Tù chính trị bị nhốt trong hai xà lim nhỏ. Cửa hai xà lim thông ra một phần hành lang có vách ngăn riêng hẳn ra. Khi Nekhliudov bước vào khoảng hành lang đó, trước tiên chàng trông thấy Ximonxon mặc một áo khoác ngắn bằng cao su, tay cầm một thanh củi thông đang ngồi xổm trước cái bếp hoả lò; cửa bếp lò rung rung vì hơi bốc mạnh.
Trông thấy Nekhliudov, anh vần ngồi xổm, ngước mắt nhìn dưới cặp lông mày rậm và đưa tay ra.
– Anh đến, tôi rất mừng. Tôi đang muốn gặp anh để nói một câu chuyện. – Anh ta nhìn thẳng vào mắt chàng nói, giọng đầy ý tứ.
– Chuyện gì thế – Nekhliudov hỏi.
– Để lát nữa. Bây giờ tôi còn bận.
Và Ximonxon lại quay về phía cái bếp lò; anh đương đốt theo lý thuyết của anh, làm thế nào để hao phí thật hết sức ít nhiệt.
Nekhliudov đang sắp bước vào cửa xà lim đầu tiên thì thấy Maxlova ở xà lim thứ hai đi ra, đang lom khom dùng chổi vun một đống to vừa rác vừa bụi về phía bếp.
Nàng mặc một chiếc áo ngắn trắng, váy xắn gọn, chẩn đi bít tất, đầu chít một khăn tay trắng kéo xuống tận mắt để che cho tóc khỏi bụi. Thấy Nekhliudov, nàng đứng lên, đỏ mặt và lúng túng; nàng buông chổi, chùi tay vào vạt áo và đứng ra trước mặt chàng.
– Cô đương quét dọn nhà cửa? – Chàng vừả hỏi vừa bắt tay nàng.
– Vâng, công việc cũ của tôi, – nàng nói và mỉm cười. – Bẩn ơi là bẩn! Bẩn không thể tưởng tượng được. Chúng tôi quét đi quét lại. Thế nào, cái chăn khô chưa? – Nàng quay về phía Ximonxon hỏi…
– Gần khô, – Ximonxon trả lời, nhìn nàng với một cái nhìn đặc biệt khiến Nekhliudov lấy làm lạ.
– Thế thì tôi lại lấy cất đi và đem hong mấy cái áo khoác… Bọn chúng tôi ở cả trong kia, – nàng vừa nói với Nekhliudov, vừa chỉ vào cái cửa thứ nhất, còn mình đi vào cái cửa thứ hai.
Nekhliudov mở cửa đi vào gian buồng nhỏ, ánh sáng yếu ớt. Một ngọn đèn con bằng sắt tây đặt ngay trên mặt phản. Phòng lạnh lẽo, sặc mùi bụi môi quét tung lên, mùi ẩm lẫn mùi khói thuốc lá. Ngọn đèn nhỏ chiếu tỏ những người ngồi gần, còn giường phản thì chìm trong bóng tối, trên tường in lô nhô những bóng đen lờ mờ.
Trừ hai người được cử phụ trách lo việc ăn uống là đi lấy nước nóng và lương thực, còn tất cả tù chính trị đều quây quần lại trong phòng nhỏ nầy. Có Vera Efemovna là người Nekhliudov đã quen biết, chị nom gầy và nước da vàng vọt hơn trước, đôi mắt to đầy lo lắng, tóc cắt ngắn, trên trán gân xanh nổi rõ. Chỉ mặc một chiếc áo màu xám, trước mặt là một tờ báo mở rộng, trong để gói thuốc lá; tay run run, chị ngồi cuốn thuốc.
– Ở đó có cả Emilie Ranxeva, một tù chính trị nữ mà Nekhliudov vẫn cho là một trong những người đáng mến nhất; chị ta trông nom việc ăn, ở và ngay trong những hoàn cảnh cực khổ nhất, chị ta cũng vẫn giữ cho nơi ở có vẻ ấm cúng, hấp dẫn. Chị ta ngồi bên cạnh ngọn đèn; tay áo xắn lên để lộ đôi bàn tay đẹp đẽ, khéo léo, đã rám nắng; chị đương xếp chén cốc lên một chiếc khăn bàn trải trên thảm. Chị Ranxeva còn trẻ, chị không đẹp, nét mặt thông minh, dịu dàng, đặc biệt là khi chị mỉm cười thì vẻ mặt hoá ra tươi tỉnh, lanh lợi và rất đáng yêu. Và lúc nầy với nụ cười đó, chị chào Nekhliudov.
– Thế mà chúng tôi ngỡ là anh đã về hẳn bên Nga rồi, -chị nói.
Ở đó còn có Maria Paplovna, đang ngồi trong một xó tối bận việc gi đó với một đứa con gái nhỏ có mái tóc vàng óng, đứa bé không ngớt thỏ thẻ với cái giọng trẻ con êm ái dễ thương.
