Thằng Cười

3. CĂN PHÒNG CŨ.



Cạnh tu viện Oetminxtơ có một toà lâu đài cổ kiểu Normăngđi bị đốt cháy dưới thời Hăngri VIII. Nay nó chỉ còn hai cánh, Ê-đua VI đặt nghị viện nguyên lão vào một cánh, và nghị viện công xã vào một cánh.
Cả hai cánh, cả hai phòng ngày nay đều không còn; người ta đã xây dựng lại tất cả.
Nhưng chúng tôi đã nói và cần phải nhấn mạnh, nghị viện nguyên lão ngày nay và nghị viện nguyên lão ngày xưa không giống nhau tí nào. Người ta đã phá huỷ lâu đài cũ, như thế là đã phần nào phá bỏ cái tục lệ cũ, những nhát cuốc bổ vào các công trình kiến trúc vĩ đại đều ảnh hưởng trở lại vào các tập quán và các hiến chương. Một hòn đá cũ không bao giờ rơi xuống mà không cuốn theo một điều luật cũ. Cứ đặt thượng nghị viện của một phòng hình vuông vào một phòng hình tròn, nó sẽ khác ngay. Lớp vỏ ngoài thay đổi làm biến dạng con sò bên trong.
Nếu muốn bảo tồn một vật gì cũ, của con người hay của thần thánh, luật pháp hay tín điều, quý tộc hay tăng lữ, thì chớ làm lại mới bất cứ một điều gì, cả cái hề ngoài cũng thế. Cùng lắm chỉ thêm chi tiết. Chẳng hạn, phái Giêduyt là một chi tiết thêm vào đạo Thiên chúa. Đối với các công trình xây dựng, cũng nên xử xự giống như khi sử xự với các thể chế.
Bóng tối phải nằm trong hoang tàn. Cái sức mạnh già cỗi không được thoải mái trong những ngôi nhà mới trang trí. Đối với các thể chế rách rưới, phải có những lâu đài rêu phong.
Giới thiệu nội thất của phòng nghị viện nguyên lão ngày xưa tức là giới thiệu một cái gì đó xa lạ. Lịch sử là đêm tối. Trong lịch sử không có hậu cảnh, ánh sáng giảm dần và bóng tối lập tức xâm chiếm tất cả những gì không còn ở phía trước sân khấu. Trang trí cất di, là xóa sạch, là quên hết. Quá khứ đồng nghĩa với “không biết”.
Khi là pháp đình, các nguyên lão họp trong gian đại sảnh Oetminxtơ, còn khi là thượng nghị viện lập pháp thì họp trong một phòng đặc biệt gọi là “Nhà Nguyên lão”, “House of the lords”.
Ngoài toà án nguyên lão Anh quốc, chỉ họp khi nào nhà vua triệu tập, có hai toà án lớn của nước Anh, dưới toà án nguyên lão, nhưng trên mọi cấp tài phán khác họp tại phòng đại sảnh Oetminxtơ. Hai tòa án này đóng trong hai gian kề nhau, ở đầu trên căn phòng này. Tòa án thứ nhất là Cao đẳng pháp viện mà nhà vua buộc phải chủ toạ; tòa án thứ hai là Pháp viện của Bộ tư pháp do tư pháp đại thần chủ toạ. Một bên là tòa án công lý, một bên là tòa án khoan hồng. Chính tư pháp đại thần kiến nghị, nhà vua ân xá; thỉnh thoảng thôi. Hai tòa án này hiện nay vẫn còn, chuyên giải thích pháp chế và phần nào uốn nắn lại nó; nghệ thuật của quan toà là bào gọt bộ luật thành án lệ. Một cái nghề trong đó đức công bình tuỳ nghi xoay xở. Pháp chế được chế tạo và áp dụng giữa chốn tôn nghiêm đó, phòng đại sảnh Oetmilltơ. Phòng này có một mái vòm kiểu giẻ gai mà mạng nhện không sao bám được; trong pháp luật đã có khá nhiều mạng nhện rồi.
