Nếu một đứa trẻ chúi đầu vào trò chơi điện tử một thời gian dài không chịu thoát ra, đến nỗi trở thành bệnh hoạn, đó là vì thế giới bên ngoài trò chơi điện tử khiến trẻ cảm thấy vô vị, không hấp dẫn hoặc tự ti. Nếu một đứa trẻ vì trò chơi điện tử mà để lỡ mất tiền đồ của mình, thì kể cả trẻ sống trong thời đại không có máy tính điện tử cũng sẽ có những thứ khác cám dỗ em. Tôi tin rằng cái khiến người ta trở nên sa đọa không phải là bản thân trò chơi điện tử, mà là sự trống trải trong tâm hồn, hoặc thiếu một số tố chất nào đó. Những người sa đọa trong trò chơi điện tử kể cả không có trò chơi điện tử cũng sẽ có những cái khác khiến họ lún sâu vào và không thể thoát ra.
Năm mười tuổi học lớp bảy, Viên Viên bắt đầu chơi trò chơi điện tử trong máy tính, thường chơi đến mức quên ăn quên ngủ, mỗi lần đến cuối tuần, chơi mỗi lần bốn, năm tiếng đồng hồ, đến dịp nghỉ hè nghỉ đông, mỗi lần có thể chơi liền bảy, tám tiếng đồng hồ. Hai năm đó, tạp chí mà cô bé mua hầu hết đều liên quan đến trò chơi điện tử, nói chuyện điện thoại với bạn bè, cũng thường là những nội dung liên quan đến trò chơi điện tử.
Cô bé chơi điện tử là do tôi xúi giục.
Khi còn đang học tiểu học ở Diêm Đài, bạn bè Viên Viên chưa rộ lên phong trào chơi điện tử, cũng có thể là do hồi đó số gia đình có máy tính chưa nhiều, có thể do lúc đó các em còn quá nhỏ. Cô bé biết chuyện này nhưng không hào hứng lắm. Đến khi chuyển về Bắc Kinh học trung học cơ sở, phong trào chơi điện tử bắt đầu rộ lên trong giới học sinh. Một mặt, qua lời bạn bè Viên Viên biết trò chơi điện tử rất thú vị, mặt khác lại nghe thấy quá nhiều lời phê bình, chỉ trích trò chơi điện tử từ phía báo chí, các bậc phụ huynh và nhà trường. Có thể cô bé cũng có phần băn khoăn, cảm thấy mâu thuẫn, nên không chủ động đòi chơi. Đến học kỳ hai năm lớp bảy, tôi hỏi con gái rằng, có phải trong lớp con có bạn đang chơi trò chơi điện tử không, nếu con muốn con cũng có thể chơi. Cô bé hơi bất ngờ, nhưng rồi vui vẻ đồng ý ngay, lập tức đi mua đĩa trò chơi điện tử.
Suy nghĩ của tôi là, nếu trò chơi điện tử có thể làm cho trẻ em say mê đến như vậy, chắc chắn trong đó cũng chứa đựng niềm vui lớn. Con trẻ cũng cần phải chơi gì đó, tôi muốn con gái tôi được vui vẻ, có được niềm vui mà mỗi giai đoạn cần phải có. Bởi hiện nay trẻ em rất ít bạn chơi, trò chơi cũng nghèo nàn, đơn điệu, nếu không có chuyện gì thú vị cho chúng làm, chắc chắn chúng sẽ đốt thời gian vào việc xem ti vi. Thà để Viên Viên lãng phí thời gian vào việc chơi điện tử, còn hơn là để cô bé chúi đầu vào ti vi. Có quá ít chương trình thích hợp với cô bé, xem ti vi lại hoàn toàn là sự tiếp nhận bị động, xem thường xuyên sẽ khiến đại não con người trì trệ; trò chơi điện tử lại là sự tham gia chủ động, trong quá trình chơi mình phải đầu tư trí tuệ; hơn nữa trò chơi điện tử có thể giúp cô bé làm quen với máy tính. Một vấn đề khác nữa là, bạn bè cùng trang lứa với Viên Viên đều đang chơi, nếu cô bé không chơi, sẽ thiếu một chủ đề quan trọng để giao lưu. Còn về chuyện có bé có nghiện hay không, không phải là tôi không lo lắng, nhưng không muốn vì sợ nghẹn mà bỏ cả bữa ăn. Nói tóm lại là tôi có lòng tin, lòng tin này bắt nguồn từ sự nhận thức của tôi đối với trò chơi điện tử và những gì mà tôi hiểu về con gái.
