Chỉ trong thời gian rất ngắn mà cô bé biết được nhiều mặt chữ như vậy, thực ra là một quá trình hết sức đơn giản và tự nhiên, là một sự tất yếu từ biến đổi về lượng chuyển sang biến đổi về chất. Hiện tượng này xảy ra, cuối cùng vẫn là do có sự giáo dục, là kết quả của việc bố mẹ áp dụng phương pháp giáo dục đúng đắn một cách vô tình hay hữu ý.
Viên Viên không phải là “thần đồng” hai, ba tuổi đã biết được mấy nghìn chữ, tôi cũng chưa bao giờ chuyên tâm dạy con nhận mặt chữ, không làm cho con tấm thiệp học chữ nào. Nhưng sau khi Viên Viên đón sinh nhật lần thứ sáu, cách ngày vào lớp một hơn sáu tháng, cô bé đã đem lại cho chúng tôi một niềm vui bất ngờ – đột nhiên biết được rất nhiều mặt chữ.
Viên Viên không còn bám nhằng lấy tôi bắt tôi đọc truyện, người thì nhỏ mà cầm cuốn sách trông rất ra dáng và bắt đầu đọc, đọc rất say sưa. Tôi lấy một cuốn tạp chí Chuột Mickey mới bảo con gái đọc cho tôi nghe, cô bé vừa mò vừa đoán và đọc được thật. Tôi biểu dương con gái rất chân thành, khen bé đọc hay.
Lần đầu tiên cảm nhận được niềm vui đọc sách do biết chữ mang lại, niềm say mê đọc sách một mình của Viên Viên càng ngày càng lớn. Thông qua việc đọc sách, lại biết thêm được rất nhiều chữ, cứ theo vòng tuần hoàn tốt như vậy, khiến số lượng chữ mà Viên Viên biết tăng lên rất nhanh. Đến nỗi mấy tháng sau, đến khi cô bé vào học lớp một, đọc sách ngữ văn đối với cô bé đã là “chuyện nhỏ như con thỏ” rồi.
Còn nhớ ngày đầu tiên trở thành học sinh cấp một, Viên Viên mang từ trường về nhà một ba lô sách. Về đến nhà, lấy ra từng cuốn một đặt lên bàn ăn, nét mặt hết sức phấn khởi. Bố tìm một cuốn lịch cũ bọc từng cuốn sách cho cô bé, cô bé ngồi bên cạnh bố, hào hứng đọc sách ngữ văn một lượt từ đầu đến cuối. Nghe tiếng đọc sách dõng dạc của con, tôi rất mừng khi biết được rằng, con gái đã nhẹ nhàng vượt qua được “ngưỡng cửa nhận mặt chữ” mà học sinh tiểu học phải đối mặt mà không hề hay biết.
Lúc mới vào cấp một, lượng chữ đã biết và trình độ đọc của Viên Viên đã tương đương với một học sinh lớp ba, xem ra giống như một “kỳ tích” nhỏ, khiến cô giáo phải thán phục, đồng thời cũng khiến tôi cảm thấy rất bất ngờ. Tuy nhiên trong lòng tôi biết rất rõ, Viên Viên là một đứa trẻ hết sức bình thường, chỉ trong thời gian rất ngắn mà cô bé biết được nhiều chữ như vậy, thực ra là một quá trình hết sức đơn giản và tự nhiên, là một sự tất yếu từ biến đổi về lượng chuyển sang biến đổi về chất. Hiện tượng này xảy ra, cuối cùng vẫn là do có sự giáo dục, là kết quả của việc bố mẹ áp dụng phương pháp giáo dục đúng đắn một cách vô tình hay hữu ý.
Ở đây tôi muốn giới thiệu cách làm của mình, mục đích là để nhiều bạn nhỏ cũng giống như Viên Viên, biết chữ một cách nhẹ nhàng, sớm biết chữ. Điều đó không chỉ có ý nghĩa đối với những đứa trẻ trước khi bước vào lớp một hoặc đang trong giai đoạn học chữ ở bậc tiểu học, mà có thể cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đối với việc học tập cả đời của trẻ. Thực tế là cách làm của tôi rất đơn giản, đó là ngay từ lần đầu tiên tôi cầm một cuốn sách lên kể chuyện cho Viên Viên, tôi không “kể” mà là “đọc”. Vừa không chuyển hóa nội dung câu chuyện thành văn nói hoặc “ngôn ngữ thiếu nhi”, đọc hoàn toàn như trong sách, từng chữ từng chữ một.
