Toàn bộ nghi lễ nhận chức của Guynplên, từ khi bước qua cổng Hoàng cung cho đến lúc tuyên thệ tại giao điểm lồng kính, đều diễn ra trong một cảnh tranh tối tranh sáng.
Huân tước Uynliam Caopơ nhất thiết không cho phép cung cấp cho mình, tể tướng Anh quốc, những chi tiết quá rõ ràng về việc biến dạng của vị huân tước trẻ Fecnên Clăngsacli; ông cho rằng cương vị của ông đâu phải để biết việc một nguyên lão không được đẹp mã, và ông cảm thấy mình sút kém uy thế khi một cấp dưới dám cả gan đưa đến cho mình những tin tức loại đó.
Chắc chắn một thường dân rất thích thú khi nói: hoàng thân ấy gù lưng. Vậy thì dị dạng đối với một huân tước là một chuyện xúc phạm. Khi nữ hoàng vừa nói với ông mấy lời, huân tước tể tướng chỉ đáp: Lãnh chúa bao giờ cũng có bộ mặt lãnh chúa. Trên những bản khẩu cung mà chắc ông phải kiểm tra và chứng nhận, ông đã hiểu đại khái. Do đó có những việc phải đề phòng.
Bộ mặt của vị tân huân tước có thể, lúc vị này bước vào nghị viện, gây đôi chút xôn xao. Cần phải ngăn ngừa việc đó. Huân tước tể tướng đã đề ra một số biện pháp. Hết sức ít sự kiện, đó là ý nghĩ bất di bất dịch và phương châm hành động của nhưng nhân vật đúng đắn. Tính chất trang nghiêm rất ghét những chuyện rắc rối. Cần làm sao để việc chấp nhận Guynplên không gặp trở ngại, cũng như việc thừa nhận bất cứ một người thừa kế tước nguyên lão nào khác.
Vì vậy mà huân tước tể tướng đã ấn định việc đón tiếp huân tước Fecmên Clăngsacli vào một phiên họp tối. Tể tướng vốn là người gác cửa, Quodammodo ostiar- ius[155] như các hiến chương Normăngđi nói, Januarum cancellorumque potestasm[156] như Tectuyhêng nói, ông có thể cử hành nghi lễ bên ngoài nghị viện, trên ngưỡng cửa, và huân tước Uulia Caopơ đã sử dụng quyền hạn của mình khi thực hiện tại giao điểm lồng kính những thủ tục gia phong cho huân tước Fecmên Clăngsacli. Hơn nữa, ông còn tiến hành trước giờ, để vị tân nguyên lão bước vào nghị viện trước cả lúc khai mạc phiên họp.
Còn việc gia phong cho một nguyên lão ở ngưỡng cửa, và bên ngoài nghị viện nữa, thì đã có những tiền lệ. Vì nam tước thế tập đầu tiên sáng tạo theo chập chiếu chứng thư, là Gion Đơ Bôsăng, Đơ Honcatxơn, do Risac đệ Nhị phong năm 1387, nam tước Đơ Kitđeminxtơ, đã được đón tiếp theo cách ấy. Vả lại tái diễn tiền lệ này, huân tước tể tướng tự tạo cho chính mình một vấn đề khó xử làm trở ngại cho ông không đầy hai năm sau, lúc tử tước Niuhêvân được vào nghị viện nguyên lão.
Cận thị, như chúng tôi đã nói, huân tước Uyliam Cao pơ chỉ trông thấy lờ mờ vẻ dị dạng của Guynplên; hai vị huân tước đỡ dầu thì chẳng thấy tí gì. Đây là hai ông già gần như mù.
Huân tước tể tướng đã dụng tâm chọn họ.
Hơn thế nữa, huân tước tể tướng vì chỉ nhìn thấy tầm vóc và phong thái đường hoàng của Guynplên, còn nhận xét Guynplên có “bộ mặt rất khả quan”.
Chúng tôi xin thêm rằng Backinphêdrô, vốn là một tên gian hùng, am hiểu tường tận và quyết tâm phải thành công trong âm mưu của mình, nên trong các công văn của hắn, trước mặt huân tước tể tướng đã phần nào giảm nhẹ chuyện dị dạng của huân tước Fecmên Clăngsacli, bằng cách nhấn mạnh chi tiết Guynplên có thể tùy tiện bỏ hẳn vẻ cười và làm cho bộ mặt méo mó trở lại nghiêm nghị. Có thể Backinphêđrô còn phóng đại thêm khả năng đó nữa. Vả lại, về phương diện quý tộc, việc ấy có hề gì? Uynliam Caopơ chẳng phải là luật gia tác giả câu châm ngôn này sao: ở nước Anh việc phục hồi một vị nguyên lão còn quan trọng hơn việc phục hồi một nhà vua? Tất nhiên vẻ đẹp và phẩm cách con người không thể tách rời nhau, thật bực mình khi một huân tước bị giả mạo, và đây là một sự lăng nhục của tình cờ; nhưng chúng ta cần nhấn mạnh điểm đó, việc ấy có giảm bớt gì về quyền lợi? Huân tước tể tướng đã có ý đề phòng, như vậy là đúng, nhưng nói chung đụng hay không thì ai có thể ngăn cấm một vị nguyên lão bước vào nghị viện nguyên lão? Giới quý tộc và vương quyền lại không cao hơn cả sự dị dạng và sự tàn tật hay sao?