Trò chơi điện tử cũng chính là trò chơi, không phải là ma túy, về bản chất, nó không có gì khác những trò chơi mà chúng ta chơi hồi nhỏ, chỉ có điều trò chơi này thú vị hơn, phức tạp hơn. Thử nghĩ mà xem, có trẻ em nào không nghiện trò chơi? Hồi nhỏ chúng ta cùng bạn bè chơi đánh trận hoặc chơi trốn tìm, thường xuyên mải chơi đến mức quên về nhà ăn cơm, quên đi ngủ, mãi cho đến khi người lớn đến, lôi cổ chúng ta về. Lúc đó chúng ta cũng không muốn giải tán, thậm chí bị ăn một trận đòn mới chịu về. Trong khi hiện nay con em chúng ta không thể tìm được nhiều bạn bè để chơi ở dưới sân khu chung cư, đành phải chơi với các bạn chơi ảo trên máy tính. Chúng cũng sẽ thường chơi say sưa đến mức quên thời gian, luôn cảm thấy chơi không đủ. Hai cách chơi này không có gì khác nhau. Niềm say mê trò chơi và “cơn nghiện” bệnh hoạn là hai trạng thái khác nhau. Tôi tin rằng hầu hết chỉ là say mê trò chơi, chỉ có một số ít trẻ sẽ phát triển thành trạng thái nghiện. Nghe nói Diêu Minh(1) cũng thích chơi game, ngoài ra còn có một số thanh niên trẻ tuổi rất thành đạt trong sự nghiệp và học hành cũng thích chơi game. Chính vì thế không phải là bản thân trò chơi điện tử có vấn đề, mà do con trẻ thiếu khả năng làm chủ mình, khiến sự việc trở nên tồi tệ. Đây là một quan niệm mà trước hết bố mẹ cần phải xác định.
________________
(1) Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky, Lời kiến nghị với các nhà giáo, Đỗ Điện Khôn dịch, NXB Khoa học giáo dục, tái bản lần thứ nhất tháng 6-1984, tr.67.
Nghiện trò chơi điện tử thực ra còn phản ánh một vấn đề khác của con trẻ nằm ngoài trò chơi. Nếu một đứa trẻ chúi đầu vào trò chơi điện tử một thời gian dài không chịu thoát ra, đến nỗi trở thành bệnh hoạn, đó là vì thế giới bên ngoài trò chơi điện tử khiến trẻ cảm thấy vô vị, không hấp dẫn hoặc tự ti. Một đứa trẻ nếu vì trò chơi điện tử mà để lỡ mất tiền đồ của mình, thì kể cả trẻ sống trong thời đại không có máy tính điện tử, cũng sẽ có những thứ khác cám dỗ trẻ. Tôi tin rằng cái khiến người ta trở nên sa đọa không phải là bản thân trò chơi điện tử, mà là sự trống trải trong tâm hồn, hoặc thiếu một số tố chất nào đó. Những người sa đọa trong trò chơi điện tử kể cả không có trò chơi điện tử cũng sẽ có những cái khác khiến họ lún sâu vào và không thể thoát ra.
Trên thực tế, trò chơi điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của trẻ em đương đại. Cho dù phụ huynh có thích hay không, cuối cùng chúng vẫn sẽ chơi, chính vì thế, trong vấn đề có nên cho trẻ chơi trò chơi điện tử hay không, về cơ bản phụ huynh đã không cần phải đưa ra quyết sách nữa. Trào lưu chung muốn ngăn cũng không ngăn được. Cái mà phụ huynh cần phải suy nghĩ là làm thế nào để trẻ vừa được chơi điện tử lại vừa biết cách làm chủ mình, làm thế nào mới có thể vừa được vui vẻ, vừa được trưởng thành?
