Người khách đến thăm trong ngày thứ Bảy là người già Sam không bao giờ nghĩ sẽ có ngày ông gặp lại. Người khách đó đến trạm gác ở cổng khám đường, xuất trình giấy phép lái xe của bang Bắc Carolina, tự giới thiệu mình là anh em họ của tử tù Sam Cayhall và nói mình được biết vào những ngày cuối cùng này. Khi sắp đến giờ bị hành quyết, tử tù Sam Cayhall, như những tử tù đồng cảnh, được quyền gặp tất cả những thân nhân đến gặp lần cuối. Người khách đến từ xa này đã gọi điện thoại hỏi nhân viên Ban giám thị và được trả lời tiêu chuẩn gặp mặt người thân nay được nới lỏng với tử tù Sam Cayhall, điều này có nghĩa là người ta có thể đến gặp mặt tử tù Sam Cayhall từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều bất cứ ngày nào trong tuần.
Già Sam đang ngồi lóc cóc gõ máy chữ khi giám thị Parker đến bên ngoài song sắt:
– Có khách gặp.
– Ai dzậy? – Già Sam hỏi.
– Anh em chi đó. Ra gặp khắc biết.
Thủ tục đưa tử tù ra phòng tiếp khách lại được làm. Sam Cayhall đưa hai tay ra sau lưng chịu còng trước khi cửa phòng tù được mở. Ông có hai ông anh, một ông em. Ông anh cả đã chết từ lâu, ông anh thứ hai già yếu sống ở đâu đó trong vùng rừng núi quận Ford. Donnie, người em út năm nay cũng đã sáu mươi tuổi, là người vẫn tháng tháng gửi đều thuốc lá vào tù và vài tháng gửi cho ông một khoản tiền nhỏ. Ngoài ông em Donnie, đường như tất cả những người dòng họ Cayhall trên cõi đời này đều đã quên Sam Cayhall.
Người đến thăm chắc chắn là Donnie. Thường thì mỗi năm Donnie đến thăm ông anh một lần. Già Sam thấy vui vui khi đi trên hành lang.
Nhưng người khách đến thăm không phải là Donnie. Người đàn ông ấy hoàn toàn xa lạ với ông, già Sam nhìn quanh xem trong phòng còn ai khác nữa không. Chỉ có một mình người lạ này, người này đến gặp ông để làm gì? Ai vậy?
Người khách, đứng bên kia lưới sắt, cũng nhìn đăm đăm Già Sam. Người tử tù gượng mỉm cười, gật đầu chào, ngồi xuống ghế, lấy thuốc lá châm lửa.
Người khách vẫn im lặng. Sau vài khói thuốc, già Sam lên tiếng:
– Ông là ai? Tôi có gặp ông lần nào chưa?
Người khách lạnh lùng:
– Có. Vài lần.
– Ở đâu?
– Ở Greenville, Jackson và Viksburg. Ở Thánh đường Do Thái, Nhà Pinder, lần cuối ở văn phòng Marvin Kramer.
Già Sam kêu lên:
– Wedge? Anh đó ư?
Người đàn ông gật đầu và già Sam nhắm mắt lại. Điếu thuốc lá muốn rớt khỏi những ngón tay vô hồn, ông nói nhỏ:
– Tưởng anh chết rồi chứ.
– Chưa đâu. Anh chưa chết làm sao tôi chết được.
Già Sam mở mắt:
– Đồ chó đẻ. Tất cả những gì khốn nạn xảy ra đều do anh hết. Hai mươi mấy năm nay nhiều lần tôi mơ thấy tôi cắt cổ anh…
– Rất tiếc, Sam. Tôi vẫn còn sống đây.
– Tôi thù anh đến xương tủy. Tôi rủa xả anh ngày đêm. Chết đi, hồn tôi sẽ theo hãm hại anh, làm cho đời anh khốn khổ, khốn nạn…
Rollie Wedge chỉ nhún vai tỏ vẻ thương hại. Già Sam lại hỏi:
– Wedge… Anh muốn gì?
Wedge nhìn quanh:
– Họ có thể nghe được những gì ta nói không?
