Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 40: KHÔNG SỢ ĐỘNG VẬT



Không nên để trẻ “sợ” cái gì đó. Không sợ động vật, không sợ “sói xám”, cũng không sợ “cảnh sát”, không sợ “ma” – lý do cũng đều giống nhau.
Rất nhiều người đều sợ một loài động vật gì đó, đó là một sự trải nghiệm khổ sở. Những người không sợ hoặc không quá sợ, sẽ không cảm nhận được nỗi giày vò này.
Tôi rất sợ một loài động vật, không những sợ ở ngoài đời, mà còn sợ cả hình ảnh, thậm chí sợ cả những đoạn văn miêu tả. Tôi vốn rất thích xem chương trình thế giới động vật trên ti vi, một lần tình cờ nhìn thấy loài động vật này trên đó, từ đó trở đi không dám xem chương trình này nữa. Chính vì thế bàn đến vấn đề này, không được viết ra tên của loài động vật đó, nếu không sẽ không thể viết hết được bài viết này.
Tôi biết như thế rất bệnh hoạn, nhưng không khắc phục được. Nó không phải là chuyện nghị lực, giống như việc người ta không thể dựa vào nghị lực để chữa khỏi bệnh.
Tôi đã từng chọn một môn học về tư vấn tâm lý ở trường đại học. Có một tiết học giảng về vấn đề làm thế nào để khắc phục chứng sợ động vật. Thầy giáo đã áp dụng “phương pháp trị liệu cảm thụ”, bảo chúng tôi nhắm mắt lại, tưởng tượng ra con vật mà mình sợ đó đang đứng ở một nơi rất xa, sau đó nó dần dần tiến gần về phía mình. Mỗi khi cảm thấy sợ, liền dừng lại một lát, để mình quen hơn, khi đã quen rồi lại để cho nó tiến lại gần.
Thông qua phương pháp này, một số người bạn dần dần cảm thấy con vật mà mình sợ không còn quá đáng sợ nữa, có thể chấp nhận được. Chỉ có mấy người không làm được điều đó, trong đó có tôi. Bởi vì tôi không thể chấp nhận được sự tồn tại của con vật đó, càng đừng nói đến chuyện cho nó lại gần, chỉ cần vừa tưởng tượng đến, liền sợ đến nỗi vội mở mắt ra ngay.
Dùng tâm lý học để chữa trị bệnh sợ của tôi e rằng tương đối khó. Tôi thường nghĩ, nếu vấn đề này được giải quyết từ thuở tôi còn nhỏ, có lẽ sẽ dễ hơn rất nhiều.
Tôi nghĩ lại căn nguyên của nỗi sợ hãi này, cảm thấy có thể là do mẹ tôi cũng sợ loài động vật này.
Tôi còn nhớ mang máng rằng khi tôi còn rất nhỏ, mẹ tôi tỏ ra rất sợ hãi khi nhìn thấy loài động vật này. Khi bà phát hiện ra tôi cũng sợ nó, bà rất chú ý bảo vệ tôi để tôi khỏi sợ. Ví dụ nếu anh tôi đưa món đồ chơi hình con vật này ra dọa tôi, mẹ tôi sẽ mắng anh rằng, con không biết em con sợ cái này ư? Đây có thể cũng là một sự ám thị tâm lý đối với tôi.
Bất kể là nguyên nhân gì, nếu đã bị nỗi sợ hãi này ám ảnh, đồng thời khổ sở vì chuyện này, thì tôi mong rằng con tôi sẽ không phải khổ vì những chuyện tương tự. Đặc biệt là con gái, rất dễ sợ cái gì đó, chúng tôi rất lưu tâm trong vấn đề này, cố gắng để Viên Viên không sợ gì cả.
Tôi đưa cô bé đi quan sát và ngắm nhìn các con vật nhỏ, rắn trong tủ kính, sâu bi dưới đất, thậm chí cả nhện.
Vốn tôi cũng hơi sợ nhện, nhưng không phải sợ quá mức, có thể chịu được, để cho Viên Viên không sợ, liền nhắm mắt đi quan sát cùng cô bé, sau đó thậm chí còn mạnh dạn lấy tay bắt. Bề ngoài tôi luôn tỏ ra không hề sợ, thậm chí còn tỏ vẻ thích thú. Còn đối với con vật mà tôi sợ đó, thì nhiều lần để ông xã dẫn đi xem.
Khi cùng Viên Viên xem con vật này, ông xã cố gắng nói bằng giọng vui vẻ, tỏ ra rằng con vật nhỏ này đáng yêu biết bao.