Thật là “vạn sự khởi đầu nan”. Sau khi Viên Viên bắt đầu chơi điện tử, cũng giống như những đứa trẻ khác, cô bé rất say mê. Gần như không có thời gian đọc sách, đến giờ luyện đàn nhị cũng không muốn tắt máy, vẫn cứ muốn chơi tiếp; gọi cô bé ăn cơm, mãi cho đến khi tôi và ông xã ăn xong hết, cơm nguội hết rồi vẫn không chịu ra. Những biểu hiện này của cô bé khiến tôi cũng sốt ruột, nhắc vài lần, nhưng sau khi phát hiện thấy không ăn thua gì, tôi nói với con rằng nên sắp xếp hợp lý thời gian, làm hết những việc cần phải làm, sau đó không nói gì nữa. Mấy lần con ra ăn cơm, chúng tôi đều đã ăn xong, bàn ăn cũng dọn rồi, tôi nói với rằng cơm ở trong bếp, muốn ăn thì tự đi mà hâm nóng. Khi nói những điều này tôi vẫn tỏ ra vui vẻ, không hề tỏ ý trách móc.
Trong lòng càng sốt ruột lại càng không thể hầm hầm quát mắng con, càng phải đứng về phía con, tuyệt đối không được đứng về phía đối lập với con. Chúng tôi thường vui vẻ hỏi con gái một số chuyện liên quan đến trò chơi điện tử, chia sẻ với con một cách chân thành niềm vui khi con chơi; lễ Noel chúng tôi còn tặng cô bé đĩa trò chơi mới. Tôi biết can thiệp sẽ chỉ khiến cô bé chơi càng vô độ hơn, cái mà cô bé cần là phải học được cách làm chủ bản thân. Chính vì thế tôi có đủ kiên nhẫn để cô bé trải nghiệm các cảm giác khác nhau trong quá trình tự mình phân bổ thời gian.
Vì bình thường Viên Viên ở nội trú trong trường, chỉ đến cuối tuần mới về nhà luyện đàn nhị. Ngày thứ nhất làm bài tập xong cô bé liền chơi điện tử, chơi quên hết trời đất, quên luyện đàn nhị, liền nói ngày thứ hai sẽ luyện thêm một lúc. Ngày thứ hai đến khi buộc phải tắt máy mới nhớ ra, lại quên luyện đàn nhị, thế là đành phải đợi đến tuần sau để luyện. Lúc này cô bé cũng tỏ ra áy náy – đây thực ra là thời điểm bắt đầu tự điều chỉnh của một đứa trẻ. Tuần thứ hai quả nhiên có nhớ luyện, nhưng thời gian rất ngắn, kết quả đến nhà cô giáo học, chơi rất tệ, lúc ra khỏi nhà cô giáo, cô bé tỏ ra rất rầu rĩ, nói xem ra phải cố gắng luyện cho tốt. Tôi không trách con, chỉ hùa theo nói, cố gắng luyện cho tốt. Tiếp sau đó, về cơ bản Viên Viên đã có thể dành thời gian cho việc luyện đàn như trước kia. Để có thời gian chơi điện tử, cô bé chú ý nhiều hơn đến năng suất công việc. Đương nhiên cũng có lúc tái phạm, thỉnh thoảng có một, hai ngày phân bổ thời gian rất tệ, nhưng tôi vẫn không gây xung đột với con, có lúc bình tĩnh nói với cô bé chuyện này, đưa ra niềm mong mỏi của tôi.
Thời gian mới bắt đầu chơi điện tử, cũng có một số ảnh hưởng đến thành tích học tập của cô bé, nhưng tôi tin rằng, con trẻ phải được chơi; tin rằng trong lòng con gái mình biết rất rõ học và chơi cái nào quan trọng hơn, chỉ cần tôi không can thiệp linh tinh, không càu nhàu, chắc chắn cô bé sẽ dần dần điều chỉnh được mình. Hơn nữa, cũng chưa đến gần thời gian thi đại học, thành tích của cô bé lên xuống một chút cũng không có gì đáng ngại. Chỉ cần không để trò chơi điện tử xung đột với việc học, không để cô bé mất hứng thú đối với việc học, tôi tin rằng lúc cần phải học chắc chắn cô bé sẽ biết cách học một cách chuyên tâm.
