Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 5: LỚN LÊN SẼ KẾT HÔN VỚI MÃ HIỂU PHI



Con người rất dễ bị ám thị. Nếu một người luôn được người khác ám thị rằng mình có phẩm chất đạo đức tốt, tốt bụng thân thiện, anh ta sẽ dần dần sinh ra ý thức tự khẳng định mình, phẩm chất đạo đức của anh ta sẽ phát triển theo hướng lành mạnh. Nếu một người luôn bị ám thị rằng bản thân có vấn đề gì đó, anh ta sẽ không ngừng tự phủ định mình, dần dần mất đi sự tự tin, trượt theo hướng tiêu cực.
Hồi Viên Viên đi học mẫu giáo, trong lớp có một cậu bé tên là Mã Hiểu Phi, hai bạn nhỏ rất hợp nhau, thường xuyên chơi cùng nhau. Một hôm tôi đến trường đón Viên Viên, trên đường về nhà, cô bé rất hào hứng nói: “Mẹ ơi, con thích nhất là chơi với Mã Hiểu Phi, lớn lên con sẽ kết hôn với Mã Hiểu Phi!”. Tôi cười, nói được. Thấy tôi đồng ý, Viên Viên rất phấn khởi, nhưng rồi lại tỏ ra lo lắng: “Không biết bố có đồng ý hay không?”. Tôi nói con về hỏi bố xem.
Về đến nhà đáng lẽ Viên Viên cũng sốt ruột đợi bố về để hỏi “chuyện trăm năm” này, kết quả mải chơi nên quên mất, mãi cho đến mấy hôm sau bố đi đón cô bé, trên đường về nhà mới chợt nhớ ra. Lúc đó ông xã cũng rất thoải mái nói “được”, đồng ý. Vừa bước vào cửa, Viên Viên liền nói ngay với tôi: “Mẹ ơi, bố con cũng đồng ý cho con sau khi lớn lên sẽ kết hôn với Mã Hiểu Phi rồi!”. Tôi vui vẻ đáp: “Thật à, thế thì tốt quá rồi!”.
Lúc này Viên Viên lại có phần lo lắng, “Nếu chúng con đi học rồi, không học cùng trường, sau này không quen nhau nữa thì làm thế nào?”. Nghe Viên Viên nói như vậy, tôi và ông xã cũng làm ra vẻ rầu rĩ nói, đúng vậy, phải làm thế nào nhỉ? Con thử nghĩ cách nào đó xem sao. Viên Viên nghĩ một lát, đột nhiên nảy ra một ý định, “Đúng rồi, con lớn lên, gặp bạn trai nào con sẽ hỏi, cậu là Mã Hiểu Phi có đúng không, thế là sẽ biết ngay thôi!”. Nghe vậy, chúng tôi cũng tỏ ra phấn khởi, đúng vậy, như thế sẽ biết ngay cậu ấy có phải là Mã Hiểu Phi hay không. Hóa ra lại đơn giản như vậy!
Vấn đề khó này đã được giải quyết, cả nhà tôi bắt đầu vui vẻ ăn cơm.
Sau đó tôi có nghe cô giáo lớp Viên Viên nói, Viên Viên và Mã Hiểu Phi là hai em bé rất hiểu biết, không bao giờ đánh bạn, cũng không giành đồ chơi của bạn, đều rất thích kể chuyện, hai bạn chơi với nhau không bao giờ để xảy ra mâu thuẫn. Xem ra trong trường mầm non cũng có chuyện “hợp nhau”.
Đến khi vào cấp một, cậu bé này và Viên Viên học cùng trường nhưng không cùng lớp. Đặc điểm của học sinh cấp một là con trai con gái không thích nhau, thường là con trai chơi với con trai, con gái chơi với con gái. Viên Viên có mấy cô bạn gái chơi rất thân, chỉ cần có thời gian là mấy bạn nhỏ lại tụ tập với nhau. Một lần tôi và bố Viên Viên nhắc đến Mã Hiểu Phi, hỏi cô bé, hiện giờ con có còn chơi với Mã Hiểu Phi nữa không, lớn lên có còn muốn kết hôn với Mã Hiểu Phi nữa không. Viên Viên nói bạn ấy là con trai, con không thích chơi với bạn ấy, không học cùng lớp, cũng không gặp. Chúng tôi liền trêu, “Thế con không sợ lớn lên không quen bạn ấy nữa à?”. Viên Viên nói không lo. Xem ra cô bé đã “thay lòng”, từ đó trở đi quên hẳn Mã Hiểu Phi.