Tôi nghĩ, đối với con trẻ trong sáng như tờ giấy trắng, bất kỳ một từ vựng nào đều rất mới mẻ. Những cái mà chúng ta cho rằng “dễ hiểu” hoặc “không dễ hiểu”, đối với chúng thực ra là giống nhau. “Con sói xám ung dung đi dạo” với “con sói xám chậm rãi bước đi”, đối với con trẻ đang học nói, chúng sẽ không cảm thấy cái nào khó hơn. Đầu tiên chúng ta gieo vào đầu trẻ cái gì, trẻ sẽ tiếp nhận cái đó. Có bậc phụ huynh trong quá trình kể chuyện cho con, sợ con không hiểu, chuyển hết văn viết thành văn nói, thực ra không cần thiết phải làm như vậy. Giống như việc một người từ nhỏ nói tiếng Trung, đến khi đối mặt với tiếng Anh sẽ thấy khó, còn một đứa trẻ từ nhỏ nghe tiếng Anh sẽ không cảm thấy nghe tiếng Anh khó. Chính vì thế bố mẹ không nên e ngại, bản tính của con trẻ là luôn tò mò trước mọi sự việc, “đọc” cho trẻ hoặc “kể” cho trẻ, đối với trẻ đều có sức cuốn hút như nhau.
Tôi bắt đầu kể chuyện cho Viên Viên từ khi cô bé chưa đầy một tuổi, không biết lúc đầu đọc sách cho con gái nghe con gái có hiểu hay không, nhưng mỗi lần đọc sách cho cô bé, cô bé đều nghe rất say sưa, đôi mắt sáng ngời lộ rõ vẻ hứng thú. Những cuốn sách mua về được chúng tôi đọc hết lần này đến lần khác, lần nào tôi cũng đọc từng chữ một, đến khi Viên Viên bắt đầu học nói, liền ê a đọc theo, càng ngày càng học thuộc được nhiều câu chuyện mẹ đọc cho nghe, còn thường xuyên ra bộ mình đang đọc sách.
Còn nhớ khi Viên Viên hai mươi tháng, đồng nghiệp của ông xã đến chơi, Viên Viên đứng bên chú đọc truyện Chú vịt xấu xí rất say sưa. Cô bé dùng ngón tay chỉ lên mặt chữ trong sách, đọc từng chữ một: “Chú vịt lẻ loi, uể oải bước đến bờ sông…”. Cô bé lật sang từng trang một, “đọc” gần như không sai chữ nào. Anh bạn đồng nghiệp nhìn thấy thế rất ngạc nhiên, tưởng rằng Viên Viên biết chữ. Tôi cười nói, đâu có, bé học thuộc lòng truyện mẹ kể cho nghe đó mà. Lúc đó chắc chắn cô bé chưa có khái niệm chữ viết, chắc là lúc đó cô bé không biết những cái mà miệng mình đọc và những cái mà ngón tay mình chỉ có mối quan hệ gì, mà chỉ bắt chước một cách máy móc âm thanh và động tác của mẹ khi kể chuyện.
Cứ như vậy, tôi vẫn kể chuyện cho Viên Viên nghe bằng cách “đọc”, đồng thời chú ý tạo vẻ sinh động trên nét mặt và giọng đọc. Viên Viên dần dần lớn lên, tôi phát hiện ra rằng việc áp dụng cách “đọc” để thay thế cách “kể” không ảnh hưởng gì đến sự lý giải của con, lại còn làm phong phú thêm vốn từ cho con. Trong thời gian học nói bé luôn luôn tìm được những từ thích hợp để diễn đạt, rất ít khi cảm thấy khó khăn, giống như việc trẻ muốn diễn đạt nhưng không biết nói như thế nào hoặc lời không diễn đạt được ý.
Hơn nữa, trong quá trình này, Viên Viên bắt đầu biết được một số chữ, điều này khiến tôi càng tin vào cái lợi của việc “đọc sách”. Và thế là nâng lên một bước cao hơn, từ chỗ để tôi chỉ vào từng chữ từng chữ một và đọc, đổi thành để cho bé chỉ và tôi đọc. Bé chỉ đến đâu tôi đọc đến đó. Dần dần, Viên Viên đã hiểu được vai trò của chữ viết, liên hệ câu chuyện và chữ viết lại với nhau. Trong mắt bé chữ viết không hề trống rỗng, khô khan, chữ viết có nội dung, chữ viết chính là câu chuyện thú vị và sinh động.
