Thằng Cười

4. MOEDIBUS SURDLS CAMPANA MUTA[96]



Uyêcxuyt nắn nắn lớp da mũ, lần da áo khoác, lớp len chiếc áo thủy thủ, lần da tấm lá sen, không thể ngờ vực gì nữa về những di vật ấy, và bằng một cử chỉ ngắn gọn, hách dịch, chẳng nói một lời, chỉ cho ông Nicơlex cánh cửa quán rượu.
Ông Nicơlex mở cửa.
Uyêcxuyt liền lao bổ ra khỏi quán.
Ông Nicơlex nhìn theo và thấy Uyêcxuyt đang đem hết sức tàn của đôi chân già chạy về hướng sáng nay viên thiết trượng quan đã dẫn Guynplên đi. Mười lăm phút sau Uyêcxuyt hổn hển đến cái ngõ, nơi có cái tổng nhà ngục nhỏ Xaothuak, và là nơi ông đã đứng quan sát suốt mấy tiếng đồng hồ.
Ngõ này không cần phải đến nửa đêm mới vắng vẻ.
Nhưng ban ngày nó buồn, còn ban đêm thì đáng nghi ngại. Quả một giờ nào đó, chẳng ai dám mạo hiểm bén mảng đến đấy. Dường như người ta sợ hãi bức tường xích lại gần nhau, và nếu nhà tù và nghĩa địa bỗng giở chứng ôm hôn nhau thì người ta hãi bị chết chẹt vì cử chỉ âu yếm ấy. Ảnh hưởng đến đêm tối, những cây liễu cụt của ngõ Vôve ở Paris cũng vì thế mà mang tiếng không hay. Người ta cho rằng ban đêm những cành cụt còn lại ấy biến thành những bàn tay to tóm chặt lấy những người qua đường.
Như chúng tôi đã nói, do bản năng, nhân dân Xaothuak vẫn tránh cái phố giữa nhà tù và nghĩa địa này. Trước kia, ban đêm phố được chắn bằng một sợi xích sắt. Thật là vô ích vì sợi xích tốt nhất để chấn giữ đường phố này là nỗi sợ hãi do đường phố gây nên.
Uyêcxuyt cương quyết đi vào phố.
Ông đang có ý nghĩ gì. Chẳng có ý nghĩ gì cả.
Ông đến phố này khi được biết tin. Ông có định gõ cửa nhà ngục không? Chắc chắn là không. Phương sách hãi hùng và vô hiệu ấy không nảy ra trong đầu óc ông.
Mưu toan vào đấy để hỏi một tin tức chăng? Có mà điên.
Nhà tù không mở cửa cho kẻ muốn ra thì cũng chẳng mở cho khách muốn vào. Bản lề nhà tù chỉ xoay theo luật pháp. Điều đó Uyêcxuyt thừa biết. Vậy ông đến phố này làm gì. Để nhìn. Nhìn gì? Chẳng nhìn gì cả? Nhìn cái không biết. Nhìn cái có thể nhìn. Lại đến trước cánh cửa, nơi Guynplên đã biến mất, thế cũng đã là một việc rồi. Đôi khi bức tường đen tối nhất, cau có nhất, cũng lên tiếng. Và giữa những hòn đá cũng có một tí ánh sáng thoát ra. Đôi khi từ một đống đổ nát, kín mít tối tăm vẫn có chút ánh mờ. Quan sát bề ngoài một sự việc là một cách nghe ngóng bổ ích. Chúng ta đều có cái bản năng chỉ để một quãng cách hết sức nhỏ hẹp giữa ta và sự việc ta đang quan tâm. Vì vậy mà Uyêcxuyt đã trở lại cái ngõ có lối vào thấp lè tè của nhà lao.
Đúng lúc đặt chân vào ngõ, ông bỗng nghe một tiếng chuông, rồi lại tiếng thứ hai.
– Kìa – ông nghĩ bụng – đã nửa đêm rồi sao.
Bất giác ông bắt đầu đếm.
– Ba, bốn, năm.
Ông ngâm nghĩ:
– Tiếng chuông cách nhau xa thật! Chậm quá! Sáu, bảy.
Và ông nhận xét:
– Âm thanh gì mà bi thảm thế! Tám, chín. A! Còn gì đơn giản hơn. Ngồi trong nhà tù thì đến đồng hồ cũng phải ủ rũ. Mười. Với lại nghĩa địa ở ngay đây. Cái chuông này vừa báo giờ cho người sống vừa báo kiếp ngàn thu cho người chết. Mười một. Chao ôi! Nhất nhật tại tù như thiên thu tại ngoại[97]. Mười hai.
Ông dừng lại.
– Đúng. Nửa đêm rồi.
Chuông bỗng điểm tiếng thứ mười ba.
Uyêcxuyt rùng cả mình.
– Mười ba!!!Lại có tiếng thứ mười bốn. Rồi tiếng thứ mười lăm.
