I. Giờ này có ai biết đến từ ngữ comprasicôx, và có ai biết được nghĩa của từ ngữ đó?
Bọn Comprasicôx hay Comprapêcơnôx, là một thứ hội kín, nay đây mai đó, ghê tởm và lạ lùng, nổi tiếng ở thế kỷ mười bảy, bị quên lãng ở thế kỷ mười tám, và ngày nay không được ai biết đến. Bọn Comprasicôx, cũng như “thuốc độc”, là một chi tiết cũ xưa đặc biệt của xã hội. Chúng góp phần làm nên mặt xấu xa ngày xưa của con người. Trước con mắt vĩ đại của lịch sử, quen nhìn khái quát, bọn Comprasicôx liên quan đến sự kiện to lớn là chế độ nô lệ. Giôdep bị anh em bán là một chương trong câu chuyện truyền tụng về chúng. Bọn Comprasicôx còn để lại dấu vết trong những pháp chế hình sự của nước Anh và nước Tây Ban Nha. Đây đó, trong cái đống luật pháp tối tăm rối mù của nước Anh, còn thấy được áp lực của sự kiện quái gở này, như khi người ta tìm thấy dấu chân một con người man rợ trong một khu rừng.
Comprasicôx, cũng như Comprapêcơnôx, là một từ kép của Tây Ban Nha, có nghĩa là “bọn mua trẻ con”.
Bọn Comprasicôx làm nghề buôn trẻ con.
Chúng mua trẻ con và bán trẻ con.
Chúng không bao giờ bắt cóc trẻ con cả, ăn trộm trẻ con thuộc một nghề khác.
Và với lũ trẻ con đó, chúng làm gì?
Làm thành quái vật.
Tại sao lại làm thành quái vật?
Để cười. Dân chúng cần phải cười; vua chúa cũng cần được cười. Đầu đường xó chợ cần có người làm trò; cung điện Luvrơ[19] cần có thằng hề. Thằng thì tên là Tuyêcluy- panh, thằng thì tên là Tơribulê.
Những cố gắng của con người để tạo ra niềm vui đôi khi đáng để cho triết gia lưu ý.
Trong mấy trang mở đầu này, chúng tôi phác hoạ gì đây? Một chương của cuốn sách hãi hùng nhất, cuốn sách mà người ta có thể đặt là: Sự bóc lột những người bất hạnh bởi bọn sung sướng.
II. Từ xưa, ý đồ biến trẻ con thành một thứ đồ chơi của người lớn đã từng có (và điều đó ngày nay cũng vẫn còn). Vào những thời kỳ thơ ngây và độc ác, điều đó làm nảy sinh ra một nghề đặc biệt. Thế kỷ mười bảy, thế kỷ vĩ đại là một trong những thời kỳ ấy. Một thế kỷ rất giống thời kỳ Byzănggrơ xa xưa; vừa thơ ngây đồi bại vừa độc ác tinh vi, một di sản kỳ lạ của văn minh. Một con hổ làm bộ khó tính. Bà Đơ Xêvinhê[20] õng ẹo trước dàn thiêu và xa hình[21]. Thế kỷ này bóc lột trẻ con rất thậm tệ; các nhà viết sử, nịnh thần của thế kỷ đó, đã che dấu vết thương, nhưng họ đã cho thấy phương thuốc, Vanhxăng đơ Pôn[22].
Muốn cho thứ người-đồ-chơi đạt hiệu quả, phải nắm được con người thật sớm. Thằng lùn phải bắt đầu từ khi còn bé. Người ta lấy tuổi thơ ra làm trò chơi. Nhưng một đứa trẻ thẳng thớm thì không thú lắm. Một thằng gù, nhộn hơn.
Từ đó nảy sinh ra một nghệ thuật. Sẵn có những tay chăn nuôi. Người ta bắt một con người, làm thành một cái mõm. Người ta ép sự phát triển; người ta nhào nặn diện mạo. Phương pháp sản xuất nhân tạo làm ra những kiểu biến thái này có quy tắc của nó. Đây là cả một khoa học. Thử tưởng tượng một khoa chỉnh hình ngược hướng mà xem. Nơi mà Chúa cho nhìn thẳng, nghệ thuật đó làm thành lác mắt. Nơi được Chúa sắp xếp hài hòa, người ta lại cho dị dạng. Nơi Chúa đã hoàn thiện, người ta lại không khôi phục phác thảo. Và trước con mắt những kẻ sành sỏi, chính phác thảo mới thật hoàn hảo. Đối với súc vật cũng có những chuyện bổ khuyết; người ta sáng tạo ra những con ngựa lang; Tuyren đã từng cưỡi một con ngựa lang. Ngày nay người ta chẳng sơn lam sơn lục những con chó đó sao? Thiên nhiên là bản phác hoạ của chúng ta. Con người luôn luôn thích thêm một chút gì đó vào Chúa. Con người thường sửa sang lại công trình tạo hóa, đôi khi có tốt hơn, đôi khi lại xấu di. Thằng hề trong triều đình chẳng phải gì khác là một trò thử kéo con người trở lại con khỉ.
