Thằng Cười

17. PHƯƠNG SÁCH CUỐI CÙNG.



Ở sống thuyền có một kẽ nứt. Nước cứ theo đó rò Vào. Từ lúc nào? Điều đó không ai có thể nói được. Có phải lúc đến gần hòn Caxkê không? Có phải lúc đứng trước Ortaso không? Có phải lúc nước róc rách ở bãi ngầm phía tây Ôrinhi không? Có lẽ đúng nhất vì họ đã chạm vào Con khỉ. Họ đã nhận một cú thúc ngầm của lợn lòi. Giữa cơn cuồng phong lồng lộn quăng quật, họ đã không nhận thấy cú húc. Trong cơn sài uốn ván con người không cảm thấy mũi tiêm.
Tay thuỷ thủ kia, anh chàng người Baxcơ miền nam tên là Avê Maria, cũng lần xuống khoang, trở lên và nói:
Nước trong khoang cao đến hai varo.
Quãng sáu piê[88]
– Đúng.
– Phải một người đưa chúng tôi vào – tên đầu đảng lại nói.
– Chúng tôi không có hoa tiêu – Galđizun nói.
– Mày cầm lấy cần lái đi.
– Làm gì còn cần lái.
– Ta làm tạm một cái với thanh xà nào vậy. Lấy Đinh. Lấy búa. Lấy dụng cụ ra đây mau!
– Thùng thợ mộc đã rơi xuống nước rồi. Không còn dụng cụ nữa.
– Dù sao thì cũng phải chèo lái chứ, đi bất cứ đâu!
– Chúng tôi không còn tay lái nữa.
– Canô đâu? Ta cứ nhảy xuống canô. Ta chèo!
– Chúng tôi không còn canô nữa.
– Ta chèo mảng vậy.
– Chúng tôi không còn bơi chèo.
– Thế thì dùng buồm.
– Chúng tôi không còn buồm, không còn cột buồm.
– Ta lấy thanh gỗ ốp làm cột buồm, lấy bạt che hàng làm buồm. Phải thoát khỏi đây chứ! Cứ phó mặc cho gió!
– Làm gì còn gió.
Quả thật gió đã rời bỏ họ. Bão táp đã đi rồí, và việc ra đi ấy, họ những tưởng cứu thoát họ, lại dẫn họ vào chỗ chết. Ngọn gió tây nam, giá còn sẽ điên cuồng đẩy họ tới một bến bờ nào đó, sẽ thẳng lỗ rò về tốc độ, có lẽ sẽ đưa họ đến một bãi cát nào thuận tiện, và giạt họ lên bờ trước khi họ bị chìm nghỉm. Bão cuốn nhanh có thể đưa họ đặt chân lên đất liền. Không có gió, không còn một hy vọng nào nữa. Họ sẽ chết vì thiếu phong ba.
Hoàn cảnh tối hậu hiện ra.
Gió, mưa đá, cuồng phong, cuốn lốc, là những đấu thủ vô trật tự mà người ta có thể chiến thắng được.
Không có vũ khí vẫn có thể thắng được bão táp. Người ta có nhiều lối đánh trả kẻ hùng hổ lúc nào cũng sơ hở, vận động nhầm, thường đánh hụt. Nhưng chống lại kẻ bình tĩnh thì chịu. Không có chỗ mấu nào để có thể tóm được.
Gió là một kiểu tấn công của người Côzắc; cứ giữ cho vững, tự nó khắc phân tán. Bình tĩnh là gọng kìm của đao phủ.
Nước không vội vã, nhưng không lúc nào ngừng, lại nặng và không ngăn giữ được, cứ dâng lên trong khoang, mà nước càng lên thì thuyền càng xuống. Sự việc đó tiến rất chậm.
Những con người bị đắm thuyền Matutina cảm thấy dưới chân cứ hé mở dần dần cái tai biến vô vọng nhất, cái tai biến đần độn vô tình. Tính thực tế lặng lẽ và thảm đạm của sự việc vô ý thức đó nắm chắc lấy họ.
Không khí không dao động, biển cả không xao xuyến.
