Thời ấy, Luân Đôn chỉ có một cái cầu là cầu Luân Đôn, với một số nhà nằm trên. Cầu này nối liền Luân Đôn với Xaothuak, vùng ngoại ô lát bằng loại đá cuối sông Tami, gồm toàn phố nhỏ và ngõ hẹp, nhiều chỗ rất hẹp và cũng như trong thành phố, rất nhiều nhà cửa, chỗ ở và chòi gỗ, một thứ tạp nham dễ cháy làm mồi cho thần hỏa hoành hành. Năm 1666 đã chứng minh điều ấy.
Hồi bây giờ Xaothuak đọc là Xuđric; ngày nay người ta đọc thành Xuxuok, gần đúng. Vả lại cách đọc các tên Anh tốt nhất là chẳng đọc gì cả. Như Xaothamton thì cứ nói Stpntn.
Đấy là thời mà Satam được đọc là Giơtem[1].
Xaothuak thời ấy giống như Xaothuak ngày nay, cũng giống như Vôgira giống Macxây. Đó là một thị trấn; một thành phố. Tuy vậy, ở đấy giao thông đường biển cũng rất tấp nập. Trong một bức tường cũ khổng lồ trên sông Tami có gắn những khoanh sắt để buộc các loại tàu thuyền chạy trên sông. Bức tường ấy gọi là tường Epfrôc hay là Epfrôc-Xton. York, hồi còn thuộc Xăcxơ, tên là Epfrôc. Tục truyền có một vị công tước xứ Epfrôc chết đuối dưới chân bức tường ấy. Nước ở đấy quả tình khá sâu đối với một công tước. Lúc triều xuống vẫn còn sáu sải có dư. Cái bến nhỏ này tốt nên nó thu hút tầu thuyền đi biển và chiếc thuyền bầu cổ của Hà Lan, tức là chiếc Vôgrat, đến buộc tại Epfrôc-Xton. Thuyền Vôgrat, chạy thẳng một tuần một chuyến từ Luân Đôn đến Rôtecđam và từ Rôtecđam đến Luân Đôn. Các thuyền khác chạy hai chuyến một ngày, hoặc đi Depfor, hoặc đi Grinuyt, hoặc đi Grevơxen, tùy theo con nước lên xuống. Quãng đường đến Grevơxen, mặc dầu dài đến hai mươi hải lý, đi mất có sáu tiếng.
Thuyền Vôgrat thuộc kiểu ngày nay ta chỉ được thấy trong các viện bảo tàng hàng hải. Thứ thuyền bầu này gần giống chiếc đò. Thời đó, trong khi nước Pháp bắt chước Hylạp thì Hà Lan bắt chước Trung Quốc. Thuyền khoang rất kín, vuông góc, với một buồng sâu ở giữa thuyền và hai sàn tàu, một phía trước, một phía sau, có sàn thấp giống như những tàu sắt có tháp canh nhỏ ngày nay, nhờ vậy có điểm lợi là ít bị sóng đập lên thuyền những lúc gió to, và điểm bất tiện là thủy thủ dễ bị sóng hất xuống biển vì thiếu lan can. Không có gì ngăn giữ lại trên boong người sắp ngã. Vì vậy thường xảy ra tai nạn rơi xuống hiển và mất xác khiến phải bỏ loại thuyền ấy. Thuyền Vôgrat đi thẳng một mạch sang Hà Lan, và đến Grevơxen cũng không đỗ lại.
Một mép gờ bằng đá kiểu cổ, vừa bằng đá tảng vừa xây gạch, chạy dọc bên dưới Epfrôc-Xton, nước lên hay xuống cũng vẫn đi lại được, giúp cho việc lên xuống các tàu thuyền buộc vào tường được dễ dàng. Từng quãng, từng quãng, bức tường cũ lại có cầu thang cắt ngang. Nó đánh dấu mũi nam của Xaothuak. Một chỗ đắp cao cho phép người qua lại tì tay lên Epfrôc-Xton Như tì vào lan can bến tàu. Từ đó nhìn thấy sông Tami. Bên kia dòng nước, là hết Luân Đôn. Chỉ còn có đồng ruộng.
