Kế hoạch đặt bom văn phòng luật sư cấp tiến người Do Thái tương đối dễ thực hiện. Chỉ có ba người liên hệ. Người thứ nhất bỏ tiền. Người thứ hai là dân địa phương nên biết rõ địa bàn hoạt động. Người thứ ba là một thanh niên trẻ tuổi, yêu nước quá khích, có biệt tài sử dụng chất nổ rồi biến mất, không để lại tăm tích. Anh ta sau đó sẽ sang sống ở Bắc Ireland trong 6 năm.
Tên người luật sư nạn nhân là Marvin Kramer, công dân Mỹ gốc Do Thái thuộc thế hệ thứ tư ở bang Mississippi. Gia đình anh ta là những thương gia khá giả. Anh sống trong một căn nhà cổ ở Greenville, một thị trấn bên dòng sông nơi qui tụ những người Do Thái có thế lực. Đời sống nơi đây yên bình và không có xáo trộn gì lớn về chủng tộc. Marvin Kramer theo ngành luật vì anh không thích buôn bán. Giống như đa số người Do Thái nguyên quán ở Đức di cư sang Hoa Kỳ, gia đình Kramer hội nhập êm đẹp vào dòng văn hoá miền nam Hoa Kỳ và tự coi họ như những người miền Nam nhưng theo một tôn giáo khác. Phong trào bài Do Thái không thấy nổi lên ở đây. Tất cả những người Mỹ gốc Do Thái sống hoà đồng với những thành phần khác của xã hội và yên ổn với công việc riêng của họ.
Marvin thì khác. Vào những năm cuối thập niên 50, anh được gia đình cho lên đi học ở thành phố Brandeis thuộc miền Bắc Hoa Kỳ, sau đó học thêm ba năm luật ở Columbia. Khi Marvin trở về Greenville năm 1965, phong trào đấu tranh đòi quyền công dân lan rộng, lấy vùng Mississippi làm trung tâm hoạt động và anh bị lôi cuốn ngay vào phong trào này.
Chưa đầy một tháng sau ngày mở văn phòng luật sư, Marvin và hai người bạn học đã bị bắt vì tổ chức đăng ký danh sách những cử tri người da đen. Ông bố anh giận dữ, gia đình anh khó chịu nhưng Marvin không bỏ cuộc. Anh bị dọa giết năm hai mươi lăm tuổi nên bắt đầu mang súng trong người. Vợ anh, một thiếu nữ Memphis, và cả chị hầu Mỹ đen cũng phải luôn luôn có súng trong xắc tay. Vợ chồng Kramer có hai đứa con trai sinh đôi.
Vụ kiện về quyền công dân đầu tiên do văn phòng luật Marvin B. Kramer đưa ra năm 1965, tố cáo chính quyền địa phương có hành động kỳ thị chủng tộc trong các cuộc bầu cử.
Vụ kiện này được các báo trong tiểu bang đưa lên trang nhất cũng với ảnh Marvin. Tên anh cũng nằm trong danh sách những kẻ cần bị trừng trị của Ku Klux Klan[1], một tổ chức gồm những người da trắng chống lại sự bình đẳng chủng tộc.
Luật sư Kramer chẳng những thụ lý vụ kiện chống kỳ thị chủng tộc, anh còn giúp đóng tiền thế chân cho những người đấu tranh cho quyền công dân khi họ bị bắt. Anh khởi tố những vụ kiện chống sự phân biệt cư xử trắng-đen. Anh chi tiền sửa một giáo đường của người đa đen bị bọn KKK đặt bom. Anh niềm nở tiếp đón những người Mỹ đen tại nhà.
Anh diễn thuyết trước những người Do Thái ở miền Bắc Hoa Kỳ và kêu gọi họ nhập cuộc. Anh viết nhiều bức tâm thư nồng nàn gửi đến các báo – Nhưng chỉ có rất ít báo dám đăng. Luật sư Kramer đang dũng cảm tiến đến sự diệt vong của chính mình!
