Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 9: MỞ “CỬA HÀNG”



Nếu biến việc học thành một viên sôcôla nhân rượu, có trẻ nào không thích không? Nếu biến việc học thành một viên thuốc đắng, làm sao trẻ thích được?
Tôi phát hiện ra rằng, chơi trò “mở cửa hàng” với con là một hoạt động rất tốt, thông qua trò chơi dạy cho trẻ học được cách cộng trừ nhân chia, có thể giúp trẻ rèn luyện khả năng tính toán một cách hiệu quả, là phương pháp học “học mà chơi, chơi mà học” thực thụ. Năm Viên Viên bốn tuổi, có một thời gian tôi dạy con học toán, lúc đầu là áp dụng phương pháp đếm ngón tay để làm các phép tính như “2+3” bằng mấy. Lúc đầu Viên Viên cũng rất thích, nhưng chơi một thời gian dài liền tỏ ra chán. Tôi liền nghĩ, có cách nào để cho trẻ vừa học được cách tính toán lại vừa có hứng thú?
Hồi đó trong khu dân cư còn chưa xuất hiện siêu thị, thông thường tại các điểm dân cư đều có một, hai “cửa hàng nhỏ”, Viên Viên rất thích vào cửa hàng cùng tôi để mua đồ. Mỗi lần đi tôi đều cho Viên Viên nói với chủ cửa hàng cần mua gì, đồng thời đưa tiền cho chủ cửa hàng. Lúc đó chỉ là để cho con học được cách làm việc, học được cách giao tiếp với người khác một cách tự nhiên. Không ngờ điều này đã khiến cho bé có được khái niệm về tác dụng của đồng tiền ngay từ khi còn rất nhỏ.
Một lần tôi và Viên Viên đi mua hàng về, ánh mắt bé lộ rõ vẻ hâm mộ, nói lớn lên sẽ mở cửa hàng. Tôi hỏi tại sao, bé liền nói chúng ta mua đồ phải trả tiền, còn người bán hàng lại không phải trả tiền. Sau đó tôi phát hiện ra con gái cùng các bạn nhỏ hàng xóm chơi trò mở cửa hàng, đóng vai khách hàng và chủ, người đóng vai chủ cửa hàng tỏ ra rất đắc ý. Xem ra bé rất muốn làm chủ cửa hàng, vì thế tôi đã nghĩ ra trò chơi mở cửa hàng với bé.
Viên Viên đóng vai chủ quầy, còn tôi và ông xã đương nhiên là khách hàng. Chúng tôi lấy một số đồ dùng quây thành một “quầy hàng nhỏ”cho bé, đồng thời bày lên các loại “hàng hóa”, hàng hóa có cái là thật, có cái chỉ mang tính tượng trưng (ví dụ loại kem mà bé thích ăn nhất thì phải tìm vật thay thế), chỉ cần bé hiểu là được, sau đó chúng tôi thay phiên nhau ghé thăm cửa hàng của bé.
Chúng tôi chăm chú ngắm nhìn hàng hóa của Viên Viên, lựa chọn sẽ mua cái gì, hỏi bé bao nhiêu tiền, có lúc còn trả giá. Lúc trả tiền, thông thường đều phải tìm tiền lẻ để trả lại, ví dụ mua một chiếc đũa sáu hào, thông thường chúng tôi sẽ đưa cho bé một tệ, như thế bé sẽ phải trả lại bốn hào.
Lúc đầu đều là bé định giá, trẻ nhỏ định giá, cho dù lớn hay nhỏ đều là số tiền chẵn và đơn giản, ví dụ một tệ, hai trăm tệ. Thông thường Viên Viên không thích dùng những mức giá như “một tệ tư” hay “hai trăm lẻ ba tệ” để làm khó mình.