Tản bộ đằng sau. Kiệt tác giật lùi. Đồng thời người ta cố biến khỉ thành người. Bacbê, nữ công tước Clêvơlan và nữ bá tước Xaohamtơn, có một tên thị đồng là một con khỉ con Nam Mỹ. Tại tư thất Frăngxoađơ Xutơn nữ nam tước Đulây, nữ nguyên lão thứ tám trên hàng ghế nam tước, tên bưng trà mời khách là một giống vượn Phi Châu mặc áo gấm thêu kim tuyến mà Đulây phu nhân gọi là “tên mọi đen của tôi”. Catêrin Xitli, nữ bá tước Đorsextơ, đi họp nghị viện trong một chiếc xe song mã có chạm gia huy, sau xe có ba con khỉ Phi Châu mặc đại chế phục đứng nghếch mõm lên trời. Một nữ công tước Mêđina-Xêli, mà hồng y giáo chủ Pôluyx được trông thấy khi ngủ dậy, sai một con đười ươi lồng bít tất vào chân cho mình. Những chú khỉ được phong cấp ấy dùng làm đối trọng với những con người bị ngược đãi và bị biến thành súc vật. Cái trò đảo lộn giữa người và vật này do các ông to bà lớn muốn, rất rõ nét ở thằng lùn và con chó. Thằng lùn không bao giờ rời con chó, con chó luôn luôn lớn hơn hắn ta. Con chó cùng thuộc một bộ với thằng lùn. Cứ như hai cái cổ dề liền nhau. Sự chồng đặt này ta thường thấy trong rất nhiều vật kỷ niệm gia đình, nhất là bức chân dung Jetrê Hâtxân, thằng lùn của Hăngriet nước Pháp, con gái Hăngri đệ Tứ, vợ của Saclơ đệ Nhất.
Từ chỗ hạ thấp con người dẫn đến chỗ làm biến dạng con người. Người ta bổ sung việc cắt bỏ hình thái bằng cách thay đổi bộ mặt. Một số nhà giải phẫu sống thời ấy đã đạt dược kết quả mĩ mãn trong việc xoá bỏ hình tượng Chúa trên mặt con người. Bác sĩ Conquext, thành viên của đoàn thể Amen-Xtrit, và thanh tra tuyên thệ các cửa hàng hoá chất Luânđôn, có viết một cuốn sách bằng tiếng La-tinh về khoa giải phẫu trái ngược này, và ông còn hướng dẫn cả phương pháp nữa.
Theo lời Juytuyt đơ Caric Fecgux, người phát minh ra khoa phẫu thuật này là một tu sĩ tên là Evơnmo, từ ngữ xứ Iêc-lăng có nghĩa là Sông Lớn.
Thằng lùn của tuyến hầu, Peckêô, người có con búp bê hay con ma-từ một cái hộp giật mình[23] trong hầm rượu Haiđenbec nhô ra, là một kiểu mẫu đặc sắc của khoa học đó, vốn rất đa dạng trong các hình thức áp dụng.
Việc này tạo thành những con người mà quy luật tồn tại giản đơn một cách quái gở: được phép sống đau khổ, được lệnh làm trò giải trí.
III. Việc chế tạo ra những quái vật này được thực hành trên một qui mô rộng lớn và chia ra nhiều loại khác nhau.
Có thứ quái vật cần cho quốc vương; có thứ quái vật cần cho giáo hoàng. Bên này để canh gác vợ, bên kia để cầu nguyện Chúa. Đây là một loại riêng biệt không thể truyền giống được. Những kẻ gần như người này được việc cho khoái lạc và cho tôn giáo. Hậu cung cũng như nhà nguyện Xicxtin[24] đều tiêu thụ cùng một giống quái vật ở đây dữ tợn, ở kia dịu dàng.
Thời ấy người ta biết sản xuất ra những thứ mà ngày nay không sản xuất nữa, họ có những tài năng mà ta thiếu hẳn, và không phải không có lý khi những bậc hiền minh kêu gào về sự suy đồi. Ngày nay người ta không biết tạc thẳng vào da thịt con người; nguyên do vì nghệ thuật cực hình không còn; về khoa này xưa kia con người vốn là bậc kỳ tài, ngày nay không được thế nữa. Người ta đã đơn giản hoá nghệ thuật này đến mức sắp tới đây có lẽ nó sẽ mất hẳn. Khi cắt tay chân của người sống, khi mổ bụng họ, khi moi ruột ra, người ta trực tiếp nắm được hiện tượng, và có những phát hiện; vì phải từ bỏ những việc đó nên chúng ta mất hết những bước tiến mà đao phủ giúp cho khoa giải phẫu.
Khoa giải phẫu sinh thể này của người xưa không tự hạn chế trong việc hiến cho quảng trường những mẫu người hiếm có, cho cung đình những thằng hề, vốn là những thứ phụ gia của bọn nịnh thần, cho các quốc vương và các giáo hoàng những tên quan hoạn. Nó có rất nhiều biến thể. Một trong những kỳ tích này là làm được một con gà trống cho vua nước Anh.
