100 Bí Quyết Để Có Được Mọi Điều Bạn Muốn

Đừng lặp lại



Vậy là bạn đã đi đến cuộc gặp quan trọng. Bạn đang ngồi đối diện với sếp – hoặc bất kỳ ai khác – và đang đề nghị điều bạn muốn. Bạn đang trình bày trường hợp của mình, đưa ra ba ý chính và cho sếp thấy vì sao ông nên đồng ý.

Khi đã hoàn thành bài diễn văn của mình, bạn ngừng lại. Họ đang suy nghĩ. Họ không phản ứng ngay lập tức. Vì vậy bạn tranh thủ lúc đó để bổ sung thêm một ý, rồi hai ý, ba ý nữa… Dừng lại! Tua lại! Bạn đã nói tất cả những gì cần nói, hãy dừng lại ở đó. Chờ cho họ trả lời. Nhiệm vụ là của họ, vì vậy nếu họ không thấy mất tự nhiên thì bạn cũng không cần phải cảm thấy như vậy.

Vấn đề là ở chỗ nếu bạn nói tiếp thì bạn sẽ cắt đứt mạch suy nghĩ của họ khi họ đang xem xét có nên nhận lời bạn hay không. Như vậy đã tệ lắm rồi, nhưng bạn còn có thể phá hỏng mọi chuyện hơn nữa. Ngoài việc khiến họ khó chịu (mà hãy nhớ rằng ta muốn họ ở trong một tâm trạng tốt), bạn còn có thể khiến họ lúng túng trước các thông tin bổ sung. Bạn đã dành rất nhiều thời gian để đảm bảo rằng mình trình bày rõ ràng và cô đọng, vì vậy đừng mạo hiểm khiến bài nói của mình thành ra rối rắm và dài dòng.

Thậm chí bạn còn có thể vô ý sa lầy: “…làm vậy cũng không ảnh hưởng đến hợp đồng TMK.” À, hợp đồng TMK. Sếp đã quên mất nó. Giờ bạn nhắc đến nó, bỗng nhiên họ lại không chắc là có ảnh hưởng hay không. Có lẽ đây không phải là ý tưởng hay…. Bạn thấy không? Nếu bạn không nói gì thì sẽ không tự đẩy mình xuống vực.

Vậy là đủ rồi. Tôi sẽ không nói tiếp nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.