I. Trên bộ đôi này có Ann, nữ hoàng Anh quốc, nữ hoàng Anh là một người phụ nữ tầm thường. Bà vui vẻ, hào hiệp, oai nghiêm, hơi nửa vời. Không một tính tốt nào của bà đạt đến mức đức hạnh, cũng không một khuyết điểm nào của bà lại đạt đến mức tật xấu. Dáng bà đấy đà béo phị, óc tinh ranh của bà thô lỗ, lòng tử tế của bà ngu ngốc. Bà ngoan cố và nhu nhược. Là vợ thì bà thất tiết, vì bà có những vị sủng thần được bà trao gửi trái tim và một vương phu được bà dành chỗ trên giường. Là tín đồ Cơ đốc thì bà theo tà giáo và sùng đạo một cách ngu xuẩn. Bà cũng có được một nét đẹp là cái cổ lực lưỡng của một ả Niôbê. Phần còn lại trên người bà đều không đạt. Bà làm dáng hết sức vụng về, nhưng thẳng thắn. Nước da bà trắng, mịn, bà rất thích phô nó ra thật nhiều. Chính bà đã nghĩ ra cái kiểu quấn quanh cổ một chuỗi ngọc thật to, bà có vầng trán hẹp, cặp môi dâm đãng, đôi má phinh phính, hai mắt thô lố, cận thị. Bệnh cận thị của bà lan đến cả trí tuệ cửa bà. Ngoài điểm thỉnh thoảng loé lên đôi chút vui tính, hầu như cũng nặng nề như lúc bà nổi giận, bà thường sống trong một trạng thái gắt gỏng lầm lì, và thầm lặng cảu rảu. Bà thường bật ra những lời mà người ta phải phỏng đoán, Đúng là hình ảnh hỗn hợp của một người đàn bà hiền lành với một con quỷ cái độc ác. Bà rất thích điều bất ngờ điểm thầm kín của phụ nữ. Anh là một kiểu mẫu hơi thu nhỏ của Êvơ phổ biến. Thêm vào bức phác hoạ đó lại có vấn đề may rủi, cái ngai vàng. Bà thích uống rượu. Chồng bà là một người Đan mạch chính tống.
Bà thuộc Đảng Bảo thủ nhưng lại dùng những đảng viên Đảng Tự do để cai trị theo lối đàn bà, theo kiểu người điên. Bà thường có những cơn rồ dại. Bà đụng đâu vỡ đó. Không còn ai vụng về hơn về mặt điều khiển việc nước. Bà buông rơi các sự kiện. Toàn bộ đường lối chính trị của bà đều rạn nứt. Bà có cái tài từ những nguyên nhân nhỏ gây nên những tai hại lớn. Khi nào muốn ra oai, bà gọi đấy là “chơi pô-kơ”[152]
Bà nói với một vẻ mơ màng sâu sắc những câu như:
“Không một vị nguyên lão nào có thể đội mũ trước mặt nhà vua cả, trừ Cuôcxy, nam tước Kinxên, nguyên lão xứ Iêclăng. Bà bảo: “Chồng tôi mà không làm lãnh chúa đô đốc là một chuyện bất công, vì phụ thân tôi trước đã từng giữ chức vị đó “. Bà phong cho Giooc Đan Mạch làm đại đô đốc Anh quốc, “and of all Her Majesty’s Plantations” [153]. Lúc nào bà cũng toát bồ hôi vì bực mình; bà không phát biểu tư tưởng của mình, bà toát nó ra theo bồ hôi. Trong con ngỗng đó có con nhân sư (3 ý nói: trong con người ngốc nghếch ấy có con người bí hiểm).
