Nó đang đi vào Uêmơt.
Uêmơt ngày ấy không giống Uêmơt vinh dự và lộng lẫy ngày nay. Uêmơt cũ không có, như Uêmơt hiện nay, một bến tàu thẳng tắp tuyệt đẹp với một bức tượng và một lữ quán để tưởng nhót Giorgiơ đệ Tam. Lý do là vì lút ấy Giorgiơ đệ Tam chưa ra đời. Cũng vì lý do đó, ở sườn ngọn đồi xanh phía đông, người ta chưa vẽ trên mặt đất, bằng những mảnh cỏ trồng và đá phấn, con ngựa trắng dài một ac-păng, con “Bạch mã”, đỡ một vị vua trên lưng, và chổng đuôi về phía thành phố, cũng vẫn để biểu dương Giorgiơ đệ Tam. Vả lại những vinh dự trên cũng xứng đáng thôi, Giorglơ đệ Tam, lúc về già đã mất hết cái tài tử mà thời trai trẻ ông không bao giờ có, hoàn toàn không chịu trách nhiệm về những tai hoạ dưới triều đại mình ông là một người vô tội. Tại sao lại không dựng tượng.
Cách đây một, trăm tám mươi năm, Uêmơt gần đối xứng như một bàn cờ lộn xộn. Anh chàng Axtarôt trong chuyện thần thoại đôi khi dạo chơi trên mặt đất, lưng đeo một cái bị hai túi trong có đủ mọi thứ, kể cả các bà hiền lành ngồi trong nhà. Một lô lều lán hỗn độn từ cái bị ma đó đổ ra cho ta ý niệm về Uêmơt không lịch sự ngày xưa. Và trong các lều lán, có thêm cả các bà hiền lành nữa. Kiểu nhà như thế, hiện nay còn cái hội quán của các Nhạc sĩ. Một loạt những căn nhà tối tăm táp nham bằng gỗ chạm và rêu phong, đấy cũng là một kiểu trổ chạm khác, những ngôi nhà gạch dị hình xiêu vẹo, một số có cột ngôi nọ dựa vào ngôi kia, để khỏi bị gió biển vặn đổ và chìa ra những quãng cách hẹp hình thành một hệ thống đường sá ngoằn ngoèo vụng về, gồm những ngõ hẻm, và ngã tư thường thường ngập nước triều vào tiết cân phân, một mớ bát nháo những ngôi nhà cũ kỹ quây quần xung quanh một toà nhà thờ có từ thời cụ kỵ, đấy là Uêmơt. Uêmơt giống một kiểu làng Noóc-măng ngày xưa trôi giạt sang bờ biển nước Anh.
Du khách, giá có bước vào cái lữ quán ngày nay đã được thay thế bằng khách sạn, đáng lẽ chi tiền một cách đế vương để có được một con thờn bơn rán và một chai vang hai mươi nhăm phrăng, đã phải nhục nhã xơi hai xu cháo cá, tuy thế cũng rất ngon lành. Thật là thảm hại.
Thằng nhỏ lạc đường bế con bé bắt được đi vào phố đầu tiên, sang phố thứ hai, rồi sang phố thứ ba. Nó ngước mắt nhìn lên các tầng gác và các mái nhà để tìm một ô kính sáng, nhưng tất cả đều đóng kín và tắt ngấm. Chốc chốc nó lại gõ vào cửa. Chẳng người nào lên tiếng cả. Có trái tim nào sắt đá bằng khi đã nằm êm ấm trên chăn dưới đệm. Tiếng động và những rung chuyển ấy cuối cùng đã làm con bé tỉnh dậy. Thằng nhỏ nhận thấy thế vì nó cảm thấy buồn buồn ở má. Con bé tưởng là mẹ nên không khóc.
Nó đánh liều đi rẽ và lần mò có lẽ khá lâu trong những ngõ hẻm ngang dọc của Xkơrembrít, hồi ấy ở đây cây trồng nhiều hơn nhà cửa, và hàng rào gai nhiều hơn chỗ ở, nhưng nó đã may mắn đi vào một hành lang hiện nay vẫn còn cạnh Trimiti- Xcun. Hành lang này dẫn nó tới một bãi biển vốn là một bến cảng thô sơ có bao lơn, và bên tay phải nó nhận thấy một cái cầu.
Cầu này là cầu sông Uê nối liền Uêmơt với Mencâm Rêgix, và qua các vòm cầu Hachua ăn thông với Bek Uotơ.