Ngày xưa, trong cung vua nước Anh theo tục lệ phải có một thứ người-đêm, gáy hệt như gà. Anh tuần canh này, đứng khi mọi người ngủ, cứ phải lò dò trong cung điện, và từng giờ từng giờ lại cất tiếng gáy như gà, cần bao nhiêu lần thì gáy đi gáy lại bấy nhiêu lượt, thay cho chuông. Con người này, được phong chức gà trống, nhờ thuở nhỏ đã qua một ca mổ họng, nằm trong nghệ thuật được bác sĩ Conquex miêu tả. Dưới triều Saclơ đệ Nhị, vì hậu quả mổ họng luôn luôn sinh ra dãi dớt khiến cho nữ công tước Porxmơt ghê tởm, người ta vẫn bảo tồn chức trách để khỏi làm giảm sút uy – quang của mũ miện, nhưng người ta bắt một người không bị cắt mổ gáy thay cho gà. Thông thường người ta chọn một cựu sĩ quan để giữ cái chức vụ danh giá này. Dưới triều vua Giắc đệ Nhị, viên công chức này tên là Uynliam Xanh xơn Gà-trống, và hàng năm với tiếng gáy của mình, y nhận được chín livrơ hai si linh sáu xu[25].
Hồi ký của Catêrin đệ Nhị kể lại, cách đây gần một trăm năm, ở Pêtecxbua[26], khi sa hoàng hoặc sa hậu không vừa ý một vương hầu Nga nào, liền bắt vị vương hầu đó ngồi xổm trong đại tiền sảnh của cung điện, và cứ ngồi ở tư thế đó một số ngày nhất định, theo lệnh phải meo meo như mèo, hoặc túc túc như gà mái và mổ thức ăn dưới đất.
Những kiểu cách đó đã qua rồi; tuy nhiên vẫn ít hơn người ta tưởng. Ngày nay bọn nịnh thần vẫn túc túc để làm đẹp lòng bề trên, có thay âm đổi giọng đôi chút. Không ít kẻ nhặt những thứ mình ăn ở đất, chúng tôi không nói ở trong bùn.
Rất may mắn là vua chúa không thể nhầm lẫn. Nhờ vậy những mâu thuẫn của các ngài không bao giờ khiến phải bối rối. Cứ tán thành mãi, người ta yên trí là lúc nào mình cũng đúng cả, điều đó dễ chịu thật. Luy XIV không thể nào ưa một vương hầu làm gà tây. Hình như Luy Đại Đế thấy việc tôn cao phẩm giá nhà vua và hoàng hậu ở nước Anh và nước Nga không hợp với vòng vương miện của Thánh Luy[27]. Người ta được biết nhà vua rất bất bình khi Lệnh bà Hăngriet một đêm nọ, quên mất tư thế của mình, đến nỗi nằm mê thấy một con gà mái, quả thật là một chuyện không hợp với tư cách một con người trong lầu son gác tía. Đã là cành vàng lá ngọc thì không được nằm mê thấy điều thấp hèn chứ.
Bôtxuyê[28], người ta còn nhớ, cũng chia sẻ sự phẫn nộ của Luy XIV.
IV. Như vậy là việc buôn bán trẻ con ở thế kỷ thứ mười bảy được bổ sung bằng một nghề nữa, chúng tôi vừa giải thích xong. Bọn comprasicôx mua bán thứ hàng đó và thực hành cái nghề này. Chúng mua trẻ con, gia công một tý vào thứ nguyên vật liệu đó và sau đem bán lại.
Người bán thuộc đủ mọi tầng lớp, từ ông bố nghèo đói muốn trút bỏ gia đình mình, cho đến tên chủ lợi dụng chuồng ngựa người nô lệ của hắn. Bán người là một chuyện đơn giản. Ngày nay người ta còn đánh nhau để duy trì cái quyền đó. Ta còn nhớ, cách đây non một thế kỷ, cử tri Đơ Hetxơ bán gia nhân của y cho vua nước Anh, lúc ấy nhà vua đang cần người đi bắn giết ở bên Mỹ.
Người ta đến nhà cử tri Đơ Hetxơ như đến cửa hàng mua thịt. Cử tri Đơ Hetxơ có thịt để nạp đại bác. Tay hoàng thân này treo gia nhân trong cửa hiệu của y. Xin cứ mặc cả, hàng bày bán đấy. Dưới thời Jêfrê, sau câu chuyện bi đát Monmaothơ có rất nhiều lãnh chúa và nhà quyền quý bị mất đầu và phanh thây; những kẻ bị cực hình này để lại vợ và con gái, góa bụa, côi cút, lớp này được Giắc đệ Nhị đem cho hoàng hậu vợ của nhà vua. Hoàng hậu bán các phu nhân này cho Ghiôm Pen. Hẳn là nhà vua được món hoa hồng và bao nhiêu phần trăm đấy. Điều dáng ngạc nhiên là không phải Giắc đệ Nhị bán những phụ nữ đó đâu, mà tại Ghiôm Pen mua họ.
Việc mua bán của Pen có thể tha thứ, hoặc giải thích được vì Pen có một bãi sa mạc phải gieo giống người nên cần có đàn bà. Đàn bà chỉ là công cụ của hắn.
Các phu nhân này thành món hàng béo bở của lệnh bà Hoàng hậu. Ai trẻ đẹp bán được giá cao. Người ta khó chịu như bị một cảm giác nhục nhã phức tạp, khi nghĩ rằng Pen hẳn vớ được một số nữ công tước già với giá rất rẻ.