Tư gia của luật sư Kramer không bị đặt bom chỉ vì một lý đo giản dị: nhà có nhân viên an ninh canh gác. Nhân viên này là một cựu cảnh sát, một tay xạ thủ cừ khôi. Đảng viên KKK biết rõ tay này nên không muốn đụng chạm. Thay vào đó, họ chọn văn phòng Kramer.
Việc chuẩn bị đặt bom mất rất ít thì giờ vì chỉ có ba người liên hệ. Người có tiền, một tay thô lỗ, kiêu căng và ưa khoa trương, tên là Jeremiah Dogan, thời đó được coi là Pháp vương của tổ chức KKK ở Mississippi. Y là chủ nhân tiệm mua bán xe hơi cũ lớn nhất Meridian, bang Mississippi. Y kiếm được nhiều tiền nhờ làm đủ thứ dịch vụ bất hợp pháp. Đôi khi y cũng lên nói trên bục giảng của những nhà thờ nhỏ miền quê. Tuy vô học và thô lỗ nhưng y không ngu dại. Thật vậy, sau đó cơ quan FBI nhìn nhận Jerry Dogan là tay khủng bố nhiều hiệu năng bởi y biết giao những công việc tồi tàn cho những nhóm tay sai nhỏ, hoạt động riêng rẽ và không biết nhau. Dogan cũng rất đa nghi, y không tin ai cả ngoài những người trong gia đình y và một số đồng bọn rất nhỏ nên điểm chỉ viên của FBI không dò ra y. Thành viên thứ hai là một đảng viên KKK tên là Sam Cayhall cư ngụ ở Clanton, quận Ford, cách Meridian 3 giờ xe về phía bắc và cách Memphis một giờ xe về phía nam. Nhân viên FBI biết Sam nhưng không biết hắn có liên hệ với Jerry Dogan. Họ nghĩ hắn vô hại vì trong vùng hắn ở không có hoạt động nào lớn của tổ chức KKK. Tuy ông bố của Sam Cayhall trước đó cũng là thành viên KKK nhưng phần lớn những người trong gia đình này đều thụ động. Việc Jerry Dogan tuyển mộ và sử dụng Sam Cayhall là một thủ đoạn tuyệt diệu.
Vụ đặt bom văn phòng luật sư Kramer cụ thể khởi sự bằng một cú điện thoại đêm 17 tháng 4 năm 1967. Nghi ngờ điện thoại nhà bị gắn máy nghe trộm, Jerry Dogan đợi đến nửa đêm, lái xe đến một trạm xăng ở phía Nam Meridian. Y cũng nghi là bị FBI theo dõi. Tất cả những nghi ngờ ấy đều đúng. Nhân viên FBI quả có theo y đến trạm xăng đêm ấy, họ biết y dùng điện thoại của trạm xăng gọi đi nhưng họ không biết y gọi đi đâu, nói gì, với ai!
Ở đầu dây bên kia, Sam Cayhall lắng nghe, hỏi vài câu rồi gác máy. Trở vào giường, hắn không nói gì với vợ. Vợ Sam cũng biết nàng chẳng nên hỏi. Sáng sớm hôm sau, Sam lái xe vào khu trung tâm thị trấn Clanton, ăn sáng trong một tiệm cà phê rồi vào gọi điện thoại trong toà án quận Ford.
Hai ngày sau, 20/4, Sam Cayhall rời Clanton lúc chiều, lái hai giờ đồng hồ đến Cleveland, cách thị trấn Greenville một giờ xe. Hắn chờ 45 phút trong bãi đậu xe của một trung tâm thương mại nhộn nhịp nhưng không thấy bóng dáng chiếc Pontiac xanh lá cây đâu cả. Sam ăn bữa tối rẻ tiền với gà quay rồi lái xe sang thị trấn Greenville để điều nghiên địa điểm văn phòng Marvin B. Kramer. Hai tuần trước, Sam đã dành trọn ngày để thăm dò nên hắn biết khá rõ thị trấn này. Hắn lái xe đi ngang văn phòng Kramer, ngang nhà riêng Kramer và cả giáo đường Do Thái. Dogan có nói giáo đường này sẽ là mục tiêu lần đặt bom tới.