Hơn một năm sau khi chơi điện tử, Viên Viên vẫn rất say mê những trò chơi này, nhưng dần dần cô bé đã học được cách tự kiểm soát mình, làm hết những việc cần phải làm, hơn nữa năng suất cũng cao hơn – tôi cho rằng, đây là thu hoạch quan trọng nhất của cô bé, quan trọng hơn cả việc chỉ đơn thuần là thi được điểm cao.
Những năm trung học cơ sở, Viên Viên chỉ chơi trò chơi điện tử trong máy tính, không chơi game online. Sau khi lên lớp chín, việc học hành trở nên căng thẳng hơn. Một ngày nọ của năm lớp chín, cô bé cho tất cả các đĩa điện tử vào một hộp giấy, nói trước khi thi vào cấp ba sẽ không chơi nữa. Tôi không nói gì, mặc dù đây là hành động mà tôi mong chờ từ lâu, nhưng tôi không tỏ ra xúc động, cũng không khen ngợi con, chỉ tỏ ra đồng tình, giúp con vui vẻ dùng băng dính dán hộp giấy lại, đặt dưới gầm giường.
Sau khi kỳ thi vào cấp ba kết thúc, đáng lẽ Viên Viên đặt ra rất nhiều kế hoạch: đọc tiểu thuyết, luyện chữ, luyện đàn. Nhưng sau khi hộp đựng đĩa trò chơi điện tử được mở ra, cô bé lại dành nhiều thời gian nhất cho việc chơi điện tử, kết quả kế hoạch ban đầu về cơ bản không được thực hiện.
Mặc dù tôi thấy hơi tiếc vì con gái “lãng phí” thời gian như vậy, nhưng cũng không nói gì. Tôi nghĩ kỳ thi vào cấp ba đã gây áp lực lớn cho con trẻ, tiếp sau đó lại là giai đoạn học cấp ba còn căng thẳng hơn, chính vì vậy kỳ nghỉ này nên để cho cô bé chơi thoả thích, tại sao tôi lại phải bắt con tôi học trong kỳ nghỉ chứ.
Chỉ khi kỳ nghỉ kết thúc, tôi đã có một cuộc chuyện trò với Viên Viên, ôn lại kế hoạch đặt ra lúc đầu hè, hỏi con có cảm thấy chơi trò chơi điện tử lãng phí thời gian hay không, sẽ phá vỡ hoàn toàn kế hoạch của một người hay không. Tôi lại phân tích với con rằng, quỹ thời gian chỉ có như vậy, làm việc này sẽ không thể làm được việc khác. Ba năm học cấp ba tới là ba năm quan trọng nhất trong cuộc đời con người, chính vì thế chúng ta nên sử dụng tốt ba năm này, đây thực ra cũng là để tương lai có điều kiện chơi tốt hơn.
Một kỳ nghỉ trôi qua, thấy mình không thực hiện được theo kế hoạch, Viên Viên cũng tỏ ra rất hẫng hụt, hơn nữa cơn nghiện chơi điện tử cũng đã vơi đi khá nhiều, lúc này cô bé đã hiểu được lời của bố mẹ, không cãi lại tôi nữa. Nói lên trung học phổ thông chắc chắn học hành sẽ rất bận, nên sẽ phải chơi ít thôi. Đúng là cô bé đã nói là làm, lên trung học phổ thông cô bé có chơi mấy lần, chúng tôi cũng không nói gì. Đến năm lớp mười một, Viên Viên liền cho tất cả các đĩa điện tử vào hộp, nói thi đại học xong sẽ chơi. Hai năm sau đó không động gì đến trò chơi điện tử nữa.