Sau nhiều lần chơi, chúng tôi liền lén kéo bé về với các phép tính phức tạp hơn. Ví dụ lúc đầu một que kem có giá một tệ, chúng tôi gợi ý rằng, mấy ngày hôm nay kem lên giá rồi, mỗi que một tệ hai, ở đây con có muốn tăng giá không, tăng giá mỗi que lãi thêm được hai hào nữa. Sau đó chúng tôi đưa cho bé hai tệ hoặc năm tệ, như thế phép tính của bé đã phức tạp hơn.
Lúc đầu Viên Viên không thích cách định giá có số lẻ này, nó khiến bé cảm thấy rắc rối khi tính toán. Tôi liền đưa bé ra cửa hàng mua đồ, bảo bé chú ý xem mức giá của các loại hàng hóa về cơ bản đều có số lẻ, và thế là “giá bán” của Viên Viên bắt đầu có số lẻ.
Độ khó của các phép tính khi bán hàng dần được nâng lên, cần phải quá độ một cách tự nhiên, như thế sẽ giữ được hứng thú cho trẻ.
Lúc đầu chúng tôi thường chơi phép cộng trừ trong phạm vi một trăm, sau đó lại kiến nghị bé, cho rằng một số đồ nào đó cần phải rất đắt, có thể định giá đến ba trăm, năm trăm tệ. Theo những gì tôi nhớ, năm bốn tuổi, Viên Viên đã có thể làm được phép tính cộng trừ trong phạm vi năm trăm, điều này cơ bản được học từ việc “bán hàng”.
Trò chơi mở cửa hàng được chơi đến khi Viên Viên học lớp hai, lớp ba. Khi cô bé học phép nhân và phép chia, tôi liền lén bổ sung thêm một số kiến thức trong trò chơi, ví dụ một chiếc bút chì chín hào, tôi yêu cầu mua liền một lúc tám chiếc, hoặc là một gói bánh giá bốn tệ, bên trong có mười cái, còn tôi chỉ muốn mua ba cái. Như thế, cô bé phải vận dụng kiến thức nhân chia của mình để tính toán.
Quá trình “bán hàng” chính là quá trình trẻ không ngừng làm các “đề ứng dụng”, điều này rất có lợi cho việc gợi mở khả năng toán học cho trẻ. Giáo dục toán học không nên kéo ngay trẻ vào các con số trừu tượng, không nên lấy những phép tính khô khan để làm khó con trẻ. Phải để cho trẻ cảm nhận được con số qua trò chơi, để chúng cảm nhận được rằng tính toán không phải là những thứ trừu tượng, mà là những thứ hữu dụng tồn tại trong cuộc sống quanh ta, có mối liên hệ mật thiết với cuộc sống thường nhật của chúng ta.
Khi Viên Viên học lớp một, lớp hai, trong lúc các bạn khác đang phải vật lộn giữa những con số trừu tượng, cô bé vừa nhìn đã biết ngay cách giải, cảm thấy những đề toán đó quá đơn giản.
Học hết lớp hai Viên Viên liền nhảy cóc lên lớp bốn, lúc đó ban giám hiệu của trường có phần lo lắng. Nói năm lớp ba là năm quan trọng, nội dung học trong năm lớp ba khá khó, đặc biệt là môn toán. Và thế là tôi tìm hai cuốn sách toán lớp ba tập một và tập hai, bỏ ra mười ngày học hết với Viên Viên, Viên Viên nắm bài rất tốt, sau khi vào học thi cùng với một số bạn đã từng học toán lớp ba, điểm của cô bé cao nhất.
Không phải Viên Viên là thiên tài đặc biệt gì, mà là những kiến thức có liên quan đã được cô bé sử dụng từ lâu khi “mở cửa hàng”. Việc phải vắt óc khi làm “chủ cửa hàng” đã khiến khả năng tư duy toán học của cô bé được nâng lên rõ rệt, khi học sẽ cảm thấy vô cùng nhẹ nhàng.
