Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 38: LÀM THẾ NÀO ĐỂ CON KHÔNG LƯỜI ĂN



Ăn là một bản tính của con người, làm sao phải mất nhiều công sức như vậy để bắt một đứa trẻ há miệng?
Mười năm trước có một câu quảng cáo rất nổi tiếng: “Uống vào Wahaha, ăn cơm sẽ thấy ngon”, quảng cáo cho một loại thuốc siro nghe nói có thể kích thích trẻ ăn ngon miệng. Sản phẩm này đã giúp một công ty nhỏ không có tiếng tăm kiếm được xô vàng đầu tiên, và đó là một xô vàng rất lớn, công ty nhỏ nhanh chóng biến thành công ty lớn, cuối cùng cả công ty và người sáng lập ra công ty đều nổi tiếng khắp đất nước – điều này đã cho thấy một hiện tượng khiến người ta phải sửng sốt: Hiện tại, có quá nhiều trẻ em mắc chứng lười ăn.
Con trẻ lười ăn hiện đã trở thành một trong những vấn đề khiến bố mẹ đau đầu nhất, tôi đã từng gặp không ít phụ huynh khổ sở, rầu rĩ vì chuyện này, vì chuyện ăn uống của con mà họ thực sự đã mất bao công sức, nghĩ ra đủ mọi cách.
Tôi còn nhớ khi Viên Viên hai mươi tháng tuổi phải nằm viện vì viêm phổi, cùng phòng bệnh có một cậu bé ba tuổi rất lười ăn, một bát cơm mà ăn hết hơn một tiếng đồng hồ, gần như phải mất rất nhiều công sức mới ăn được một miếng. Mẹ cậu, bố cậu và bà nội mỗi ngày vì chuyện ăn cơm của con trẻ mà phải áp dụng rất nhiều chiêu, vừa dỗ vừa lừa, mềm có rắn có, lúc thì hứa sẽ mua cái gì đó cho cậu, lúc lại khen cậu ngoan như thế nào, lúc lại quát mắng bắt cậu phải há miệng, cả quá trình khiến người ngoài nhìn cũng cảm thấy khổ sở.
Trong quá trình ăn, cậu bé tìm đủ mọi cách để hành hạ người lớn, để kéo dài sự ép buộc của người lớn đối với cậu. Đầu tiên cậu đòi mẹ bón, để bố và bà nội đi ra đứng ở ngoài cửa; mẹ vừa bón được hai miếng, lại bắt mẹ đi ra, đòi bố vào bón. Một bữa cơm khiến ba người lớn cứ phải ra ra vào vào như đèn kéo quân. Bữa cơm nào cậu bé cũng đưa ra điều kiện, không ngừng đổi mới “thủ đoạn” hành hạ mọi người. Sau khi hành hạ người nhà xong xuôi, nhìn thấy các bạn nhỏ khác chơi món đồ chơi nào đó, liền yêu cầu phải mua ngay cho cậu món đồ chơi đó, nếu không sẽ không ăn cơm, ngày hôm sau mua cũng không được. Bố mẹ cậu liền mượn bạn nhỏ khác đồ chơi, mỗi món đồ chơi cầm trên tay một lát là chán, lại đòi cái mới, bố mẹ cậu không ngừng phải mượn đồ chơi của các bạn khác. Có bạn nhỏ không chịu cho cậu mượn, cậu bé liền lấy việc không ăn cơm để bắt chẹt bố mẹ, và thế là bố mẹ cậu phải dày mặt làm công tác tư tưởng cho các bạn nhỏ đó. Và đến khi cậu bé lấy được món đồ chơi mà bố mẹ mượn, buộc phải há miệng ra ăn cơm, dường như có mối thù với món đồ chơi trong tay, tranh thủ lúc người lớn không để ý, liền vứt ngay xuống đất, chính vì thế cậu bé này luôn khiến phòng bệnh ồn ào không được yên, khiến các bạn nhỏ khác phải khóc. Đợi đến khi cậu ta đã chơi hết số đồ chơi trong phòng bệnh của chúng tôi, bố mẹ cậu lại bắt đầu sang phòng bệnh bên cạnh tìm đồ chơi cho con, lại khiến các bạn trong phòng khác khóc nhè.
