Thằng Cười

EM BÉ TRONG BÓNG TỐI – 1. SEX HIL.



Bão táp trên đất liền cũng không kém phần mãnh liệt hơn ngoài biển cả.
Xung quanh em bé bị bỏ rơi cũng cái cảnh lồng lộn dữ tợn như thế. Khi mà những sức mạnh mù quáng phúng phí cơn giận vô ý thức thì kẻ yếu hèn và kẻ vô tội đành phó mặc cho may rủi; bóng tối đâu biết phân biệt; và sự vật làm gì có những chuyện nhân từ như người ta vẫn gán cho chúng.
Trên đất liền rất ít gió; rét có một cái gì đó bất động. Không một hạt mưa đá. Tuyết rơi dầy kinh khủng.
Mưa đá đánh quất, túi bụi, làm thâm tím mặt mày, làm ù tai, áp đảo, nhưng bông tuyết còn tệ hơn thế. Bông tuyết nghiệt ngã mà hiền lành, lẳng lặng hoạt động. Chạm vào nó, nó tan ra nước. Nó trong sạch như thằng giả dối ngây thơ. Chính bằng những lớp trong trắng thong thả chồng chất lên nhau mà bông tuyết trở thành băng đổ, và tên giảo quyệt đi đến tội ác.
Em bé vẫn tiếp tục bước trong sương mù. Sương mù là một chướng ngại vật mềm, do đó mà nguy hiểm; nó chịu thua nhưng vẫn dai dẳng; sương mù cũng như tuyết chứa đầy phản trắc. Em bé, như một đấu sĩ kỳ dị giữa tất cả những cảnh nguy hiểm ấy, đã lần được xuống chỗ cuối dốc và lọt vào Sex-hil. Nó đứng trên một eo đất mà không ngờ, hai bên đều là đại dương, và không thể nào lạc đường giữa màn sương đó, dưới lớp tuyết rơi đó và cảnh đêm tối đó, mà lại không lăn xuống nước sâu của vịnh sâu bên phải hay làm mồi cho sóng dữ của triền lên bên trái. Nó cứ lần bước giữa hai vực thẳm, không hay biết chút gì.
Eo đất Porlan thủa ấy hết sức gập ghềnh khó đi. Ngày nay nó không cỏn chút gì của cái hình thể ngày ấy nữa. Từ ngày người ta nẩy ra ý kiến khai thác đá Porlan để làm xi măng, toàn bộ ngọn núi đều bị đục đẽo, mất hẳn cái dáng vẻ xưa kia. Ở đấy ngày nay vẫn tìm được đá vôi thời kỳ Jura, đá Sixtơ, và lục thạch từ những vỉa kết nham đâm ra như răng lòi xỉ; nhưng cuộc xẻng đã phạt đứt và san bằng tất cả những chóp núi lởm chởm gồ ghề đó, nơi mà diều hâu hay đến đậu nom rất ghê tởm. Còn đâu những đỉnh nhọn để cho ó biển và hải tặc[95] có thể là nơi gặp gỡ tụ tập; cũng như những kẻ đố kị, chúng ưa làm ô uế các đỉnh cao. Có tìm cũng chẳng thấy ngọn núi bia Gôđômphanh, một từ ngữ cổ xưa của xứ Galơ, có nghĩa là chim ưng trắng. Mùa hè, trong những vùng đất bị khoan và đào thủng như bọt biển ấy còn hái được mê điệt, bạc hà, bào hương thảo dại, tiểu hồi hương biển, có thể pha uống như một thứ thuốc bổ quí, và thứ thuốc lá có nhiều mầu mọc ở cát dùng để dệt chiếu; nhưng ở đó chẳng bao giờ còn nhặt được hổ phách xám, hay thiếc đen, hay cái thứ đá ba lớp, màu xanh lục, màu xanh lam, màu lá đan sâm. Hồ ly, rái cá, chồn trắng, chồn nâu, đã đi hết; ở những vùng hiểm trở này của Porlan, cũng như ở mũi Cornuay, trước kia có hươu, nay không còn nữa. Trong một vài chỗ trũng vẫn đánh được thờn bơn, và cá pinsa, nhưng cá hồi sợ hãi không ngược sông Uê, giữa Xanh-Misen và Noen để đẻ trứng nữa. Người ta không còn thấy như thời Elizabeth các loài chim lạ ngày xưa, to như diều hâu, mổ vỡ đôi một quả táo ra và chỉ ăn hột. Ở đấy không gặp giống quạ mỏ vàng nữa, gọi theo tiếng Anh là Cornish chough, gọi theo tiếng la tinh lả pyrrocorax; chúng tinh nghịch vứt lên mái tranh những cành nho cháy. Cũng không còn thấy loại chim phù thủy, từ quần đảo Êcôx di cư tới, và vung ở mỏ ra một thứ dầu mà dân đảo thường dùng để thắp đèn.