Đến lượt già Sam nhún vai:
– Họ cóc thèm nghe những gì tôi và anh nói với nhau.
– Nhưng biết đâu họ lại chẳng đặt máy nghe lén?
Già Sam nhếch mép:
– Sợ à? Sợ thì cút đi. Có ai mời anh đến đâu, cũng chẳng có ai giữ anh ở lại.
Im lặng trong vài giây đồng hồ, Rollie Wedge bắt đầu nói:
– Tôi sẽ đi sau hai phút nữa. Tôi đến để cho anh biết tôi đang ở quanh đây, tôi trở lại để canh chừng anh chết. Tôi hài lòng khi thấy tên tôi không được nhắc đến và tôi mong tên tôi sẽ không bao giờ được nhắc đến. Chắc anh dư biết những việc tôi đã làm kể từ ngày tên Dogan hèn nhát, phản thùng, ra toà tố cáo anh để cứu lấy thân hắn. Quá ngu. Làm sao hắn thoát được khi còn có tôi canh chừng hắn? Tên luật sư Brazelton to mồm, lẻo mép cũng đi tàu suốt xuống âm phủ luôn. Tôi biết anh chẳng thương xót gì con cháu anh nhưng tôi cũng báo để anh biết anh mà nói đến tôi là con cháu anh lãnh đủ đấy. Nếu anh muốn vài mạng nữa chết theo anh cho vui thì anh cứ việc. Lần này người anh làm chết không phải là người ngoài mà là người cùng huyết thống với anh.
Già Sam trừng mắt:
– Anh dám đe dọa tôi ư?
– Không đe dọa đâu, Sam. Thật đấy. Tôi muốn được thấy anh chết như người đàn ông có danh dự, có nhân phẩm. Anh hãy chết đường hoàng. Anh chết đâu có oan uổng gì. Anh và tôi cùng đi… làm việc đó. Anh cũng có tội như tôi vậy. Tất nhiên nếu không có anh Dogan đã cho người khác đi với tôi nhưng anh đã đưa đón tôi. Nếu không có anh làm sao tôi có thể đến được văn phòng Kramer? Nếu tôi bị dính mà anh thoát, rất có thể tôi cũng làm như anh, nhất định không khai ra đồng bọn. Làm như anh là hay đấy. Cố gắng đi thêm vài bước nữa cho xong đi.
Người tử tù già lặng đi không còn nói năng gì được, như thương hại Wedge trầm giọng nói tiếp:
– Anh có khai ra tôi cũng vô ích thôi. Tên tôi không phải là Rollie Wedge. Dogan cũng không biết tên thật của tôi. Thực ra tôi là người không có tên thật. Tôi cũng không phải là công dân Mỹ. Tôi bị động viên nhập ngũ năm 1965, không muốn sang chết ở Việt Nam nên tôi bỏ sang Canada. Tôi trở về sống bí mật ở Hoa Kỳ. Đất nước này không có ai là tôi cả.
Người tử tù nói qua hàm răng nghiến chặt:
– Anh là người phải ngồi ở chỗ tôi đang ngồi mới đúng.
Wedge lắc đầu:
– Không đúng đâu, Sam. Đúng ra tôi không bị mà anh cũng không bị. Anh bị bắt vì anh là thằng ngốc, vừa ngốc vừa điên. Tại sao sáng hôm ấy anh lại loạng quạng trở lại văn phòng Kramer? Anh trở lại đấy làm cái gì? Anh chết là vì anh điên, đâu phải tại tôi. Tôi không ngu, Dogan không ngu, chỉ có anh là ngu thôi. Vì anh ngu nên bọn FBI mới tóm được anh. Tại sao xong việc rồi anh không về nhà với vợ con anh mà anh lại dẫn xác trở lại đấy? Tôi hỏi anh: anh trở lại đấy để làm gì? Anh chết là đáng rồi, còn oan ức gì nữa?