Đợi đến khi kỳ thi đại học kết thúc, hầu hết thời gian Viên Viên dành cho việc đọc sách, xem đĩa, lên mạng chat với bạn bè, đi chơi cùng bạn bè. Thỉnh thoảng có chơi điện tử một lát, là những trò chơi mới mượn được của bạn bè. Hộp giấy đó cũng không mở ra nữa, có lẽ cô bé thấy những trò chơi đó đã quá cũ hoặc quá trẻ con. Hiện giờ trong trường đại học, ngoài việc học tập căng thẳng, Viên Viên còn tham gia hai câu lạc bộ, không bỏ bê việc đọc sách, cuộc sống rất phong phú cũng rất bận rộn, nghe nói thời gian lên mạng chat với bạn cũng rất ít. Thỉnh thoảng cũng có chơi điện tử, nhưng nếu bắt cô bé chơi điện tử triền miên, cô cũng không chịu.
Có thể có phụ huynh sẽ nói, con chị tự giác, lúc nào không nên chơi sẽ không chơi nữa. Con tôi nếu quả thực mà thả lỏng như vậy, nó sẽ không chịu làm gì cả, mãi mãi không bao giờ chịu dừng lại.
Giả thiết này sẽ không thành lập.
Sở dĩ sự “thả lỏng” của các bậc phụ huynh này không có tác dụng. Nguyên nhân thứ nhất là bình thường bố mẹ đã quen với việc “quản” con trẻ trong rất nhiều chuyện, chỉ riêng chuyện chơi điện tử không biết đã nói bao nhiêu lần, xảy ra bao nhiêu cuộc xung đột. Vậy thì một ngày nào đó đột nhiên bạn thả lỏng (thực ra chủ yếu là nấp ở một góc làm trinh thám), đương nhiên là trẻ sẽ chơi cho thật đã rồi. Đột nhiên vắng chủ nhà, gà không vọc niêu tôm hay sao; cảnh sát nghỉ việc hết, kẻ trộm không hoành hành hay sao? Tốt nhất giữa bố mẹ và con không nên hình thành nên mối quan hệ quản thúc và bị quản thúc này, thời gian thiết lập mối quan hệ này càng dài, càng vững chãi, tính tự giác của trẻ sẽ càng kém.
Nguyên nhân thứ hai là phụ huynh thiếu kiên nhẫn, chỉ mong mình vừa thay đổi, con trẻ cũng sẽ thành anh hùng ngay, chỉ cần mấy ngày là mọi chuyện sẽ tốt đẹp; nếu trong một thời gian con trẻ không chịu thay đổi, phụ huynh sẽ không chịu nổi nữa. Tật xấu cũng là “bệnh”, bệnh đến như núi đổ, bệnh đi như kéo tơ(1). Chỉ cần mất một ngày là có thể nhiễm tật xấu, nhưng để sửa có thể sẽ phải mất ba ngày, huống chi trẻ đã nhiễm tật xấu trong mấy năm, làm sao bạn thả lỏng ba ngày là trẻ đã thay đổi ngay được.
_________________
(1) Ý nói rằng bệnh đến sẽ rất nhanh, quá trình khỏi bệnh lại diễn ra rất chậm (ND).
Giống như cách ví von của học giả Đào Hành Tri, có người bắt đầu tiếp nhận một quan niệm, biết chim chóc sẽ phát triển tốt hơn trong môi trường tự nhiên, liền kiếm một ít hoa cỏ, cành cây đặt vào lồng chim, tưởng làm như vậy chính là tạo môi trường tự nhiên cho chim. Tại sao lại không mở lồng chim ra? Bố mẹ muốn sửa một tật xấu nào đó của con, thứ nhất phải có thành ý, thứ hai phải có lòng kiên nhẫn.
Còn có một số phụ huynh, bình thường quản con rất chặt, không cho lên mạng Internet, đến khi trẻ đạt được điểm cao hoặc làm tốt một việc gì đó, thấy vui quá, bố mẹ liền lấy việc cho trẻ lên mạng hoặc lên mạng quá giờ làm phần thưởng – một mặt phụ huynh rất căm hận game online, một mặt lại coi việc lên mạng Internet là “phần thưởng” để tặng cho con. Và những thứ được coi là “phần thưởng”, làm sao có thể là đồ xấu được – và thế là con trẻ đã bị đảo lộn trong nhận thức, niềm hứng thú chơi game của chúng càng được kích thích mạnh hơn.