– Thế nghĩa là thế nào?
Tiếng chuông vẫn tiếp tục cách quãng khá dài.
Uyêcxuyt lắng nghe.
– Không phải chuông đồng hồ.
– Đây là chuông Muta. Hèn gì mình bảo nửa đêm sao lại gõ lâu thế!!!Chuông này có gõ đâu, nó thánh thót. Có gì buồn thảm xảy ra thế không biết?
Ngày xưa, các nhà tù cũng như các tu viện đều có chuông riêng, gọi là chuông muta, dành cho những trường hợp buồn bã. Muta, “chuông câm”, là một thứ chuông thánh thót rất khẽ, có vẻ như cố sức không cho ai nghe thấy.
Uyêcxuyt lại đến đứng ở chỗ thuận tiện cho việc rình nấp, nơi ông đã theo dõi được nhà tù phần lớn ngày hôm nay.
Tiếng thánh thót vẫn nối tiếp nhau cách quãng rùng rợn.
Lối chấm câu của tiếng chuông nguyện trong không trung thật là độc ác. Nó đánh dấu những đoạn buồn bã trong lo lắng của con người. Tiếng chuông nguyện không khác gì tiếng cười rên rỉ. Báo hiệu giờ phút lâm chung. Nếu đây đó trong các gia đình ở quanh vùng chuông điểm đây đó có những giấc mơ đang chờ đợi thì tiếng chuông nguyện kia cắt chúng ra từng đoạn cứng nhắc. Mơ mộng mông lung là một kiểu trốn tránh; trong khắc khoải thường có một cái gì lờ mờ giúp cho hy vọng nẩy sinh. Tiếng chuông nguyện, sầu thảm, xác định rõ ràng. Chuông nguyện hủy bỏ trạng thái lờ mờ ấy, và trong trạng thái vẩn đục mà lo lắng cố đứng lơ lửng, chuông nguyện buộc nó phải lắng xuống thành chất kết tủa. Tiếng chuông nguyện tuỳ từng người mà nói theo chiều hướng buồn phiền hay sợ hãi của họ. Tiếng chuông bi đát ư, điều đó liên quan đến anh. Cảnh cáo.
Không gì ảm đạm bằng một bản độc thoại theo nhịp điệu đó. Nhưng lần quay lại đều đều biểu thị một ý định. Chiếc búa ấy – tức là cái chuông – định rèn gì trên cái đe ấy? – tức là trên tư tưởng.
Uyêcxuyt cứ miên man đếm những tiếng thánh thót của hồi chuông nguyện, mặc dầu chẳng có mục đích gì cả. Cảm thấy mình đang trên đà trôi trượt, ông cố tránh không phỏng đoán gì cả. Phỏng đoán là một dốc trên đó con người thường đi quá xa vô ích. Tuy nhiên từng chuông kia có nghĩa là thế nào?
Ông nhìn vào bóng tối, chỗ ông biết có cái cửa nhà lao. Thình lình đúng chỗ ấy, chỗ cái lỗ đen ngòm, bỗng có một vệt đỏ. Vệt đỏ cứ lớn dần và trở thành một ánh sáng. Vệt đỏ ấy không có vẻ gì là một ánh mờ mờ. Nó có ngay hình dáng và góc cạnh. Cánh cửa nhà ngục vừa mới xoay trên bản lề. Vệt đỏ làm nổi bật hình tò vò và khung cửa.
Nó chỉ hé ra chứ không mở hắn. Nhà tù có bao giờ mở to, nó chỉ mở hé. Có lẽ vì buồn phiền.
Cái cửa cổng để cho một người đi qua, tay cầm bó đuốc.
Tiếng chuông vẫn không gián đoạn. Uyêcxuyt cảm thấy bồn chồn vì hai mối bận tâm; ông đứng im, tai chăm chú nghe tiếng chuông nguyện, mắt chăm chú nhìn bó đuốc.
Sau khi người kia đi qua, cánh cửa, từ nãy chỉ hé, mở rộng hẳn và để cho hai người nữa ra, rồi một người thứ tư. Người thứ tư này là lão thiết trượng quan, trông rất rõ nhờ ánh đuốc. Lão vẫn cầm cái gậy sắt trong tay.
Theo sau lão thiết trượng, từ dưới cổng tò vò, một số người lặng lẽ tiến ra, thứ tự, hai anh một, cứng đờ như một dãy cột biết đi.
Đoàn người trong đêm khuya ấy cứ từng cặp từng cặp vượt qua cánh cửa thấp lè tè, như những cặp đôi trong một đám rước của những người ăn năn tội, không gián đoạn, với một cố gắng bi thảm không gây tiếng động, trang trọng, hầu như nhẹ nhàng. Một con rắn trườn ra khỏi một cái lỗ cũng thận trọng như thế.