Bọn Comprasicox cũng được gọi là bọn Sâylax, từ ngữ Ấn-độ có nghĩa là kẻ lùng tìm trẻ con.
Trong thời gian rất lâu, bọn Comprasicôx chỉ trốn tránh lấy lệ. Trong trật tự xã hội đôi khi có một chỗ tranh tối tranh sáng dung túng cho những ngành nghề đốn mạt, nhờ thế mà chúng vẫn còn tồn tại. Ta đã thấy ngày nay ở Tây Ban Nha có một hội kín kiểu đó, do tay buôn xì-gà Ramông Xenles điều khiển, sống dai dẳng từ năm 1834 đến năm 1806, và suốt ba mươi năm kìm kẹp ba tỉnh Vălăng, Alicăng và Muyêcxi trong tình trạng kinh hoàng.
Dưới triều đại các vua Xtiua, bọn Comprasicôx không hề bị thất sủng. Lúc cần, lợi ích quốc gia vẫn sử dụng bàn tay chúng. Đối với Giắc đệ Nhị, chúng hầu như là một instrumentum regni[29]. Đấy là thời kỳ người ta diệt bớt những gia đình phức tạp và chống đối, cắt đứt những quan hệ cha con, gạt bỏ đột ngột những người thừa tự. Đôi khi người ta tước đoạt chi họ này để làm lợi cho cái họ khác. Bọn comprasicôx có một cái tài làm thay đổi diện mạo; tài này tiến dần chúng với giới chính trị. Thay đổi diện mạo hay hơn là giết chết. Tất nhiên đã có thứ mặt nạ sắt, nhưng phương pháp ấy thô bỉ quá. Không thể để cho châu Âu có những bộ mặt sắt, trong khi bọn múa rối dị dạng đi đầy đường phố, chẳng có vẻ gì là vô lý cả; với lại một mặt nạ sắt còn có thể giật bỏ được, chứ bộ mặt thịt thì không. Mãi mãi tự che mặt bằng chính bộ mặt của anh, còn gì tài tình hơn. Bọn comprasicôx nhào nặn con người như người Trung Quốc uốn tỉa cây cảnh. Chúng có bí truyền của chúng, điều đó chúng tôi đã nói rồi. Chúng có nhiều thủ thuật. Một thứ nghệ thuật đã mai một. Từ bàn tay chúng thoát ra một vật còi cọc kỳ quái. Thật buồn cười và sâu sắc. Chúng biến đổi một em bé, tài tình đến nỗi bố cũng không nhận ra được con. Và có gì đánh lừa được cả mắt người bố, như Raxin[30] nói với một lỗi tiếng Pháp. Đôi khi chúng vẫn để thẳng nguyên cột sống, nhưng chúng làm lại bộ mặt. Chúng đánh dấu một em bé như ta đánh dấu một chiếc khăn tay.
Những sản phẩm dành cho bọn múa rối có những khớp xương quặt quẹo rất thần tình. Cứ tưởng như chúng bị rút mất xương. Thành những tài tử uốn dẻo.
Không những bọn comprasicôx lấy mất bộ mặt đứa trẻ, mà còn lấy cả trí nhớ của nó. Ít ra chúng đã lấy mất cái chúng có thể lấy được. Đứa bé không hề ý thức được việc cắt xẻo nó đã chịu đựng. Trò giải phẫu rùng rợn đó in dấu vết trên mặt, không in dấu trong tâm trí. Giỏi lắm, nó chỉ có thể nhớ là một hôm nó bị người ta tóm được rồi ngủ thiếp đi, sau đó đã chữa được khỏi. Chữa khỏi cái gì?
Nó đâu có rõ. Những chuyện nung đất bằng diêm sinh, cắt xẻ bằng dao kéo, nó chẳng nhớ gì hết. Bọn compra- sicôx, trong thời gian mổ, làm cho em bé bị mổ xẻ ngủ thiếp đi bằng một thứ bột gây mê có tiếng là bột thần làm mất đau đớn. Thứ bột đó ở Trung Quốc thời nào cũng có và đến nay vẫn còn được dùng. Trước chúng ta, ngành in, khoa phóng pháo, ngành chế tạo khí cầu, thuốc mê. Có điều, sáng kiến ở Châu âu lập tức có sức sống, sức phát triển, và trở thành phi thường kỳ diệu, thì ở Trung Quốc vẫn là bào thai, vẫn còn tồn tại trong trạng thái chết.
Trung Quốc là một cái bình ngâm phôi nhi.
Nhân nói về Trung Quốc, chúng ta hãy nán lại ở đây một lúc nữa vì một chi tiết. Ở Trung Quốc, thời nào người ta cũng nghiên cứu về nghệ thuật và ngành nghề sau đây:
đó là nghệ nhào nặn người sống. Người ta bắt một em bé hai ba tuổi, bỏ em vào một cái lọ sứ ít nhiều kỳ quặc, không nắp, không đáy, để cho đầu và chân có chỗ thò ra.
