạt được những thành tựu nhất định. Cũng chính vì thế, trong việc giáo dục con trẻ, họ càng khát khao thành công hơn, cũng rất tự tin, mang mô hình quản lý mình áp dụng vào con trẻ. Tuy nhiên, về cơ bản họ đều thất vọng.
Chị bạn gật đầu, nói đúng vậy, đúng là như vậy, nhưng tại sao lại như thế nhỉ?
Tôi nói, ở đây có một vấn đề, trẻ em không phải là một tảng đá, những đường nét chạm khắc trên đó, không hoàn toàn là suy nghĩ của riêng người thợ. Giả dụ nếu nhất thiết phải ví bố mẹ như một nhà điêu khắc, thì những vết tích mà công việc điêu khắc, giáo dục này để lại được hình thành trên sự tác động qua lại giữa hai bên. Bố mẹ với vai trò là người thợ điêu khắc nếu không nhìn thấy sự tác động qua lại này, coi nhẹ cảm giác của con trẻ, cho rằng trong vấn đề chịu sự giáo dục, trẻ em là một tảng đá không có tính đàn hồi, điêu khắc như thế nào sẽ như thế đó, vậy thì hòn ngọc trong tay anh ta cũng sẽ biến thành một hòn đá, hoặc một đám vật liệu vụn – không nhìn thấy sự tác động qua lại này, sẽ không thể nói đến việc tôn trọng trẻ. Một biểu hiện điển hình nhất của sự không tôn trọng trẻ chính là quản thúc trẻ quá nhiều, hay cũng chính là chỉ đạo hoặc can thiệp quá nhiều, rất nhiều trình tự phát triển bình thường của trẻ bị đảo lộn.
Chị bạn gật đầu như đang có suy nghĩ gì.
Tôi nói tiếp, qua lời tường thuật của chị, tôi có thể cảm nhận được rằng, vị phụ huynh này đúng là rất tận tâm, nhưng thực tế là yếu tố giáo dục trong hành vi của chị ấy chiếm rất ít, mà phần lớn là “mệnh lệnh” và “giám sát”. Mệnh lệnh và giám sát là giáo dục ư? Không phải! Nếu giáo dục mà đơn giản như vậy, vị phụ huynh nào cũng có thể thỏa lòng ước nguyện, thế giới đã không còn những lời than thở con không thành tài nữa. Thành phần chủ yếu của mệnh lệnh và giám sát là quản thúc, kiểm soát. Hiện nay về cơ bản mỗi gia đình chỉ có một đứa con, phụ huynh có rất nhiều thời gian và công sức để quản lý con trẻ. Và người ta càng ngày càng nhận thức được rằng sự khác biệt trong giáo dục trẻ em chủ yếu được thể hiện trong giáo dục gia đình, chính vì vậy mỗi bậc làm bố làm mẹ thời gian đầu đều tập trung hết mọi sức lực, muốn giáo dục tốt đứa con của mình. Tuy nhiên giáo dục trẻ em quan trọng nhất là vấn đề nghệ thuật, chứ không phải là vấn đề bỏ ra bao công sức, vất vả hay không vất vả. Chỉ có những người chú trọng nghệ thuật giáo dục mới có thể giáo dục tốt con trẻ. Nếu chăm chỉ một cách bừa bãi, áp dụng một cách không khoa học, sẽ chỉ khiến sự việc càng làm càng hỏng – điều này có thể giải thích tại sao cậu con của cô bạn đồng nghiệp của chị càng ngày càng đi xuống.
Tiếp đó tôi phân tích rằng, thực ra trước mặt con trẻ, người mẹ này luôn đóng vai trò của một nhân vật quyền uy, vì chỉ có nhân vật quyền uy mới có đủ tư cách không ngừng mệnh lệnh và giám sát người khác. Trong khi xét về bản tính của con người, không ai thích suốt ngày có một nhân vật quyền uy đứng lừng lững trước mặt mình. Mọi sự phục tùng đối với quyền uy đều bao hàm sự ức chế và không vui, đều sẽ hình thành nên mối xung đột trong nội tâm – đương nhiên con trẻ sẽ không có nhận thức rõ ràng về vấn đề này, trẻ thường xuyên cảm thấy không thoải mái, cảm thấy làm việc gì cũng không được tự do, thường xuyên không thể làm cho người lớn hài lòng, điều này khiến trẻ cảm thấy rất bực bội. Và thế là chúng dần dần trở nên không nghe lời, không có khả năng tự kìm chế, không tự tin, ngờ nghệch và buồn khổ. Chính vì thế phụ huynh nhất thiết phải cảnh giác trước sự “thái quá bất cập” này, không nên đóng vai trò như một kẻ quyền uy trước mặt con trẻ (mặc dù xuất hiện dưới hình thức tình yêu ôn hòa). Một đứa trẻ bị kiểm soát quá nhiều, nó sẽ dần dần từ một “tay sai” nằm dưới bàn tay quyền uy của phụ huynh biến thành một “nô lệ” của nhiều thói xấu; thói xấu của trẻ chính là xiềng xích trói buộc trẻ, khiến trẻ đau khổ. Không phải trong lòng trẻ không muốn thoát khỏi sự trói buộc này, mà là do trẻ không có đủ khả năng để thoát khỏi nó. Không phải người lớn chúng ta cũng thường xuyên có cảm giác này đó sao?
