Cuộc sống chính là giảng đường tốt nhất, mỗi sự trải nghiệm đều là một tài sản quý giá. Chúng ta cần để cho trẻ cảm nhận sự tốt đẹp của cuộc sống nhiều hơn, nhưng cũng nên cho trẻ biết cuộc sống vẫn còn những cái tối tăm, nguy hiểm. Như thế, chúng mới có thể bảo vệ mình một cách tốt hơn.
Mấy năm trước tôi có đọc được ở trên báo một vụ án kể rằng, một cô bé học sinh cấp hai ở Bắc Kinh, trên đường về nhà gặp một phụ nữ hỏi cô bé chuyện gì đó, cô bé không nghe rõ câu hỏi của người phụ nữ này, nhưng trong lòng rất muốn giúp bà ta, liền hỏi lại xem có chuyện gì. Người phụ nữ đó tỏ ra sốt ruột, nói một lúc một nhát không thể nói rõ được vấn đề, lên xe sẽ nói chuyện, sau đó liền đẩy cô bé này lên một chiếc xe ô tô đang đỗ bên vệ đường. Kết quả cô bé này bị bán về vùng nông thôn của tỉnh Hà Bắc, lúc đó cô bé mới mười ba, mười bốn tuổi, sáu, bảy năm sau, cô đã hai mươi tuổi, mới may mắn trốn được về nhà. Bạn bè của cô đều đã vào đại học, còn cô chỉ có trình độ văn hóa cấp hai, ở nông thôn sinh được một đứa con, thiệt thòi đủ đường. Chuyện này có thể nói là hủy hoại cả cuộc đời của cô gái, đọc mà thấy vô cùng đau xót.
Trên báo hoặc ti vi thường xuyên đăng những chuyện một số trẻ em bị lừa, có những chuyện thực sự đem lại hậu quả khôn lường. Những chuyện như vậy, chỉ cần đọc được, là tôi nhất định phải kể cho Viên Viên nghe. Các vụ án gây tổn thương cho trẻ em, sở dĩ xảy ra, là do người lớn và trẻ em thiếu những kiến thức cơ bản về cuộc sống, không đề cao cảnh giác.
Trong vấn đề giáo dục an toàn, những chuyện mà người khác vấp phải cũng có thể giúp mình hiểu thêm về cuộc sống. Mặc dù chúng tôi luôn cố gắng để con trẻ cảm nhận được rằng thế giới rất tươi đẹp, con người xung quanh chúng ta rất đáng yêu; nhưng chúng ta cũng không nên để lỡ thời cơ cho con trẻ biết mặt trái của xã hội, để trẻ biết rằng thế giới cũng có những mặt xấu như tham lam, lừa đảo, bạo hành…
Con trẻ ngây thơ như vậy đó, hầu hết chúng chỉ biết có một loại người được gọi là “kẻ xấu” trong những câu chuyện cổ tích, nhưng lại không biết trong cuộc sống hiện thực, những người này có thể hoạt động ngay bên cạnh mình. Một điều mà tôi vẫn chưa cảm thấy yên tâm là, cô bé chưa được gặp “kẻ xấu” nào, sợ cô bé lầm tưởng rằng kẻ xấu giống như trên ti vi, vừa nhìn là nhận ra ngay, từ đó luôn có thiện cảm với tất cả những người mà mình gặp, không đề cao cảnh giác.
Cuộc sống quả là một giáo trình giảng dạy tốt nhất, năm Viên Viên tám tuổi, tôi đưa cô bé đến Thượng Hải chơi, “may mắn” gặp được hai kẻ lừa đảo, đây là hai bài học rất tốt cho Viên Viên.
Cả quá trình đi và về chúng tôi đều đi tàu. Lúc đi, người có vé trên chiếc giường đối diện với giường của mẹ con chúng tôi là một người đàn ông tuổi trung niên nhìn rất phong độ, ông ta nói tiếng phổ thông pha giọng Thượng Hải, bắt chuyện với mọi người xung quanh rất lịch sự. Ông ta nói mình là một trưởng phòng của một cơ quan nọ ở Thượng Hải, rất thông thạo các nơi ở Thượng Hải. Lúc đó chúng tôi chưa đặt nhà nghỉ, ở Thượng Hải cũng không có người quen, chuẩn bị sau khi xuống tàu sẽ tìm nhà nghỉ, tiện thể tôi liền hỏi thăm người này khu vực nào giao thông thuận tiện, đồng thời có thể tìm được nhà nghỉ có mức giá vừa phải. Ông ta liền nói với tôi tên một nhà nghỉ, bảo ở đó vừa sạch sẽ vừa rẻ. Tôi hỏi ông ta phải đi như thế nào, ông ta nói cùng hướng với nơi mà ông ta chuẩn bị đến, sau khi xuống tàu có thể cùng bắt một chiếc taxi, ông ta sẽ đưa chúng tôi đến đó.