Sau khi lên cấp hai, Viên Viên bước vào giai đoạn “dậy thì” về mặt tâm sinh lý, lúc này, với vai trò là bậc làm bố làm mẹ, chúng tôi mới thực sự bắt đầu quan sát thái độ quan hệ với bạn khác giới của Viên Viên. Cô bé cũng kể cho tôi nghe một số chuyện về bạn trai và bạn gái trong trường lấy lòng nhau, ví dụ một cậu bé nhà rất giàu nói với một cô bé cùng lớp Viên Viên rằng, nếu bạn yêu tớ, tớ sẽ mua cho bạn món đồ trang sức trị giá sáu mươi nghìn tệ. Chúng tôi nghe xong, cũng không chê hay hạ thấp những chuyện này, chỉ cười, nói cậu bé này ngây thơ, đáng yêu thật. Nhà tôi thỉnh thoảng cũng có điện thoại của các bạn trai gọi đến, khi gặp phải những cú điện thoại như vậy, chúng tôi rất tự nhiên gọi Viên Viên ra nghe máy, giống như khi bạn gái của Viên Viên gọi điện đến cho cô bé, sau đó chúng tôi sẽ tránh đi, để con gái được nói chuyện thoải mái. Có một lần tôi còn nhặt được một tờ giấy dưới gầm bàn học của Viên Viên, có thể là cuộc trao đổi bằng bút giữa cô bé và một cô bạn gái khác trong giờ học, hai người nhiệt tình thảo luận về mấy cậu bạn trai trong lớp, có thể nhận ra chúng bắt đầu có thiện cảm mơ hồ với một số bạn trai. Tôi cười, giấu tờ giấy này đi, đợi sau này Viên Viên lớn lên sẽ trả lại cho cô bé.
Mỗi người bố người mẹ đều từng trải qua tuổi dậy thì, nhớ lại thời kỳ chúng ta là những thiếu nam, thiếu nữ, sẽ thấy sự nảy sinh tình cảm này ở học sinh trung học là bình thường biết bao. Vì thế, khi con em chúng ta ở giai đoạn phát triển tình cảm, tại sao lại không thể thấu hiểu chúng hơn?
Thỉnh thoảng Viên Viên nhận được điện thoại của một cậu bạn nào đó, sẽ nói chuyện rất lâu, lúc đặt máy xuống, cô bé tỏ ra như có tâm trạng gì đó. Tôi sẽ lựa chọn một thời gian và địa điểm thích hợp, giả vờ vô tình kéo câu chuyện về chủ đề này, nói với Viên Viên rằng, con trai và con gái sau khi bước vào tuổi dậy thì sẽ có thiện cảm với bạn khác giới, mong muốn được tiếp xúc với bạn khác giới, đây là điều bình thường, cũng là điều rất đẹp. Nếu không có thì lại là không bình thường.
Mục đích tôi nói như vậy là để xóa đi sự bất an trong lòng Viên Viên, để cô bé biết rằng hóa ra có thiện cảm với bạn trai, hoặc người khác có thiện cảm với mình đều là lành mạnh, bình thường.