Tôi thường nghĩ, sự việc có thể làm ngược lại, coi lên mạng là “nhiệm vụ” hoặc “biện pháp trừng phạt”, chứ không nên coi là “phần thưởng” để tặng cho trẻ, phải chăng sẽ đạt được hiệu quả khống chế tốt hơn? Ví dụ, con trẻ rất thích chơi điện tử, vậy thì mỗi lần con trẻ làm sai một chuyện gì đó, bố mẹ liền nói sẽ trừng phạt trẻ, lên mạng đi, buộc phải chơi đủ mười tiếng đồng hồ, không đủ sẽ phạt tiếp mười tiếng nữa, cho đến khi nào trẻ mệt quá xin tha. Như thế, dần dần trẻ sẽ cảm thấy lên mạng không còn là một thú vui, mà là một sự trừng phạt. Nhiều lần như vậy, có thể sẽ khiến trẻ nảy sinh tâm lý đối nghịch với mạng Internet.
Hiện nay game online dường như đã trở thành một vấn đề xã hội, các cơ quan chuyên cai nghiện mạng Internet đang mọc lên như nấm. Có bệnh viện đã mở dịch vụ chữa trị bệnh “nghiện mạng Internet”, coi con trẻ như bệnh nhân bình thường và phải nằm viện, điều trị bằng phương pháp uống thuốc, tiêm. Cũng có nơi tổ chức “trường quân sự” hoặc “trại huấn luyện”, không thiếu thủ đoạn nào – đây thực sự là phương pháp đau đâu chữa đó. Tiêu chuẩn “chữa nghiện thành công” mà các cơ quan này tuyên truyền là một tiêu chuẩn như thế nào? Rốt cục là game chứ không phải là ma túy, họ đã theo dõi những đứa trẻ này bao nhiêu thời gian, những đứa trẻ này sau này thế nào? Những cơ quan hoặc sản phẩm này khiến bố mẹ phải mất tiền oan còn là chuyện nhỏ, nghiêm trọng hơn là không những không giải quyết được vấn đề gì, mà còn gây tổn thương cho con trẻ.
Năm 2007 báo chí phanh phui vụ việc “trường Đại Đông Phương” của Tứ Xuyên tuyên truyền có thể giúp trẻ cai được chứng nghiện Internet. Nhưng nó đâu phải là trường học, mà chẳng khác gì một “lò gạch đen”. Nhân viên có tố chất thấp, hành vi “giáo dục” khiến người ta vô cùng phẫn nộ; “giáo viên” của họ tùy ý đánh chửi, sỉ nhục học sinh, biến nhà trường thành trại tập trung, cuối cùng buộc học sinh phải nhảy lầu tự tử. Nó không những gây tổn thương về mặt thể xác cho con trẻ, mà còn làm tổn thương về mặt tinh thần. Sự việc này có tính chất hoàn toàn giống với “vụ việc lò gạch đen”(1) mà báo chí phanh phui thời điểm đó, cuối cùng cũng vẫn bị làm ngơ cho qua chuyện, không thấy người nào bị xử phạt. Sự thờ ơ này, có thể là do những người bị hại này đều là các “thiếu niên hư hỏng”, họ không thể được người khác cảm thông, thương xót như các công nhân đáng thương trong “lò gạch đen”.
_________________
(1) Vận động viên bóng rổ nổi tiếng nhất Trung Quốc (ND).
Có người nâng “vụ việc lò gạch đen” lên tầm cao của an ninh quốc gia, nhưng không có ai phát hiện ra những hành vi như “trường Đại Đông Phương” mới là sự kiện an ninh quốc gia thực sự – sự ngu dốt của bố mẹ, hành vi bạo lực của giáo viên đã gieo mầm thù hận trong lòng con trẻ, tâm lý của chúng bị bóp méo. Những đứa trẻ học từ trường này ra ngày càng đắm mình vào game online, và còn có em thề sẽ giết vị “hiệu trưởng” đó – đây mới là quả bom hẹn giờ, thực sự khiến người ta phải lo lắng.