Chị bạn nói, đúng vậy, nghe em phân tích như vậy, cảm thấy đúng là như thế. Xem ra từ sau phải quản con trẻ ít đi thôi.
Tôi gật đầu nói đúng là phải như vậy, chính vì thế, chúng ta có thể tổng kết những suy nghĩ ở trên thành một câu nói: “Không quản” là biện pháp “quản” tốt nhất.
Chị bạn tôi cười, nói câu này tổng kết hay quá, đồng thời nói mình phải ghi nhớ câu này khi giáo dục con trẻ, và chị cũng sẽ nói để cô bạn đồng nghiệp đó ghi nhớ điều này. Tôi nói, chị có thể phân tích cho cô bạn nghe câu nói này, nhưng không nên kỳ vọng chắc chắn cô ấy sẽ tiếp nhận. Tôi đã từng nói với không ít phụ huynh, không hiểu tại sao, một số phụ huynh vừa nghe đến từ “không quản” liền tỏ ra phản cảm.
Thấy chị bạn có vẻ kinh ngạc, tôi liền kể cho chị nghe câu chuyện dưới đây.
Mấy hôm trước tôi gặp một vị phụ huynh giáo huấn cậu con trai của mình rằng, hồi nhỏ nhà ông bà nội đông con, ông bà lại bận, có ai quản bố đâu, bố được như ngày hôm nay, không phải dựa vào tính tự giác của mình đó sao. Bố và mẹ con quan tâm đến con như vậy, hàng ngày bỏ ra bao nhiêu thời gian kèm con học hành, nhưng con lại không hề cố gắng, tại sao con lại thiếu tự giác như thế?
Vì tôi và vị phụ huynh này biết nhau khá rõ, nên tôi nói thẳng với anh rằng: Anh nói đúng, chính vì hồi nhỏ không có ai quản anh, nên anh mới học được tính tự giác; con trai anh không tự giác, chính là do cháu bị quản một cách thái quá. Những việc mà đáng lẽ cháu phải nghĩ, thì đều có bố mẹ nghĩ thay rồi; những điều mà cháu cần phải tự mình cảm nhận, thì đã có bố mẹ nhắc nhở cho rồi, việc gì cháu còn phải tự mình để ý những chuyện này nữa, cháu làm gì có cơ hội để học cách tự quản lý mình nữa? Người bố này không hài lòng với câu nói của tôi, bèn phản bác “Nếu nói như chị, không quản con trẻ, là có thể làm tròn bổn phận của người làm bố làm mẹ ư, sự hết lòng của chúng tôi là sai ư?!”. Vì chuyện này mà một thời gian dài anh không thèm chuyện trò gì với tôi.
Phản ứng của vị phụ huynh này không có gì là bất ngờ. Tôi đã gặp không ít bậc phụ huynh quản thúc con quá nhiều, luôn muốn thuyết phục họ cho trẻ một ít không gian và thời gian tự do, để cho trẻ có cơ hội phạm một số sai lầm, liền đề nghị họ từ sau quản lí con trẻ ít thôi – đây là con đường buộc phải kinh qua để có thể giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên lời đề nghị của tôi phần lớn vấp phải những lời chất vấn của phụ huynh. Trong mắt họ, để phụ huynh “không quản” con trẻ đồng nghĩa với việc bắt họ từ bỏ quyền nuôi dưỡng con, họ cảm thấy rất chối tai và phản cảm. Thực tế là họ không muốn đi lý giải cái “không quản” mà tôi nói ở đây là gì – nó không phải là bỏ bớt trách nhiệm của bố mẹ, mà là một phương thức giải quyết vấn đề, một phương thức tư duy tôn trọng con trẻ mà phụ huynh cần phải tạo dựng trong lòng.
