Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 18: CON TRẺ VỐN KHÔNG BIẾT NÓI DỐI



Chỉ cần không có nguyên nhân dụ dỗ, trẻ sẽ không cần thiết phải lấy việc nói dối để làm khó cho mình, con trẻ bẩm sinh không biết nói dối.
Con trẻ bản tính không biết nói dối.
Năm Viên Viên bốn tuổi, tôi và ông xã đã đem theo con phiêu dạt ở Bắc Kinh gần hai năm. Hộ khẩu không lo được, nhà ở cũng không có, gia đình tôi và một người bạn họ Cao khác cùng thuê một khu nhà ở có ba căn nhà cấp bốn, Viên Viên gọi người bạn đó là chú Cao. Chú Cao rất quý Viên Viên và hay nói chuyện với cô bé. Lúc đó chúng tôi muốn tìm một nơi có thể giải quyết vấn đề hộ khẩu và nhà ở để ổn định cuộc sống, đúng dịp có hai viện thiết kế ở Diêm Đài hẹn gặp chồng tôi để phỏng vấn, và thế là chúng tôi cùng đưa Viên Viên đi Diêm Đài. Trước khi đi, vì nghĩ đến vấn đề không biết có thành công hay không nên không cần phải nói với người khác. Chính vì thế trước khi đi gặp chú Cao, ông xã tôi liền nói chúng tôi chuẩn bị về quê ở Nội Mông Cổ.
Sau khi đến Diêm Đài, bàn sơ bộ các vấn đề với một đơn vị tuyển dụng, quyết định sẽ đến đây làm việc, nhưng ông xã phải ở lại thử việc một tuần. Và thế là tôi liền đưa Viên Viên quay trở về Bắc Kinh trước. Vì nghĩ đến việc phải đợi ông xã sau khi thử việc ở đó một tuần mới đưa ra được quyết định cuối cùng, để cho ổn thỏa, trên tàu về Bắc Kinh tôi nói với Viên Viên rằng: Về đến nhà nếu gặp chú Cao con đừng nói với chú ấy rằng mình đi Diêm Đài nhé.
Viên Viên hiểu ý gật đầu.
Kết quả, sau khi hai mẹ con về đến nhà, vừa nhìn thấy chú Cao, Viên Viên liền vội vàng tuyên bố: “Chú Cao ơi, cháu không thể nói cho chú biết cháu đã đi đâu được đâu”. Chú Cao hỏi: “Không phải là cháu về Nội Mông Cổ đó sao?”, Viên Viên nói: “Không phải, mẹ cháu không cho cháu nói với chú”. Thế là tôi buộc phải nói ra sự thật.
Sau khi đến Diêm Đài, đơn vị đã nhanh chóng lo cho hộ khẩu, lại còn cấp cho chúng tôi một căn hộ có ba phòng ngủ. Mấy năm phiêu bạt, đến thành phố biển xinh đẹp như thế này, có được cuộc sống ổn định như thế này, chúng tôi đều cảm thấy vô cùng hạnh phúc, thầm cảm ơn ông viện trưởng đã tuyển dụng chồng tôi, và thế là Tết về quê, hai vợ chồng đã bỏ ra hai trăm tệ để mua một đôi bát bạc hàng thủ công mĩ nghệ rất đặc sắc của vùng Nội Mông Cổ, chuẩn bị đem về biếu viện trưởng để tỏ lòng cảm ơn.
Tôi và ông xã chưa bao giờ tặng quà cho vị lãnh đạo nào, lần này tặng món quà thủ công mĩ nghệ này mặc dù chỉ là xuất phát từ lòng biết ơn, nhưng đến khi đưa Viên Viên cầm “món quà” đi đến nhà viện trưởng, trong lòng vẫn cảm thấy hơi ngại, dường như sợ người khác biết. Viên Viên không hiểu tâm trạng của chúng tôi, cô bé tỏ ra rất hào hứng, dường như rất vui vì được tặng quà cho người khác. Chính vì thế khi chúng tôi quay về đi đến cầu thang, nhìn thấy anh bạn đồng nghiệp của chồng tôi ở cùng một tòa nhà với chúng tôi, Viên Viên liền phấn khởi nói: “Bác Hùng ơi, vừa nãy cả nhà cháu đến nhà ông viện trưởng, tặng quà cho ông ạ!”. Ông xã ngượng đến nỗi chỉ biết đứng đó cười trừ.