Trong cái gia đình đã tàn tạ năm 1347, của dòng họ Cunin ngày xưa, các bá tước Đơ Busăng, chẳng phải cũng có một tiếng kêu dã thú di truyền như bản thân tước thế khanh sao, đến nỗi cứ nghe tiếng rống là người ta nhận ra các nguyên lão xứ Êcôx. Những vết máu ghê tởm trên mặt có ngăn cản Xêđa Borgya làm công tước Đơ Valăngtinoa không? Đôi mắt mù có ngăn cản Giăng Đơ Luyxemhua làm vua xứ Bôêm không? Cái lưng gù có ngăn cản Risac đệ Tam làm vua nước Anh không? Xét kỹ thực chất sự việc, tàn tật và vẻ xấu mà được chấp nhận một cách dửng dưng cao đạo, không những không phản đối tính chất cao quý: mà còn khẳng định và chứng minh nó nữa. Giới quí tộc có một ánh sáng uy nghiêm mà dị dạng không thể nào làm lu mờ. Đó là một mặt khác của vấn đề, và không phải là mặt nhỏ hơn.
Như đã thấy, không gì có thể ngăn trở việc chấp nhận Guynplên, và những dè dặt khôn ngoan của huân tước tể tướng, bổ ích về mặt thấp kém của chiến thuật, là chuyện xa hoa về mặt hơn hẳn của nguyên tắc quí tộc.
Lúc mấy tên lính canh đã mở cái cửa to hai cánh trước mặt Guynplên, trong phòng chỉ mới có mấy vị huân tước. Hầu hết các vị này đều già. Trong các cuộc họp, mấy ông già bao giờ cũng đến đúng giờ: cũng như bên cạnh phụ nữ họ đều là những người ưa săn đón. Trên ghế công tước chỉ thấy hai vị, một vị bạc phơ, một vị hoa râm, là Tômax Ôxborn, công tước Đơ Litz, và Sombec, con trai của ngài Sombec người Đức do dòng dõi, người Pháp do cái gậy thống chế, và người Anh do thế tập; vị này bị sắc lệnh Năngtơ đuổi sau khi tham chiến chống nước Anh với tư cách là người Pháp, lại tham chiến chống nước Pháp với tư cách là người Anh.
Trên ghế huân tước giáo quyền, chỉ có tổng giám mục Cantơbiury, chủ giáo trưởng anh quốc, ngồi trên cùng; và ở dưới là vị tiến sĩ Ximon Patric, giám mục Đêli, đang chuyện trò với Evơlin Pieromông, hầu tước Đơ Đorsextơ; ông này đang giải thích cho giám mục biết chỗ khác nhau giữa một bức luỹ đắp bằng đất sọt với một đoạn thành nối liền hai pháo đài, và giữa hàng rào cọc gỗ là một hàng cọc đóng trước lều để che chở cho trại, còn cọc đóng quanh móng cầu là một vòng cọc nhọn phía dưới lan can một pháo đài để ngăn cản quân vây thành trèo lên và những kẻ bị bao vây trốn thoát. Còn vị hầu tước thì hướng dẫn cho giám mục cách đóng cọc để bảo vệ một đồn lẻ, phải đóng lút một nửa xuống đất và để chừa một nửa ra ngoài, Tômax Tinơ, Tử tước Uêmot, đến gần một giá đèn và xem xét một tấm bản đồ của người kiến trúc sư của ông để làm cho khu vườn Long Lit của ông tại Uynsai, một bãi cỏ gọi là “bồn cỏ bàn cờ” có những ô cỏ vuông xen với những ô vuông cát vàng, cát đỏ, vỏ hến và than vụn. Ở ghế tử tước thì lẫn lộn có một số huân tước gia, Etxêc, Otxunxten, Piririn, Ôxbor, Uynliam Zuylexten, bá tước Đơ Rôsfor, với một số huân tước trẻ thuộc phe đảng không đội tóc giả, đang vây quanh Praixơ Đêverơ, tử tước Hirifor, và đang tranh luận về vấn đề xem lấy ô-rô gây nôn bỏ vào nước sôi có thành trà uống không. – Gần gần thế, – Ôxborn nói. – Hoàn toàn là trà,- Etxêc nói. Câu chuyện ấy được Paolex Xen Gion nghe rất chăm chú; ông này là anh em họ của Bolinbrôc mà sau này Vonte phần nào là học trò, vì Vonte bắt đầu học với cha Pcrê: cuối cùng lại học với Bolinbrôc.