Bố mẹ tuyệt đối không nên nhẹ dạ cả tin vào các quảng cáo chữa trị bệnh nghiện game online, cái gọi là “nghiện mạng Internet” là một vấn đề giáo dục, không thể giải quyết ở bề nổi như vậy.
Chúng ta thường xuyên đọc được những bài báo nói về thanh thiếu niên say sưa với trò chơi điện tử không thể dứt ra được. Nhìn từ bề ngoài vấn đề đều nằm ở thanh thiếu niên và các trò game, nhưng qua mỗi bài báo đều có thể nhìn thấy hoặc cảm nhận thấy những khiếm khuyết trong giáo dục gia đình. Các “hành động tích cực” mà rất nhiều bậc phụ huynh áp dụng cho thấy họ hết lòng với con cái biết bao, chỉ tiếc rằng các biện pháp này chứa đầy yếu tố phản giáo dục, phản khoa học – tức là những hành vi phản giáo dục, phản khoa học này không những khiến sự cố gắng của bố mẹ không đạt được kết quả gì (cùng lắm chỉ đạt được hiệu quả tạm thời, bề ngoài), lại còn khiến trẻ càng lún càng sâu.
Tôi cho rằng, muốn giải quyết một cách căn bản vấn đề “nghiện mạng Internet” của trẻ, chỉ có thể bắt đầu từ giáo dục gia đình. Đòi hỏi bố mẹ phải thay đổi phương châm giáo dục và phương pháp giáo dục của mình một cách căn bản. Không có sự thay đổi của bố mẹ, sẽ không thể có sự cải thiện của con trẻ.
Một là bố mẹ phải có thái độ đúng đắn với game online, bình thản tiếp nhận nó chỉ là một trò chơi của con trẻ, là một phương thức vui chơi giải trí. Không nên để trẻ cảm thấy có tội hoặc áy náy khi chơi game, không nên để thái độ của bạn kích động tâm lý đối nghịch ở trẻ. Tâm lý đối nghịch chỉ khiến trẻ càng ham chơi hơn.
Hai là để trẻ có hoạt động đọc sách ngoài giờ học phong phú. Cho dù là trẻ em hay người lớn, bất kỳ sự buông thả nào đều có liên quan với sự trống trải trong tâm hồn và suy đồi trong đạo đức. Chỉ ở những đứa trẻ có tinh thần trống rỗng, game online mới biến thành liều thuốc phiện. Hoạt động đọc sách ngoài giờ phong phú sẽ khiến thế giới tinh thần của trẻ trở nên phong phú, chúng sẽ trở thành những đứa trẻ thông minh hơn, lý trí hơn, hình thành nên ý thức đạo đức tốt hơn, sức mạnh dữ dội của nó sẽ chiếm lĩnh mặt trận, không để lại nhiều không gian cho game. Một đứa trẻ ngay từ nhỏ đã có thói quen đọc sách tốt, đối với trẻ, hoạt động đọc sách có sức hấp dẫn vô cùng, sẽ làm chúng thờ ơ với game.
Ba là để trẻ học được cách tự quản lý mình. Đây là điều then chốt, cũng là điều khó nhất. Hầu hết những đứa trẻ nghiện game online, đặc điểm chung của bố mẹ chúng là thường xuyên đi “quản” con trẻ, không ngừng đưa ra những yêu cầu mang tính hạn chế đối với trẻ. Mục đích của họ cũng là muốn để cho trẻ học được cách tự quản lý mình, liền thường xuyên nói với trẻ rằng con nên như thế này, như thế kia. Nhìn những điều mà bố mẹ sắp xếp cho con, đúng là rất tốt, rất hợp lý. Chính vì bố mẹ tin rằng những cái mà mình sắp xếp sẽ biến thành sự sắp xếp của trẻ, chính vì thế không ngừng nhắc nhở đến lúc làm việc này rồi, đến lúc làm việc kia rồi. Thực tế là, nếu bạn gánh vác hết mọi sự “quản lý”, làm sao con trẻ còn cơ hội nào để học cách tự quản lý mình nữa.
