Chín giờ sáng hôm sau, Nekhliudov thức dậy. Gã thư ký trẻ có phận sự hầu hạ “quan chủ”, thấy chàng cựa mình, liền mang đến cho chàng đôi giầy da cao cổ chưa từng bao giờ được đánh bóng lộn như thế, với một bình nước suối trong mát lạnh, và báo rằng nông dân đã bắt đầu đến đông đủ. Nekhliudov vội nhảy xuống giường và nhớ lại ngay các ý định của mình. Nhưng cảm giác luyến tiếc đêm hôm qua về việc đem ruộng đất chia cho nông dân và tiêu huỷ cơ nghiệp, không còn mảy may dấu vết.
Nhớ lại điều đó, chàng còn lấy làm ngạc nhiên. Bây giờ chàng thấy lòng dạt dào vui sướng và có một niềm kiêu hãnh khó nén được về việc mình sắp làm.
Đứng ở cửa sổ, chàng nhìn ra mảnh sân quần vợt mọc đầy rau diếp dại, nơi nông dân tụ tập theo lệnh viên quản lý.
Ếch nhái cả đêm qua kêu inh ỏi không phải là không có duyên cớ: trời âm u và không có gió, nhưng từ sáng đã lất phất mưa bay, nước mưa đọng giọt trên cành lá cây và đầu ngọn cỏ. Mùi cây, mùi lá và cả mùi đất khô nỏ chờ mưa thoảng bay đưa vào cửa sổ. Vừa mặc quần áo, Nekhliudov vừa chốc chốc lại ngó qua cửa sổ, nhìn những người nông dân đang tụ tập trên sân. Họ lần lượt tới, cất mũ vải, mũ cát két ra chào nhau, họ đứng quây vòng lại và tỳ lên gậy chuyện trò.
Viên quản lý người còn trẻ, lực lưỡng béo tốt, khoác một chiếc áo ngoài ngắn màu xanh, cổ đứng, đính khuy to tướng, đến nói với Nekhliudov là mọi người đã đến đông đủ, nhưng họ có thể đợi chàng dùng trà hay cà phê xong, cả hai thứ đều pha sẵn.
Không, để tôi đi gặp họ cái đã, – Nekhliudov nói và nghĩ đến câu chuyện sắp đem ra trao đổi với nông dân, chàng bỗng cảm thấy trong lòng dâng lên một nỗi ngượng ngập thẹn thùng bất ngờ.
Chàng sắp thực hiện điều mơ ước của nông dân mong ước mà họ không hề bao giờ dám mơ tưởng có ngày thành sự thật: nhượng lại cho họ ruộng đất với một giá rẻ, nghĩa là ban cho họ một ân huệ, ấy thế mà chàng vẫn thấy có cái gì băn khoăn, e thẹn thế nào.
Lúc chàng đến gần, và khi thấy họ bỏ mũ ra chào, để lộ những mái tóc bạc hoe vàng hoặc quăn, những chiếc đầu hói, những mái tóc hoạ râm, thì chàng xúc động nghẹn ngào, đến nỗi mãi lâu chàng không nói được một lời. Mưa vẫn lất phất bay, bám vào tóc, vào râu và trên lượt tuyết mặt ngoài những chiếc áo nẹp Thổ Nhĩ Kỳ.
Những người nông dân nhìn ông chủ ấp, đợi xem sẽ nói chuyện gì, nhưng chàng xúc động quá, không thốt được nên lời. Viên quản lý người Đức bình tĩnh và đầy tự tin chấm dứt sự yên lặng khó chịu ấy, hắn tự cho mình là kẻ hiểu biết sâu sắc người nông dân Nga và nói thông thạo tiếng Nga. Cái con người to lớn béo tốt ấy và cả Nekhliudov, đứng bên cạnh những người nông dân mặt hốc hác, da răn reo, xương vai nhô lên dưới làn áo vải, gây nên một cảnh trái ngược quá rõ ràng.