Chiều chiều cũng không còn gặp trong tiếng triều róc rách, con neitse hoang đường ngày xưa, chân như chân lợn mà lại kêu tiếng như tiếng bê. Thủy triều cũng không còn tấp lên cát, giống hải thát có ria, tai cuốn, răng hàm nhọn, bò lết bằng những bàn chân không móng. Trong vùng Porlan ngày nay không còn nhận ra được này, trước kia chẳng bao giờ có họa mi vì không có rừng, nhưng chim ưng, thiên nga, và ngỗng biển thì đã bay đi hết. Cừu Porlan ngày nay thịt béo lông mịn; nhưng cách đây hai thế kỷ giống cừu cái gặm thứ cỏ mặn đắng lại nhỏ bé, thịt dai, lông thô, xứng với những bầy cừu Xentơ chăn dắt bởi những mục đồng ăn tỏi, sống đến một trăm tuổi và đứng xa nửa dặm vẫn có thể bắn thủng áo giáp bằng mũi tên dài hơn thước. Đất cằn cho len cứng. Sex-Hil ngày xưa, vì nó bị phá hoại quá nhiều bởi con người và bởi những ngọn gió dữ Xerlanh gặm mòn cả đá. Ngày nay do đất này có một con đường sắt chạy đến một khu bàn cờ đẹp toàn nhà mới, đó là Sexinhtơn, và có “ga Porlan”. Các toa tàu lăn bánh ở nơi mà ngày xưa những con hải báo quen bò lết.
Eo đất Porlan cách đây hai trăm năm là một cái lưng lừa bằng cát với một cột sống bằng núi đá.
Hiểm hoạ đối với em bé bỗng thay đổi hình thái. Lúc đi xuống, em sợ lăn xuống chân núi cheo leo, trên eo đất, em lại sợ thụt ngã vào các hố sâu. Sau khi gặp vực thẳm, em lại đụng phải vũng lầy. Ở bờ biển mọi thứ đều là cạm bẫy. Núi đá thì trơn, bãi cát thì sụt. Các điểm tựa đều là chỗ mai phục. Cứ như người đặt chân lên kính. Cái gì cũng có thể thình lình rạn nứt dưới chân. Chỗ rạn vỡ là nơi bị mất hút. Đại dương có những chỗ ngồi hạng ba ở tầng dưới, y hệt một nhà hát lớn khéo xây dựng.
Những sông núi hoa cương dài làm chỗ tựa cho hai triền eo đất rất khó leo trèo. Thật khó tìm ra cái mà trong nghề đạo diễn sân khấu người ta gọi là chỗ đặt chân. Con người không trông mong gì được đại dương đón tiếp, núi đá cũng chẳng hơn gì sóng nước; chỉ có chim và cá mới được biển cả dự kiến trước. Đặc biệt các eo đất đều trơ trụi và lởm chởm. Sóng nước mài mòn và đục ruỗng từ hai phía, thu nhỏ chúng lại theo dạng giản đơn nhất. Khắp nơi đều là góc sắc, đỉnh cao, cưa nhọn, đều là những mảnh núi rách xơ dễ sợ, những lỗ hoác đầy răng như hàm cá mập lởm chởm, đều là rêu phong ẩm ướt dễ ngã, là đá lăn cuội đổ tuồn tuột xuống bọt sóng. Ai có ý định trèo qua một eo đất thì mỗi bước lại gặp những tảng đá dị hình to như những toà nhà. giống xương ống chân, xương bả vai, xương đùi, một kiểu mổ xẻ ghê rợn về những tảng núi bị lột hết da. Không phải ngẫu nhiên mà những đường nét bờ biển ấy lại được gọi là Côt-tơ[96]. Khách bộ hành tùy khả năng của mình mà thoát khỏi chốn ngổn ngang đổ nát đó. Lần bước qua bộ xương của một cái xác khổng lồ, việc khó nhọc đó cũng na ná như thế.
– Bạn cứ đặt một đứa bé vào cái công việc khó khăn đó của Ecquyn[97].
Giá giữa ban ngày thì tốt, nhưng lúc ấy lại là đêm khuya, lẽ ra cần có người dẫn đường thì nó chỉ trơ trọi một thân. Tất cả sức mạnh của một người lớn cũng không thừa, thế mà nó chỉ có chút sức tàn của một đứa bé. Thiếu người dẫn đường, một lối mòn cũng có thể giúp ích cho nó. Vậy mà chẳng có lối mòn nào cả.