Họp tòa án và họp nghị viện là hai việc khác nhau. Tính chất nhị nguyên này hợp thành quyền lực tối cao. Hội nghị kéo dài, bắt đầu ngày 3 tháng 11 năm 1640, cảm thấy nhu cầu cách mạng của thanh gươm hai lưỡi này. Vì vậy nó tự tuyên bố, với tư cách một nghị viện nguyên lão, có cả quyền tư pháp lẫn quyền lập pháp.
Hai quyền này có từ thuở rất xa xưa trong nghị viện nguyên lão. Chúng tôi vừa nói, là quan toà, các nguyên lão chiếm Oetminxtơ-Hôn; là nhà lập pháp, họ có một phòng khác.
Căn phòng khác này, nói cho đúng là viện nguyên lão, dài và hẹp. Nó chỉ được chiếu sáng nhờ bốn cửa sổ khoét sâu vào tầng nóc, và nhận ánh sáng qua mái, thêm ở phía trên long đình, một cửa mắt bò có sáu tấm kính với màn che; ban đêm không có ánh sáng nào khác ngoài mười hai giá đèn chùm nhỏ thắp nến gắn trên tường. Phòng thượng nghị viện của Vơni còn không được thắp sáng bằng thế. Giống cú vọ quyền uy rất mực này ưa thích đôi chút bóng tối.
Trên căn phòng nơi các vị huân tước ngồi họp khum khum một vòm cao đa diện và có những hõm nhỏ mạ vàng. Phòng công xã chỉ có một cái trần bằng; trong các công trình xây dựng thời quân chủ mọi thứ đều mang một ý nghĩa, ở một đầu căn phòng dài của các vị nguyên lão là cửa ra vào: đầu kia, đối diện là cái ngai vua. Cách cửa vài bước là bức rào chắn, một đường cắt ngang, một thứ biên giới, đánh dấu chỗ chấm dứt nhân dân và nơi bắt đầu giới quý tộc. Bên phải ngai là một lò sưởi, trên mặt có huy hiệu, phô bày hai bức trạm trổ bông cẩm thạch, một bức tượng trưng chiến thắng Câtvôn đánh vào quân Brơtan năm 572, một bức tượng trưng bản đồ thị trấn Đânltêbơn, thị trấn này chỉ có bốn đường phố, song song với bốn phần của thế giới. Ba bực cấp tôn cao cho cái ngai. Ngai vua được gọi là “Vương kỷ”. Trên hai bức tường đối diện, chăng dài thành những bức tranh liên hoàn, một tấm thảm rộng do Ehzabet tặng các vị nguyên lão, và mô tả toàn bộ cuộc phiêu lưu của hải quân Tây Ban Nha, từ lúc nó rời khỏi Tây Ban Nha cho đến lúc bị đắm trước nước Anh. Những phần nổi của tàu thuyền đều dệt bằng kim tuyến và ngân tuyến, vì thời gian đã xám xịt. Tựa vào bức thảm này, từng quãng từng quãng lại bị những ngọn đèn chùm gắn vào tường làm gián đoạn, bên phải có ba hàng ghế dài dành cho các giám mục, bên trái có ba hàng ghế dài dành cho các công tước, hầu tước và bá tước sắp theo hình bực thang và cách nhau bằng những bực lên xuống. Các công tước ngồi trên ba ghế ở đoạn thứ nhất, các hầu tước, trên ba ghế ở đoạn thứ hai; các bá tước trên ba ghế ở đoạn thứ ba.