Trẻ em có bản tính thích mô phỏng cuộc sống của người lớn. Tôi còn nhớ hồi nhỏ thường chơi đồ hàng, rất vui. Tôi nghĩ, chắc chắn cảm giác của Viên Viên khi “mở cửa hàng” cũng giống cảm giác của tôi khi chơi đồ hàng, chỉ có điều cô bé không biết trong quá trình chơi mình đã học được cách tính toán.
Vì thế, tại sao học tập cứ buộc phải “khổ”? Học tập cũng có thể tiến hành trong niềm vui. Hơn nữa, học tập được tiến hành trong niềm vui sẽ giúp trẻ học tốt hơn. Chúng ta đều mong muốn con em mình thích học, nếu biến việc học thành một viên sôcôla nhân rượu, có trẻ nào không thích không? Nếu biến việc học thành một viên thuốc đắng, làm sao trẻ thích được?
Trong trò chơi “mở cửa hàng” cần phải chú ý một số vấn đề sau:
Trước hết là không nên nói cho trẻ biết dụng ý của mình.
Chơi trò chơi này, bố mẹ chơi là để cho trẻ học được cách tính toán, nếu bạn nói cho trẻ biết mục đích này, hoặc bị trẻ phát hiện ra, trẻ sẽ không còn hứng thú chơi nữa. Cần phải để cho trẻ cảm nhận được rằng đây chỉ là một trò chơi, chỉ là để chơi thôi. Khi chơi với trẻ, người lớn cần chăm chú và nghiêm túc, coi mình là trẻ và chơi một cách say sưa, trong quá trình này không nên thuyết giáo điều gì, càng không nên trách mắng trẻ nếu con tính sai.
Hai là tránh để trẻ cảm thấy ngại ngùng.
Trong quá trình chúng tôi chơi với Viên Viên, lúc đầu Viên Viên không có cảm nhận gì với việc định giá cao hay thấp cho đồ vật nào đó, hoàn toàn là báo giá theo cảm tính. Ví dụ cô bé áp giá cho một “que kem” là một trăm tệ, bố cô bé liền nói với giọng rất khoa trương rằng: “Hả, sao mà đắt vậy!”. Ý bố Viên Viên là muốn tạo bầu không khí, anh than như vậy vì biết rõ giá cả thị trường, nhưng câu nói của anh đã khiến Viên Viên sợ. Qua cách nói của bố, Viên Viên cũng cảm nhận được rằng mình đưa ra giá cao quá, nên bé có phần luống cuống. Khi hỏi đến giá của món đồ tiếp theo, lúc báo giá cô bé có phần e dè, thấp thỏm, ngần ngừ đưa ra một con số, sau đó chờ đợi phản ứng của người lớn, thăm dò xem mình đưa ra giá như thế có đúng hay không. Cứ tiếp tục chơi như vậy, sự chú ý của trẻ sẽ không thể tập trung vào trò chơi nữa, thời gian dài sẽ cảm thấy căng thẳng và chán. Tôi vội vàng đứng ra xoa dịu, nói với bố Viên Viên rằng que kem này rất thơm, nên đáng giá như vậy.
Xong chuyện tôi nói với bố Viên Viên, từ sau bất kể con đưa ra giá bao nhiêu, đều không tỏ ra ngạc nhiên hay thắc mắc. Đừng lấy kinh nghiệm sống của bạn để can thiệp vào tư duy của trẻ, trẻ không có khái niệm giá cả thị trường. Mục đích của chúng ta chỉ là để trẻ học được cách tính toán, không phải là dạy trẻ học được cách làm ăn, chính vì thế trẻ đưa ra giá bao nhiêu cũng không quan trọng. Trẻ hoàn toàn có thể đưa ra giá cho một kilogam gạo là hai trăm tệ, cũng có thể đưa ra mức giá bốn hào cho một chiếc nhẫn.
Thứ ba là không để phép tính làm khó trẻ.