Bất động là cái không thể van nài. Việc nuốt chửng lặng lặng làm họ tiêu tan dần dần. Qua lớp nước dày; câm lặng, không giận dữ, không say mê, không muốn thế, không biết thế, không có lợi gì trong đó, cái trung tâm ác nghiệt của quả đất cứ cuốn hút họ. Hãi hùng, cứ thảnh thơi, quện lẫn với họ. Đây không còn là cái mõm toang hoác của ngọn nước, là cái hàm đôi của gió trời và sóng biển đe doạ một cách hung dữ, là cái nhếch miệng của con rồng lấy nước, là con sóng đòi ăn đang sùi bọt mép; dưới những con người khốn khổ kia, đây là cái miệng ngáp đen ngòm nào đó không biết của vô biên. Họ tự cảm thấy đang bước vào một nơi sâu thẳm thanh bình là cái chết. Phần mép thuyền con nhô lên trên mặt nước cứ mỏng dần, có thế thôi. Có thể tính được đến phút nào thì nó sẽ biến mất. Điều này trái ngược hẳn với lối nhận chìm của thuỷ triều. Nước không dâng lên phía họ, mà họ lại đi dần xuống nước. Việc đào mồ của họ do họ tiến hành. Trọng lượng của họ là người đào huyệt.
Họ bị hành quyết không phải bởi luật pháp của con người, mà vì qui luật của vạn vật.
Tuyết cứ rơi, và do mảng thuyền không chòng chành nữa, nên thứ xơ trắng xoá đó hình thành một lớp khăn trải trên sàn tàu và phủ kín thuyền như một tấm vải liệm.
Khoang thuyền ngày càng nặng. Không có cách nào khắc phục lỗ rò. Họ không có cả xẻng múc, vả lại nếu có cũng tạm bợ và không sử dụng được vì thuyền có boong. Phải tìm cách soi sáng; họ thắp ba bốn ngọn đuốc, cắm bừa vào những lỗ thủng, Galđizun mang đến mấy cái xô cũ bằng da; họ định múc cạn khoang thuyền và làm theo lối dây chuyền; nhưng xô không dùng được nữa, da chiếc này bục chỉ, đáy chiếc kia thủng lỗ, nên dọc đường nước chảy hết. Thế chênh lệch thật là hài hước, giữa phần nhận và chỗ trả, một tấn nước tuôn vào một cốc nước múc ra. Không có cách nào khác có hiệu quả. Một kiểu chi tiêu của anh chàng keo kiệt định một xu, xu một, tiêu xài cho hết một triệu.
Tên đầu đảng nói:
– Ta làm cho nhẹ bớt mảng đi.
Trong cơn bão họ có buộc mấy cái thùng trên boong. Chúng vẫn bị cột chặt vào chân cột buồm. Họ vội tháo bỏ dây và lăn số thùng xuống nước qua một chỗ vỡ của cạp thuyền. Trong số đó có một thùng của mụ người Baxcơ, mụ ta không nén được tiếng thở dài;
– Ôi! cái áo choàng mới, lót gấm đỏ của tôi! Ôi! mấy đôi bít tất đăng-ten bằng vỏ phong của tôi! Ôi! đôi hoa tai bằng bạc để tôi đi lễ thánh Đức Bà!
Sàn thuyền đã dọn sạch, còn cái buồng con. Ở đây rất ngổn ngang. Ta còn nhớ, nó chứa các thứ hành lý của hành khách và những balô của cánh thuỷ thủ.
Họ lôi hành lý ra và vứt hết các của đó qua chỗ mép thuyền vỡ.
Họ kéo balô lên và đẩy tất xuống đại dương.
Việc dọn quang cái buồng con thế là xong. Đèn, sà gỗ, thùng gỗ, bao bị, thùng chậu đựng nước ngọt, cái nồi đầy xúp, tất cả đều tung hê xuống nước hết. Họ vặn những đai ốc của cái lò sắt tắt ngấm từ lâu, họ tháo lò ra, lăn nó trên mặt sàn, kéo nó đến tận chỗ mép vỡ, vứt nó ra khỏi thuyền.
Họ quẳng xuống nước tất cả những gì có thể giành giật ra được của lớp ván lót, ván cạp, của dây chằng và của các thứ thuyền cụ bị giập vỡ.
Chốc chốc tên đầu đảng lại cầm một ngọn đuốc đưa qua đưa lại trên những con số chỉ mức nước, sơn ở mũi thuyền, để xem tai hoạ đã tới đâu rồi.
Chú thích:
[88] Pi-ê (pied): đơn vị chiều dài ngày xưa, là đơn vị foot của Pháp, bằng 0,32484m. Bên Anh 1 foot = 0,3048m

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.