Ban ngày người ta để lọ đứng, ban đêm người ta để lọ nằm cho em bé được ngủ. Cứ như thế em bé to dần mà không lớn, dùng khối thịt bị dồn ép và mớ xương quặt quẹo của mình lấp đầy những chỗ lồi lõm của cái lọ. Sự phát triển trong chai này kéo dài nhiều năm. Đến một lúc nào đấy, không sao cứu vãn nổi. Khi xét thấy đã ăn khuôn và quái vật đã thành hình, người ta đập vỡ cái lọ, em bé thoát ra, thế là có được một con người hình một cái hũ.
Thật tiện lợi; người ta có thể đặt mua thằng lùn của mình với hình dạng mình muốn.
V. Vua Giắc Đệ Nhị dung túng bọn comprasicôx. Vì một lẽ chính đáng, là ông ta sử dụng chúng. Điều đó ít ra đã xảy đến với ông ta nhiều lần. Không phải lúc nào người ta cũng chê cái mà người ta ghét bỏ. Cái nghề hạ tầng này, đôi khi lại là phương tiện tuyệt diệu cho cái nghề thượng đẳng mà người ta gọi là chính trị, đã bị cố tình kìm hãm trong tình trạng khốn khổ, nhưng không bị truy nã. Không có một sự giám sát nào cả, nhưng phần nào có để ý. Như vậy có thể hữu ích. Pháp luật nhắm con mắt này, nhà vua mở con mắt kia.
Đôi khi nhà vua còn dám thú nhận sự đồng loã của mình nữa. Đó là những chuyện to gan của chế độ khủng bố quân chủ. Kẻ bị biến diện còn bị đóng dấu ấn hoa huệ[31] người ta cắt bỏ dấu ấn của Chúa, và đóng dấu ấn nhà vua vào. Trong nhà Giacôp Axlây, hiệp sĩ và tòng nam tước, lãnh chúa Mentơn, cảnh sát trưởng lãnh địa Norfon, có một đứa bé, trên trán nó người bán đã dùng sắt để in một dấu hoá huệ. Trong một số trường hợp, vì những lý do này nọ, nếu muốn chứng minh nguồn gốc không chối cãi được về hoàn cảnh mới của một đứa bé, người ta thường dùng phương pháp đó. Nước Anh đã luôn luôn dành cho ta cái hân hạnh sử dụng hoa huệ trong những việc riêng.
Bọn comprasicôx, với nét khác biệt phân chia một nghề sinh nhai với một cuồng tín, tương tự như những bọn bóp cổ người Ấn Độ; chúng sống với nhau thành đoàn, hơi giống bọn hề, như chỉ để cho có cớ. Việc đi lại của chúng nhờ đó được dễ đàng hơn. Chúng cắm lều chỗ này chỗ nọ, nhưng trầm ngâm mộ đạo, không giống các dân du cư khác về một điểm nào cả, và không bao giờ ăn trộm. Một thời gian rất lâu, nhân dân vẫn lầm lẫn chúng với người Morơ Tây Ban Nha và người Morơ Trung Quốc. Người Morơ Tây Ban Nha là bọn làm bạc giả, người Morơ Trung Quốc là bọn ăn cắp. Cánh bom- prasicôx không bao giờ như vậy. Chúng là những con người lương thiện. Ai muốn nghĩ sao tuỳ ý, đôi khi chúng chu đáo một cách rất thành thật. Chúng đẩy cửa, bước vào, mặc cả mua một em bé, rồi trả tiền và bế em bé đi. Chuyện đó tiến hành rất đúng đắn.
Chúng thuộc đủ mọi nước. Dưới cái tên Comprasicôx đó, người Anh, người Pháp, người Caxti[32], người Đức, người Ý, song thân thiện bên nhau. Cùng một tư tưởng, cùng một mê tín, cùng khai thác chung một nghề, đó là nguyên do của những sự hợp nhất đó. Trong mối tình huynh đệ côn đồ đó, bọn lơvăng đại diện cho phương Đông, bọn pônăngte[33] đại diện cho phương Tây. Vô khối người Baxcơ và người Iêclăng hiểu nhau, họ nói bằng thứ tiếng lóng cổ xưa của người Cactagiơ[34]; thêm vào đó những quan hệ mật thiết giữa xứ Iêclăng chính thống với xứ Tây Ban Nha chính thống. Quan hệ thế nào mà cuối cùng hai xứ cho treo cổ tại Luânđôn một ông gần như là vua Iêclăng, huân tước Đơbrang người xứ Galơ, nhờ đó mà có lãnh địa Lêtơrim.
Bọn comprasicôx là một thứ phường hội chứ không phải một bộ lạc, như một thứ cặn bã hơn một phường hội. Đây là toàn bộ tầng lớp đói rách của trần gian lấy tội ác làm nghề sinh sống. Đây là dân tộc aclơcanh[35] gồm tất cả các thứ áo manh quần vá. Nhận một con người vào hội tức là vá thêm một mảnh vụn.
Lang thang là quy luật tồn tại của bọn comprasicôx.
Xuất hiện đó rồi biến mất đó. Cái gì chỉ được tha thứ thì không bao giờ bám rễ. Ngay cả trong những vương quốc xem chúng là kẻ cung cấp hàng cho triều đình, và khi cần là trợ thủ của vương quyền, đôi lúc chúng cũng thình lình bị ngược dãi. Vua chúa sử dụng nghệ thuật nhưng đày đoạ nghệ nhân. Những chuyện phi lý đó sẵn có trong tính khí bất thường của nhà vua. Vì đó là ý thích của chúng ta.