Một điều bố mẹ cần phải nhớ là, đây là trò chơi, chứ không phải giờ học toán. Bố mẹ có thể thông qua việc “mua bán” để phát triển khả năng tính toán của trẻ, nhưng không nên vội vàng. Trong quá trình chơi phải đặt niềm vui của trẻ lên hàng đầu, việc học đặt ở vị trí thứ hai. Độ khó của phép tính có thể nâng cao dần dần, nhưng không nên để phép tính quá khó ảnh hưởng đến niềm vui. Nếu trong quá trình mua bán trẻ liên tục cảm thấy phép tính khó, trẻ sẽ nản chí và mất hứng thú chơi.
Bốn là không nên ép buộc con trẻ chơi.
Không nên vì mục đích bắt trẻ học mà thường xuyên chơi một trò chơi. Sau khi tôi kể cho một số người nghe về trò chơi này, liền có người về nhà chơi với con hàng ngày. Lúc đầu trẻ còn có hứng thú, nhưng chơi liền ba ngày là không muốn chơi nữa, bố mẹ liền dỗ ngon dỗ ngọt bảo phải chơi.
Cũng có những lúc, vừa chơi chưa được bao lâu, chưa mua bán được gì, vì một lý do nào đó mà trẻ đột nhiên không muốn chơi nữa, lúc này bố mẹ cũng không nên bắt ép, chỉ cần trẻ thể hiện ra là không muốn chơi nữa, thì nên dừng lại ngay, để tránh làm cho trẻ cụt hứng với trò chơi. Nếu bố mẹ tỏ ra quá tích cực trong trò chơi, dễ khiến trẻ phát hiện ra dụng ý của bạn.
Thứ năm là cố gắng dùng tiền thật.
Lúc đầu tôi và Viên Viên chơi, không muốn dùng tiền thật, cảm thấy như thế không vệ sinh, liền dùng một số mảnh giấy ghi giá tiền. Nhưng tôi phát hiện thấy con gái không hứng thú lắm với tiền giả, chỉ cần con trẻ ý thức được rằng tiền có thể đổi lấy được thứ mà mình cần, sẽ rất có thiện cảm với tiền. Dùng tiền thật có thể giúp trẻ chơi một cách say mê hơn, chơi xong chú ý rửa tay là được.
Viết đến đây tôi nghĩ, nếu ghi lại số “tiền lãi” của mỗi lần chơi của trẻ, đồng thời giữ lại số tiền mà trẻ kiếm được, lúc mua đồ cho trẻ dùng số tiền này, có thể sẽ càng kích thích trẻ thích chơi hơn. Điểm này tôi không áp dụng với Viên Viên mà chỉ đoán làm như thế sẽ hay hơn.
Thứ sáu là cố gắng thay đổi cách chơi, cố gắng để cho mỗi lần chơi khác nhau.
Thông thường trẻ muốn làm “chủ cửa hàng”, đặc biệt là lúc ban đầu. Sau vài lần chơi, để trò chơi luôn giữ được sự mới mẻ, có thể đổi vai diễn cho trẻ, để trẻ làm người mua hàng. Cho dù ai làm khách hàng, đều có thể đóng các vai khác nhau, hình thành nên các tổ hợp khác nhau, có lúc là cụ ông cụ bà, có lúc là bạn nhỏ, có lúc là bác sĩ hoặc cô giáo. Các đối tượng khác nhau có các sự việc và nhu cầu khác nhau, như thế sẽ có rất nhiều câu chuyện xảy ra. Ngoài ra còn có thể để cho các loại đồ chơi trong nhà tham gia, như chó bông hoặc gấu bông… đến mua đồ, đương nhiên là có người thay chúng nói chuyện và trả tiền. Ngoài việc “mở cửa hàng”, chúng tôi và Viên Viên còn “bán rau”. Có lúc Viên Viên cũng chịu làm chủ quầy hàng rau xanh, chúng tôi liền vẽ ra các loại rau, hoa quả lên giấy, hoặc tìm các đồ vật thay thế, chơi trò bán rau với con gái. Tôi còn đến cửa hàng bán thuốc đông y mua cho con gái một chiếc cân đĩa nhỏ, bởi hồi đó loại cân mà những người bán rau hay dùng ở chợ đều là cân tay bình thường. Hoạt động “mở cửa hàng” đã gợi ý cho ta thấy: Phương pháp học kết hợp với cuộc sống sẽ cho hiệu quả cao hơn, phương pháp giáo dục bắt nguồn từ cuộc sống có thể áp dụng mọi lúc mọi nơi.