11 giờ đêm, Sam trở lại Cleveland. Chiếc Pontiac xanh lá cây không đậu trong sân đậu xe của Trung tâm thương mại mà ở điểm hẹn thứ hai, chỗ trạm đậu xe vận tải ở đầu xa lộ cao tốc số 61. Hắn lật tấm thảm chỗ chân tài xế để lấy chìa khoá, lái vào khu trang trại trù phú của vùng đồng bằng. Ngừng xe ở một khúc đường vắng, Sam mở cốp. Trong thùng carton có 15 cây mìn, 3 kíp nổ và 1 cầu chì. Hắn lái chiếc Pontiac trở lại thị trấn và ngồi chờ trong một tiệm cà phê mở cửa suốt đêm.
Đúng 2 giờ sáng, thành viên thứ ba của nhóm xuất hiện. Rollie Wedge, một thanh niên mới 22 tuổi nhưng đã lão luyện trong cuộc chiến chủng tộc của Hoa Kỳ. Gã cư ngụ tại một vùng núi thuộc Louisiana, nơi không ai có thể tìm được gã.
Đã vài lần gã tâm sự với Sam Cayhall là gã sẵn sàng chết cho cuộc chiến giành quyền làm chủ của người da trắng. Bố gã thuộc tổ chức KKK, là chuyên viên sử dụng chất nổ cho một công ty xây cất, Rollie học cách sử dụng chất nổ từ ông bố.
Sam Cayhall không biết gì nhiều về Rollie Wedge và cũng không mấy tin những chuyện Rollie kể. Hắn cũng chẳng bao giờ hỏi Dogan tìm được chú nhỏ này trong trường hợp nào.
Hai người ngồi uống cà phê nói chuyện mưa nắng với nhau trong nửa giờ. Bàn tay cầm ly cà phê của Sam có đôi lúc run run, nhưng bàn tay của Rollie thì rất vững, mắt Rollie cũng không bao giờ chớp vì ngạc nhiên hay xúc động. Hai người đã từng cùng vài lần đặt bom chung và Sam thấy thán phục sự thản nhiên lạnh lùng ở một người trẻ tuổi như Rollie. Chàng trai không bao giờ tỏ ra xúc động, hồi hộp, ngay cả khi hai người đến gần mục tiêu và cầm mìn từ tay Sam.
Xe của Rollie là một chiếc xe mướn ở phi trường Memphis. Gã lấy cái túi xách nhỏ trong xe, khoá cửa và bỏ xe lại bãi đậu. Chiếc Pontiac xanh lá cây do Sam cầm lái rời Cleveland để đi vào xa lộ 61. Lúc ấy gần 3 giờ sáng, xa lộ vắng xe. Đến gần làng Shaw, Sam cho xe vào một con đường nhỏ và dừng lại. Rollie Wedge xách cái túi đi ra mở cốp xe để kiểm soát cốt mìn, kíp nổ, dây dẫn lửa. Chừng 5 phút sau, xe lại tiếp tục đi về Greenville.
Xe chạy ngang văn phòng Kramer lần thứ nhất lúc 4 giờ sáng. Đường vắng và tối. Khi xe chạy ngang nhà riêng của Kramer, Rollie chắc lưỡi:
– Tiếc là mình không đặt bom nhà nó.
– Tiếc thật đấy, nhưng mà nhà nó có nhân viên bảo vệ.
– Tôi biết. Muốn thanh toán tên đó cũng dễ thôi.
– Nhà nó có mấy đứa bé.
– Giết chúng đi khi chúng còn nhỏ. – Rollie thản nhiên – Tụi nó lớn lên sẽ y như bố mẹ chúng, bọn Do Thái khốn nạn!
Sam đậu xe trong con đường nhỏ sau toà nhà có văn phòng Kramer. Hai người im lặng mở cốp xe, lấy đồ nghề và đi men theo hàng cây đến cửa sau toà nhà.