Ghế của tử tước xếp vuông góc, nhìn thẳng vào ngai, và phía sau, giữa các tử tước và cái rào chắn, có hai ghế dành cho các nam tước. Trên chiếc ghế dài cao, bên phải ngai, là hai tổng giám mục, Cantơbiuri và York; trên chiếc ghế giữa, ba giám mục, Luân Đôn, Duyaram và Vinsexte; các giám mục khác ngồi trên ghế phía dưới. Giữa tổng giám mục Cantơbiuri và các giám mục có sự khác biệt rất lớn, ở chỗ ông là giám mục do quyền uy Chúa, còn các vị khác chỉ là do Chúa cho phép. Bên phải ngai, ta thấy một chiếc ghế dựa dành cho hoàng thân xứ Galơ, và bên trái, những chiếc ghế xếp dành cho các vương công tước, và sau số ghế xếp này có mấy bục dành cho các nguyên lão vị thành niên chưa được tham dự nghị viện. Khắp nơi nhan nhản hình hoa huệ; và huy hiệu nước Anh to tướng trên bốn bức tường, trên đầu các vị nguyên lão cũng như trên đầu nhà vua.
Con trai các vị nguyên lão và những người thừa kế tham dự các cuộc tranh luận, đứng sau ngai vua, giữa long đình và bức tường, Chiếc ngai vua ở cuối phòng và ở ba mặt phòng, ba dãy ghế dài dành cho các vị nguyên lão, để chừa ra một ô vuông rộng. Trong ô vuông này, trên trải tấm quốc thảm mang huy hiệu Anh quốc, có bốn cái đệm len; một cái trước ngai để vị tư pháp đại thần ngồi giữa kim đầu trượng và quốc ấn, một cái trước mặt các giám mục để các quan toà cố vấn quốc gia ngồi, chỉ dự thính chứ không được phát biểu, một cái trước mặt các công tước, hầu tước và bá tước để các quốc vụ khanh ngồi, một cái trước mặt các tử tước và nam tước để cho hai viên phó thư ký quỳ viết. Ở giữa ô vuông có một chiếc bàn rộng phủ da, đầy những hồ sơ, sổ cái, sổ thu nhập với những lọ mực to bằng vàng bằng bạc và những ngọn đuốc cao ở bốn góc. Các nguyên lão tham dự hội nghị theo thứ tự niên đại người nào theo ngày tháng thụ tước của người nấy. Họ ngồi theo tước vị và, trong tước vị, theo thâm niên. Hoàng môn quan đũa đen đứng ở chỗ rào chắn, tay cầm chiếc đũa. Bên trong cửa, viên tuỳ tùng của hoàng môn quan, và bên ngoài cửa là viên mõ, có nhiệm vụ khai mạc các phiên toà với tiếng: Oyez[152] bằng tiếng Pháp, rao ba lần, trịnh trọng nhấn mạnh vào âm tiết đầu. Bên cạnh viên mõ, là viên đội cầm kim đầu trượng của tư pháp đại thần.
Trong các buổi lễ của triều đình, các vị nguyên lão thế quyền đội mũ miện, còn các vị nguyên lão giáo quyền đội mũ chủ giáo. Các tổng giám mục đội mũ chủ giáo có thêm miện công tước, và các giám mục ngồi sau các tử tước, đội mũ chủ giáo có thêm tortin của nam tước. Điểm nhận xét kỳ quặc và là một bài học, cái ô vuông hình thành bởi ngai vua, các giám mục và các nam tước, và trong đó có các pháp quan quì gối, chính là nghị viện cũ của nước Pháp qua hai chủng tộc đầu tiên. Cùng một vẻ quyền uy ở Pháp và ở Anh. Trong truyện De ordina- tione sacri palatu[153], năm 858, Hinmar đã tả nghị viện nguyên lão hợp ở Oetmmxtơ vào thế kỷ mười tám. Một biên bản kỳ quặc làm trước chín trăm năm. Lịch sử là gì? Một tiếng vang của quá khứ trong tương lai. Một phản ảnh của tương lai dựa trên quá khứ.
Nghị viện bảy năm mới phải họp một lần.