– Sự thể thế nầy nầy, Công tước muốn ban ơn cho các người, đem ruộng đất cho các người, chỉ có một điều các người không xứng đáng thôi – viên quản lý nói.
– Sao chúng tôi lại không xứng đáng, anh Vaxili Kaclix? Chúng tôi đã chả đổ bao nhiêu công sức cho anh đấy ư? Cụ cố bà ngay trước thật quý hoá quá! Cầu Chúa ban phước cho linh hồn cụ. Công tước thì còn trẻ, lạy Chúa, chắc công tước không đến nỗi bỏ chúng tôi mà chẳng đoái thương, – một anh nông dân tóc đỏ hoe, mồm mép, lên tiếng.
– Tôi triệu tập các người lại đây đúng là vì tôi muốn nhượng lại tất cả đất đai của tôi cho các người, nếu các người muốn – Nekhliudov nói.
Đám nông dân bỗng im bặt, dường như họ không hiểu, hoặc không tin vào những lời vừa nói đó.
– Ngài nhượng ruộng đất như vậy là ý thế nào? – Một nông dân đứng tuổi mặc áo choàng, hỏi lại.
– Tôi cho các người thuê với một giá rất rẻ.
– Thế thì hay lắm, – một ông già nói.
– Miễn là tiền thuê đừng quá nặng để chúng tôi có đủ sức nộp được – một người khác nói.
– Được ruộng đất thì sao chúng tôi lại không nhận! Chuyện ấy chả phải nói. Chúng tôi sống về ruộng đất mà lại. Về phần ngài, như thế càng ổn, ngài chỉ có việc thu tiền? Còn như bây giờ thì thật lắm chuyện phiền nhiễu, tiếng nhiều người nói cùng một lúc ồn lên.
– Phiền nhiễu là do các người, – viên quản lý người Đức nói. – Nếu các người chịu khó làm việc, nếu các người biết giữ trật tự thì…
– Điều đó đối với chúng tôi không hề gì, anh Vaxili Kaclix ạ – một anh chàng gầy gò, mũi nhọn hoắt, đáp lại. – Anh trách chúng tôi cứ để ngựa vào ruộng lúa, nhưng nào ai muốn để kia chứ? Tôi suốt ngày cắt cỏ quần quật hoặc túi bụi công kia việc nọ, một ngày dài dằng dặc bằng một năm; tối đến, lăn ra ngủ thiếp đi, ngựa nó sổng ra chạy vào ruộng lúa của anh một tí, thế là anh làm tình làm tội tôi.
– Các người phải biết giữ trật tự chứ!
– Trật tự à, nói thì dễ đấy! Nhưng sức chúng tôi kham sao nổi, – một anh nông dân tuổi còn trẻ, người cao lớn, có đôi mắt nâu, lông lá đầy mình, trả lời.
– Nhưng tôi đã bảo các người bao nhiêu lần rồi, hãy rào ruộng lại.
– Rào, thì anh phải cho gỗ chứ! – Một người nhỏ bé vẻ mặt cau có, đứng đằng sau lưng mọi người, đáp lại. – Mùa hè năm ngoái tôi đang định làm một cái hàng rào, thì anh bỏ tù tôi ba tháng trời, để tôi làm mồi cho chấy rận. Đấy rào nhà anh là thế đấy.
– Hắn nói gì thế? – – Nekhliudov.
– Quân trộm cắp đầu sỏ của làng nầy đấy! – viên quản lý trả lời bằng tiếng Đức. – Năm nào nó cũng bị tóm cổ ở trong rừng vì tội ăn trộm. Còn mày, mày hãy nên biết tôn trọng tài sản người khác chứ?
– Nhưng có phải chúng tôi không tôn trọng anh đâu? – Một cụ già nói. – Chúng tôi không thể nào không kính trọng anh được, vì tất cả chúng tôi đây đều ở trong tay anh. Anh đem chúng tôi ra đánh thừng, đánh chão thế nào mà chả được.