Bà không bao giờ căm ghét fun, thứ trò nghịch ngợm không ai ưa đó. Giá bà có thể làm cho thần Apôlông gù lưng, hẳn bà cũng rất thích thú. Nhưng bà cũng vẫn để cho Apôlông làm thần. Vốn tốt bụng, lý tưởng của bà là không để cho ai thất vọng, bà làm phiền tất cả mọi người. Bà thường ăn nói sống sượng và hơn thế một chút, bà có thể văng tục như Êlizabet. Thỉnh thoảng bà móc cái túi đàn ông ở váy, lấy ra một cái hộp tròn tròn nho nhỏ bằng bạc chạm, trên có chân dung nhìn nghiêng của bà, giữa hai chữ Q.A[154]; bà mở hộp, khẽ dùng đầu ngón tay nhón một ít sáp, bôi lên môi cho đỏ Lúc ấy, nghĩa là sau khi đã làm dáng cho cái mồm, bà mới nhoẻn miệng cười. Bà rất thích ăn bánh quế zêlăng. Bà hãnh diện rằng mình béo tốt. Là tín đồ thanh giáo trên hết, nhưng bà lại rất ham mê các trò vui. Bà có ý định thành lập viện Hàn lâm âm nhạc, bắt chước theo Viện Hàn lâm nước Pháp. Năm 1700, một người Pháp tên là Fortơrôs muốn xây dựng ở Pari một “rạp xiếc Hoàng gia” tốn kém bơn mươi vạn livrơ, việc này bị Acgiăngxông phản đối; anh chàng Fortơrôs ấy liền sang Anh và đề nghị với nữ hoàng Anh xây dựng tại Luân đôn một nhà hát máy, đẹp hơn nhà hát của vua Pháp và có một tầng hạng tư ở dưới, việc này có lúc đã làm cho bà rất say sưa. Cũng như Luy XIV, bà thích cho xe song mã của mình phi nước đại.
Đôi khi cả ngựa xe và ngựa trạm của bà chỉ chạy mất không đầy hai tiếng mười lăm phút quãng đường từ Uynxô [155]đến Luân đôn.
II. Từ thời nữ hoàng Anh, mọi cuộc hội họp đều phải có giấy phép của hai vị thẩm phán hoà giải. Mười hai người tụ tập, dù chỉ để ăn sò huyết và uống bia, đã là chuyện phản nghịch rồi.
Dưới triều đại này, mặc dầu tương đối hiền lành, báo chí hạm đội hoạt động rất mạnh; một bằng chứng đáng buồn cho thấy rằng nước Anh là bầy tôi hơn là công dân. Từ nhiều thế kỷ, vua nước Anh vẫn lấy đó làm một công cụ chuyên chế phản đối tất cả các hiến chương cũ, về quyền miễn giảm, chỉ riêng nước Pháp phẫn uất và giành được phần thắng. Thắng lợi này có giảm sút chút ít, vì trước phong trào báo chí thuỷ thủ Anh, ở nước Pháp cũng có báo chí quân đội. Trong tất cả các thành phố lớn của nước Pháp, bất cứ người đàn ông khoẻ mạnh nào có công có việc đi ngoài phố đều có thể bị bọn dụ dỗ đẩy vào một cái nhà gọi là lò. Tại đây anh ta bị giam chung với nhiều người khác, số nào thích hợp với nghề lính thì bị bọn tuyển mộ chọn bán cho cánh sĩ quan.
Năm 1695 ở Pari có ba mươi lò.
Những điều luật chống Iêclăng do nữ hoàng Anh ban bố rất là hà khắc.
Anh sinh năm 1664, hai năm trước vụ cháy thành phố Luân Đôn, việc này các nhà chiêm tinh (thời ấy hãy còn, chứng cớ là Luy XIV sinh ra với sự chứng kiến của một nhà chiêm tinh và được quấn trong một lá số tử vi) đã tiên đoán rằng: vốn là “chị của lửa” bà sẽ làm nữ hoàng. Bà trở thành nữ hoàng thật, nhờ khoa chiêm tinh và cuộc cách mạng năm 1688, bà xấu hổ vì cha đỡ đầu chỉ là Gilbe, tổng giám mục Cantobêry. Ở nước Anh không thể làm con đỡ đầu của giáo hoàng nữa[156]. Một vị giáo trưởng cà khổ là một người cha đỡ đầu tầm thường.
Anh đành phải bằng lòng vậy. Đó là lỗi của bà. Ai bảo bà theo đạo Tin lành.