Cuối cùng tôi không nhịn được nữa liền nói với mẹ cậu bé, con trẻ đang ốm không muốn ăn cơm là chuyện bình thường, người lớn cũng thế mà. Bắt ép con ăn cơm sẽ không tốt cho con, cứ để tự nhiên sẽ tốt hơn. Người mẹ này không thích nghe tôi nói như vậy, chị nói, con trai chị bình thường đã lười ăn, chính vì lười ăn, không có sức đề kháng nên mới thường xuyên bị ốm. Hiện giờ ốm rồi, muốn bình phục thì phải ăn cơm, nếu không làm sao có sức đề kháng.
Đúng là nhìn cậu con trai của chị rất bủng beo. Tôi thầm nghĩ, họ cứ tiếp tục làm như vậy, không những con không chịu ăn, mà e ngay cả phẩm chất đạo đức cũng bị ảnh hưởng.
Ăn là một bản tính của con người, làm sao phải mất nhiều công sức như vậy để bắt một đứa trẻ há miệng?
Rất nhiều bậc phụ huynh rầu rĩ vì chuyện con lười ăn mà không suy nghĩ một vấn đề hết sức đơn giản: Ở Trung Quốc, những đứa trẻ sinh ra trong những năm 1950, 1960, thậm chí là cả thập niên 1970, làm gì nghe thấy đứa trẻ nào lười ăn? Thời đó gia đình nào cũng đông con, có đứa trẻ nào phải đuổi theo để bón cơm hay không? Từ thập niên 1980 trở lại đây, đặc biệt là sau những năm 1990, đời sống ngày càng được nâng cao, tại sao trẻ em lại đồng loạt mắc bệnh lười ăn?
Bác sĩ nhi khoa nổi tiếng, nhà tâm lý học người Mỹ Benjamin Spock đã trình bày rất rõ về vấn đề này, ông nói, “Tại sao có nhiều đứa trẻ không chịu ăn như vậy? Nguyên nhân chủ yếu là do cũng có không ít bố mẹ ép con ăn”(1) – Câu nói này đã giải thích sự việc rất rõ ràng, nguyên nhân chủ yếu khiến con trẻ lười ăn chính là vì phụ huynh để tâm quá nhiều đến việc ăn uống của con, quá miễn cưỡng trong vấn đề này. Cảm giác thèm ăn bình thường của trẻ đã bị lòng tốt của người lớn – những người khá dồi dào về vật chất và thời gian phá hoại.
Không phải bản tính của những đứa trẻ sinh ra trong thời hiện đại thay đổi, mà là bố mẹ có đủ thời gian và công sức đi làm những việc trái với bản tính.
Benjamin Spock cho rằng, “Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có một cơ chế sinh lý kỳ diệu tự điều tiết số lượng và chủng loại thực phẩm ăn vào, đáp ứng nhu cầu phát triển bình thường”(2). Cũng có nghĩa là bản thân trẻ biết rõ nhất mình muốn ăn gì, nên ăn bao nhiêu. Người lớn không quản trẻ, trẻ sẽ có thể phát triển bình thường chức năng ăn uống của mình; và nếu bố mẹ thường xuyên can thiệp, sự việc sẽ trở nên tồi tệ. “Trẻ em có một bản năng là bị bắt ép sẽ chống đối. Ăn cái gì cũng vậy, nếu như ăn không vui, lần sau nhìn thấy sẽ chán ghét… Thúc ép con trẻ ăn là vô ích, từ đó lại còn làm giảm cảm giác thèm ăn, khiến nó không hồi phục được trong một thời gian dài”(1).