Sam Cayhall cạy khoá cửa và chỉ vài phút sau, hắn và Rollie đã ở trong toà nhà. Hai tuần trước đó, Sam đã vào nhà này hỏi về một công ty thương mại và sau đó vào phòng vệ sinh của toà nhà. Hắn thấy ở giữa phòng vệ sinh và văn phòng Kramer một cái tủ đứng nhỏ đựng hồ sơ.
– Đứng ở cửa canh chừng!
Rollie lạnh lùng ra lệnh và Sam tuân theo ngay. Hắn thích đứng canh xa hơn là gần chỗ gài mìn. Đây là việc nguy hiểm, trái tim hắn thường đập loạn lên trong những giây phút này.
Hai người chỉ ở trong nhà chừng 5 phút. Họ lững thững trở về xe. Một lần nữa họ lại thành công. Chiến thắng dễ dàng. Họ đã đặt bom một văn phòng địa ốc ở Jackson, chủ nhân văn phòng này can tội bán nhà trả góp cho dân da đen. Tất nhiên lão chủ này là người Do Thái. Đặt bom một toà báo nhỏ vì tội đăng những bài xã luận đòi quyền bình đẳng chủng tộc. Họ cũng làm sập một giáo đường Do Thái ở thị trấn Jackson.
Khi ra đến đường lớn, Sam mới bật đèn xe.
Trong những lần đặt bom trước, Rollie vẫn dùng đây dẫn lửa lâu 15 phút. Dây này được đốt bằng que diêm giống như đốt pháo. Đốt xong, hai kẻ đặt bom thường thưởng thức những phút chờ đợi thú vị bằng cách hạ hết cửa kính xe, cho xe chạy từ từ ra khỏi thị trấn. Xe họ ra đến xa lộ thì tiếng nổ từ thị trấn vang lên.
Nhưng đêm nay chuyện không xảy ra như những lần trước. Sam rẽ lầm vào một con đường có đường xe lửa chạy ngang chặn đường họ. Chuyến tàu chở hàng thật dài, tưởng như chạy mãi không hết. Sam bối rối nhìn đồng hồ. Rollie không nói gì cả. Con tàu qua hết, Sam cho xe chạy và lại rẽ lầm đường lần nữa. Họ lạc đến bờ sông, lẩn quẩn trong những khu phố nghèo. Sam lại xem đồng hồ. Chỉ còn năm phút nữa là mìn nổ. Giờ này xe phải chạy bon bon trên xa lộ chứ không thể cứ vòng vòng trong cái bẫy chuột mãi được. Rollie bắt đầu có vẻ sốt ruột và bực bội nhưng vẫn không nói gì.
Sam lúng túng tìm đường ra khỏi thị trấn. Hắn càng bấn loạn thì việc tìm đường lại càng khó khăn. Greenville không phải là một thị trấn lớn. Sam sợ nếu cứ chạy lòng vòng như thế này họ có thể trở về khu phố có văn phòng luật Marvin B. Kramer.
Sam đạp thắng gấp khi nhận ra hắn đang chạy ngược chiều. Xe ngừng và động cơ cũng tắt luôn. Sam cuống quít đề máy.
Máy nổ nhưng cứ gài số là lại tắt. Mùi xăng toả nồng nặc.
– Mẹ kiếp! – Sam nghiến răng.
Rollie ngồi thụp xuống trong lòng ghế, nghiêng mặt nhìn qua cửa xe.
– Mẹ! Ngộp xăng rồi!
Sam lại nổ máy. Lần này máy xe chỉ phát lên những tiếng sụt sịt không đều.
Rollie nói, giọng bình thản:
– Đừng làm hết bình điện.