Nước Đan Mạch đã đền chữ Trinh cho bà, Virginitas empta[157], theo đúng các hiến chương cũ, bằng một món dự tặng[158] sáu nghìn hai trăm năm mươi livrơ xteclinh lợi tức lấy vào quản hạt Vacđinbua và vào đảo Femac.
Không tin tưởng và chỉ vì nếp cũ, Anh làm theo những truyền thống của Ghiêm. Dưới nền quân chủ nẩy sinh từ một cuộc cách mạng đó, người Anh có tất cả những gì có thể gọi là tự do giữ Tháp Luân đôn, nơi người ta tống giam nhà hùng biện, và đài bêu tù, nơi người ta treo cổ nhà văn. Anh cũng nói chút ít tiếng Đan mạch những lúc tâm sự với chồng, và chút ít tiếng Pháp những lúc nói chuyện với Bolinhbrôc. Hoàn toàn nói sai; nhưng nhất là ở trong triều, thời thượng của nước Anh đòi phải nói tiếng Pháp. Chỉ có tiếng Pháp mới có lời hay tiếng nhã. Anh rất quan tâm đến các thứ tiền, nhất là tiền đồng, thứ tiền hèn kém của thường dân; bà muốn được nổi tiếng ở đây. Sáu đồng facthinh đã được đúc dưới triều đại của bà, ở mặt trái của ba đồng đầu tiên, bà chỉ cho in một cái ngai; ở mặt trái đồng thứ tư bà muốn một cỗ xe chiến thắng, và ở mặt trái đồng thứ sáu một nữ thần tay cầm kiếm tay cầm cành ô-liu với dòng chữ Bello et pace[159]. Là con gái của Giăc đệ Nhị, một người ngây thơ và độc ác, nên bà thô bạo.
Nhưng đồng thời bà lại dịu dàng. Mâu thuẫn ngoài mặt thôi. Một cơn giận đủ làm thay đổi bà ngay. Cứ đun đường lên mà xem, nó khắc sôi sùng sục.
Anh được lòng dân. Nước Anh vốn thích đàn bà cai trị. Tại sao thế? Nước Pháp gạt bỏ đàn bà. Đó đã là một lý do. Có lẽ cũng chẳng có lý do nào khác nữa. Đối với các sử gia người Anh, Êlizabet tượng trưng sự vĩ đại, Ann tượng trưng lòng nhân đức. Tuỳ ý thôi. Cứ cho là thế.
Nhưng chẳng có gì tế nhị dưới những triều đại đàn bà ấy cả. Đường nét thật nặng nề. Đó là thứ vĩ đại kệch cỡm, loại nhân đức thô lỗ. Còn mặt đạo đức trong trắng của họ, nước Anh vẫn bảo vệ, chúng tôi không phản đối. Êlizabeth là một cô gái trinh được etxêc tiết chế bớt, còn Anh là một người vợ được Bohnhbrôc làm cho thêm phức tạp.
III. Các dân tộc có một thói quen ngu ngốc là gán việc mình làm cho vua. Họ chiến đấu. Vinh quang thuộc về ai? Về nhà vua. Họ trả tiền. Ai rộng rãi? Nhà vua. Thấy nhà vua bạc vàng đầy kho nhân dân lại thích. Nhà vua nhận của dân nghèo một ê-quy và trả lại cho dân nghèo một li-a[160]. Sao mà đức vua hào phóng thế! Người khổng lồ đứng làm bệ lại chiêm ngưỡng thằng lùn cưỡi trên vai mình. Sao mà thằng bé loắt choắt kia cao thế. Nó ở trên vai tôi. Thằng lùn thường có một cách thần tình để cao hơn người khổng lồ, là cưỡi lên vai anh ta. Nhưng người khổng lồ lại để mặc, thật là chuyện kỳ quặc; và khi anh ta thán phục sự cao lớn của thằng lùn thì đúng là chuyện ngu xuẩn. Con người vốn khờ dại thế đấy.
Tượng người cưỡi ngựa, chỉ dành riêng cho các bậc vua chúa, tượng trưng rất đúng vương quyền; con ngựa là nhân dân. Có điều con ngựa ấy thay hình đổi dạng từ từ. Mới đầu là một con lừa, cuối cùng là một con sư tử.