Ngọn đuốc làm nổi bật các bộ mặt nhìn nghiêng sáng nay đã dẫn Guynplên đi.
Không còn nghi ngờ gì nữa. Vẫn những người ấy. Họ xuất hiện lại.
Tất nhiên rồi Guynplên cũng sẽ xuất hiện.
Họ đã dẫn nó đến đấy, bây giờ họ đang dẫn nó ra.
Thật rõ ràng.
Mắt Uyêcxuyt càng chăm chú hơn. Họ có thả Guynplên ra không?
Hai hàng cảnh sát từ mái vòm thấp tuôn ra rất thong thả, như từng giọt một. Tiếng chuông vẫn không ngừng, như gõ nhịp cho bước đi. Ra khỏi nhà tù, đoàn người ngoảnh lưng lại Uyêcxuyt, rẽ sang phải, đi vào đoạn phố đối diện với đoạn ông đứng nấp.
Một ngọn đuốc thứ hai bỗng sáng lên dưới cổng tò vò.
Dấu hiệu đoàn người sắp chấm dứt.
Uyêcxuyt sắp thấy họ đem cái gì đi. Tên tù nhân.
Con người ấy.
Uyêcxuyt sắp thấy Guynplên.
Cái họ đem đi xuất hiện kia rồi.
Đấy là một chiếc quan tài.
Bốn người khiêng một chiếc quan tài trên phủ một tấm dạ đen.
Theo sau họ, một người đàn ông vác xẻng.
Một ngọn đuốc thứ ba bập bùng trong tay một nhân vật đang đọc một quyển sách. Ông này chắc phải là một thầy tư tế kết thúc đoàn người.
Chiếc quan tài nhập vào đoàn cảnh sát, đã rẽ sang phải.
Đồng thời đầu đoàn người đứng lại.
Uyêcxuyt nghe tiếng chìa khoá rít ken két.
Đối diện với nhà lao, trong bức tường thấp chạy dài bên kia phố, một lỗ cửa thứ hai chợt sáng lên nhờ một ngọn đuốc đi qua phía dưới.
Cánh cửa ấy, bên trên ta nhận thấy có chiếc đầu lâu, là cửa nghĩa địa.
Lão thiết trượng bước qua cái cửa ấy, tiếp đến là mấy người đàn ông, rồi ngọn đuốc thứ hai sau ngọn đuốc thứ nhất; đoàn người cứ ngắn dần như con rắn chui đầu vào hang; toàn bộ đoàn cảnh sát chui vào trong bóng tối thứ hai bên kia cửa, rồi chiếc quan tài, rồi người vác xẻng, rồi thầy tư tế với cây đuốc, với quyển sách, và cánh cửa lại đóng kín lại.
Chỉ còn mỗi chút ánh sáng le lói, phía trên một bức tường.
Văng vẳng có liếng nói lào thào, rồi tiếng thùm thụp.
Chắc hẳn thầy tư tế và người phu đào huyệt đang hắt lên chiếc quan tài, một người hắt những câu kinh, một người hắt những xẻng đất.
Tiếng lào thào chấm dứt, tiếng thùm thụp cũng chấm dứt.
Có tiếng rục rịch, các ngọn đuốc sáng lên, lão thiết trượng lại đi qua, tay giơ cao chiếc gậy sắt, dưới cái cánh cửa mở lại của nghĩa địa, rồi thầy tư tế quay ra với quyển sách, người đào huyệt với cái xẻng, đoàn người tái hiện không có quan tài; hàng người đôi vẫn âm thầm theo hành trình cũ giữa hai cánh cửa nhưng ngược chiều, cánh cửa nghĩa địa lại đóng vào, cánh cửa nhà tù lại mở ra, cái vòm mộ địa của chiếc cổng tò vò lại nổi lên.
Đường hành lang tối mò lại mờ mờ xuất hiện, cảnh đêm đen dày đặc của nhà ngục lại rành rành trước mắt, và toàn bộ hình ảnh ấy lại chui hết vào trong bóng tối.
Tiếng chuông nguyện tắt hẳn. Im lặng. Ổ khoá bi thảm của tăm tối đến chấm dứt tất cả.
Bóng ma tan biến. Chỉ có thế thôi.
Một đoàn yêu quái đi qua rồi tiêu tán.
Cứ xích gần nhưng việc trùng hợp lôgic lại, cuối cùng sẽ tạo thành một cái gì giống như điều tất yếu. Sau việc Guynplên bị bắt, sau lối bắt bớ thầm lặng đó, đến số quần áo do cảnh sát đem về, đến tiếng chuông nguyện của nhà tù nơi nó bị dẫn tới, lại ghép thêm, ta cần nói rõ hơn, điều bi đát trên đây, một chiếc quan tài hạ huyệt.
– Nó chết rồi. – Uyêcxuyt thét lên.
Ông ngồi phịch xuống một cái cột mốc.