Hiện nay những chuyện như thế xem ra chỉ là chuyện cười, rất thú vị, nhưng lúc đó lại khiến chúng tôi rất khó xử, ngượng ngùng. Nhưng chúng tôi không trách con câu nào, cũng không có ý định nói điều gì đó để che giấu sự việc. Nếu lúc đó vì lòng sĩ diện, nói dối trước mặt con trẻ, có thể chúng tôi sẽ không ngượng nữa, nhưng lại dạy cho con cách nói dối. Những việc như thế hoàn toàn không nên làm.
Chúng tôi rất chú ý phát triển phẩm chất thành thực cho Viên Viên, trừ phi trong những trường hợp vô cùng hiếm hoi, xuất phát từ sự thiện chí, nếu không sẽ không bao giờ dạy cô bé nói dối; đồng thời chúng tôi cũng chú ý cố gắng lấy mình làm gương, trước hết mình phải làm một người thật thà.
“Không nói dối” là căn cứ cơ bản để con người được sống hạnh phúc, một người nói dối thành thần, kể cả nếu dựa vào tiêu chuẩn độ khéo, anh ta có “thành công” thế nào, nhưng thực chất anh ta cũng không phải là người hạnh phúc, bởi đạo đức của anh ta thực sự rỗng tuếch.
Con trẻ vô cùng thông minh, có thể rất tinh ý quan sát được phản ứng của người lớn. Có lẽ chuyện “tặng quà cho ông viện trưởng” lần đó khiến chúng tôi lộ rõ vẻ khó xử, về đến nhà Viên Viên có phần hơi lo lắng, cô bé cảm thấy mình đã làm sai. Chúng tôi lập tức an ủi nói, không sao, thực ra chỉ là cảm thấy không cần thiết phải nói, con nói rồi cũng không sao cả. Ông xã còn bế con gái lên nói với vẻ khen ngợi: Bố có mỗi điều bí mật này, bị con tiết lộ hết rồi! Dường như con gái đã làm một việc có công.
Chúng tôi đều bật cười, Viên Viên cũng cảm thấy thoải mái hơn.
Viên Viên mỗi ngày một khôn lớn, càng ngày càng hiểu biết, chắc chắn về sau cô bé sẽ không vì thái độ thản nhiên như thế này của chúng tôi, mà đi “làm lộ bí mật của bố” nữa. Có một số điều sau khi lớn lên sẽ tự hiểu, cái gì nên nói và không nên nói, chỉ cần cô bé có một tâm lý lành mạnh, chắc chắn sẽ nắm được chừng mực.
Nếu nói một đứa trẻ nào đó có thói quen nói dối, đó chắc chắn là do môi trường trưởng thành của em xảy ra vấn đề gì đó.
Có hai nguyên nhân khiến con trẻ mắc tật nói dối, một là bắt chước người lớn, hai là buộc phải làm do sức ép. Những lời nói dối đầu tiên của mỗi đứa trẻ đều từ đây mà ra.
Trước hết là mô phỏng người lớn. Mặc dù không có vị phụ huynh nào cố ý dạy con nói dối, kể cả những phụ huynh thường xuyên nói dối cũng không thích con mình nói dối. Nhưng nếu trong quá trình sống với con, để dỗ dành cho con nghe lời, bố mẹ thường xuyên dùng một số lời nói dối để gạt con; hoặc là bố mẹ thường xuyên nói dối người khác, bị con nghe thấy, dần dần con sẽ học được cách nói dối. Và còn có một tình huống khác nữa là, xuất phát từ nhu cầu che giấu nào đó trong xã hội của người lớn, bố mẹ thường xuyên nói những lời khéo léo, mặc dù không có gì không thoả đáng về mặt đạo đức, chỉ là một kỹ xảo trong giao tiếp xã hội, nhưng nếu bị con trẻ chú ý đến, cũng sẽ lưu lại ấn tượng nói dối trong trẻ, dạy chúng cách nói dối.