Đồng thời, khi đưa Viên Viên đến những nơi công cộng, tôi thường xuyên không bỏ lỡ cơ hội chỉ cho bé xem một số chữ, ví dụ ra ga tôi đọc cho bé “Cấm hút thuốc”, nói với bé rằng ở đây người đông, không khí ngột ngạt, tấm biển này nói với mọi người rằng không được hút thuốc ở đây; khi dạo chơi ở vườn bách thú hai mẹ con cùng đọc biển chỉ đường, sau đó chúng tôi sẽ tìm được các con vật mà mình muốn xem; vào siêu thị, trước hết là xem sơ đồ, đi đến các tầng mà chúng tôi cần đến.
Thời gian trôi qua, Viên Viên đã rèn được thói quen, nhìn thấy chữ là đọc. Mỗi lần tôi đưa bé đi xe bus, bé đều chăm chú đọc tên các cửa hàng và biển quảng cáo ở hai bên đường, chữ nào không biết liền hỏi tôi, tôi cũng hào hứng cùng bé đọc những tấm biển đó, đọc đến tên cửa hàng nào thú vị, chúng tôi còn bàn luận một lúc.
Tôi không thống kê ở thời điểm nào Viên Viên biết được bao nhiêu chữ, theo những gì mà tôi nhớ, năm tuổi trở về trước, những chữ Viên Viên biết đều rời rạc, không biết tự mình đọc sách, toàn để tôi kể cho bé nghe. Sau năm tuổi, chỉ trong thời gian rất ngắn – có thể là do một nhân tố ngẫu nhiên nào đó tác thành, ví dụ như bé muốn mẹ kể chuyện, nhưng mẹ nói không có thời gian, con cứ tự xem trước đi, và thế là bé bắt đầu tự mình đọc sách. Sự tò mò đối với nội dung trong sách, khiến bé bất chấp sự bỡ ngỡ trước chữ viết, đọc một cách khái quát, trí tò mò đã được thoả mãn. Tôi kịp thời khen bé biết được nhiều chữ như vậy, biết tự mình đọc sách, sau đó đọc cho bé nghe những chữ bé không biết, câu chuyện này đã được bé hấp thụ – bé đã tìm được niềm vui lớn khi tự mình đọc sách, kể từ đó càng đọc càng ham, càng đọc càng nhiều, cũng càng biết được nhiều chữ. Sau khi Viên Viên lên lớp hai, khả năng đọc của cô bé đã tương đương với trình độ của học sinh cấp hai. Khi hầu hết các bạn trong lớp còn đang phải tập trung công sức vào việc học những chữ mới, Viên Viên đã bắt đầu đọc hết cuốn tiểu thuyết dài này đến cuốn tiểu thuyết dài khác. Đương nhiên cô bé cũng thường xuyên đọc sai chữ, đến nỗi chúng tôi trêu cô bé là “Đại vương đọc sai”. Tôi nhắc nhở con nếu gặp những chữ nào không biết phải hỏi bố mẹ, vì muốn đọc cho hết câu chuyện, những chữ nào không ảnh hưởng đến việc hiểu bé thường không hỏi chúng tôi, chúng tôi cũng không lưu tâm, để mặc bé đọc. Trên thực tế, đọc nhiều rồi, rất nhiều “chữ đọc sai” tự nhiên sẽ được giải quyết.
Đến khi tốt nghiệp cấp một, Viên Viên đã đọc xong toàn bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, mười bốn bộ tổng cộng ba, bốn mươi cuốn; một số sách dành cho thiếu nhi của Trịnh Uyên Khiết; ngoài ra còn đọc các tác phẩm nổi tiếng của nước ngoài như Jane Eyre(1), Cuộc phiêu lưu của Robinson Crusoe(1) và danh tác cổ điển của Trung Quốc Hồng lâu mộng, những cuốn sách văn học thiếu nhi và các loại báo, tạp chí thì không đếm xuể.
__________________
(1) Jane Eyre: Tiểu thuyết của nhà văn Charlotte Brontë, được xuất bản bởi Smith, Elder & Company of London vào năm 1847 dưới bút danh Currer Bell, là một trong những tiểu thuyết có ảnh hưởng sâu sắc và nổi tiếng nhất của nền văn học Anh (ND).
(1) Cuộc phiêu lưu của Robinson Crusoe: Tiểu thuyết của nhà văn Anh Daniel Defoe (ND).