Trong giọng nói của người tử tù thoáng hiện âm thanh bùi ngùi:
– Tôi trở lại vì tôi là người… Vì tôi không muốn giết người. Vì trái bom tôi đưa anh đi đặt được tính sẽ nổ vào lúc 5 giờ sáng. Giờ ấy không có người ở nơi bị đặt bom. Cho nổ bom dọa thôi, không phải để giết người. Nhưng anh đã dùng đồng hồ cho bom nổ vào lúc gần 8 giờ sáng. Khi anh đi rồi, đến 6 giờ vẫn không thấy bom nổ, tôi bồn chồn…
Người tử tù thở dài:
– Lẽ ra tôi chỉ cần gọi một cú điện đến cảnh sát là xong…
Rollie Wedge cũng tỏ vẻ ngậm ngùi:
– Tôi rất tiếc…
Già Sam ngước mặt lên nhìn qua làn khói thuốc:
– Còn anh? Anh nói anh không ngu mà anh dẫn xác vào đây ư?
Rollie Wedge chỉ mỉm cười:
– Anh có la lối om xòm lên bây giờ cũng chẳng có ai tin anh. Người ta sẽ cho là anh điên. Ít nhất anh cũng phải nhận tôi là người ân oán phân minh, tôi không phản bội bạn, tôi cũng không quên bạn cũ. Tôi đến gặp anh để nói tôi khâm phục anh, anh đã làm đúng khi anh không chịu khai trước toà. Anh sống không hèn, chết không hèn. Tôi đến để chúc anh ra đi nhẹ nhàng. Anh bảo tôi còn làm gì hơn được? Không lẽ tôi ra đầu thú để cùng vào tù với anh?
Ông già tử tù đã lấy lại được bình tĩnh. Đốt điếu thuốc lá khác, ông nói như ra lệnh:
– Đi đi, Wedge.
– Vĩnh biệt Sam. Tôi đi đây.
Hai cô cháu ngồi trong rạp xi-nê vừa mê mải theo dõi phim chiếu vừa ăn bắp rang như một cặp thiếu niên. Adam gợi ý hai cô cháu đi xem xi-nê, cô Lee tán thành ngay. Cô đã nằm cấm cung ba ngày, ba đêm trong phòng. Sáng thứ Bảy cơn cúm rút lui, cô trở lại tươi tỉnh, vui vẻ. Hai cô cháu đi ăn trưa trong một tiệm ăn có hình thức gia đình. Họ ăn nhiều rau và không uống rượu. Cô Lee ăn thật ngon miệng.
Phim họ xem là phim loại Viễn Tây, gọi nôm là phim cao bồi. Năm mươi năm trước loại phim này thường có cảnh dân da trắng đi chinh phục miền Tây bắn dân da đỏ chết như rạ. Đến thập niên 90 chuyện phim đổi ngược: bọn da trắng là bọn xấu, bọn độc ác, dân da đỏ ưa hòa bình bất đắc dĩ phải cầm súng giữ đất, tuy thua nhưng tính anh hùng và chính nghĩa của dân da đỏ vẫn ngời sáng.v.v…
Cô Lee ăn bắp rang, uống hai lon nước Dr. Peppers. Mái tóc cô chải gọn, sạch, mượt và thơm. Mắt cô sáng trong. Cô đẹp và sang như những ngày đầu Adam gặp cô. Chàng hãnh diện khi thấy cô trẻ trung, hấp dẫn, linh lợi trong bộ quần jeans, áo sơ-mi vải bông rộng.
Hai cô cháu không nói gì về chuyện mấy đêm trước: đêm cô Lee đòi uống rượu và Adam ngủ trên sàn phòng. Họ đồng ý để dành chuyện ấy, họ sẽ nói với nhau về chuyện ấy nhưng không nói ngay bây giờ.
Adam quyết định sẽ làm mọi cách chàng có thể làm được để cho bà cô của chàng đỡ khổ. Chàng muốn và chàng nhất định sẽ làm cho đời bà vui vẻ hơn, dễ chịu hơn. Bà là bà cô ruột của chàng, chàng yêu thương bà. Bà cô chàng cô đơn, yếu đuối, đau ốm, dễ bị xúc phạm và dễ bị tổn thương. Bà cần có tình yêu và sự nâng đỡ của chàng.