Mặc dù trong lòng tôi cũng có phần lo, nhưng nhìn người này trông không giống người xấu, hơn nữa cảm thấy giữa ban ngày ban mặt, kể cả ông ta có là người xấu cũng không có gì đáng sợ; và đối với các trò lừa đảo, tôi cũng đã có sự cảnh giác. Chính vì thế tôi liền cảm ơn ông ta, đồng thời nghĩ chắc là người ta vô tư muốn giúp mình, mình không nên tùy tiện nghi ngờ người khác.
Sau khi xuống tàu, đến bãi đỗ taxi gọi một chiếc taxi, ông ta nói với lái xe cần đến địa điểm nào, tôi không nghe rõ. Xe chạy vào khu trung tâm, đường phố mỗi lúc một nhộn nhịp, đông đúc, tôi cũng càng yên tâm hơn. Khoảng nửa tiếng sau, ông ta nói ông ta đến nơi rồi nên sẽ xuống xe trước. Xe vừa dừng lại, ông ta liền đẩy cửa xuống xe, không dặn thêm lái xe nên đến khu vực nào. Tôi vội hỏi ông ta, nhà nghỉ mà chúng tôi cần đến phải đi như thế nào, ông ta chỉ tay bâng quơ ra phía trước nói, “Đi một đoạn không xa nữa là tới thôi”. Tôi còn đang định hỏi kỹ hơn, thì ông ta đã đóng sầm cửa lại, đầu không ngoái lại mà bỏ đi ngay. Lái xe hỏi tôi đi đâu, tôi nói với anh ta tên nhà nghỉ đó, lái xe bảo chưa bao giờ nghe thấy, anh rất thông thạo khu vực này, phía trước không có nhà nghỉ mà người kia nói đâu. Và thế là tôi mới hiểu ra rằng, tôi đã gặp một kẻ lừa đảo “đi xe chùa”. Lúc đầu Viên Viên không hiểu đã xảy ra chuyện gì, rõ ràng ở đây không có nhà nghỉ đó, tại sao người đó lại nói có nhỉ? Đến khi chúng tôi phải qua mấy ngã năm ngã bảy mới tìm được một nhà nghỉ, cô bé mới hiểu ra vấn đề, hỏi tôi có phải người đó bịa ra một cái tên nhà nghỉ, chỉ muốn ngồi xe không phải trả tiền hay không hả mẹ? Tôi liền cười nói: Con đoán đúng rồi.
Sau đó tôi và Viên Viên đã thảo luận chuyện này, cảm thấy bản thân sự việc cũng không có gì to tát, nhưng thử đặt giả thiết trong đó có mối nguy hiểm gì lớn hơn, nếu gặp phải sẽ phải xử lý như thế nào. Sau đó lại phân tích ngay từ đầu chúng tôi nên làm thế nào thì tránh được những rủi ro này, từ lần sau đi ra ngoài nên đề phòng những chuyện này như thế nào…
Lúc đó tôi có phần bực, liền buông ra một câu “Thảo nào người ta nói người Thượng Hải tinh ranh”, đột nhiên phát hiện ra mình cực đoan quá, tôi nói thế, không những khiến Viên Viên có ấn tượng rằng “người Thượng Hải không tốt, người Thượng Hải chẳng ra gì”, mà còn khiến cô bé không còn có thiện cảm với thành phố này nữa, trong những ngày tiếp theo, e rằng suy nghĩ này sẽ ảnh hưởng đến chuyến đi chơi của cô bé.
Thế là tôi lại nói, thực ra tinh ranh là một từ có nghĩa tốt, người tinh ranh thực sự là người dùng sự thông minh của mình làm việc tốt, việc lớn. Con xem Thượng Hải đông đúc nhộn nhịp như thế này, chính là vì ở đây có rất nhiều người dùng sự tinh ranh của mình vào những việc chính nghĩa. Hành vi của người này chỉ có thể gọi là ranh mãnh, suốt đời cũng sẽ chỉ dừng lại ở đó mà thôi. Khắp đất nước đâu đâu cũng có những người ranh mãnh như vậy, họ mãi mãi không thể trở thành đại diện cho một khu vực. Chắc chắn Thượng Hải cũng có nhiều người tốt, con xem chú lái xe taxi cũng là người tốt đúng không, nhân viên làm việc trong nhà nghỉ này cũng rất tốt.
Thấy tôi nói như vậy, Viên Viên cũng đã cảm thấy yên lòng. Tôi nghĩ, trong chuyện này chúng tôi không bị thiệt hại gì, lại còn có thu hoạch.
Một tuần ở Thượng Hải, Viên Viên chơi rất vui. Trước khi về chúng tôi cùng nhau ra ga mua vé tàu, lại gặp một chuyện khác, lại được học một bài.