Do Viên Viên đọc nhiều sách, khả năng lý giải tốt, chính vì thế các môn học đều rất tốt, học hành rất nhẹ nhàng, không vất vả. Học hết lớp hai, Viên Viên nhảy cóc lên lớp bốn, vẫn là một trong những học sinh có thành tích học tập tốt nhất trong lớp. Trong lớp cô bé ít tuổi nhất, nhưng sự chín chắn và trình độ nhận thức vấn đề của cô bé dường như phải lớn hơn vài tuổi so với tuổi thực.
Khi Viên Viên học lớp bốn, tôi đã mua cho con một cuốn Thông sử Trung Quốc dành cho trẻ em được viết bằng chữ phồn thể theo hàng dọc, dày khoảng một tấc (~ 3,3 cm). Chúng tôi thường tranh thủ thời gian cùng nhau đọc, vì Viên Viên không biết chữ phồn thể, lúc đầu là tôi chỉ và đọc từng chữ cho cô bé nghe. Đến khi đọc hết một nửa, về cơ bản chữ phồn thể không còn khó đối với Viên Viên nữa, nửa sau cô bé tự đọc. Hiện giờ cô bé đọc một số tài liệu bằng tiếng Trung của các nhà xuất bản ở Hồng Kông, Đài Loan hay nước ngoài đều cảm thấy rất tiện.
Trong Hội nghị đại biểu nhân dân toàn quốc tổ chức năm 2008, có một vị đại biểu kiến nghị rằng cần phải cho học sinh tiểu học học chữ phồn thể, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về kiến nghị này. Suy nghĩ của vị đại biểu này rất tốt, nhưng điều mà tôi e ngại là, nếu ý kiến này được quán triệt vào chương trình dạy học của nhà trường, để các em dùng phương pháp nhận biết mặt chữ theo quy định hiện hành để học chữ phồn thể thì thực sự học sinh tiểu học sẽ vô cùng mệt.
Hiện nay chương trình học của học sinh tiểu học rất nặng, ngoài việc do quá nhiều “lớp học thêm” gây ra, quan trọng hơn là do phương pháp dạy học không đúng đắn. Con đường học chữ mới của học sinh về cơ bản chỉ bó hẹp trong bài khoá, mỗi chữ mới phải viết mười lần, hai mươi lần, nhận biết và viết một cách biệt lập, điều này khiến trẻ phải lao động rất vất vả nhưng lại thu được kết quả không cao. Viết chữ giản thể đã khiến các em mệt mỏi, viết chữ phổn thể… nếu các em biết, chắc chắn sẽ phản đối chủ trương này. Không phải không nên học chữ phồn thể, mà quan trọng nhất là phải học như thế nào cho nhẹ nhàng.
Trong quá trình giáo dục Viên Viên, tôi cảm nhận được một cách sâu sắc rằng, gắn việc học chữ mới vào cuộc sống thường nhật, xây dựng trên nền tảng đọc nhiều sách là phương pháp giáo dục rất có hiệu quả. Không những trẻ học rất nhẹ nhàng mà người lớn cũng thấy nhẹ nhàng, một công đôi việc.
Mỗi khi tôi nhìn thấy có bậc phụ huynh dương dương tự đắc tuyên bố rằng con anh ta còn đang trong độ tuổi chưa đi học mà đã nhận được bao nhiêu mặt chữ hoặc bao nhiêu từ tiếng Anh, và phương pháp của anh ta là làm rất nhiều tấm thiệp hoặc dán giấy ghi từ vựng tiếng Anh ra khắp nhà, tôi luôn cảm thấy lo ngại rằng, như thế có được không?
Hiện tại còn có rất nhiều “trường học dạy sớm”, cái gọi là cách “dạy sớm” của họ là để cho trẻ nhận biết một số chữ, chữ cái hoặc từ vựng. Quá trình học có thể được thực hiện dưới một số hình thức, hoặc là đóng vai “chữ cái”, hoặc là cùng đọc đồng thanh một âm tiết nào đó, thực chất cũng là cách học chữ học từ một cách biệt lập. Tôi nghi ngờ, chương trình học như thế có ý nghĩa với trẻ hay không?
Cống hiến quan trọng nhất của nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ D.P.Ausubel trong lĩnh vực tâm lý học giáo dục là đề ra “học tập một cách có ý nghĩa”, đây là khái niệm đối lập với khái niệm “học tập một cách máy móc”. Nhận định quan trọng của ông là: Học tập một cách có ý nghĩa mới có giá trị. Theo lý luận của ông, các âm tiết vô nghĩa và phối hợp với tính từ chỉ là cách học máy móc, vì những tài liệu này không thể thiết lập được mối quan hệ mang tính thực chất với bất kỳ quan niệm nào trong kết cấu nhận thức của con người, cách học này hoàn toàn là học một cách máy móc. Do đó đây là phương pháp học tập hiệu quả thấp(1).