– Chết! Họ giết nó rồi! Guynplên ơi! Con ơi! Con trai của bố ơi!!!
Rồi ông khóc nức nở.
5. LỢI ÍCH QUỐC GIA THỂ HIỆN CẢ TRONG VIỆC NHỎ LẪN VIỆC LỚN.
Than ôi! Uyêcxuyt vẫn tự hào không bao giờ khóc.
Bình lệ đã đầy. Một tình trạng chứa chan như vậy, dồn trong từng giọt từng giọt, hết đắng cay này đến chua xót khác, suốtcả một cuộc đời đằng đẵng, đâu phải trong chốc lát mà vơi hết được ngay. Uyêcxuyt thổn thức rất lâu.
Giọt lệ đầu tiên như một mũi kim châm cứu. Ông khóc cho Guynplên, cho Đêa, cho bản thân Uyêxuyt, cho Ômô. Ông khóc như một trẻ thơ. Ông khóc như một người già. Ông khóc vì tất cả những gì ông đã chê cười.
Giờ đây ông thanh toán nốt chỗ còn lại. Quyền được khóc của con người có bao giờ quá hạn.
Có điều người chết vừa được hạ huyệt kia lại là Acquanon; nhưng Uyêcxuyt đâu có buộc phải biết chuyện ấy.
Nhiều giờ đã trôi qua.
Trời bắt đầu rạng, tấm khăn nhợt nhạt của trời mai lại trải ra trên bãi cỏ với những nếp tối mờ mờ. Bình minh đến quét trắng mặt trước quán Tacaxtơ. Ông Nicơlex vẫn chưa đi nằm, vì đôi khi vẫn một sự việc mà người ta mất ngủ mãi.
Tai họa bao giờ cũng tỏa ra khắp bốn phía. Bạn thử ném một hòn đá xuống nước, rồi hãy đếm những tia nước tung tóe lên xem.
Ông Nicơlex cảm thấy mình cũng bị động chạm. Thật khó chịu khi có những sự biến ở trong nhà mình. Không được yên tâm lắm và cảm thấy có nhiều chuyện lôi thôi, ông Nicơlex đâm ra tư lự. Ông hối tiếc là đã đón “những của nợ” về nhà – Giá mà ông biết trước thế này! – Cuối cùng rồi chúng sẽ đem tai họa đến cho ông. Bây giờ làm thế nào mà tống khứ được chúng nó đây? – Ông có hợp đồng cho thuê với Uyêcxuyt. Nếu giẫy được lão ra, thì còn gì may bằng! – Làm thế nào đuổi được chúng bây giờ?
Bỗng có tiếng đập ầm ầm vào cửa quán rượu; ở nước Anh những tiếng như vậy báo hiệu có người quan trọng. Âm điệu tiếng đập cửa tương ứng với cấp bực của quan giai.
Tiếng đập cửa không hẳn là của một huân tước.
Nhưng đúng là của một pháp quan.
Chủ quán, run bần bật, khẽ hé cánh cửa thông gió.
Đúng có một pháp quan, ông Nicơlex thấy ở cửa nhà mình, qua ánh sáng lúc tinh mơ, một tốp cảnh sát, đứng đầu nổi bật lên hai người, trong đó có viên pháp quan định túc số.
Sáng qua ông Nicơlex đã được thấy viên pháp quan định túc số rồi, nên ông nhận ra lão ngay.
Người kia ông không biết.
Tay này là một con người lịch sự phì nộn, mặt bủng beo mầu sáp ong, đội tóc giả theo thời lưu và khoác áo choàng đi đường.
Ông Nicơlex rất sợ nhân vật thứ nhất, viên pháp quan định túc số. Giá ông được ra vào chốn cung đình, ông còn sợ tay thứ hai hơn nữa, vì đấy là Backinphêđrô.
Một người trong toán đập cửa lần thứ nhì, thật mạnh.
Chủ quán, lo lắng toát cả mồ hôi trán, vội mở cửa ra.
Viên pháp quan, với giọng nói của một người có trọng trách cảnh sát và rất hiểu biết về bọn du đãng, cất cao giọng hỏi một cách nghiêm khắc:
– Ông Uyêcxuyt đâu?
Lão chủ quán bỏ mũ xuống đáp:
– Bẩm quan lớn. Ở đây ạ.
– Ta biết rồi – viên pháp quan nói.
– Cố nhiên là thế ạ, bẩm quan lớn.
– Bảo ông ta đến đây.
– Bẩm quan lớn, ông ta không có nhà.
– Ông ta đi đâu?
– Bẩm tôi không rõ.
– Sao vậy?
– Ông ta chưa về.
– Thế ông ta ra đi sớm lắm sao?
– Bẩm không. Nhưng ông ta ra đi rất muộn.
– Quân du đãng! – viên pháp quan tiếp.
– Bẩm quan lớn – ông Nicơlex nói khẽ – ông ta kia rồi.