Mặc Tử dùng chuyện nhuộm tơ để nói về những ảnh hưởng trong giáo dục, “Nhuộm trong màu xanh thì sẽ là màu xanh, nhuộm trong màu vàng thì sẽ là màu vàng. Màu nhuộm đưa vào thay đổi, màu sắc của tơ cũng thay đổi. Chính vì vậy nhuộm tơ phải rất thận trọng”. Vì thế nếu con trẻ xuất hiện thói xấu nói dối, trước hết bố mẹ nhất thiết phải tự mình kiểm điểm lại mình.
Một nguyên nhân khác khiến con trẻ nói dối chính là “sức ép”, tức bố mẹ quá nghiêm khắc, không dễ dàng bỏ qua những lỗi sai của trẻ, đều phải phê bình chỉ trích, thậm chí mắng chửi; hoặc là bố mẹ quá gia trưởng, nói một là một hai là hai, không tôn trọng suy nghĩ của trẻ, không quan tâm đến nguyện vọng của trẻ. Những điều này khiến cho tinh thần con trẻ luôn căng thẳng và không tìm được sự cân bằng, để thoát khỏi sự trừng phạt, đạt được nguyện vọng hoặc có được sự cân bằng, trẻ sẽ phải nói dối.
Một người mẹ đã đến gặp tôi xin tư vấn vì chuyện nói dối của con chị. Hai vợ chồng chị đều là tiến sĩ, nhìn chị có thể nhận ra phẩm chất tốt của người trí thức, tôi nghĩ con chị nói dối chắc không phải do học từ bố mẹ.
Con gái của chị khi đó học lớp tám. Tôi và người mẹ này liền đi vào những việc cụ thể. Chị nói, lấy chuyện gần đây nhất để nói nhé. Tôi bỏ ra hơn một nghìn tệ để mua cho con gái một cuốn từ điển điện tử màn hình màu, dặn dò nhiều lần không được để mất, vì con gái tôi thường xuyên để mất đồ, từ nhỏ đã có tính bừa bãi hay quên, nói bao nhiêu lần cũng không sửa được, vì chuyện này mà có một lần ông xã đã phạt nó đứng im không nhúc nhích trong phòng hai tiếng đồng hồ. Có được cuốn từ điển màu này con gái rất thích, hứa với chúng tôi rằng sẽ giữ gìn cẩn thận, chắc chắn không thể mất được. Kết quả là cuốn từ điển đắt như vậy, dùng được hơn một tháng thì mất, mất rồi nó cũng không nói cho chúng tôi. Tôi không thấy cuốn từ điển đâu cả, hỏi nó làm sao, nó nói cho bạn cùng lớp mượn. Tôi bảo nó mau lấy về, kết quả mấy ngày liền không lấy về được. Mấy ngày đầu nó nói người bạn đó quên mang, dò hỏi mấy ngày thì nói đã lấy về rồi, nhưng lại cho một bạn khác mượn. Tôi thấy hơi nghi ngờ, bảo nó hai ngày sau buộc phải mang về nhà. Hai ngày sau nó nói với tôi rằng đã lấy về rồi, nhưng lại để ở lớp. Tôi không tin, nói hôm sau sẽ đích thân đến lớp nó để xem, lúc này nó vẫn tỏ ra rất bình tĩnh. Đến sáng hôm sau tôi đến trường nó thật, nó mới khóc, nói từ điển bị mất rồi, thừa nhận mấy ngày qua đều nói dối tôi.