Bất an và tự trách là điều mà mỗi đứa trẻ có thiện cảm với bạn khác giới trong độ tuổi dậy thì đều sẽ có, thậm chí có nhiều đứa trẻ còn cảm thấy mình là người có tội. Cảm giác này không những sẽ không khiến trẻ mất đi hứng thú đối với bạn khác giới, mà còn kích thích phát triển. Trước sức ép của phụ huynh và nhà trường, cảm thấy thích bạn khác giới là không trong sáng, không đạo đức, bề ngoài chúng sẽ có những hành động bướng bỉnh, không nghe lời bố mẹ, nhưng trong lòng lại bàng hoàng, ngơ ngác, tự khinh bỉ mình. Chỉ khi con trẻ biết tự tôn trọng mình, tự yêu thương mình, cảm thấy bình thản, tự nhiên khi chơi với bạn khác giới trong tuổi dậy thì, mới có thể cảm thấy tự tin và lý trí, mới hành động một cách đoan trang, tự nhiên, mới có được sức mạnh tự làm chủ mình.
Tôi có quen với một bậc phụ huynh, con gái của chị ấy học lớp tám, rất xinh xắn, thành tích học tập cũng không tồi, chị rất sợ con gái yêu sớm, ảnh hưởng đến học hành, từ khi con lên lớp bảy chị bắt đầu kiểm soát con chặt chẽ. Nhà chỉ cần có điện thoại của con trai gọi đến, chị nhất định phải hỏi qua tình hình. Con gái đi học về hơi muộn một chút, chị liền tra hỏi không ngừng, lại còn gọi điện cho cô giáo kiểm chứng xem con gái có nói thật hay không. Vì chuyện này mà quan hệ giữa mẹ và con gái rất căng thẳng.
Để kiểm soát hành động của cô con gái, và cũng vì sự an toàn của con, bậc phụ huynh này đã mua cho con mình một chiếc điện thoại di động, kết quả là có một lần chị xem trộm điện thoại của con, phát hiện thấy cô bé và mấy cậu bạn trai xưng anh xưng em với nhau, chị giận lắm, tịch thu điện thoại luôn. Con gái lại có cách khác, hôm sau mượn bạn điện thoại di động mang về nhà dùng. Chị lại tịch thu chiếc điện thoại đi mượn, sau khi tan học cô con gái liền dùng một chiếc điện thoại có số lạ nhắn tin nói rằng mình rất bực mình, tối không về nhà nữa, nói xong liền tắt máy ngay. Chị không tìm được con, như người ngồi trên chảo lửa. Sáng sớm hôm sau liền đến trường con gái, đứng ở cổng đợi con và gặp được con, không tra hỏi được chuyện tối qua con đi đâu. Bực quá người mẹ này liền tìm đến cô giáo chủ nhiệm, kể cho cô giáo chủ nhiệm nghe chuyện con gái cả đêm không về nhà. Cô giáo chủ nhiệm lại chạy đi báo cáo với ban giám hiệu, ban giám hiệu liền lập tức triệu tập cuộc họp với cô chủ nhiệm các lớp, tuyên bố một nữ sinh lớp tám của trường ta qua đêm ở bên ngoài, yêu cầu các lớp tăng cường giáo dục học sinh. Sau đó qua “xét hỏi” và điều tra được biết, cô bé này dỗi mẹ nên ra hàng Internet chơi một đêm, muốn dọa mẹ một trận, không có chuyện gì xảy ra cả. Nhưng ngày hôm sau cô bé đến trường, mọi thứ đều thay đổi, tất cả mọi người đều nhìn cô bằng ánh mắt khác lạ, dường như đêm hôm đó cô đã làm một chuyện rất kinh khủng. Mẹ cô thấy hối hận vì đã làm to chuyện, nhưng đã không thể níu kéo được nữa. Trước sức ép lớn, cuối cùng cô bé buộc phải chuyển trường.
Đến trường mới, mẹ cô bé đưa ra yêu cầu không được chơi với các bạn trai. Nhưng sau khi chuyển sang trường mới, cô bé rất khó hòa đồng với các bạn mới, không có bạn bè, học hành bê trễ. Đúng lúc đó có một anh bạn lớp trên đến bắt chuyện với cô, thế là cô đã “yêu” anh chàng này thật, cuối cùng đến mức bỏ nhà ra đi. Lúc này, cuối cùng người mẹ mới phát hiện ra rằng, ngoài sự buồn rầu thất vọng, mình đã bó tay hết cách.