Quả thật, Uyêcxuyt vừa xuất hiện ở một góc tường.
Ông vừa về đến quán rượu. Gần như suốt cả đêm ông chỉ đứng giữa nhà ngục nơi mà từ trưa ông đã thấy Guynplên chui vào, và nghĩa địa, nơi mà nửa đêm ông đã nghe tiếng đất lấp huyệt. Mặt ông tái nhợt vì hai nhẽ, vì buồn rầu và vì ánh mai chạng vạng.
Tinh mơ, một thứ ánh sáng tù mù ở trạng thái phôi thai, để lại những hình dáng, kể cả những hình dáng, cửa động, lẫn lộn với bóng đêm mờ ảo. Uyêcxuyt, xanh nhợt, lờ mờ, bước thất thểu, giống hệt một bóng người trong mộng.
Trong cuộc giải trí độc ác của lo âu này, ông đã từ quán rượu ra đi đầu trần. Ông cũng không nhận thấy là mình không đội mũ nữa Mớ tóc xám lưa thưa của ông phất phơ trước gió. Đôi mắt ông vẫn mở mà dường như không nhìn. Nhiều lúc người ta thức mà hóa ra ngủ, cũng như có lúc người ta ngủ mà lại thức- Uyêcxuyt có vẻ như điên.
– Ông Uyêcxuyt – người chủ tiệm rượu gọi to – lại đây. Các ngài quan lớn cần gặp ông.
Ông Nicơlex, chỉ muốn làm dịu sự kiện, vừa đưa ra vừa muốn giữ lại cái từ “các ngài”, đối với cả đoàn thì kính trọng, nhưng có lẽ lại xúc phạm đối với người chỉ huy, vì như thế ông này bị lẫn lộn với cấp dưới.
Uyêcxuyt giật nẩy mình như người ngủ say ngã xuống giường.
– Có việc gì thế? – ông vừa nói xong thì nhận thấy cảnh sát và, đứng đầu cảnh sát, viên pháp quan.
Lại một lần xúc động mãnh liệt nữa.
Hết lão thiết trượng, bấy giờ đến viên pháp quan định túc số. Người nọ như hất ông cho người kia. Có những chuyện cổ tích về đá chuyền như thế.
Viên pháp quan định túc số ra hiệu cho ông đi vào tiệm rượu. Uyêcxuyt vâng lời ngay.
Gôvicâm vừa ngủ dậy và đang quét nhà, vội dừng tay nép vào sau dãy bàn, buông chổi ra, nín thở. Nó lùa nắm tay vào đầu tóc và gãi gãi, tỏ vẻ chăm chú vào sự việc.
Viên pháp quan định túc số ngồi vào chiếc ghế, trước một cái bàn; Backinphêđrô ngồi xuống ghế.
Uyêcxuyt và ông Nicơlex vẫn đứng. Nhân viên cảnh sát, đứng ngoài, túm tụm trước cái cửa đã đóng lại pháp luật vào Uyêcxuyt và nói:
– Anh có một con sói.
Uyêcxuyt đáp.
– Bẩm không hẳn thế.
– Anh có một con sói – viên pháp quan nhắc lại – nhấn mạnh vào tiếng “sói” bằng một giọng quả quyết.
Uyêcxuyt đáp.
– Vì rằng…
Rồi ông im lặng.
– Tội vi cảnh – viên pháp quan nói tiếp.
Uyêcxuyt đánh liều biện bạch:
– Nó là kẻ giúp việc cho tôi.
Viên pháp quan đặt bàn tay lên bàn, năm ngón xòe rộng, một cử chỉ rất đẹp của nhà chức trách.
– Anh hề kia, ngày mai, giờ này, anh và con sói của anh, phải rời khỏi nước Anh. Nếu không, con sói sẽ bị bắt giữ, đưa đến phòng lục sự, và giết chết.
Uyêcxuyt nghĩ bụng; – Lại tiếp tục chuyện giết người. Nhưng ông chẳng nói nửa lời, đành đứng run bần bật.
– Anh hiểu chứ. – viên tháp quan lại nói tiếp.
Uyêcxuyt tán thành bằng một cái gật đầu.
Viên pháp quan nhấn mạnh:
– Giết chết.
Im lặng một lúc.
– Treo cổ, hoặc dìm nước.
Viên pháp quan định túc số nhìn Uyêcxuyt:
– Còn anh, vào tù.
Uyêcxuyt nói khẽ:
– Bẩm quan.
– Ngày mai trước khi trời sáng, anh đã phải đi khỏi đây. Nếu không, đó là mệnh lệnh.
– Bẩm quan.
– Gì?
– Chúng con phải rời khỏi nước Anh, cả nó cả con?
– Đúng.
– Hôm nay ?
– Hôm nay.
– Làm thế nào được?