Lúc ấy nó hất người cưỡi nó xuống đất, thế là nước Anh có năm 1642, nước Pháp có năm 1789; nhiều khi nó còn nuốt sống cả kỵ sĩ, thế là nước Anh có năm 1649, nước Pháp có năm 1793[161].
Chuyện sư tử có thể trở lại thành lừa cũng lạ nhưng vẫn có. Việc này đã thấy ở nước Anh. Người ta đã nhận lại cái yên sùng bái nhà vua. Nữ hoàng Anh, như chúng tôi vừa nói, rất được lòng dân. Để được như thế bà đã là gì? Chẳng là gì hết, đấy là tất cả những gì người ta đòi hỏi ở vua nước Anh. Với cái nhiệm vụ không làm gì đó, mỗi năm nhà vua nhận quãng ba mươi triệu. Nước Anh dưới triều đại Êlizabet chỉ có mười ba tàu chiến và ba mươi sáu dưới triều đại Giăc đệ Nhị, thì năm 1705 có một trăm năm mươi tàu. Người Anh có ba đạo quân, năm nghìn người ở Catalôn, một vạn ở Bồ Đào Nha, năm vạn ở Flăng-đrơ, ngoài ra mỗi năm họ còn chi bốn mươi triệu cho châu Âu quân chủ và ngoại giao, một thứ gái đĩ mà nhân dân Anh luôn luôn phải bao dưỡng. Nghị viện đã biểu quyết một khoản công trái yêu nước ba mươi bốn triệu lợi tức suốt đời, cho nên người ta đã đổ xô tới bộ tài chính để đặt mua. Nước Anh phái một hạm đội sang Ấn độ[162] và hạm đội sang các bờ biển Tây Ban Nha với thuỷ sư đô đốc Likơ, không kể một hạm đội dự bị bốn trăm buồm dưới quyền thuỷ sư đô đốc Sônen.
Nước Anh vừa hợp nhất với Êcôx. Lúc ấy đang thời kỳ giữa Hôtxtet và Ramidi, chiến công nọ cho thấy thấp thoáng chiến công kia. Trong mẻ lưới Hôtxtet ấy nước Anh đã bắt làm tù bình hai mươi bảy tiểu đoàn, bốn trung đoàn long binh, và cắt mất một trăm dặm đất của nước Pháp rút chạy cuống cuồng từ sông Đanuyp, đến sông Ranh. Nước Anh vươn bàn tay về phía đảo Xác-đen[163] và quần đảo Balêa[164], đắc thắng dẫn về các hải cảng của mình mười thiết giáp hạm Tây Ban Nha và vô số tàu vận tải đầy ắp vàng bạc. Vịnh và eo biển Uytxân[165] đã được Luy XIV nhả ra nửa chừng; người ta cảm thấy ông cũng sắp nhả Acađi, Xanh Crixtroph và Tân Địa, và nếu nước Anh tha thứ, để cho vua nước Pháp đánh cá thu tại ngũ Brơtan[166] thì ông đã sung sướng quá rồi.
Nước Anh sắp buộc ông phải chịu cái nhục chính mình phải triệt phá những thành lũy ở Đoongkec[167]. Trong khi chờ đợi, nó đã lấy xong Gibranta[168] và đang chiếm Baxơlon[169] biết bao nhiêu việc lớn đã hoàn thành.
Làm sao mà không ca tụng nữ hoàng Anh, người đã chịu khó sống trong thời kỳ đó?