– Anh đến thật tốt quá. Anh đã gặp Katiusa chưa? – Maria Paplovna hỏi chàng. – Chúng tôi có cô khách nầy đây nàng nói và chỉ vào đứa con gái nhỏ.
Ở đây có cả Anatoli Krinxov. Người anh dạo nầy gầy rộc đi, nước da tái nhợt, anh ngồi co trên giường, run rẩy, chân đi giầy da, tay khoanh lại, thu lu trong áo; anh ngồi ở cuối phản, đưa cặp mắt đang lên cơn sốt nhìn Nekhliudov. Chàng muốn đi lại gặp anh, nhưng bên phải cửa ra vào có một người đang đeo kính, tóc xoăn màu hung đỏ mình mặc một áo ngoài bằng vải nhựa, đang vừa lục lọi cái gì trong túi vừa nói chuyện với một cô xinh đẹp tên là Grabet. Đó là nhà cách mạng nổi tiếng Novotvorov.
Nekhliudov vội chào. Chàng đặc biệt vội vã chào như thế vì trong tất cả các nhà tù chính trị thuộc đoàn nầy, chỉ có anh nầy là chàng không ưa. Novotvorov nhìn Nekhliudov qua mục kỷnh với đôi mắt xanh lóe sáng và cau mày. Anh ta chìa bàn tay nhỏ nhắn cho Nekhliudov.
– Thế nào, anh đã làm một cuộc du ngoạn thú vị chứ? – Anh ta nói rõ ra vẻ mỉa mai.
– Vâng, có nhiều cái thú vị, – Nekhliudov trả lời, làm ra vẻ không nhận ra gỉọng mỉa mai mà chỉ thấy vẻ lịch sự rồi chàng đi lại gần Krinxov. Tuy bề ngoài Nekhliudov làm ra vẻ bình thản, nhưng thực ra thì hoàn toàn không phải thế. Mấy lời Novotvorov nói để lộ rõ ý định của anh ta muốn nói và làm một điều gì thực chướng khiến cho Nekhliudov mất hẳn tâm trạng ôn hoà thư thái; chàng bỗng thấy ngao ngán trong lòng.
– Sao, anh có mạnh không? – Chàng nói và nắm bàn tay run run và lạnh toát của Krinxov.
– Cũng bình thường, chỉ cái không làm thế nào cho ấm người lên được. Người tôi bị ướt sũng, – Krinxov nói, rồi vội rụt tay thu về ống tay áo. – ở đây rét quá lắm. Kính cửa sổ cũng bị vỡ. – Anh chỉ hai chỗ kính vỡ đằng sau chấn song sắt. – Còn anh thì sao? Sao đã lâu không thấy lại?
– Họ không cho tôi vào, nghiêm ngặt lắm. Mãi hôm nay mới gặp được người sĩ quan tử tế.
– Hừ, tử tế? – Krinxov nói. – Anh hãy hỏi chị Maria xem sáng nay hắn làm gì.
Maria Paplovna vẫn ngồi trong xó kể vọng ra câu chuyện đứa bé sáng hôm nay, lúc ở trạm nghỉ ra đi.
– Tôi nghĩ là nhất thiết ta phải kháng nghị tập thể. – Vera Efemovna nói, giọng kiên quyết; nhưng đồng thời chị vẫn nhìn, lúc người nầy, lúc người khác, vẻ do dự và sợ sệt Vladimir có phản đối, nhưng chưa đủ.
– Kháng nghị cái gì? – Krinxov cau mày giận dữ lẩm bẩm. Vẻ thiếu giản dị, giọng nói trông tự nhiên và sự bồn chồn của Vera làm anh khó chịu từ lâu. – ông tìm Katiusa à? – Anh quay về phía Nekhliudov nói. – Cô ấy làm luôn tay, hết quét dọn phòng đàn ông nầy của chúng tôi bây giờ lại đang quét dọn phòng phụ nữ. Chỉ có bọn chó là không quét hết được. Chúng nó ăn sống chúng tôi đấy. Còn Maria làm gì kia? – Anh hỏi, hất đầu về góc Maria Paplovna ngồi.
– Chị ấy đang chải đầu cho đứa con gái nuôi, – Ranxeva trả lời.
– Không khéo cô để chấy rơi sang chúng tôi đấy! – Krinxov nói.
– Ồ không. Tôi rất cẩn thận. Bây giờ con bé sạch sẽ lắm rồi. Chị trông nó, – Maria nói với Ranxeva, – để tôi lại giúp Katiusa và nhân tiện đem tấm chăn chiên về cho anh ấy.
Ranxeva vừa bế đứa bé vào lòng, áp hai tay bụ bẫm của nó đặt vào ngực mình, âu yếm như một người mẹ; nàng đặt nó lên đầu gối và đưa cho nó một miếng đường.
Khi Maria Paplovna ra khỏi thì có hai người đàn ông mang nước nóng và thức ăn vào.