Lão Nicơlex sung sướng quá. Viên pháp quan, mà lão vẫn gờm mặt, đã đến giúp lão. Cảnh sát lại hóa ra trợ thủ, của lão, của Nicơlex. Y đã giải thoát lão khỏi “những của nợ”- Biện pháp lão đang tìm, y đem đến cho lão. Tên Uyêcxuyt, lão đang mong tống khứ, cảnh sát đuổi hộ. Trường hợp bất khả kháng. Không còn gì để biện bạch. Lão mừng quýnh, nói xen vào.
– Bẩm quan lớn, người này – lão đưa ngón tay chỉ vào Uyêcxuyt – Người này hỏi làm thế nào để rời khỏi nước Anh ngày hôm nay ư? Không gì đơn giản hơn. Ngày nào, đêm nào, ở các bến sông Tami, bên này cầu Luân đôn cũng như bên kia, cũng có tàu đi các nước. Người ta rời nước Anh đi Đan Mạch, đi Hà Lan, đi Tây Ban Nha, không đi Pháp vì có chiến tranh, nhưng đi khắp mọi nơi. Đêm nay nhiều tàu sẽ nhổ neo, vào quãng một giờ sáng, giờ nước triều. Trong số đó có chiếc thuyền bầu Vôgrát, của Rôtecđam.
Viên pháp quan định túc số nhún vai, bảo Uyêcxuyt;
– Được. Anh đi tàu nào cũng được. Tàu Vôgrat.
– Bẩm quan – Uyêcxuyt nói.
– Sao?
– Bẩm quan, giá như trước kia, tôi chỉ có mỗi cái lều nhỏ bốn bánh thì còn được. Nó sẽ nằm gọn trên một chiếc tàu. Nhưng …
– Nhưng sao?
– Nhưng bây giờ tôi có cái Hộp Xanh, nó là cả một cơ ngơi lớn với hai con ngựa. Một chiếc tàu dù có rộng đến mấy, nó cũng không bao giờ nằm lọt.
– Việc ấy liên can gì đến ta. – viên pháp quan nói. Người ta sẽ giết chết con sói.
Uyêcxuyt run rẩy, tự cảm thấy mình đang bị một bàn tay bằng nước đá nhào nặn. – Đồ quái vật! – ông nghĩ bụng. Giết người! Đó là phương sách của chúng.
Lão chủ tiệm rượu mỉm cười, nói với Uyêcxuyt:
– Ông Uyêcxuyt này, ông có thể bán lại cái Hộp Xanh.
Uyêcxuyt nhìn Nicơlex.
– Ông Uyêcxuyt, có người muốn mua đấy.
– Ai?
– Mua chiếc xe. Mua hai con ngựa. Mua hai cô ả đực.
Mua…
– Ai thế? – Uyêcxuyt nhắc lại.
– Ông chủ rạp xiếc bên cạnh.
– Đúng rồi.
Uyêcxuyt nhớ lại.
Lão Nicơlex ngoảnh sang phía viên pháp quan định túc số.
– Bẩm ngài, việc mua bán có thể kết thúc ngay hôm nay. Ông chủ rạp xiếc bên cạnh muốn mua chiếc xe to và hai con ngựa.
– Ông chủ rạp xiếc đó làm thế là phải – viên pháp quan nói – vì ông ta sẽ cần đến nó. Một cỗ xe với mấy con ngựa, cái đó sẽ được việc cho ông ta đấy. Hôm nay ông ta cũng phải đi. Các cha cố các giáo khu Xaothuak than phiền về những chuyện ồn ào tục tĩu của cánh đồng Tarinhzô. Ngài quận trưởng đã có biện pháp. Tối nay, sẽ không còn một lều rạp hát rong nào trên bãi này nữa. Chấm dứt các vụ lộn xộn. Nhân vật đáng kính đích thân đến đây lúc này…
Viên pháp quan định túc số ngừng lại để cúi chào Backinphêđrô; Backinphêđrô cũng chào lại.
Nhân vật đáng kính đích thân đến đây hôm nay đã từ Uynxo tới tối hôm qua- ông đưa mệnh lệnh tới. Nữ hoàng đã truyền: “Phải quét cho sạch”.
Suốt đêm miên man suy nghĩ, Uyêcxuyt không phải đã không đặt ra một số câu hỏi. Nói cho cùng ông chỉ nhìn thấy có mỗi một chiếc quan tài. Ông có chắc Guynplên nằm trong ấy không? Trên đời có thể có người chết khác Guynplên lắm chứ? Một chiếc áo quan đi qua, đâu phải là một người thiên cổ tự xưng danh tánh. Sau vụ bắt bớ Guynplên có một đám ma. Điều đó chẳng nói lên gì cả Post hoc, non propter hoc[98] vân vân. Uyêcxuyt bỗng đâm ra ngờ vực. Hy vọng thường bùng cháy và loé sáng trên lo âu như dầu trên nước. Ngọn lửa trên mặt đó cứ nổi trôi mãi mãi trên đau khổ của con người. Cuối cùng Uyêcxuyt đi đến chỗ nghĩ bụng: có khả năng là người ta đã chôn Guynplên, nhưng không chắc lắm. Biết đâu đấy – Có thể Guynplên vẫn còn sống.