Chúng tôi đang bước trên con đường đi về phía quảng trường nhà ga, một thanh niên vội vàng đi qua chúng tôi, kiểu như đang có việc gấp. Anh ta rút từ túi quần sau ra một vật gì đó, lôi cả ví tiền ra, làm rơi xuống đất, nhưng anh ta không phát hiện ra, vẫn tiếp tục tiến về phía trước. Tôi và Viên Viên vội gọi người thanh niên đó lại, anh ta không nghe thấy, vẫn tiếp tục bước đi. Thấy không gọi được, Viên Viên liền cúi người xuống định nhặt túi tiền rồi đuổi theo, trong đầu tôi thoáng qua một ý nghĩ, kéo ngay cô bé lại. Ví tiền trông rất dày, tiếng rơi xuống đất phải khá nặng, hơn nữa chúng tôi gọi anh ta to như vậy, anh ta không thể không nghe thấy – tuy nhiên, có thể anh ta không nghe thấy thật – tôi kéo Viên Viên đuổi theo anh ta, nói với anh ta rằng ví tiền rơi rồi, chúng tôi chỉ vào chiếc ví nằm dưới đất cách đó hơn mười mét. Lúc này anh ta mới đứng lại, giận nhìn chúng tôi một cái, không nói gì cả, quay lại nhặt ví tiền rồi đi thẳng sang đường đối diện.
Viên Viên thực sự cảm thấy khó hiểu trước hành động của người thanh niên, không hiểu tại sao anh ta không hề nói lời cảm ơn, lại còn tỏ thái độ như vậy. Tôi nói với con gái, đây là kẻ lừa đảo đích thực. Sau đó cùng cô bé ôn lại những trò lừa đảo mà chúng tôi đã từng đọc được qua sách báo, có trò khá giống với trường hợp này. Kẻ lừa đảo dùng một ví tiền làm mồi dụ, gài một cái bẫy trong đó, đợi bạn nhặt ví tiền lên, anh ta sẽ dùng thủ đoạn đã chuẩn bị từ trước, hoặc là lừa bạn một số tiền, hoặc là bắt chẹt bạn một khoản tiền. Chúng tôi tổng kết rằng, mặc dù các trò lừa đảo khác nhau về hình thức, nhưng quanh đi quẩn lại vẫn là một, đó là lợi dụng lòng tham của con người.
Trước đây những lời nhắc nhở của tôi đối với Viên Viên về việc đề phòng kẻ lừa đảo chỉ là những chuyện đọc được trên báo chí, sau lần va chạm này, cô bé thực sự đã có được một số kinh nghiệm để phòng kẻ xấu. Tôi hỏi con về sau nếu gặp người khác rơi đồ sẽ làm như thế nào. Viên Viên nói như thế cũng không thể không quan tâm, có thể có người rơi đồ thật thì sao, nhưng không thể tự mình nhặt món đồ đó. Tôi khen con trả lời đúng rồi.
Tôi luôn lo rằng trước đây Viên Viên chưa bao giờ gặp kẻ lừa đảo thật, đến khi gặp lại mất cảnh giác. Chuyện này xảy ra thật đúng lúc, hai người này nhìn bề ngoài không có vấn đề gì. Vì thế tôi hỏi, lúc đầu nhìn thấy hai người này, con có nghĩ rằng họ là kẻ lừa đảo không. Viên Viên trả lời không. Tôi liền nói, không có kẻ lừa đảo hoặc kẻ xấu nào có đặc điểm nhận dạng cả, họ giống như người bình thường, thậm chí có lúc còn khiến người ta cảm thấy họ là người tốt, chính vì thế, trong tình huống không hiểu gì về nội tình, trong lòng vẫn phải đề phòng một số người và một số chuyện.
Mặc dù hai sự việc xảy ra trong chuyến đi chơi Thượng Hải không phải là chuyện tốt đẹp gì, nhưng nó cũng giống như viện bảo tàng tự nhiên, triển lãm văn minh Ai Cập cổ, tòa tháp Kim Mạo, Bãi Ngoài… mà chúng tôi tham quan mấy ngày hôm đó, đều trở thành nội dung đáng ghi nhớ trong chuyến du lịch này của chúng tôi, giúp cho chuyến đi trở nên phong phú, tôi nghĩ chúng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Viên Viên.
Một chuyện xảy ra sau khi từ Thượng Hải về không lâu khiến mỗi lần nhớ lại tôi lại cảm thấy vừa sợ vừa may mắn. Tôi rất cảm ơn sự nhanh nhạy của con gái. Tôi nghĩ có lẽ chuyến đi chơi Thượng Hải đã thực sự khiến cô bé học được một số điều.
