Một số thông tin về hệ thống giáo dục của Trung Quốc
1. Các thông tin chung
Trung Quốc thực hiện chế độ giáo dục gồm bốn giai đoạn: Giáo dục trước tuổi đi học, giáo dục sơ cấp, giáo dục trung cấp và giáo dục cao cấp.
Giáo dục trước tuổi đi học hay còn gọi là giáo dục mầm non dành cho trẻ em từ ba đến sáu tuổi.
Giáo dục sơ cấp hay còn gọi là giáo dục tiểu học (cấp một) dành cho trẻ em từ sáu đến mười hai tuổi.
Giáo dục trung cấp lấy nền tảng là giáo dục sơ cấp, gồm có hai bộ phận: giáo dục trung cấp phổ thông và giáo dục trung cấp chuyên nghiệp. Trong đó giáo dục trung cấp phổ thông là bộ phận chủ yếu. Giáo dục trung cấp phổ thông hay còn gọi là giáo dục trung học chia làm hai giai đoạn là sơ trung và cao trung (tương đương với trung học cơ sở và trung học phổ thông của Việt Nam). Giáo dục trung cấp chuyên nghiệp nhận học sinh tốt nghiệp sơ trung vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, thời gian học là ba năm (hai năm học và một năm thực tập). Hiện nay các trường trung cấp chuyên nghiệp thông thường bao gồm trường kĩ thuật, trường sư phạm và các trường về nghệ thuật, y dược, thể dục, tài vụ.
Giáo dục cao cấp hay còn gọi là giáo dục cao đẳng, đại học và sau đại học là giáo dục chuyên nghiệp dựa trên nền tảng giáo dục trung cấp, gồm hai bộ phận: Giáo dục cao cấp chính quy và giáo dục cao cấp theo chế độ tại chức. Giáo dục cao cấp chính quy tuyển sinh học sinh tốt nghiệp cao trung với phương thức học tập toàn thời gian. Giáo dục cao cấp theo chế độ tại chức dành cho những người đã đi làm theo ba hình thức sau: tạm nghỉ việc đi học, vừa làm vừa học và học hàm thụ.
2. Giáo dục trước tuổi đi học
Giáo dục trước tuổi đi học hay còn gọi là giáo dục mẫu giáo là nền tảng vô cùng quan trọng cho cả quá trình giáo dục sau này. Theo quy định trong Luật giáo dục của Trung Quốc, trẻ em tròn ba tuổi trở lên mới được đi học mẫu giáo. Trường mẫu giáo có ba khối lớp: nhỏ, nhỡ và lớn. Lớp nhỏ dành cho các em từ ba đến bốn tuổi, lớp nhỡ là các em bốn đến năm tuổi, lớp lớn là các em từ năm đến sáu tuổi.
3. Giáo dục phổ thông
Giáo dục phổ thông của Trung Quốc được chia làm hai giai đoạn: tiểu học và trung học. Giai đoạn tiểu học gồm sáu lớp từ 1 đến 6, trẻ em tròn sáu tuổi (tính đến ngày 1/9 năm đó) mới được vào học lớp 1.
Giai đoạn trung học gồm hai cấp học: sơ trung và cao trung tương đương với trung học cơ sở (cấp hai) và trung học phổ thông (cấp ba) ở Việt Nam, sơ trung có ba lớp 7, 8, 9, cao trung có ba lớp 10, 11, 12. Khi học hết lớp 10, học sinh Trung Quốc thường chia lớp theo khối tự nhiên và khối xã hội để chuẩn bị cho kì thi đại học sau đó.
Theo Luật giáo dục (năm 2006) của Trung Quốc, giáo dục tiểu học và giáo dục sơ trung là các cấp học phổ cập. Mọi công dân trong độ tuổi đi học có nghĩa vụ học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập.
4. Giáo dục đại học chính quy
Các trường đại học chính quy ở Trung Quốc được chia làm hai bộ phận: trường đại học tổng hợp và trường cao đẳng. Một trường đại học tổng hợp có rất nhiều học viện, mỗi học viện có một lĩnh vực chuyên ngành khác nhau, thời gian học là bốn đến năm năm. Còn trường cao đẳng là từ hai đến ba năm, sinh viên sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng có thể thi chuyển tiếp lên trường đại học tổng hợp, vào các học viện có chuyên ngành đã học ở cao đẳng.
Kì thi đầu vào đại học chính quy của Trung Quốc diễn ra vào đầu tháng sáu hàng năm (bắt đầu từ năm 2011). Cũng giống như ở Việt Nam, đây là kì thi chung đề thống nhất toàn quốc.
Các môn thi đại học bao gồm: ba môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán, tiếng Anh và một môn thi tổng hợp. Khối tự nhiên thi tổng hợp ba môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, khối xã hội thi tổng hợp ba môn Chính trị, Địa lí, Lịch sử.
Cách tính điểm như sau: ba môn bắt buộc điểm tối đa mỗi môn là 150 điểm, môn tổng hợp tổng điểm là 300. Như vậy điểm thi đại học tối đa của một thí sinh là 750 điểm. Thông thường, các trường đại học hàng đầu Trung Quốc như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa có điểm đầu vào ở khoảng trên dưới 600 điểm tùy theo từng khoa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.