Người mẹ này nói, trước đây, mỗi lần nói dối, con gái chị còn tỏ ra có phần không thoải mái, đến giờ bao nhiêu ngày viện hết cớ này đến cớ khác để nói dối mẹ, thế mà nói như thật, như không có chuyện gì xảy ra. Chị không thể hiểu tại sao mình dạy con cẩn thận như vậy, mà con lại có thể học được thói nói dối. Chị nói chị có thể tha thứ cho việc làm mất đồ của con, nhưng không thể tha thứ cho tật nói dối của cô bé.
Tôi có thể hiểu sự bực bội của người mẹ này, nhưng sự việc này khiến tim tôi đau nhói. Người mẹ này chỉ nhìn thấy cái sai làm mất đồ dùng và lỗi nói dối của con, nhưng lại không tinh tế cảm nhận được sự giày vò mà con phải chịu đựng trong những ngày đó.
Tôi nói với người mẹ này rằng: Những biểu hiện của con gái chị trong chuyện này, có lẽ không gọi là nói dối, mà chỉ là muốn che giấu một sự việc. Con trẻ làm mất đồ, không thể như người không có chuyện gì xảy ra như chị nói, thực ra trong lòng trẻ cũng rất đau khổ. Như bình thường, trẻ cần phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía bố mẹ để giải quyết, nhưng tại sao con gái chị lại không tìm kiếm sự giúp đỡ của vợ chồng chị, thà lấy việc trì hoãn và nói dối để đối phó còn hơn? Đây là do cô bé không coi bố mẹ là người chia sẻ sự mất mát với mình. Phản ứng này của trẻ chắc chắn là xuất phát từ kinh nghiệm, tôi có thể đoán ra được rằng, trong cuộc sống của anh chị và cháu trước kia, chắc chắn là con vừa làm sai chuyện gì, liền bị phê bình ngay, có đúng như vậy không?
Người mẹ này nghĩ một lát, gật đầu nói, chúng tôi yêu cầu cháu rất nghiêm.
Tôi nói, anh chị cho rằng nghiêm khắc với con là tốt, nhưng con lại thấy không tốt. Cô bé biết rằng, nếu nói chuyện này với bố mẹ, không những không tìm lại được cuốn từ điển, mà còn bị ăn mắng – việc gì cô bé phải biến một chuyện xấu thành hai chuyện. Vì thế thà cô bé lựa chọn cách che giấu.
Người mẹ này nói với vẻ kinh ngạc, phân tích như thế này đúng là cũng có lý, nhưng chúng tôi không bao giờ đánh chửi con, nó làm sai việc gì, chỉ phê bình nó vài câu, cùng lắm là chỉ phạt đứng một lát. Điều này có gì đâu, có đứa trẻ nào không bị bố mẹ phê bình. Hơn nữa, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, có cần thiết phải dựa vào những lời nói dối để kéo dài ra thành nhiều ngày như thế không?
Người mẹ này không biết thực ra con trẻ rất coi trọng thể diện, những chuyện mà người lớn coi là vô lối, con trẻ thường coi là rất nghiêm trọng. Chúng ta tuyệt đối không thể dùng cảm giác của mình để đánh giá áp lực của con trẻ. Người lớn thường xuyên tiện lời phê bình con trẻ vài câu, giống như nói chuyện bình thường vậy, nhưng những lời nói này lại để lại cho con trẻ những trải nghiệm tinh thần vô cùng tiêu cực. Mặc dù trẻ cũng biết cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, chỉ cần vài ngày là sự việc sẽ lộ tẩy, nhưng để tránh sự mắng mỏ của người lớn, trẻ kéo dài được ngày nào hay ngày ấy, điều này phù hợp với phương thức tư duy của trẻ em.