Không biết là do di truyền hay đã từng bị ám thị bởi một hành động nào đó của tôi, lần đầu tiên nhìn thấy con vật này, dường như Viên Viên cũng có vẻ muốn tránh. Được bố gợi ý, dần dần cô bé đã chấp nhận. Hiện giờ cô bé không sợ loài động vật này, cũng không sợ những con vật khác. Có những con vật cô bé không thích, nhưng cùng lắm là không lấy tay để bắt chúng, không cần phải chịu đựng bất kỳ sự sợ hãi khổ sở nào.
Mấy kinh nghiệm mà tôi rút ra được trong vấn đề này là:
Thứ nhất, người lớn sợ cái gì, không nên thể hiện ra trước mặt con trẻ, đặc biệt là khi trẻ còn nhỏ. Ví dụ khi Viên Viên còn nhỏ tôi không bao giờ để cô bé biết tôi sợ con vật đó. Khi kể chuyện cho bé, thỉnh thoảng cũng có gặp con vật đó trong sách. Nếu như trước đây, tôi sẽ vứt ngay sách đi. Nhưng để không làm cho Viên Viên sợ, tôi cố gắng chịu đựng, tìm cớ để mau chóng lật qua trang này. Khi ông xã dắt Viên Viên đi xem con vật đó, tôi chỉ giả vờ làm việc khác, không để cô bé biết tôi vì sợ mới không dám đến xem. Đợi đến khi lớn lên cô bé mới biết tôi sợ cái đó, thế cũng không ảnh hưởng gì đến con nữa.
Thứ hai, nếu con trẻ đã tỏ ra sợ cái gì đó, cần tạo cơ hội để trẻ dần dần được tiếp xúc với cái đó. Tiếp nhận từng chút một, nếu nghĩ ra cách để bé tiếp nhận được lần đầu, về sau sẽ ngày càng dễ dàng. Tôi còn nhớ hồi nhỏ một lần suýt nữa thì tôi đã tiếp nhận con vật này rồi, vì các bạn nhỏ khác đều chơi nó, tôi cũng bắt đầu có chút hứng thú, nhưng lúc đó không có ai khuyến khích tôi, đến lúc tôi chuẩn bị tiếp nhận thì bị người lớn nhắc nhở, con sợ cái này, đừng chơi nữa.
Thứ ba, không nên xuất phát từ sự bảo vệ con trẻ mà nhấn mạnh nỗi sợ hãi của trẻ đối với một cái gì đó, chỉ cần thay đổi sự chú ý là đủ. Ví dụ khi trẻ tỏ ra sợ hãi một cái gì đó, không nên an ủi trẻ rằng “Đừng sợ, chúng ta không sợ nó”, sự an ủi này là một sự khích lệ vô thức, để trẻ cảm thấy sợ là điều nên làm; lúc này người lớn nên nói sang chuyện khác bằng một giọng thoải mái, thay đổi sự chú ý ở trẻ, để trẻ cảm thấy bố mẹ không để tâm đến nỗi sợ hãi của trẻ, như thế trẻ sẽ thấy sự sợ hãi của mình là không cần thiết.
Thứ tư, không nên đứng trước mặt con trẻ và nói với người khác rằng chúng sợ cái gì đó. Sự bình phẩm này của người lớn càng khiến trẻ thêm sợ hãi.
Dường như có một câu nói nói rằng, trong tất cả những cảm nhận tiêu cực, ví dụ buồn bã, lo lắng, ức chế, sợ hãi là cái dày vò người ta nhất. Cuộc đời “không sợ” cũng là một điều đáng quý, điều này cần bắt đầu từ khi còn đang ở thuở thiếu thời, bắt đầu từ những chuyện nhỏ cụ thể.
Không nên để trẻ “sợ” cái gì đó. Không sợ động vật, không sợ “sói xám”, cũng không sợ “cảnh sát”, không sợ “ma” – lý do cũng đều giống nhau.
Lưu ý đặc biệt
Mấy kinh nghiệm mà tôi rút ra được trong vấn đề này là:
Thứ nhất, người lớn sợ cái gì, không nên thể hiện ra trước mặt con trẻ, đặc biệt là khi trẻ còn nhỏ.
Thứ hai, nếu con trẻ đã tỏ ra sợ cái gì đó, cần tạo cơ hội để trẻ dần dần được tiếp xúc với cái đó. Tiếp nhận từng chút một, nếu nghĩ ra cách để bé tiếp nhận được lần đầu, về sau sẽ ngày càng dễ dàng.
Thứ ba, không nên xuất phát từ sự bảo vệ con trẻ mà nhấn mạnh nỗi sợ hãi của trẻ đối với một cái gì đó, chỉ cần thay đổi sự chú ý là đủ.
Thứ tư, không nên đứng trước mặt con trẻ và nói với người khác rằng chúng sợ cái gì đó. Sự bình phẩm này của người lớn càng khiến trẻ thêm sợ hãi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.