Từ ví dụ này chúng ta có thể thấy, trong các vấn đề như “yêu sớm” của con trẻ, thực tế là bố mẹ có hai chức năng, một là khuyên nhủ xoa dịu tình hình, hai là kích thích làm to chuyện. Tất cả các phụ huynh đều mong muốn đạt được hiệu quả đầu tiên, tuy nhiên đáng tiếc là trong thực tế rất nhiều bậc phụ huynh đã biến sự việc thành kết quả thứ hai. Họ muốn ngăn con cái yêu sớm, nhưng lại dùng phương pháp sai lầm đẩy con một cái, khiến con tự rơi vào vòng xoáy. “Biện pháp hiệu quả nhất làm dao động ý chí của trẻ là gợi lên ý thức có tội của chúng”(1), ở đây sai lầm lớn nhất của phụ huynh là dùng quan niệm tầm thường của người lớn để bôi nhọ những hành vi vốn là bình thường của con trẻ, khiến con trẻ cảm thấy mình có tội, về mặt khách quan là đẩy con trẻ xuống vực thẳm và không thể tự mình thoát ra.
__________________
(1) Erich Fromm, Người vì mình, Tôn Y Y dịch, Tam Liên thư điếm, tháng 11-1988, tr.149.
Tôi đã từng nhận được một tin nhắn của một người mẹ, nói cô con gái đang học lớp chín của chị “đã có bạn trai”, hỏi tôi nên xử lý như thế nào. Tôi lập tức gọi điện lại, hỏi “đã có bạn trai” là thế nào.
Hóa ra, một cậu bạn cùng khoá nhưng khác lớp của con gái chị thường xuyên tìm đến chỗ con gái chị để nói chuyện trong giờ giải lao, đến sinh nhật, con gái chị rủ mấy người bạn đến cửa hàng McDonald, cũng gọi cả cậu bạn này đi, cậu bạn cũng tặng cho con gái chị một món quà, thỉnh thoảng chúng còn nhắn tin cho nhau. Sau khi xem trộm được tin nhắn của con gái, chị phát hiện ra rằng tin nhắn cho cậu bạn này là nhiều nhất, một số câu lại có phần mờ ám, dường như hai bên có thiện cảm với nhau.
Tôi nói với người mẹ này rằng, trong lời nói của chúng ta, “bạn trai” có hàm nghĩa riêng, với những chuyện như thế, làm sao chị lại có thể gọi cậu bạn trai đó là “bạn trai” của con gái chị được. Thực ra con trẻ không có chuyện gì đâu, là do chị dùng cách lý giải của mình áp đặt cho mối giao lưu của con trẻ.
Đương nhiên tôi cũng hiểu được nỗi lo lắng của người mẹ này, chị sợ nếu như không quản, cô con gái và cậu bạn này phát triển quan hệ và “yêu” thật, ảnh hưởng đến học hành. Tôi nói với chị rằng, cần phải quản, nhưng đừng quản linh tinh, trước hết phải xóa đi vết nhơ thế tục trong lòng mình, sau đó hãy quản con. Sau đó theo lời gợi ý của tôi, người mẹ này đã nói chuyện với con gái và đạt được kết quả rất tốt.
Chị ấy đã nói chuyện với con gái như thế này.
Trước hết khẳng định với con gái rằng, ở độ tuổi này của con, có thiện cảm với bạn khác giới là điều rất bình thường, có thể thấy sự phát triển về tâm lý và sinh lý của con rất đồng bộ, rất khỏe mạnh. Ngoài ra, có bạn trai thích con, cho thấy con là một cô gái đáng yêu. Con có thiện cảm với bạn trai, chứng tỏ con cũng là một người biết thưởng thức người khác.
Tiếp theo chị nói với con rằng, học sinh cấp hai có thiện cảm với bạn khác giới, đây mới chỉ là vừa mới bắt đầu, là một cô gái đáng yêu, trong tương lai con sẽ còn được gặp rất nhiều người yêu quý con, chúng ta đều phải cảm kích họ. Đồng thời, con cũng sẽ được gặp rất nhiều bạn trai đáng để chúng ta phải yêu quý, họ đều có những ưu điểm khác nhau.
