100 Bí Quyết Để Có Được Mọi Điều Bạn Muốn

Sẵn sàng phản đối



Đôi khi bạn phải lên tiếng khi thấy người khác sai. Mục đích của việc này là để được tôn trọng. (Mọi người thường đồng tình với những người mà họ tôn trọng – bạn cũng vậy đúng không?) Nếu bạn có thể tranh luận rõ ràng về một vấn đề mà không hề có ác ý thì về sau mọi người sẽ muốn dành thời gian cho bạn và lắng nghe ý kiến của bạn vì bạn đã thể hiện rõ ràng quan điểm của mình thay vì lặp lại những gì bạn nghĩ họ muốn nghe.

Mục đích thứ hai là để đứng về lẽ phải. Có những khi bạn tin rằng một người đang tranh luận về một hành động mà bạn cho là không chấp nhận được về mặt đạo đức, khi đó bạn phải nói lên ý kiến của mình. Giả sử ở văn phòng vừa xảy ra một vụ ăn cắp vặt và mọi người đều nghi Ella là thủ phạm. Nhưng bạn lại thấy rằng những chứng cứ họ đưa ra đều là suy diễn, rằng họ đang đối xử không phải với Ella. Vậy thì bạn không thể im lặng mà phải lên tiếng phản đối.

Bất kỳ ai biết điều cũng sẽ chịu lắng nghe lời phản đối, miễn là nó được diễn đạt đúng cách. Tôi biết là luôn có những người không biết điều, nhưng ít nhất bạn cũng có thể chắc chắn là mình đã làm hết sức có thể, rồi những ai chịu lắng nghe sẽ nghĩ tốt hơn về bạn. Mấu chốt để phản đối đúng cách là phản đối điều người ta nói chứ không phản đối chính người nói. Tôi biết điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng nó sẽ mang lại một khác biệt lớn trong cách phản ứng của người đối diện.

Bạn muốn tránh chỉ trích thẳng thắn, vì vậy hãy đừng nói những câu như “Không!” hoặc “Bạn nhầm rồi” hoặc “Lần này thì bạn sai rồi.” Hãy tập trung bình luận vào những gì người kia nói rồi diễn đạt nó như một ý kiến của bạn, dù ý kiến ấy có kiên quyết đến đâu: “Tôi không nghĩ đó là hướng đi đúng” hoặc “Tôi khá chắc chắn rằng chúng ta sẽ đi lệch hướng nếu làm như vậy.” Bạn thấy đấy, bạn đang tập trung vào lý lẽ của họ chứ không phải bản thân họ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.