Hộp Xanh, người ta vừa nhận ra nó, đã đến Luân Đôn. Nó dừng lại ở Xaothuak. Uyêcxuyt bị cái bãi cỏ lôi cuốn, bãi có điểm đặc biệt là ở chợ phiên không bao giờ vắng người, kể cả mùa đông.
Được nhìn cái mái tròn của nhà thờ Thánh Pôn, Uyêcxuyt đã thấy thú vị rồi.
Luân Đôn nói chung là một thành phố có mặt hay.
Việc hiến dâng một ngôi nhà thờ lớn cho Thánh Pôn biểu thị một hành vi dũng cảm. Ngôi nhà thờ lớn thật sự thiêng liêng là nhà thờ Thánh Pie. Người ta ngờ Thánh Pôn có tính chất tưởng tượng, mà về mặt tôn giáo, tưởng tượng tức là tà giáo. Thánh Pôn chỉ là thánh trong trường hợp giảm khinh thôi, ông chỉ bước vào cõi đời qua cái cửa của các hoạ sĩ.
Một toà nhà thờ lớn là một biểu tượng. Nhà thờ Thánh Pie tượng trưng cho La Mã, thành phố giáo lý; nhà thờ Thánh Pôn mang dấu hiệu Luân Đôn, thành phố của ly giáo. Triết lý của Uyêcxuyt có những cánh tay dài đến nỗi nó chứa đựng tất cả mọi thứ, ông là người biết đánh giá những điểm khác biệt ấy, vả Luân Đôn quyến rũ ông có lẽ phần nào cũng do ông thích thánh Pôn.
Cái sân lớn của Tacaxtơ đã khiến Uyêcxuyt quyết định việc lựa chọn. Hình như cái sân này đã được dự kiến dành cho Hộp Xanh; quả là một rạp hát hoàn chỉnh. Sân hình vuông, ba mặt có nhà xây, với một bức tường đối diện có các tầng lầu, lấy chỗ cho Hộp Xanh dựa lưng, lại thêm cái cổng xe rộng thênh thang làm cửa ra vào. Một dãy ban-công to hằng gỗ, có mái che do một hàng cột đỡ, dùng làm chỗ đi lại cho những phòng tầng một, áp vào ba bức vách của mặt tiền bên trong sân, với hai góc thước thợ. Các cửa sổ tầng trệt dùng làm hạng lô[9], dưới nhà, nền sân là hạng trước mặt sân khấu, và dãy bao lơn là ban-công.
Hộp xanh, xếp sát vào bức tường, có cả cái phòng xem hát ấy trước mặt. Giống hệt rạp Quả Cầu, nơi đã diễn Ôtenlô, Vua Lia và Bão táp.
Trong một góc, phía sau Hộp Xanh, có một chuồng ngựa.
Uyêcxuyt đã đàn xếp với ông chủ quán rượu là ông Nicơlex.
Vì tôn trọng luật pháp, ông này đồng ý nhận con sói nhưng phải trả đắt hơn. Cái bảng “Guynplên, Thằng Cười”, tháo ở Hộp Xanh ra, được treo cạnh tấm bảng quán rượu. Phòng bán rượu, như ta đã biết, có một cửa trong mở ra sân. Bên cạnh cái cửa ấy, người ta đã dùng một thùng rượu rỗng ứng tạo thành một chỗ ngồi cho “cô thu tiền ” lúc là Fipi, lúc là Vinơx. Giống như ngày nay. Vào cửa phải trả tiền. Dưới cái bảng “Thằng Cười”, một tấm ván sơn trắng, treo vào hai cái đinh, có dòng chữ to viết bằng than, nhan đề vở kịch lớn của Uyêcxuyt: Hồng hoang chiến bại.
Chính giữa ban-công, ngay trước mặt Hộp Xanh, một phòng có vách chắn hai bên, ra vào bằng một cửa sổ sát đất dành riêng cho “giới quý tộc”.
Phòng này cũng khá rộng nên có thể chứa được mười khán giả, ngồi thành hai hàng.
– Chúng ta đang ở Luôn Đôn – Uyêcxuyt nói. – Phải phòng khi có khách quí.
Ông cho trang hoàng khoang “lô” này với những ghế tốt nhất của quán rượu, và đặt ở giữa, một chiếc ghế bành to bọc nhung, núm vàng hoa mận, phòng khi có một pháp quan phu nhân nào đó đến.
Buổi trình diễn đã bắt đầu.
Lập tức quần chúng kéo tới.
Nhưng khoang dành cho quí tộc vẫn bỏ trống.
Trừ điểm ấy ra, kết quả thật mỹ mãn, đến nỗi trong nghề xiếc rong chưa bao giờ thấy được như vậy. Toàn thể Xoathuak đổ tới để ngưỡng mộ Thằng Cười.