Chị bạn tôi gật đầu, phụ huynh luôn yêu cầu con trẻ phải sửa khuyết điểm này khuyết điểm nọ; nhưng đối với những khuyết điểm mà người khác chỉ ra cho họ, họ lại không chịu chấp nhận, trong lòng không chịu thừa nhận mình có khuyết điểm này. Tôi cũng gật đầu, đây chính là lý do vì sao làm công tác tư tưởng cho phụ huynh vô cùng khó, cũng là nguyên nhân căn bản khiến rất nhiều vấn đề ở trẻ khó được giải quyết.
Chúng tôi trầm ngâm trong giây lát, chị bạn nói, những điều em nói chị đã hiểu hết rồi. Tuy nhiên, chị có một vấn đề cụ thể. Giả dụ con trẻ chuẩn bị thi đến nơi rồi, ví dụ sắp thi vào cấp ba hoặc thi đại học, mà con vẫn không chịu học, hoặc là chuẩn bị phải thi hết học phần môn đàn piano rồi, mà con vẫn không chịu tập trung luyện đàn, thế thì phụ huynh nên làm thế nào, lẽ nào cũng không nói gì ư?
Tôi nói, đối với một đứa trẻ, sắp có kỳ thi quan trọng đến nơi mà vẫn không chăm chỉ học tập, đây thực sự là một vấn đề khá nghiêm trọng. Nhưng sự “không tự giác” này chỉ là hiện tượng bên ngoài, đằng sau phản ánh một loạt vấn đề, ví dụ không đủ lý trí, chán ghét, khả năng tự kiểm soát kém, giá trị quan không chín chắn, thiếu lòng tự trọng, tự ti… Nói thật là hàng loạt vấn đề này có mối quan hệ nhân quả nhất định với cách quản lý không phù hợp của phụ huynh từ lâu nay. Nếu bố mẹ muốn quản, thì nhất thiết phải thay đổi phương pháp, dùng phương pháp trước đây chắc chắn là không ổn, bởi tình trạng hiện nay của trẻ chính là kết quả của biện pháp “quản” mà bạn áp dụng từ lâu nay. Còn về chuyện dùng phương pháp gì để quản, tôi không thể đưa ra một biện pháp có hiệu quả ngay lập tức, chỉ có thể nói phải dựa vào tình hình cụ thể của từng đứa trẻ, bệnh nhẹ trị nhẹ, bệnh nặng trị nặng, vấn đề của trẻ càng nghiêm trọng, bố mẹ càng phải thay đổi phương pháp giáo dục một cách căn bản, càng phải có đủ độ kiên nhẫn, tìm cách bồi dưỡng ý thức tự giác của trẻ. Về điểm này, tôi vẫn muốn nêu ra kinh nghiệm của mình. Có thể sẽ là một sự gợi ý cho các bậc phụ huynh.
Khi con gái Viên Viên của tôi vào lớp mười, nhân dịp lễ Giáng sinh chúng tôi đã tặng cho cô bé một chiếc máy CD bỏ túi, ý định của chúng tôi là muốn để con nghe nhạc sau những giờ học căng thẳng. Nhưng cô bé thường xuyên vừa làm bài tập vừa nghe nhạc, cách vài ngày lại đi mua đĩa, thuộc như lòng bàn tay những ca sĩ, ca khúc nổi tiếng thời đó. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, học như vậy chắc chắn sẽ bị phân tâm. Nếu còn đang ở giai đoạn tiểu học, cô bé làm như vậy chúng tôi cũng không sốt ruột. Nhưng giờ đã lên cấp ba, thời gian quý giá như vậy, cạnh tranh khốc liệt như vậy, chỉ cần lơ là một chút, người khác sẽ vượt lên trước mình ngay. Tôi và ông xã có phần sốt ruột, liền nhắc nhở con trong lúc học tốt nhất không nên nghe nhạc, giải thích cho con rằng, bài tập ở cấp ba và ở cấp một không giống nhau, không phải là để hoàn thành, mà là để suy nghĩ và lý giải vấn đề trong quá trình làm.
Lần đầu chúng tôi nói, Viên Viên đáp rằng con biết rồi, đồng thời nói cô bé cảm thấy không ảnh hưởng đến việc học. Mấy ngày sau, chúng tôi nhìn thấy con gái ngày ngày vẫn vừa đeo tai nghe vừa làm bài tập, không kìm được, lại nhắc con. Lần này cô bé tỏ ra hơi bực, trách chúng tôi nói nhiều, nói cô bé tự biết như thế nào mới là tốt, bảo chúng tôi đừng quản cô bé nữa.
