Thằng Cười

6. DƯỚI NHỮNG BỘ TÓC GIẢ NGÀY XƯA LÀ NHỮNG PHÁP QUAN NÀO?



Lúc ấy, giá có ai nhìn từ phía bên kia nhà tù, phía cửa tiền, thì thấy cái phố lớn của Xaothuak, và đã để ý đến một chiếc xe du lịch, đỗ trước cái cổng chính đồ sộ của nhà ngục, rất dễ nhận qua chỗ ngồi của chiếc xe mà ngày nay người ta quen gọi là xe ngựa mui trần hai bánh. Một vòng người tò mò vây quanh cỗ xe. Xe có chạm trổ huy hiệu, và người ta thấy một nhân vật bước xuống, đi vào nhà tù; quần chúng phỏng đoán có lẽ đấy là một pháp quan. Ở nước Anh, pháp quan thường là quí tộc và hầu như lúc nào cũng hưởng quyền có dũng sĩ theo hầu. Ở Pháp thì hầu như huy hiệu và áo thụng loại trừ nhau; công tước Xanh Ximông khi nói về pháp quan vẫn bảo: “những hạng người ấy”. Ở nước Anh một nhà quí tộc không bao giờ mất danh giá vì làm pháp quan.
Ở nước Anh vẫn có pháp quan lưu động gọi là quan tuần du, và việc trông thấy một pháp quan đi công cán ngồi trong cỗ xe đó là chuyện bình thường. Nhưng kém bình thường hơn là nhân vật được xem như pháp quan lại bước xuống, không phải từ trong xe, mà từ khoang phía trước, vị trí không phải thường dành cho chủ nhân.
Điều đặc biệt khác: Ở Anh thời ấy có hai lối du lịch, bằng “xe khách” cứ năm dặm một senlinh, và bằng xe trạm phóng nước đại mỗi dặm mất ba xu và cứ mỗi trạm thêm bốn xu trả cho phu trạm. Một chiếc xe nhà, mà lại không muốn du lịch từng chặng, cứ mỗi đầu ngựa và mỗi dặm người cưỡi ngựa trạm phải trả bao nhiêu xu, thì nó phải trả bấy nhiêu senlinh: thế mà chiếc xe đỗ trước nhà ngục Xaothuak đóng những bốn ngựa và có hai phu trạm, một kiểu xa phí của bực vương giả. Cuối cùng để hoàn thành việc kích thích và đánh lạc hướng những chuyện phỏng đoán, chiếc xe còn được che chắn rất tỉ mỉ. Cửa hoành kéo lên. Cửa kính có cửa ván che kín; tất cả các lỗ hở mắt có thể nhìn qua đều bịt kỹ, từ bên ngoài không thể nhìn thấy gì ở trong, và có lẽ từ bên trong cũng không thể nhìn thấy gì ở ngoài. Hơn nữa chẳng có người nào trong xe cả.
Xaothuak nằm trong phạm vi Xơrê, nên nhà tù Xaothuak thuộc quyền quận trưởng Xơrê. Những quyền quản hạt riêng biệt như thế rất thường thấy ở nước Anh. Cho nên, chẳng hạn, tháp Luân Đôn[56] xem như chẳng nằm trong lãnh địa nào cả, nghĩa là về mặt pháp lý nó đứng chơ vơ giữa trời. Tháp chỉ công nhận quyền xét xử của quan cảnh sát của nó, gọi là custos turris. Tháp có quyền tài phán riêng. Quyền hạn của custos hay quan cảnh sát lan ra ngoài Luân Đôn đến hai mươi mốt hamlet, tạm dịch là thôn ấp. Vì ở nước Anh những đặc điểm pháp định thường dẫm đạp lên nhau nên chức vụ của người bắn đại bác nước Anh lại do Tháp Luân Đôn quyết định.
Có những tập tục pháp định khác dường như kỳ quặc hơn nữa. Cho nên toà án bộ tư lệnh hải quân nước Anh lại tham khảo và áp dụng luật pháp của Rôđơ và Ôlêrông (đảo của Pháp đã trở thành của Anh).
Quận trưởng một tỉnh rất quan trọng. Bao giờ ông ta cũng làm kỵ sĩ, và đôi khi là hiệp sĩ. Trong các hiến chương cũ, ông ta được phong spectabili “người ai cũng phải nhìn”. Tước vị trung gian, giữa illustris và clarissimus[57], kém chức trước, hơn chức sau. Ngày xưa quận trưởng lãnh địa do dân chúng lựa chọn, nhưng vì Êđua đệ Nhị và sau đó Hăngri VI dành quyền chỉ định cho nhà vua, các quận trưởng trở thành sản phẩm của nhà vua. Tất cả đều do nhà vua bổ nhiệm; từ quận trưởng Oextmorolen vốn cha truyền con nối, và các quận trưởng Luân Đôn và Mitdonxêc do phường hội trong Comonhôn bầu. Các quận trưởng xứ Galơ và xứ Sextơ được một số đặc quyền về thuế má. Tất cả những chức vụ ấy vẫn còn ở nước Anh nhưng bị suy tàn dần do cọ xát với các phong tục và tư tưởng, chúng không còn giữ bộ mặt như ngày xưa. Quận trưởng lãnh địa có nhiệm vụ hộ tống bảo vệ các “tuần du”. Như con người có hai tay, ông ta cũng có hai viên chức, cánh tay phải, viên phó quận, và cánh tay trái, viên pháp quan định túc số. Viên pháp quan định túc số, được viên pháp quan trong đoàn một trăm người gọi là thiết trượng quan giúp việc, có trách nhiệm bắt giữ, xét hỏi và mọi trách nhiệm thuộc về quận trưởng, giam cầm bọn trộm cắp, giết người, làm loạn, du thủ du thực, và mọi kẻ phản nghịch, để chờ các quan tuần du xét xử. Chỗ khác biệt giữa phó quận và pháp quan định túc số chỉ tham dự.