__________________
(1) Makarenko, Tuyển tập giáo dục của Makarenko, Ngô Thức Dĩnh biên soạn, NXB Giáo dục nhân dân tái bản lần thứ nhất tháng 1-2005, tr.507
(2) Benjamin Spock, Bách khoa toàn thư nuôi con mới, Trác Hồng Bưu dịch, NXB Trung Quốc ngày nay, năm 1989, tr.429.
(1) Benjamin Spock, Bách khoa toàn thư nuôi con mới, Trác Hồng Bưu dịch, NXB Trung Quốc ngày nay, năm 1989, tr.427.
Tôi đã từng gặp một em học sinh lớp năm, bà nội em là chuyên gia nghiên cứu thực phẩm ở Viện khoa học nông nghiệp nọ, rất có tiếng tăm trong ngành. Sau đó một lần tôi và mẹ em nói chuyện, nghe chị nói mỗi buổi tối nhà chị đều nấu tám món thức ăn và một món canh, thực đơn của mỗi tuần đều do bà nội em dày công sắp xếp, chủ yếu là dựa vào nhu cầu phát triển của trẻ để đưa ra, và tay nghề nấu ăn của cô giúp việc cũng rất khá. Chúng ta có thể tưởng tượng, em bé được sống trong gia đình có điều kiện như vậy, sức khỏe em chắc chắn là sẽ rất khỏe mạnh, vượt trội so với các bạn.
Nhưng một điều lạ là, so với bạn bè cùng lớp, cậu bé này vừa gầy vừa nhỏ, giống như con em dân tị nạn đói ăn. Hơn nữa tính tình cậu rất kỳ cục, nóng nảy, thành tích học tập cũng không tốt lắm. Nhắc đến con, mẹ cậu tỏ ra rất phiền muộn.
Qua nói chuyện, sau khi tìm hiểu một số chi tiết trong cuộc sống của gia đình chị, cảm thấy đúng là “sự việc thành công hay thất bại đều do con người gây ra”.
Họ đã tận tâm xây dựng thực đơn rất khoa học, cũng chăm sóc con trai rất chu đáo. Hàng ngày ngoài việc phải ăn cái gì, mỗi loại ăn cho đủ bao nhiêu cũng có quy định. Con trẻ ăn không đủ tiêu chuẩn, phụ huynh không chịu để yên, nhất định phải nghĩ cách ép con “hoàn thành nhiệm vụ”. Nếu phương pháp của họ dùng để sản xuất một cỗ máy hoặc để trồng một cây ngô, chắc chắn sẽ thành công, chỉ tiếc rằng trước mặt họ là một đứa trẻ có ý thức độc lập.
Khi tôi có ý định khuyên người mẹ này không nên quá theo đuổi “những thao tác tiêu chuẩn hóa” trong vấn đề ăn uống của trẻ, không nên bắt ép con trẻ trong bàn ăn, người mẹ liền lập tức lắc đầu, nó có rất nhiều mánh khóe, có mấy ngày nói nếu không kêu ca, chỉ trích nó trong việc ăn uống, nó sẽ ăn tử tế; kết quả là mỗi lần gắp chỉ gắp một chút thức ăn, mỗi miếng đưa vào miệng nhai bao nhiêu lâu, một bữa cuối cùng tính ra chỉ ăn được rất ít. Đột nhiên người mẹ này hậm hực nói: “Hiện giờ chúng tôi đều mặc kệ nó rồi”.
Nhưng qua những câu nói phía sau của chị tôi mới hiểu, thực ra cái gọi là “mặc kệ” chỉ là thay đổi phương pháp quản, mỗi bữa cơm đều xới cho con một bát to rồi cho thức ăn vào, bất luận con trẻ ăn trong bao lâu, đều buộc phải ăn hết – người mẹ cảm thấy cách làm của mình rất cao tay, không còn để xảy ra xung đột với con vì chuyện ăn cơm như trước nữa. Nhưng điều khiến chị vô cùng bực mình là, có hôm đến lúc đi ngủ, cậu con mới ăn hết bát cơm này.