– Mẹ kiếp thằng Dogan khốn nạn! Nó đưa cho mình cái xe chết tiệt này…
Sam nhìn đồng hồ lần nữa. Hơn mười lăm phút đã trôi qua. Mìn sẽ nổ trong vài giây đồng hồ nữa. Mồ hôi tuôn ướt trán, Sam xoay chìa khoá công tắc. Máy xe nổ. Hắn vội vã cho xe lùi lại để đi vào con đường khác. Thoát rồi! Khi cho xe vào xa lộ 82, cách văn phòng Kramer chừng 8 cây số, Sam mới hỏi:
– Sao lâu quá không thấy…?
Rollie nhún vai như đó là chuyện riêng của hắn và Sam không nên hỏi. Xe chạy chậm lại khi Sam thấy bóng xe cảnh sát đậu bên đường. Greenville dần dần lùi xa đằng sau và Sam lấy lại được bình tĩnh.
– Sao lâu quá không thấy nổ? Có sai sót gì không đấy?
Giọng Sam có vẻ bực nên Rollie trả lời:
– Lần này tôi không dùng dây dẫn lửa. Tôi dùng bộ phận mới.
– Cái gì?
Rollie nói mà không nhìn Sam:
– Anh không hiểu được đâu! Hỏi làm quái gì!
Sam nổi nóng:
– Dùng đồng hồ cho mìn nổ chậm phải không?
Rollie lạnh lùng:
– Gần như vậy.
Hai người yên lặng suốt trên đường về Cleveland. Ra khỏi Greenville đã bảy tám cây số, khi những ánh đèn thị trấn bắt đầu khuất dần, Sam vẫn còn hy vọng nghe thấy tiếng nổ, nhìn thấy vòng lửa bốc lên. Nhưng vẫn không có gì lạ. Trong lúc đó Rollie nằm ngả đầu lên ghế ngủ một giấc.
Tiệm cà phê ở trạm đậu xe vận tải đang giờ đông khách thì chiếc Pontiac về tới. Như mọi lần, Rollie mở cửa bước ra và nói vọng qua cửa xe:
– Hẹn gặp lại!
Ngồi trong xe, Sam nhìn theo Rollie đi khuất về phía bãi đậu, thán phục trước vẻ lạnh lùng bình thản của gã thanh niên.
Bây giờ đã gần 5 giờ 30 sáng. Ánh hồng cam bắt đầu rạng lên ở phía đông. Sam cho chiếc Pontiac chạy vào xa lộ 61, hướng về phía nam…
Vụ đặt bom thảm khốc tại văn phòng luật Marvin B. Kramer bắt đầu gần như cùng lúc Rollie Wedge và Sam Cayhall chia tay ở Cleveland.
5 giờ 30 sáng, chiếc đồng hồ báo thức đặt trên bàn ngủ của Ruth Kramer reo chuông. Đây là giờ thức dậy hằng ngày của mọi người trong gia đình Kramer. Ruth nghe tiếng chuông reo, mở mắt và biết ngay là mình bị cúm khá nặng. Trận dịch cúm hoành hành ở Greenville từ một tháng nay, giờ đây nó mới tiến vào nhà Kramer.
Chị hầu đánh thức hai anh em sinh đôi Josh và John năm tuổi vào lúc 6 giờ 30 sáng. Chị cho hai em tắm, thay quần áo và ăn sáng. Marvin nghĩ mình nên đưa con đến nhà trẻ sớm để tránh cho chúng khỏi bị lây bệnh. Anh gọi điện cho một bác sĩ bạn lấy toa và đưa tiền cho chị hầu để chị đi mua thuốc theo toa. Sau đó anh tạm biệt vợ và đưa hai con ra khỏi nhà.
Josh và John rất thích được vào chơi trong văn phòng của bố. Nhà trẻ mở cửa lúc 8 giờ sáng. Marvin có thể làm việc ở văn phòng một lúc trước khi đưa con đến nhà trẻ và dự một phiên toà.
Ba cha con đến văn phòng vào lúc hơn 7 giờ sáng. Marvin mở cửa văn phòng, bật đèn, căn dặn con không được nghịch phá bàn làm việc của cô thư ký Helen, nhưng hai đứa trẻ đã chạy ra hành lang mở cuộc thám hiểm. Cả toà nhà chỉ có ba cha con, chúng hào hứng như được lạc vào một thế giới khác.