Về một phương diện nào đấy, triều đại Ann như phản ánh của triều đại Luy XIV. Một lúc được đứng song song với vị vua này, trong cuộc gặp gỡ mà người ta vẫn gọi là lịch sử, Ann mơ hồ giống ông ta như bóng với hình. Cũng như Luy XIV, bà chơi trò triều đại lớn; bà ta cũng có những công trình bất hủ của mình, nghệ thuật của mình, chiến công của mình, tướng lĩnh của mình, nhà văn của mình, quỹ riêng của mình để trợ cấp cho những nhân vật danh tiếng, phòng trưng bày kiệt tác bên cạnh mình. Triều đình của bà cũng có đủ nghi trượng và một vẻ ngoài chiến thắng, một vương huy và một hành khúc. Đúng làm một hình ảnh thu nhỏ của tất cả những vĩ nhân Vécxai[170]. Cũng có bức tranh nhìn xa như thật; nên thêm vào đó bài God save the queen[171] có thể gán bài này cho Lulli[172] và toàn bài khiến người ta thấy như thế. Không thiếu một nhân vật nào. Crixtôp Wren là một Măngxa rất tầm thường: Xômơc có thể ví với Lamoanhông. Anh có một Raxin là Đraiđơn, một Boalô là Pôpơ, một Cônbe là Gôđơnphin, một Luvoa là Pembrôk, và một Tuyren là Macbrô. Tuy nhiên cứ làm to những bộ tóc giả lên, và thu hẹp các vầng trán lại.
Toàn bộ đều trang nghiêm tráng lệ, và Uynxo lúc ấy hầu như có cái vẻ giả tạo của Macly. Nhưng tất cả đều mang tính chất đàn bà, và cha Tenliê của Ann tên là Xara Gieninh. Vả lại, lối nói mỉa mai, bóng gió mà năm mươi năm sau sẽ thành triết lý, bắt đầu chớm nảy nở trong văn học, và anh chàng Tactuyp theo đạo Tin lành bị Xuypt lột mặt nạ, cũng như anh chàng Tactuyp theo đạo thiên chúa đã bị Môlie tố giác. Mặc dầu thời kỳ ấy nước Anh gây sự và đánh nhau với nước Pháp, nó vẫn bắt chước nước Pháp và lấy nước Pháp soi sáng cho mình; cái mà ta nhìn thấy ở mặt tiền nước Anh chính là ánh sáng của nước Pháp. Tiếc thay triều đại Ann chỉ tồn tại có mười hai năm, nếu không, chẳng phải yêu cầu, người Anh cũng đã gọi thế kỷ của Ann như chúng ta gọi thế kỷ của Luy XIV. Ann xuất hiện năm 1702, khi mà Luy XIV suy tàn. Cũng là một trong những điều hiếm có trong lịch sử khi giờ mọc của ngôi sao mờ này lại trùng hợp với lúc tinh cầu đỏ rực lặn xuống, và đúng dịp nước Pháp có vua Mặt trời thì nước Anh cũng có nữ hoàng Mặt trăng. Một chi tiết cần ghi nhớ. Luy XIV, mặc dầu người ta đang gây chiến chống ông ta, lại rất được thán phục ở nước Anh. Người Anh thường nói: Đó là vì vua cần cho nước Pháp.
Kể cũng phức tạp, người Anh yêu chuộng tự do của họ nhưng phần nào lại chịu làm nô lệ người khác. Lòng hào hiệp này đối với những xiềng xích trói buộc người láng giềng đôi khi còn đi đến chỗ sùng bái cả ông vua chuyên chế bên cạnh.
Nói tóm lại, Anh đã làm cho dân tộc mình hạnh phúc, như lời nói được nhắc đến ba mươi lần với một lối nhấn mạnh rất duyên dáng, ở các trang 6 và 9 trong lời đề tặng, và trang 3 trong lời tựa, của dịch giả người Pháp khi dịch cuốn sách của Bivơren.
IV. Nữ hoàng Anh hơi ác cảm với nữ công tước Giôzian vì hai lý do.
Thứ nhất, vì bà thấy nữ công tước Giôzian đẹp.
Thứ hai, vì bà thấy chồng chưa cưới của nữ công tước đẹp. Hai lý do là đủ để cho một phụ nữ ghen tuông; một thôi cũng đủ cho một nữ hoàng.
Nên thêm điểm này. Bà ác cảm với Giôzian vì cô nàng là em bà.
Ann không thích đàn bà mà lại đẹp. Bà cho điều ấy trái ngược với phong tục.
Về phần mình, bà xấu.
Không phải vì bà muốn.
Một phần đạo giáo của bà do cái nét xấu này đưa đến.
Giôzian vừa đẹp vừa hay triết lý, khiến cho nữ hoàng khó chịu.
Đối với một nữ hoàng xấu thì một nữ công tước đẹp không phải là một người em gái đáng yêu.