Dạy con học không nhất thiết là phải ngồi vào bàn học, chỉ cần lưu tâm một chút, ở đâu cũng có thể phát hiện ra cơ hội giáo dục. Ví dụ, khi dạy trẻ đếm từ 1 đến 10, nếu bạn chỉ đọc đi đọc lại những chữ số này, trẻ chỉ nghe thấy những âm tiết, thực ra trẻ không biết những âm tiết này đại diện cho cái gì, cũng không hiểu “1, 2, 3, 4” này là cái gì. Nếu lúc bạn bế trẻ lên cầu thang, mỗi lần đều vừa đi vừa đếm số bậc cầu thang; lúc mở một hộp kẹo sôcôla, trước tiên nhất thiết phải đếm xem có bao nhiêu cái sau đó mới ăn. Tóm lại, mỗi khi đọc đến “1, 2, 3, 4…”, luôn liên hệ với một việc cụ thể nào đó, trẻ sẽ nhớ nhanh hơn, đồng thời hiểu được khái niệm về chữ số.
Tôi còn nhớ rất rõ khi Viên Viên hai tuổi rưỡi, có một lần bố bé đi công tác về, mua cho bé 6 hộp sữa chua Wahaha. Buổi sáng bé uống một hộp, tôi bỏ số còn lại vào tủ. Buổi chiều đột nhiên Viên Viên hỏi: “5 hộp sữa đó đâu hả mẹ?”. Không ngờ bé lại biết còn 5 hộp, tôi thực sự ngạc nhiên. Lúc đó bé vẫn chưa biết làm phép tính cộng trừ, lúc này bé đã hiểu được khái niệm về số có lẽ là do tôi thường xuyên cùng bé đếm các đồ vật “1, 2, 3, 4”.
Sau khi trẻ vào trường, vẫn có thể thông qua “các hoạt động” để học bài. Tôi phát hiện ra rằng để trẻ làm “cô giáo” giảng bài cho bố mẹ cũng là một hoạt động rất hay.
Lúc Viên Viên mới vào trường tiểu học, cô giáo dạy các em học phiên âm, để giúp con nhanh chóng nắm được, tôi liền nói với bé, hồi nhỏ mẹ không chịu khó học phiên âm, quê mẹ nói tiếng địa phương, chữ phiên âm mà cô giáo dạy mẹ cũng không đúng với tiêu chuẩn. Con được học cách viết phiên âm ở trường, tối về dạy cho mẹ được không? Tôi nói rất chân thành, Viên Viên nghe thế rất mừng, nói vâng ạ. Sau đó hàng ngày cô bé liền đem những kiến thức đã học về nhà dạy cho tôi, tôi cũng chăm chú lắng nghe, chăm chú học.
Lúc chơi trò “làm cô giáo”, tôi lưu ý có một số vấn đề sau:
Thứ nhất, khi thiết kế những hoạt động này, bố mẹ cần “trao quyền”, để trẻ được “nắm quyền”.
Trò chơi làm cô giáo cũng giống như trò chơi mở cửa hàng, đều là để trẻ vận dụng kiến thức, học hỏi kiến thức trong thực tiễn. Chúng còn có một đặc điểm chung là để cho trẻ cảm thấy mình “có quyền”, đây cũng là nguyên nhân tại sao những trò chơi như thế này thu hút được trẻ. Chính vì thế trong các hoạt động này cần phải để trẻ trở thành nhân vật chủ chốt và người chủ động trong hoạt động, đừng để trẻ cảm thấy mình bị động, bị người lớn chỉ đạo.