Uêmơt thôn lúc ấy là ngoại ô của Mencâm Rêgix phố và cảng, ngày nay Mencâm Rêgix là một giáo khu của Uêmơt. Làng xóm, đã thu hút mất thành phố. Quá trình diễn biến đó nhờ ở cái cầu kia. Cầu là loại máy hút đặc biệt, hút dân số và đôi khi làm cho một khu bến bãi to lên nhưng lại gây thiệt hại cho một khu đối diện.
Thằng bé đi đến bên chiếc cầu đó: thời ấy nó chỉ là một chiếc cầu gỗ nhỏ có mái. Nó đi qua chiếc cầu nhỏ đó.
Nhờ mái cầu, trên sàn không có tuyết: Đôi bàn chân trần của nó được một lúc dễ chịu khi bước lên những tấm ván khô đó.
Qua khỏi cầu nó đứng giữa Mencâm Rêgix.
Ở đấy nhà gỗ ít hơn nhà đá. Đấy không phải thị trấn nữa mà là thành phố. Cái cầu dẫn đến một phố khá đẹp, phố Xanh Tôma. Nó đi thẳng vào. Đường phố có những hồi nhà cao chạm trổ, và đây đó những của hàng. Nó bèn gõ vào các cửa. Nó chẳng còn mấy hơi sức nữa để gọi và gào.
Ở Mencâm Rêgix cũng như ở Uêmơt chẳng ai nhúc nhích cả. Nhà nào cũng cửa đóng then cài. Cửa sổ nào cũng có ván ngoài y như mắt thêm mí. Đề phòng rất chu đáo để khỏi bị thức giấc, giật mình khó chịu.
Thằng bé lang thang chịu cái áp lực khó định nghĩa của thành phố ngủ. Những cảnh im lìm kiểu tổ kiến bị tê liệt đó toát lên một cảm giác chóng mặt. Tất cả những trạng thái mê man đó hoà lên ác mộng của chúng, loại giấc ngủ như vậy nhiều lắm và từ những thân hình không cựa quậy đó thoát ra những mộng mị hão huyền. Giấc ngủ có những sự tương tự đen tối không có trong cuộc sống, tư tưởng bị phân tích của những người ngủ chờn vờn bay lên người họ như một thứ hơi nước vừa sinh động vừa đứng im, và kết hợp với cái có thể chắc hẳn cái này cũng đang suy nghĩ trong không gian. Vì vậy mà nẩy sinh những sự rối rắm. Chiêm bao như một đám mây chồng chất những lớp dày đặc và những lớp trong suốt của nó lên cái ngôi sao tinh thần mà. Bên trên những mi mắt khép kín mà ảo giác đã thay thế thị giác, những cái hư và những cái thực tan ruỗng cứ giãn nở trong chốn không thể nào nắm bắt được. Những cảnh sinh hoạt bí mật tản mạn kết hợp với cuộc sống chung ta bên bờ cái chết vẫn dược gọi là giấc ngủ. Sâu bọ và linh hồn quấn quít với nhau trong không khí. Ngay đến con người không ngủ cũng cảm thấy trĩu nặng trên mình cái không khí tràn đầy của một cuộc sống bi đát. Cái ảo tưởng xung quanh, cải thực tế đoán được, làm họ khó chịu. Con người tỉnh táo khi bước giữa những hồn ma trong giấc ngủ của kẻ khác thường dồn đẩy bừa bãi những hình bóng đi qua, họ có, hay tưởng như có, cái cảm giác ghê rợn mơ hồ khi phải hằn học đụng chạm với cái vô hình, và lúc nào họ cũng cảm thấy sức dấy tối tăm của một cuộc gặp gỡ khó tả đang tan biến. Bước đi giữa cảnh tản mạn ban đêm của mộng mị đó, người ta có những cảm xúc của rừng sâu.
Đó là cái người ta gọi là sợ mà không hiểu vì đâu.
Điều một người lớn cảm thấy, một đứa bé còn cảm thấy nhiều hơn.
Cảm giác khó chịu của tâm trạng hãi hùng giữa đêm khuya, bị những ngôi nhà ma quái kia khuếch đại, dồn thêm vào tất cả cái sâu thẳm chung mà nó đang phải chống đỡ kia.
