100 Bí Quyết Để Có Được Mọi Điều Bạn Muốn

Đặt giả thuyết



Một cách biến tấu để cho họ biết điều bạn muốn là diễn đạt nó như một giả thuyết. Cách này không mang lại nhiều (hoặc ít) khả năng thành công hơn. Mấu chốt ở chỗ nó là cách đề nghị thẳng thắn và trung thực, dễ dàng hơn là lời đề nghị thật sự. Câu nói nghe sẽ không quá ép buộc nữa – vì nó không đòi hỏi người đối diện phải đưa ra câu trả lời có hoặc không – vì vậy nếu bạn không phải là kiểu người quả quyết thì cách này có lẽ sẽ phù hợp với bạn. Dưới đây là một số ví dụ:

• “Nếu bạn có ý định bán miếng đất đó thì tôi sẽ rất hứng thú.”

• “Nếu có một vị trí mới ở phòng quan hệ công chúng thì tôi mong sẽ có cơ hội đăng ký vào chức vụ đó.”

• “Nếu sau này cần thêm một thành viên ban quản trị thì tôi rất mong muốn được tham gia.”

Nếu thấy dũng cảm hơn, bạn có thể xoay ngược lại mà đề nghị một câu trả lời cho giả thuyết:

• “Nếu tôi tìm được một lớp tại chức để học thêm môn ngoại ngữ mới thì liệu bạn có thể trông con giúp tôi mỗi tuần một tối không?”

• “Nếu chúng con tìm được một căn nhà hoàn hảo nhưng lại hơi quá khả năng chi trả thì liệu bố mẹ có thể giúp chúng con bù vào phần thiếu không?”

• “Nếu Sarah được thuyên chuyển sang chi nhánh Manchester thì liệu tôi có thể được cân nhắc để thay thế cô ấy không?”

Phiên bản này đòi hỏi một câu trả lời, nhưng bạn đang đoán ý người kia thay vì đề nghị trực tiếp. Hơn nữa, nó có thể mang lại cho bạn rất nhiều thông tin hữu ích để đi đến chỗ đạt được mục tiêu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.