Thứ hai, cần phải lựa chọn những đáp án hoặc những thứ có đáp án hoặc nội dung tương đối cụ thể, chính xác để trẻ giảng.
Trong môn Ngữ văn tôi chỉ để Viên Viên dạy cách viết phiên âm, bởi cách học ngôn ngữ mang tính mở, trẻ khó giảng, giảng rồi cũng không có ý nghĩa gì. Thông thường tôi hay để cho bé giảng môn toán, bởi đặc điểm của toán học là chặt chẽ. Đồng thời cũng cần phải chú ý rằng, không nên lạm dụng trò dạy học, thông thường là lén quan sát việc học của con, chỉ khi phát hiện ra giai đoạn nào con nắm chưa được vững, tôi mới bảo con giảng bài cho tôi. Điều này cũng giống như việc “mở cửa hàng”, không nên để trẻ cảm thấy chán, cần phải nghĩ cách để giữ niềm hứng thú của trẻ.
Thứ ba, phương thức đưa ra yêu cầu của bố mẹ cần tự nhiên, không thể chỉ lấy mỗi việc hồi nhỏ mình không học cẩn thận làm cái cớ.
Ví dụ có lúc tôi tìm được một lỗi trong vở bài tập của Viên Viên, và lỗi sai này là do cô bé chưa hiểu rõ khái niệm, sau đó tôi giả vờ kinh ngạc nói “Câu này hình như là làm đúng, sao cô giáo lại gạch sai nhỉ?”. Và thế là tôi liền gọi Viên Viên, xem là do cô bé làm sai hay cô giáo chấm sai. Trong quá trình này, tôi vừa phải giả vờ không rõ vấn đề đồng thời lại vừa phải định hướng cho con theo lối tư duy đúng, vì muốn làm rõ vấn đề mình sai hay cô giáo sai, Viên Viên cũng sẽ chăm chú cùng tôi phân tích, suy nghĩ lại khái niệm. Kết quả đương nhiên sẽ chứng minh được là cô bé làm sai câu này, nhưng ít nhất Viên Viên đã chỉnh lại được “cái sai” cho mẹ, điều này cũng khiến cho trẻ cảm thấy mình vừa làm được một việc rất quan trọng. Đồng thời về cơ bản cũng nắm vững được khái niệm mà trước đó hiểu chưa sâu.
Không nên vạch ra những lỗi mà trẻ mắc phải trong quá trình giảng bài, càng không thể cười nhạo những sai sót của trẻ.
Đã đóng vai là học sinh, bố mẹ nhất thiết phải có thành ý, nghiêm túc lắng nghe trẻ giảng bài. Cũng giống như việc mở cửa hàng, không nên để trẻ phát hiện ra dụng ý của bạn, nếu không trẻ chỉ cảm thấy bố mẹ dùng phương thức này để kiểm tra mình, trẻ sẽ không cảm thấy tự hào, cũng không có hứng thú. Nếu lối tư duy hoặc cách trình bày của trẻ có lỗi, cần phải khéo léo nói ra, hoặc dùng phương pháp gợi ý để trẻ suy nghĩ theo lối tư duy đúng. Không bao giờ để trẻ có cảm giác mình giảng không hay mà cảm thấy ngượng ngùng. Trong quá trình này chỉ cần bố mẹ có chút gì đó giáo huấn hoặc nhạo báng, trẻ sẽ rất buồn bã và mất tự tin. Nhất thiết phải để cho trẻ cảm nhận được thành tích của mình trong quá trình này.