Tôi vẫn muốn khuyên vị phụ huynh này, muốn chị đặt mình vào địa vị của trẻ để suy nghĩ, cảm nhận được cảm giác mình không muốn ăn mà vẫn bị người khác nhét vào miệng, khuyên chị không nên ngày ngày ép con như vậy nữa, cho phép con ăn ít đi một chút. Vị phụ huynh này liền lập tức phản bác, nó là con trai, không cao lớn thì làm thế nào, vì chuyện này mà cả nhà sốt ruột chết đi được, không ăn đủ làm sao mà lớn được!
Tôi hiểu được nỗi sốt ruột của chị, nên rất muốn chị hiểu rằng, tinh thần của trẻ và cảm giác thèm ăn có quan hệ rất lớn với nhau, trước hết phải giải quyết được vấn đề chán ăn của trẻ, sau đó mới giải quyết được vấn đề ăn nhiều hay ăn ít, và căn nguyên của chứng chán ăn chính là do bố mẹ quá so bì tị nạnh về chuyện ăn uống của con.
Người mẹ này không có hứng thú với những gì tôi nói, giọng chị tỏ ra là tôi không hiểu gì về dinh dưỡng thực phẩm, không biết một đứa trẻ đang ở trong tuổi ăn tuổi lớn mỗi ngày cần những loại dinh dưỡng nào, buộc phải đạt đến số lượng nào. Chị cho rằng trong vấn đề này mẹ chồng chị hiểu rõ hơn ai hết, cảm thấy không cần người khác phải chỉ bảo. Trước những bậc phụ huynh như thế này, tôi cũng bó tay.
Một hôm, tôi đã lưu ý quan sát cậu bé này trong giờ ăn trưa ở trường. Đĩa cơm của cậu chỉ lấy rất ít thức ăn, gần như không ăn miếng nào, suốt bữa ăn cậu chỉ ra vẻ như đang ăn mà thôi, khều khều vài miếng, nhưng không đưa vào miệng miếng nào. Đến khi các bạn đã ăn xong, cậu liền đổ tất cả cơm và thức ăn vào thùng rác rồi ra khỏi nhà ăn. Cô giáo chủ nhiệm nói cậu bé này gần như ngày nào cũng vậy, không bao giờ ăn cơm ở trường. Trước đây cô đã từng phản ánh với phụ huynh, phụ huynh liền yêu cầu cô giáo phải giám sát cậu ăn cơm, đồng thời tỏ ý trách móc cô giáo. Cô giáo phải quản lý cả lớp, làm sao có thể ngày nào cũng giám sát cậu được, chính vì thế bây giờ cũng không phản ánh với phụ huynh chuyện này nữa.
Nhìn thân hình gày gò, ánh mắt vô định và vẻ đối địch của cậu bé, trong lòng tôi cảm thấy vô cùng đáng tiếc. Bố mẹ kỳ vọng nhiều vào em, không những mong em có được thành tích học tập tốt, tương lai vào được trường đại học nổi tiếng; họ cũng mong em có được tâm lý lành mạnh, được sống hạnh phúc; đồng thời còn mong em có một sức khỏe tốt, khôi ngô tuấn tú. Nhưng chỉ riêng chuyện ăn uống làm không đúng sẽ có bao nhiêu tác động xấu đến các phương diện này. Từ chuyện ăn uống này có thể đoán được cách làm của bố mẹ em trong một số chuyện khác, e rằng cũng cứng nhắc và thiếu sự thấu hiểu con. Nếu đúng là như vậy thì bao niềm mong mỏi của họ, e rằng cũng sẽ chỉ là con số không.