– Nầy, ông bạn ơi! Không ai khinh miệt các người đâu chính các người miệt thị tôi thì có.
– Thế nào, miệt thị anh à! Hè năm ngoái, anh đánh tôi vỡ mặt ra, vết tích vẫn còn đây nầy! Không ai kiện cáo gì nổi nhà giàu, chuyện đời rõ quá đi còn gì nữa! Anh cứ chiểu theo pháp luật mà làm.
Rõ ràng đây chỉ là một cuộc đấu khẩu mà những người trong cuộc cũng không hiểu rõ lắm cả mục đích lẫn ý nghĩa lời họ nói. Người ta chỉ nhận thấy rõ là một bên tức giận mà phải nén đi vì sợ hãi, còn một bên cậy mình có thế, có quyền.
– Thế nào, về việc đất đai các người định thế nào, có đồng ý không? Nếu tôi cho thuê tất cả ruộng thì được các người trả bao nhiêu?
– Của ngài, xin để ngài cho giá.
Nekhliudov nói giá. Dù giá chàng đặt thấp hơn nhiều so với giá ở các vùng lân cận, nhưng người nông dân bao giờ cũng vậy, thế nào họ cũng cho là cao quá và họ bắt đầu mặc cả. Nekhliudov vẫn nghĩ rằng việc chàng xướng xuất sẽ được nông dân hoan nghênh nhiệt liệt, thế mà không thấy có một dấu hiệu nào chứng tỏ ra là họ hài lòng cả. Duy có một điều có thể khiến chàng đoán được việc làm của mình có lợi cho họ là chàng thấy họ tranh cãi rất dữ khi bàn xem ai là người được thuê ruộng đất: cho tất cả mọi người thuê hay chỉ một nhóm. Một cuộc cãi cọ kịch liệt xảy ra lúc đó, giữa một bên là người có chủ trương gạt ra ngoài không cho những người yếu sức, những người hay dây dưa nợ nần, tham gia thuê đất và một bên là những người nầy. Về sau, nhờ có sự can thiệp của viên quản lý, giá cả và thời gian được ấn định; họ lên đường về làng, chuyện trò huyên náo. Nekhliudov trở lại văn phòng cùng viên quản lý và lập dự án khế ước cho thuê.
Mọi việc đều được thu xếp ổn thoả như chàng mong muốn: Nông dân nhận đất cho thuê rẻ hơn giá ở khắp cả vùng xung quanh ba mươi phần trăm. Lợi tức về đất đai của chàng do đó giảm đi khoảng năm mươi phần trăm, nhưng cứ như thế thì cũng đã quá đủ cho chàng, nhất là nếu kể cả những món tiền bán rừng và các công cụ. Mọi việc như thế tưởng là tốt đẹp, nhưng sao chàng vẫn cứ băn khoăn. Chàng thấy tuy có một vài người tỏ lời cảm tạ chàng, song phần đông nông dân đều chưa hài lòng và còn chờ đợi ở chàng một điều gì hơn nữa. Thành thử, tuy có hy vọng lớn lao, chàng vẫn chưa thỏa mãn được những ước mong của họ.
Ngày hôm sau, bản giao kèo ký kết xong, một đoàn đại biểu nông dân gồm toàn các bô lão đến tiễn chân chàng; Nekhliudov ngồi trên chiếc xe ba ngựa kéo của viên quản lý để ra ga – chiếc xe ngựa thật là sang trọng, đúng như lời anh xe ngựa ở ngoài ga đã nói. Với một cảm giác day dứt, dở dang, khó chịu, chàng chia tay với nông dân; họ lắc đầu, vẻ lững lờ, không thoả mãn. Nekhliudov cũng không được hài lòng với mình; không hài lòng về cái gì chàng cũng chẳng biết nữa, chỉ biết chàng vẫn thấy một cảm giác buồn buồn như có điều gì đáng hổ thẹn.