Năm 2004, tôi có tham dự một buổi diễn thuyết của học giả Lưu Trường Danh – nhà giáo dục đương đại nổi tiếng, hiệu trưởng trường trung học phổ thông số bốn Bắc Kinh. Trước khi lên làm hiệu trưởng ông là giáo viên dạy vật lý rất giỏi của trường này. Khi nói đến chuyện mình làm thầy giáo dạy vật lý, học sinh của ông nếu làm sai câu nào trong bài kiểm tra, sau khi để học sinh làm lại câu này, ông còn cho học sinh này giảng cho cả lớp nghe một lần – hiệu quả của “làm một lần” và “giảng một lần” là hoàn toàn khác nhau. Những cái có thể giảng ra một cách rõ ràng ắt phải bao hàm sự suy nghĩ một cách nghiêm túc, đồng thời đã được lý giải rõ ràng, sau đó mới giảng ra được một cách rõ ràng. Những thứ đã từng giảng sẽ ăn sâu vào đầu mình hơn – nếu nói “làm một lần” chỉ là học lại một lần, thì “giảng một lần” đã trở thành thực tiễn, đối với học sinh đây cũng là một hoạt động ứng dụng kiến thức, có thể giúp chúng nắm chắc hơn.
Hoạt động này cũng có thể ứng dụng trong gia đình, khi phụ huynh muốn phụ đạo bài tập cho con, không bằng việc bạn để trẻ “phụ đạo” bài tập cho bạn. Đương nhiên bạn cũng phải nghĩ cách để làm cho thật khéo, để cho hoạt động này diễn ra một cách tự nhiên, chứ không nên để trẻ cảm thấy căng thẳng hoặc ngại ngùng.
Tôi nghe một vị phụ huynh phàn nàn rằng cậu con trai mới vào cấp ba của anh học toán không tốt lắm, gặp vấn đề khó thường dễ dàng bỏ qua, không chịu đào sâu suy nghĩ. Anh nhìn vở toán của con, thấy những nội dung đó đã vượt quá phạm vi kiến thức của mình, mình cũng không thể phụ đạo được. Theo suy nghĩ của người bình thường, thì nên tìm cho trẻ một giáo viên, hoặc đi học thêm, nhưng nghĩ đến vấn đề trình độ phụ đạo của người khác và sự tiện lợi, anh cảm thấy mình nên học cho hiểu sau đó phụ đạo con sẽ tốt hơn. Và thế là anh bắt đầu nghiên cứu sách giáo khoa môn toán. Trình độ giải toán của con trai lúc đó kiểu gì cũng khá hơn anh, có chỗ nào không hiểu anh liền hỏi con. Trong quá trình giảng con cũng có rất nhiều chỗ không rõ, hai bố con liền cùng nhau nghiên cứu, nếu nghiên cứu không ra vấn đề thì để con đi đến trường hỏi thầy cô giáo hoặc bạn học, về nhà giảng lại cho bố nghe. Người bố không phải chỉ giả vờ làm học sinh, mà là học rất nghiêm túc. Khi phát hiện ra trình độ toán học của mình được nâng cao, điểm toán của con trai cũng tiến bộ rõ rệt, và con trẻ cũng học được cách đào sâu suy nghĩ vấn đề, không còn giống như trước, vừa có vấn đề là bỏ đó đợi người khác nói cho mình, hiệu quả tốt hơn nhiều so với việc đi học thêm.
Tóm lại, bố mẹ nên đầu tư một chút công sức, thời gian, thiết kế và tạo ra những công việc bao hàm kiến thức để trẻ tự làm, còn hơn là lo lắng về điểm thi, bỏ tiền bỏ công sức, bắt ép trẻ phải học, để cho trẻ có cơ hội vận dụng những kiến thức mà mình đã học để giải quyết một số vấn đề thực tế, thực tiễn là “lớp học thêm” bổ ích nhất.