Không phải trong quá trình này con trẻ không căng thẳng, mấy ngày đó thực ra ngày nào cô bé cũng phải sống trong nỗi lo lắng, bất an. Bất kể là người lớn hay trẻ em, để che giấu một sự việc mà liên tục phải nói dối là điều rất đau khổ, trên thực tế không có ai là thích nói dối cả. Con trẻ thà phải chịu đựng nỗi đau khổ trong quá trình kéo dài sự việc, chứ không chịu nói với bố mẹ – đây thực ra là một tín hiệu, cho thấy mối quan hệ giữa bố mẹ và con đã xuất hiện vấn đề, trong tiềm thức, con trẻ đã không còn tin tưởng bố mẹ nữa, đồng thời bài xích bố mẹ. Bố mẹ – những người ở trong thế chủ động, người có quyền uy trong gia đình buộc phải kiểm điểm lại mình, buộc phải thay đổi lại mình, nếu không sau này có thể vì điều này mà dẫn đến một loạt rắc rối.
Tôi đã nói những suy nghĩ này của mình cho vị phụ huynh này nghe, chị liên tục gật đầu. Tôi có thể cảm nhận được rằng chị đang chân thành xem xét lại mình. Chị hỏi tôi với vẻ hơi khó xử, chị bảo sau này tôi phải làm như thế nào, con trẻ phạm lỗi, lẽ nào chúng tôi giả vờ như không nhìn thấy, không nói gì, như thế có được không?
Tôi nói, đây không phải là vấn đề giả vờ hay không giả vờ, mà là chị nên lý giải vấn đề của con trẻ như thế nào. Sai lầm trước đây của vợ chồng chị là không cho phép trẻ phạm bất kỳ lỗi lầm nào, chính vì thế phê bình là hành động đi liền với cuộc sống của gia đình chị, dường như bố mẹ không nói, con trẻ sẽ không biết để thay đổi, không nói tức là không làm hết trách nhiệm của người làm bố làm mẹ. Trên thực tế, phạm sai lầm là bài học bắt buộc của trẻ trong quá trình trưởng thành, bố mẹ cần học cách tiếp nhận những lỗi lầm của trẻ, không cần thiết phải vừa phát hiện ra con làm điều gì không đúng, là phê bình, giáo huấn một hồi. Trong quá trình giúp trẻ nhận thức được lỗi lầm và sửa chữa lỗi lầm, “không nói” thường là “lời nói” tốt nhất. Khi mắc lỗi, trong lòng con trẻ đã rất buồn rồi, nếu bố mẹ tỏ ra thấu hiểu, thường lại dễ giúp con trẻ ghi nhớ được bài học hơn là đưa ra lời phê bình. Mặc dù nói, cũng áp dụng những cách nói không để trẻ phải mất thể diện. Chị tiến sĩ liền gật đầu. Tôi thấy chị rất chịu khó lắng nghe, liền nói tiếp: Về thói xấu thường xuyên làm mất đồ đạc, nếu đã nói rất nhiều lần, và cũng đã trừng phạt, đều không đem lại kết quả gì, cho thấy những biện pháp này đều không ăn thua. Nếu cứ tiếp tục áp dụng những cách này, không những vấn đề để mất đồ không được giải quyết, mà còn khiến con trẻ mắc thói xấu là nói dối. Từ sau vấn đề này phải dùng “biện pháp”để giúp con, chứ không phải là dùng “phê bình” để giáo dục con.
Tôi lấy ví dụ của mình cho chị nghe. Ví dụ con gái tôi Viên Viên có một lần đi xe taxi để quên chiếc mũ che nắng vì sau khi bỏ mũ ra đặt sang chiếc ghế bên cạnh; một thời gian sau đi taxi cùng tôi, suýt nữa lại để quên một chiếc áo mới mua cũng vì lý do trên. Chúng tôi liền tổng kết, từ sau đi xe taxi, tuyệt đối không nên để đồ trên ghế, mà phải cầm trong tay, không được coi đó là chuyện phiền hà. Nếu xách mấy chiếc túi, thì phải đặt ở ngay cửa xe, như thế sẽ không để quên đồ nữa.