Hòn đá hay lăn và nghề nghiệp lén lút không bao giờ có rêu bám. Bọn comprasicôx đều nghèo khổ. Lẽ ra chúng có thể nói như mụ phù thuỷ gầy gò rách rưới nhìn thấy dàn thiêu bốc lửa; – Lợi bất cập hại! – Có lẽ, chắc hẳn nữa là khác, những thủ lĩnh của chúng, vẫn không được ai biết đến, những bọn chủ thầu cỡ bự trong nghề buôn trẻ con, cũng giàu có. Điểm này, sau hai thế kỷ, cũng khó làm sáng tỏ lắm.
Như chúng tôi đã nói, đây là một thứ hội kín. Nó có luật lệ, lời thề, thể thức của nó. Hầu như nó có cả yêu thuật. Ngày nay ai muốn biết nhiều chuyện đó của bọn Comprasicôx, xin mời sang Bixcay và Galix. Vì có rất nhiều người Baxcơ trong số, nên truyền thuyết của chúng xuất xứ từ những rặng núi đó. Hiện nay người vẫn bảo là có bọn comprasicôx ở Oiaczun, ở Uyêcbitondô, ở Lêzê, ở Axtigara. Ở nước đó, Aguarđate, nino, que voy a llamaz al comprachicos[36] là câu các bà mẹ thường doạ con cái.
Bọn comprasicôx, cũng như bọn xư-gan và bọn gipxi, hẹn nhau chỗ tụ tập. Thỉnh thoảng bọn thủ lĩnh trao đổi hội đàm. Vào thế kỷ mười bảy chúng có bốn nơi chính để gặp nhau. Một ở Tây Ban Nha, đèo Pancorbe; một ở Đức, khu rừng thưa có tên gọi là Người-đàn-bà-bất-chính, gần Điêkiêc, nơi có hai bức tượng nổi bí hiểm tượng trưng một phụ nữ chỉ có đầu và một người đàn ông không đầu; một ở Pháp, ngôi mộ cổ có bức tượng khổng lồ Cái Chuỳ-Hứa hẹn, trong khu rừng thiêng Borvê Tômôna, cạnh Buôcbon-lê-Banh; một ở Anh, sau bức tường vườn của Uyliam Salenơ, dũng sỹ tuỳ tùng của Gixbrao ở Clevơlan Yooc, giữa hai tháp vuông và cái đầu hồi lớn có một cửa hình cung nhọn.
VI. Ở Anh những luật lệ chống bọn du đãng bao giờ cũng rất khắc nghiệt. Trong pháp chế gô-tích của mình, nước Anh dường như dựa theo nguyên tắc: Homo errans fera errante peer[37]. Một trong những luật lệ đặc biệt của nước Anh xem người vô gia cư “nguy hiểm hơn rồng, rắn độc, mèo rừng và rắn ma” (atrocior aspide, dracone, lynce et basilico). Nước Anh từ lâu lo ngại về bọn jixpi mà họ muốn giũ sạch, cũng như lo ngại về chó sói mà họ đã quét hết.
Về điểm này, người Anh khác người Iêclăng chỉ biết cầu thánh ban sức khoẻ cho sói và gọi sói là “kẻ đỡ đầu”.
Tuy vậy pháp luật nước Anh, như ta vừa thấy, đã tha cho loại sói được thuần dưỡng nuôi trong nhà và đã trở thành chó nhà: cũng dung thứ cho kẻ du đãng thực thụ đã trở thành công dân. Người ta không quấy rầy anh hề xiếc, anh cắt tóc rong, nhà vật lý, người phu khuân, nhà bác học ngoài trời, bởi vì họ đã có một nghề sinh sống. Ngoài điểm đó ra, và chỉ trừ những biệt lệ đó thôi, tính chất tự do trong con người lang thang vẫn khiến cho luật pháp phải lo sợ. Một kẻ qua đường có thể là một kẻ thù. Ngày xưa, cái việc hiện đại, gọi là đi nhởn nhơ, chưa được ai biết; người ta chỉ biết có cái việc cổ xưa là rình mò. “Bộ mặt khả nghi” thứ mà mọi người đều hiểu và không ai có thể định nghĩa, đủ để cho xã hội tóm cổ một con người. Mày ở đâu? Mày làm gì? Và nếu hắn không trả lời được, thì có nhiều hình phạt nặng nề chờ đợi hắn. Sắt và lửa đều được ghi trong pháp luật.
Luật pháp thực hành việc đốt cháy da thịt của kẻ lang thang.
Dó đó, trên toàn bộ đất nước Anh, có một “đạo luật tình nghi” thực sự, áp dụng cho bọn lang thang lúc nào cũng có thể trở thành kẻ bất lương, cứ nói thẳng là thế, và đặc biệt áp dụng cho bọn Jipxi mà việc trục xuất đã được so sánh sai với việc trục xuất người Do thái, người Morơ ở Tây Ban Nha và người theo đạo cải lương ở Pháp. Còn chúng tôi, chúng tôi không bao giờ lầm lẫn một việc săn lùng với một việc khủng bố.