Nó đi vào Conica Lên, và gặp ngay đầu ngõ này Basơ Uotơ mà nó cứ tưởng là đại dương, nó không biết biển ở phía nào nữa, nó quay lại, rẽ sang trái theo phố Maiđơn, vả lùi đến tận phố Xanh Anban.
Ở đây, dựa vào may rủi và không cần lựa chọn, gặp nhà nào nó cũng gõ thật mạnh. Vì nó dồn hết chút sức tàn còn lại, nên những tiếng đáp cửa lúc này nghe loạn xạ và ngắt quãng, với từng hồi từng chập gần như giận dữ. Đó là tiếng cơn run sốt của nó đập vào cửa.
Chợt cố tiếng đáp lại.
Đó là tiếng thời gian.
Ba giờ sáng thong thả vang lên sau lưng nó trên cái gác chuông Xanh Nicôla già lão.
Rồi mọi vật lại chìm sâu vào tĩnh mịch.
Đến một cửa mái cũng không hé mở, điều đó có thể xem như kỳ dị. Tuy nhiên trong một chừng mực nào, sự im tiếng đó cũng có thể giải thích được. Phải nói rằng tháng giêng năm 1690, Luân đôn vừa trải qua một nạn địch lớn, và nỗi lo sợ phải đón tiếp những người ốm lang thang khiến cho khắp nơi lòng hiếu khách đều có phần giảm sút. Người ta không cả hé cửa sổ vì sợ hít thở phải uế khí.
Thằng hé cảm thấy sự lạnh lùng của con người còn khủng khiếp hơn cái lạnh của đêm tối. Đây là một cái lạnh cố tình. Em cảm thấy một nỗi xót xa thất vọng mà em đã không có trong những giờ phút cô đơn vừa rồi. Lúc này em đã trở về với cuộc sống của một người, vậy thà em vẫn cô đơn. Thật quá đỗi cay đắng. Hoang vu tàn nhẫn nó đã hiểu, nhưng thành phố khắc nghiệt thì quá lắm.
Thời gian mà nó vừa đếm từng tiếng lại góp thêm một nỗi thất vọng. Có những trường hợp không gì giá buốt như tiếng chuông thời gian. Đó là một lời tuyên bố về thái độ thờ ơ. Đó là tiếng nói của vĩnh cửu: việc gì đến ta!
Nó đứng lại. Và chắc gì trong giây phút ai oán đó, nó lại không tự hỏi, cứ nằm ra đây mà chết có giản đơn hơn không.
Trong khi ấy con bé ngả đầu và vai nó và lại ngủ nữa. Sự tin cậy khó hiểu đó lại thúc giục nó đi tiếp.
Từ lâu, chỉ gặp xung quanh toàn chuyện sụp đổ, lúc này nó bỗng cảm thấy mình là một điểm tựa. Thôi thúc sâu sắc của nhiệm vụ.
Những ý nghĩ đó, cũng như hoàn cảnh đó đều không hợp với tuổi nó. Có thể là nó không hiểu nổi những thứ đó: Nó chỉ hành động theo bản năng. Nó chỉ biết làm.
Nó bước theo hướng phố Gionxton.
Nhưng lúc này nó không bước nữa, mà nó lết.
Nó bỏ phố Xanh Mêri trên trái, lần mò trong các ngõ hẻm chữ chi và khi ra khỏi một đường ống ngoằn ngoèo giữa hai túp lều nát, nó lại đứng giữa một khoảng trống khá rộng. Đó là một mảnh đất hoang không có nhà cửa, chắc là địa điểm của quảng trường Sextơfin ngày nay. Nhà cửa đến đấy thì hết. Bên phải nó thấy có biển, và bên trái chẳng còn gì là thành phố nữa.
Rồi ra sao đây? Cánh đồng lại bắt đầu. Phía đông, những mái tuyết lớn nghiêng nghiêng đánh dấu những triền núi Radipon. Có nên tiếp tục cuộc hành trình này nữa không? Có nên đi tới và trở lại với những cảnh cô liêu nữa không? hay là lùi bước và trở về với các đường phố. Làm gì giữa hai cảnh im lặng này, giữa cánh đồng câm và thành phố điếc? Trong hai thái độ ruộng rẫy này chọn cái nào
Có cái neo từ bi thì cũng có cái nhìn bác ái. Chính đứa bé thất vọng đang đưa cái nhìn đó ra khắp bốn xung quanh.
Thình lình em nghe có tiếng doạ nạt.