Theo bản năng, nó tránh dãy núi nhỏ nhọn hoặc và cứ cố sức lần dọc theo bãi. Ở đấy nó gặp phải các bãi lầy.
Nhẵng bãi lầy trước mặt nó chi chít ba dạng, sụt nước, sụt nước, sụt cát. Đó là nạn sa lầy.
Biết được cái phải đương đầu thì hoang mang lo sợ, nhưng không biết mới thật khủng khiếp. Đứa bé chiến đấu với mối nguy cơ xa lạ. Nó dò dẫm từng bước trên cái có lẽ là mồ chôn nó.
Không chút do dự, nó đi vòng các ngọn núi. Nó tránh các hố sâu, đoán mò những cạm bẫy, cố lần theo những chỗ ngoằn ngoèo của chướng ngại vật nhưng vẫn tiến tới. Không đi được thẳng lưng, nó bước thật thận trọng.
Khi cần, nó kiên quyết quay lui. Nó kịp thời biết rút chân ra khỏi cát chất dính ghê tởm của cát lầy. Nó rũ tuyết bám trên người. Mấy lần nó bị sụt nước đến đầu gối. Ra khỏi nước, manh áo tả tơi ướt sũng của nó lại lập tức đóng băng vì cái lạnh ghê người của đêm tối. Nó bước nhanh trong bộ quần áo cứng. Tuy vậy nó cũng đã khéo giữ được khô và ấm trên ngực chiếc áo khoác thuỷ thủ.
Nó vẫn đói cồn cào.
Những chuyện bất ngờ của vực thẳm không bao giờ có giới hạn, mọi khả năng đều có thể xảy ra, kể cả sự cứu thoát. Lối ra tuy không nhìn thấy nhưng có thể tìm được. Mình quấn một lớp tuyết ngột ngạt, lạc đường trên một đất nhỏ hẹp giữa hai mỏm của vực sâu, chẳng nhìn thấy gì dưới ấy liệu đứa bé có vượt qua được eo đất không, đó là điều chính bản thân nó có lẽ cũng không thể nói ra dược: Nó đã trượt, đã leo, đã lăn, đã tìm, đã bước, đã kiên trì, có thế thôi. Đó là bí quyết của tất cả mọi chiến thắng. Sau quãng không đầy một tiếng đồng hồ, nó cảm thấy mặt đất cứ cao dần, nó đang đến bờ bên kia, đang ra khỏi Sex-Hil, đang đứng trên đất cứng.
Cái cầu hiện nay nối liền Xenfor-cas với Xmonmaoxen hồi ấy không có. Chắn hẳn trong lúc dò dẫm khôn ngoan, đứa bé đã lần đến tận Oaikơ-rêgít, lúc ấy có một cái doi cát, y như một mặt đường tự nhiên thật sự, chạy suốt Ixt-Flít. Nó đã thoát khỏi eo đất, nhưng một lần nữa lại phải đối diện với bão táp, với trời đông, với đêm tối.
Trước mặt nó lại trải ra tít tắp những cánh đồng mù mịt. Nó nhìn xuống đất, cố tìm lấy một lối mòn.
Thình lình nó cúi xuống.
Nó vừa nhận thấy trên tuyết một cái gì như một dấu vết.
Đây là một dấu vết, là nét hằn của một bàn chân: Màu tuyết trắng làm nổi bật ấn tích nên nhìn rất rõ. Nó ngắm kỹ. Đây là một bàn chân đi đất nhỏ hơn chân đàn ông, to hơn chân con trẻ. Hẳn là chân một người đàn bà.
Quá dấu đó, có một dấu khác, rồi lại một dấu khác, các ấn tích cứ nối tiếp cách nhau độ một bước, và đi sâu vào cánh đồng, phía tay phải. Chúng hãy còn mới và có một ít tuyết phủ lên trên.
Một người đàn bà mới đi qua đây. Người đàn bà này đã bước và cùng đi về hướng mà đứa bé nhìn thấy có khói. Đứa bé, mắt nhìn xoáy chặt vào dấu vết, cố lần theo bước chân.
Chú thích:
[95] Một loại hải âu đuổi đánh các loài chim biển khác, bắt phải nhả cá đã ngậm trong mỏ ra cho chúng ăn.
[96] Tiếng Pháp. có hai nghĩa là xương sườn và bờ biển.
[97] Ecquyn (Hercule). Vị thần trứ danh trong thần thoại Hy Lạp là đã biểu tượng của sức khoẻ phi thường đã từng lập mười hai kỳ công khó khăn và nguy hiểm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.