Cần nhấn mạnh, bọn comprasicôx không có gì giống bọn Jipxi cả. Bọn Jipxi là một nước, bọn comprasicôx là một hợp thể của tất cả các nước; một cặn bã, như chúng tôi đã nói; cái chậu ghê tởm chứa đựng mọi thứ nước bẩn.
Bọn comprasicôx không có một thổ ngữ riêng như bọn Jipxi; tiếng lóng của chúng là một thứ thổ ngữ hỗn tạp; tất cả mọi thứ ngôn ngữ trộn lẫn thành ngôn ngữ của chúng; chúng dùng một thứ tiếng hổ lốn. Cũng như bọn Jipxi, cuối dùng chúng thành một dân tộc len lỏi giữa các dân tộc, nhưng mối liên hệ chung của chúng là hội kín chứ không phải chủng tộc.
Qua tất cả các thời kỳ lịch sử, người ta có thể nhận thấy trong cái biển cả gọi là nhân loại này có những giòng suối người độc hại chảy riêng rẽ như thế, phần nào gây ô nhiễm xung quanh chúng. Bọn Jipxi là một gia đình, bọn comprasicôx là một thứ hội tam điểm, tam điểm[38] mà không có một mục đích cao cả, tam điểm mà lại có một nghề sống ghê tởm. Điểm khác cuối cùng là tôn giáo. Bọn Jipxi vốn vô đạo, bọn comprasicôx là tín đồ cơ đốc giáo; và còn ngoan đạo nữa; xứng đáng với một hội kín, mặc dầu pha tạp bằng mọi dân tộc, đã nẩy sinh ở Tây Ban Nha, nơi rất sùng đạo.
Bọn chúng không chỉ ngoan đạo; chúng còn theo phái chính thống; và hơn cả chính thống, chúng phục tùng giáo hội La-mã; đa nghi trong tín ngưỡng và thuần tuý đến mức, từ chối không kết bạn với đám du cơ Hungari khu Pext[39] dưới quyền chỉ huy và lãnh dắt của một cụ già cầm quyền trượng núm bạc trên có con đại bàng hai đầu của nước Áo. Đúng, đám dân Hung này là bọn ly giáo đến mức tổ chức lễ Đức Bà lên trời vào ngày 27 tháng tám[40], thật là tồi tệ.
Ở nước Anh, giống họ Xtiua còn trị vì ngày nào thì hội kín comprasicôx còn gần như được che chở, chúng tôi đã nói sơ qua lý do. Giắc đệ Nhị, một người mộ đạo, thường khủng bố dân Do thái và tầm nã bọn Jipxi, lại là một vị hiền vương đối với bọn comprasicôx. Ta đã thấy vì sao rồi. Chính comprasicôx mua cái khoản nhân liệu mà nhà vua lại là người buôn. Chúng có biệt tài trong việc thủ tiêu. Lợi ích nhà nước thỉnh thoảng lại muốn có những việc thủ tiêu. Một người thừa kế này trở ngại, tuổi còn thơ mà được chúng mó đến nhào nặn tất mất hẳn hình dạng.
Nhờ thế những việc tịch thu được dễ dàng. Việc thuyên chuyển lãnh địa cho những người được sủng ái do đó trở thành đơn giản. Bọn comprasicôx lại rất kín đáo và rất ít nói, chúng giao ước im lặng và biết giữ lời hứa, điều rất cần thiết đối với những chuyện quốc gia. Hầu như không có trường hợp nào mà chúng phản bội những điều bí mật của vua. Đó là quyền lợi của chúng, đúng thế. Và nếu vua mất lòng tin thì chúng gặp đại họa ngay. Vì vậy về phương diện chính trị, chúng là một phương tiện. Ngoài ra, bọn nghệ sĩ này còn cung cấp ca sĩ cho giáo hoàng. Bọn comprasicôx được việc khi cần hát bài thánh thi Alêgri. Chúng đặc biệt trung thành với Mari.
Tất cả những việc đó thích hợp với khuynh hướng phục tùng giáo hội La-mã của triều đại Xtiua. Vua Giăc đệ Nhị không thể thù nghịch với những con người mộ đạo, sùng bái Đức Bà Đồng trinh đến mức sáng tạo ra những hoạn quan. Năm 1688 ở nước Anh có sự thay đổi triều đại. Dòng họ Orengiơ thay thế giòng họ Xtiua. Ghiôm đệ Tam thay thế Giăc đệ Nhị.
Giăc đệ Nhị chết ở chỗ đi đày, tại đây ông ta làm phép mầu trên mộ mình, và thánh tích của ông chữa cho giám mục Ôtun khỏi bệnh trĩ, phần thưởng xứng đáng với đức tin của vị vua này.
Ghiôm không có những ý nghĩ và việc làm như Giăc nên tỏ ra nghiêm khắc với bọn comprasicôx. Ông rất cương quyết trong việc tiêu diệt lũ sâu bọ kia.