Cuối cùng chị nói với con gái rằng, chỉ người nào đáng yêu mới đáng để cho người khác yêu quý. Nếu một bạn học không giỏi, khí chất không có gì nổi bật, năng lực bình thường thì làm sao có thể khiến người khác có thiện cảm đặc biệt với anh ấy/cô ấy được. Đối với học sinh cấp hai, điều quan trọng nhất là học tập, khí chất và năng lực được xây dựng trên cơ sở học thức. Chỉ khi học hành chăm chỉ, mới có thể càng ngày càng đáng yêu, được người khác yêu quý, đồng thời mình cũng mới có thể dần dần học được cách yêu quý người khác.
Sau đó người mẹ này gọi điện thoại cho tôi, kể chị đã nói chuyện với con gái như vậy, con gái chị rất mừng. Từ đó trở đi, con gái chị còn thường xuyên kể cho mẹ nghe ai viết giấy gì hoặc nhắn tin cho ai, cô bé cảm thấy ai dễ thương. Còn về cậu bạn đó, vẫn chơi với nhau, nhưng rất bình thường, không khác gì so với bạn bè khác. Người mẹ này ngộ ra được một điều: Chỉ cần nội tâm người lớn trong sáng, nội tâm của con trẻ cũng sẽ rất trong sáng.
Thực ra trong bài viết này tôi muốn nói rằng, cái chính không phải là giáo dục tình yêu như thế nào, mà là người lớn nên nhìn nhận con trẻ bằng ánh mắt trong sáng như thế nào, hiểu con trẻ bằng niềm tin lành mạnh như thế nào. Không ít trẻ em có phẩm chất đạo đức kém, một trong những nguyên nhân quan trọng là chúng không ngừng bị “lối tư duy rác rưởi” của người lớn xâm hại. Lối tư duy rác rưởi này giống như một số doanh nghiệp chỉ chú trọng đến sản xuất, mặc sức thả khí độc và nước thải gây ô nhiễm ra môi trường, dần dần làm ô nhiễm bầu trời và mảnh đất vốn rất trong sáng của trẻ, kết quả là tính phá hoại đã lấn chiếm hoàn toàn tính sản xuất. Không chỉ trong vấn đề yêu sớm, lối tư duy rác rưởi trong các phương diện khác cũng sẽ khiến tư duy của trẻ bị biến dị.
Ví dụ có một vị phụ huynh, ngay từ khi còn rất nhỏ đã quản lý con rất chặt trong vấn đề tiền bạc, đề phòng cậu con trai như đề phòng kẻ trộm. Trong ý thức của chị, dường như chỉ cần có cơ hội, cậu con sẽ tắt mắt lấy tiền. Vì vậy ở nhà chị giấu tiền vào một chỗ rất kín, không để cho con biết; và khi con đi học cần mua cái gì, chị luôn hỏi bằng giọng nghi ngờ: “Cái đó nhiều tiền như thế ư, con phải nói thật đó nhé”. Kể cả đã được chị đồng ý, cậu con cầm túi của chị lên lấy tiền, chị cũng phải nói: “Nào, để mẹ xem xem con có lấy thừa hay không, không được lấy thừa đâu đấy”. Trước sự không tin tưởng và giám sát chặt chẽ của người mẹ, cậu con trai của chị có hứng thú và rèn được khả năng chống giám sát. Sau khi lên cấp hai, cậu con trai này bắt đầu lấy trộm tiền của nhà. Có một lần đi cùng với bố ra máy ATM rút tiền, lúc bố bấm password, cậu ta đã nhớ được, sau đó lấy trộm thẻ của bố, một tháng chia làm bốn lần rút ra hai nghìn tệ, tiêu xài hết sạch. Mỗi lần xảy ra chuyện ăn trộm tiền, ngoài việc đánh cho cậu con trai một trận nhừ tử, phụ huynh chỉ còn biết ngửa mặt lên trời than thở rằng, tại sao mình lại sinh ra một đứa con kém cỏi như vậy. Bố mẹ thực sự không thể hiểu nổi, từ xưa đến giờ luôn đề phòng con giở trò xấu trong chuyện tiền bạc, sợ cậu hư hỏng, tại sao cậu lại trở nên tồi tệ đúng theo chiều hướng đó?