Các huân tước thảo luận bí mật, cửa đóng kín. Các công xã họp công khai. Dường như việc có nhiều người biết là dấu hiệu của hèn kém.
Số lượng huân tước, không hạn chế. Phong thêm huân tước, là sự đe doạ của vương quyền. Biện pháp cai trị. Vào đầu thế kỷ thứ mười tám, nghị viện nguyên lão đã đạt con số rất cao. Từ đó nó còn phình thêm nữa.
Làm loãng giai cấp quí tộc là một đường lối chính trị. Có lẽ Êlizabet đã phạm sai lầm khi cô đúc tầng lớp nguyên lão lại còn sáu mươi lăm huân tước, Tầng lớp huân tước càng vắng ít thì càng hùng mạnh. Trong các hội đồng càng nhiều thành viên thì càng ít đầu óc. Giắc đệ Nhị đã cảm thấy thế nên mới đưa con số thượng nghị viện lên đến một trăm tám mươi tám huân tước; một trăm tám mươi sáu nếu giảm bớt hai nữ công tước của khuê phòng nhà vua, Porxmot và Clevơlan. Thời nữ hoàng Anh, tổng số huân tước kể cả giám mục lên đến hai trăm linh bảy.
Không kể công tước Câmbơclan, chồng nữ hoàng, có hai mươi lăm công tước; người thứ nhất Norfon, không dự họp vì theo công giáo, và người cuối cùng, Kembrit, hoàng thân khu vực bầu cử Hanôvrơ, được dự họp mặc dù là người ngoại quốc, Uynsextơ được xem như hầu tước Anh quốc đầu tiên và duy nhất, cũng như Axtorga hầu tước duy nhất của Tây Ban Nha, vắng mặt, vì ông thuộc phái Giacôbit[154], nên có năm hầu tước, người thứ nhất là Đecby và người cuối cùng Hecvê, vì là nam tước cuối cùng nên huân tước Hecvê được gọi là “em út” của nghị viện, Đecby, dưới thời Giắc đệ Nhị, đứng sau Ôcxfơc, Sribiury và Kent, chỉ là người thứ ba, đến thời nữ hoàng Anh trở thành bá tước thứ nhất. Tên của hai vị tư pháp đại thần đã biến mất trên danh sách các nam tước, Verulan mà lịch sử tìm ra Bêcơn và Oem mà lịch sử tìm ra, Jepfrê Bêcơn và Jepfrê là những cái tên mù mịt khác nhau. Năm 1715, số hai mươi sáu giám mục chỉ còn hai mươi lăm, ghế của Sextơ khuyết. Trong hàng ngũ giám mục một số là lãnh chúa rất lớn; như Uynliam Tanbô, giám mục Ocxfơc, trưởng chi tân giáo của dòng họ ông. Các người khác đều là những vị tiến sĩ tài ba, như Gion Sarp, tổng giám mục York, nguyên niên trưởng Noruyc, nhà thơ -Tômax Xprat, giám mục Rôsextơ, con người hiền lành có máu động kinh, và vị giám mục Lincon khi chết là tổng giám mục Cantơbiury, Uêcơ, đối thủ của Bôtxuyên.
Trong những dịp quan trọng, và lúc nào đón nhận chiếu chỉ nhà vua gửi cho thượng nghị viện, toàn bộ đám đông uy nghiêm ấy mặc áo dài, đội tóc giả, chụp mũ chủ giáo hoặc mũ lông chim, lại lóp ngóp sắp thành hàng dài, chất thành bực cao, trong căn phòng nguyên lão dọc theo những bức tường, trên đó thấp thoáng cơn bão táp tiêu diệt hạm đội Tây Ban Nha. Xin hiểu ngầm: bão táp theo hiệu lệnh của nước Anh.
Chú thích:
[152] Hãy lắng nghe
[153] Về vấn đề tổ chức của Triều đình thiêng liêng.
[154] Thuộc đảng của phái Giăc đệ Nhị và dòng Xtuya

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.