Giúp con trẻ nghĩ ra một số phương án để dự phòng sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc phê bình. Nếu thực sự là con trẻ có một thói xấu không thể sửa, chỉ cần vấn đề không quá lớn, có thể để mặc con. Dùng “lý giải” và “biện pháp” đều không sửa được tật xấu này, thì thông thường dùng cách “phê bình” cũng không thể giải quyết được. Yêu một người không phải cũng phải bao hàm cả việc chấp nhận khuyết điểm của người đó sao?
Người mẹ tiến sĩ này là người rất chịu học hỏi, chị là vị phụ huynh biết thành khẩn xem xét vấn đề và kiểm điểm lại mình nhất mà tôi đã từng gặp. Sau cuộc nói chuyện này của chúng tôi, chị lại gọi điện thoại cho tôi mấy lần, chị lĩnh hội rất tốt quan điểm “không để con trẻ mất thể diện”, hai vợ chồng chị cũng nghĩ ra rất nhiều biện pháp để xử lý, hoàn toàn không xung đột với con nữa. Chị nói con gái không những không “nói dối” nữa, mà tính tình cũng chín chắn hơn rất nhiều, thành tích học tập cũng khá lên rõ rệt. Qua giọng nói của chị, tôi đã nhận ra được vẻ thoải mái của gia đình chị sau khi có sự thay đổi.
Rất nhiều người quen với việc quy định những vấn đề liên quan đến phẩm chất đạo đức cho bản thân con trẻ, chính vì thế quen chỉ trích trẻ; nhưng qua những gì mà tôi và những người bạn khác đã trải qua, tôi nhận ra được rằng, thói quen phẩm chất của trẻ phụ thuộc lớn vào phương pháp giáo dục của bố mẹ. Chính vì thế khi xem xét đến vấn đề thay đổi con trẻ, điều cần quan tâm nhất là làm thế nào để thay đổi phương pháp giáo dục của mình. Cho dù bạn cho rằng thói xấu của trẻ bắt nguồn từ chính bản thân đứa trẻ, bạn cũng phải có trách nhiệm thông qua việc thay đổi mình để kêu gọi sự thay đổi ở trẻ. Nếu không suy nghĩ như vậy, bạn sẽ mãi mãi không thể tìm ra con đường thay đổi con trẻ.
Ngày 30 tháng 7 năm 2007, tôi được xem một chương trình có tên “Bài tập về nhà/ Lời nói dối” trên đài Truyền hình Bắc Kinh. Một cô bé không thích làm bài tập về nhà, thường xuyên nói dối vì việc làm bài tập, bố mẹ đánh chửi nhưng không ăn thua, cả nhà liền đến trường quay, tìm sự giúp đỡ của các chuyên gia để giải quyết vấn đề. Thông qua lời kể của họ có thể nhận ra ngay được rằng, cốt lõi của vấn đề chính là phương pháp giáo dục của bố mẹ khiến con chán học, đồng thời do sợ bị phạt mà nói dối. Chính vì thế, vấn đề căn bản để thay đổi con trẻ nằm ở sự chuyển biến trong thái độ giáo dục của bố mẹ.
Nhưng một “chuyên gia tâm lý” được mời đến lại tập trung vào việc giáo dục trẻ, nói một thôi một hồi về quan hệ biện chứng giữa sự “thông minh và trí tuệ” ở trẻ, cuối cùng chỉ nói một câu rất đơn giản với phụ huynh rằng “anh chị cũng có một số sai lầm”, không hề nghiêm túc nhắc nhở phụ huynh xem xét lại mình.
Trước khi chương trình kết thúc, dưới sự nỗ lực của người dẫn chương trình, cô bé đã cam đoan rằng sau này phải chăm chỉ làm bài tập, không bao giờ nói dối nữa. Có thể nhận thấy, sở dĩ cô bé nói ra lời “cam đoan” đó, rõ ràng là do sức ép từ phía trường quay, và cả nỗi sợ hãi trước người lớn, đồng thời cả niềm khát khao muốn mình “thay đổi theo chiều hướng tốt”.