Một ví dụ khác trái ngược với ví dụ trên là chuyện mà một người bạn thân của tôi kể cho tôi nghe.
Cậu con trai học lớp ba của chị vì một nguyên nhân nào đó mà không tham gia được kỳ thi giữa kỳ của trường, để bù cho con kỳ thi này, chị liền đến trường tìm đề thi giữa kỳ của các môn, về nhà bảo con làm bài theo thời gian như trường quy định.
Lúc đưa đề thi cho con chị cũng hơi do dự, nghĩ nên để con tự bấm thời gian hay là để chị giám sát; đồng thời chị còn nghĩ rằng, có nên thu hết sách vở trong phòng con đi không, đề phòng cậu xem trộm. Bình thường thành tích học tập của con chị không cao lắm, chắc chắn sẽ có một số câu không làm được, vậy thì liệu cậu có xem trộm đáp án trong sách hay không?
Chị nghĩ một lát rồi quyết định sẽ tin tưởng con trai, chị nói với con rằng, con tự bấm thời gian, hết giờ không được làm nữa. Rồi chị không nói gì thêm mà đóng cửa đi ra.
Một điều khiến chị rất mừng là, cậu bé học lớp ba này hiểu được thi là phải như thế nào, cậu hoàn toàn dựa theo quy trình thi của trường để quản lý mình, hết thời gian không làm thêm bài nữa. Và cậu cũng không hề biết có chuyện “quay cóp”, qua quan sát mẹ cậu bé biết được rằng, khi gặp phải câu không làm được, cậu cũng không nảy ra ý định lén giở sách ra xem. Bất giác chị phải than lên rằng: Hóa ra con trẻ trong sáng như vậy! Chị thấy may vì sự lựa chọn của mình lúc đó, thấy may vì mình không gieo rắc vào đầu con trẻ những khái niệm xấu này: Thi có thể xem trộm sách, con không đáng được tin tưởng.
Con người rất dễ bị ám thị, kể cả là người lớn. Nếu một người luôn được người khác ám thị rằng mình có phẩm chất đạo đức tốt, tốt bụng thân thiện, anh ta sẽ dần dần sinh ra ý thức tự khẳng định mình, phẩm chất đạo đức của anh ta sẽ phát triển theo hướng lành mạnh. Nếu một người luôn bị ám thị rằng bản thân có vấn đề gì đó, anh ta sẽ không ngừng tự phủ định mình, dần dần mất đi sự tự tin, trượt theo hướng tiêu cực.
Có người nghiên cứu và phát hiện ra rằng, thậm chí dưới sự ám thị liên tục của người khác, diện mạo bên ngoài của một người cũng sẽ bị thay đổi. Người có tướng mạo bình thường, trước ánh mắt tán dương sẽ trở nên rạng ngời, tràn đầy sức sống. Người có các nét xinh xắn, trước ánh mắt đầy miệt thị, cũng sẽ trở nên khô khan, ngờ nghệch. Bố mẹ đối xử với con cái bằng suy nghĩ lành mạnh, mới có thể giúp cho con cái được trưởng thành một cách lành mạnh.
Tôi đã từng đọc một câu chuyện ngụ ngôn. Trong cuộc nói chuyện với thiền sư Phật Ấn(1), Tô Đông Pha(2) mới hỏi rằng, ngài thấy dáng ngồi của tôi thế nào? Phật Ấn trả lời tôi thấy dáng ngồi của ngài rất giống Phật tổ. Tô Đông Pha rất mừng. Tiếp theo đó ông mới cười ranh mãnh nói, tôi thấy dáng ngồi của sư phụ giống như một đống phân bò. Phật Ấn nghe xong không giận cũng không phản bác, chỉ mỉm cười. Tô Đông Pha tưởng mình đã thắng Phật Ấn, về đến nhà liền dương dương tự đắc kể chuyện cho em gái nghe. Em gái Tô Đông Pha nói, anh à, anh thua đậm quá. Trong lòng đại sư Phật Ấn có Phật tổ Như Lai, vì thế nhìn anh mới giống Phật tổ; còn trong lòng anh chỉ có đống phân bò, nên nhìn người khác cũng thấy giống đống phân bò.