Dân hề và múa rối ở cánh đồng Tarinhzô hốt hoảng vì Guynplên. Ấn tượng như lúc một con diều hâu sà xuống một lồng vàng anh và mổ vào cong thức ăn của chúng, Guynplên ngốn hết công chúng của họ.
Ngoài lớp linh tinh: nuốt gươm, nhăn mặt, trên bãi cỏ còn có trò vui thật sự. Có một rạp xiếc toàn đàn bà ầm ĩ suốt từ sáng đến tối vang rộn đủ loại khí cụ, nào trống, nào chuông, nào sáo, nào kèn mục tử, nào tù và Đức, tù và Anh, sáo ngang, sáo dọc. Trong một mái lều rộng, có những người nhảy nhót mà những tay chạy giỏi của chúng ta hiện nay ở Pirênê, Duynma, Bordonavô và Mêlôga cũng không theo kịp, những người này nhảy từ đỉnh Picrơphit xuống đồi Limaxông, nghĩa là gần như rơi xuống. Có một chuồng thú rong. Ở đây khán giả được thấy hổ ăn: con hổ bị người luyện thú quất, cố táp lấy cái roi và nuốt cái dây. Tên hề có mõm và móng vuốt ấy cũng bị át nết.
Lòng hiếu kỳ, tiếng vỗ tay, tiến vào cửa, quần chúng. Thằng Cười thu hút hết. Trong nháy mắt là xong. Chỉ có Hộp Xanh.
– Hồng hoang chiến bại và hồng hoang chiến thắng – Uyêcxuyt nói, tự xem mình có nửa phần trong thành công của Guynplên và kéo khăn bàn về mình, nói theo ngôn ngữ kép hát. Thành công của Guynplên thật là kỳ diệu, tuy nhiên nó vẫn mang tính chất địa phương. Lội qua nước là điều khó khăn đối với một danh tiếng. Tên tuổi của Secxpia phải một trăm ba mươi năm mới từ đất Anh vượt đến đất Pháp; nước là một bức tường thành và nếu Vonte không làm thang cho Secxpia trèo, điều mà về sau ông ta rất tiếc, Secxpia vẫn còn ở bên kia bức tường, bên Anh, giam hãm là một vòng vinh quang trên đảo.
Vinh quang của Guynplên không vượt qua khỏi cầu Luân Đôn. Nó không có tầm cỡ một tiếng vang của đô thành lớn, ít ra là trong buổi đầu. Nhưng Xaothuak có thể cũng đủ thoả mãn tham vọng của một anh hề.
Uyêcxuyt thường nói: “Túi tiền thu nhập cũng như một cô gái sai lầm, cứ phình mãi lên trông thấy”.
Họ trình diễn Uyêcxuyt Ruyêxuyt rồi Hồng hoang chiến bại.
Trong giờ nghỉ Uyêcxuyt chứng minh tài nói bằng bụng và thực hành tài nói tiếng bụng cao siêu của mình; ông bắt chước mọi thứ tiếng trong đám khán giả, tiếng hát, tiếng kêu, giống đến mức chính người hát và người kêu cũng phải kinh ngạc; đôi khi ông bắt chước tiếng ồn ào của công chúng và thở phì phò y như một mình ông là đám đông. Tài nghệ thật phi thường.
Ngoài ra, ta vừa thấy xong, ông có tài diễn thuyết như Xixêrông[10] và còn bán các thứ thuốc, chăm sóc các loại bệnh, chữa chạy bệnh nhân nữa.
Xaothuak say sưa mê mẩn.
Uyêcxuyt thoả mãn được Xaothuak hoan nghênh, nhưng ông không vì thế mà ngạc nhiên.
Họ là những tơrinôbăng ngày xưa – Ông nói và tiếp thêm:
– Ta không hề lẫn lộn họ, về mặt tế nhị của thị hiếu, với những atơrôbat cư trú ở Becxơ, với người Bỉ sống ở Xômôcxet và người Pari đã thành lập York. Buổi diễn nào, sân quán rượu, biến thành hạng dưới nhà, cũng chật ních khán giả rách rưới và nhiệt tình.
Họ là những dân chèo thuyền, phu kiệu, thợ đóng tàu, xà ích trên sông, thủy thủ mới lên bờ đem tiền lương nướng vào chè chén và gái đĩ. Có bọn đầy tớ đeo kiếm, bọn ăn chơi phóng đãng và bọn thị vệ đen tức là bọn lính bị phạt về tội kỷ luật, phải mặc áo đỏ lộn lót đen ra ngoài và vì thế mà có tên blekgac từ đó chúng ta biến thành blagơ[11]. Tất cả đám người ấy, từ ngoài đường và vào rạp hát lại đổ xô vào phòng giải khát. Những vại bia không làm hại đến thành công. Trong số quần chúng mà người ta quen gọi là “cặn bã” ấy, có một anh chàng cao hơn cả, to hơn, khoẻ hơn, ít nghèo hèn hơn, vai vuông hơn, ăn mặc như thường dân, nhưng không rách rưới; anh ta hoan hô hết sức ồn ào, chen chỗ bằng quả đấm, đầu đội bộ tóc giả bù xù như quỉ sứ luôn mồm chửi rủa, gào hét, giễu cợt, không chút bẩn thỉu, và cần thì đấm người ta sưng mắt và bỏ tiền ra thết rượu.