Giống như trong vấn đề học tập, tôi nói với các bậc phụ huynh can thiệp quá nhiều rằng “không nên quản con trẻ”, thường khiến một số phụ huynh tỏ ra phản cảm, trong vấn đề ăn uống nói với những bậc phụ huynh quan tâm từng tí một rằng “đừng quản”, cũng sẽ bị người khác lườm nguýt. Trong mắt rất nhiều bậc phụ huynh, “không quản” là một việc rất khó thực hiện. Nguyên nhân là do họ không cho rằng sự “quản” của mình là thừa, cũng không tin đây được gọi là “can thiệp”, họ tin rằng đây là quan tâm và chỉ bảo. Chính vì thế nếu có người bảo họ không nên “quản” con trẻ, họ sẽ thấy khó chịu như việc bắt họ từ bỏ quyền và trách nhiệm làm bố làm mẹ.
Nhưng thực tế là, giống như việc càng “quản” càng tồi tệ trong việc học, “Áp dụng biện pháp mạnh trong vấn đề ăn uống của con, không có người bố người mẹ nào là không thất bại”(1).
__________________
(1) Benjamin Spock, Bách khoa toàn thư nuôi con mới, Trác Hồng Bưu dịch, NXB Trung Quốc ngày nay, năm 1989, tr.429.
Làm thế nào để trẻ có được cảm giác thèm ăn bình thường? Thực ra rất đơn giản, chính là bốn chữ: Cứ để tự nhiên.
Trong vấn đề ăn uống của trẻ bố mẹ không nên ép buộc, không nên tỏ ra sốt ruột, tin rằng con trẻ tự biết mình cần ăn bao nhiêu. Một ngày nào đó con trẻ thấy ngon miệng, cái gì cũng muốn ăn, nhưng một hôm nào đó lại không muốn ăn gì cả, đây là điều bình thường. Ngay từ đầu bạn chỉ cần chú ý đến vấn đề kết hợp các món ăn sao cho đủ chất, đặt lên bàn ăn những món trẻ cần ăn, nhưng trẻ ăn món nào, ăn bao nhiêu chỉ là việc của trẻ, vậy thì sẽ không xuất hiện tình trạng chán ăn ở con trẻ nữa, trong việc này bạn vừa thực hiện đơn giản lại vừa thành công.
Nếu con bạn đã xuất hiện triệu chứng chán ăn, học giả Benjamin Spock đã có những lời gợi ý cụ thể rất hay trong vấn đề này như sau:
Thứ nhất, bố mẹ cần thay đổi thái độ. Trong chuyện ăn uống của con bố mẹ nên tỏ thái độ bình thản, ăn nhiều không khen ngợi, ăn ít không phê bình, luôn tỏ ra vui vẻ, thoải mái trong chuyện này, để con trẻ không cảm thấy áp lực trong vấn đề này. Khi bưng bát cơm lên, trẻ cảm thấy thoải mái về mặt tâm lý, mới có thể cảm thấy thèm ăn.
Thứ hai, nếu trẻ đã xuất hiện chứng chán ăn, thì không nên kỳ vọng nửa tháng, hai mươi ngày trẻ có thể phục hồi. Bố mẹ cần có lòng kiên trì, sự kiên trì này không phải là sự trấn tĩnh tạm thời do bạn cố gắng kìm chế nỗi lo lắng, sốt ruột của mình, mà là sự thản nhiên của bạn sau khi đã nhận thức được đầy đủ vấn đề. Sự phục hồi của trẻ đòi hỏi một quãng thời gian rất dài, vài tháng, thậm chí vài năm. Trong quá trình này, nếu bố mẹ chỉ từ chỗ cưỡng ép công khai chuyển sang nấp vào chỗ kín để theo dõi, đến một thời gian nhất định sẽ không chịu được nữa lại đi càu nhàu con trẻ, vậy thì mọi sự cố gắng đều sẽ trở thành con số không.