Một thời gian rất dài sau đó, mặc dù miệng chúng tôi không nói gì, nhưng trong lòng vẫn vô cùng sốt ruột. Không chỉ mỗi chuyện nghe nhạc, chủ yếu là thái độ lơ là trong học tập mà cô bé thể hiện ra đã khiến chúng tôi lo lắng. Lúc này, rất nhiều lần chúng tôi cũng đã nảy ra ý định “quản”, nhưng cuối cùng vẫn kìm lại. Sau khi bàn bạc, tôi và ông xã quyết định, chuyện này không quản cô bé nữa, mặc kệ con.
Chúng tôi có suy nghĩ như thế này: Có lẽ là do cô bé chỉ cảm thấy mới lạ, hơn nữa hiện tại việc học chưa quá mức căng thẳng, lớp mười một, mười hai học hành sẽ căng thẳng hơn, đồng thời cảm giác mới lạ cũng sẽ hết, tự nhiên cô bé sẽ thấy lo lắng. Có lẽ là do cô bé bị ức chế về mặt tâm lý, muốn dùng phương pháp này để thả lỏng mình, sự lơ là mà cô bé đang thể hiện ra là một trạng thái mà cô bé buộc phải trải qua khi tự điều chỉnh mình. Có lẽ cô bé chỉ say mê âm nhạc, rất nhiều người trong độ tuổi thanh thiếu niên đều tỏ ra rất say mê một thứ gì đó ở một giai đoạn nào đó, nếu ngăn chặn thô bạo sẽ không tốt – với bao giả thuyết “có lẽ” này, chúng tôi phân tích rằng hành vi học tập của con người do hai hệ thống hợp thành, một hệ thống là cơ thể, một hệ thống là tâm lý. Dùng phương pháp ép buộc có thể khiến một đứa trẻ ngồi xuống trước bàn học, mắt nhìn vào sách vở, tay cầm bút – kể cả mọi bộ phận trên cơ thể em đó đã vào vị trí, nhưng không ai có thể khiến suy nghĩ của em cũng vào được vị trí. Nếu không xuất phát từ tính tự giác tự nguyện, kể cả chúng tôi có yêu cầu Viên Viên cất máy CD đi, cô bé cũng sẽ không vì thế mà chuyên tâm học hành hơn, ngược lại, đầu óc có thể càng cách xa việc học. Nếu Viên Viên nói không ảnh hưởng đến việc học đồng thời nói mình biết thế nào mới là tốt, chúng tôi phải nghe theo lời con.
Chính vì thế, tôi và ông xã đã nhắc nhở nhau, quản chặt cái miệng của mình, không nói về chuyện này nữa. Trong quá trình này chúng tôi cảm nhận được rằng, “không nói” là một chuyện còn khó thực hiện hơn cả “nói”. Hành vi của con trẻ hàng ngày đều là sự thách thức về tâm lý đối với bạn, điều đó thực sự đòi hỏi phụ huynh phải có đủ lí trí và lòng nhẫn nại để giải quyết chuyện này. Đương nhiên, thời gian trôi qua, chúng tôi đã thực sự không để tâm đến nữa, quên hẳn việc quản cô bé. Không biết từ bao giờ, Viên Viên không còn nghe nhạc trong lúc học nữa, mãi cho đến khi chúng tôi phát hiện ra chiếc máy CD trên giá sách của cô bé đã bám rất nhiều bụi.
Sau khi vào đại học tôi đã hỏi Viên Viên chuyện này. Viên Viên nói vừa nghe nhạc vừa làm bài tập chắc chắn sẽ bị phân tâm, điểm này thực tế cô bé cũng biết, nhưng lúc đầu lại cứ thích nghe, không kiểm soát được mình. Đến năm lớp mười hai học hành căng thẳng như vậy, trong lòng không muốn để việc gì ảnh hưởng đến việc học nữa, khi làm bài tập đương nhiên cũng sẽ không nghe nữa. Xem ra trong lòng con trẻ cũng hiểu rất rõ mọi việc, chỉ cần trẻ có chí tiến thủ, có tinh thần trách nhiệm đối với mình, chắc chắn sẽ tự điều chỉnh mình.
Chị bạn tôi nói: Ừ, càng nghe chị càng hiểu rõ hơn, đây chính là phương pháp “vô vi nhi trị”(1) của Lão Tử.
_________________
(1) Vô vi nhi trị: Tư tưởng cơ bản của Đạo gia, không làm mà vẫn cai trị được (BTV).