_________________
(1) Phật Ấn (1032-1098): Thiền sư đời nhà Tống, bạn thân của Tô Đông Pha (ND).
(2) Tô Đông Pha tức Tô Thức (1037-1101): nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thời Tống (ND).
Bố mẹ không bao giờ nên nhìn con trẻ bằng ánh mắt có chứa đống phân bò. Nếu lời nói của bố mẹ không ngừng gieo rắc cho con trẻ những ám thị tiêu cực, không những sẽ phá vỡ sự trong sáng trong nội tâm của trẻ, mà còn có thể bóp méo phẩm chất đạo đức của trẻ. Bố mẹ cần phải biết rằng, con trẻ không có công lực và sự điềm đạm như thiền sư Phật Ấn.
Lưu ý đặc biệt
Bất an và tự trách, là điều mà mỗi đứa trẻ có thiện cảm với bạn khác giới trong độ tuổi dậy thì đều sẽ có, thậm chí có nhiều đứa trẻ còn cảm thấy mình là người có tội. Cảm giác này không những sẽ không khiến trẻ mất đi hứng thú đối với bạn khác giới, mà còn kích thích phát triển. Trước sức ép của phụ huynh và nhà trường, cảm thấy thích bạn khác giới là không trong sáng, không đạo đức, bề ngoài chúng sẽ có những hành động bướng bỉnh, không nghe lời bố mẹ, nhưng trong lòng lại bàng hoàng, ngơ ngác, tự khinh bỉ mình. Chỉ khi con trẻ biết tự tôn trọng mình, tự yêu thương mình, cảm thấy bình thản, tự nhiên khi chơi với bạn khác giới trong tuổi dậy thì, mới có thể cảm thấy tự tin và lý trí, mới hành động một cách đoan trang, tự nhiên, mới có được sức mạnh tự làm chủ mình.
“Có bạn trai thích con, cho thấy con là một cô gái đáng yêu; con có thiện cảm với bạn trai, chứng tỏ con cũng là một người biết thưởng thức người khác”.
“Là một cô gái đáng yêu, trong tương lai con sẽ còn được gặp rất nhiều người yêu quý con, chúng ta đều phải cảm kích họ. Đồng thời, con cũng sẽ được gặp rất nhiều bạn trai đáng để chúng ta phải yêu quý, họ đều có những ưu điểm khác nhau”.
“Chỉ người nào đáng yêu, mới đáng được người khác yêu quý. Nếu một bạn học không giỏi, khí chất không có gì nổi bật, năng lực bình thường thì làm sao có thể khiến cho người khác có thiện cảm đặc biệt với anh ấy/cô ấy được. Đối với học sinh cấp hai, điều quan trọng nhất là học tập, khí chất và năng lực được xây dựng trên cơ sở học thức. Chỉ khi học hành chăm chỉ, mới có thể càng ngày càng đáng yêu, được người khác yêu quý, đồng thời mình cũng mới có thể từ từ học được cách yêu quý người khác”.
Không ít trẻ em có phẩm chất đạo đức kém, một trong những nguyên nhân quan trọng là chúng không ngừng bị “lối tư duy rác rưởi” của người lớn xâm hại. Lối tư duy rác rưởi này giống như một số doanh nghiệp chỉ chú trọng đến sản xuất, mặc sức thả khí độc và nước thải gây ô nhiễm ra môi trường, dần dần làm ô nhiễm bầu trời và mảnh đất vốn rất trong sáng của trẻ, kết quả là tính phá hoại đã lấn chiếm hoàn toàn tính sản xuất.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.