Uyêcxuyt liền nghiêng mình trước viên pháp quan định túc số.
– Bẩm quí toà tôn kính, tôi sẽ đi. Chúng tôi sẽ đi. Sẽ đi. Đi theo tàu Vôgrat. Đi Rốttecđam. Tôi xin tuân lệnh. Tôi sẽ bán cái Hộp Xanh, mấy con ngựa, cho kèn trống, mấy người đàn bà Ai cập. Nhưng có một người cùng ở với tôi, một người bạn, mà tôi không thể bỏ lại: Guynplên.
– Guynplên chết rồi – có tiếng nói.
Uyêcxuýt cảm thấy lạnh cả người, như có con rắn bò trên lưng. Chính Backinphêđrô vừa nói.
Ánh sáng le lót cuối cùng đang tan biến. Không còn nghi ngờ gì nữa. Guynplên đã chết rồi.
Nhân vật này phải biết điều đó. Y vốn khá nham hiểm trong việc này.
Uyêcxuyt cúi chào.
Lão Nicơlex là người rất hiền lành ngoài tính hèn nhát của lão. Nhưng, khi hoảng sợ, lão lại rất tàn nhẫn.
Hung bạo tột cùng, là sự sợ hãi.
Lão lầu bầu: “Đơn giản quá”.
Và sau lưng Uyêcxuyt, lão xoa xoa tay, dấu hiệu đặc biệt của những kẻ ích kỷ, nó có nghĩa: Thế là ta sạch nợ! Và hình như diễn ra trên cái chậu thau của Pôngxơ Pila[99].
Uyêcxuyt cúi đầu, lòng buồn rười rượi. Bản án của Guynplên đã được thi hành, tử hình; còn ông, phán quyết của ông cũng đã được tống đạt, trục xuất. Chỉ còn việc chấp hành. Ông miên man ngẫm nghĩ.
Chợt ông cảm thấy có người chạm vào khuỷu tay.
Đấy là nhân vật kia, người đi theo viên pháp quan định túc số. Uyêcxuyt rùng mình.
Cái giọng vừa nói Guynplên chết rồi thì thầm vào tai ông:
– Đây là mười livrơ xteclinh do một người luôn luôn mong muốn ông gặp điều lành gửi cho ông.
Đoạn Backinphêđrô đặt một túi tiền con lên mặt bàn trước mặt Uyêcxuyt.
Người ta còn nhớ cái két con mà Backinphêđô cầm đi.
Mười ghinê trên hai-nghìn, đó là tất cả nhưng gì Backinphêđrô có thể làm được. Theo lương tâm hắn, như vậy đã là đủ lắm rồi. Nếu hắn đưa nhiều hơn thì hắn lỗ. Hắn đã bỏ công phu tìm ra một huân tước, hắn đang bắt đầu khai thác việc đó. Vậy món lời đầu tiên của cái mỏ thuộc về hắn là đúng quá. Những kẻ nào cho như vậy là hèn mạt thì đó là quyền của họ, nhưng ngạc nhiên thì sai. Backinphêđrô thích tiền, nhất là tiền trộm cắp được. Trong tên đố kỵ có một tên keo kiệt. Backinphêđrô đâu phải không có tật xấu. Phạm tội ác, việc ấy không ngăn cản có thêm một số thói hư. Hổ báo vẫn có rận kia mà.
Vả lại đây là trường phái Bêcon[100].
Backinphêdrô ngoảnh lại phía viên pháp quan định túc số và nói với y:
– Thưa ông, mong ông kết thúc cho. Tôi rất bận. Một chiếc xe kiệu đóng bằng chính ngựa của nữ hoàng đang đợi tôi. Tôi phải hoả tốc bay về Uynxo, và phải có mặt ở đó trước hai tiếng đồng hồ. Tôi có việc phải báo cáo và nhiều mệnh lệnh phải tuân hành.
Viên pháp quan định túc số liền đứng dậy.
Lão đi đến bên cánh cửa chỉ đóng bằng khoá thường, mở nó ra, không nói một lời, nhìn các nhân viên cảnh sát và hách dịch búng ngón tay. Cả nhóm lẳng lặng đi vào, người ta cảm thấy có việc ngiêm trọng sắp xảy ra.