Một pháp lệnh thời kỳ đầu của Ghiôm và Mari đánh rất mạnh vào hội kín của bọn mua trẻ con. Quả là một chuỳ giáng vào đầu bọn comprasicôx, từ đó bị nghiền nát. Theo các điều khoản của pháp lệnh trên, những kẻ thuộc hội kín đó, một khi bị bắt và xác nhận, phải chịu hình phạt đóng dấu sắt đỏ trên vai có chữ R, tức thief nghĩa là ăn trộm và trên bàn tay phải một chữ M, tức manslay nghĩa là giết người. Bọn thủ lĩnh “được gọi là giàu có, mặc dầu bề ngoài là ăn mày” sẽ bị hình phạt collistrigium tức đài bêu tội nhân, trán bị đóng một chữ P[41], thêm tài sản bị tịch thu và cây cối trong rừng bị đào trốc hết. Kẻ nào không chịu tố giác bọn comprasicôx sẽ bị “phạt tịch thu và tù chung thân” như đối với tội mis- prision[42]. Còn phụ nữ bắt được ở trong bọn này phải chịu hình phạt cucking stool[43] một loại ghế bập bênh mà tên gọi, gồm từ ngữ Pháp coquine[44] và từ ngữ Đức stuhl, có nghĩa là “nghề “.
Luật pháp nước Anh vốn sống dai một cách kỳ quặc, nên hình phạt này vẫn tồn tại trong pháp chế nước Anh đối với mấy “bà hay đánh nhau”. Người ta treo loại ghế “cucking stool” này trên một giòng sông hay một cái đầm, cho người phụ nữ ngồi lên, đoạn thả cái ghế tõm xuống nước, rồi lại kéo cái ghế lên, và cứ diễn đi diễn lại ba lần cái trò bổ nhào ấy để làm “mát tính” bà kia, như lời nhà bình luận Sembơclên.
Chú thích
[19] Luvrơ (Lovvres) cung điện của vua Pháp ở Paro, xây dựng từ thế kỷ XII, đã nhiều lần bị phá, được làm thêm và sửa sang qua các triều đại cho đến thế kỷ XIX.
[20] Bà Đơ Xêvinhê (De Sévignê): nữ văn sĩ Pháp, thế kỷ XVII nổi tiếng về tài viết thư.
[21] Hình phạt ngày xưa buộc tội nhân vào bánh xe rồi đánh cho gãy chân.
[22] Vanhxăng đơn Pôn (Saint Vin cent de Paul 1576-1660): giáo sĩ danh tiếng Pháp, người đã thành lập nhiều hội từ thiện như giòng nữ tu sĩ tháng Vanhxăng đơ Pôn, giòng cha thánh Loza.
[23] Thứ đồ chơi có lò xo làm người xem giật mình.
[24] Tiểu giáo đường của Toà thánh Vaticăng, xây dựng theo lệnh của Xiextơ IV, có những bức hoạ nổi riêng của Mikel-Ăngiơ
[25] Xem bác sĩ Sembơclên. Tình trạng hiện nay của nước Anh 1688 phần một, chương XIII, trang 179 (V.Hugô).
[26] Tên cũ của Lêningrát.
[27] Luy Đại Đế tức Luy XIV. Thánh Luy (Saint Louis 1215-1270) tức vua Luy XI danh tiếng và hiền đức của nước Pháp.
[28] Bôtxuyê (Bossuet 1627-1704); giáo sĩ và nhà hùng biện của nước Pháp, nổi tiếng về các bài thuyết giáo và điếu văn
[29] Một phương tiện để cai trị
[30] Raxill(Racine 1639 – 1699): thi hào nổi tiếng của nước Pháp chuyên viết bi kịch.
[31] Một hình phạt thời xưa. Tột phạm bị đóng dấu sắt nung đỏ hình hoa huệ vào bả vai hoặc trên trán.
[32] Người Tây Ban nha.
[33] Ngày xưa người vùng Địa Trung Hải gọi dân phương Đông là Lơvăngtanh, và dân miền Đại Tây Dương là Pônangte
[34] Caclagiơ (Carthage): thành phố ở Phi châu do người Phênixi lập ra từ năm 814 trước Thiên chúa giáng sinh trênmột bán đảo gần thành phố Tuynix (Tuynidi) bây giờ.
[35] Aclơcanh: loại hề chuyên mặc kiểu quần áo may chắp loang lổ.
[36] Coi chừng tao đi gọi comprasicôx.
[37] Con người lang thang đáng sợ hơn dã thú lang thang.
[38] (Hội tam điểm (Frane maconnerie): Một hội kín lan rộng ở nhiều nước. Hình như gốc của nó là một hội tương tế của thợ nề (macon: thợ nề) từ thế kỷ VII, dần dần nó mang tính chất chính trị, chủ trương hội cần phải coi nhau như anh em, không phân biệt dân tộc, tầng lớp xã hội. Vào hội phải tuyên thệ không tiết lộ bí mật của hội
[39] Ngày xưa, thủ đô nước Hungari có hai khu vực là Buđa và Pext nay hơn nhái thành Buđapext.
[40] Lễ Đức Bà lên trời lẽ ra phải là ngày 15 tháng tám.
[41] P: chữ đầu của từ pilori nghĩa là đài đê bêu những người phạm tội nặng trước công chúng.
[42] Tiếng Anh: tội không chịu phát giác, không làm tròn nhiệm vụ.
[43] Tiếng Anh.
[44] Con mụ du côn, đểu giả.