Mấy hôm trước tôi đọc được một bài viết trên báo, nói có một em bé bốn tuổi đã nhận biết được hai nghìn chữ Hán. Hóa ra là do ông nội của em bé dán chữ đầy nhà, hàng ngày bảo cháu học. Người học ngoại ngữ đều biết, nếu học từ vựng một cách biệt lập thì sẽ quên rất nhanh, nhưng nếu đưa từ vựng vào trong ngữ cảnh để học, hiệu quả sẽ rất cao. Chính vì thế nếu trẻ nhận biết được rất nhiều chữ, nhưng lại không chuyên tâm đọc một cuốn sách nào thì đó là chuyện rất không nên. Nếu tách việc học chữ và đọc sách ra, có thể sẽ nhanh chóng phá vỡ niềm hứng thú và sự tự tin khi học chữ của trẻ.
Nếu trong học tập lại có thêm tính huênh hoang là điều tồi tệ nhất, e rằng chỉ là tạo một chùm bong bóng xà phòng đẹp mà thôi.
Jean-Jacques Rousseau nói: “Mọi người đang vắt óc để tìm ra phương pháp dạy đọc sách, viết chữ tốt nhất, có người đã phát minh ra các tấm thiệp ghép chữ, phiên âm và thiệp chữ, có người biến phòng của con cái mình thành xưởng in. Thật là đáng thương!”(2).
Phương pháp hài hòa hợp lý bao giờ cũng đẹp và hiệu quả; phương pháp tồi biến những chuyện vốn dĩ đơn giản trở nên phức tạp, không hiệu quả; trong quá trình giáo dục trẻ em, cần đặc biệt chú ý tìm phương pháp tốt, đừng nên dạy trẻ bằng phương pháp tồi.
____________________
(1) Trần Kỳ, Lưu Nho Đức chủ biên, Tâm lý học giáo dục đương đại, NXB Sư phạm Bắc Kinh, tháng 4-1997, tr.86.
(2) Jean-Jacques Rousseau, Emile, Lý Bình Âu dịch, NXB Giáo dục Nhân dân, tái bản lần thứ nhấn tháng 5-2001, tr.134 (Bản dịch tiếng Việt Jean-Jacques Rousseau, Emile hay là về giáo dục, Lê Hồng Sâm, Trần Quốc Dương dịch, Bùi Văn Nam Sơn giới thiệu, NXB Tri thức, xuất bản tháng 7-2008, 692 trang).
Lưu ý đặc biệt
Ngay từ lần đầu tiên tôi cầm một cuốn sách lên kể chuyện cho Viên Viên, tôi không “kể” mà là “đọc”. Vừa không chuyển hóa nội dung câu chuyện thành văn nói hoặc “ngôn ngữ thiếu nhi”, đọc hoàn toàn như trong sách, từng chữ từng chữ một.
Dần dần, từ chỗ để tôi chỉ vào từng chữ từng chữ một và đọc, đổi thành để cho bé chỉ và tôi đọc. Bé chỉ đến đâu tôi đọc đến đó. Dần dần, Viên Viên đã hiểu được vai trò của chữ viết, liên hệ câu chuyện và chữ viết lại với nhau.
Khi chúng tôi đưa Viên Viên đến những nơi công cộng, tôi thường xuyên không bỏ lỡ cơ hội chỉ cho bé xem một số chữ, ví dụ ra ga tôi đọc cho bé “cấm hút thuốc”, nói với bé rằng ở đây người đông, không khí ngột ngạt, tấm biển này nói với mọi người rằng không được hút thuốc ở đây.
Đọc nhiều rồi, rất nhiều “chữ đọc sai” tự nhiên được giải quyết.
Gắn việc học chữ mới vào cuộc sống thường nhật, xây dựng trên nền tảng đọc nhiều sách, là phương pháp giáo dục rất có hiệu quả. Không những trẻ học rất nhẹ nhàng, mà người lớn cũng thấy nhẹ nhàng, một công đôi việc.
Nếu trẻ nhận biết được rất nhiều chữ, nhưng lại không chuyên tâm đọc một cuốn sách nào thì đó là chuyện rất không nên. Nếu tách việc học chữ và đọc sách ra, có thể sẽ nhanh chóng phá vỡ niềm hứng thú và sự tự tin khi học chữ của trẻ.