USP (Unique Selling Point) có thể dịch nghĩa ra là đặc điểm bán hàng độc nhất. USP được coi là cách để doanh nghiệp nổi bật giữa hàng ngàn đối thủ khác, bằng cách tạo ra giá trị độc nhất của doanh nghiệp – những thứ mà các doanh nghiệp khác không có được

Trong môi trường kinh doanh đầy khốc liệt ngày nay, dường như có vô vàn lựa chọn cho khách hàng tiềm năng của bạn. Giờ đây, nhờ vào Internet, khách hàng không còn bị giới hạn bởi vấn đề địa lí nữa, và có hàng loạt lựa chọn ngoài kia và cùng vô số thông điệp tiếp thị liên tục “bủa vây”khách hàng. Để doanh nghiệp của bạn trở nên nổi bật trong đám đông, việc tìm ra Unique Selling Proposition (USP) là vô cùng quan trọng.

1. NGHIÊN CỨU NHỮNG NGƯỜI GIỎI NHẤT

Để có một ý tưởng  về thế nào là một USP tốt, hãy nghiên cứu những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường trong việc tạo nên sự khác biệt cho chính mình. Thậm chí các công ty đó không nhất thiết phải là đối thủ cạnh tranh của bạn hay nằm trong cùng lĩnh vực với bạn, điều quan trọng ở đây là bạn phải phân tích được điều gì khiến một USP thành công. Ví dụ, với cả tá thương hiệu bán smart phone và máy tính, tại sao người ta lại hứng thú với sản phầm của Apple đến vậy? USP của Apple là thiết kế tuyệt đẹp, tính năng đơn giản và tính sành điệu. Đó chính là thứ khiến Apple nổi bật.

2. HÃY NGHĨ VỀ CÁC LỢI ÍCH, KHÔNG PHẢI CÁC TÍNH NĂNG

Khi bạn đang phát triển một thông điệp tiếp thị, hãy tập trung vào việc cách sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn đem lợi ích gì cho khách hàng, chứ không phải chỉ những tính năng đặc thù của nó. Điều tương tự cũng được áp dụng khi bạn đang tìm USP.

Ví dụ, nếu bạn sở hữu một cửa hàng dịch vụ giặt khô, việc tập trung vào các tính năng nghe có vẻ khá nhàm chán. Cũng giống như các dịch vụ giặt khô khác, dịch vụ của bạn chỉ đơn giản là làm sạch quần áo. Có lẽ bạn sở hữu một tính năng đặc biệt như sử dụng các phương pháp giặt khô thân thiện với môi trường, nhưng người ta chỉ quan tâm đến chuyện những tính năng này có lợi cho khách hàng như thế nào. Thay vì tập trung vào tính năng “giặt khô thân thiện với môi trường” trong USP, hãy nhấn mạnh rằng khách hàng sẽ cảm thấy an toàn khi mặc quần áo được bạn giặt sạch vì bạn không sử dụng các hóa chất độc hại.

3. NGHIÊN CỨU 4P (PRODUCT – PRICE – PLACEMENT – PROMOTIONAL METHODS)

Sản phẩm, giá cả, vị trí (hay các kênh phân phối) và phương pháp quảng cáo là bốn thành phần tạo nên 4P trong tiếp thị, và mỗi yếu tố này đều có thể cấu thành USP của bạn. Bạn có cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ của mình theo một cách khác biệt nào không?

Ví dụ, Dollar Shave Club (một doanh nghiệp ở Mỹ) đã làm nên thương hiệu của mình bằng cách bán trực tuyên các sản phẩm dao cạo râu giá rẻ của nam giới thông qua một mô hình thuê bao – một mô hình phân phối khá mới trong ngành công nghiệp làm đẹp dành cho phái mạnh. Một sản phẩm rất đắt tiền (hoặc rất rẻ tiền) có thể là một phần trong USP, bạn có thể  xem chiến thuật này hiệu quả đến thế nào khi áp dụng cho những nghệ nhân làm thực phẩm theo phương pháp thủ công truyền thống.