Hôm đó là thứ bảy, giống như bao ngày cuối tuần bình thường, tôi đưa Viên Viên đi xe bus đến nhà cô giáo dạy đàn nhị để học đàn. Học xong chúng tôi ra về, cả hai đều muốn đi vệ sinh, liền vào một khách sạn mà chúng tôi vẫn hay vào như mọi bận.
Khách sạn đó không lớn lắm, trước đây chúng tôi cũng đã từng vào nhà vệ sinh của nó mấy lần. Khách sạn làm ăn khá tốt, khách ra vào rất đông. Sảnh lớn ở tầng một của nó tuy không nhỏ, nhưng lại không có nhà vệ sinh, nhà vệ sinh công cộng đặt ở tầng hai, chính vì vậy lần nào chúng tôi cũng phải chạy lên tầng hai. Nhà vệ sinh đó nằm hơi khuất, nhưng đèn rất sáng, cũng rất sạch sẽ.
Hôm đó, khi đi đến cổng khách sạn, chúng tôi cảm thấy không giống với bình thường lắm, cổng đóng, bên trong tối om. Đẩy cửa vào, sảnh lớn cũng rất tối, không có đèn, cũng không một bóng người. Chúng tôi kinh ngạc nhìn xung quanh, không biết ở đây làm sao vậy. Khi nhìn quanh lần nữa, mới phát hiện ra trên chiếc ghế sofa trong góc tường có một người ngồi, ông ta nhìn chúng tôi bằng ánh mắt lạnh lùng. Tôi thắc mắc hỏi ở đây làm sao vậy, ông ta nói “Chuẩn bị sửa chữa, không kinh doanh nữa”. Tôi nói chúng tôi đến đây không phải để thuê phòng, mà muốn vào nhà vệ sinh một lát. Ông ta lạnh lùng nhìn chúng tôi, sau đó chỉ tay lên trên “Ở tầng trên”. Xem ra người này là người gác cổng ở đây, sau khi cảm ơn ông ta, tôi liền dẫn Viên Viên đi lên tầng hai.
Cả tòa nhà tĩnh lặng như tờ, cầu thang không có đèn, rất tối. Chúng tôi vừa lên được hai bậc cầu thang, đột nhiên Viên Viên nói, mẹ ơi đừng lên nữa, mình mau rời chỗ này thôi! Câu nói này của con gái chạm đúng vào nỗi bất an trong lòng tôi, tôi khẽ rùng mình, toát mồ hôi hột, quay người kéo con đi ra. Tôi nhìn thấy người đó đứng dậy nhìn chúng tôi, tôi cười với ông ta, vừa đi vừa chỉ ra cổng: “Bố con bé đang đợi ở cổng, chắc là anh ấy cũng muốn đi vệ sinh”.
Không kịp để người kia phản ứng gì, tôi kéo Viên Viên đi nhanh ra cửa, cố gắng không để mình luống cuống. Đến khi chúng tôi bước qua cánh cửa đó, cảm giác an toàn mới vây lấy chúng tôi.
Không có chuyện gì xảy ra cả, có lẽ nếu chúng tôi đi vệ sinh cũng sẽ không sao. Nhưng thực sự là quá mạo hiểm. Cho dù chuyện đã xảy ra rất lâu rồi, nhưng mỗi lần nhớ đến nó, tôi vẫn cảm thấy sợ hãi, hơn nữa luôn tự trách mình, không hiểu tại sao lúc đó mình lại lẩm cẩm như vậy. Đồng thời cũng vô cùng cảm ơn con gái Viên Viên của tôi, một đứa trẻ mới có tám tuổi, thế mà lại đề cao cảnh giác như vậy, tôi thực sự khâm phục cô bé.
Cuộc sống chính là giảng đường tốt nhất, mỗi sự trải nghiệm đều là một tài sản quý giá. Chúng ta cần để cho trẻ cảm nhận sự tốt đẹp của cuộc sống nhiều hơn, nhưng cũng nên cho trẻ biết cuộc sống vẫn còn những cái tối tăm, nguy hiểm. Như thế, chúng mới có thể bảo vệ mình một cách tốt hơn.
Lưu ý đặc biệt
Xem trên báo hoặc ti vi có chuyện một số người bị lừa, nhất thiết phải kể cho con trẻ nghe. Các vụ án gây tổn thương cho trẻ em, sở dĩ xảy ra, là do người lớn và trẻ em thiếu những kiến thức cơ bản về cuộc sống, không đề cao cảnh giác.
Tôi nói với Viên Viên rằng, không có kẻ lừa đảo hoặc kẻ xấu nào có đặc điểm nhận dạng cả, họ giống như người bình thường, thậm chí có lúc còn khiến người ta cảm thấy họ là người tốt, chính vì thế, trong tình huống không hiểu gì về nội tình, trong lòng vẫn phải đề phòng một số người và một số chuyện.