Tôi tin rằng lúc cam đoan cô bé đó rất nghiêm túc; nhưng tôi cũng tin rằng, sau khi chương trình kết thúc và quay trở về nhà, chỉ cần “môi trường sinh thái giáo dục” xung quanh cô bé không thay đổi – chủ yếu là thái độ của bố mẹ cô bé không thay đổi – cô bé sẽ không thay đổi, chẳng mấy mà lại quay về tình trạng ban đầu. Thực tế là, cô bé đáng thương lại một lần nữa phải “nói dối” trong trường quay.
Có thể suy đoán được nguyên nhân khiến cô bé này nói dối – lúc đầu là do không chăm chỉ làm bài tập, bố mẹ liền phê bình, đồng thời yêu cầu cô bé phải hứa hẹn cam đoan, và thế là con trẻ liền hứa sẽ làm bài tập cẩn thận. Nhưng trẻ em thường không đánh giá được khả năng thực hiện lời hứa của mình, chỉ vì sức ép từ phía bố mẹ mà cô bé buộc phải hứa hẹn. Nếu lúc này bố mẹ thiếu sự quan tâm sát sao và định hướng phù hợp, kết quả chỉ có thể khiến con trẻ nuốt lời, vì có quá nhiều nguyên nhân khiến cô bé không thực hiện được lời hứa.
Mỗi lần “nuốt lời” của trẻ đều khiến người lớn không hài lòng, phê bình cô bé không thực hiện đúng như lời đã hứa, đồng thời tỏ rõ sự không hài lòng, thậm chí khinh thường. Bản thân trẻ cũng vì thế mà tự coi thường mình. Dần dần cô bé mất đi sự tự tin, cũng mất đi lòng tự trọng của mình, càng ngày càng không quan tâm đến những lời yêu cầu của người khác và những câu nói của mình, để tránh bị trừng phạt, có thể lấy ra những lời nói dối ở mọi lúc để làm bia chắn – cô bé không những không học tốt được, mà còn mắc thêm thói xấu nói dối, mặt càng ngày càng dày.
Nói dối và mặt dày luôn có quan hệ với nhau, Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky từng nói rằng, “Không biết xấu hổ là do không chịu thực hiện lời hứa của mình mà ra”(1). Số lần nói dối nhiều lên, bản thân anh ta cũng không phân biệt được rõ câu nào là thật câu nào là giả, đạo đức của một con người cũng vì thế mà bắt đầu sa đọa.
_________________
(1) Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky, Lời kiến nghị với các nhà giáo, Đỗ Điện Khôn dịch, NXB Khoa học giáo dục, tái bản lần thứ nhất tháng 6-1984, tr.359.
Sau khi một đứa trẻ nói dối thành thói quen, nó sẽ vì mọi nguyên nhân mà đi nói dối. Có một lần tôi nghe thấy phụ huynh của một em học sinh cấp ba phàn nàn rằng con anh thường xuyên nói dối, ví dụ đã có đủ tiền tiêu vặt, nhưng vì muốn được tiêu xài thoải mái trước mặt bạn bè, thường xuyên lấy hết cớ này đến cớ khác để xin tiền bố mẹ, hoặc ra lấy trộm tiền từ ngăn kéo. Người bố cho rằng đây là lòng tham bẩm sinh của trẻ, than thở số mình thật là khổ khi sinh ra một đứa con như vậy. Tôi có thể hiểu nỗi khổ tâm của người bố này, nhưng đây là do anh hiểu sai, coi kết quả là nguyên nhân để lý giải. Sở dĩ con trai anh coi những chuyện như nói dối, lừa dối người khác là chuyện bình thường, là do trong quá trình trưởng thành, chắc chắn là do có hàng loạt những sự việc làm tổn hại đến đạo đức của cậu bé, chứ không phải là do bản thân “nhu cầu đối với tiền” khiến cậu ta như vậy.