Ngoài hai ví dụ “mở cửa hàng” và “làm cô giáo” ở trên, chắc chắn vẫn còn có thể tìm được không ít phương pháp. Ví dụ, khi bố mẹ tính toán tiền nong của gia đình, lấy cớ nói máy tính hỏng, nhờ con đang học tiểu học tính bằng bút hộ; đồ gia dụng hỏng, có thể cùng trẻ vận dụng những kiến thức vật lý mà trẻ học được trong giờ vật lý để sửa thử. Đặc biệt là qua sở thích của trẻ, tìm ra các kiến thức cần nắm vững, kết hợp sở thích của trẻ với các hoạt động là tốt nhất.
Nhà giáo dục vĩ đại người Liên Xô Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky(1) cho rằng: “Nguyên nhân khiến trẻ em tụt hậu việc học hành là do trẻ không học được cách suy nghĩ. Các sự vật, hiện tượng, các mối liên hệ qua lại trong thế giới xung quanh, không trở thành ngọn nguồn suy nghĩ của trẻ… Hãy để các sự vật thực tế dạy cho trẻ biết cách suy nghĩ – đây là điều kiện vô cùng quan trọng để tất cả các trẻ em bình thường đều trở nên thông minh, nhanh nhẹn, chăm học, ham hiểu biết”(2).
Tư tưởng giáo dục cốt lõi của nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ John Dewey là, trẻ em nên học tập từ cuộc sống, học tập từ những việc mà mình làm, chứ không phải học tập trong sách vở. Ông cho rằng phương pháp dạy học mãi mãi thành công trong giáo dục chính là “Hãy cho học sinh một số việc để làm chứ không phải là cho chúng một số thứ để học”(3).
___________________
(1) Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky (1918-1970): Nhà giáo dục người Ukraina (Liên Xô trước kia), (ND).
(2) Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky, Lời kiến nghị với các nhà giáo, Đỗ Điện Khôn dịch, NXB Khoa học giáo dục, tái bản lần thứ nhất tháng 6-1984, tr.326.
(3) John Dewey, Chủ nghĩa dân chủ và giáo dục, Vương Thừa Tự dịch, NXB Giáo dục Nhân dân, tái bản lần thứ nhất tháng 5-2001, tr.169.
Chính vì vậy, khi bố mẹ muốn con trẻ tiến bộ trong học tập, không nên giúp đỡ trẻ bằng cách kéo chúng lại với sách vở, kéo chúng vào lớp học thêm, mà nên tạo một số cơ hội, để trẻ vận dụng những kiến thức mà mình đã học giải quyết một số vấn đề. Bất luận là học cái gì, nếu chúng ta tạo cơ hội thực tiễn “mở cửa hàng” cho trẻ, thì đa số trẻ sẽ không phải khổ sở vì chuyện học hành nữa.
Lưu ý đặc biệt
Khi chơi trò “mở cửa hàng” với trẻ, người lớn cần chăm chú và nghiêm túc, coi mình là trẻ và chơi một cách say sưa, trong quá trình này không nên thuyết giáo điều gì, càng không nên trách mắng con trẻ nếu con tính sai.
Trong quá trình chơi phải đặt niềm vui của trẻ lên hàng đầu, việc học đặt ở vị trí thứ hai. Giáo dục toán học không nên kéo ngay trẻ vào các con số trừu tượng, không nên lấy những phép tính khô khan để làm khó trẻ. Phải để cho trẻ cảm nhận được con số qua trò chơi, để chúng cảm nhận được rằng tính toán không phải là những thứ trừu tượng, mà là những thứ hữu dụng tồn tại trong cuộc sống quanh ta, có mối liên hệ mật thiết với cuộc sống thường nhật của chúng ta.
Sau khi vào học ở trường, vẫn có thể thông qua “hoạt động” để học bài. Khi phụ huynh muốn phụ đạo bài tập cho con, không bằng việc bạn để trẻ “phụ đạo” bài tập cho bạn. Khi thiết kế những hoạt động này, bố mẹ cần “trao quyền”, để trẻ được “nắm quyền”, trở thành nhân vật chủ chốt và người chủ động trong hoạt động, đừng để trẻ cảm thấy mình bị động, bị người lớn chỉ đạo.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.