Ở ghế hầu tước, Tômax Đơ Grê, hầu tước Đơ Kent, huân tước cận thần của nữ hoàng, cam đoan với Rôbơe Bectai, hầu tước Đơ Linxê, huân tước cận thần Anh quốc, rằng chính hai người Pháp tị nạn, ông Locôc trước làm cố vấn tại nghị viện Pari, và ông Ravơnen, một người quý phái xứ Brơtan, đã trúng số độc đắc trong cuộc sổ xố của nước Anh năm 1694. Bá tước Đuymơ đọc một quyển sách nhan đề “Linh nghiệm kỳ lạ về những lời đoán của thầy bói”, Gion Căngben, bá tước Đơ Grinnuych, nổi tiếng về cái cằm dài, và vui tính và tuổi tám mươi bảy, đang viết thư cho nhân tình. Huân tước Săngđô đang gọt giũa móng tay. Vì phiên họp sắp đến là phiên họp của triều đình có đại diện nhà vua, nên hai người phụ canh cửa đặt trước ngai một cái ghế dài nhung mầu lửa. Vị trưởng ban tổ chức, sacrorum scriniorunl magiste, ngồi trên cái bao len thứ nhì, ông này lúc ấy ở cái nhà cũ của những người Do Thái ly khai. Trên cái bao thứ tư, hai viên phó thư ký quỳ gối đang giở xem các quyển sổ cái.
Trong lúc huân tước tể tướng ngồi xuống cái bao len thứ nhất thì các quan chức nghị viện thu xếp chỗ, một số đã ngồi, một số đang đứng, tổng giám mục Cantobiury đứng lên đọc kinh, và phiên họp bắt đầu.
Guynplên đã vào được một lúc mà không ai để ý; chiếc ghế dài thứ nhì của nam tước, chỗ ngồi của Guynplên, sát với rào chắn, nên nó chỉ phải đi có vài bước. Hai vị huân tước đỡ đầu ngồi bên phải và bên trái nó, thành thử gần như che khuất sự có mặt của người mới đến.
Không ai được báo trước cả, viên thư ký nghị viên đã đọc khẽ, và có thể nói là thì thầm mọi thứ giấy tờ liên quan đến vị huân tước mới, còn huân tước tể tướng thì dã tuyên bố việc công nhận Guynplên giữa tình trạng mà trong các báo cáo gọi là “không chú ý chung”. Mọi người đều nói chuyện. Trong phòng cứ ầm ầm, giữa lúc ấy các cuộc họp làm tất cả mọi việc mập mờ, mà sau đó đôi khi họ phải ngạc nhiên.
Guynplên ngồi im lặng, đầu trần, giữa hai vị nguyên lão già, huân tước Fltoantơ và huân tước Arânđen.
Theo dặn dò của vụ trưởng vụ lễ nghi, lại được hai huân tước đỡ đầu nhắc lại, lúc vào Guynplên đã chào chiếc “vương kỷ “.
Như vậy là xong.
Nó thành huân tước.
Chốn cao sang đó, mà suốt đời nó đã nhìn thấy thầy Uyêcxuyt của nó hãi hùng cúi rạp dưới ánh sáng chói lọi, cái đỉnh núi thần kỳ đó đang ở dưới chân nó.
Nó đang ngồi giữa nơi vừa rực rỡ vừa tối tăm của nước Anh.
Đỉnh cao ngàn xưa của ngọn núi phong kiến mà suốt sáu thế kỷ châu Âu và lịch sử vẫn nhìn ngắm. Hào quang hãi hùng của một thế giới đầy tăm tối.
Nó đã bước vào giữa vầng hào quang ấy. Một nước bước không thể nào lùi chân được.
Guynplên đang ở đấy như ở trong nhà của nó.
Trong nhà của nó, trên ghế của nó, cũng y hệt nhà vua trên ngai của vua.
Nó đang ở đó, và từ nay không gì có thể làm cho nó không ở đó.
Vành vương miện nó nhìn thấy dưới long đình kia là anh em với vành vương miện của nó. Nó là nguyên lão của chiếc ngai vàng kia.
Trước mặt nhà vua, nó là lãnh chúa. Kém hơn, nhưng tương tự.
Hôm qua nó còn là gì? Phường tuồng, Hôm nay nó là gì? Hoàng thân.
Hôm qua, chẳng là gì hết. Hôm nay, tất cả.
Cuộc chạm trán đột ngột của khốn cùng với quyền uy, cuộc gặp gỡ mặt đối mặt trong một số phận, và thình lình trở thành hai nửa của một lương tâm.
Hai bóng ma, bỉ cực và thái lai, cùng chiếm lĩnh một tâm hồn, bên nào cũng cố lôi kéo phần thắng về mình. Bi đát thay cuộc giành giật một trí tuệ, một ý chí, một khối óc, giữa hai anh em thù địch là con ma bần cùng và con ma giàu có, Aben và Caanh[157] trong một con người.
Chú thích:
[155] kiểu như người gác cửa
[156] Có quyền hành về các cửa và rào chắn
[157] Aben và Caanh (Abe/, Cain): theo Thánh kinh, là hai anh em. con của Ađa và Êvơ. Về sau Caanh đã giết em là Aben