Thứ ba, không nên nói cái này nhiều chất nên ăn nhiều, cái kia ít chất nên ăn ít. Nếu không có chất thì bố mẹ phải điều chỉnh khi nấu cơm. Cần cho phép trẻ lựa chọn các món đã đặt lên bàn ăn. Đối với những món trẻ không thích ăn không được dùng điều kiện để ép trẻ, không nên nói với những đứa trẻ thích ăn thịt không thích ăn rau rằng “Nếu không chịu ăn rau thì mẹ sẽ không cho ăn thịt đâu”. Những câu nói này chỉ có thể khiến trẻ càng ghét ăn rau hơn. Bố mẹ có thể nói ngược lại: “Ăn hết thịt mới cho con ăn rau”, như thế có thể sẽ kích thích niềm hứng thú của trẻ đối với rau xanh.
Thứ tư, để trẻ tự ăn cơm, không nên bón. Tầm một tuổi rưỡi trở đi trẻ đã có thể tự mình ăn cơm, bố mẹ không nên khổ sở bón cơm cho con, chỉ cần thu dọn “chiến trường” mà con để lại sau khi ăn là đủ. Thường xuyên bón cơm sẽ ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn của trẻ, hơn nữa còn ảnh hưởng đến sự phát triển kỹ năng tay của trẻ. Có đứa trẻ ba, bốn tuổi đã hình thành nên thói quen xấu, bố mẹ không bón không chịu ăn, bón thì ăn vài miếng. Tình hình này phải thay đổi ngay lập tức, nói với trẻ rằng từ nay trẻ cần phải tự mình xúc cơm. Nếu trẻ không chịu, cho đói vài bữa, chắc chắn thói xấu sẽ sửa được.
Thứ năm, không nên đưa ra điều kiện trong chuyện ăn uống của trẻ. Ví dụ có bậc phụ huynh thường xuyên nói nếu con chịu ăn, mẹ sẽ mua đồ chơi hoặc cho con đi chơi, những câu nói như thế này sẽ ảnh hưởng xấu đến trẻ, hơn nữa sẽ dạy cho trẻ cách dùng các yêu cầu vô lý để bắt chẹt bố mẹ.
Tháng 4 năm 2008, tôi có xem một chương trình nuôi dạy con của đài truyền hình địa phương ở Hồ Nam, nói đến vấn đề con trẻ lười ăn thì làm thế nào.
Cậu bé trong chương trình chỉ độ năm, sáu tuổi, bố mẹ rất mong con cao lớn, nhưng con trẻ rất lười ăn, ông bà nội, bố mẹ cậu đều rất phiền muộn vì điều đó.
Đài truyền hình mời một vị giáo sư ở trường đại học nọ đến hướng dẫn cách giải quyết, vị giáo sư đã đưa ra một “phương pháp trị liệu bằng bi ve”. Tức là chuẩn bị một cái lọ và hai mươi hòn bi ve, trong lọ đặt trước mười viên bi ve, hôm nào con trẻ chịu ăn sẽ cho thêm một viên, lười ăn sẽ giảm đi một viên. Lúc đó con trẻ đang nóng lòng muốn mua một đĩa phim siêu nhân, nhưng trong bình buộc phải tích đủ được hai mươi viên bi mới được đi mua.
Đài truyền hình đã coi đây là phương pháp hay để giới thiệu cho khán giả – nhưng đây là một lời “gợi ý tồi” điển hình, là một cách dụ dỗ dị dạng – nó khiến cho con trẻ coi ăn cơm là một hành vi vụ lợi, dạy trẻ cách dùng chuyện ăn cơm để ngã giá với bố mẹ. Chương trình này không nêu ra hiệu quả của cách làm này thế nào, nhưng tôi có thể khẳng định, cùng lắm nó chỉ đạt được “hiệu quả” trong thời gian ngắn, tức kéo dài đến khi đĩa phim siêu nhân mua được về nhà. Tiếp theo đó đương nhiên là phụ huynh có thể tiếp tục lợi dụng nhu cầu mới của con trẻ, đặt ra yêu cầu ăn cơm đối với trẻ. Nhưng con trẻ sẽ không có được nghị lực lớn như vậy, chúng sẽ không kiên trì mà nhanh chóng thấy chán chơi “trò chơi” này.