Quận trưởng nắm giữ hai toà án, một toà án cố định và trung ương, toà contri-cortơ và toà án lưu động, toà Sêrip-tocn. Như vậy ông ta tượng trưng cho thống nhất và chia cắt. Với tư cách quan toà, trong các vấn đề tranh chấp ông ta được sự giúp đỡ và hướng dẫn của một viên đình lại đội mũ, gọi là sergens coi foe, vốn là một đình lại luật sư đội mũ vải trắng Cambrai, ngoài đội thêm mũ chỏm đen. Quận trưởng thanh lý các nhà tù ; lúc đến một thành phố của tỉnh, ông ta có quyền sơ bộ thải bớt tù nhân, điều này dẫn đến chỗ hoặc tha hẳn, hoặc treo cổ, tức là “giải toả nhà ngục”gaol deliver. Quận trưởng xuất trình giấy cáo tố cho hai mươi bốn vị bồi thẩm buộc tội, nếu tán thành họ phê lên trên billa vera[58]; nếu không tán thành họ phê ignoramus[59] ; thế là buộc tội bị huỷ bỏ và quận trưởng có đặc quyền xé giấy cáo tố. Nếu trong thời gian luận tội, một bồi thẩm chết, thế là theo pháp định bị can được trắng án và trở thành vô tội; quận trưởng đã có đặc quyền bắt giữ bị can hay có quyền tha bị can. Điều khiến ngươi ta đặc biệt quí trọng và sợ hãi quận trưởng là ông ta có nhiệm vụ thi hành tất cả mọi mệnh lệnh của nhà vua; phạm vi thật đáng sợ. Mặt chuyên chế nằm trong mấy chữ đó. Lớp viên chức gọi là vecdo và những vecdo và những coronơ thuộc đoàn tuỳ tùng của quận trưởng và lớp thư ký ngoài chỗ trợ lực cho lão quận trưởng còn có một đoàn tuỳ tùng rất oai vệ cưỡi ngựa và quân hầu đầy tớ. Sembơclên nói quận trưởng là “linh hồn của công lý, của Luật pháp và của Lãnh địa”.
Ở nước Anh có một sức phá hoại kín đáo không ngừng nghiền nát, làm tan rã luật pháp và phong tục. Chúng ta cần nhấn mạnh là ngày nay cả quận trưởng, cả thiết trượng quan, cả pháp quan định túc số, không ai thi hành nhiệm vụ của mình như họ đã thi hành thời ấy. Ở nước Anh cũ, thường có đôi chút lẫn lộn về quyền hạn, và những chức năng không rõ rệt thường được giải quyết dẫm đạp lên nhau, một việc mà ngày nay không hề có. Tình trạng lẫn lộn giữa cảnh sát và công lý không còn nữa. Danh từ vẫn còn nhưng chức vụ đã thay đổi. Chúng tôi còn nghĩ rằng danh từ thiết trượng quan cũng đã thay đổi nghĩa. Trước kia nó có nghĩa một pháp quan, ngày nay có nghĩa một đơn vị lãnh thổ; trước kia nó chỉ rõ người trong đoàn một trăm, ngày nay nó chỉ rõ đơn vị tổng (centum).
Vả lại thời ấy quận trưởng lãnh địa bao gồm, hơn một tí kém một tí, và cô đúc trong quyền hạn của mình, vừa của nhà vua vừa của thành phố, cả hai pháp quan ngày xưa ở nước Pháp gọi là trung uý dân sự và trung uý cảnh sát. Tính chất trung uý dân sự của Pari được qui định khá rõ trong chỉ thị cảnh sát sau đây: “Người trung uý dân sự không bỏ qua những vụ cãi cọ gia đình vì việc cướp bóc luôn luôn thuộc về ông ta” (22 tháng bảy 1704). Còn trung uý cảnh sát, nhân vật gây lo ngại, vừa phức tạp vừa mơ hồ, được tóm tắt lại ở những điển hình tốt nhất là Ronê Acghenxân; theo lời Xanh Ximông, trên mặt ông này có đủ ba diêm thần một lúc.
Ba vị diêm thần này đã thấy tại Bisopghêt Luân Đôn.
Chú thích:
[56] Tháp Luân Đôn (Tuor de Londres): nhà tù chính của nước Anh thời ấy.
[57] Danh tiếng và rất tôn kính.
[58] Dự án nói đúng.
[59] Chúng tôi không biết.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.