Phần trên Epfrôc – Xton, chỗ khuỷu sông Tami, gần đối diện với lâu đài Xanh Giêm, sau lưng Lambet- Haodơ, không xa con đường dạo chơi lúc ấy gọi là Focxhon[2], giữa một lò gốm làm đồ sứ và một lò thủy tinh làm chai vẽ hoa, có một bãi đất hoang cỏ mọc xanh um, ngày xưa ở Pháp gọi là đất trồng trọt, đường dạo chơi, và ở Anh gọi là bolinh-grin. Từ chữ bolinh-grin – thảm cỏ xanh để lăn một hòn cù, chúng ta có chữ bolinh- grin[3]. Ngày nay, trong nhà người ta vẫn có loại bãi cỏ như thế, có điều người ta đưa nó lên bàn, nó bằng dạ chứ không phải bằng cỏ xanh, và người ta gọi nó là bàn bi-a.
Vả lại không hiểu tại sao đã có từ bulova (hòn cù xanh), cũng vẫn là từ bolinh-grin. Kể cũng kỳ lạ, một nhân vật nghiêm trang như từ điển mà cũng có những khoản xa xỉ vô ích như vậy.
Bãi cỏ xanh của Xaothuak hồi ấy gọi là Tarinhzô-phin, vì trước thuộc các nam tước Haxtinh, vốn là nam tước Tarinhzô và Môsơlin. Từ tay lãnh chúa Haxtinh, Tarinhzô-phin chuyển sang tay lãnh chúa Tacaxtơ, những vị này đã khai thác nó trước mắt công chúng, cũng như về sau một công tước xứ Orlêăng đã khai thác Pale-Royan. Rồi sau đó Tarinhzô-phin trở thành đồng cỏ hoang và tài sản của giáo khu.
Tarinhzô-phin là một thứ bãi chợ phiên, thường xuyên, rộn ràng bọn ảo thuật, đi dây, múa rối, cánh nhạc sĩ sân khấu, và lúc nào cũng đầy dẫy bọn ngốc nghếch đến “nhìn quỉ sứ”, như ngài tổng giám mục Sacpơ vẫn nói. Nhìn quỉ sứ tức là đi.
Nhiều quán rượu, lấy khách từ các rạp hát chợ phiên ấy và cũng gửi khách đến đấy, nhìn ra cái bãi quanh năm hội hè kia mà phát đạt. Các quán rượu ấy chỉ là những cửa hàng nhỏ, ban ngày mới có người ở. Tối đến chủ quán đút chìa khóa vào túi quần và ra về. Có độc một quán là nhà hẳn hoi. Khắp cả bãi không có cái nhà nào khác, vì lều lán, chợ phiên luôn luôn có thể biến mất trong chốc lát; tất cả cánh làm trò kia chẳng có gì ràng buộc và lúc nào cũng lang thang. Dân nghề múa rối sống một cuộc đời mất gốc.
Quán rượu ấy có tên là quán Tacaxtơ, lấy tên các lãnh chúa cũ, giống nhà trọ hơn quán rượu, và giống lữ quán hơn nhà trọ, có một cửa cho xe ra vào và một cái sân khá rộng.
Cửa xe ra vào mở từ sân ra bãi chợ phiên là cửa chính thức của quán Tacaxtơ, và bên cạnh là một cái cửa phụ cho người ra vào. Phụ tức là ưa thích. Cái cửa thấp này là cửa ra vào duy nhất. Nó mở thẳng vào tiệm rượu, một cái nhà tồi tàn, thênh thang, ám khói, kê bàn, trần thấp lè tè. Tầng trên có một cửa sổ. Cửa lớn, có chốt có then cố định, lúc nào cũng đóng im ỉm. Phải đi qua tiệm rượu mới vào được sân.
Trong quán Tacaxtơ có một chủ và một tớ. Chủ tên Nicơlex, tớ tên Gôvicâm. Ông Nicơlex – chắc hẳn là Nicôla biến thành Nicơlex do lối phát âm của người Anh – là một lão goá vợ hà tiện, run rẩy, luôn luôn tôn trọng pháp luật. Thêm lông mày chổi sể và bàn tay lông lá.
Còn thằng bé mười bốn, chuyên bưng bê và hễ ai gọi Gôvicâm thì dạ, có một cái đầu to hay toe toét với một chiếc tạp dề. Nó húi trọc, dấu hiệu của phận tôi đòi.
Nó ngủ ngay tầng trệt, trong một buồng xép, nơi trước kia người ta nuôi chó. Buồng xép có một cái lỗ con thay cửa sổ nhìn ra bãi.
Chú thích:
[1] Giotem (Je t’s Aime): Anh yêu em hoặc Em yêu anh.
[2] Nguyên văn: Vauxhali: Cầu bê (ý nói cầu quán bán bê) vì focxhon (fox-hall) tiếng Anh là cầu chồn.
[3] Balling green. Bãi cỏ, bãi sân.