Chính vì thế, khi giải quyết vấn đề trẻ nói dối, bố mẹ phải tìm hiểu xem tại sao con mình lại nói dối, không nên nhìn nhận sự việc một cách riêng lẻ, cần phải nhìn thấy đầu đuôi ngọn ngành của sự việc, nhìn thấy mấu chốt ẩn sau sự việc. Bắt đầu từ mấu chốt này, mới có thể giải quyết vấn đề một cách căn bản. Chỉ cần không có nguyên nhân dụ dỗ, trẻ sẽ không cần thiết phải lấy việc nói dối để làm khó cho mình, con trẻ bẩm sinh không biết nói dối.
Lưu ý đặc biệt
Có hai nguyên nhân khiến trẻ nói dối, một là bắt chước người lớn, hai là buộc phải làm do sức ép. Những lời nói dối đầu tiên của mỗi đứa trẻ đều từ đây mà ra.
Con trẻ thà phải chịu đựng nỗi đau khổ trong quá trình kéo dài sự việc, chứ không chịu nói với bố mẹ – đây thực ra là một tín hiệu, cho thấy mối quan hệ giữa bố mẹ và con đã xuất hiện vấn đề, trong tiềm thức, con trẻ đã không còn tin tưởng bố mẹ nữa, đồng thời bài xích bố mẹ. Bố mẹ – những người ở trong thế chủ động, người có quyền uy trong gia đình buộc phải kiểm điểm lại mình, buộc phải thay đổi lại mình, nếu không sau này có thể vì điều này mà dẫn đến một loạt rắc rối.
Sai lầm của rất nhiều bậc phụ huynh là không cho phép trẻ phạm bất kỳ lỗi lầm nào, chính vì thế phê bình là hành động đi liền với cuộc sống của gia đình chị, dường như bố mẹ không nói, con trẻ sẽ không biết để thay đổi, không nói tức là không làm hết trách nhiệm của người làm bố làm mẹ. Trên thực tế, phạm sai lầm là bài học bắt buộc của trẻ trong quá trình trưởng thành, bố mẹ cần học cách tiếp nhận những lỗi lầm của trẻ, không cần thiết phải vừa phát hiện ra con làm điều gì không đúng, là phê bình, giáo huấn một hồi. Trong quá trình giúp trẻ nhận thức được lỗi lầm và sửa chữa lỗi lầm, “không nói” thường là “lời nói” tốt nhất. Khi mắc lỗi, trong lòng con trẻ đã rất buồn rồi, nếu bố mẹ tỏ ra thấu hiểu, thường lại dễ giúp con trẻ ghi nhớ được bài học hơn là đưa ra lời phê bình. Mặc dù nói, cũng áp dụng những cách nói không để trẻ phải mất thể diện.
Nếu thực sự con trẻ có một thói xấu không thể sửa, chỉ cần vấn đề không quá lớn, có thể để mặc con. Dùng “lý giải” và “biện pháp” đều không sửa được tật xấu này, thì thông thường dùng cách “phê bình” cũng không thể giải quyết được. Yêu một người không phải cũng phải bao hàm cả việc chấp nhận khuyết điểm của người đó sao?
Thói quen phẩm chất của trẻ phụ thuộc lớn vào phương pháp giáo dục của bố mẹ. Chính vì thế khi xem xét đến vấn đề thay đổi con trẻ, điều cần quan tâm nhất là làm thế nào để thay đổi phương pháp giáo dục của mình. Dù bạn cho rằng thói xấu của trẻ bắt nguồn từ chính bản thân đứa trẻ, bạn cũng phải có trách nhiệm thông qua việc thay đổi mình để kêu gọi sự thay đổi ở trẻ. Nếu không suy nghĩ như vậy, bạn sẽ mãi mãi không thể tìm ra con đường thay đổi con trẻ.
Trẻ em thường không đánh giá được khả năng thực hiện lời hứa của mình, chỉ vì sức ép từ phía bố mẹ mà cô bé buộc phải hứa hẹn. Nếu lúc này đây bố mẹ thiếu sự quan tâm sát sao và định hướng phù hợp, kết quả chỉ có thể khiến con trẻ nuốt lời, vì có quá nhiều nguyên nhân khiến cô bé không thực hiện được lời hứa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.