Anh chàng quen thuộc ấy là khách qua đường mà ban nãy ta vừa nghe thốt lên câu nói đầy nhiệt tình.
Con người sành sỏi ấy bị mê hoặc ngay từ phút đầu đã tức khắc tán thưởng Thằng Cười. Không phải buổi biểu diễn nào anh ta cũng đến xem. Nhưng lần nào đến là anh ta trở thành nhân vật lôi cuốn công chúng[12]: hoan nghênh biến thành hò hét: thành công lên đến không phải đình màn sân khấu vì không có đình màn mà tận chín tầng mây. Mà cả đến mây xanh, vì không có trần, đôi khi cũng còn đổ mưa xuống kiệt tác của Uyêcxuyt.
Đến nỗi Uyêcxuyt phải để ý tới con người kia và Guynplên phải nhìn y.
Thật là một người bạn không quen biết đáng hãnh diện!
Uyêcxuyt và Guynplên muốn tìm hiểu anh ta, hay ít nhất biết anh ta là ai. Một tối nọ, đứng ở hậu trường, tức là chỗ cửa bếp của Hộp Xanh. Uyêcxuyt tình cờ gặp ông chủ quán Nicơlex bên cạnh, liền chỉ cho ông ta con người đứng lẫn trong đám đông và hỏi:
– Ông quen người kia chứ
– Tất nhiên.
– Ai thế
– Một tay thủy thu
– Y tên gì? – Guynplên xen vào.
– Tom-Jim-Jack – người chủ quán đáp.
Rồi vừa bước xuống bậc thang phía sau Hộp Xanh để trở vào quán rượu, ông Nicơlex vừa buông ra ý nghĩ vô cùng sắc sau đây:
– Tiếc rằng hắn ta không phải huân tước! Hắn có thể là một tên vô lại trứ danh.
Vả lại, tuy đóng trong một lữ quán, nhóm Hộp Xanh vẫn không thay đổi tập quán và vẫn duy trì tính chất biệt lập của mình. Ngoài dăm ba lời trao đổi đây đó với ông chủ quán, họ không hề quan hệ với những người thường xuyên hoặc vãng lai. Ở trong quán trọ, và họ tiếp tục chỉ sống riêng với nhau.
Từ ngày đến Xaothuak, sau buổi biểu diễn, sau bữa ăn của ngựa, trong khi Uyêcxuyt và Đêa ngủ mỗi người một nơi, Guynplên có thói quen hít thở khí trời một tí ngoài bãi cỏ giữa quãng mười một giờ và nửa đêm. Một làn sóng nào đó trong đầu óc thúc đẩy con người dạo chơi đêm và thơ thẩn dưới trời cao; tuổi thanh xuân là một giai đoạn đợi chờ bí mật, vì vậy người ta thích đi bách bộ ban đêm, không mục đích. Vào giờ ấy, không còn người nào trên bãi chợ phiên nữa, cùng lắm chỉ có một vài ba anh say rượu loạng choạng, thấp thoáng lảo đảo trong các xó tối; các tiệm rượu rỗng đóng cửa, căn phòng thấp của quán Tacaxtơ tắt đèn, chỉ để lại trong góc nào đó một ngọn nến cuối cùng, soi sáng cho con sâu rượu cuối cùng, một ánh sáng tù mù lọt qua khung cửa quán rượu mở hé. Guynplên tư lự, thoả mãn, nghĩ vẩn vơ, sung sướng trước một niềm hạnh phúc thần tiên còn mờ mịt, đi đi lại lại trước cánh cửa mở hé đó. Nó đang nghĩ gì? Đến Đêa, chẳng đến gì hết, đến tất cả, đến những nơi sau thẳm. ít khi nó đi xa quán rượu, nó thấy đi vài bước ra ngoài thế là đủ.
Rồi nó lại quay về, thấy toàn thể Hộp Xanh ngủ say và nó cũng đi ngủ.
Chú thích:
[9] Tức là hạng có vách ngăn có độ bốn, năm chỗ ngồi.
[10] Xixêrông (Cicéron 106-43 trước công nguyên- nhà hùng bên cổ La mã.
[11] Blekgac (Blackguard) – tiếng Anh nghĩa tà thị vệ đen, bia gơ (blagueur) – tiếng Pháp nghĩa là cánh ba hoa.
[12] Nguyên văn trailler – tiếng Anh.