Vào khoảng 8 giờ kém 15, Marvin nhớ lại khi nằm trong bệnh viện, anh đi lên căn phòng dùng làm kho lưu trữ ở lầu trên để tìm hồ sơ liên hệ đến vụ xử trước mà anh sắp dự. Hành động này đã khiến anh thoát chết. Khi lên thang lầu anh còn nghe tiếng các con cười ở dưới nhà.
Vụ nổ làm toà nhà gỗ bay tung lên trời. Những mảnh vôi gỗ bay lên mãi đến một phút sau mới rơi xuống. Khu phố rung chuyển như trong cơn động đất. Những mảnh cửa kính văng ra khắp thị trấn và rơi mãi xuống như không bao giờ dứt.
Josh và John chỉ cách chỗ mìn nổ chừng năm thước. May mắn là chúng không biết chuyện gì xảy ra và cũng không bị đau đớn. Marvin Kramer bị đẩy tung lên trần phòng rồi rơi xuống, nằm chết ngất giữa hố mìn đen xì, bốc khói. Hai mươi phút sau người ta mới tìm thấy anh. Được đưa ngay tới bệnh viện, anh bị cưa hai chân đến đầu gối.
Vụ nổ xảy ra lúc 7 giờ 45 sáng. Vẫn còn nhiều người may mắn thoát chết. Cô thư ký Helen khi đi qua bưu điện cách đó bốn khu phố thì điếng người vì tiếng nổ. Chỉ dăm phút nữa là cô đang bận rộn pha cà phê trong văn phòng. David Lukland, một luật sư trẻ cộng tác với Marvin B. Kramer, nhà ở gần đó, vừa khoá cửa nhà để đến văn phòng vừa uống cà phê vừa đọc thư từ mới đến.
Toà nhà cạnh nơi bị đặt bom cũng bốc cháy làm tình hình càng thêm rối loạn. Có hai người bị thương ở ngoài đường.
Bà Mildred Talton bị một thanh gỗ đập vào mặt làm dập sống mũi. Người thứ hai chỉ bị thương rất nhẹ nhưng sau đó nổi tiếng một thời gian dài ở Greenville: Sam Cayhall.
Sam Cayhall đang đi bộ trên vỉa hè ở một nơi không xa văn phòng Kramer thì bị sức nổ đẩy ngã ngửa. Hắn bò dậy đứng nấp sau một gốc cây, há hốc miệng nhìn cảnh địa ngục diễn ra ngay trước mắt rồi quay mình bỏ chạy.
Sam Cayhall bị những mảnh kính vỡ gây thương tích ở má, ở cổ mà không hay biết. Hắn vội vã chui vào chiếc Pontiac xanh lá cây để lái ra khỏi Greenville. Hắn rất có thể thoát nếu tỉnh trí đôi chút. Xe cảnh sát hú còi, chớp đèn chạy tới mà Sam cứ chạy rà rà trước mặt không chịu nhường đường.
Bị còi hụ đốc thúc riết quá, Sam luýnh quýnh cho xe đứng lại giữa đường luôn. Cảnh sát ập tới mở cửa kéo Sam Cayhall ra, còng tay đưa về nhà giam của quận, còn chiếc Pontiac bị kéo về nhà giữ xe của thị trấn.
Trái mìn giết chết hai anh em sinh đôi nhà Kramer rất thô sơ. Nó chỉ là mười lăm cây thuốc nổ được buộc chặt lại với nhau bằng băng keo. Thay vì dùng dây dẫn lửa như mọi khi, lần này Rollie Wedge dùng một máy phát nổ do gã sáng chế. Đó là một cái đồng hồ báo thức rẻ tiền chạy bằng dây cót.
Rollie gài cho mìn nổ vào lúc 7 giờ sáng nhưng vì một nguyên nhân nào đó, trái mìn nổ chậm. Tổ chức KKK đã làm máu người Do Thái đổ ra ở Mississippi.