Tôi cười nói, cũng gần như là vậy. Thấy chị vẫn chưa tỏ ra chán, tôi liền say sưa nói tiếp, con người sinh ra không phải là để người khác “quản”, tự do là cái mà mỗi chúng ta ai cũng trân trọng nhất. Trẻ em càng nên phải để chúng thể hiện bản tính của mình, được trưởng thành một cách tự do, không có gì trói buộc. Trẻ em là một thế giới tồn tại độc lập hoàn mỹ, trong cơ thể bé nhỏ chúng ẩn chứa sức sống mạnh mẽ vô biên, trong quá trình trưởng thành chúng có một tiềm lực biểu đạt tự mình nhào nặn, tự mình thành hình, giống như bên trong một hạt giống có ẩn chứa rễ, lá, hoa, trong điều kiện thích hợp, tự nhiên sẽ phát triển. Nếu phụ huynh có niềm tin của người nông dân và sự quản lý phù hợp, con trẻ chắc chắn sẽ trưởng thành tốt hơn.
Chị bạn than rằng, bình thường đến trường họp phụ huynh, hiệu trưởng hoặc các cô giáo vừa nhắc đến vấn đề của các con liền nhấn mạnh phụ huynh phải quan tâm nhiều đến con, phải bỏ ra nhiều thời gian gần gũi với con, quản lý con. Thông qua buổi nói chuyện ngày hôm nay tôi mới biết rằng, thực ra hiện nay, vấn đề của rất nhiều trẻ không phải là do bố mẹ quản ít, mà ngược lại là vì bố mẹ quản quá nhiều.
Tôi cười nói, chị đã chạm đến điểm mấu chốt của vấn đề rồi. Phụ huynh phải nhận thức được giới hạn của mình, biết rằng ở một giai đoạn phát triển và phương diện phát triển nào đó của trẻ, chị sẽ không thể làm được gì, hoặc là không cần phải làm gì cả – ở điểm này, nếu chị không sợ làm mất lòng người khác, thì chị nên về kiến nghị với người bạn đồng nghiệp của chị rằng, với tình hình như chị ấy hiện nay, “không làm gì cả” mới là biện pháp tốt nhất, “không quản” chính là biện pháp quản tốt nhất.
Lưu ý đặc biệt
Một biểu hiện điển hình nhất của sự không tôn trọng trẻ chính là quản thúc trẻ quá nhiều, hay cũng chính là chỉ đạo hoặc can thiệp quá nhiều, rất nhiều trình tự phát triển bình thường của trẻ bị đảo lộn.
Những phụ huynh quản con quá kỹ lưỡng, quá nghiêm khắc, phần lớn đều là những người rất chỉn chu trong công việc, trong cuộc sống, động cơ thành công của họ rất mạnh mẽ, khả năng tự quản của họ rất tốt, trong công việc hoặc sự nghiệp đều là những người đặt ở đâu cũng làm tốt, đạt được những thành tựu nhất định. Cũng chính vì thế, trong việc giáo dục con trẻ, họ càng khát khao thành công hơn, cũng rất tự tin, mang mô hình quản lý mình áp dụng vào con trẻ. Tuy nhiên, về cơ bản họ đều thất vọng.
Mệnh lệnh và giám sát là giáo dục ư? Không phải! Nếu giáo dục mà đơn giản như vậy, vị phụ huynh nào cũng có thể thỏa lòng ước nguyện thì thế giới đã không còn những lời than thở rằng con không thành tài nữa. Thành phần chủ yếu của mệnh lệnh và giám sát là quản thúc, kiểm soát.
“Không nói” là một chuyện còn khó làm hơn cả “nói”. Hành vi của con trẻ hàng ngày đều là sự thách thức về tâm lý đối với bạn, điều này thực sự đòi hỏi phụ huynh phải có đủ lí trí và lòng nhẫn nại để giải quyết chuyện này.
Trẻ em là một thế giới tồn tại độc lập hoàn mỹ, trong cơ thể bé nhỏ của chúng ẩn chứa sức sống mạnh mẽ vô biên, trong quá trình trưởng thành chúng có một tiềm lực biểu đạt tự mình nhào nặn, tự mình thành hình, giống như bên trong một hạt giống có ẩn chứa rễ, lá, hoa, trong điều kiện thích hợp, tự nhiên sẽ phát triển. Nếu phụ huynh có niềm tin của người nông dân và sự quản lý phù hợp, con trẻ chắc chắn sẽ trưởng thành tốt hơn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.