Lão Nicơlex thích thú về sự kết thúc nhanh gọn, cắt đứt những chuyện rắc rối, sung sướng được thoát khỏi cái mớ bòng bong đó, lúc thấy cảnh sát dàn ra, chỉ sợ người ta bắt Uyêcxuyt ngay trong nhà lão. Hai cuộc bắt bớ liên tiếp trong nhà lão, vụ Guynplên rồi vụ Uyêcxuyt, việc đó có thể gây thiệt hại cho quán rượu; làng rượu vốn không ưa những chuyện rắc rối với cảnh sát. Đây là một trường hợp tham gia thích đáng có tính chất van xin và khoan đại. Lão Nicơlex ngoảnh về phía viên pháp quan định túc số bộ mặt hớn hở của lão, trên đó thái độ tôn kính đã hạn chế bớt tin tưởng.
– Bẩm quan lớn tôi xin lưu ý quan lớn rằng, một khi con sói phạm pháp sắp bị đưa ra khỏi nước Anh, khi tên Uyêcxuyt không dám chống cự, – và khi mệnh lệnh của quan lớn được chấp hành đứng đắn, thì không cần thiết phải có những ông cảnh sát tôn kính đây nữa. Quan lớn sẽ xét thấy những hành động đáng kính của cảnh sát, vốn rất cần thiết cho lợi ích nhà, đã gây thiệt hại cho một cửa hàng, và nhà tôi vô tội. Bọn hát rong của Hộp Xanh một khi quét sạch, như nữ hoàng đã lệnh, tôi thấy ở đây không còn tội phạm nữa, và tôi nghĩ rằng con bé mù và hai ả gái già không có tội tình gì cả, vậy tôi thiết tha yêu cầu quan lớn chiếu cố đơn giản hoá cuộc công cán của quan lớn, và cho những ông đứng đắn vừa mới vào đây đi về, vì họ chẳng có công việc gì phái làm ở nhà tôi và nếu ngài cho phép tôi được chứng minh lời nói đúng đắn của tôi dưới hình thức một câu hỏi kính cẩn thì tôi sẽ chỉ rõ tính vô ích về sự hiện diện của các ông đáng tôn kính đây khi hỏi quan lớn: tên Uyêcxuyt đã quyết định ra đi, vậy họ còn bắt ai ở đây nữa?
– Anh – viên pháp quan nói.
Không ai tranh cãi với một mũi kiếm xuyên qua người cả. Lão Nicơlex lăn kềnh ra, đổ xuống, bấu vào một cái bàn, một cái ghế, vào bất cứ một vật gì, rồi nằm vật ra đất.
Viên pháp quan định túc số nói thật to, đến nỗi giá có người đừng ngoài bãi, họ cũng nghe được:
– Nicơlex Plâmtơrơ, chủ cái quán rượu này, đây là điểm chói cùng phải giải quyết. Tên hát rong này và con sói này là phường du thủ du thực. Chúng bị đuổi khỏi nơi đây. Nhưng kẻ can phạm nặng nhất chính là anh. Chính tại nhà anh, chính do anh ưng thuận, mà luật pháp đã bị vi phạm, và anh, người có môn bài, người được giao giữ một trách nhiệm công cộng, anh đã để xẩy ra việc xấu xa ngay trong nhà anh Nicơlex, giấy phép của anh bị thu hồi, anh sẽ nộp phạt, và anh sẽ đi tù.
Các nhân viên cảnh sát quây ngay lấy lão chủ quán. Viên pháp quan định túc số chỉ Gôvicâm, nói tiếp:
– Thằng nhãi này, đồng bọn với anh, bị bắt.
Cổ tay một cảnh sát hạ ngay xuống cổ Gôvicâm, nó ngơ ngác nhìn viên cảnh sát. Thằng bé, chậm hiểu, không tỏ vẻ sợ hãi lắm, đã thấy nhiều chuyện lạ, tự hỏi có phải đây là đoạn tiếp của vở hài kịch không.
Viên pháp quan định túc số chụp mũ lên đầu, khoanh hai tay lên bụng, một cử chỉ oai vệ tột cùng, và nói tiếp:
– Thế là quyết định, anh sẽ đi tù và bị tống lao. Anh với thằng bé này. Còn ngôi nhà này, quán Tacaxtơ, sẽ đóng cửa, niêm phong, vít kín. Để làm gương. Bây giờ, anh đi theo chúng tôi.
Chú thích:
[96] Tường điếc có chuông câm
[97] Nguyên văn: Một giờ mất tự do là cả một thời gian vô tận
[98] Tiếng la tinh: Sau cái đó, chứ không phải vì cái đó (cách ngôn triết lý có nghĩa là hai sự việc liên tiếp không nhất thiết có liên quan với nhau).
[99] Pôngxơ Pilat (Ponoe – Pilate): Kẻ đã xử đóng đinh Giêsu trên cây thánh giá, mặc dầu biết Giêsu vô tội. Y sai đem nước đến và vừa rửa tay vừa nói: “Tôi không chịu trách nhiệm về máu của con người chính trực này”
[100] Bêcon (Bacon 1314-1294): Giáo sĩ Anh chuyên khảo cứu khoa học thực nghiệm và quang học từ thời Trung cổ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.