4. HÃY NHẤN MẠNH CẢM XÚC

Tạo ra một USP không phải là câu chuyện mang tính khoa học và logic. Giống như tất cả các chiến thuật bán hàng và tiếp thị khác, một USP tốt phải bắt nguồn từ cảm xúc. Để xác định USP của mình, bạn nên hiểu lý do tại sao khách hàng lại mua những sản phẩm doanh nghiệp mình bán. Có phải họ đang cố gắng để gây ấn tượng với ông chủ của mình? Hay họ muốn hàng xóm phải ghen tị với những thứ mình đang sở hữu? Có phải họ đang cố gắng thu hút ai đó? Họ có tin rằng những sản phẩm bạn bán sẽ giúp gia đình họ hạnh phúc hơn không? Họ có đam mê với một điều gì đó không? Tất cả những cảm xúc này có thể là một phần trong USP của bạn.

5. TÌM HIỂU LÝ DO KHÁCH HÀNG MUA SẢN PHẨM CỦA DOANH NGHIỆP 

Bạn có thể tiến hành các cuộc khảo sát điều tra và thăm dò khách hàng để tìm hiểu tại sao khách hàng thích sản phẩm của bạn chứ không phải của các đối thủ cạnh tranh. Bạn cũng có thể nói chuyện với khách hàng và thu thập những thông tin chi tiết hơn, đồng thời khuyến khích nhân viên bán hàng của mình cũng làm vậy. Hãy luôn lắng nghe và để ý các trên phương tiện truyền thông xã hội xem mọi người đang nói về doanh nghiệp của bạn như thế nào.

Bằng việc hiểu biết ý kiến và thông tin ​​của khách hàng, bạn sẽ nhận thấy xu hướng thị trường có thể tạo ra ý tưởng cho USP. Ví dụ như, có lẽ khách hàng thích mua đồ ở cửa hàng thời trang của bạn thay vì mua tại một cửa hàng trên phố bởi sản phẩm của bạn được chọn lựa kĩ càng, và khiến trải nghiệm mua sắm của họ trở nên dễ dàng, trong khi các cửa hàng khác lại chỉ có các sản phẩm không phù hợp với nhau và phải tốn rất nhiều thời gian để tìm được món đồ ưng ý.

6. NGHIÊN CỨU ĐỐI THỦ

Để tạo ra một USP khiến doanh nghiệp của bạn nổi bật, bạn nên biết USP của đối thủ cạnh tranh là gì. Hãy tìm hiểu kỹ thông điệp truyền thông, tiếp thị, quảng cáo của họ, thậm chí hãy đến tham quan cơ sở của họ hay và vào trang web để xem họ đang quảng bá USP nào.

Bằng việc nghiên cứu đối thủ và chiến lược tiếp thị của họ, bạn sẽ biết cần phải làm gì để khiến USP của mình nổi bật lên (hoặc trở nên hoàn toàn khác biệt). Một USP được “chia sẻ” bởi nhiều công ty thì chắc chắn chẳng có gì độc đáo. Vậy nên, nếu bạn có một nhà hàng bán pizza, và chọn USP là giao hàng rất nhanh, thì thực ra nó không phải là một USP hiệu quả, vì có cả tá nhà hàng khác cũng giao hàng rất nhanh. Bạn cần chọn một thứ gì đó đặc biệt và khác lạ, ví dụ như ngoài pizza, bạn còn bán nhiều loại đồ ăn của Ý khác.

LỜI KẾT

Xác định được USP của mình không chỉ dành cho lúc doanh nghiệp mới mở, mà nó phải là một quá trình liên tục trong kinh doanh. USP của bạn có thể và sẽ thay đổi khi thị trường thay đổi, cũng như khi bạn cho ra đời các sản phẩm và dịch vụ mới. Hãy nghiên cứu USP thường xuyên để đảm bảo rằng chính bạn và toàn bộ đội ngũ nhân viên đều thống nhất về USP của doanh nghiệp. Chỉ khi đó, bạn mới có thể truyền đạt được USP của mình tới khách hàng tiềm năng thông qua các chiến thuật tiếp thị, bán hàng và quảng cáo.

Sưu tầm

bổ xung :

 

New Post