Có một chuyện không vừa ý khác, là nguồn gốc improper[173] của Giôzian.
Ann vốn là con của Ann Haiđơ, một phu nhân bình thường được Giăc đệ Nhị cưới làm vợ, một cách hợp pháp, nhưng đáng bực, cưới khi ông còn là công tước York[174]. Do mang dòng máu thấp hèn đó trong huyết quản, Ann tự cảm thấy mình chỉ tổn thất có một nửa.
Còn Giôzian, ra đời hoàn toàn không bình thường, lại làm nổi bật thêm mặt thiếu sót, nhỏ hơn, nhưng thực sự về nguồn gốc của nữ hoàng. Người con gái do cuộc hôn nhân thiếu đăng đối không được vui khi nhìn thấy, không xa mình lắm, người con gái do đẻ hoang mà có, ở điểm này có một chỗ giống nhau làm xúc phạm, Giôzian có quyền nói với Ann: mẹ tôi cũng chẳng kém gì mẹ chị.
Ở triều đình chẳng có ai nói tới chuyện đó, nhưng tất nhiên người ta vẫn nghĩ đến. Thật bực mình cho vương uy. Tại sao lại có cái con Giôzian ấy? Nó có ý gì mà lại sinh ra? Cần gì phải thêm một Giôzian? Ở đời có những quan hệ họ hàng làm giảm sút thanh danh uy tín của mình.
Tuy vậy Ann vẫn làm ra mặt vui vẻ với Giôzian.
Có lẽ bà cũng yêu quí cô nàng ấy, nếu cô nàng không phải em bà.
Chú thích:
[152] Pôkơ (Poker): bài tây có 52 con.
[153] Nguyên văn tiếng Anh: “Và của tất cả các trang ấp của nhà vua”.
[154] Hai chữ đầu của Queen Ann (tiếng Anh) có nghĩa là Nữ hoàng Anh.
[155] Uynxô (Windsor): lâu đài của các vua Anh; từ ngày 17- 7-1917 vua Anh lấy tên Windsor làm tên của dòng vua hiện tại: Maison de Windsor (trước gọi là Maison de Hanewe).
[156] vì nữ-hoàng Êlizabet đã tuyên bố ly khai với giáo hội La mã, thành lập giáo phái Anh quốc.
[157] Chữ Trinh được thương nghị
[158] Tiền của chồng khi chết để lại cho vợ.
[159] Thời chiến cũng như thời bình.
[160] ( Ê-quy (Ecu) là thứ tiền quý bằng vàng, còn li-a (hard) là thứ tiền đồng, giá chỉ bằng một phần tư xu.
[161] 1642. 1649, 1789, 1793 là những năm có phong trào cách mạng ở Anh và ở Pháp.
[162] Đông ấn (Indes onentale) tức Inđônêxya.
[163] Xacđen (sardaigne): đảo lớn của ý. ở Địa Trung Hải.
[164] Balêa (Baléares): quần đảo Tây Ban Nha ở phía tây Địa Trung Hải.
[165] Uytxân (Hudson): ở Bắc Mỹ, lúc bấy giờ thuộc Pháp,nay thuộc Canađa.
[166] Brơtan (Bretagne): một miền ở phía tây bắc nước Pháp.
[167] Đoongkec (Dunkerque): quân cảng lớn ở phía bắc nước Pháp
[168] Gibranta (Gibraltar): quân cảng chiến lược quan trọng, ở cực nam Tây Ban Nha, án ngữ cửa vào Địa Trung Hải.
[169] Bacxơlon (Barcelone): hải cảng lớn của Tây Ban Nha.
[170] Vecxai (Versailles): cung điện gần Pari của Pháp. Đây ám chỉ các danh nhân của triều đình nước Pháp thời Luy XIV.
[171] Tên bài quốc ca nước Anh: Xin Chúa cứu giúp nữ hoàng.
[172] Lulli (1632-/687): nhà soạn nhạc của Luy XIV.
[173] Improper (tiếng Anh): không thích đáng, không xứng hợp.
[174] Từ thế kỷ 16. danh hiệu công tước York dành cho các con thứ của vua nước Anh.