Thằng Cười

11. CAXKÊ



Đúng, đúng là ngọn hải đăng Caxkê.
Ở thế kỷ mười chín, hải đăng là một hình trụ, chóp xây bằng gạch, trên có máy chiếu sáng, hoàn toàn khoa học. Đặc biệt ngọn hải đăng Caxkê ngày nay gồm ba ngọn tháp màu trắng, đỡ ba cái lầu thắp sáng. Ba nhà lửa ấy xoay chuyển trên một hệ thống bánh xe đồng hồ chính xác đến mức người gác, quan sát hải đăng từ ngoài khơi, bao giờ cũng đi đúng mười bước trên boong tàu lúc đèn sáng và hai mươi lăm bước lúc đèn bị che khuất. Mặt phẳng giao tiêu và vòng xoay của cái trống bát giác gồm tám thấu kính đơn rộng nhiều ngấn và trên dưới lại có hai loạt vòng chiết quang được tính toán kỹ; hệ thống răng bảo đảm chống được gió biển bằng những lớp kính dầy một ly, tuy vậy có lúc vẫn bị vỡ vì chim ưng biển lao vào, đó là giống bướm to của những ngọn đèn khổng lồ kia. Ngôi nhà chứa đựng, chống đỡ và lắp gắn bộ máy kia cũng được tính toán rất kỹ. Mọi thứ ở đấy đều đơn giản, ăn khớp, trần trụi, chính xác, đâu vào đấy. Một ngọn hải đăng là một con số. Ở thế kỷ mười bảy, hải đăng như một chùm lông cắm trên đất liền bên bờ biển. Kiến trúc của một tháp hải đăng thật cầu kỳ tráng lệ. Chỗ nào cũng ban công, bao lơn, tháp nhỏ, hốc con, chuồng chim, hoa gió. Toàn là mặt quỷ, tượng người, hoa lá, trôn ốc, chạm nổi, tượng to, tượng nhỏ, vỏ đạn khắc chữ. Pax in belle[76] ngọn hải đăng Eđixton ghi thế. Nhân thể chúng ta cần nhận xét, lời tuyên bố hòa bình này không phải lúc nào cũng tước được vũ khí của biển cả. Uyxtanlê cũng nhắc lại lời ấy trên ngọn hải đăng do ông bỏ tiền ra xây ở một nơi rất hiểm nghèo, trước Playmơt. Tháp hải đăng làm xong ông đứng vào trong, cho bão táp thử nghiệm. Bão đến và cuốn mất ngọn hải đăng Uyxtanlê. Vả lại những công trình xây dựng quá đáng ấy là mục tiêu cho cuồng phong từ bốn phía giống như những tướng lĩnh lấp lánh huy chương ở trận tiền thu hút tên đạn vào thân. Ngoài những trò cầu kỳ về đá gạch, lại còn những kiểu cách bằng sắt, bằng đồng, bằng gỗ; các ổ khóa đều chạm trổ, kèo, xà đều nổi bật. Khắp nơi, ở mặt bên của ngọn hải đăng, nhô ra, gắn vào tường xen lẫn với những hình chạm trổ kiểu ả rập, đủ loại máy móc, có ích và bỏ đi như tời, pa lăng, ròng rọc, đối trọng, thang, cần cẩu, phao cứu. Trên đỉnh, xung quanh ngọn lửa, có những ổ khóa rất tinh vi đỡ những chân nến bằng sắt, trên đó cắm những khúc cáp dăm nhựa thông, đấy là những cái bấc cháy dai dẳng không một ngọn gió nào thổi tắt được.
Và từ trên xuống dưới tháp còn có thêm cờ biển, cờ hiệu, cờ lệnh, cờ nhỏ, cờ to, cờ đuôi nheo, leo dần từng cán cờ, từng tầng một, kết hợp tất cả các dấu hiệu, tất cả các kiểu ngang tàng nghịch ngợm, lên đến tận cái lồng ánh sáng của ngọn hải đăng và trong bão táp tạo thành một cuộc nổi loạn của giẻ rách xung quanh quang cảnh rực cháy kia. Sự trâng tráo ấy của ánh sáng bên bờ vực thẳm, giống như một thách thức, thúc giục những người đắm thuyền phải hăng hái liều lĩnh.
Những ngọn hải đăng Caxkê hoàn toàn không thuộc loại đó.
Thời kỳ ấy nó chỉ là một ngọn hải đăng già nua, man rợ, đúng như vua Hăngri đệ Nhất đã cho xây sau khi mất chiếc Blăngsơ Nep[77], một thứ dàn lửa cháy trong lưới sắt trên một hòn núi, một đống lửa hồng sau một rào sắt và một mái tóc lửa trong gió lộng.
Từ thế kỷ mười hai, việc bổ khuyết duy nhất cho ngọn hải đăng đó là một cái bễ lò rèn vận hành bằng một thứ dây móc sắt có tạ bằng đá, lắp thêm vào cái lồng lửa năm 1610.
Đối với những loại hải đăng cổ xưa ấy, trò phiêu lưu của chim biển bi đát hơn đối với những hải đăng hiện nay. Chim chóc xô tới, vì ánh sáng thu hút, lao vào và rơi xuống đống lửa hồng, người ta thấy chúng nhảy nhót qua những linh hồn đen tối dãy chết trong cái địa ngục đó; và đôi lúc chúng lại rơi ra ngoài cái lồng đỏ, rớt xuống núi đá, bốc khói, khập khiễng, mù lòa, như những con ruồi cháy dở bên ngoài một ngọn đèn.
Đối với một chiếc tàu đang lúc diễn tập, có đầy đủ thiết bị, và lại dễ vận dụng cho hoa tiêu thì hải đăng Caxkê không có tác dụng; nó quát to; coi chừng! Nó báo hiệu có đá ngầm. Đối với một chiếc tàu lâm nạn, nó chỉ gây khủng khiếp. Vỏ tàu, bị tê liệt và bất động, không có sức chống đỡ với sóng nước lồng lộn điên cuồng, không có tài tự vệ chống áp lực của gió, như cá không vây, như chim không cánh, chỉ còn biết lao đến nơi nào gió bão đẩy tới ngọn hải đăng chỉ cho nó thấy chốn tận cùng, báo hiệu cho nó nơi mất tích, soi sáng cho nó chỗ chôn vùi. Nó là ngọn nến trên phần mộ.
Soi sáng cánh cửa tàn khốc, báo trước điều không tránh khỏi, còn nước châm biếm nào bi dát hơn.
Chú thích:
[76] Hòa bình trong chiến tranh.
[77] Tên một chiếc tàu

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.