Phương pháp này không những không giải quyết được vấn đề lười ăn một cách căn bản của trẻ, mà còn khiến trẻ luôn cảm thấy thất bại vì khó có thể tích đủ được số lượng bi ve, từ đó càng căm ghét chuyện ăn cơm hơn.
Có bậc phụ huynh không ép con, nhưng lại thường xuyên có những ngôn từ ám chỉ, cũng sẽ gây ra hiện tượng lười ăn hoặc kén ăn ở trẻ.
Tôi có một người bạn, khi con chị còn nhỏ, chị thường xuyên tỏ ra lo lắng, phàn nàn với người khác trước mặt con rằng con chị lười ăn. Tôi đã nhiều lần nhắc chị không nên nói như vậy, kể cả có muốn nói, cũng nên nói sau lưng trẻ, đừng để trẻ nghe thấy. Nhưng chị không chịu để ý, hoặc là đã thành thói quen, luôn đứng trước mặt con càu nhàu chuyện con không chịu ăn cơm. Hiện giờ con chị đã hơn mười tuổi, nhưngvẫn không thể tự giác trong chuyện ăn uống.
Tôi còn nghe có người bạn nói rằng, hồi nhỏ con trai chị vốn rất thích ăn thịt dê, nhưng chồng chị lại không thích ăn. Sau đó có hai lần nhà nấu thịt dê, con trẻ đang định ăn, vô tình người bố liền nhắc “Đó là thịt dê đấy”, hàm ý muốn nói rằng “Con có dám chắc là mình ăn được không?”. Qua lời của bố con trẻ biết được bố mình bài xích thịt dê, cảm nhận được ý của bố là “Cái đó khó ăn lắm”, từ đó cậu bé không còn chịu ăn thịt dê nữa.
Chính vì vậy khi con trẻ tỏ ra không thích ăn cơm hoặc không thích ăn thứ khác, bạn không nên nói ra chuyện này, càng không nên vì chuyện này mà trách mắng trẻ, cũng không nên vội vàng tìm món khác để thay thế. Coi như không biết gì, vẫn bưng ra bàn ăn như bình thường; thậm chí nên tìm cơ hội cố tình dùng lời nói ám chỉ rằng trẻ rất thích ăn cái này. Ví dụ trước mặt đứa trẻ không thích uống sữa khoe với người khác rằng, con trai tôi cái gì cũng ăn được, không kén ăn, uống một hơi là hết một cốc sữa to.
Khi Viên Viên năm, sáu tuổi, tôi đưa cô bé về nhà bà ngoại, bị ảnh hưởng từ con gái của anh trai tôi, Viên Viên không thích ăn thịt dê nữa. Sau khi về đến nhà, tôi nấu thịt dê cô bé không ăn. Tôi không tỏ ra quan tâm, cũng không nói gì, giả vờ không chú ý đến vấn đề này, hôm nào cần nấu thịt dê vẫn cứ nấu. Tôi làm hai lần sủi cảo nhân thịt dê, trước khi ăn cô bé luôn hỏi thịt gì, tôi bảo thịt dê, cô bé không ăn nữa. Tôi liền làm thứ khác cho cô bé ăn, không nói gì cả.