Bốn là trong các hành động, lời nói cụ thể nên vận dụng nhiều lối tư duy theo chiều ngược, ví dụ ở trên tôi đã nói đến, coi lên mạng là “nhiệm vụ” hoặc “biện pháp trừng phạt”, chứ không phải là biện pháp khen thưởng để vận dụng. Đây được coi là một kỹ xảo nhỏ.
Mấy điều trên rất dễ hiểu. Trong quá trình thao tác cụ thể, phụ huynh cần lưu ý mấy điểm sau:
Mỗi câu nói, mỗi hành động của bạn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của phương pháp. Ví dụ, bạn muốn con đọc nhiều sách ngoài giờ học, liền kéo trẻ ra khỏi máy tính, nhét vào tay trẻ một quyển sách, nói với trẻ rằng phải đọc sách nhiều, chơi game ít – làm như thế thực ra càng phá hoại niềm hứng thú đọc sách của trẻ hơn, càng khiến trẻ ham chơi game hơn. Còn có những bậc phụ huynh nóng lòng muốn con học được cách tự quản lý mình, quy định nghiêm khắc thời gian học tập và nghỉ ngơi của trẻ, đặc biệt là thời gian chơi game, đến khi trẻ sắp xếp không ổn, liền phê bình trẻ không biết tự quản lý mình – như thế sẽ cướp đi cơ hội để trẻ học cách tự quản lý mình. Nếu chỉ để “quản chặt” con trẻ, bạn hoàn toàn có thể làm như vậy, và thực hiện cũng rất đơn giản; nếu muốn “giáo dục” trẻ, để trẻ học được cách tự quản lý mình, thì bố mẹ phải động não rất nhiều.
Bố mẹ nên cố gắng ngăn trẻ đang trong độ tuổi vị thành niên chơi những trò game đầy yếu tố bạo lực và tình dục. Đồng thời định hướng đúng cho trẻ, để trẻ lựa chọn một số trò chơi có nội dung lành mạnh. Bạo lực và tình dục không phải là thuộc tính bản chất của game, giống như có những loại sách vở cũng chứa đầy nội dung bạo lực và tình dục, nhưng đây không phải là thuộc tính bản chất của sách vở. Chúng ta không cho phép trẻ đọc những cuốn sách có nội dung xấu, nhưng không thể vì thế mà không cho trẻ đọc sách.
Lưu ý đặc biệt
Can thiệp sẽ chỉ khiến con trẻ chơi game càng vô độ hơn, cái mà trẻ cần là phải học được cách làm chủ bản thân. Bố mẹ cần có đủ kiên nhẫn để trẻ trải nghiệm các cảm giác khác nhau trong quá trình tự mình phân bổ thời gian.
Tốt nhất giữa bố mẹ và con không nên hình thành nên mối quan hệ quản thúc và bị quản thúc này, thời gian thiết lập mối quan hệ này càng dài, càng vững chãi, tính tự giác của trẻ sẽ càng kém.
Khi trẻ đạt được điểm cao hoặc làm tốt một việc gì đó, bố mẹ vui quá, liền lấy việc cho trẻ lên mạng hoặc lên mạng quá giờ làm phần thưởng – một mặt phụ huynh rất căm hận game online, một mặt lại coi việc lên mạng Internet là “phần thưởng” để tặng cho con. Và những thứ được coi là “phần thưởng” làm sao có thể là đồ xấu được – và thế là con trẻ đã bị đảo lộn trong nhận thức, niềm hứng thú chơi game của chúng càng bị kích thích mạnh hơn.
Mỗi lần con trẻ làm sai một chuyện gì đó, bố mẹ liền nói sẽ trừng phạt trẻ, lên mạng đi, buộc phải chơi đủ mười tiếng đồng hồ, không đủ sẽ phạt tiếp mười tiếng nữa, cho đến khi nào trẻ mệt quá xin tha. Như thế, dần dần trẻ sẽ cảm thấy lên mạng không còn là một thú vui, mà là một sự trừng phạt. Nhiều lần như vậy, có thể sẽ khiến trẻ nảy sinh tâm lý đối nghịch với mạng Internet.