Tôi biết Viên Viên rất thích ăn món mì sốt thịt, tiếp theo đó tôi liền dùng thịt dê để làm món thịt băm sốt cà chua để trộn với mì. Trước đây nấu mì sốt thịt, nhà tôi chưa bao giờ dùng thịt dê, lần này Viên Viên cũng không hỏi là thịt gì, ăn rất ngon. Ăn xong, tôi mới giả vờ nói với ông xã, hôm nay nhà hết thịt lợn, em dùng thịt dê để làm thịt băm sốt cà chua, ngon thật. Nghe thấy tôi nói vậy Viên tỏ vẻ không chịu, nhưng đã ăn vào bụng rồi, không còn cách nào cả, đành phải chịu.
Tôi còn mua cả thịt dê xiên sẵn ở siêu thị về, về đến nhà nướng bằng lò vi sóng thơm nức nhà. Ông xã nói, ăn thịt dê nướng thơm như vậy, phải uống cốc bia mới đã; tôi cũng nói lâu lắm rồi không ăn thịt dê nướng, thơm thật. Không kìm được cơn thèm, cuối cùng Viên Viên đã cầm xiên thịt lên ăn ngon lành.
Cuối cùng cần nhắc phụ huynh phải chú ý rằng, cố gắng ít cho trẻ ăn quà vặt. Lượng ăn của trẻ vốn không nhiều, ăn chút quà vặt là no ngay, ngồi vào bàn ăn đương nhiên sẽ không còn thèm ăn nữa.
Ngoài ra còn các yếu tố khác cũng sẽ ảnh hưởng khẩu vị của trẻ, như không khí trong gia đình có thoải mái không, quan hệ giữa bố mẹ có hòa thuận không… Ngoài ra, khi con trẻ đố kỵ với anh chị em hoặc những bạn bè xung quanh, cảm nhận được sự đối xử không công bằng, hoặc bị ảnh hưởng bởi các trạng thái tinh thần tiêu cực khác, cũng sẽ xuất hiện chứng chán ăn. Bố mẹ nên lưu tâm nhiều hơn trong các vấn đề này.
Một người bạn gọi điện cho tôi, nói đứa con đang trong độ tuổi mầm non của chị lười ăn cơm, chị gọi điện thoại cho mẹ chồng ở quê kể khổ, mẹ chồng bình thản nói, “Cho nó nhịn đói hai hôm là hết thôi”. Câu nói này khiến cô con dâu không hài lòng, nói tại sao bà nội lại nói ra được những lời như thế. Tôi cười, nói, nếu như chị hỏi tôi, tôi cũng trả lời như thế: Không tin cho cậu bé đói hai ngày thử xem!
Đương nhiên, không nhất thiết phải cho con chịu đói hai ngày, nhưng câu nói này truyền đạt một phương châm thoải mái, là một bí quyết vàng, có thể khiến con trẻ “ăn cơm sẽ thấy ngon”, hiệu quả chắc chắn sẽ vượt trên cả loại thuốc chữa biếng ăn đó. Chắc chắn là mẹ chồng chị đã dựa vào kinh nghiệm phong phú của mình để đưa ra tuyệt chiêu này.
Lưu ý đặc biệt
Nguyên nhân chủ yếu khiến con trẻ lười ăn chính là vì phụ huynh để tâm quá nhiều đến việc ăn uống của con, quá miễn cưỡng trong vấn đề này. Cảm giác thèm ăn bình thường của trẻ đã bị lòng tốt của người lớn – những người khá dồi dào về vật chất và thời gian phá hoại.
Áp dụng biện pháp mạnh trong vấn đề ăn uống của con, không có người bố người mẹ nào là không thất bại.
Khi con trẻ tỏ ra không thích ăn cơm hoặc không thích ăn thứ khác, bạn không nên nói ra chuyện này, càng không nên vì chuyện này mà trách mắng trẻ, cũng không nên vội vàng tìm món khác để thay thế. Coi như không biết gì, vẫn bưng ra bàn ăn như bình thường; thậm chí nên tìm cơ hội cố tình dùng lời nói ám chỉ rằng trẻ rất thích ăn cái này.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.